Ba ngôi, ba tòa, liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng Việt Nam, đang được chúng tôi quan tâm. Ví dụ ở một bài mới nhất về Thánh mẫu Liễu Hạnh, tôi đi đến kết cấu kép ở trung tâm của hệ thần Liễu Hạnh, cũng là chuẩn bị cho những luận giải tiếp theo về ba ngôi, ba tòa (xem lại ở đây).
Để tham khảo, ở dưới là một bài về ba ngôi trong Ki-tô giáo, lấy về từ trang Dòng Tên Việt Nam.
---
Ga 3,16-17
16“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một s, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. 17Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.
Suy niệm
Chủ Nhật hôm nay Giáo Hội trọng thể mừng lễ Chúa Ba Ngôi. “Chúa Ba Ngôi” tuy nghe rất quen thuộc trong Giáo Hội Công giáo, vì đây là mầu nhiệm trung tâm của đức tin Công giáo, nhưng đây quả là một mầu nhiệm thách thức đức tin của người tín hữu không ít.
Trước tiên, làm sao mà hiểu được điều, chỉ một Chúa thôi mà có tới ba ngôi vị. Ba nhưng là một, một nhưng là ba. Nhiều người vẫn lầm tưởng có ba Thiên Chúa. Tuy nhiên nếu có ba Thiên Chúa thì điều đó không còn là khó hiểu, không còn là mầu nhiệm nữa. Theo giáo lý của Giáo hội, chúng ta tin chỉ có một Chúa duy nhất, trong đó Ngôi Cha có nhiệm vụ tạo dựng vũ trụ, Ngôi Con cứu chuộc nhân loại và Ngôi Thánh Thần thánh hoá Hội thánh. Tuy ba ngôi thực hiện ba công trình riêng biệt nhưng hiệp thông với nhau chỉ trong một Thiên Chúa duy nhất.
Người ta có thể dùng nhiều hình ảnh để diễn tả về mầu nhiệm này. Ba ngôi được diễn tả qua hình ảnh phím đàn: ba phím đàn tương ứng với ba nốt nhạc khác nhau nhưng tạo nên chỉ một hợp âm duy nhất. Hình ảnh của mặt trời: mặt trời tượng trưng cho Ngôi Cha, tia sáng của mặt trời tượng trưng cho Ngôi Con và sức nóng của tia sáng là hình ảnh của Ngôi Thánh Thần. Cả ba làm thành một ánh sáng duy nhất của mặt trời. Tuy nhiên, dù hình ảnh gần gủi đến đâu đi nữa thì nó cũng rất giới hạn để diễn tả được mầu nhiệm Ba Ngôi. Tuy là một hợp âm ba phím đàn, nhưng mỗi một phím là một âm có thể hoàn toàn tồn tại độc lập với hai phím kia. Tương quan Ba Ngôi không là như thế, không thể tồn tại độc lập.
Thứ đến, cách nào mà Ba Ngôi vừa có thể trao hiến trọn vẹn vừa nhận lãnh trọn vẹn trong nhau? Ngôi Cha yêu Ngôi Con và Ngôi Con cũng yêu Ngôi Cha cách trọn vẹn trong một Tinh Thần duy nhất. Ngôi Cha trao hiến cho Ngôi con cách hoàn toàn: “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi (Mt 11,27).” “Tất cả những gì con có đều là của Cha, tất cả những gì Cha có đều là của con (Ga 17,10).” Đến lượt mình, Ngôi Con cũng trao hiến cho Cha cách hoàn toàn. Ngài luôn hằng vâng lời Cha (Ga 4,34) và chấp nhận trao luôn mạng sống của mình (Lc 23,46). Ngài không còn giữ lại gì cho chính mình nữa. Tuy nhiên, có nhiều người đã nói, Ngài “bị buộc” trao hiến. Không phải thế, Ngài đã hoàn toàn tự nguyện (Mt 26,40) và đầy lòng yêu mến, để tất cả những gì Ngài làm trở nên một ý nghĩa tròn đầy nhất của việc “dâng hiến”. Ngôi Cha cũng thế, “đến nỗi đã ban Con Một”, Người Con duy nhât ấy là những gì quý giá nhất trong cung lòng của Cha. Vì yêu thế gian nên Ngài đã tự nguyện hiến dâng Con Một để bị nộp trong tay kẻ dữ. Tinh Thần tình yêu là một sợi dây duy nhất kết nối Cha và Con. Tương quan trao hiến và đón nhận của Ba Ngôi là kiểu mẫu lý tưởng của mọi tình yêu trao hiến ở trần gian này. Trao hiến trọn vẹn giữa Ba Ngôi là một tình “điên rồ” mà con người khó tưởng nghĩ được.
Cuối cùng, Ba Ngôi hiệp thông trọn vẹn ra sao? Thuật ngữ mà các nhà tư vấn tâm lý hay sử dụng: “thấu cảm” (empathy) là một từ được rút ra từ tiếng Hy Lạp cỗ (ἐμπάθεια (empatheia)), nghĩa là cảm xúc hay đau khổ bên trong (ἐν (en) = “in, at” + πάθος (pathos) = “passion” or “suffering”), là khả năng để hiểu hay cảm nhận và chia sẻ những gì mà người khác đang kinh nghiệm từ trong “khung trời” của họ; nghĩa là khả năng đặt chính mình trong vị trí của người khác (xem Wikipedia). Đến như thế mà người ta cũng chỉ thấu cảm được cách tương đối mà thôi, vì vẫn có những khác biệt ít nhiều về tâm lý, tình cảm hay văn hoá. Thậm chí, hai người đang yêu vẫn không thể “thấu cảm” trọn vẹn được về nhau. Sự hiệp thông còn có nội hàm rộng hơn nữa, trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Ba Ngôi Thiên Chúa lại hiệp thông với nhau cách trọn vẹn, không có một tỳ vết nào. Đây quả là điều vượt sức hiểu của con người.
Mừng lễ Chúa Ba Ngôi, chúng ta có cơ hội để ca ngợi và tôn vinh mầu nhiệm tình yêu và sự hiệp thông. Tình yêu của Ba Ngôi được tuôn tràn cho nhân loại, làm cho nhân loại được tác sinh và mọi sự trở nên có ý nghĩa. Hướng về Ba Ngôi, chúng ta luôn cảm tạ Chúa về mầu nhiệm khôn ví này, và luôn nỗ lực không ngừng với ơn Người trợ giúp, để ngày càng kết hiệp thâm sâu hơn với Ba Ngôi – là Nguồn hạnh phúc đích thực của nhân loại.
Minh Cao, S.J
http://dongten.net/noidung/69557
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.