Có một cuốn sách mới ra của học giả Tạ Đức, về chủ đề trống đồng Đông Sơn.
Bây giờ, bác Tạ đưa tóm tắt về 12 điểm chính của cuốn sách.
Mình còn chưa có sách, nên đưa tạm về đây lưu trước.
Mình còn chưa có sách, nên đưa tạm về đây lưu trước.
Nhưng đọc nhanh một lượt thì thấy đã khá choáng với các chứng minh của tác giả ! Ví dụ, ở luận điểm 1, tác giả cho Việt Vương làm vua Kẻ Chợ, thì chịu, riêng tôi, không hiểu. Vấn đề lịch sử mà toàn là suy luận thế sao ?
---
Với nhiều người Việt hiện nay, trống đồng Đông Sơn, như một biểu tượng của lịch sử và văn hóa Việt Nam, là một tên gọi quen thuộc với những hình ảnh gần gũi hàng ngày, nhưng nguồn gốc của nó vẫn là một điều bí ẩn, và với các học giả trên thế giới, từng là một vấn đề nhạy cảm gây tranh cãi .
Cuốn sách mới của tôi: Nguồn gốc và sự phát triển của trống đồng Đông Sơn (Nxb Tri Thức và Nhà sách Song Thủy xuất bản 2017) là kết quả của một quá trình nghiên cứu lâu dài nhằm khám phá bí ẩn đó.
Cuốn sách có 668 trang, gồm 2 phần, 33 Chương. Phần I: Nguồn gốc và sự phát triển của trống đồng Đông Sơn; Phần II: Nguồn gốc và sự phát triển của các biểu tượng trên trống đồng Đông Sơn.
Dựa trên nhiều tư liệu cũ-mới, nhưng với một cách tiếp cận mới, cuốn sách đưa ra nhiều luận điểm hay cách lý giải mới, trong đó, có 12 luận điểm then chốt, cũng có thể coi là 12 kết luận, tạo thành phần hồn và cốt của cuốn sách. Trong 12 luận điểm đó, có những luận điểm hoàn toàn mới (các như luận điểm 1, 2, 4, 5, 6, 7, 9) và có những luận điểm cũ, tức đã từng tồn tại, nhưng sau bị phản bác, phủ nhận ( như các luận điểm 3, 8, 10, 11, 12) nhưng được tôi tái khẳng định bằng những bằng chứng và cách tiếp cận mới.
12 luận điểm đó cũng có thể coi là những phản biện đối với những quan điểm hiện đang phổ biến hoặc đang có ảnh hưởng nhất định với giới học giả trong- ngoài nước cũng như với những người muốn hiểu biết về lịch sử trống đồng Đông Sơn, lịch sử văn hóa và tín ngưỡng Việt Nam.
Tự giới thiệu 12 luận điểm đó trong bài viết dành riêng cho Tạp chí Văn hóa Nghệ An này, tác giả hi vọng giúp cho những ai chưa có cơ hội đọc cuốn sách hiểu được phần nào nội dung sách, mặt khác, hi vọng gợi ra những ý kiến trao đổi, phản biện trên vanhoanghean.com.vn với tinh thần khoa học và khai phóng trên cơ sở những luận cứ, dẫn chứng cụ thể, trực tiếp trong sách.
Luận điểm 1: An Dương Vương (trị vì 207-179 TCN) là người đã cho đúc và ban phát trống đồng như một biểu tượng của vương quyền và thần quyền Bách Việt.Cao Lỗ, người chế tác “nỏ thần” cũng là người lo việc đúc trống. Trống đồng Âu Lạc hay Lạc Việt, sau gọi là trống đồng Đông Sơn, thực chất là một thành quả chung của văn minh Bách Việt, một đỉnh cao của văn hóa Lạc Việt.
Luận điểm này khác với luận điểm hiện phổ biến cho rằng trống Đông Sơn là trống của các vua Hùng tạo ra.
Cụ thể, cố GS Phạm Huy Thông, trong một bài viết trên tạp chí Khảo cổ học số 14, năm 1974 xác định: “trống đồng Đông Sơn của các vua Hùng” đã “xuất hiện ít ra 25 thế kỷ nay”. [1]
Cố GS Trần Quốc Vượng, trong một bài viết năm 1974, kết nối các biểu tượng chính trên trống Ngọc Lũ với các truyền thuyết Mẹ Âu Cơ, Sơn Tinh-Thủy Tinh đã đặt câu hỏi:
Phải chăng chủ nhân trống đồng loại I (tức trống Heger I hay trống Đông Sơn) thuộc về tập đoàn Núi, nhóm dân tộc lấy biểu trưng là Chim-Hươu-Lửa-Nắng hạn thuộc triều đại Mặt trời và vẫn theo dòng Mẹ”?...Sự thịnh đạt của việc thờ Thần Mặt trời trên phạm vi toàn thế giới…gắn liền với sự xuất hiện của những ông vua đầu tiên. Và những vua đầu tiên thì đều là những “vua-phù thủy”…
Xin lưu ý đến một câu của Đại Việt sử lược:” Đời Trang Vương nhà Chu (696-682 TCN) ở bộ Gia Ninh có một dị nhân dùng ảo thuật áp phục các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương”.
Gần đây hơn, nhà khảo cổ học Trịnh Sinh, trong cuốn Hà Nội thời Hùng Vương-An Dương Vương (2010) đưa ra các luận cứ khác:
Chiếc trống có kích thước to và hoa văn đẹp cũng đã tìm được ngay trong lòng đất ở chân núi đến Hùng. Có khả năng các vị thủ lĩnh cao nhất thời Hùng Vương đã từng sở hữu nhiều trống đồng và sau đó ban phát đi các nơi khác nên khu vực tương truyền là kinh đô của các vua Hùng ít phát hiện ta trống đồng…Có lẽ người nắm vững được bí mật của hợp kim của nghề luyện đồng là người có “ảo thuật” áp phục các bộ lạc..
Quan niệm trống đồng Đông Sơn ra đời thời các Vua Hùng hiện được phổ biến trên nhiều sách báo và trang mạng Việt Nam.
Trong cuốn sách, luận điểm An Dương Vương là người cho đúc và ban phát trống đồng xuất phát trực tiếp từ áng mo Đẻ khâu” hay “Sự tích trống đồng” trong Sử thi Đẻ Đất Đẻ Nước của người Mường (Trương Sĩ Hùng-Bùi Thiện 1995), trong đó kể chuyện vua Dịt Dàng đã cho đúc và ban phát trống đồng.
Dịt Dàng chính là một phiên âm trong tiếng Mường của Yit Yang=Việt Vương, một tên gọi khác của An Dương Vương. Theo Đào Duy Anh (1957): thành Cổ Loa được ghi trong các sách địa chí thời Tấn, Đường, Tống là “Việt Vương thành”. Điều này cũng phù hợp với việc Mo Mường Hòa Bình (2010) kể Dịt Dàng là “vua đất Kinh kỳ Kẻ Chợ” đã cho người đi chặt cây chu đồng về “dựng nhà ở đất Kinh kỳ Kẻ Chợ”, với việc Quách Điều (1925), một quan lang Mường ở Hòa Bình khẳng định: vị vua đã đem quân đi chặt cây chu đồng có bông thau quả thiếc ( một ẩn dụ cho việc khai thác đồng, thiếc) ở đất Mường Ai, Mường Ống (Thanh Hóa) chính là vua Thục An Dương Vương…
Điều sử thi và truyền thuyết Mường ghi nhận đó đã được sự ủng hộ mạnh mẽ của một hệ thống các bằng chứng sử học- khảo cổ học- dân tộc học và ngôn ngữ học khác cho thấy An Dương Vương, với tư cách vị thủ lĩnh từng lãnh đạo thắng lợi cuộc kháng chiến chống Tần của liên minh Bách Việt; với vai trò vua nước Âu Lạc hùng mạnh ở vùng đồng bằng sông Hồng; với mối quan hệ họ hàng hay liên minh với hoàng tộc Điền, Dạ Lang, Tây Âu… là người duy nhất có đủ điều kiện để đúc và ban phát trống đồng như một biểu tượng cho vương quyền và thần quyền Bách Việt.
Những yếu tố gốc Thục trong hoa văn trống đồng (đặc biệt, hình đàn chim bay quanh mặt trời vốn là biểu tượng cho Bà Tổ Chim-mặt trời của người Bách Việt, sau trở thành biểu trưng cho hoàng tộc Khai Minh-tổ tiên An Dương Vương); hình “mặt trời Đông Sơn” trên đầu ngói thành Cổ Loa; việc tìm được những trống cổ và đẹp nhất như Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Cổ Loa ở các vùng đất quanh thành; việc vùng Thanh-Nghệ, nơi di tản, tị nạn của hoàng tộc Âu Lạc cũng là nơi có nhiều di tích và trống đồng Đông Sơn nhất, nơi có đền thờ thần trống đồng sớm nhất… tất cả đều khẳng định mối liên hệ lịch sử giữa An Dương Vương và trống đồng Đông Sơn … Tiếp đó, gốc Thục hay Tạng-Miến của từ đản khâu chỉ trống đồng trong tiếng Mường; cách đánh trống đồng nguyên thủy theo kiểu giã cối được thể hiện trên những trống sớm như Ngọc Lũ, Hoàng Hạ sau chỉ thấy ở người Mường; các yếu tố văn hóa Thục và Đông Sơn trong văn hóa Mường…đã khẳng định các suy đoán của học giả Pháp Goloubew (1936) rằng “một bộ phận người Đông Sơn đã hòa nhập vào người Mường” và kết luận của nhà dân tộc học số 1 Việt Nam Trần Từ (1996):”Người Mường là một trong những tộc người giữ được nhiều phẩm chất Đông Sơn nhất”. Đó chính là nền tảng hay cốt lõi lịch sử của áng mo về sự tích trống đồng trong sử thi Mường.
Trong khi đó, trống Hi Cương tìm được ở gần Đền Hùng là dạng trống muộn hay loại C theo cách phân loại được công nhận rộng rãi của Phạm Minh Huyền-Nguyễn Văn Huyên-Trịnh Sinh (1987). Trong sách, tôi chứng minh dạng trống muộn có tượng ếch đó đã phát sinh từ vùng Thanh-Nghệ, là tiền thân của trống Heger II, còn được goi là “trống đồng Mường”.
Luận điểm 2: Quê hương trống đồng là kinh đô Cổ Loa, vùng đồng bằng sông Hồng. Bắc Việt Nam.
Cho đến nay, trên sách báo Việt Nam, Trung Quốc và thế giới, hiện có ba quan điểm song song tồn tại về quê hương của trống đồng Đông Sơn.
Quan điểm thứ nhất của phần lớn các học giả Trung Quốc, được sự ủng hộ của nhiều học giả phương Tây, Nhật Bản coi Vạn Gia Bá, Sở Hùng, Vân Nam là quê hương của dạng trống đồng cổ nhất, ra đời thế kỷ 7 TCN, từ đó phát triển thành các dạng Thạch Trại Sơn ở Vân Nam và Đông Sơn ở Bắc Việt Nam.
Quan điểm thứ hai của một số học giả Việt Nam coi quê hương của trống Đông Sơn, dạng trống cổ nhất là vùng đồng bằng sông Hồng hay Bắc Việt Nam.
Quan điểm thứ ba coi quê hương của trống đồng nói chung là một vùng rộng bao gồm cả Vân Nam, Quảng Tây ở Nam Trung Quốc và vùng Bắc Bộ Việt Nam.
Liên quan tới quan điểm này là những ý kiến phản bác việc đi tìm quê hương của trống đồng dựa trên các đường biên giới quốc gia và tộc người hiện tại, phản bác óc dân tộc hẹp hòi trong nghiên cứu nguồn gốc trống đồng cũng như những nghi ngờ về khả năng tìm ra một quê hương thực sự cho trống đồng nói chung.
Luận điểm 3: An Dương Vương đúng là dòng dõi hoàng tộc nước Thục Tứ Xuyên như cổ sử và truyền thuyết Việt Nam ghi nhận.
Để chứng minh nguồn gốc Thục của An Dương Vương, tác giả đã đưa ra một loạt các bằng chứng cổ sử-ngôn ngữ-khảo cổ, ví dụ: những ghi chép về nguồn gốc Thục của An Dương Vương trong cổ sử Trung Quốc và Việt Nam; mối liên hệ giữa họ và tên nước gốc, họ Thục của Thục Phán cũng như họ Triệu của Triệu Đà-nhân vật lịch sử cùng thời đều là tên nước gốc; mối liên hệ giữa Ông Tổ Rùa của hoàng tộc Khai Minh với truyền thuyết Thành Rùa ở Tứ Xuyên và truyền thuyết Thần Kim Qui giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa cũng như nghĩa gốc Rùa của tên thành Cổ Loa; mối liên hệ giữa một dạng hoa văn trên đầu ngói Cổ Loa với một dạng hoa văn trên đầu ngói ở lăng Tần Thủy Hoàng.v.v.
Trong khi đó, quan điểm chính thức hiện naycoi An Dương Vương có gốc từ nước Nam Cương, Cao Bằng của người Tày cổ. Cũng có những quan điểm coi An Dương Vương có gốc từ Yên Bái, Lào Cai hay từ Đức Hoằng, Vân Nam.
Quan điểm nguồn gốc An Dương Vương từ Cao Bằng chủ yếu chỉ dựa vào truyền thuyết “Chín chúa tranh vua”, vốn có gốc từ một truyền thuyết của nước Ba ở Tứ Xuyên. Tên Nam Cương có gốc từ Nam Chưởng/Lan Chang/Vạn Tượng, một quốc gia của người Thái-Lào ở Tây Bắc và Thượng Lào vào thế kỷ 14. Đặc biệt, quan điểm trên không hề được sự ủng hộ của các tư liệu khảo cổ.
.
Luận điểm 4: Cao Lỗ là nhân vật lịch sử có thực. Họ Cao của ông gốc tên gọi tộc người Klao/Lạc Việt, vùng Hồ Bắc-Hồ Nam. Hai tên gọi Cao Lỗ hay Cao Thông trong sử sách của ông có liên hệ với hai từ klo/klong chỉ trống/trống đồng trong tiếng Lạc Việt/Việt cổ. Là người phụ trách việc đúc trống đồng, sau này, ông đã trở thành Thần Trống đồng, Thần Chiến tranh-Thần Bảo hộ dân tộc,Tổ sư nghề rèn, Thủy tổ họ Cao ở Diễn Châu, Nghệ An và Việt Nam.
Chứng minh luận điểm trên, tác giả cũng chỉ ra tính phi lý trong quan điểm của nhà sử học Tạ Chí Đại Trường, trong tác phẩm Thần, người và đất Việt và một số bài viết khác cho rằng Cao Lỗ chỉ là thần đá và phủ nhận tính lịch sử của ông.
Luận điểm 5: Nỏ thần Cao Lỗ là nỏ liên phát cỡ nhỏ, dùng tên tre đầu có nhúng đồng, sắt và tẩm thuốc độc.Đó là dạng nỏ công hiệu nhất trong việc phòng thủ thành Cổ Loa.
Dựa trên các phát hiện khảo cổ và các nghiên cứu phục dựng dạng nỏ liên phát của các học giả thế giới, tôi chứng minh nỏ thần mà Cao Lỗ chế tác có liên hệ cội nguồn với dạng nỏ liên phát cỡ nhỏ ( chỉ dài khoảng 30 cm) đã có vào thế kỷ 4 TCN ở người Bách Việt ở vùng Hồ Nam-Hồ Bắc ( quê hương xa của Cao Lỗ), với dạng nỏ Gia Cát của Khổng Minh ( thế kỷ 3) cải tiến từ nỏ liên phát thu được từ người Nam Man vùng Quí Châu ( quê hương gần của Cao Lỗ).
Các máy nỏ bằng đồng và các mũi tên đồng 3 cạnh tìm thấy ở Cổ Loa thực tế là dùng cho nỏ đơn phát.
Luận điểm 6: Trống đồng Đông Sơn có ba nguyên mẫu là trống-cối lưng eo, một dạng công cụ-nhạc cụ có tính biểu tượng và chức năng tương tự trống đồng; cơ thể người đàn bà với ba vòng ngực-eo-hông mang sức mạnh và vẻ đẹp thần bí của người Mẹ; trống đồng Ư Việt-dạng trống có độ bền và âm thanh vang vọng hơn so với trống cối và trống da. Điều này phù hợp với từ chỉ trống/trống đồng gốc là từ chỉ cối và cách đánh trống đồng kiểu giã cối trong cảnh hội lễ trên trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ.
Quan điểm phổ biến hiện nay coi nguyên mẫu của trống đồng là nồi đồng. Một số học giả phương Tây như Parmentier (1918), Kempers ( 1988) coi cách đánh trống đồng kiểu giã cối là phi lý và phủ nhận cảnh đánh trống đồng trên các trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ.
Cho đến những năm gần đây, một số nhạc sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam như Dương Đình Minh Sơn (2011), Phan Đăng Nhật (2013) [2]… cũng cho rằng đó không phải là cách đánh trống đồng truyền thống, là sự áp đặt kiểu “đâm đuống”/giã cối của người Mường, là một hành động “xúc phạm cổ vật”, thậm chí cho rằng “trống đồng Đông Sơn là vật linh để thờ chứ không phải là nhạc cụ để đánh hay giã”. Đáng tiếc, họ đã cố tình hoặc vô ý bỏ qua một loạt các nghiên cứu về cách đánh trống đồng kiểu giã cối ở người Mường của nhạc sĩ Phạm Duy ( 1970) dựa trên tư liệu của người Pháp những năm trước 1945; của nhà sử học Lê Văn Lan (1962); của các nhạc sĩ của Ty Văn hóa và Thông tin Vĩnh Phú và Viện nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam (1980) và ý kiến khẳng định của nhà khảo cổ học Trịnh Sinh (1994)…
Luận điểm 7: Trống đồng Đông Sơn dạng lưng eo là dạng trống đồng thứ hai của người Bách Việt. Dạng trống đồng đầu tiên mô phỏng trống da hình thùng đã ra đời ở nước Xích Quỉ của Kinh Dương Vương vào thế kỷ 14-12 TCN, đã được dùng trong kháng chiến đánh giặc Ân và Thánh Gióng chính là vị thần trống đồng đầu tiên của người Việt.
Cho đến nay, các học giả Trung Quốc coi dạng trống đồng hình thùng đó, hoặc là trống đồng của nhà Thương, hoặc chỉ là vật thiêng. Họ xác định trống đồng dạng Vạn Gia Bá, gốc của trống đồng Đông Sơn, là dạng trống đồng đầu tiên của người Bộc-Lão (Bách Việt).
Luận điểm 8: Trống Ngọc Lũ thuộc về những trống đồng Đông Sơn vừa cổ nhất vừa đẹp nhất.
Từ quan điểm coi tiền thân của trống đồng là nồi đồng hoặc từ quan điểm kỹ thuật học thuần túy, nhiều nhà khảo cổ học vẫn tin rằng dạng trống đồng cổ nhất phải là những trống có dáng thô sơ, không có hoa văn hay hoa văn đơn giản nhất.
Luận điểm 9: Sĩ Nhiếp hay Sĩ Vương (trị vì 187-226) là người đúc và ban phát trống đồng từ thành Luy Lâu.
Trong hai cuộc khai quật các năm 1998, 1999, nhà khảo cổ học Nhật Bản Nishimura Masarani đã phát hiện ra hai mảnh khuôn đúc trống đồng ở khu vực làng Lũng Khê ( thuộc thành Luy Lâu xưa). Dựa vào kỹ thuật in hoa văn chấm hình hạt gạo và hoa văn đường tròn đồng tâm có tiếp tuyến, Nishimura (2006) khẳng định đó là hai mảnh khuôn đúc ra các trống đồng cùng loại hình với hai trống Thôn Mống (Ninh Bình) và Đắc Glao (Kon Tum) có niên đại thế kỷ 2. Ông lưu ý các trống đồng loại hình trên thường tìm thấy ở vùng ngoài đồng bằng sông Hồng, ở Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan, khác với các trống thời Đông Sơn phân bố chủ yếu ở vùng đồng bằng sông Hồng và vùng hải đảo ĐNA. Từ đó, ông cho rằng tầng lớp thống trị ở thành Luy Lâu có thể đã cho đúc và phân phát trống đồng tới các vùng miền núi tương tự các triều đại Trần, Lê đúc và phân phát các trống loại H II tới các vùng phía Tây đồng bằng sông Hồng (tức các vùng Mường) sau này.
Các cuộc khai quật di tích thành cổ Luy Lâu hai năm 2014, 2015 của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh và Đại học Đông Á (Nhật Bản) đã phát hiện thêm đượchơn 900 mảnh khuôn đúc trống đồng. Dựa trên hoa văn, một số nhà khảo cổ xác định đó là khuôn đúc trống Đông Sơn muộn, có niên đại khoảng thế kỷ 2-3. Một số khác lại xác định tận niên đại thế kỷ 4-5.
Đoàn khai quật đã thận trọng không xác định Luy Lâu là nơi đúc trống, nhưng nhà khảo cổ học Phạm Quốc Quân đã khẳng định Luy Lâu là một trung tâm đúc trống đồng.[3]
Trong sách, kết hợp với các bằng chứng khác, tôi xác định rõ hơn Sĩ Nhiếp hay Sĩ Vương chính là người đã cho đúc và ban phát trống đồng từ Luy Lâu, tương tự An Dương Vương,Tây Vu Vương thời trước đó và các vua Lý, Trần, Lê các thời sau này. Với công lao đó, cùng các công tích khác, ông xứng đáng để người Việt các thời sau tôn kính như một vị vua nước Việt.
Luận điểm 10: Sự lan tỏa của trống đồng xuống vùng Đông Nam Á lục địa và hải đảo chủ yếu gắn với các cuộc di tản-tị nạn của người Lạc Việt (Âu Lạc-Điền-Dạ Lang) chứ không phải do trao đổi buôn bán.
Quan điểm này đã từng đượchọc giả Áo Heger (1902), các học giả Pháp Parmentier (1918) Finot (1919), Goloubew ( 1929), học giả Hà Lan Kempers (1988), học giả Đức Reinecker (2009) đề xuất và khẳng định.
Tuy nhiên, một số học giả khác như Trần Quốc Vượng (1982) Higham (1996) Calo (2009) và nhiều học giả của Viện Khảo cổ học Việt Nam lại cho rằng sự lan tỏa đó chủ yếu do trao đổi hàng hóa.
Trong sách, tôi đưa ra nhiều bằng chứng ủng hộ quan điểm đầu.
Quan điểm 11: Từ thời Lý đến thời Lê, trống đồng vẫn là một biểu tượng quan trọng với người Việt.
Nhà sử học Mỹ Liam Kelley (tên Việt: Lê Minh Khải) trong ba bài viết: Vai trò mờ nhạt của trống đồng trong lịch sử người Việt; Trống đồng Đông Sơn có quan hệ thế nào với người Việt?; Người Việt, người Hoa, người Man và trống đồng [4] đã đưa ra các kết luận khá “kỳ dị” như sau:
-Từ thời Lý, khi người Việt bắt đầu viết lịch sử của mình, trống đồng chưa bao giờ là một phần đời sống văn hóa của người Việt.
-Trong nhiều thế kỷ, phần lớn người Việt có lẽ đã sống và chết mà không hề nhìn thấy hay nghe nói về một chiếc trống đồng.
-Chỉ khi người châu Âu đào được trống đồng vào thế kỷ 20 và đưa đến cho người Việt khái niệm chủ nghĩa dân tộc thì người Việt mới bắt đầu coi trống đồng là một biểu tượng quan trọng của mình.
Trong một bài phỏng vấn trên RFA, khi được phóng viên Kính Hòa hỏi về nhận xét của Lê Minh Khải rằng “các sách sử biên niên của người Việt hầu như không có ghi chép về trống đồng, tức là người Việt xa lạ với trống đồng”, một nhà nữ khảo cổ học rất nổi tiếng của Việt Nam là TS Nguyễn Thị Hậu đã trả lời:
“Về mặt văn bản học thì nhận xét của anh Lê Minh Khải là rất chính xác. Trong các bộ sử của chúng ta không thấy nhắc tới trống đồng như một biểu tượng của quyền lực hay của quốc gia… Người Việt, sau này là người Kinh sống ở vùng đồng bằng và tạo nên các triều đại phong kiến của Việt Nam, thì hầu như không có lễ hội tập tục gì liên quan đến trống đồng, thậm chí nó không phải là 1 loại của cải có giá trị như đối với người Mường và 1 số tộc miền núi khác” (!?).
Trong cuốn sách Những người ở vùng giữa hai dòng sông, sự thăng trầm của môt văn hóa trống đồng mới xuất bản năm 2016, học giả New Zealand Catherine Churman: (2016) cũng có nhận xét tương tự dù không trích dẫn Liam Kelley.
Trong sách, tôi đã đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy các kết luận trên của Liam Kelley là hoàn toàn sai trái và vô căn cứ.Tôi cũng chỉ ra, tầm nhìn hạn hẹp (chủ yếu dựa vào tư liệu thư tịch Hán-Nôm), kiến thức lỗ mỗ và những định kiến thô thiển của Liam Kelley về lịch sử và giới sử học Việt Nam cũng bộc lộ khá rõ trong nhiều bài viết khác trên blog của anh ta.
Nhìn chung, đó là những bài viết ngắn như một dạng tùy bút khi đọc một vài tư liệu nào đó chứ không phải là một nghiên cứu nghiêm túc nên không ít kết luận, nhận xét chủ quan, ấu trĩ, thậm chí cẩu thả theo kiểu “kẻ đốt đền”.[5]
Luận điểm 12:Các hoa văn-biểu tượng trên trống đồng chủ yếu phản ánh tín ngưỡng vật tổ của người Đông Sơn gắn với tư duy Âm-Dương, ma thuật mô phỏng và shaman giáo
Trong công trình Lịch sử cổ đại Việt Nam, GS Đào Duy Anh (1957) nhất trí với các học giả Pháp Finot, Parmentier, Goloubew coi các hoa văn hình chim, người-chim, thuyền-chim trên trống đồng phản ánh tín ngưỡng vật tổ chim của người Đông Sơn và nhấn mạnh: tín ngưỡng vật tổ là tín ngưỡng chủ đạo chi phối toàn bộ hoa văn trống đồng.
GS Trần Quốc Vượng (1982/1996) cho biết, nếu trước kia, ông cũng là một người chủ trương sự tồn tại của đạo Vật tổ trong tâm thức người Việt cổ thời Đông Sơn thì sau này ông chỉ coi những hình chim, hươu, rùa, rắn…như những biểu tượng để diễn đạt một quan niệm lưỡng phân-lưỡng hợp trong tư duy Việt cổ. Cụ thể: chim, hươu là biểu tượng cho núi-trời-nắng hạn-thế giới bên trên-nhóm ở cạn-vùng cao…Từ đó, ông kêu gọi “khảo cổ học, cổ sử học và dân tộc học Việt Nam “cần phải thanh toán dứt khoát với truyền thống tư tưởng phương Tây về sự tồn tại của Totem giáo trong tâm thức Việt cổ”!
Với ý kiến trên, Trần Quốc Vượng chia sẻ quan điểm với nhà dân tộc học Pháp Lévi Strauss (1908-2009), người trong cuốn Đạo vật tổ ngày nay/Totémisme aujourd'hui (1958) đã mạnh mẽ bác bỏ sự tồn tại của đạo vật tổ trong quá khứ, coi các vật tổ chỉ là “một cách tư duy, một phương tiện để các tộc người phân loại, hình dung thế giới quanh họ”.[6]
Trong cuốn Thần –Người và Đất Việt ( 1989, 2006), một công trình quan trọng về lịch sử tôn giáo tín ngưỡng Việt, không rõ có phải vì theo quan điểm của Lévi Strauss hay không, Tạ Chí Đại Trường, trong khi muốn “đi tìm tâm thức dân tộc” cũng đã hoàn toàn bỏ qua tín ngưỡng vật tổ.
Trong khi đó, từ góc độ dân tộc học, tín ngưỡng đó rõ ràng đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong tâm thức Việt với truyền thuyết Hồng Bàng và quan niệm”Con Rồng cháu Tiên/Chim”, với truyền thuyết vật tổ rái cá của Đinh Bộ Lĩnh, tục thờ chó mẹ, chó con của nhà Lý, tục thờ rồng-cá của nhà Trần.v.v.
Trong sách của tôi, ở Phần II, với 12 Chương phân tích về nguồn gốc và sự phát triển của 9 biểu tượng –vật tổ trên trống đồng, tôi khẳng định quan điểm của Đào Duy Anh là hoàn toàn chính xác, từ đó khẳng định sự tồn tại của đạo vật tổ ở Việt Nam-Đông Nam Á và Đông Á.
Tóm lại, vốn là một nhà dân tộc học, trong cuốn sách này, tôi đã dùng tư liệu dân tộc học và cách tiếp cận hệ thống-tổng thể đặc trưng của dân tộc học, để tạo ra sự khác biệt đột phá trong việc nghiên cứu nguồn gốc và sự phát triển của trống đồng, vốn là một đề tài truyền thống của khảo cổ học. Đó là gắn kết lịch sử trống đồng với lịch sử dân tộc, với lịch sử văn hóa và tín ngưỡng các dân tộc, những đề tài truyền thống của dân tộc học.
Dù thế nào, cuốn sách cũng có những sai sót, hạn chế. Vì thế, tôi mong được sự góp ý, phản biện của bạn đọc xa gần, trước hết với 12 luận điểm nêu trên.
[1] Trong bài viết này, tôi chỉ dẫn tác giả và năm công bố tư liệu, không ghi rõ số trang và cũng không có phần dẫn tư liệu tham khảo như trong sách.
[2]Có thể dễ dàng tìm các bài về chủ đề này qua Google với từ khóa “giã trống đồng”.
[4] Xem bản tiếng Anh trên http://leminhkhai.wordpress.com/2013/09/ hay bản dịch tiếng Việt trên http://leminhkhaiviet.wordpress.com/
[5]Trong hai bài viết gần đây nhất vào tháng 8-2016, Kelley kết luận: trong Bình Ngô Đại Cáo, hai từ Bắc và Nam không chỉ Trung Quốc và Việt Nam; từ Ngô không chỉ (nhà/quân) Minh (!!!). Về các bài khác của anh ta, xem thêm: nhận xétcủa Hà Hữu Nga trên khi dịch bài Lê Lợi và Hắc Y đế ; bài “Nghiên cứu phi lịch sử hay thực hành chủ nghĩa thực dân tinh thần” của Nguyễn Hòa (2014) và bài: “Nhà nghiên cứu lịch sử hay “kẻ đốt đền”? (2014) của Lê Việt Anh. Các bài trên đều có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng nhờ Google với đầu đề của chúng.
[6]Cuốn này cũng vừa được Nxb Tri Thức xuất bản với tên gọi: Định chế totem hiện nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.