Vùng Quỳnh Lưu, trong tư liệu của mình, là vùng gắn bó với cha Đắc Lộ, hồi các thập niên 1620-1630. Những cộng đồng giáo dân đầu tiên ở Quỳnh Lưu tương truyền được chính Đắc Lộ tổ chức ngay từ thời đó.
Quan tâm của mình về vùng Quỳnh Lưu, trong liên quan với Đắc Lộ, chủ yếu là thiên về phần lịch sử.
Vụ kiện vừa xảy ra, thì ở dưới lấy tin từ hai phía (tin chính thống, và tin ngoài luồng, chỉ để lưu tư liệu).
---
1. Tin chính thức của Báo Nghệ An
Thứ Ba, 14/02/2017, 19:47 [GMT+7]
Ông Nguyễn Đình Thục đẩy giáo dân tới hành vi vi phạm pháp luật?
(Baonghean.vn) - Như Báo Nghệ An đã đưa tin, hành vi kích động, tổ chức một số giáo dân nhẹ dạ, cả tin đi khởi kiện Công ty Formosa của ông Nguyễn Đình Thục ngày 14/2 không chỉ gây mất ổn định về an ninh trật tự, ảnh hưởng tới cuộc sống, lao động sản xuất của người dân, mà còn đi ngược đường hướng, giáo lý của đạo Công giáo, trái với chức trách, bổn phận của một chức sắc tôn giáo.
Nguyễn Đình Thục dùng loa kích động giáo dân đi kiện vào ngày 14/2/2017. |
Việc kích động, xúi giục giáo dân dẫn tới những hành vi vi phạm pháp luật của ông Thục không phải bây giờ mới diễn ra.
Trước đó vào năm 2012 khi đang là phó chánh của giáo xứ Quan Lãng (xã Tường Sơn, Anh Sơn), ông Nguyễn Đình Thục chính là người đứng sau vụ việc tổ chức truyền đạo, giam giữ, đánh đập người trái pháp luật xảy ra tại thôn Trung Hương, xã Yên Khê, huyện Con Cuông ngày 01/7/2012.
Sau khi được điều về làm quản xứ Song Ngọc (xã Quỳnh Ngọc, Quỳnh Lưu), ông ta lại tiếp tục gây sóng, nổi gió tại nơi này. Song Ngọc là một xứ đạo ven biển thanh bình, yên ả, người dân sống tốt đời đẹp đạo, chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, sau khi ông Thục về làm quản xứ thì xứ đạo này đã không còn bình yên.
Ngày 14/2, dù thời tiết mưa rét nhưng một số giáo dân nhẹ dạ, cả tin vẫn tham gia đi kiện theo lời kích động của ông Nguyễn Đình Thục. |
Sự cố ô nhiễm môi trường biển Miền Trung là một cái cớ để ông Nguyễn Đình Thục liên tục có những lời rao giảng xuyên tạc, chống đối, bêu xấu chính quyền, kích động người dân biểu tình với cái lý do rất không liên quan “đi kiện đòi bồi thường”.
Điển hình là tháng 10/2016, ông Thục đã có những lời rao giảng kích động giáo dân thuộc giáo xứ Song Ngọc, xã Quỳnh Ngọc và một số giáo xứ lân cận… vào Tòa án nhân dân huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh gửi đơn kiện Công ty Formosa, nhưng Tòa án nhân dân thị xã Kỳ Anh đã trả đơn kiện vì đơn và các tài liệu của người dân khởi kiện không đưa ra được tài liệu, chứng cứ chứng minh về những thiệt hại do sự cố Formosa gây ra.
Ông Nguyễn Đình Thục còn loan tin trên một số trang mạng xã hội về việc sẽ tổ chức cho giáo dân đi vào huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh để khiếu kiện Công ty Formosa, đòi bồi thường cho ngư dân vùng biển Quỳnh Lưu, Nghệ An do sự cố môi trường biển xẩy ra ở Hà Tĩnh trong năm 2016.
Ngày 10/2/2016, ông ta còn soạn một bức thư ngỏ kêu gọi quý cha và cộng đoàn các giáo xứ “hiệp thông” cho việc lôi kéo giáo dân đi “gửi đơn kiện” tại tòa án nhân dân xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh).
Sáng ngày 14/2/2017, nhiều giáo dân nhẹ dạ, cả tin đã nghe theo lời rao giảng của ông Nguyễn Đình Thục tụ tập tại nhà thờ giáo xứ Song Ngọc, Quỳnh Ngọc (người đi bộ, người đi xe đạp, xe máy) mang theo cờ trống, băng rôn, loa, máy ảnh... kéo về phía Quốc lộ 1A, gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Khi đại diện chính quyền đứng ra giải thích với bà con, Nguyễn Đình Thục vẫn có hành vi kích động các giáo dân. |
Trước hết, hành vi của Nguyễn Đình Thục là không đúng với chức trách, nhiệm vụ của một chức sắc tôn giáo. Bởi việc giải quyết bồi thường thiệt hại do Fomosa gây ra là trách nhiệm của Chính phủ, của các địa phương liên quan. Trên thực tế vấn đề này đã và đang được Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm chỉ đạo giải quyết. Người dân các vùng ven biển miền Trung trực tiếp chịu thiệt hại do sự cố môi trường Formosa gây ra đã, đang và sẽ tiếp tục được nhận tiền đền bù, căn cứ theo sự thống nhất và thỏa thuận giữa các bên. Đồng thời, người dân các vùng bị thiệt hại tại 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế cũng đã ổn định cuộc sống và tổ chức sản xuất bình thường.
Một số giáo dân bị kích động đã ném đá về phía lực lượng chức năng đang thi hành nhiệm vụ. |
Thứ hai, nếu ông Thục thực tâm nghĩ cho giáo dân và mục đích là “nộp đơn” khởi kiện, có thể cử người đi đại diện, chứ sao nhất thiết phải huy động cả trăm người với đủ loại phương tiện, chủ yếu là xe máy, đi bộ mang theo đồ ăn thức uống, băng rôn, khẩu hiệu tổ chức quay phim, chụp ảnh phô trương, rùm beng như thế ? Mặt khác, một số giáo dân đi khởi kiện thuộc 3 xã Quỳnh Ngọc, Sơn Hải và Quỳnh Thọ (Quỳnh Lưu) - là địa phương có vùng biển nằm ngoài vùng bị ô nhiễm sự cố môi trường do Fomosa gây ra tại Hà Tĩnh. Tại sao họ phải vất vả vượt một quãng đường dài vào tận Hà Tĩnh để nộp đơn khởi kiện?
Xe cảnh sát giao thông đậu bên quốc lộ 1A làm nhiệm vụ cũng bị các giáo dân quá khích ném vỡ kính, đèn hiệu, gương chiếu hậu. |
Trong khi theo như lời ông Thục tại Thư Ngỏ ngày 10/2/2016, chính ông ta (một người chẳng liên quan đến những thiệt hại do sự cố môi trường biển) là người “đứng tên cho 619 hộ thuộc địa bàn 3 xã Quỳnh Ngọc, Sơn Hải, Quỳnh Thọ....đòi bồi thường thiệt hại”. Ngạc nhiên hơn, Tòa án nhân dân huyện Kỳ Anh đã trả đơn kiện vì đơn và các tài liệu khởi kiện không đưa ra được tài liệu, chứng cứ chứng minh về những thiệt hại, thế nhưng ông Thục vẫn khẳng định trong Thư Ngỏ “chưa nhận được sự phúc đáp của các cơ quan nêu trên” và biến một số giáo dân nhẹ dạ, cả tin thành “con rối” để giật dây, điều khiển.
Thứ ba, bổn phận của người chăm sóc phần hồn cho giáo dân là “làm phát triển nơi anh chị em và con cái những đức tính của người công dân tốt, nhất là ý thức về chân lý và công bình, và tinh thần sẵn sàng phục vụ lợi ích của Tổ Quốc”, chính Đức Giáo hoàng Benedict XVI đã răn rằng “người Công giáo tốt trước hết phải là một công dân tốt”. Thế nhưng, Nguyễn Đình Thục lại có những hoạt động dẫn dắt con chiên đi vào con đường lạc lối, đi ngược chủ trương, chính sách của Nhà nước, thậm chí vi phạm pháp luật. Với những hành vi ấy, liệu Nguyễn Đình Thục đã làm tròn bổn phận của mình?
Thứ tư, soi vào tinh thần Thư chung của HĐGM Việt Nam năm 1980 “Lòng yêu nước của chúng ta phải thiết thực, nghĩa là chúng ta phải ý thức những vấn đề hiện tại của quê hương, phải hiểu biết đường lối, chính sách và pháp luật của Nhà Nước, và tích cực cùng đồng bào toàn quốc góp phần bảo vệ và xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, tự do và hạnh phúc” và trách nhiệm của các linh mục là “đưa Hội Thánh ở Việt Nam đi vào con đường đã lựa chọn là: sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” thì hành vi kích động, lôi kéo giáo dân tụ tập, khiếu kiện đông người gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn giao thông của Nguyễn Đình Thục không chỉ đi ngược lại với đường hướng của giáo hội công giáo Việt Nam, mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của giáo hội công giáo Việt Nam.
Trong khi các cấp chính quyền đang nỗ lực hỗ trợ người dân ra khơi, sản xuất vụ Xuân thì ông Nguyễn Đình Thục lại lấy cớ từ một sự việc diễn ra ở địa phương khác để xúi bẩy, kích động một số giáo dân nhẹ dạ, cả tin đi khởi kiện, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Bất chấp việc làm này ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất và đời sống người dân, thậm chí đẩy những giáo dân này vào con đường vi phạm pháp luật.
Câu hỏi đặt ra là: đằng sau việc kích động giáo dân kéo vào Hà Tĩnh “nộp đơn” khởi kiện công ty Formosa là để đòi bồi thường thiệt hại cho người dân, hay để quay phim, chụp ảnh tung lên các trang mạng phục vụ ý đồ và lợi ích của ông Nguyễn Đình Thục?
Nhóm phóng viên
http://baonghean.vn/xa-hoi/201702/ong-nguyen-dinh-thuc-day-giao-dan-toi-hanh-vi-vi-pham-phap-luat-2782515/
Một số giáo dân ở Quỳnh Lưu bị kích động tụ tập gây mất an ninh trật tự
(Baonghean.vn) - Khi người dân đang tất bật chuẩn bị cho những chuyến biển đầu năm và sản xuất vụ Xuân thì linh mục Nguyễn Đình Thục - quản xứ Song Ngọc, xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu lại kích động giáo dân đi vào huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh để khiếu kiện Công ty Formosa đã gây ra sự cố môi trường tại biển Hà Tĩnh trong năm 2016.
Sáng ngày 14/2/2017, hàng trăm giáo dân đã nghe theo lời rao giảng của linh mục Nguyễn Đình Thục tụ tập tại giáo xứ Song Ngọc, nhưng lại bị đối xử theo kiểu “đem con bỏ chợ”. Ai có phương tiện gì thì dùng phương tiện nấy, ai không có phương tiện thì đi bộ, kéo về phía Quốc lộ 1A để tìm cách đi vào Hà Tĩnh, gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Hình ảnh gây mất trật tự an toàn giao thông của một số giáo dân bị kích động kéo nhau đi khởi kiện, diễn ra vào sáng 14/2/2017 trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu - Ảnh: V.H |
Trước đó, vào tháng 9/2016, một số giáo dân thuộc giáo xứ Phú Yên, xã An Hòa; giáo xứ Mành Sơn, xã Tiến Thủy; giáo xứ Song Ngọc, xã Quỳnh Ngọc… vào Tòa án nhân dân huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh để gửi đơn kiện Công ty Formosa, nhưng Tòa án nhân dân thị xã Kỳ Anh đã trả đơn kiện vì đơn và các tài liệu của người dân khởi kiện không đưa ra được tài liệu, chứng cứ chứng minh về những thiệt hại.
Trong khi đó, hiện nay việc đánh bắt hải sản của các ngư dân các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng trực tiếp về sự cố môi trường như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đã có nhiều khởi sắc.
Là địa phương có vùng biển nằm ngoài vùng bị ô nhiễm do sự cố môi trường do Fomosa gây ra tại Hà Tĩnh, ngư dân Nghệ An đã có những chuyến đi biển thắng lợi từ giữa năm 2016. Ở Quỳnh Lưu, với trên 1.279 phương tiện tàu thuyền, trong đó có 695 chiếc đánh bắt xa bờ trên 90CV, trong năm 2016 đã đóng mới, mua mới thêm 45 tàu có công suất trên 400CV (đóng mới theo Nghị định 67 là 25 tàu, tàu vỏ thép 4 tàu).
Một mẻ cá đầy ắp khoang thuyền của ngư dân Quỳnh Lưu. |
Nhờ đóng mới và nâng cấp tàu thuyền, khai thác có hiệu quả nên sản lượng đánh bắt năm 2016 của toàn huyện đạt 69.383 tấn/ kế hoạch 60.000 tấn, tăng 19,7% so với năm 2015. Trong đó, sản lượng khai thác 59.234 tấn, tăng 18,46% so với năm 2015.
Trong những ngày đầu năm 2017, ngư dân Quỳnh Lưu, Hoàng Mai luôn có những vụ trúng đậm cá cơm, cá trích, cá hố. Ngư dân Nguyễn Văn Hà - chủ tàu mang tên 67/CP tại bến cá Tiến Thủy phấn khởi cho biết: Sau 8 ngày đêm xa khơi, tàu của anh đánh bắt được khoảng 21 tấn cá cơm. Với giá bán 10.000 đồng/kg, tổng thu nhập được 210 triệu đồng, trừ mọi chi phí còn lãi khoảng 100 triệu đồng.
Chủ tịch UBND TX Hoàng Mai - ông Nguyễn Hữu Tuy cho biết: “Ngư dân Hoàng Mai gần như không bị ảnh hưởng trong việc ra khơi bám biển cũng như tiêu thụ sản phẩm. Đó là một tín hiệu đáng mừng đối với ngư dân cũng như thu hút khách du lịch biển Quỳnh”.
Ngư dân Quỳnh Lưu kiểm tra ngư lưới cụ và thuyền máy trước khi ra khơi đầu năm mới. |
Đầu Xuân 2017, xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu đã tổ chức hạ thủy thêm 3 tàu cá công suất lớn đóng theo Nghị định 67 với tổng trị giá trên 30 tỷ đồng.
Với niềm vui khai thác đạt sản lượng cao từ năm 2016 và sự hỗ trợ của các ban, ngành, địa phương là động lực để ngư dân vùng biển ra khơi thắng lợi ngay từ những chuyến biển đầu năm.
Trong khi các cấp chính quyền đang nỗ lực hỗ trợ người dân ra khơi, sản xuất vụ Xuân thì linh mục Nguyễn Đình Thục lại lấy cớ từ một sự việc đang diễn ra ở địa phương khác để xúi bẩy, kích động một số giáo dân nhẹ dạ, cả tin đi khởi kiện một cách vô lý, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Nghệ An là tỉnh có bờ biển trải dài qua 5 huyện, thị gồm: Thị xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò.
Theo số liệu của Chi cục khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Nghệ An, toàn tỉnh hiện có hơn 4.000 tàu, thuyền đánh bắt thủy, hải sản với hơn 19.000 lao động trên biển. Trong đó, hơn 1.300 tàu, thuyền công suất trên 90CV đánh bắt xa bờ.
|
Nhóm phóng viên
http://baonghean.vn/xa-hoi/201702/mot-so-giao-dan-o-quynh-luu-bi-kich-dong-tu-tap-gay-mat-an-ninh-trat-tu-2782377/
2.
Tác giả: Nam Nguyễn viết lúc 14/02/2017 | 14.2.17
Kính Chiếu Yêu
Ngồi cạnh Lm Nguyễn Đình Thục là Nguyễn Văn Hùng, cốt cán Việt Tân ở Đài Loan
Sáng nay (14/02/2017) mặc dù gặp nhiều sự phản đối từ phía người dân, nhưng linh mục Nguyễn Đình Thục (quản xứ Song Ngọc, xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) vẫn tổ chức cho giáo dân vào thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh để kiện Fomosra. Họ hành quân bằng xe máy nghênh ngang trên đường.
Cho đến nay thì ai cũng biết rằng, sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung đã được Nhà nước Việt Nam cùng doanh nghiệp Formosa giải quyết rốt ráo. Chính quyền các cấp bước đầu có nhiều chính sách hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống. Đặc biệt, ngoài những chính sách hỗ trợ trước mắt, Nhà nước và chính quyền các cấp còn có những chủ trương, chính sách về lâu dài, bảo đảm để mọi người dân phát huy ngành nghề truyền thống, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong xây dựng và phát triển kinh tế. Đến nay, ngư dân các tỉnh miền Trung đã ra khơi bám biển mưu sinh. Thị trường hải sản và giá cả đã ổn định và khởi sắc trở lại. Tiền bồi thường được ngư dân dùng mua ngư cụ, nâng cấp tàu thuyền, cải tạo môi trường sống. Nhân dân ở các địa phương đang quay trở lại nhịp sống sau sự cố môi trường biển.
Song cũng từ đó đến nay, thay vì có những hành động tích cực nhằm phối hợp với các cơ quan chức năng để khắc phục hậu quả, ổn định sinh kế lâu dài, một số Linh mục Công giáo Giáo phận Vinh đã câu kết với tổ chức phản động Việt Tân, các tổ chức "xã hội dân sự" liên tục xúi giục kêu gọi bà con giáo dân đi tụ tập đông người, biểu tình gây rối, nhằm gây mất ổn định xã hội.
Có lẽ đa số những người giáo dân nơi đây cũng biết rằng, một số linh mục như Nguyễn Đình Thục, Đặng Hữu Nam, Hoàng Anh Ngợi, Trần Đình Lai... biến chất đã lợi dụng tín ngưỡng, núp dưới chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, “tôn giáo”... để kích động, lôi kéo những tín đồ cuồng tín nhằm mưu đồ chính trị chống phá Nhà nước. phục vụ cho những mưu đồ chính trị của các thế lực thù địch ở bên ngoài.
Những tín đồ Công giáo trung thực ở miền Trung chắc đều thấy, những vị linh mục ấy đã chẳng giúp đỡ được gì cho ngư dân miền Trung khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường? Những cuộc quấy rối của họ chỉ là chiêu trò “Mượn gió bẻ măng”. Hành vi của họ luôn biểu hiện não trạng đối nghịch với chính quyền, với dân tộc. Họ chỉ chờ chính quyền có sơ hở hoặc có sự kiện "nóng" để bôi nhọ, thóa mạ, kích động bạo loạn, tìm cớ để ngoại bang can thiệp vào đất nước, nhằm làm xã hội rối ren, gây chiến tranh thêm một lần nữa.
Suốt một dải miền Trung có hàng chục vạn người lấy biển làm sinh kế, trong đó có không ít tín đồ Công giáo, giáo xứ. Tại sao hàng chục vạn ngư phủ ấy chấp nhận thực tế, nhận sự bồi thường, giúp đỡ, an tâm làm ăn, duy chỉ có một số tín đồ ở Song Ngọc, ở Cồn Sẻ, ở Đông Yên là không yên, luôn tìm cách quấy rối?
Linh mục Thục là ai vậy? Gioan Baotixita Thục tên đầy đủ là Nguyễn Đình Thục, sinh ngày 10/4/1978 tại xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Thụ phong Linh mục : 19/6/2010. Trước khi về quản xứ Song Ngọc (Quỳnh Ngọc, Quỳnh Lưu), linh mục Nguyễn Đình Thục là quản xứ Quan Lãng (ở xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn).
Tháng 7/2012, linh mục Thục bất chấp quy định pháp luật của nhà nước quy định về pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo, tổ chức sinh hoạt tôn giáo trái pháp luật ở Con Cuông, khi lực lượng chức năng vào tuyên truyền, thuyết phục Lm Nguyễn Đình Thục đã tổ chức cho giáo dân chống lại, bắt giữ cán bộ chính quyền trong trụ sở, sau đó ra bản tường trình sự việc có nội dung gian dối. Sau sự việc TGM Xã Đoài đã buộc phải chuyển Lm Thục về giáo xứ Song Ngọc, Quỳnh Lưu.
Tháng 1/2013, mặc dù không liên quan số 14 thanh niên công giáo có hoạt động âm mưu lật đổ chính quyền, tuyên truyền chống nhà nước Công hòa xã hội chủ nghĩa VN, bị bắt, xét xử nhưng Lm Nguyễn Đình Thục đã cầm đầu một nhóm người công giáo đến quấy rối trước cổng tòa án trong phiên xét xử.
Từ khi sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung xảy ra, trong khi Nhà nước đang tập trung giải quyết những hậu quả, Lm Nguyễn Đình Thục cùng LM Đặng Hữu Nam, LM Trần Đình Lai (Hà Tĩnh), LM Hoàng Anh Ngợi (Quảng Bình) nhiều lần kích động, tập trung giáo dân tuần hành, biểu tình, khiếu kiện, thông qua đài báo phản động ở nước ngoài… xuyên tạc sự thật.
Ngày 6/12/2016, Nguyễn Đình Thục sang Đài Loan với lý do đi kiện Fomorsa nhưng thực chất là móc nối với tổ chức khủng bố Việt Tân, nhận sự chỉ đạo, trợ giúp tiền bạc của linh mục Nguyễn Văn Hùng tại Đài Loan, một cốt cán của Việt Tân.
Vậy là đã rõ bản chất, động cơ của các Lm Nguyễn Đình Thục, Hoàng Anh Ngợi, Đặng Hữu Nam, Trần Đình Lai. Song, bạn đọc chắc khó hiểu là tại sao một bộ phận tín đồ Công giáo, trong đó có cả giới trẻ ở các giáo xứ Song Ngọc, ở Cồn Sẻ, ở Đông Yên... lại xuôi theo, vào hùa với các cha xứ ấy?
Nếu bạn là người ngoại đạo thì ngạc nhiên là phải, nhưng với tín đồ Công giáo thì rất dễ giải thích. Áy là sức mạnh của thần quyền, giáo luật, giáo lý. Ý cha là ý Thiên chúa, cũng tương tự như khi bạn tin vào đấng siêu nhiên nào đó thì bạn dễ bị sai khiến. Tuy nhiên, ở các tôn giáo khác nó không bạo liệt như Công giáo.
Tôi lấy một ví dụ để bạn thấy. Tuy nhân danh "tự do" nhưng nếu bạn là người ngoại đạo mà phải lòng một cô tín đồ Công giáo thì điều bắt buộc là bạn phải đến nhà thờ để học và được cấp chứng chỉ về giáo lý, giáo luật về hôn nhân. Chưa có chứng chỉ ấy thì đừng nghỉ đến chuyện cưới xin nhé. Lỡ may bạn bỏ qua quy định ấy thì đừng mong được Cha làm phép cưới, đừng mong có hôn lễ và người yêu của bạn sẽ sống trong sự tẩy chay, nhục mạ của giáo xứ, của chính người thân mình.
Xã hội Công giáo luôn đóng kín (nó không mở như các tôn giáo khác), tín đồ phải phục tùng tuyệt đối giáo lý, giáo luật và Cha tinh thần. Sự trừng phạt của giáo hội đối với tín đồ "trái ý Chúa" là rất khốc liệt. Vậy nên, dẫu khoa học đã phát triển, nhiều tín đồ phai nhạt đạo, họ biết tôn giáo không tự nó mang lại no ấm cho họ, chức sắc tôn giáo sống vương giã trên niềm tin của họ nhưng họ không phản kháng, đôi khi bị sai khiến. Đấy là sức mạnh của thần quyền.
Vậy nên, trong số tín đồ bị dắt đi ấy không phải ai cũng "phản động" như các Cha. Điều này cũng lý giải vì sao chính quyền không "mạnh tay".
Tuy nhiên, họ không thể "múa gậy vườn hoang" mãi đâu. Nhân dân sẽ hỏi tội chúng trước khi chính quyền ra tay. Tin tôi đi.
http://molang0205.blogspot.com/2017/02/linh-muc-nguyen-inh-thuc-nguoi-bao-tin.html
3.
Đoàn người đi kiện Formosa
02/14/2017 by vanngheboston
4. Ảnh từ Fb
5. Fb của Cô gái Đồ Long 15/2
"
Hành trình đi kiện Formosa của người dân ba xã Quỳnh Ngọc, Sơn Hải và Quỳnh Thọ (Nghệ An) đã phải dừng lại ở Thị trấn Quỳnh Giang, cách nơi xuất phát 20 km.
Sáng nay 15.2, Đức Cha Phao Lô Nguyễn Thái Hợp – Giám mục Giáo Phận Vinh, đã khuyên bảo bà con trở về nhà vì lo ngại sẽ còn đổ thêm nhiều máu trên chặng đường đến Tòa án ND Kỳ Anh!
Chiều qua, tại khu vực Diễn Châu chưa ra khỏi tỉnh Nghệ An, bằng nhiều biện pháp ngăn chặn, rất đông CSCĐ, CSGT và các lực lượng huy động đã bao vây đoàn đi kiện. Nhiều người đã bị bắt, bị ném đá, cướp điện thoại và đàn áp. Linh mục JB Nguyễn Đình Thục, Cha quản xứ Song Ngọc dẫn đầu đoàn khiếu kiện cũng bị đánh chảy máu miệng. Nhiều đối tượng trà trộn vào đoàn ly gián và kích động bạo lực…vv.
Không ít người đã gọi 14.2.2017 là ngày lễ máu!
…
Bài viết của bạn Trịnh Anh Tuấn, người đồng hành đoàn khiếu kiện FMS.
HÀNH TRÌNH CÔNG LÝ- HAY LÀ SỨ MỆNH CỦA CHÚNG TA
Vậy là những lá đơn khởi kiện Formosa của người dân vùng biển Quỳnh Lưu đã không thể gửi được. Thay vì gửi được đơn, họ đã nhận được những màn dùi cui, đấm đá, đòn thù tàn bạo từ phía chính quyền của những người cộng sản. Máu, nước mắt, những giọt mồ hôi mặt chát đã tuôn xuống. Thật khó thể kìm nén nỗi xót xa, căm giận cho sự kiện đẫm máu ngày hôm qua. Hành trình công lý (Justice March) đã không thể đi đến cuối, và đã trở thành hành trình máu. Quãng đường 180km đã dừng lại con số 20.
Đêm trước ngày đi kiện, tôi đã ngồi với người hướng dẫn gần 1000 người dân khởi kiện là linh mục Nguyễn Đình Thục. Khi nghe tin tất cả những nhà xe được thuê chở dân đi kiện đều bị đến nhà doạ dẫm, ngăn chặn và không thể thực hiện được hợp đồng, cha Thục đã nghĩ đến chuyện phải đi bộ nếu người dân quyết tâm đi kiện. Và tôi đã kể cho cha Thục nghe về Hành trình muối (Salt March) của Gandhi năm 1930 khi chống lại đạo luật về muối cho người Ấn Độ, về Hành trình Selma của Martin Luther King năm 1965 đòi quyền tự do bầu cử cho người da đen Mỹ , về hành trình đòi đất đai năm 2005 của người dân bị mất đất ở Philippines. Tôi nghĩ rằng nếu cuộc hành trình diễn ra với sự ôn hoà, đẹp đẽ thì dẫu vẫn gặp nhiều khó khăn, nhưng chính quyền của những người cộng sản không có lý do để sử dụng bạo lực với những người dân đang thực hiện cái quyền tối thiểu nhất mà những chế độ cổ xưa nhất cũng phải công nhận, đó là quyền thưa kiện khi bị người khác gây thiệt hại cho mình. Nhưng tôi đã lầm.
Suốt cuộc hành trình diễn ra, tôi ngồi trên chiếc xe ô tô của cha Thục đi phía sau đoàn do một người khác lái. Cha Thục đã xuống đi cùng đám đông đi kiện. Vì sợ người dân đi không đúng luật, gây ách tắc giao thông, cha Thục đã phải cầm loa; lúc thì đi bộ, lúc thì đi xe máy để hướng dẫn đoàn đi. Theo quan sát của tôi, đoàn người đi hết sức ôn hoà, cố gắng hết mức để không gây tắc nghẽn giao thông. Điều làm tôi hết sức cảm động là cứ đi khoảng một vài km thì lại có một nhóm người dân đứng hai bên đường mang nước, bánh kẹo, đồ ăn ra tiếp sức cho đoàn. Những tấm lòng đó khiến đoàn người đi bộ trong giá lạnh, mưa phùn cảm thấy hết sức ấm lòng và vững tin vào việc làm của họ.
Vậy mà con đường đi lại trở thành một cuộc chuyến đi đầy máu và nước mắt. Buổi chiều sau khi nghỉ trưa, tôi ngồi cạnh cha Nguyễn Đình Thục bên hông nhà thờ Yên Lý nơi đoàn người dừng lại nghỉ tạm. Tôi đưa cho cha đọc bài viết của Luật sư Lê Công Định về hành trình đi kiện hôm nay. Luật sư Định cũng nói về hành trình muối của Gandhi và so sánh Gandhi với cha Thục. Cha cười và nói: "Như thế, cha bất đắc dĩ trở thành người nổi tiếng rồi!". Tôi bảo cha: "Có lẽ đó là sứ mệnh của cha rồi". Cha nói với tôi: " Chắc rằng mỗi người sinh ra đều có sứ mệnh của mình".
Và lớn hơn, dân tộc nào cũng như thế. Dân tộc nào sinh ra đều có sứ mệnh của nào đó. Và quan trọng, họ phải thực hiện sứ mệnh của mình. Lịch sử đất nước này là một dân tộc nhỏ bé bên cạnh một dân tộc đông đúc, thường xuyên muốn thôn tính mình. Những thế hệ cha ông đã làm xong sứ mệnh của họ. Sứ mệnh của chúng ta bây giờ là phải chịu đựng một chế độ cầm quyền dung dưỡng đầy tội ác, bất công và tàn bạo. Một nhóm người đứng đầu quốc gia luôn đặt lợi ích của cá nhân, của đảng phái của họ hơn lợi ích của đất nước, của người dân. Vì tình anh em của họ, họ sẵn sàng bỏ đi những sinh mạng của ngư dân ngày đêm bám biển đảo quê hương. Vì 16 chữ vàng, họ đục bỏ khỏi sách giáo khoa cuộc xâm lăng của giặc làm 6 vạn sinh mạng đồng bào mình nằm xuống. Vì lợi ích, họ đã để mấy trăm ngàn ngư dân chết mòn trong một vùng biển chết, và của cả thế hệ tương lai.
Và có lẽ, đó là sứ mệnh của chúng ta. Thực hiện sứ mệnh đó hay không, là lựa chọn của dân tộc này; hoặc là lụi tàn như loài cỏ dại.
15.2.2017
...
Nhớ có một câu thành ngữ “Cùng tắc biến, biến tắc thông,…”
https://www.facebook.com/cogaidolongvn/posts/10206972362502234
6.
Đức Giám mục Nguyễn Chí Linh nói về vụ khiếu kiện Formosa
Sáng ngày 14 tháng 2, đúng vào ngày lễ Valentine, hàng trăm giáo dân từ giáo xứ Song Ngọc, Quỳnh Lưu lên đường tiến về Kỳ Anh với mục đích nộp đơn khởi kiện Formosa xả thải gây thiệt hại trực tiếp cho gia đình họ. Chính quyền đã thẳng tay ngăn cản đàn áp. Một số người bị đánh đập, bắt giữ khiến tình hình càng thêm căng thẳng. Mặc Lâm phỏng vấn Đức Giám mục Nguyễn Chí Linh, đương kim Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam để tìm hiểu thêm quan điểm của Giáo hội trước vấn đề quan trọng này.
Do hai bên khác quan điểm
Mặc Lâm: Thưa Đức Giám mục, chắc ngài cũng đã được thông báo ngày hôm nay 14 tháng 2 tại Giáo xứ Song Ngọc do linh mục Nguyễn Đình Thục làm quản xứ có cuộc tập trung về Kỳ Anh để nộp dơn khiếu kiện Formosa và cuộc tập trung ấy đã bị đàn áp, tấn công và có người bị thương cũng như bị giam giữ. Đức Giám mục có chia sẻ gì về việc này?
ĐGM Nguyễn Chí Linh: Thú thật là ngày hôm nay tôi hơi bận việc thành ra tôi không nắm thông tin này lắm. Tôi có nghe loáng thoáng nhưng chưa kịp tìm hiểu thêm chi tiết. Tôi chưa đọc báo trên mạng thành thử ra tôi không dám đưa ra nhận định gì vì quá sớm.
Nói chung thì hai bên, một bên là nhà nước một bên là bà con giáo dân do chưa có cùng quan điểm cho nên nó cũng tạo nên những xung khắc.
- ĐGM Nguyễn Chí Linh
Đây là hồ sơ đã kéo dài từ lâu rồi, bà con trong đó họ cũng cảm thấy cuộc sống của họ bị ảnh hưởng quá nặng nề và họ chỉ có mỗi cái nguyện vọng là nhà nước giải quyết cho họ một cách công bằng để họ khắc phục hậu quả nghiêm trọng do thảm họa về môi trường do nhà máy Formosa tạo ra.
Nói chung thì hai bên, một bên là nhà nước một bên là bà con giáo dân do chưa có cùng quan điểm cho nên nó cũng tạo nên những xung khắc. Tôi chỉ xin nói chung chung như thế chứ thú thật cũng chưa nắm vững chi tiết nên không thể nói nhiều hơn được. Tôi ở ngoài giáo phận Thanh Hóa và bây giờ tôi còn là Giám mục Huế nên phải đi ra đi vô còn việc xảy ra thì ở Giáo phận Vinh nên cũng khó.
Hội đồng Giám mục có thể làm gì?
Mặc Lâm: Có lẽ do nóng lòng với những hình ảnh anh em mình bị đánh đập có người dổ máu và nhất là Linh mục Nguyễn Đình Thục cũng bị đánh, trên mạng xã hội đã đưa ra câu hỏi về sự im lặng của hàng giáo phẩm Việt Nam, Đức Giám mục là Chủ tịch Hội Đồng Giám mục Việt Nam ngài có câu trả lời nào cho hiện tình này?
ĐGM Nguyễn Chí Linh: Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng phải lựa chọn thái độ nào mà nó không gây tổn thất lớn cho cả hai phía. Trong những bức thư chung trước đây chúng tôi cũng có đề cập đến thảm họa môi trường do Formosa gây ra nhưng thái độ của Hội đồng Giám mục Việt Nam thì nó phải chừng mực nếu không thì nó sẽ bị ngộ nhận.
Cái vấn đề Hội đồng Giám mục đặt ra là hậu quả của những phản ứng. Làm thế nào để phản ứng của bà con giáo dân không trở thành cái cớ để câu chuyện phức tạp hơn. Hội đồng Giám mục Việt Nam vẫn cho rằng thảm họa môi trường là điều phải quan tâm và chúng tôi trong chỗ riêng tư hay khi có dịp cũng có trao đổi với bên phía nhà nước rằng sự đấu tranh của bà con giáo dân nó không mang màu sắc chính trị mà chỉ mang màu sắc công lý và hòa bình mà thôi.
Cho tới bây giờ thì hai bên cũng chưa đồng thuận được với nhau. Bên Hội đồng Giám mục Việt Nam chưa thể tổ chức các cuộc biểu tình rầm rộ nhưng cũng có chia sẻ những suy nghĩ của mình đối với phía các cơ quan công quyền một cách kín đáo.
Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng phải lựa chọn thái độ nào mà nó không gây tổn thất lớn cho cả hai phía.
- ĐGM Nguyễn Chí Linh
Chẳng hạn như vừa rồi vào trước Noel thì Đức cha Phê rô Nguyễn Văn Khảm trong Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng được mời với tư cách đại biểu của tôn giáo đến dự buổi tọa đàm do Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tổ chức tại Dinh Độc lập Sài Gòn thì Đức cha Khảm cũng có đề cập đến vấn đề môi trường. Cho nên không phải là Hội đồng Giám mục Việt Nam im lặng hoàn toàn đâu nhưng cái cách tham gia ý kiến nó phải có chừng mực nào đó và có sự khôn ngoan để không tạo ra những điều đáng tiếc. Cho tới bây giờ thì tôi chỉ có thể nói như vậy thôi.
Mặc Lâm: Bây giờ thì ít nhiều ngài cũng đã rõ hoàn cảnh của giáo dân Song Ngọc cũng như các giáo xứ lân cận, Ngài có chia sẻ gì muốn gửi tới họ ạ?
ĐGM Nguyễn Chí Linh: Trước đây tôi đã từng đi thăm chỗ giáo xứ Đông Yên và giáo xứ gần đó tức là trong khu vực của nhà máy Formosa. Tôi đến để động viên họ và bây giờ cái điều mà tôi muốn nhắn gửi cho bà con ở những vùng lâm nạn mà theo thông tin trên mạng họ bị đối xử không như người ta mong đợi. Dĩ nhiên tôi đồng cảm và cố gắng tối đa để có thể làm cái gì đó để nguyện vọng của bà con được nhà cầm quyền lắng nghe hơn, còn như thế nào thì cũng phải bàn thảo với các vị khác trong Hội đồng Giám mục.
Một lần nữa cũng xin cáo lỗi vì tôi chưa nắm vững tình hình nên không có đủ tự tin để mà nói một cách xác quyết hơn, hy vọng sẽ có một dịp khác.
Mặc Lâm: Xin cám ơn Đức Giám mục.
7.
Một số đối tượng phản động, chống đối kích động giáo dân gây áp lực, ném gạch, đá vào lực lượng chức năng làm 16 cán bộ bị thương, trong đó có GĐ Công an tỉnh.
Chiều 15/2, tỉnh Nghệ An thông tin chính thức về vụ việc phức tạp tại Giáo xứ Song Ngọc (xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) liên quan đến sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung do Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa gây ra.
Tỉnh Nghệ An đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí thông tin vụ việc một cách kịp thời, trung thực để người dân hiểu, chấp hành đúng quy định của pháp luật, tránh bị lợi dụng, lôi kéo vào những việc làm sai trái.
Các cơ quan pháp luật của tỉnh Nghệ An sẽ kiên quyết điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật gây ra vụ việc phức tạp này.
Trước đó, ngày 10/2, Linh mục Nguyễn Đình Thục - quản xứ Song Ngọc (xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu) soạn thảo “thư ngỏ” kêu gọi các linh mục và cộng đoàn các Giáo xứ Hiệp Thông, cầu nguyện cho giáo dân Giáo xứ Song Ngọc đi gửi đơn khởi kiện Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa tại Tòa án Nhân dân Thị xã Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) vào ngày 14/2.
Thực hiện chỉ đạo của Linh mục Nguyễn Đình Thục, từ sáng sớm 14/2 có khoảng 500 giáo dân tập trung tại Giáo xứ Song Ngọc để đi vào tỉnh Hà Tĩnh.
Khi đến khu vực xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu, Nghệ An, lực lượng CSGT đã tổ chức phân làn các phương tiện tham gia giao thông khác đi vào một làn đường và đoàn giáo dân đi vào một làn đường để tránh ách tắc giao thông.
Tuy nhiên, đoàn giáo dân không chấp hành và tiếp tục đi hàng 3, hàng 4 lấn sang làn đường của xe ô tô, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, có nguy cơ làm tắc nghẽn giao thông.
Lực lượng công an đã tuyên truyền, vận động giáo dân tập kết các phương tiện vào bãi đất trống bên lề đường để lãnh đạo tỉnh Nghệ An trực tiếp đối thoại với Linh mục Thục và bà con giáo dân.
Trong quá trình tập kết vào bãi đất trống, Linh mục Thục đã chỉ đạo dừng xe ô tô 7 chỗ ngồi ngay giữa Quốc lộ 1A.
Khi xe dừng, các đối tượng ngồi trong xe không chịu mở cửa buộc lực lượng CSGT phải cẩu xe và người ngồi trên xe để giải phóng ách tắc giao thông.
Một số giáo dân quá khích cố tình không chấp hành nên đã xảy ra xô xát giữa giáo dân và lực lượng công an.
Lợi dụng sự việc này, Linh mục Thục cho rằng mình bị lực lượng công an đánh bị thương nên đã điện thoại thông báo cho các chức sắc, giáo dân lân cận đến giúp đỡ.
Đến 16 giờ cùng ngày, Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, và Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cùng một số linh mục đến hiện trường để tuyên truyền, vận động giáo dân không nên có các hoạt động quá khích và yêu cầu Linh mục Thục chỉ đạo giáo dân quay về.
Sau đó, một số đối tượng phản động, chống đối đã kích động giáo dân kéo lên Quốc lộ 1A (khu vực lực lượng công an đang làm nhiệm vụ) để gây áp lực.
Một số đã ném gạch, đá vào lực lượng chức năng làm 16 cán bộ bị thương (trong đó có Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An) và làm hư hỏng 3 xe ô tô.
Cơ quan công an đã bắt giữ quả tang 21 đối tượng ném gạch đá vào lực lượng làm nhiệm vụ./.
http://vov.vn/xa-hoi/nghe-an-thong-tin-chinh-thuc-ve-vu-viec-tai-giao-xu-song-ngoc-594091.vov
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.