Lấy nguyên về từ trang của Học viện Âm nhạc. Trên đó, không đề ngày tháng.
---
Làn điệu hát Văn với đàn Nguyệt
CỒ HUY HÙNG
TÓM TẮT: BÀI VIẾT TRÌNH BÀY MỘT CÁCH KHÁI QUÁT VỀ HỆ THỐNG LÀN ĐIỆU HÁT VĂN
VÀ CÁCH SỬ DỤNG CÁC “NGÓN ĐÀN” NGUYỆT KHI DIỄN TẤU NHỮNG LÀN ĐIỆU NÀY.
TỪ KHÓA: CỒ HUY HÙNG, HÁT VĂN, ĐÀN NGUYỆT
Hát văn (nguồn internet)
Hát Văn - loại nhạc gắn với tín ngưỡng Tứ Phủ của người Việt- có hệ thống bài bản phong phú, hiện vẫn được nhiều người yêu thích. Người ta yêu thích nó bởi những âm điệu của Hát Văn giàu cảm xúc, khi vui tươi, trang trọng; lúc mượt mà, êm dịu. Với tính năng linh hoạt, âm sắc đa dạng, khi đục mềm, sâu lắng, khi rảo hoạt, trang trọng, ròn rã, cây đàn Nguyệt đã tỏ ra rất phù hợp với loại nhạc thiêng này. Để đáp ứng yêu cầu thể hiện các làn điệu Hát văn, các nghệ nhân chơi đàn Nguyệt đã sáng tạo ra những ngón đàn độc đáo, những kỹ năng trình diễn tinh tế. Vì thế, nói đến Hát Văn người ta thường nghĩ ngay đến cây đàn Nguyệt.
Trong bài viết này, chúng tôi tập trung trình bày một cách khái quát nhất về Hệ thống làn điệu Hát văn trong mối liên quan với cây đàn Nguyệt[1].
Hệ thống làn điệu trong Hát văn rất phong phú về số lượng. Xưa nay các nghệ nhân phân chia chúng thành nhóm 4 làn điệu chính: nhóm làn điệu Dọc, nhóm làn điệu Cờn, nhóm làn điệu Xá, nhóm làn điệu Phú. Ngoài ra, còn có sự góp mặt của nhiều điệu nhạc dân gian khác đã được Hát Văn hóa như: Bỏ bộ, Chèo đò, Kiều dương, Thiên thai, Đường trường chim thước… Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đi sâu vào giới thiệu về 4 nhóm làn điệu chính nêu trên.
1.Nhóm làn điệu Dọc
Điệu Dọc được hát theo nhịp đôi. Lời ca theo thể thơ song thất-lục bát và được hát theo nguyên tắc vay - trả nên còn gọi là “Dọc gối hạc”. Nếu hát từng câu lục bát hoặc song thất thì gọi là nhất cú. Nếu hát liền hai câu song thất-lục bát thì gọi là nhị cú. Dọc gồm có 2 loại: Dọc Bắc và Dọc Nam.
- Dọc Bắc: tính chất khúc chiết, đĩnh đạc, thường được hát khi người hầu bóng thay trang phục ngay sau điệu Nâng bóng mở đầu và trong các giá hàng Quan, ông Hoàng, hàng Cậu.
Ví dụ 1: Trích điệu Dọc trong giá Quan Đệ Nhất
Người hát và đàn: Nghệ nhân Lê Bá Cao
Ký âm: Cồ Huy Hùng
Ký âm: Cồ Huy Hùng
Điệu Dọc Bắc được nghệ nhân thể hiện trên thang 5 âm, điệu Thương (Xon Thương) với sự nhấn mạnh của các âm tạo thành trục của điệu gồm: 1 (âm xon), bậc 4 (âm đô), bậc 5 (âm rê)[2] . Trong chuyển động giai điệu, bậc nếu trổ hát dừng ở thanh ngang âm tương ứng sẽ là âm xon 1; còn nếu dừng ở thanh huyền âm tương ứng sẽ là rê 1, trong trường hợp này, đàn Nguyệt sẽ đi tiếp nét nhạc kết để đưa về âm xon (âm gốc của điệu).
Tuy nhiên, trong khi chơi các câu dạo, người chơi đàn Nguyệt có thể tạo thêm âm mới (âm mi) khiến cho âm nhạc vang lên khá độc đáo, hấp dẫn do có sự hòa quyện giữa 2 điệu: Xon Thương với Rê Thương.
Ví dụ 2: Trích câu dạo Dọc Bắc trên đàn Nguyệt
Ví dụ 2: Trích câu dạo Dọc Bắc trên đàn Nguyệt
Người hát và đàn: Nghệ nhân Lê Bá Cao
Ký âm: Cồ Huy Hùng [3]
Ký âm: Cồ Huy Hùng [3]
Khi đàn Nguyệt chơi làn điệu Dọc Bắc đệm cho hát, người chơi phải lên dây đàn theo dây bằng (dây xon-đô, dây quãng 4).
Bên cạnh một số kỹ thuật khá điển hình của đàn Nguyệt như: nhấn, luyến láy, vê, vuốt, song thinh, nhồi chữ đàn, chạy đơn, chạy kép, đảo phách... ngẫu hứng trên nền nhịp phách, trống để tạo tính chất lúc khoan thai, lúc rộn ràng, sôi nổi thì kỹ thuật rung nhanh - ngang đóng vai trò quan trọng trong việc khắc họa tính chất của làn điệu Dọc Bắc. Âm rung ở đây là: la-rê (âm bậc 2 và âm bậc 5 của điệu Xon Thương)
Thang âm của điệu Dọc Bắc với các âm rung như sau:
- Dọc Nam: thường được chơi với tốc độ chậm rãi, thanh thản. Với tính chất buồn man mác, làn điệu Dọc Nam thường xuất hiện trong các giá cô Bơ, cô Chín và các giá ông Hoàng Mười, Hoàng Bẩy, Hoàng Bơ. Tuy đàn Nguyệt vẫn lên theo dây bằng (xon-đô) nhưng giai điệu của Dọc Nam đã chuyển sang thang âm điệu Vũ (Rê Vũ).
Ví dụ 3: Trích giá văn cô Bơ.
Người hát và đàn: Nghệ sĩ Hoàng Tiến Hưng
Ngoài sự khác biệt về thang âm và điệu, giữa Dọc Bắc và Dọc Nam còn khác nhau ở kỹ thuật rung chậm - dọc trên 2 âm: đồ và xon (âm bậc 4 và bậc 7 của thang âm điệu Dọc Nam) thay vì rung nhanh - ngang với âm: rê-la (âm bậc 2 và bậc 5 của thang âm điệu Dọc Bắc). Đặc biệt, nét giai điệu kết trổ của đàn Nguyệt ở cả Dọc Bắc và Dọc Nam tuy đều dừng ở âm xon nhưng với Dọc Bắc là dừng ở âm gốc (bậc 1) không rung tạo ra sự ổn định của điệu; còn ngược lại với Dọc Nam lại không phải là âm gốc mà là âm bậc 4 kết hợp với rung dọc, sâu đã làm nên tính chất buồn, lơ lửng của làn điệu.
Thang âm của điệu Dọc Nam với các âm rung như sau:
2.Nhóm làn điệu Cờn.
Đặc điểm chung của nhóm làn điệu Cờn là tính chất duyên dáng, đượm vẻ buồn man mác, được dùng chủ yếu trong các giá Thánh nữ miền xuôi. Tuy nhiên, trong nhóm cũng có làn điệu mang dáng dấp vui tươi, khỏe khoắn như Cờn Xuân. Thể thơ được sử dụng ở đây là thơ lục bát hoặc song thất lục bát với lối phổ thơ vay trả. Cờn cũng có nhiều loại là: Cờn Bắc, Cờn Nam, Cờn Xuân, Cờn Oán và Cờn Huế.
- Cờn Bắc: tính chất trữ tình, kể lể, tâm sự, giai điệu đẹp, uyển chuyển duyên dáng, thể hiện trên dây lệch (dây quãng 5: pha-đô), bộ gõ đánh theo nhịp chẵn (nhịp đôi). Làn điệu Cờn Bắc là sự kết hợp của 2 điệu: Cung và Thương. Sự kết hợp này được thể hiện rõ ngay trong câu dạo của đàn Nguyệt.
Ví dụ 4: Câu dạo giá văn Cô Bơ
Người hát và đàn: Văn Chung
Nét giai điệu trên là sự kết hợp của điệu Pha Cung với điệu Đô Thương. Khi ở điệu Cung, âm rung sẽ là: pha-đô (bậc 1 và bậc 5); chuyển sang điệu thương âm rung sẽ là âm sib (bậc 4). Thông thường, âm gốc (âm chủ) của điệu mang chức năng ổn định nên được hát thẳng (không rung, luyến) nhưng ở đây âm gốc lại được rung dọc-nhanh nhẹ đã phần nào làm thay đổi tính chất của điệu: từ tính chất vui khỏe của điệu cung đã trở nên thiết tha, mượt mà hơn.
Thang âm của làn điệu Cờn Bắc với các âm rung như sau:
Tuy nhiên, khi vào trổ hát không nhất thiết trổ hát nào cũng sử dụng điệu giống nhau, tùy thuộc vào lời ca, vào sự lồng điệu của cung văn. Chẳng hạn như phần trích dẫn dưới đây đã được cung văn Văn Chung thể hiện trên điệu Pha Cung (pha-xon-la-đô-rê). Giai điệu nhấn vào 2 âm chính tạo thành khung của điệu thức là âm: pha-đô (quãng 5). Ngoài ra, có sự hỗ trợ của âm màu sắc (âm la) đã làm nên màu sắc trong sáng là làn điệu.
Tuy nhiên, khi vào trổ hát không nhất thiết trổ hát nào cũng sử dụng điệu giống nhau, tùy thuộc vào lời ca, vào sự lồng điệu của cung văn. Chẳng hạn như phần trích dẫn dưới đây đã được cung văn Văn Chung thể hiện trên điệu Pha Cung (pha-xon-la-đô-rê). Giai điệu nhấn vào 2 âm chính tạo thành khung của điệu thức là âm: pha-đô (quãng 5). Ngoài ra, có sự hỗ trợ của âm màu sắc (âm la) đã làm nên màu sắc trong sáng là làn điệu.
Ví dụ 5: Trích giá Cô Bơ
Người hát và đàn: Văn Chung
Đến trổ tiếp theo, âm sib xuất hiện ngay từ đầu trổ đã tạo ra âm hưởng mới của điệu Đô Thương (đô-rê-pha-sol-sib), sau đó mới quay về kết ở điệu Pha Cung.
Ví dụ 6: Trích giá Cô Bơ (trổ tiếp theo)
Tính chất duyên dáng, trữ tình với giai điệu mượt mà, thiết tha của làn điệu Cờn Bắc đã khai thác triệt để tính năng và các kỹ thuật của đàn Nguyệt như: song thinh, chạy ngón với cả quãng liền bậc và quãng nhảy (kể cả quãng 7) cùng những câu lưu không, xuyên tâm rất hay làm lay động lòng người.
- Cờn Xuân: thuộc điệu Cung có kết hợp với điệu Thương và sử dụng kỹ thuật rung nhanh nên tính chất tươi sáng gần với Cờn Bắc. Theo một số nghệ nhân thì Cờn Xuân thường chỉ dành riêng cho giá cô Chín (Thánh nữ miền xuôi), nhưng theo nhà nghiên cứu Hồ Hồng Dung (dựa vào tư liệu được lưu giữ tại Viện Âm nhạc) thì: “Cờn Xuân còn được hát trong giá cô Bé (Thánh nữ miền ngược)[4]” . Tuy cùng thang âm điệu thức với Cờn Bắc nhưng bậc rung ở Cờn Bắc với Cờn Xuân lại có sự khác nhau. Trong quá trình sưu tầm, chúng tôi đã ghi lại được các bậc rung ở Cờn Xuân trên thang âm điệu Pha Cung là âm la và rê (bậc 2 và bậc 6) với kỹ thuật rung ngang, nhanh. Như vậy, ngoài sự khác biệt về sự chuyển động của đường nét giai điệu mà một số công trình đề cập đến thì yếu tố rung nhanh hay chậm, rung ngang hay rung dọc và rung trên bậc nào quyết định đến tính chất của mỗi làn điệu.
Ví dụ 7: Trích giá cô Chín.
Người hát: Nghệ nhân Đặng Ngọc Minh
Người đàn: Hoàng Tiến Hưng
Người đàn: Hoàng Tiến Hưng
- Cờn Oán: khác với Cờn Bắc và Cờn Xuân, Cờn Oán được chơi trên dây bằng (dây quãng 4), tốc độ chậm. Thang âm của Cờn Oán khá phức tạp với sự kết hợp của các điệu như: điệu Vũ (trong lưu không); điệu Nam của Huế (có cấu trúc quãng giống với điệu Chủy nhưng có âm bậc 4 già và âm bậc 6 non) trong trổ hát 1và điệu Nam Huế kết hợp với điệu Oán ở trổ 2 đã đem đến cho Cờn Oán tính chất buồn, sâu lắng khá phù hợp với tính cách dịu dàng, phảng phất buồn của các Thánh nữ miền xuôi.
Dựa vào bản ký âm mà chúng tôi ghi lại được do cung văn Hoàng Tiến Hưng đàn thì Cờn Oán sử dụng kỹ thuật rung dọc -sâu trên âm xon hoặc âm rê tùy theo điệu. Chẳng hạn, khi hát hoặc đàn câu lưu không, câu thòng trên điệu Xon Vũ sẽ rung âm rê (âm bậc 5); nhưng khi giai điệu chuyển sang điệu Rê Nam Huế, hay Rê Oán, âm rung sẽ là âm bậc 4 (âm xon). Ngoài ngón rung, người chơi đàn Nguyệt còn sử dụng ngón láy lên quãng 3 thứ (quãng đặc trưng của đàn đáy trong Ca trù).
Ví dụ 8: Trích giá văn ông Hoàng Bảy
Người hát và đàn: Hoàng Tiến Hưng
- Cờn Huế (Cờn Nam): được hát chủ yếu trên thang 5 âm điệu Vũ (Rê Vũ: rê-pha-xon-la-đô) có pha trộn với điệu Nam của Huế (Rê Nam Huế: rê-mi-xon-la-si với âm si non), tốc độ chậm rãi, thanh thản, tính chất buồn man mác và là làn điệu được sử dụng duy nhất trong giá ông Hoàng Mười để khắc họa gốc gác miền Trung của ông. Sự kết hợp giữa điệu Vũ và điệu Nam Huế đã khiến thang âm của bài phong phú gồm đủ 7 bậc: rê-mi-pha-xon-la-si-đô với kỹ thuật rung dọc chậm trên âm xon và đô (âm bậc 4 và bậc 7), kỹ thuật nảy trên âm rê và la (bậc 1 và bậc 5).
Thang âm của Cờn Huế với các bậc rung, nảy như sau:
Ví dụ 9: Trích giá văn ông Hoàng Mười.
Người hát và đàn: Nghệ nhân Thanh Long
Nét nổi bật của giai điệu hát là cho dù trổ hát kết thúc ở thanh ngang hay thanh huyền thì giai điệu cũng đưa đẩy về âm chủ của điệu để tạo cảm giác ổn định, song phần đàn lại lượn về âm bậc 4 với kỹ thuật rung dọc (sâu, chậm) tạo tính chất buồn, tha thiết cho Cờn Nam Huế.
Ví dụ 10: Trích nét giai điệu kết thúc làn điệu Cờn Huế trên đàn Nguyệt
Người hát và đàn: Nghệ nhân Thanh Long
3.Nhóm làn điệu Xá.
Đặc điểm chung của nhóm làn điệu Xá phù hợp với việc khắc họa tính cách của các Thánh nữ miền sơn cước thuộc hàng Chầu bà, hàng Cô và được hát theo nhịp một.
Xá sử dụng thể thơ lục bát-song thất (6-8/7-7) và được phổ theo lối vay trả (trừ điệu Xá Quảng). Xá cũng có nhiều làn điệu, được gọi tên theo âm hưởng của từng làn điệu như: Xá Thượng (mang âm hưởng miền núi phía Bắc), Xá Hạ (âm hưởng gần gũi với vùng đồng bằng), Xá Quảng (có sự ảnh hưởng của hơi Quảng-Trung Quốc), Xá Lửng (âm hưởng có pha trộn với điệu Phú). Ngoài ra, Xá còn được các cung văn gọi tên theo cách lên dây của đàn Nguyệt như: Xá dây bằng (Xá bằng), Xá dây lệch (Xá lệch), Xá dây Tố Lan (Xá Tố Lan)[5] . Bên cạnh những yếu tố chung, mỗi làn điệu Xá đều có sự khác biệt nhất định trong đường nét giai điệu, trong cách thể hiện tốc độ (nhanh-chậm), cách lên dây. Do vậy, khác với các hệ thống làn điệu khác, hệ thống làn điệu Xá có thể đảm nhiệm toàn bộ phần âm nhạc của một giá đồng.
- Xá Thượng: nét nổi bật trong điệu Xá Thượng là có thể bao quát phần âm nhạc trong toàn bộ giá đồng. Vì thế, để phù hợp với tính chất của các nghi thức trong mỗi giá đồng, khi chơi làn điệu Xá phải thay đổi cách lên dây, tốc độ. Cụ thể là:
+ Xá Thượng dây bằng: được dùng khi thanh đồng ngồi thay trang phục nên tốc độ vừa phải, khoan thai. Xá Thượng dây bằng mang âm hưởng của điệu Vũ: Rê Vũ và Xon Vũ. Phần nhạc dạo trên đàn Nguyệt thuộc điệu Xon Vũ để bắt vào câu hát ở điệu Xon Vũ nhưng kết các trổ hát bằng nét nhạc đưa hơi chuyển sang điệu Rê Vũ rồi dừng lại ở âm màu sắc của điệu Xon Vũ (âm sib) rất độc đáo tạo ra sự khác biệt cho điệu Xá Thượng. Âm rung nhanh trên đàn Nguyệt là pha-đô (âm sib rung thêm ở câu dạo hoặc lưu không)
Ví dụ 11: Trích giá chầu Đệ nhị
Người hát và đàn: Hoàng Tiến Hưng
+ Xá Thượng dây lệch: được dùng khá rộng rãi trong các nghi thức dâng hương, khai quang và nhảy múa (múa mồi - Song đăng). Để tạo sự phấn hứng cho thanh đồng và phù hợp với tính chất của lễ thức, làn điệu Xá được thể hiện ở tốc độ nhanh; lời ca dõng dạc với việc khai thác nhịp nội, ít dùng nhịp ngoại (đảo phách); điệu Cung khỏe khoắn với kỹ thuật rung nhanh trên bậc 1 và bậc 5 (pha-đô của điệu Pha Cung) trên đàn Nguyệt. Ngoài kỹ thuật rung nhanh tạo không khí vui tươi, khỏe khoắn, đàn Nguyệt còn sử dụng kỹ thuật vê, kỹ thuật đánh chồng quãng trên 2 dây, trong đó có một dây buông (dây pha).
Ví dụ 12: Trích phần dạo giá văn chầu Đệ Nhị
Người hát và đàn: Hoàng Tiến Hưng
+ Xá ngự dây lệch: Sau khi múa đồng, thánh ngự đồng phán truyền, phát lộc và thưởng thức hát văn. Lúc này các cung văn vẫn dùng làn điệu Xá dây lệch với điệu Cung (Pha Cung) rung nhanh âm pha và đô, nhưng có sự thay đổi tốc độ từ nhanh về vừa phải. Giai điệu khai thác trở lại loại nhịp ngoại và thay đổi nét giai điệu đưa hơi.
* Xá Lửng (còn gọi là Xá Phú): Theo cung văn Hoàng Tiến Hưng - người chơi đàn Nguyệt khá nổi tiếng trong giới Hát văn Hầu ở Hà Nội và theo nhạc sĩ Hồng Thái - người có nhiều đam mê trong lĩnh vực đàn hát và nghiên cứu Hát văn Hầu thì: “Xá lửng là sự kết hợp giữa Xá với Phú”[6] . Như chúng ta đã biết, nhịp chủ đạo của Xá là nhịp một, trong khi nhịp chủ đạo của Phú là nhịp ba (trừ Phú Rầu, Phú Văn Đàn và Phú Dựng là nhịp đôi), thì điệu Xá Lửng mang những đặc điểm về đường nét giai điệu của Xá Thượng dây bằng (thang âm điệu thức Vũ, các bậc rung, âm kết về bậc 3...) nhưng đã khai thác loại nhịp ba của Phú với tốc độ vừa phải, nhịp nhàng, êm đềm thay cho loại nhịp một.
Cung văn Hoàng Tiến Hưng còn cho biết thêm: “Xá Lửng ra đời là để đáp ứng cho việc sử dụng âm điệu Xá trong một số giá đồng hàng Thánh nam, tạo sự phong phú cho âm nhạc Hát văn Hầu”.[7]Ví dụ 13: Trích giá văn quan Đệ tam
Người hát và đàn: Nghệ nhân Thanh Long
- Xá Tố Lan (lên dây quãng 7 thứ: rê-đô1): chỉ được dùng trong giá Chầu Mười, tốc độ vừa phải, giai điệu chuyển động trên thang âm điệu Vũ (Rê Vũ) với kỹ thuật rung dọc-nhanh trên âm pha và đô, tính chất vui vẻ. Ngoài kỹ thuật rung, Xá Tố Lan cũng sử dụng kỹ thuật vê kết hợp với kỹ thuật chạy ngón móc kép có sự hỗ trợ của dây buông (dây rê).
Ví dụ 14: Trích giá văn Chầu Mười
Người hát: NSƯT Khắc Tư
Người đàn: Đặng Công Hưng
Người đàn: Đặng Công Hưng
- Xá Quảng:được chơi trên dây lệch (dây quãng 5: pha-đô). Điệu Xá Quảng có thể sử dụng thơ lục bát hoặc lục bát song thất với kết cấu nhất cú hoặc nhị cú phổ theo lối vay trả. Điệu Xá Quảng mà chúng tôi sưu tầm được do cung văn Hoàng Tiến Hưng hát và đàn trong giá văn Chầu Đệ Nhị có lời ca thuộc thể thơ lục bát với kết cấu nhất cú như sau: 6-8-6. Giai điệu của Xá Quảng chuyển động trên thang 6 âm (đồ-rê-mi-pha-xon-la) với màu sắc chính là điệu Pha Cung (pha-xon-la-đô-rê), rung nhẹ vào 2 âm pha-đô (bậc 1 và bậc 5). Âm mi được dùng trong phần dạo đàn và có mặt trong nét nhạc ngân đuôi của các trổ hát đã góp phần làm nên nét đặc trưng của làn điệu này. Yếu tố Quảng còn khá nổi bật với lối tiến hành giai điệu liền bậc đi xuống với sự có mặt của âm mi, sau đó đi lên đổ về âm chủ (âm pha) với kỹ thuật rung nhanh nhẹ.
4. Nhóm làn điệu Phú
Khác với Xá thường dùng trong các giá nữ thần (trừ Xá Lửng) thì Phú lại có mặt trong cả các giá nam thần và nữ thần. Phú cũng gồm nhiều loại khác nhau như: Phú Nói, Phú Chênh, Phú Bình, Phú Cờn, Phú Rầu, Phú Văn Đàn. Lời thơ chủ yếu là thơ song thất lục bát với cấu trúc nhị cú (7-7/6-8) hoặc nhị cú bán (7-7/6-8/4). Tính chất của nhóm làn điệu Phú khá đa dạng phù hợp với tính cách của mỗi vị Thánh: có thể chững chạc, uy nghi; có thể đĩnh đạc, sâu lắng; có thể duyên dáng, nhẹ nhàng; hoặc buồn, ai oán.
- Phú Nói, được dùng khá phổ biến trong các giá văn hầu hàng quan. Tính chất trang trọng, cao sang, khoan thai, đĩnh đạc phù hợp với các tính cách chững chạc, điềm đạm của các Thánh nam. Phú Nói được thể hiện trên nhịp ba, đàn lên dây bằng, tốc độ chậm. Giai điệu ngâm nga trên thang âm: rê – pha – xon – la – sib – đô – rê – mi với sự kết hợp của 2 điệu: điệu Xon Vũ: xon – sib – đô – rê – pha và điệu Xon Chủy: xon – la – đô – rê – mi Do tính chất ngâm nga, chậm rãi của Phú Nói nên hầu như các âm ngân dài luôn được rung ngang-chậm. Cụ thể âm rung gồm: xon-đô (điệu Xon Vũ) và la-rê (điệu Xon Chủy).
Phú Nói chịu ảnh hưởng của nghệ thuật hát Ca trù ở cách rung hơi hạt, cách ngậm, nhả chữ; trong cách xếp ngón đàn Nguyệt theo quãng 5: đô – xon, rê – la, xon - rê giống cách xếp ở đàn đáy trong Ca trù.
Ví dụ 15: Câu dạo, trích giá Quan Đệ Tam
Người hát và đàn: Nghệ nhân Văn Chung
- Phú Bình: theo như giải thích của các cung văn, trong đó có cung văn Xuân Đậu thì: “Gọi là Phú Bình vì nét giai điệu của nó khá bình ổn, ít lên bổng xuống trầm một cách đột ngột”[8] Phú Bình cũng được hát theo nhịp ba, tốc độ vừa phải, tính chất oai nghiêm dùng cho các giá hàng quan. Giai điệu chuyển động trên điệu Thương (Xon Thương) với việc ngân nga, phân ngắt thể thơ thành những nhóm 2 từ (thơ 6-8) và nhóm 3 từ với 2 từ (thơ 7-7). Đàn Nguyệt lên dây bằng với kỹ thuật rung nhanh trên âm: la-rê.
Ví dụ 16: Trích văn Công đồng
Người hát: Nghệ nhân Đặng Ngọc Minh
Người đàn: Hoàng Tiến Hưng
Người đàn: Hoàng Tiến Hưng
- Phú Chênh: âm điệu rất gần với điệu Hát Nói trong Ca trù với việc nhấn mạnh vào quãng 3 thứ đi xuống (mib-đô) khi đi với thanh sắc và quãng 4 đúng đi xuống (đô-xon) khi ứng với thanh huyền, hay bước nhảy quãng 6 thứ (xon-mib trước khi đổ về đô). Đặc biệt, sự chuyển động của giai điệu trên các thang 4 âm (đồ-mib-xon-la hoặc rê-xon-la-đô) khiến cho điệu không hiện ra một cách rõ ràng tạo cảm giác chênh vênh cho làn điệu Phú Chênh. Phú Chênh được chơi trên dây bằng, nhịp ba, tốc độ chậm vừa, lời ca được nhấn vào từng từ một, ít dùng nhịp ngoại, tính chất man mác và được sử dụng trong các giá quan Đệ Tam và giá ông Hoàng Bảy. Ngón đàn rung ngang-chậm (giống ngón đàn đáy trong Ca trù) trên âm mib-la.
Ví dụ 17: Trích giá ông Hoàng Bảy.
Người hát và đàn: NSƯT Văn Ty
- Phú Cờn: được dùng trong giá nam thần nhưng có dáng dấp thanh tao, mềm mại của vùng sông nước như giá quan Đệ Tam và ông Hoàng bơ.
Phú Cờn là sự kết hợp giữa tính chất sâu lắng của Phú với tính chất mượt mà của Cờn, được thể hiện trên nhịp ba, dây lệch (dây đặc trưng của Cờn), tốc độ vừa phải, điệu thức Cung (Pha Cung), rung dọc nhanh ở âm pha và đô. Trên cơ sở của thang âm điệu Cung, phần đệm của đàn Nguyệt có thể bổ sung thêm các âm mới (âm mi và sib) tạo ra nét chuyển động giai điệu liền bậc.
Ví dụ 18: Trích giá quan Đệ Tam
Người hát: Nghệ nhân Đặng Ngọc Minh
Người đàn: NS Hoàng Tiến Hưng
Người đàn: NS Hoàng Tiến Hưng
Phú Rầu, được dùng riêng cho các giá nữ thần với việc sử dụng nhịp đôi, tốc độ chậm, giai điệu sử dụng nhiều bước nhảy xa trên điệu Vũ (Xon Vũ) khiến Phú Rầu đượm tính chất buồn. Đàn Nguyệt chơi trên dây bằng (Xon - Đô), rung dọc nhanh vào các âm rê, sử dụng ngón láy lên quãng 3 thứ đặc trưng của đàn đáy trong Ca trù. Ngoài các bước nhảy xa vào các âm xon-sib-rê-pha, nét giai điệu đặc trưng của Phú Rầu còn được thể hiện ở nét nhạc ngân đuôi cuối mỗi trổ hát cho dù ca từ kết thúc của trổ nằm ở thanh gì.
Ví dụ 18: Trích giá quan Đệ Tam
Phú Văn Đàn, dùng cho cả Thánh nữ và Thánh nam, đàn Nguyệt đều chơi trên dây bằng. Tuy nhiên, có sự khác biệt trong khi dùng (giá nam thần và giá nữ thần) và tính chất cũng rất khác nhau (trịnh trọng, sâu lắng hay tính chất buồn, duyên dáng) v,v... Cụ thể là:
+ Phú Văn Đàn trong giá nam thần,tính chất trịnh trọng, sâu lắng, giai điệu của Phú Văn Đàn trong giá nam thần được vận động với tốc độ vừa phải, nhịp ba, nhấn vào từng ca từ một khá đĩnh đạc với việc khai thác chủ yếu là nhịp nội, bước đi giai điệu thiên về liền bậc trên sự kết hợp của 2 điệu: Đô Vũ và Xon Thương.
+ Phú Văn Đàn trong giá nữ thần, tính chất buồn, tốc độ chậm rãi, kể lể, nhịp đôi, giai điệu chuyển động trên điệu Xon Vũ với các bước đi cách bậc kết hợp với luyến âm, kết thúc luôn về âm chủ (bậc 1) của điệu thức. Đàn Nguyệt rung dọc nhanh trên âm rê (âm bậc 5).
Ví dụ 20: Trích giá văn Cô Bơ.
Người hát và đàn: Nghệ nhân Văn Chung
Tóm lại, sau khi nghiên cứu bốn nhóm làn điệu Dọc, Cờn, Xá, Phú chúng tôi có thể đưa ra một số nhận xét như sau:
- Bốn nhóm làn điệu Dọc, Cờn, Xá, Phú khá phong phú về làn điệu. Những làn điệu này, bên cạnh những nét chung thể hiện đặc điểm của mỗi nhóm làn điệu, nó còn mang những nét riêng cho từng làn điệu.
- Đàn Nguyệt là cây đàn đệm gắn liền với nghệ thuật hát Văn. Để phù hợp với qui luật gắn phím trên cần đàn và để thuận lợi cho các thế ngón bấm tay trái, bốn nhóm làn điệu trên đã được đàn Nguyệt thể hiện qua 2 cách lên dây chính là dây bằng (dây quãng 4 Đúng) và dây lệch (dây quãng 5 Đúng). Ngoài ra, còn có cách chơi trên dây Tố Lan (dây quãng 7 thứ) nhưng không phổ biến (chỉ có một làn điệu duy nhất chơi trên dây này là Xá Tố Lan). Việc lên dây trên đàn Nguyệt còn liên quan đến việc xác định âm gốc của điệu thức như: âm gốc của điệu thức luôn trùng với âm dây thấp của đàn Nguyệt. Ví dụ: dây bằng của đàn Nguyệt là xon-đô thì âm gốc (chủ âm) của điệu thức sẽ là âm xon (Xon Vũ, Xon Thương... tùy thuộc vào thành phần âm cụ thể vận động trong đường nét giai điệu); dây lệch của đàn Nguyệt là pha-đô thì âm chủ của điệu thức sẽ là pha (Pha Cung, Pha Chủy, Pha Vũ...). Vì thế, việc cung văn hát cao hay thấp không quan trọng, trong tư duy của người chơi đàn, tất cả đều qui về chủ âm pha, chủ âm xon hay chủ âm rê (trường hợp dây Tố Lan: rê-đố), nếu chúng ta ký âm sang các chủ âm khác như: la, mi, hay si ... thì người chơi đàn Nguyệt chắc chắn sẽ rất khó có thể thực hiện được hoặc nói đúng hơn là không thể thực hiện được.
- Ngoài giai điệu hát, phần nhạc đệm của đàn Nguyệt gồm có các dạng câu nhạc như: câu nhạc dạo đầu, câu thòng (câu xuyên tâm), câu nhạc lưu không. Mỗi dạng đều có đặc điểm và chức năng riêng, trong đó câu dạo mang chức năng mở đầu và có đặc điểm khá dài với sự hội tụ âm hưởng chung của làn điệu (thang âm, điệu thức; âm rung cùng kỹ thuật rung; ngón đàn đặc trưng…). Đôi khi, các câu dạo lại có thành phần âm phong phú hơn trổ hát như trường hợp của các làn điệu Dọc Bắc, Phú Cờn. Câu thòng là nét nhạc láy lại âm thanh cuối cùng của nét giai điệu hát, nét nhạc đó phụ thuộc vào thế tay hiện tại. Câu lưu không mang chức năng kết nối các trổ hát với nhau và thường có cùng chất liệu với câu dạo nhưng có thể rút ngắn hơn.
Người chơi đàn Nguyệt trong hát Văn nhất thiết phải hiểu và nắm vững qui luật của các lối chuyển động giai điệu này để áp dụng vào thực tiễn. Ngoài ra, khi đệm cho hát, tùy theo tính chất của từng làn điệu mà người chơi có thể họa cùng với giai điệu hát, bỏ nốt hay thêm nốt để nâng đỡ giọng hát .
Hát văn (nguồn internet)
[1] Khi làm việc với các cung văn chơi đàn nguyệt, tôi nhận thấy họ đều dùng thuật ngữ “ngón đàn” để chỉ các vấn đề liên quan đến kỹ thuật tay trái, tay phải cũng như cách thực hiện các câu dạo, câu thòng hay đệm cho hát Văn. Vì thế, trong bài viết này chúng tôi cũng dùng thuật ngữ “ngón đàn” để chỉ các vấn đề trên, liên quan đến các yêu cầu cần phải có đối với người chơi đàn nguyệt khi tham gia vào loại hình nghệ thuật này.
[2] Bậc ở đây được quan niệm theo quãng cách so với âm đầu tiên của thang âm chứ không theo thứ tự các âm trong thang âm như quan niệm thông thường
[3] Các ví dụ tiếp theo chúng tôi chỉ ghi tên người ký âm khi không phải do tác giả Cồ Huy Hùng thực hiện.
[4] Hồ Hồng Dung “Bốn nhóm làn điệu chính trong Hát văn Hầu” chuyên đề 2 – Tiến sĩ, trang 9
[4] Hồ Hồng Dung “Bốn nhóm làn điệu chính trong Hát văn Hầu” chuyên đề 2 – Tiến sĩ, trang 9
[5] Phỏng vấn cung văn Văn Ty, Hồng Thái ngày 20, 21 tháng 12 năm 2014 tại nhà riêng
[6] Phỏng vấn cung văn Hoàng Tiến Hưng ngày 15/ 11/2014 tại Học viện Âm nhạc quốc gia VN.
[7] Phỏng vấn cung văn Hoàng Tiến Hưng ngày 15/ 11/2014 tại Học viện Âm nhạc quốc gia VN.
[8] Phỏng vấn cung văn Xuân Đậu ngày 10/10/2014 tại nhà riêng ở Thái Bình.
[7] Phỏng vấn cung văn Hoàng Tiến Hưng ngày 15/ 11/2014 tại Học viện Âm nhạc quốc gia VN.
[8] Phỏng vấn cung văn Xuân Đậu ngày 10/10/2014 tại nhà riêng ở Thái Bình.
http://www.vienamnhac.vn/bai-viet/nhac-co/lan-%C4%91ieu-hat-van-voi-%C4%91an-nguyet
VIỆN ÂM NHẠC VIỆT NAM
Khu CC2 - Mễ Trì - Đô Thị mới Mỹ Đình Hà Nội
Điện thoại: (84-4) 3.7854880-3. 7875341
Fax: 84-4-3.7854881
Khu CC2 - Mễ Trì - Đô Thị mới Mỹ Đình Hà Nội
Điện thoại: (84-4) 3.7854880-3. 7875341
Fax: 84-4-3.7854881
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.