Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

28/05/2017

Văn nghệ Thứ Bảy : tập thơ vừa bị tuýt còi của Trần Nhuận Minh, có gì lạ

"Bài thứ nhất, "Những điều ấy": Yêu ai thì bịa cho họ lắm điều hay/ Ghét ai thì vu cho họ nhiều lầm lỗi/ Tôi nhận ra những điều ấy trong sách giáo khoa/ Dạy các thế hệ trẻ con về sự trung thực...
Bài thứ hai, "Lúc ấy": Một học sinh lớp 12 đuổi đâm thầy giáo/ Anh chạy theo can/ Và bất ngờ bị đâm thủng ngực/ Lúc ấy trên truyền hình đang có cuộc mít tinh/ Ca ngợi nền giáo dục của chúng ta vô cùng ưu việt! " (những câu thơ trong tập thơ đã được trao giải của Trần Nhuận Minh, theo Lê Thiếu Nhơn ở mục 2)

Nhà thơ Trần Nhuận Minh là anh trai ruột của nhà thơ Trần Đăng Khoa.


Ở dưới đây là lấy về từ các nơi.



---






1. Tin chính thức

Đình chỉ cuốn “Thành phố dịu dàng” của tác giả Trần Nhuận Minh

SÁCH | 16:00 Thứ Sáu ngày 26/05/2017
(HNMO) - Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT) vừa có văn bản đình chỉ phát hành cuốn sách “Thành phố dịu dàng” của tác giả Trần Nhuận Minh do NXB Hội Nhà văn phát hành.



Tập thơ “Thành phố dịu dàng” của Trần Nhuận Minh đã đoạt giải nhất Giải thưởng Văn nghệ Hạ Long lần thứ VIII của tỉnh Quảng Ninh.

Trong văn bản của Cục Xuất bản, In và Phát hành nêu rõ, qua kiểm tra lưu chiểu cuốn sách “Thành phố dịu dàng” của tác giả Trần Nhuận Minh, có hai bài thơ là “Lúc ấy…” và “Những điều ấy…” có những câu mang tính chủ quan, không phù hợp. Vì vậy, Cục yêu cầu nhà xuất bản đình chỉ phát hành cuốn sách để chỉnh sửa hai bài thơ đã nêu.
T.Minh
http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/sach/869801/dinh-chi-cuon-thanh-pho-diu-dang-cua-tac-gia-tran-nhuan-minh





2. Phân tích của Lê Thiếu Nhơn

Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2017



Cục trưởng Cục Xuất bản - In- Phát hành vừa ký quyết định thu hồi tập thơ "Thành phố dịu dàng" của Trần Nhuận Minh. Nghe tin mà không nhịn được cười. Tập thơ "Thành phố dịu dàng" in từ tháng 11-2015, mà bây giờ mới phát hiện sai phạm để đi gom lại sửa chữa hai bài thơ gây dư luận xấu!
Tập thơ "Thành phố dịu dàng" vừa được _Giải A của Giải thưởng văn học nghệ thuật Hạ Long, do tỉnh Quảng Ninh trao tặng. Vì được giải A, nên tập thơ mới được đọc kỹ lưỡng hơn, và phát hiện hai bài thơ có "vấn đề".
Bài thứ nhất, "Những điều ấy": Yêu ai thì bịa cho họ lắm điều hay/ Ghét ai thì vu cho họ nhiều lầm lỗi/ Tôi nhận ra những điều ấy trong sách giáo khoa/ Dạy các thế hệ trẻ con về sự trung thực...
Bài thứ hai, "Lúc ấy": Một học sinh lớp 12 đuổi đâm thầy giáo/ Anh chạy theo can/ Và bất ngờ bị đâm thủng ngực/ Lúc ấy trên truyền hình đang có cuộc mít tinh/ Ca ngợi nền giáo dục của chúng ta vô cùng ưu việt!
Hai bài thơ này cùng một phương pháp: dùng lối viết tương phản, cắt dán hai hình ảnh/ sự kiện trái ngược để đặt cạnh nhau nhằm bày tỏ nỗi day dứt thế sự. Tuy nhiên, chính sự vụng về cả về kỹ thuật lẫn ngôn ngữ, mà sức biểu cảm cần thiết của thi ca rất thấp. Thậm chí, đánh giá cho sòng phẳng, đó chỉ là hai đoản khúc tấu nói có tính gây hấn!
Thu hồi một tập thơ xoàng như "Thành phố dịu dàng", không khéo lại trở thành đề cao quá mức. Tuy nhiên, từ cơ sở bị thu hồi, có thể bị kiến nghị rút lại giải thưởng!
Nếu "Thành phố dịu dàng" không được trao giải A, thì cũng chả ai thèm đếm xỉa đến nó, và Cục Xuất bản - In - Phát hành cũng chẳng biết để thu hồi.
Vì vậy, câu chuyện của "Thành phố dịu dàng" là câu chuyện giải thưởng. Trần Nhuận Minh là một nhà thơ có tên tuổi trên văn đàn, không chỉ vì ông là anh ruột của thi sĩ thần đồng Trần Đăng Khoa, mà ông cũng đã được trao Giải thưởng Nhà Nước. Danh vọng như thế, phải biết hài lòng, sao lại dùng một tập thơ xoàng xĩnh để chen chân giành một cái giải địa phương cho đồng nghiệp tức giận lên tiếng bỉ bai! Và kết quả là bị thu hồi!
Khổ thân ông Trần Nhuận Minh! Sống ở đời, biết đủ và biết dừng, xem chừng không đơn giản. Cỡ như ông, muốn nhận thêm sự xưng tụng, thì phải ráng viết những câu thơ có tầm vóc như ông từng viết "Luôn lo xa, hoạ vẫn cứ đến gần/ Kẻ hiểm ác thường có khuôn mặt đẹp/ Ngọn lưỡi ngọt như dao thì sợ hơn dao/ Trí khôn bây giờ nằm trong các hầu bao".
Thôi, nhanh tay đem "Thành phố dịu dàng" nộp cho cơ quan chức năng đi, ông Trần Nhuận Minh! Coi như bài học ở tuổi xế chiều!

                                  LTN
http://lethieunhoncom.blogspot.com/2017/05/mot-tap-tho-vua-oat-giai-bi-thu-hoi.html



3. Một phân tích khác (tư liệu cũ từ 2009)


Đời sống văn hóa

Họ nhà…đạo

11:30 31/03/2009


LTS: Trong một số trường hợp, vấn đề thế nào là đạo văn hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau (như vô tình trùng hợp ý tưởng, hoặc ảnh hưởng có tính sáng tạo). Bởi vậy, bài viết sau đây xin được xem là ý kiến riêng của nhà thơ Đặng Huy Giang. Chúng tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc như một kênh tham khảo.






























































































































Đặng Huy Giang
http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/Ho-nha%E2%80%A6dao-326528/








"
HỌ NHÀ… ĐẠO!

ĐẶNG HUY GIANG

Trên báo Văn nghệ số 7 ra ngày 14/2/2009, tác giả Đặng Khánh Cường có bài "Một bài thơ Việt được dịch từ một bài thơ tiếng Việt" chỉ rõ: Tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã đạo một bài thơ của nhà thơ Nguyễn Thị Đạo Tĩnh.
Để "nói có sách mách có chứng", Đặng Khánh Cường đã trích 2 đoạn thơ để độc giả có điều kiện đối chứng. Và Đặng Khánh Cường kết luận: "Nếu ví bài thơ "Khúc hát tháng ba" của Nguyễn Thị Đạo Tĩnh như một ngôi nhà, thì Nguyễn Ngọc Hưng đã chủ tâm dỡ ngôi nhà này ra, dùng tay nghề dựng thành một ngôi nhà khác.
Nhưng tiếc thay từ cột, kèo, đòn tay, cửa chính, cửa sổ… còn nguyên dấu tích của ngôi nhà cũ, chứng tỏ tác giả này không vô tình một chút nào khi biến cái của người khác thành cái của mình".
Kể ra, việc làm của Nguyễn Ngọc Hưng chưa... cao tay. Chỉ trong năm 2008 và 2009, chí ít tôi cũng tìm ra được hai bài thơ của hai nhà thơ đã "mượn" một cách lộ liễu điển xưa tích cũ vốn đã rất nổi tiếng và rất sâu sắc. Để minh chứng cho nhận định này, chúng tôi xin dẫn ra dưới đây để bạn đọc cùng suy xét.
Đây là bài thơ "Đêm" của nhà thơ Tô Nhuần đã đăng trên Tạp chí Nhà văn vào khoảng giữa năm 2008:
Đêm

Gặp người đi đường

Tay xách đèn soi bước đi chậm trễ

Lại gần

Mới biết

Đó là người hỏng mắt

Buột miệng
Tôi hỏi:
- Tại sao dùng đèn?
Người cười:
- Để người sáng mắt
Khỏi va vào bóng đêm.
Bài thơ này, theo tôi là được "phiên ngang", rút ngắn và nói theo chuyện "Giáo lý tối thượng" (trích từ "Giai thoại thiền", NXB Thuận Hóa - 1999):
 "Thời xưa ở Nhật, người ta thường dùng những chiếc đèn lồng sườn tre phất  giấy trong có gắn đèn sáp. Một đêm nọ, một người mù tới thăm bạn. Khi về, người bạn biếu một đèn lồng để soi đường đi. Anh ta nói:
- Tôi không cần đèn. Đối với tôi, tối và sáng cũng như nhau.
Người bạn đáp:
- Tôi biết anh không cần đèn để soi đường, nhưng nếu anh không cầm một cái, người khác có thể chạy đụng vào anh đó. Anh nên cầm một cái.
Người mù ra về với một chiếc đèn lồng. Anh ta đã đi khá xa, một người chạy đụng vào anh ta.
 - Coi kìa, anh đi đâu vậy? - Anh ta than phiền với người lạ - Bộ anh không thấy đèn của tôi sao?
 Người lạ đáp:
- Đèn sáp của anh tắt queo rồi, anh ơi!".
Còn đây là bài thơ "Khi cô gái ném đứa con..." của nhà thơ Trần Nhuận Minh đã đăng trên Tạp chí Thơ số 2 năm 2009:
Khi cô con gái ném đứa con vừa sinh vào lòng thiền sư

"Đây là con ông, ông hãy nuôi nó!"

"Thế à?" - Thiền sư chỉ nói vậy thôi và nâng đứa bé trên tay…

Khi đứa bé lớn lên thành một chàng trai

Có người đàn ông đến đòi con: "Tôi mới là bố nó!"

"Thế à?" - Thiền sư chỉ nói vậy thôi và đứng nhìn theo

Cho đến khi hai cha con người kia khuất vào trong xóm ngõ…
Bài thơ này, theo tôi cũng là được phiên ngang, rút ngắn và nói theo chuyện "Thế à?" (cũng trích từ "Giai thoại thiền" của Viên Đức, NXB Thuận Hóa -1999):
"Thiền sư Haikuin được những người chung quanh ca tụng là người sống trong sạch. Một gia đình người Nhật có một tiệm bán thực phẩm gần nơi Hakuin ở.
Họ có một cô con gái xinh đẹp. Bất ngờ, một hôm cha mẹ cô gái khám phá ra cô có thai.
 Việc này làm cha mẹ cô gái nổi giận. Cô gái không chịu thú nhận người đàn ông cô chung đụng là ai, nhưng sau bao nhiêu là phiền phức, cuối cùng lại là tên Hakuin.
Phẫn nộ vô cùng, cha mẹ cô gái đến ngay vị thầy này. Hakuin chỉ thốt lên vẻn vẹn hai tiếng: "Thế à?" rồi thôi.
Sau khi đứa bé sinh ra, nó được mang tới trao cho Hakuin. Lúc đó, Hakuin đã mất hết danh dự, nhưng việc này không làm Hakuin buồn. Hakuin săn sóc đứa bé rất tử tế. Hakuin xin sữa của những bà mẹ hàng xóm và những đồ dùng cần thiết cho đứa bé.
Một năm sau, cô gái không còn chịu đựng được nữa. Nàng nói sự thật với cha mẹ nàng rằng: Người cha thật sự của đứa bé không phải là Hakuin mà là một thanh niên bán cá ngoài chợ.
 Lập tức, cha mẹ cô gái đến ngay Hakuin xin Hakuin tha lỗi và xin đứa bé về.
Hakuin ưng thuận. Khi trao lại đứa bé, Hakuin cũng chỉ thốt hai tiếng:
 - Thế à?".
Giá như hai nhà thơ khi viết hai bài thơ trên chỉ cần ghi thêm mấy  chữ: “Theo Giai thoại thiền", chắc hẳn đã không có bài báo này. Nhưng nếu họ làm thế thì làm gì có... "họ nhà... đạo" nữa nhỉ?




Nguồn: Văn Nghệ Công An
"
http://lethieunhoncom.blogspot.com/2017/05/ao-tho-cung-co-bay-co-nhom-co-tang-co.html







---

BỔ SUNG

.


4.

Thu hồi và hủy tập thơ 'Thành phố dịu dàng'

13/06/2017 17:24 GMT+7
TTO - Nhà văn Nguyễn Quang Thiều - giám đốc kiêm tổng biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã có quyết định 'thu hồi và hủy tập thơ Thành phố dịu dàng xuất bản năm 2015'.

Thu hồi và hủy tập thơ 'Thành phố dịu dàng'
Tập thơ “Thành phố dịu dàng” - Ảnh: KMS
Đây là tập thơ xuất bản năm 2015, gồm 48 bài của nhà thơ Trần Nhuận Minh đã được UBND tỉnh Quảng Ninh ra quyết định trao giải nhất giải thưởng văn nghệ Hạ Long lần thứ 8 nhưng vấp phải ý kiến trái chiều của dư luận.
Vì vậy, Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và truyền thông) đã ra văn bản yêu cầu đình chỉ phát hành tập thơ này.
Trong công văn gửi cục Xuất bản, In và Phát hành, ông Nguyễn Quang Thiều nêu rõ:
“Nhà xuất bản Hội Nhà văn đồng ý với nhận định của cục Xuất bản, In và Phát hành: “Tập thơ là những hồi tưởng về quá khứ, miêu tả cuộc sống, số phận con người với sự đôn hậu, chân thành, xen lẫn day dứt, xót xa của tác giả. Tuy nhiên, 2 bài thơ Lúc ấy... và Những điều ấy... có cách viết mang tính chủ quan, không hợp lý”.
Ads by AdAsia
Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã làm việc với biên tập viên và tác giả để rút kinh nghiệm trong công tác biên tập, cuối cùng “đi đến quyết định thu hồi và hủy tập thơ Thành phố dịu dàng xuất bản năm 2015 và xin in lại tập thơ sau khi loại bỏ hai bài thơ nói trên”, công văn nêu rõ.
Trước những thông tin trái chiều của dư luận về tập thơ Thành phố dịu dàng, nhà thơ Trần Nhuận Minh cũng đã có đơn xin rút khỏi giải thưởng văn nghệ Hạ Long lần thứ 8. Hội VHNT Quảng Ninh đang hoàn chỉnh văn bản báo cáo, trình UBND tỉnh Quảng Ninh ra quyết định không trao giải thưởng cho tác phẩm này.
http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/van-hoc-sach/20170613/thu-hoi-va-huy-tap-tho-thanh-pho-diu-dang/1330998.html




3.


Tác giả tập thơ 'Thành phố dịu dàng' lên tiếng

TP - Ngày 25/5, Cục trưởng Xuất bản, In và Phát hành kí công văn gửi NXB Hội Nhà văn về tập thơ Thành phố dịu dàng trong đó viết: “Tập thơ là những hồi tưởng về quá khứ, miêu tả cuộc sống, số phận với sự đôn hậu, chân thành xen lẫn day dứt xót xa.
Nhà thơ Trần Nhuận Minh.Nhà thơ Trần Nhuận Minh.
Tuy nhiên qua kiểm tra lưu chiểu, Cục phát hiện hai bài thơ Lúc ấy và Những điều ấy có cách viết chủ quan, không phù hợp”. Cục đề nghị NXB đình chỉ phát hành cuốn sách để chỉnh sửa hai bài trên. Như vậy sách của tôi bị “đình chỉ phát hành để sửa chữa hai bài thơ”, không phải bị thu hồi như nhiều trang mạng thông tin.
Tôi, Trần Nhuận Minh có chút chia sẻ với bạn đọc về vụ việc quanh tập thơ của mình:
Trước hết, tập thơ in năm 2015, sau gần 2 năm không còn sách, nên  “đình chỉ phát hành” là không khả thi.
Thứ hai, nhận xét tập thơ trong công văn của Cục là rất phải chăng, việc đánh giá tập thơ về tổng thể như vậy là rất đúng. Tôi xin cảm ơn.
Thứ ba, với tinh thần cầu thị, tôi xin nói rõ thêm về hai bài thơ này.
Bài thứ nhất:
NHỮNG ĐIỀU ẤY...
Yêu ai thì bịa cho họ lắm điều hay
Ghét ai thì vu cho họ nhiều lầm lỗi
Tôi nhận ra những điều ấy trong sách giáo khoa
Dạy các thế hệ trẻ con về sự trung thực…
Bài thơ này tôi viết trong tình huống đang viết báo về một số tướng lĩnh thuộc dòng họ tôi ở thời Trần được thờ phụng ở hai tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh, tập hợp trong cuốn Thời gian lên tiếng. Tôi xin nói là tôi chỉ quan tâm đến thời Trần và chỉ hai nơi này mà thôi. Ngay Nam Định và Thái Bình, quê gốc họ Trần, tôi cũng chưa bao giờ đụng đến. Hai nơi đó ở xa tôi, không làm tôi “bức xúc”, khi các phương tiện thông tin đại chúng trong lễ hội và cả sách giáo khoa luôn sáng tác thêm cho các vị ấy.Ví  như ghi Trần Quốc Tảng đóng quân ở Cửa Ông, từ Cửa Ông đánh ngược nước ở ngoài hàng cọc Bạch Đằng vào trận Bạch Đằng, năm 1288, rồi ông chết, theo thuyền thuyết dân gian là ở làng Trắc Châu huyện Thanh Lâm (Hải Dương) thì lại ghi làng Trắc Châu huyện Thanh Lâm nay là phường Cẩm Phú, Cẩm Phả.
“Những điều ấy” tồn tại đã vài chục năm trong các loại sách “dùng trong nhà trường” mà tôi ghi một tên chung là “sách giáo khoa”. Nghĩ lại cách gọi này, đúng là “chủ quan và không phù hợp”. Gần đây sách lại ghi Trần Quốc Tảng đánh chìm đoàn thuyền lương Trương Văn Hổ trên biển Vân Đồn, mà bất cứ ai cũng biết đó là điều “bịa tạc”.
Rồi Trần Quốc Nghiễn, theo tôi biết chả liên quan gì đến Quảng Ninh thì ghi là ông được phong đất ở Hòn Gai bây giờ và đã chết ở đây. Những cuộc tế lễ rất oai nghiêm và các cuộc rước rất linh đình dọc nhiều tuyến đường trước đông đảo dân phố.
Tôi rất ủng hộ việc thờ phụng và các lễ hội, chỉ không ủng hộ khi bịa thêm cho các vị ấy. Rồi Trần Hưng Đạo phải về tận nhà Trương Hán Siêu ở Ninh Bình để hỏi kế đánh giặc và được ghi là Trương Hán Siêu đã mách  cho Trần Hưng Đạo kế làm vườn không nhà trống, thành ra mưu lược thiên tài của Trần Hưng Đạo mà ta vẫn học té  ra là của Trương Hán Siêu.
“Những điều ấy” và tương tự như thế  nhiều không kể xiết, tôi gọi là “sử thổ phỉ ”, ví với “than thổ phỉ”, mà những năm 80 của thế kỉ trước, Thủ tướng phải về tận nơi mới dẹp được.
Tác giả tập thơ 'Thành phố dịu dàng' lên tiếng ảnh 1Bìa tập thơ “Thành phố dịu dàng” xôn xao dư luận tuần trước.
Trong mục “Ý kiến nhà văn” đăng báo Văn Nghệ gần đây, tôi có đề nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc can thiệp để chấm dứt tình trạng này. “Những điều ấy” được tôi viết tiếp tường tận hơn trong cuốn Đi tìm sự thật  vừa phát hành. Cũng vẫn về các tướng lĩnh nhà Trần ấy mà thôi.
Tôi luôn bị ám ảnh bởi “những điều ấy” và suốt hơn 20 năm nay, với tất cả lòng chân thành và học hỏi, tôi luôn chứng minh nó không hề có thật. “ Những điều ấy” tôi đã nói, viết, đăng báo in sách nhiều lần và  được nhiều người ủng hộ, trong đó có các trí thức tên tuổi. Tôi đang muốn đi đến tận cùng điều đang theo đuổi này và đã trình bày trong lần gặp Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh.
Trong cuốn Đi tìm sự thật  vừa ra, tôi còn in luôn cả thư tôi gửi Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về “ những điều ấy” với 10 hạng mục in chữ đậm, từ trang 259 đến 261. Việc đang được tiến hành và tôi tin mình đúng (ít nhất “cơ bản là đúng”), và mình là người có công phát hiện cho Đảng bộ Quảng Ninh và Đảng bộ Hải Dương, hai quê hương sống và chết của tôi, về “những điều ấy”.  Chứ tôi đâu có ý định viết, đặt lại vấn đề giá trị lịch sử cách mạng từ trước đến nay như ai đó nhầm tưởng.
Bài thứ hai:                                              
LÚC ẤY...
Một học sinh lớp 12 đuổi đâm thầy giáo
Anh chạy theo can và bất ngờ bị đâm thủng ngực
Lúc ấy trên truyền hình đang có cuộc mít tinh
Ca ngợi nền giáo dục của chúng ta vô cùng ưu việt...
Bài thơ này tôi “ghi tại chỗ” như một nét nhật kí phóng viên. Vốn là nhà giáo tôi vô cùng đau lòng. Thực ra bên cạnh rất nhiều thành tựu của ngành giáo dục thì những việc xấu, buồn còn lớn hơn thế nhiều, được báo chí và truyền hình phản ánh.
Thứ tư, về sáng tác, tôi theo phương pháp truyền thống trong cả ý tưởng và kết cấu nghệ thuật. Để lạ hóa, tôi học cách “cắt dán” của thơ hiện đại phương Tây, “cắt” cái thật đen của hiện thực này, “dán” vào bên cạnh cái thật trắng của ý tưởng kia, để làm nổi bật tính cảnh báo của vấn đề. Cả hai bài thơ trên đều thực hiện theo cách này, và  trong trường hợp này, có lẽ tôi đã không thành công. Còn nhận xét của Cục xuất bản về hai bài thơ này là một cách nhìn nhận và đánh giá tôi rất trân trọng nhưng chỉ là một cách hiểu trong nhiều cách hiểu của bạn đọc mà thôi.
Thứ năm, về phép ứng xử, tôi rất thiếu kinh nghiệm. 15 năm nay tôi không dự giải Văn nghệ Hạ Long (5 năm xét một lần) của UBND tỉnh Quảng Ninh. Giải này do chính tôi khởi xướng từ 1975 và vì thế được thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Việc không tham gia giải, có anh em bảo tôi kiêu ngạo vì đã được Giải thưởng Nhà nước đợt 2 trao năm 2007 nên không thèm “chung” với anh em. Đã thế, lần này bà vợ tôi, một tác giả địa phương cũng dự giải Văn nghệ Hạ Long. Gần 50 tập thơ dự qua ba vòng chấm, chọn được nhiều nhất 9 tập, thì hai tập là của hai chúng tôi. Điều đó, dù có hợp lí cũng không hợp tình. Một số anh em không có giải rất không vui, ý kiến này nọ, tôi đã đề nghị xin rút nhưng đồng chí có trách nhiệm bảo như thế là không nên. Dẫn đến “phản ứng” càng mạnh. Bản thân tôi không hề bực bội hay nói năng bất cứ câu gì, chỉ lặng lẽ lắng nghe và cho là lỗi đầu tiên ở mình, khi có thành tựu có thể nói là cao và tuổi đã già mà còn “dại”.
http://www.tienphong.vn/van-nghe/tac-gia-tap-tho-thanh-pho-diu-dang-len-tieng-1154851.tpo




2.





Trao đổi với nhà thơ Trần Nhuận Minh về cuốn sách "Thời gian lên tiếng"

Thứ Hai, 27/03/2017, 10:40 [GMT+7]
.

Vừa rồi, tình cờ tôi có dịp đọc cuốn “Thời gian lên tiếng” của tác giả- nhà thơ Trần Nhuận Minh. Sách do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn phát hành năm 2015). Quả thật, càng đọc càng thấy cần phải mạnh dạn trao đổi với tác giả tập sách.
 Trang bìa tập sách.
Trang bìa tập sách.
Có thể thấy, trong cuốn sách, các bài viết nhà thơ Trần Nhuận Minh đưa ra những đánh giá “rất Trần Nhuận Minh” nhưng quy tụ lại tác giả muốn lật lại những vấn đề lịch sử đã được định hình từ hàng trăm, hàng nghìn năm. Lật lại những vấn đề lịch sử đã được định hình thật cần thiết. Lịch sử luôn tồn tại khách quan ngoài ý chí của người hậu thế. Lịch sử càng chính xác càng cổ vũ lớp lớp người Việt hăng hái “viết tiếp” những trang sử mới.
Ở Việt Nam, trong lịch sử, cũng như đương đại các nhà thơ nhà văn ngoài xuất bản thơ văn còn có tiểu luận, phê bình bếp núc của thơ văn. Rất ít nhà thơ nhà văn viết tiểu luận về lịch sử dân tộc. Chúng tôi đồng ý với nhà thơ Trần Nhuận Minh khi ông đề cập những vấn đề lịch sử đã thừa nhận là sai nhưng một số tác giả vẫn giữ quan điểm không chịu sửa. Những cái đó rất đơn lẻ, không nên phủ định tất cả. Có những vấn đề từ truyền thuyết dân gian nay đã có căn cứ khoa học để chứng minh như: Trống đồng Đông Sơn, trống đồng Ngọc Lũ, trống đồng Quảng Chính… Đó là những tư liệu khoa học không cần bàn cãi.
Vị trí, giá trị lịch sử đã có kết luận của cơ quan chuyên môn, vì thế, muốn lật lại lịch sử phải dày công tìm kiếm chứng cứ. Các bài viết cho thấy Trần Nhuận Minh đọc nhiều, khảo cứu nhiều. Những cuốn sách tác giả dẫn có lẽ chỉ nhà thơ Trần Nhuận Minh mới có. Thi thoảng có một số sách ở thư viện tỉnh. Tuy vậy, tư liệu nhà thơ Trần Nhuận Minh đưa ra vẫn chưa đủ sức thuyết phục. Tôi hiểu Trần Nhuận Minh xếp in bài “Giáo sư viện sỹ Vũ Tuyên Hoàng một ý nghĩ vượt thời gian” vào cuốn sách là có ngụ ý. Lấy câu chuyện của giáo sư để khẳng định 20 bài viết lật lại lịch sử ở trên chỉ có nhà thơ Trần Nhuận Minh biết và phán xét mới đúng, dù chỉ là lẻ loi, thiểu số. Việc này tôi thấy tác giả quá tự tin và cách đặt vấn đề cũng “rất Trần Nhuận Minh”.
Đọc“Thời gian lên tiếng”, thấy tác giả phê phán Đại Việt sử ký toàn thư -bộ chính sử đầu tiên của nước ta. Ngô Thì Sĩ, người biên soạn bộ sách đã thừa nhận: “Hiếm vì sử sách ghi chép thiếu thốn, công việc đều theo truyền văn, lời lẽ quái đản, việc hoặc quên hoặc sót, đến nỗi sao chép sai lầm, ghi chép lẫn lộn…” (Sách “Việt Nam văn học sử yếu” của Dương Quảng Hàm, xuất bản năm 1951 trang 27). Phê phán cái mà người làm sách đã thừa nhận, theo tôi, là không cần thiết.
Phê phán Xuân Diệu (1916 – 1985), nhà thơ Trần Nhuận Minh khẳng định: Tác phẩm “Bà chúa thơ Nôm” của Xuân Diệu “sẽ sụp đổ”. Theo tác giả,  “Bà chúa thơ Nôm”  của Xuân Diệu là không có cơ sở khoa học, dứt khoát sẽ tự sụp đổ, chỉ có sớm hay muộn mà thôi. Như ta đã biết, Xuân Diệu viết tiểu luận “Bà chúa thơ Nôm” từ 1958 đến 1980, đã bổ sung sửa chữa 4 lần. Năm 1982, Nhà xuất bản Văn học in các nhà thơ cổ điển Việt Nam, bài “Hồ Xuân Hương bà chúa thơ Nôm” in đầu sách. Từ đó đến nay, chưa thấy ai phản bác trừ Trần Nhuận Minh. Ở trang 42, tác giả cả quyết như vậy đến trang 45 tác giả “Thời gian lên tiếng” lại viết “Xuân Diệu nói với tôi (“tôi” ở đây là nhà thơ Trần Nhuận Minh) giọng rất bực dọc, tôi nhớ vô cùng chính xác và tôi chịu trách nhiệm về sự chính xác này (đây là lần thứ 2 tác giả Trần Nhuận Minh nói đến 2 từ “chính xác”) khi lần đầu tiên công bố ra đây “có một Hồ Xuân Hương giả mà cả thế giới nó sợ thật, lại không sướng hay sao. Lại còn tìm ra với tìm vào”. Đọc đoạn này tôi cứ nghĩ nhà thơ Trần Nhuận Minh nói chưa chính xác.
Những dòng nhà thơ Trần Nhuận Minh in đậm để nhấn mạnh lời Xuân Diệu “giọng rất bực dọc” nếu Xuân Diệu “rất bực dọc” chắc chắn không có lời lẽ như tác giả sách trích dẫn. Thứ hai khẩu ngữ trong đoạn tác giả “Thời gian lên tiếng” tôi cho đó không phải là khẩu ngữ của Xuân Diệu. Trong các bài nói, bài viết không thấy khẩu khí như Trần Nhuận Minh gán cho ông. Tôi trích một đoạn của Xuân Diệu trong bài “Hồ Xuân Hương bà chúa thơ Nôm”: “Hồ Xuân Hương không chịu an phận đàn bà một chút nào hết, Xuân Hương không chịu thua, chịu lép vế người đàn ông nào, mà thi thoảng còn xưng đàn chị với họ…”
Về chuyện Trần Cảnh dâng bộ sách “Minh nông chiếm phủ” đến vua Lê Hiển Tông, nhà thơ Trần Nhuận Minh cho biết: “Tôi đọc “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” mới biết điều đó”. Tôi tìm đọc “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” do NXB Giáo dục in năm 1998 tập 2 từ trang 598 đến 602 không thấy sự kiện này. Không biết NXB Giáo dục có in sót hay không. Riêng việc khôi phục chức vụ cho Trần Cảnh (trang 601) ghi rõ lời Trần Cảnh nói về thưởng phạt việc sai phái dân phu không thấy nói đến Trần Cảnh dâng sách.
Sách “Thời gian lên tiếng” còn nhiều việc phải bàn nhưng bài viết đã dài, lần sau chúng tôi xin bàn tiếp cùng nhà thơ Trần Nhuận Minh.
Bích Loan (CTV)

http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/201703/trao-doi-voi-nha-tho-tran-nhuan-minh-ve-cuon-sach-thoi-gian-len-tieng-2336551/




















1.




"Tinh tuyển thơ Trần Nhuận Minh" ra mắt tại Bắc Kinh


Chủ Nhật, 04/01/2015, 16:17 [GMT+7]
.
Cuối năm 2014, “Tinh tuyển thơ Trần Nhuận Minh” đã được dịch và xuất bản bằng tiếng Trung tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Nhân dịp này, nhà văn Cao Năm đã có cuộc trò chuyện cởi mở với nhà thơ Trần Nhuận Minh...
- Xin chia sẻ niềm vui khi biết “Tinh tuyển thơ Trần Nhuận Minh” vừa được một nhà xuất bản danh tiếng của Trung Quốc ấn hành bằng tiếng Trung. Mối duyên nào đã đưa thơ anh đến với bạn đọc Trung Hoa?
+ Bài thơ đầu tiên của tôi đến với bạn đọc Trung Hoa là do một kỹ sư hàng hải tàu viễn dương Trung Hoa đến lấy than ở Hòn Gai cách đây khá lâu rồi. Không biết bằng cách nào ông có được bài thơ “Chơi thuyền trên Vịnh Hạ Long” của tôi bằng tiếng Anh khi ông vào nghỉ tại Bãi Cháy. Ông rất thích bài thơ đó và đã dịch ra tiếng Trung đăng trên một tờ báo ở thành phố Thiên Tân, quê hương ông. Ông nói sẽ mang tờ báo sang tặng tôi trong chuyến tàu sau, khi ông liên hệ được với tôi qua phiên dịch của Công ty hoa tiêu có trụ sở cạnh nhà tôi. Thế nhưng, sau đó ít lâu tôi được tin là ông đã mất cùng thuỷ đoàn khi tàu bị chìm do bất ngờ gặp bão lớn ở Biển Đông. Đối với tôi, đây là một ấn tượng rất khó quên.
Về phần tôi, từ năm lên 10, tôi đã thuộc Truyện Kiều và cụ Nguyễn Du của Việt Nam đã đưa tôi đi khắp nước Trung Hoa bằng thi phẩm kiệt xuất của mình. Vì thế, tôi rất thích thơ Đường, đặc biệt là thơ Đỗ Phủ mà cụ Nguyễn Du từng tôn làm “Thiên cổ sư” (thầy muôn đời). Và nguyện vọng của tôi đã được thực hiện, khi tôi đi thăm và sáng tác ở Trung Quốc do Hội Quốc Liên Trung Hoa mời trong đoàn của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam. Đến nay, đây vẫn là chùm thơ tôi ưng ý nhất trong số thơ tôi viết ở nước ngoài. Rồi tôi được Trung tâm Nghiên cứu Quốc học mời dự và đọc tham luận về thơ Đỗ Phủ, nhân kỷ niệm 1.300 năm sinh của Thi hào. Tại đây, nhà thơ, Giám đốc Trung tâm, GSTS Mai Quốc Liên đã giới thiệu tôi là một nhà thơ có nhiều ảnh hưởng của thơ Đỗ Phủ và vì thế, bản tham luận của tôi rất được các nhà nghiên cứu, các GSTS Trung Quốc chú ý; đặc biệt là GSTS Phùng Trọng Bình. Chính ông là một trong ba người (và là người quan trọng nhất), dịch thơ tôi ra tiếng Trung từ bản tiếng Anh đã xuất bản, có tham khảo bản tiếng Việt từ một cộng sự của ông. Tập thơ này do Nhà xuất bản Phát thanh Truyền hình Trung ương Trung Quốc biên tập và in ấn…
Thơ:
Có thể...
Có thể chỉ gặp nhau một lần
Rồi sẽ xa nhau mãi mãi
Sao lại làm tổn thương tinh thần của nhau
Để nỗi ân hận theo ta xuống đến tận đáy mồ
Để nỗi xót xa cũng theo ta xuống đến tận đáy mồ...
Đứng trước chùa Đồng
Nào biết đã bao lâu, ta tự đánh mất mình
Ta lưu lạc ở trong ta, mà ta không hề biết
Thấy trăng tròn lại nói là trăng khuyết
Tên tuổi ngoại lai thay hồn vía cha ông...
Chùa Đồng Yên Tử. Ảnh: Trần Minh
Chùa Đồng Yên Tử. Ảnh: Trần Minh
Chợt tỉnh mộng trăm năm, khi đứng trước chùa Đồng
Chả phân biệt thần tiên hay quỷ sứ
Chỉ nghe tiếng chuông mà nhận ra Yên Tử
Ta tìm đến đất Phật ở lưng trời,
                             để ta thành chính bản thân ta...
Trần Nhuận Minh
- Anh đã có thông tin gì về những đánh giá của Nhà xuất bản hoặc dịch giả, nhà phê bình và bạn đọc Trung Quốc về tập thơ chưa?
+ Sách mới ra, chưa thể có ý kiến gì. Mở đầu sách là bài viết rất công phu, có thể nói là một công trình nghiên cứu của GSTS Phùng Trọng Bình (có sự cộng tác của Thạc sĩ Dương Hạ Nguyệt) in đến 35 trang ở đầu sách, có tên là “Giá trị nghệ thuật thơ Trần Nhuận Minh”. Ông viết rằng: Đọc thơ tôi, ông bị cuốn hút và bị ám ảnh đến mức đêm ngủ cũng không yên và ông quyết tâm đưa thơ tôi đến với nhiều người đọc và bản dịch này ông đã phải “nâng lên hạ xuống” nhiều lần. Xin dẫn một đoạn ông viết ở đầu sách: “Thơ Trần Nhuận Minh, với con mắt quan sát khác biệt, ý tưởng độc đáo, bút pháp tinh tuý và phong cách biệt lập, đã diễn tả thành công cuộc sinh tồn, đấu tranh và tìm ngẫm của dân tộc Việt Nam. Thể hiện cá tính rõ nét và khác lạ, thơ ông đã đạt đến đỉnh cao của giá trị thẩm mỹ và nghệ thuật, có lực hấp dẫn, lôi cuốn…”. Mới đây, ông có điện thoại cho biết, tập thơ đã có mặt ở hầu hết các trường đại học xã hội và nhân văn trên đất nước Trung Hoa và được coi là một trong số những tác phẩm tham khảo để giảng dạy và học tập về Văn học Việt Nam…
- Anh có nhận xét gì về khâu biên tập, trình bày v.v.. của Nhà xuất bản đối với cuốn “Tinh tuyển thơ Trần Nhuận Minh”? Và liệu sau cuốn này, họ có dự kiến chuyển ngữ và in sách văn học Việt Nam sang tiếng Trung cuốn nào tiếp theo?
+ Có thể nói, họ làm sách rất bài bản, có lớp lang, trình tự khoa học chặt chẽ. In và làm bìa cùng ma két rất sang trọng, nhưng rất giản dị. Thấy rõ có hai cái khác mình. Một là đánh số trang theo cụm bài. Như phần “Tiền ngôn” (Lời nói đầu), đánh số riêng từ trang 1 đến trang 2, trong khi trước đó đã có 2 trang tên sách và trang quản lý. Phần nghiên cứu đánh số từ trang 1 đến trang 35. Phần thơ dịch tiếp theo đánh số trang 1, đến trang 168 (tức là trang 49 đến trang 216 của cuốn sách)... Thành ra mở sách mà xem số trang ở cuối sách là 168, nhưng cộng từ đầu đến hết là 216. Tôi thấy cách đánh số thẳng một lèo của mình hay hơn, dễ theo dõi. Hai là họ in bài thơ nọ đuổi theo bài thơ kia theo truyền thống in thơ từ thời cổ của Trung Quốc, không như ta, chỉ có 2 câu cũng 1 trang. Nhà xuất bản đề bìa, tên sách là “Trần Nhuận Minh, thi ca tinh tuyển tập”, phần thơ dịch gồm 163 bài trong đó có trích 2 đoạn “Trường ca Đá Cháy” (thực ra là 3) và 3 bài thơ văn xuôi. Tất cả các bài đều xếp theo thứ tự thời gian, từ năm 1960 đến năm 2012, tương ứng với bài nghiên cứu ở đầu sách là nhìn nhận và đánh giá thơ tôi trong cả một quá trình. Giá bán là 38 tệ, ở các hiệu sách do Nhà xuất bản quản lý hoặc có liên hệ, lần lượt ghi địa chỉ để bạn đọc tìm mua ở cuối sách...
Đó là nói về cuốn sách của tôi; còn sắp tới có tập sách văn học nào của Việt Nam được dịch ra tiếng Trung tiếp theo thì tôi không biết. Xưa nay dịch văn xuôi ra tiếng Trung do người Trung Quốc làm đã khó, dịch và in thơ còn khó hơn rất nhiều, vì người ta e sẽ ít người mua…
- Cảm ơn nhà thơ Trần Nhuận Minh.

Nhà văn Cao Năm (thực hiện)
http://www.baoquangninh.com.vn/van-hoa/201501/tinh-tuyen-tho-tran-nhuan-minh-ra-mat-tai-bac-kinh-2255215/
.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.