Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

26/05/2017

cô Mão, vị nữ thành hoàng của phố sách Đinh Lễ, vừa ra đi


Tin từ các nơi.

---






Ngày đăng: 26/05/2017

Người phụ nữ đã dành cả đời mình gắn bó với sách vở được gọi là ‘nữ thành hoàng’ của phố sách Đinh Lễ, người đã đánh cược cả sự nghiệp và gia sản để vay tiền làm sách, rồi được sách trả ân 500 cây vàng, giờ đây đã đến một thế giới khác.
Phố Đinh Lễ từ lâu đã trở thành ‘thiên đường’ của văn hoá đọc Hà Nội, là mảnh đất vàng cho các nhà xuất bản. Nhắc đến sách, người Hà Nội sẽ nghĩ ngay đến con phố nhỏ nằm gần bờ Hồ, phố ngắn thôi nhưng phải đến hàng chục, hàng trăm hiệu sách san sát nhau, tấp nập rộn rã.
Mà đâu chỉ mua bán sách, đó là một chốn văn hóa để người ta trò chuyện, mạn đàm về những quyển sách vừa xuất bản, những ấn phẩm xưa quý hiếm. Người bán sách như những pho từ điển sống về sách, am tường từng chút như thể từng trang, từng cuốn đã thấm thía vào hồn họ; người mua sách cũng đến phố, không phải chỉ để thỏa cuộc bán mua, mà như được trải mình trong một không gian văn hóa và tri thức.



Không gian văn hóa tấp nập ấy, một nét duyên trong lòng phố ấy, được khởi đầu từ chiếc xe đẩy chứa hai chục cuốn sách của vợ chồng ông Lê Luy, bà Phạm Thị Mão bên chân tháp Hoà Phong. Năm 1990, ông Lê Luy về hưu. Đồng lương ít ỏi cùng gánh nặng chăm sóc đứa con nhỏ khiến ông xoay sở mưu sinh, đạp xe khắp nơi để bán bánh kẹo. Nhiều người là học trò cũ thấy thầy giáo đạp xe đi bán hàng mà không cầm được nước mắt.
Ngay sau đó, vợ ông – bà Phạm Thị Mão cũng rời tổng công ty phát hành sách về nghỉ hưu. Có sẵn kinh nghiệm chọn sách và các mối quan hệ trong nghề, ông bà quyết định mượn hàng xóm chiếc xe đẩy và bắt đầu nghề mới: bán dạo sách bên tháp Hoà Phong.

Bà Mão - người được mệnh danh là 'nữ thành hoàng' của phố sách.
Bà Mão – người được mệnh danh là ‘nữ thành hoàng’ của phố sách.

Về sau, do mối quen biết sẵn có, ông được ngồi bán sách bên chiếc bàn nhỏ sát bờ tường Bưu điện Hà Nội. Cửa hàng chỉ có vài chục quyển nhưng bán đắt như tôm tươi. Vốn nhỏ, khách mua nhiều nên có khi cả ngày bà Mão phải chạy vắt chân lên cổ, chạy đi chạy lại mấy lần để nhập sách về bán thêm.
Vật lộn suốt ba năm, ông bà mua được căn gác hai tại ngôi nhà số 5, phố Đinh Lễ sau khi bán căn nhà cũ ở Ngũ Xã để mở tiệm sách. Hiệu sách nhỏ lại nằm sâu trong ngõ, nên ông vẫn phải ngồi ở vỉa hè để giới thiệu cho khách quen dần. Khi đó cả phố chỉ có quầy hàng của bà và 2 cửa hàng sách tư nhân đầu tiên của Hà Nội. Chỉ với một chiếc bàn nhỏ và mấy chục đầu sách nhưng cửa hàng bà bán sách ‘chạy’ ngang với 2 cửa hàng lớn kia nhờ có giá ‘mềm’ và sách hay.



Khi khách đã quen, tiếng lành đồn xa, cửa hàng sách của ông bà đông như trẩy hội ở con phố khá vắng vẻ xưa nay. Buổi tối, ông bà lại trải chiếu xuống vỉa hè Đinh Lễ bán sách. Nhiều người khác thấy vậy cũng mang chiếu sách về đây ngày càng đông, biến Đinh Lễ trở thành ‘phố sách đêm’ nhộn nhịp nhất Hà Nội. Đến những năm 2000 – 2001, không được bán sách ở vỉa hè nữa, người kinh doanh mới thuê cửa hàng để bán. Phố sách Đinh Lễ ra đời từ đó.
Cơ duyên với tri thức nhân loại không chỉ khiến bà Mão ‘khai sinh’ ra phố sách độc đáo nhất Hà Nội, mà còn là sự thẩm định, tìm kiếm sách hay, chất lượng để bán ở phố cũng như giới thiệu với độc giả. Ở đâu có sách hay, sách tốt, bà Mão đều đặt mua cho kỳ được, thậm chí đi nước ngoài để săn sách hay. Có những cuốn dù biết làm sẽ lỗ, nhưng vì sách hay, kiến thức cần thiết cho người đọc, ông Luy, bà Mão vẫn quyết làm. Hơn 20 năm, không chỉ là người bán sách, chọn sách, ông bà còn thực hiện biên dịch và xuất bản được hơn 500 đầu sách.



Cuốn sách nổi tiếng nhất gắn bó với tên tuổi bà Mão, cuốn sách thần kỳ đã mang đến cho ông bà cơ ngơi bạc tỷ đó là cuốn Almanach – những nền văn minh thế giới. Với độ dày 2000 trang, được biên soạn bởi hàng chục tác giả lớn trên thế giới, cuốn sách ‘Almanach – những nền văn minh thế giới’ là một kho tàng trí tuệ lớn về nhiều mặt. Tuy nhiên, sự đồ sộ và giá thành quá cao của nó làm cho không có nhà xuất bản nào dám nhận in. Nhận thấy giá trị vô giá của cuốn sách, ông bà quyết định đi vay 35 triệu đồng – tương đương 10 cây vàng thời điểm đó để xin giấy phép phát hành và đặt in.

Cuốn sách 'thần' đã đem về cho bà Mão 500 cây vàng. (Ảnh: Vũ Thúy Hoa)
Cuốn sách ‘thần’ đã đem về cho bà Mão 500 cây vàng. (Ảnh: Vũ Thúy Hoa)

Kể từ lần đặt in đầu tiên cho đến suốt 5 năm liền (từ 1995-2000), cứ in 22.000 cuốn Almanach về đến cổng là bán hết sạch. Nhờ cuốn sách ‘thần’ ấy mà ông bà Mão đã mua được thêm gian nhà liền kề, rồi thêm 5 gian còn lại, là 6 gian nhà như hiện nay. Bà Mão từng chia sẻ, mỗi mét vuông sàn, bà mua với giá 1 cây vàng, giá mỗi cây vàng khi đó khoảng 5 triệu đồng, lượng tiền mặt dùng để mua trọn 200m2 nhà khoảng 1 tỷ đồng. Còn lợi nhuận mà cuốn sách mang lại trong suốt 5 năm phải lên đến cỡ 2-3 tỷ đồng, quy ra vàng thời đó tương đương 500 cây vàng.
Và cứ thế, bà Mão miệt mài sống với nghề sách, làm sách, bán sách trên phố Đinh Lễ, chẳng dời con ngõ số 5 Đinh Lễ đã gắn bó với cả cuộc đời sự nghiệp của mình, sau cả những lần bị tai biến. Để rồi sáng nay, cư dân trong phố bàng hoàng nghe tin, bà Mão đã bỏ lại mọi mơ ước trần gian, bỏ cả nghề sách để đi sang một bờ cõi khác.

Bà đã bỏ lại trần gian, bỏ cả bao ấp ủ còn dang dở... (Ảnh: Vũ Thúy Hoa)
Bà đã bỏ lại trần gian, bỏ cả bao ấp ủ còn dang dở… (Ảnh: Vũ Thúy Hoa)

Sáng nay, chị Vũ Thúy Hoa, một chủ tiệm sách nổi tiếng trên phố Đinh Lễ cảm tác viết: ‘Thế là cái ghế này từ này không còn bà ngồi, làng sách mất đi một người làm sách tiên phong, ưu tú. Phố Đinh Lễ mất bà, người khởi sinh phố sách Đinh Lễ -Nguyễn Xí.
Gần ba chục năm kể từ ngày vợ chồng bà mua căn nhà bé xíu, đẩy chiếc xe sắt ra bán sách ở Bờ Hồ rồi cuốn sách Almanach ra đời năm 1996 như một quả bom tấn báo hiệu sự khai sinh và phát triển rực rỡ của các nhà sách, công ty sách tư nhân, đến nay, ông bà đã làm chủ sáu căn nhà trong tập thể số 5. Công cuộc làm sách của bà đang tiến bước thì không may bà bị tai biến, gắng gượng và quyết chiến đấu cho tới lần thứ hai bà vẫn không rời trận địa. Mọi người ai cũng xót xa mong bà nghỉ sớm, còn tôi, tôi hiểu lắm, như tôi bà cũng là một người lính, đã ra trận là chiến đấu, chiến cho tới hơi thở cuối cùng.

Chiếc ghế mà bà Mão vẫn thường ngồi, giờ trơ lại hư không... (Ảnh: Vũ Thúy Hoa)
Chiếc ghế mà bà Mão vẫn thường ngồi, giờ trơ lại hư không… (Ảnh: Vũ Thúy Hoa)

Dương thế bộn bề, có lẽ đi về miền đất mới, bà lại kiến thiết thêm một phố sách, phố sách bình yên. Cảm ơn bà, chúc bà lên đường nhận nhiệm vụ mới và cả ở dưới ấy nữa mãi mãi mọi người nhắc đến bà một người yêu sách hơn cả bản thân mình… Vĩnh biệt bà’.
Nghẹn ngào trước thông tin trên, những người yêu sách và từng gặp, trò chuyện với bà Mão đã gửi lời chia buồn, chia tay đến ‘nữ thành hoàng’ của phố sách Đinh Lễ. Nhưng cũng như chị Hoa, họ tin, ở thế giới khác, bà Mão sẽ vẫn yêu sách như thế, sẽ kiến tạo một không gian văn hóa, tri thức như thế, để nối tiếp những sự án còn dang dở ở thế giới bên này…
Theo Phong Linh/Trí thức trẻ (Ttvn.vn)
http://hanoiiplus.com/nu-thanh-hoang-cua-pho-dinh-le-nguoi-lam-1-cuon-sach-ra-500-cay-vang-da-tam-biet-gian/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.