Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

18/12/2016

Việt Nam học 5 : không hiểu vì sao Việt Nam nghèo mà kết quả PISA lại cao ?

Mình không tham gia tiểu ban này trong Việt Nam học 5, nên không rõ. Bây giờ thấy báo chí đăng tin.

Có liên quan đến truyền thống hiếu học của Việt Nam, đang bàn luận ở đây (bài của học giả Trần Ngọc Thêm --- người có tên trong tiểu ban nhưng không có điều kiện từ Sài Gòn bay ra tham dự).

Dưới là chép nguyên về từ VNN.

Nếu có bổ sung sẽ dán tiếp xuống phía dưới.


---






 GS. Paul Glewwe, ĐH Minnesota (Mỹ) đã thốt lên rằng, ông không hiểu được vì sao Việt Nam lại có kết quả PISA cao như vậy trong khi GDP và các điều kiện khác lại thấp hơn nhiều nước khác.
Sáng 15/12, tại tiểu ban về Giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong khuôn khổ của Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học lần thứ 5, GS Paul Glewwe đã có bài trình bày nghiên cứu của ông về kết quả chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) của Việt Nam năm 2012.
GS Mỹ không hiểu vì sao Việt Nam nghèo mà kết quả PISA lại cao
GS Paul Glewwe ngạc nhiên vì kết quả PISA "khác thường" của học sinh Việt Nam.
GS Paul Glewwe cho biết, mặc dù nghiên cứu của mình sử dụng kết quả năm 2012, năm đầu tiên Việt Nam tham gia thi PISA, tuy nhiên, kết quả PISA năm 2015 vừa công bố hồi đầu tháng 12 của Việt Nam cũng rất cao.
GS người Mỹ tỏ ra khá ngạc nhiên với kết quả học sinh Việt Nam đạt được trong 2 kỳ PISA vừa qua. Ngay tiêu đề bài phát biểu của ông tại phiên thảo luận đã đặt câu hỏi: "Điều gì lý giải nên kết quả khác thường của Việt Nam trong mối tương quan với các nước khác?"
Theo GS Paul, năm 2012, lần đầu tiên học sinh Việt Nam tham gia chương trình đánh giá PISA và xếp thứ 8 về Khoa học, thứ 17 về môn Toán và thứ 19 về môn Đọc hiểu trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia.
Vào năm 2015, trong số 72 nước tham gia, Việt Nam xếp thứ 8 về Khoa học, thứ 22 về Toán và thứ 32 về Đọc hiểu, cao hơn nhiều nước phát triển như Mỹ, Australia.
“Theo khảo sát của chúng tôi, xếp hạng PISA tỉ lệ thuận với trình độ GDP của quốc gia đó, nhưng đối với trường hợp của Việt Nam thì không đúng”, vị giáo sư Mỹ nói.
"Điều gì đã làm nên điều khác biệt và diệu kì này của Việt Nam? Nói thật, chúng tôi cũng không hiểu chuyện gì đang xảy ra" - GS Paul nói. "Liệu có sự tác động của đầu vào, sách học thêm, tham khảo... hay giáo viên dạy Toán ở Việt Nam giỏi hơn, chất lượng hơn các nước khác không?"
GS Paul Glewwe cũng cho biết, khi so sánh Việt Nam với các nước, nghiên cứu của ông không chỉ lấy GDP mà còn tính cả các yếu tố khác như trình độ học vấn/ giáo dục của cha mẹ, số tài sản trong nhà… và ở yếu tố nào Việt Nam cũng thấp hơn các nước khác. Điều này khiến ông càng cảm thấy khó hiểu hơn với kết quả PISA của Việt Nam.
Trao đổi với GS người Mỹ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, người chủ trì của phiên thảo luận sáng nay cho rằng, GS Paul đã có một nghiên cứu rất công phu và dành nhiều thời gian cho nó tuy nhiên ông đã không hiểu hết những yếu tố đặc thù của Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Nhạ, kết quả PISA của chúng ta đã khiến nhiều người nghi ngờ rằng, tại sao nghèo mà lại giỏi đến thế. Tuy nhiên, ở đây không thể chỉ tính toán dựa trên chỉ số GDP bởi lẽ Việt Nam vốn rất đặc biệt.
“Đặc biệt ở chỗ, cha mẹ Việt có thể hi sinh tất cả, bán hết nhà đất, ruộng vườn để lo cho con cái học tập, du học”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định. "Đặc điểm đó ở các nước như Trung Quốc, Nhật Bản cũng có thể có nhưng ở các nước châu Âu chắc không có”.
Lê Văn
http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/gs-my-khong-hieu-vi-sao-viet-nam-ngheo-ma-ket-qua-pisa-lai-cao-346725.html

---


BỔ SUNG

.

5.

Báo Thái Lan phân tích thành công của PISA Việt Nam


Báo cáo kết quả đánh giá học sinh quốc tế mới đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) làm dấy lên nhiều lo ngại về chất lượng và năng lực của học sinh Thái Lan, trong khi đó cũng gợi nhiều tò mò về hệ thống giáo dục của Singapore và Việt Nam.
Kết quả của Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế năm 2015 (hay còn gọi là PISA 2015) cho thấy điểm số của học sinh Thái Lan giảm xuống, trong khi Singapore đánh bại Trung Quốc đã giành vị trí dẫn đầu trong số 70 quốc gia tham gia đánh giá.
Báo Thái Lan phân tích thành công của PISA Việt NamMột ngạc nhiên khác là điểm số của học sinh Việt Nam – quốc gia có vị trí xếp hạng tăng đáng kể so với lần đánh giá trước đó vào năm 2012 – tăng từ vị trí thứ 17 lên vị trí thứ 8, “vượt mặt” cả một số quốc gia phát triển.
Thái Lan xếp vị trí thứ 54, trong đó điểm số tất cả các môn đều giảm so với năm 2012. Cụ thể, môn toán của học sinh Thái Lan đứng thứ 54, môn đọc xếp thứ 57 và môn khoa học ở vị trí thứ 54.
Lần đầu tiên Thái Lan tham gia PISA là năm 2000. Bài thi này là cuộc khảo sát định kỳ được tiến hành bởi OECD để đánh giá học sinh 15 tuổi ở các kỹ năng: đọc hiểu, toán học và khoa học.
Vậy, lý do nào giúp Singapore và Việt Nam thành công?
Trong một văn bản gửi cho BBC, giám đốc giáo dục của OECD – ông Andreas Schleicher cho rằng, yếu tố then chốt là chất lượng giảng dạy. Kết quả của Singapore không có khác biệt nhiều giữa học sinh giàu và học sinh nghèo. 
“Singapore đầu tư mạnh tay vào lực lượng giảng dạy chất lượng nhằm nâng cao uy tín và vị thế của nghề giáo để thu hút những sinh viên giỏi nhất” – ông Schleicher viết. Ông cũng cho biết thêm rằng, quốc gia này tuyển dụng giáo viên từ tốp 5% sinh viên tốt nghiệp đại học giỏi nhất.
Còn với trường hợp của Việt Nam, ông Schleicher cho rằng thành công này là nhờ tầm nhìn xa trông rộng của các lãnh đạo, là nhờ chương trình học tập trung, là nhờ vị trí xã hội cao và sự đầu tư vào giáo viên.
Báo Thái Lan phân tích thành công của PISA Việt Nam
Ông cũng rất quan tâm tới chương trình học của học sinh Việt Nam – một chương trình được thiết kế cho phép học sinh có thể hiểu sâu về các khái niệm cốt lõi và rèn luyện tốt các kỹ năng cốt lõi – trái ngược với chương trình học “rộng hàng dặm nhưng sâu chỉ vài inch” của các quốc gia châu Âu và Bắc Mỹ.
“Gần 17%  học sinh 15 tuổi nghèo nhất của Việt Nam nằm trong số tốp 25% học sinh có thành tích cao nhất trong số tất cả quốc gia và nền kinh tế tham gia bài kiểm tra PISA. Trong khi đó, tỷ lệ trung bình của tất cả các quốc gia OECD là 6%” – bài viết trên BBC đưa thông tin.
Viện Đẩy mạnh giảng dạy khoa học và công nghệ Thái Lan cho rằng, kết quả PISA phản ánh một sự đứt vỡ của xu hướng: thành tích giáo dục có liên quan tới GDP và ngân sách đầu tư cho giáo dục của quốc gia đó.
Viện này cho biết, đạo đức làm việc của người Việt nam đảm bảo rằng các giáo viên phải làm việc rất vất vả, có trách nhiệm, có kỷ luật và hiếm khi có thời gian rảnh rỗi.
Học sinh Việt Nam cũng rất thích học. Nghiên cứu cho thấy, không giống như học sinh Thái Lan, học sinh Việt Nam không sợ môn toán.
Học sinh Việt dành trung bình 227 phút mỗi tuần để học toán, trong khi học sinh Thái dành trung bình 206 phút, mặc dù học sinh Việt Nam chỉ dành tổng số 31 giờ học mỗi tuần – thấp hơn học sinh Thái với 36 tiếng mỗi tuần.
Vậy điều gì đang diễn ra ở Thái Lan?
Ông Athapol Anunthavorasakul – một học giả về giáo dục của ĐH Chulalongkorn (Thái Lan) cho rằng kết quả PISA đã phản ánh sự chênh lệch nghiêm trọng giữa học sinh ở những trường nổi tiếng và học sinh nông thôn ở nước này.
“Nó cho thấy Thái Lan đang không đầu tư nguồn lực cho giáo dục một cách công bằng” – ông nói.
Ông Athapol cho hay, trong 2-3 năm qua, Bộ Giáo dục Thái Lan đã đầu tư tiền bạc để có được kết quả PISA tốt hơn bằng việc đào tạo giáo viên và học sinh chuẩn bị cho kỳ thi đánh giá của PISA, thế nhưng kết quả vẫn tệ.
“Tôi cho rằng Bộ đang đi sai hướng. Thay vì chi tiền cho việc đào tạo giáo viên và học sinh ở một số trường để thi PISA, thì Bộ nên tập trung thu hẹp khoảng cách giữa học sinh ở các trường chuyên với học sinh ở vùng nông thôn, xa xôi hẻo lánh”.
Ông Athapol cũng cho biết, những trường tham gia PISA sẽ được chọn ngẫu nhiên, vì thế có thể xem xét quan điểm cho rằng điểm số của một quốc gia chỉ là kết quả trung bình của một nhóm học sinh được chọn. Một quốc gia có thể có điểm trung bình tương đối cao nhưng cũng có thể có sự chênh lệch lớn giữa các nhóm học sinh khác nhau.
“Trong PISA 2012, có những học sinh tới từ các trường đã được ôn luyện và các trường thuộc Princess Chulabhorn College (các trường chuyên về toán, khoa học, công nghệ, môi trường), và đó là lý do tại sao chúng ta thấy điểm số của Thái Lan có tăng nhẹ trong năm đó” – ông giải thích.
Bộ trưởng Giáo dục Thái Lan Teerakiat Jareonsettasin thừa nhận rằng ông cũng thất vọng với thành tích của học sinh nước này. Ông nói, kết quả này phản ánh khoảng cách lớn về khả năng của học sinh ở những trường ưu tú với học sinh ở những vùng xa xôi.
Ông Teerakiat lưu ý, thành tích các môn khoa học, đọc hiểu và toán học của học sinh ở một số trường như Mahidol Wittthayanusorn và Chulabhorn Wittayalai là tương đương với các trường ở các nước được xếp hạng cao ở PISA.
Tuy nhiên, kết quả PISA phản ánh thành tích chung của học sinh tất cả các trường, vì thế, kết quả này là một sự thất vọng – ông nói.
Ngô Nguyễn (Theo Bangkok Post)
http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/ket-qua-pisa-2015-bao-thai-lan-phan-tich-thanh-cong-cua-pisa-viet-nam-347852.html



4.


Monday, December 19, 2016

Kết quả PISA 2015: một cách hiểu khác


Kết quả kiểm định PISA năm nay mới vừa được công bố, và Việt Nam đứng hạng 8 trong 72 nước về khoa học, hạng 22 về toán, và hạng 32 về đọc & hiểu. Đây là những thứ hạng làm cho những người trong Bộ GDĐT có lí do để ăn mừng. Hạng của Việt Nam làm cho một giáo sư Mĩ ngạc nhiên (1). Thật ra, tôi rất ngạc nhiên khi thấy ông ấy ngạc nhiên! Nếu ai biết chút ít về cách tính đằng sau của PISA thì có lẽ sẽ dè dặt với cách diễn giải của các quan chức.

Cần nói thêm là trong lần kiểm định năm 2012, Việt Nam đứng hạng 8 về khoa học, 17 về toán, và 19 về đọc & hiểu. Như vậy hạng năm nay (2015) không có gì thay đổi so với lần kiểm định trước. Có lẽ điều này nói lên độ tin cậy của các bộ câu hỏi của PISA. Nhìn qua bảng dưới đây, chúng ta thấy điểm môn toán và đọc & hiểu của Việt Nam giảm nhẹ, nhưng điểm môn khoa học thì không có thay đổi đáng kể.


--> Điểm trung bình và độ lệch chuẩn (trong ngoặc) trong kì kiểm định PISA 2012 và 2015 của Việt Nam, Singapore, Australia và Mĩ. 

Hạng 8 về khoa học của Việt Nam còn cao hơn Úc (hạng 10). Về môn toán VN (hạng 17) cũng cao hơn Úc (hạng 20). Riêng về đọc & hiểu của Việt Nam năm nay (hạng 17) thì thấp hơn Úc (hạng 12). Úc thì than rằng hạng PISA của họ "don't look good" (xem ra không tốt), nhưng Việt Nam thì vui mừng. Nhưng đối với các chuyên gia về giáo dục Úc thì họ lạnh lùng, nhún vai chẳng quan tâm. Và, họ có lí do để không quan tâm.

Lí do 1: Tỉ lệ trả lời (response rate) khá thấp

Theo qui định của PISA, mỗi học sinh tiêu ra 3 giờ trong chương trình kiểm định. Nhưng không phải học sinh cũng cũng trả lời tất cả các câu hỏi. Theo một báo cáo trước đây thì chỉ có khoảng 50% học sinh trả lời bất cứ một câu hỏi nào về đọc, trong khi đó 40% học sinh chỉ được kiểm định 14 trong số 28 câu hỏi về đọc. Do đó, chỉ có ~10% học sinh tham gia chương trình test được kiểm định tất cả 28 câu hỏi. Ngay cả học sinh có điểm trung bình của khối OECD (tức 500 điểm) thì em này cũng chỉ trả lời được 46% câu hỏi mà thôi, còn em nào có điểm 400 chỉ trả lời 23% tổng số câu hỏi.

Vấn đề response rate ảnh hưởng rất lớn đến xếp hạng. Điều này có nghĩa là khi PISA so sánh giữa các nước thì chẳng khác gì so sánh giữa trái cam và trái táo. Một ví dụ [cực đoan] để minh họa: học sinh Việt Nam có thể trả lời câu hỏi 1-20, còn học sinh Tàu có thể trả lời câu hỏi 15-28. Như vậy thì làm sao so sánh giữa hai nhóm được. Do đó, bảng xếp hạng của PISA có thể chẳng nói lên điều gì cả.

Lí do 2: Phương pháp thống kê

Trong tình huống "missing data" như mô tả trên, các nhà phân tích của PISA làm gì? Trả lời: họ sử dụng một mô hình thống kê có tên là Rasch, với giả định rằng 10 giá trị cho mỗi học sinh được xác định bằng một xác suất hậu định (posterior probability). Vấn đề của mô hình Rasch là nó giả định rằng độ khó khăn của câu hỏi và khoảng cách về khó khăn trong mỗi câu trả lời là đồng đều nhau giữa các nước. Giả định này rất "mạnh" (hiểu theo nghĩa thiếu tính thực tế), bởi vì câu trả lời hay khả năng trả lời có thể còn tuỳ thuộc vào văn hoá của từng nước. Nói tóm lại, mô hình Rasch có nhiều điều cần phải bàn thêm, chứ không hẳn là mô hình tối ưu nhất trong trường hợp có quá nhiều câu hỏi bỏ trống.

Ngoài ra, họ sử dụng một phương pháp thống kê khác có tên là "imputation" để lấp vào những câu hỏi mà học sinh bỏ trống. Nói cách khác, khi một học sinh trả lời ví dụ như 50% câu hỏi, thì họ dùng phương pháp imputation để điền vào những câu hỏi mà em học sinh không trả lời. Nói cách khác, họ biến "không" thành "có"! Phương pháp imputation là một phương pháp khoa học hợp lí, nhưng với điều kiện giá trị trống (missing values) thấp cỡ dưới 5-10%. Nhưng khi giá trị trống quá cao như PISA thì phương pháp này có vấn đề.

Lí do 3: Phương sai

Về mặt kĩ thuật, tất cả những câu hỏi của PISA rất tương quan với nhau. Phân tích yếu tố (factor analysis) cho thấy một yếu tố duy nhất có thể giải thích từ 75% (Hi Lạp) đến 92% (Hà Lan) phương sai của các câu hỏi. Điều này có nghĩa gì? Nó có nghĩa là khi PISA xếp hạng giữa các nước chủ yếu là dựa vào yếu tố này, nhưng yếu tố này không đồng đều giữa các nước. Nói cách khác, thứ hạng của một nước trong bảng xếp hạng có thể thay đổi nếu xem xét đến yếu tố thứ 2 hay thứ 3. Nói cách khác nữa, bảng xếp hạng của PISA không nói gì về sự thông minh của học sinh VN, càng không phản ảnh chất lượng giáo dục của VN vốn đang rất cần cải cách.

Lí do 4: PISA không đánh giá toàn diện

Điều quan trọng cần phải biết là chương trình kiểm định PISA này không phản ảnh toàn bộ khả năng học tập của học sinh. PISA chỉ đánh giá cho một nhóm học sinh ở một độ tuổi (15) và chỉ tập trung vào 3 môn học (toán, khoa học, và đọc hiểu). Ở độ tuổi 15 thì khả năng suy luận và lí giải trừu trượng vẫn đang hình thành chứ chưa hoàn chỉnh. Kết quả của PISA do đó chỉ là một snapshot ở một thời điểm nhất định, chứ không phản ảnh điểm lâu dài của học sinh.

Kết quả PISA càng không phản ảnh được môi trường học tập vốn được xem là quan trọng hơn 3 môn học đó. Có lẽ kết quả PISA cho thấy các em học sinh Việt Nam tham gia đã thuộc bài tốt, và ngoài cái đó thì chúng ta không biết các em còn tốt/dở khía cạnh nào khác.

Lí do 4: Hiệu chỉnh

PISA cho biết mỗi quốc gia họ lấy mẫu tối thiểu là 4500 học sinh tuổi 15 (dĩ nhiên nước nhỏ như Iceland thì số học sinh ít hơn). Theo nguyên tắc thì học sinh xuất thân từ nhiều thành phần kinh tế xã hội khác nhau, nhưng tôi không thấy họ hiệu chỉnh kết quả cho những khác biệt về thành phần kinh tế xã hội. Nếu không hiệu chỉnh cho yếu tố này thì khác biệt giữa các nước là có thể do thành phần kinh tế chứ chẳng phải do khả năng của học sinh. Việt Nam có thể có hạng cao nếu Việt Nam chỉ chọn học sinh từ thành thị và một phần nhỏ từ nông thôn. Đây cũng là một điểm yếu mà rất nhiều nhà nghiên cứu giáo dục chỉ ra trong quá khứ.

Tuy rằng cách lấy mẫu là ngẫu nhiên, và điều này chúng ta có thể tin vào PISA. Nhưng phía Việt Nam có vẻ tốn khá nhiều công sức để chuẩn bị cho kì kiểm định. Một bài báo trên Vietnamnet cho chúng ta biết rằng "Để giới thiệu về các lĩnh vực Toán, Khoa học, Đọc hiểu, VN đã nghiên cứu kỹ tất cả các dạng bài thi PISA đã công bố, tóm tắt và khái quát các dạng bài thi với các yêu cầu kỹ thuật làm từng dạng bài thi, từng loại câu hỏi để giáo viên nắm được kỹ thuật về giới thiệu cho học sinh. Tiếp đó, ngành GD-ĐT tổ chức tập huấn cho cán bộ cốt cán từ trung ương đến địa phương. Để đưa PISA vào trường phổ thông, Bộ chỉ đạo trên toàn quốc các giáo viên đã được tập huấn PISA thông qua các buổi sinh hoạt chuyên môn hàng tuần, thảo luận từng dạng bài thi và các dạng câu hỏi thi PISA. Giáo viên giới thiệu cho học sinh một số câu hỏi thi PISA được in trong tài liệu tập huấn. Có trường xây dựng được mạng nội bộ đã đưa lên mạng các dạng bài thi PISA cho học sinh làm, mở cuộc thi nhỏ tìm hiểu về PISA."

Sự chuẩn bị tốt này phản ảnh qua độ lệch chuẩn và hệ số biến thiên (coefficient of variation -- CV). Chẳng hạn như số liệu năm 2015 cho thấy CV ở học sinh Việt Nam là thấp nhất so với các nước khác như Singapore, Úc và Mĩ. Ví dụ như môn khoa học, độ lệch chuẩn ở học trò Việt Nam chỉ 75 điểm, so với 105 điểm ở Singapore và 104 điểm ở học sinh Úc:


--> 
Điểm trung bình (mean), độ lệch chuẩn (SD) và hệ số biến thiên (CV) của môn toán, đọc & hiểu, và khoa học trong kì kiểm định PISA 2015

Không nên lạc quan về bảng xếp hạng!

Theo tôi thì kết quả PISA năm nay, cũng như lần trước, có thể xem là thú vị và chỉ dừng ở đó. Trong khoa học có câu “garbage in, garbage out” (số liệu đầu vào là rác, thì kết quả đầu ra cũng chỉ là rác). Như tôi trình bày trên, đằng sau kết quả PISA là một phương pháp xử lí số liệu rất mong manh, nên độ chính xác của kết quả cũng là một câu hỏi lớn.

Không nên dựa vào đó mà đánh giá học sinh Việt Nam hơn ai (hay kém ai). Nên nhớ rằng so sánh thứ hạng giữa các nước rất dễ bị lầm, vì mức độ khác biệt về điểm trung bình giữa các nước có khi rất thấp. Xin nêu một ví dụ tiêu biểu: điểm trung bình về đọc & hiểu của Việt Nam là 490, chỉ cao hơn Úc 1 điểm (491), nhưng khi xếp hạng thì hạng của Việt Nam năm nay là 17, thấp hơn Úc đến 5 hạng (Úc với hạng 12). Nói cách khác, điểm trung bình của Việt Nam và Úc gần như bằng nhau, nhưng xếp hạng thì khác nhau! Thật ra, xếp hạng chỉ dựa vào số trung bình đã là sai về nguyên tắc, vì không tính đến phương sai.

Một ví dụ khác: điểm trung bình môn toán của Việt Nam cao hơn Úc 13 điểm; nếu chỉ mới thoạt đọc qua thì ấn tượng đấy, nhưng nếu so sánh với độ lệch chuẩn thì chẳng là bao. Độ lệch chuẩn của môn toán là 103 điểm; do đó, 13 điểm là tương đương với 0.13 độ lệch chuẩn mà thôi. Nếu muốn tính toán xác suất overlap thì kết quả là 96%. Nếu chọn ngẫu nhiên một học sinh Việt Nam và một học sinh Úc, thì xác suất học sinh Việt Nam có điểm toán cao hơn học sinh Úc là ~53%. Cái xác suất 53% (tức là gần 50/50) đó không thể làm cho chúng ta tự hào là học trò Việt Nam giỏi toán hơn học trò Úc. (Bạn nào biết khái niệm "effect size" thì biết tôi đang nói gì).

Nhưng hơn hết, tôi nghĩ không thể hay rất khó so sánh điểm của học sinh trong một hệ thống học vẹt (kiểu VN, Hàn Quốc và China) với điểm của học trong một hệ thống học “free” ở các nước phương Tây. Càng không thể so sánh khi những nước bị “bệnh thành tích” nên dồn tài lực để cải tiến điểm PISA và mấy nước phương Tây vốn không đầu tư vào việc nâng điểm trong bảng xếp hạng của PISA. Chạy theo những bảng xếp hạng như thế này chỉ làm chúng ta xao lãng vấn đề lớn hơn trong giáo dục - đó là cải cách.

====

(1) http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/giao-su-my-ngac-nhien-ve-ket-qua-pisa-cua-viet-nam-20161215152639559.htm

(2) Bạn nào muốn phân tích dữ liệu PISA thì có thể download toàn bộ dữ liệu từ website sau đây: http://www.oecd.org/pisa/data/2015database/

Sau đó, các bạn có thể dùng R để đọc điểm của toàn bộ 519,334 học sinh. Dữ liệu này khá lớn, vì có đến 921 biến số! Dữ liệu về điểm của học sinh là 1.2 Gb. Máy MacBook của tôi phải tốn 5 phút mới đọc hết nửa triệu dữ liệu. Sau khi đọc thì việc phân tích rất nhanh. Một mô hình hồi qui tuyến tính cho nửa triệu học sinh chỉ tốn 2 giây. Sau đây là các bước cần thiết:

# Sau khi download dữ liệu, gọi các package cần thiết
library(foreign); library(intsvy); library(ggplot2); library("dplyr")

# đọc từ SPSS sav file
pisa = read.spss(CY6_MS_CMB_STU_QQQ.sav", use.value.labels=T, to.data.frame=T)

# trích dữ liệu của VN
vn = subset(pisa, CNT=="Vietnam")

Sau đó là phân tích theo câu hỏi của mình đặt ra. Bạn nào ghi danh học lớp Machine Learning, tôi sẽ chỉ cho các bạn cách phân tích các dữ liệu này bằng Machine Learning.

--> Mối tương quan giữa điểm môn toán (trục tung) và điểm trung bình của môn khoa học và đọc & viết của các nước tham gia PISA 2015. Các bạn thấy gì từ biểu đồ này? 

Độ lệch chuẩn của điểm đọc & hiểu. Việt Nam có độ lệch chuẩn thấp nhất trong số những nước tham gia PISA 2015. 

Mối tương quan giữa số trung bình (trục trung) và độ lệch chuẩn (trục hoành) của điểm môn khoa học (PISA 2015). Việt Nam là nước trong số ít có độ lệch chuẩn thấp, nhưng điểm trung bình cao, gần như "ngoại vi" trong số những nước có độ lệch chuẩn thấp. 

http://tuanvannguyen.blogspot.com/2016/12/ket-qua-pisa-2015-mot-cach-hieu-khac.html


3.

Giám đốc PISA Việt Nam giải thích chuyện "nghèo mà xếp hạng cao"



 TS Lê Thị Mỹ Hà, Giám đốc Trung tâm Đánh giá chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khẳng định có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới kết quả PISA chứ không chỉ là vấn đề kinh tế. Nghèo không có nghĩa là không thể giỏi.
- Tại hội thảo quốc tế mới đây, một GS người Mỹ đã thắc mắc không hiểu vì sao Việt Nam nghèo mà xếp hạng PISA lại cao hơn nhiều nước phát triển. Là Giám đốc quốc gia PISA Việt Nam, bà lý giải thế nào về điều này?

- Thật ra không chỉ vị GS kia mà khá nhiều người đã thắc mắc về điều này kể từ khi Việt Nam tham gia kỳ PISA đầu tiên vào năm 2012. Bởi lẽ thông thường thì các nước nghèo, có thu nhập GDP thấp thường không có thể kết quả cao ở các kỳ thi PISA nhưng Việt Nam đã làm thay đổi điều này.
Tuy nhiên, việc Việt Nam có kết quả PISA cao trong hai chu kỳ PISA 2012, 2015 cho thấy rằng, nước nghèo về kinh tế không có nghĩa là con người nghèo cả về mặt trí tuệ hay nghị lực, không thể giỏi hay không thể nắm bắt được các kiến thức, kỹ năng. Kinh tế có thể ảnh hưởng tới nhiều mặt nhưng cũng không phải ảnh hưởng tới tất cả. Việt Nam nghèo nhưng về sự hiếu học, nghị lực vượt khó thì cũng không thua kém các nước khác.
Bên cạnh đó, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến kết quả PISA mà hiện nay chúng tôi vẫn đang tiến hành phân tích. Chẳng hạn như niềm đam mê học toán của học sinh Việt Nam thuộc nhóm cao hay khả năng giải quyết các vấn đề khoa học của các em cũng thuộc top 10. Ngoài ra, mức độ cần cù, chịu khó, tuân thủ kỷ luật hay sự đam mê học tập của học sinh Việt Nam rất lớn. Những chỉ số đó đều ảnh hưởng tới kết quả của kỳ thi.
Ngoài ra, ở Việt Nam, với truyền thống hiếu học, cha mẹ đầu tư cho học sinh rất nhiều, học sinh ở Việt Nam đi học ngoài trường cũng vào loại nhiều nhất thế giới… Tất nhiên những nhân tố này ảnh hưởng thế nào đến kết quả học tập của học sinh vẫn cần được phân tích kỹ lưỡng.
- Như vậy, việc Việt Nam nghèo mà xếp hạng PISA cao là hoàn toàn không có gì đáng ngạc nhiên?
Có ngạc nhiên chứ. 
Việt Nam lần đầu tiên tham gia PISA chu kỳ 2012 đứng thứ 17 ở lĩnh vực Toán học (lĩnh vực trọng tâm), đứng thứ 19 lĩnh vực Đọc hiểu và đứng thứ 8 ở lĩnh vực Khoa học. Điều này đã gây bất ngờ trên thế giới, ai cũng ngạc nhiên, kể cả người Việt Nam trong đó có chúng tôi. 
Trước khi tham gia PISA, chúng ta có một suy nghĩ rằng Việt Nam là một nước nghèo, còn nhiều hạn chế, tham gia PISA biết là sẽ xếp thứ hạng thấp nhưng mục đích để hội nhập và để phát triển.
Đến chu kỳ PISA 2015, một lần nữa học sinh Việt Nam lại tiếp tục đạt thứ hạng cao, vượt lên trên nhiều nước, đứng thứ 8 lĩnh vực Khoa học (lĩnh vực trọng tâm), đứng thứ 22 về Toán học và thứ 32 lĩnh vực Đọc hiểu. Điều này vẫn tiếp tục gây ngạc nhiên cho nhiều người. Vì kết quả PISA của Việt Nam đã tạo nên sự khác biệt, không theo quy luật các nước nghèo thường tỷ lệ thuận với kết quả thấp trong suốt 4 chu kỳ trước.
Giám đốc PISA Việt Nam giải thích chuyện 'nghèo mà xếp hạng cao'
TS Lê Thị Mỹ Hà khẳng định có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới kết quả PISA chứ không chỉ là kinh tế.
Tuy nhiên, tôi còn ngạc nhiên hơn về thái độ của một số người Việt Nam khi thấy kết quả của học sinh nước mình được xếp thứ hạng cao trong kỳ thi PISA. Nhiều người Việt Nam được hưởng nền giáo dục tại Việt Nam sau đó ra nước ngoài thích ứng nhanh và học tập tốt, trưởng thành nhanh và sau này ra trường nhận được công việc tốt, điều đó chứng tỏ nền GD của chúng ta có những ưu điểm nhất định. 
Thế nhưng trước kết quả PISA, nhiều người lại có những bình luận thiếu thiện chí về chính học sinh của đất nước mình, của nền giáo dục đã chắp cánh cho mình bước vào đời. Sự thiếu thiện chí này làm tổn thương đến sự nỗ lực và cống hiến của giáo viên, của các em học sinh trong các kỳ thi PISA vừa qua.
- Với kết quả ngạc nhiên như vậy, liệu có chuyện chọn “gà nòi” hay học sinh thành phố để đi thi PISA như nhiều người nghi ngờ không, thưa bà?
- Thực tế chỉ có những người không hiểu rõ về PISA mới nghi ngờ về việc chọn "gà nòi" hoặc học sinh thành phố để tham gia thi PISA. Bởi lẽ, mục đích của PISA là đánh giá chất lượng giáo dục quốc dân của một quốc gia ở độ tuổi nhất định chứ không phải là thi học sinh giỏi Olympic. Việc chọn mẫu là do OECD lựa chọn và quy định rất nghiêm ngặt để đảm bảo tính chất đại diện cho học sinh của tất cả các quốc gia.
Theo đó, toàn bộ các trường và số lượng học sinh tuổi 15 (15 năm 3 tháng đến 16 năm 2 tháng học từ lớp 7 trở lên) ở tất cả loại hình cơ sở giáo dục đều phải thống kê và nộp cho OECD. Tổ chức này sẽ tính toán trọng số, tỷ lệ các trường tham gia, sau đó chạy ra danh sách trường được chọn, số học sinh 35 em/trường. 
Phần mềm chạy mẫu online, được OECD mở trong thời điểm nhất định. Do đó không thể có chuyện thay thế học sinh vì học sinh dự thi đã được chọn sẵn trong máy. Em nào hôm thi không có mặt thì phải chấp nhận vắng học sinh.
- Vậy còn chuyện luyện thi PISA để có thành tích cao thì sao, thưa bà?
- Mục đích tham gia PISA là muốn được OECD đánh giá khách quan chất lượng giáo dục để khuyến nghị các chính sách phát triển và đầu tư cho giáo dục của các quốc gia. Vì thế không có quốc gia nào luyện thi PISA cả. 
Đề thi của PISA được bảo mật tuyệt đối, các tình huống trong bài thi PISA là tình huống thực tiễn, đa dạng và phong phú của các nước OECD nên luyện thi không có tác dụng gì.
Nói đến PISA chúng ta nghĩ đó là 1 chương trình đánh giá riêng biệt do OECD thiết kế. Trên thực tế, dạng câu hỏi thi của PISA, cách đánh giá mà PISA sử dụng chính là các phương pháp và kỹ thuật đánh giá hàng ngày trên lớp học của các nước OECD trong suốt 20 năm nay. 
Do đó, học sinh các quốc gia OECD thường xuyên làm các dạng bài đánh giá năng lực như PISA trên lớp. Cách đánh giá của PISA, các dạng câu hỏi thi PISA chỉ mới lạ với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. 
Học sinh Việt Nam không được tiếp xúc với các dạng câu hỏi này hàng ngày trên lớp nên khi bước vào kỳ thi PISA gặp khó khăn hơn. Do đó, kết quả PISA mà học sinh Việt Nam đạt được là rất đáng động viên, khích lệ vì học sinh Việt Nam đã vượt qua nhiều trở ngại và rào cản để hội nhập quốc tế.
- Có ý kiến nói rằng chúng ta không nên quá tự hào vì thứ hạng cao trong kỳ thi PISA vì mục đích của kỳ thi này không phải là để xếp hạng?
- Bản thân kỳ thi PISA có nhiều mục đích. Các nước muốn biết chất lượng giáo dục của quốc gia mình ở đâu, như thế nào đều phải tham gia PISA. PISA xếp hạng chất lượng giáo dục của các nước thông qua điểm số năng lực mà học sinh đạt được. Cũng chính vì vậy mới có những tranh luận về kết quả của Việt Nam khi chúng ta đứng thứ hạng cao.
Việc Việt Nam tham gia PISA và có kết quả cao là một điều đáng tự hào, bởi vì, chúng ta đã vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại để có thể hội nhập giáo dục quốc tế và được các nước trên thế giới quan tâm.
Giám đốc PISA Việt Nam giải thích chuyện 'nghèo mà xếp hạng cao'
TS Hà cho rằng, kết quả PISA cao của Việt Nam là rất đáng tự hào.
Tuy nhiên, không phải vì kết quả PISA cao hay thấp mà khẳng định chất lượng giáo dục nước này cao hơn nước kia. Nền giáo dục quốc gia nào cũng có mặt mạnh và mặt hạn chế, người dân nước nào cũng luôn kỳ vọng giáo dục của quốc gia họ phải phát triển tốt hơn nữa. 
Chẳng hạn, học sinh Việt Nam thua kém học sinh ở các nước phát triển trong việc giải quyết các vấn đề của cuộc sống hiện đại, phức tạp, đa chiều trong khi lại giải quyết tốt hơn các câu hỏi về học thuật. Học sinh Việt Nam chưa được làm quen nhiều với cách đánh giá năng lực, chưa biết bày tỏ quan điểm, ý kiến cá nhân trước tình huống cần tranh luận, điều này thể hiện rất rõ ở các bài thi Đọc hiểu.
Chính vì thế, ngoài xếp hạng kết quả thì PISA cũng phân tích các điểm mạnh, điểm yếu của các quốc gia để đưa ra khuyến nghị chính sách cho quốc gia đó. Ngoài ra, khi tham gia PISA, đó là nơi hội tụ những chuyên gia đánh giá giáo dục giỏi trên thế giới, các quốc gia có thể học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với nhau để từ đó vận dụng vào việc đổi mới kiểm tra đánh giá việc dạy và học ở quốc gia mình.
- Qua kết quả 2 kỳ PISA vừa qua, chúng ta đã rút ra được những điều chỉnh nào trong chính sách giáo dục, thưa bà?
- Theo tôi biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những điều chỉnh được thực hiện ngay từ những năm đầu tiên chúng ta tham gia PISA. Nghiên cứu phương pháp và kỹ thuật đánh giá năng lực PISA thì thấy rằng, PISA đánh giá tính sáng tạo của học sinh rất nhiều, yêu cầu học sinh sau khi học kiến thức kỹ năng trong nhà trường thì phải giải quyết các vấn đề ở tình huống thực tiễn. 
Do đó, từ khi PISA vào Việt Nam thì phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá trên lớp đã có nhiều thay đổi. Chẳng hạn như Thông tư 30 sau đó là Thông tư 22 của Bộ GD-ĐT đã yêu cầu thay đổi cách tiếp cận và cách đánh giá đối với học sinh tiểu học, hướng vào đánh giá sự tiến bộ của người học giúp các em phát triển khả năng sáng tạo của mình.
Trên lớp học, các loại hình câu hỏi và cách đánh giá học sinh cũng đa dạng hơn. Trong 4 năm vừa qua, chúng tôi đã tổ chức nhiều đợt tập huấn hướng dẫn quy trình, kỹ thuật xây dựng đề kiểm tra, kỹ thuật viết viết câu hỏi đánh giá năng lực học sinh cho giáo viên để đổi mới phương thức kiểm tra đánh giá thường xuyên trên lớp học.
Cái mới của PISA là cách hỏi và cách trả lời. Hỏi làm sao cho học sinh suy nghĩ sâu sắc, có tư duy nhiều chiều hơn là chỉ đồng thuận với ý kiến của giáo viên. Những điều này đang được thực hiện thường xuyên hơn ở các lớp học của Việt Nam và đang có kết quả tốt.
Việc thay đổi chương trình, sách giáo khoa sau 2015 theo hướng phát triển năng lực cũng là một bước tích cực phát triển giáo dục và hội nhập quốc tế.
Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!
Lê Văn (thực hiên)
http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/giam-doc-pisa-viet-nam-ngheo-khong-co-nghia-la-khong-the-gioi-347047.html





2.

Con số chưa tiết lộ từ kết quả PISA 2015 của Việt Nam

 Những con số thú vị và rất đáng chú ý từ kết quả PISA 2015 của Việt Nam.
Điểm số và thứ hạng đều giảm
Theo kết quả bài thi đánh giá học sinh quốc tế (PISA) 2015 vừa được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố hôm 6/12 thì mặc dù năm nay, Việt Nam xếp thứ 8 trong 72 nước tham gia về Khoa học, 22 về Toán và 32 về Đọc hiểu, cao hơn nhiều nước phát triển, song thực tế, thống kê cho thấy, kết quả của học sinh Việt Nam giảm so với chu kỳ trước.
Con số chưa tiết lộ từ kết quả PISA 2015 của Việt Nam
Kết quả PISA 2015 của Việt Nam giảm so với chu kỳ năm 2012 ở cả 3 môn thi. Ảnh: OECD.
Thống kê của OECD cho thấy, với cả ba môn Toán, Khoa học và Đọc hiểu trong kỳ thi PISA, điểm số của học sinh Việt Nam đều có xu hướng giảm. Mặc dù xu hướng giảm cũng là xu hướng chung của tất cả các nước (thể hiện trong điểm số trung bình của OECD), tuy nhiên, mức độ giảm của Việt Nam chênh lệch khá nhiều so với mức trung bình của OECD.
Cụ thể, với môn Toán, năm nay điểm số của học sinh Việt Nam đạt 495 điểm, giảm 17 điểm so với năm 2012 (511). Trong khi đó, điểm trung bình của OECD chỉ giảm 1 điểm.
Với mức điểm giảm tới 17 điểm, Việt Nam là nước có mức điểm môn Toán giảm cao nhất trong 72 nước. Xếp tiếp theo là Phần Lan với mức điểm giảm 10 điểm.
Tương tự, với môn Đọc hiểu, điểm số của học sinh Việt Nam năm nay là 487 điểm, giảm tới 21 điểm so với năm 2012 (508). Trong khi đó, trung bình các nước OECD chỉ giảm 1 điểm.
Với việc giảm 21 điểm, Việt Nam cũng là 1 trong 2 nước có mức điểm giảm ở môn Đọc hiểu cao nhất (cùng với Tunisia).
Con số chưa tiết lộ từ kết quả PISA 2015 của Việt Nam
Kết quả PISA 2015 của Việt Nam so sánh với một số nước.
Với môn Khoa học, năm nay, học sinh Việt Nam đạt 525 điểm, giảm 4 điểm so với năm 2012 (521). Điểm trung bình của OECD giảm 1 điểm. Tuy nhiên, đây là mức điểm giảm khá thấp so với các nước khác (chẳng hạn Phần Lan giảm tới 11 điểm, Autralia giảm 6 điểm).
Về thứ hạng, năm nay, với môn Khoa học được đặt làm trọng tâm, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 8, bằng thứ hạng năm 2012 mặc dù điểm số bị giảm.
Tuy nhiên, với môn Toán, Việt Nam bị tụt từ hạng 17 xuống hạng 22 và môn Đọc hiểu tụt từ hạng 19 xuống hạng thứ 32.
Một điểm lưu ý là mặc dù Việt Nam xếp thứ hạng cao trong môn Khoa học và tỉ lệ học sinh đạt mức năng lực thấp của môn này khá thấp, song Việt Nam lại không có thống kê về tỉ lệ học sinh muốn lựa chọn ngành nghề có liên quan tới khoa học (nghĩa là có yêu thích và muốn theo đuổi khoa học hay không). Tỉ lệ trung bình của OECD là 35%.
Tỉ lệ học sinh đạt kết quả cao thấp
Con số chưa tiết lộ từ kết quả PISA 2015 của Việt Nam
Tỉ lệ học sinh đạt mức kết quả cao của Việt Nam. Ảnh: OECD.
Một con số đáng chú ý khác trong kết quả PISA 2015 là, tỉ lệ học sinh đạt mức năng lực cao nhất của một trong 3 môn thi của Việt Nam cũng đang giảm, trong khi, tỉ lệ học sinh đạt mức năng lực thấp lại tăng lên.
Cụ thể, tỉ lệ học sinh đạt mức năng lực cao của một trong 3 môn thi của Việt Nam năm 2015 là 12% thấp hơn mức trung bình của OECD là 15,3%.
Trong khi đó, tỉ lệ này ở các nước là khá cao: Singapore: 39,1%, Japan: 25,8%, Estonia: 20,4%, Canada: 22,7%. Mặc dù vậy, tỉ lệ này của Việt nam vẫn cao hơn khá nhiều nước thuộc tốp dưới.
Tỉ lệ học sinh đạt mức độ năng lực thấp của cả 3 môn thi của Việt Nam năm nay là 4,5%, thấp hơn khá nhiều so với mức trung bình của OECD là 13%. Việt Nam cũng là một trong những nước có tỉ lệ này vào loại thấp nhất (cùng với Hong Kong - Trung Quốc). Đây là con số đáng mừng.
Đối với từng môn, thống kê của OECD cho thấy, ngoại trừ môn Khoa học có tỉ lệ học sinh đạt mức năng lực cao nhất tăng lên, tỉ lệ này trong các môn Toán và Đọc hiểu của học sinh Việt Nam đều có xu hướng giảm.
Con số chưa tiết lộ từ kết quả PISA 2015 của Việt Nam
Tỉ lệ học sinh đạt mức kết quả thấp của Việt Nam. Ảnh: OECD.
Tương tự, ngoại trừ môn Khoa học có tỉ lệ học sinh đạt mức năng lực thấp giảm xuống, tỉ lệ này trong các môn Toán và Đọc hiểu của Việt Nam đều có xu hướng tăng.
Ngoài ra, khoảng cách giữa học sinh nam và học sinh nữ đang được rút ngắn trong các môn Toán và Khoa học. Trong khi khoảng cách này ở môn Đọc hiểu lại đang tăng lên.
So sánh với trung bình của OECD thì môn Toán và môn Đọc hiểu giảm và tăng theo xu hướng chung của các nước OECD. Tuy nhiên, đối với môn Khoa học, khoảng cách giữa nam và nữ của các nước OECD đang tăng thì Việt Nam lại đang giảm xuống.
Kỳ thi PISA ra mắt vào năm 2000, diễn ra theo chu kỳ 3 năm một lần nhằm kiểm tra năng lực của học sinh 15 tuổi ở 3 lĩnh vực: đọc hiểu, toán và khoa học. Năm 2015, kỳ thi PISA thu hút khoảng 540 nghìn học sinh tới từ 72 quốc gia trên thế giới.
Theo danh sách chọn mẫu khảo sát chính thức PISA 2015, Việt Nam có 197 cơ sở giáo dục được chọn, trong đó có 01 trường nghề, 9 trung tâm giáo dục thường xuyên, 4 trường phổ thông liên cấp (cấp 2 và cấp 3), 4 trường phổ thông dân tộc nội trú, 28 trường THCS và 150 trường THPT. Mỗi trường có 35 học sinh tham gia và một số trường có số HS tuổi 15 ít hơn 35 em.
Sau khi đàm phán, OECD đồng ý cho Việt Nam lược bỏ 09 trường mẫu nhỏ, học sinh dưới 5 em tuổi 15. Tổng số mẫu trường tham gia khảo sát chính thức thực tế là 188 trường với 5.826 học sinh trên toàn quốc.
Khảo sát chính thức PISA 2015 diễn ra tại Việt Nam vào cuối tháng 4/2015.
Lê Văn
http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/con-so-chua-tiet-lo-tu-ket-qua-pisa-2015-cua-viet-nam-345115.html



1.


PISA: Những con số...buồn cười hoặc đau lòng

 - Tham gia PISA, chi phí cho mỗi học sinh tại Cộng hòa Slovak là hơn 53.000 USD, Mỹ 115.000 USD, Anh là 98.023 USD.  Còn theo TS Lê Thị Mỹ Hà, Giám đốc Quốc gia PISA Việt Nam, con số của Việt Nam "nhỏ bé đến mức...buồn cười hoặc đau lòng".
Xem phần 1: "Ngoại soi" giáo dục
PISA: Những con số...buồn cười hoặc đau lòng
TS Lê Thị Mỹ Hà, Giám đốc Quốc gia PISA Việt Nam
Mang mục đích riêng gắn vào PISA là không phù hợp
Bà Diane Ravitch, một sử gia giáo dục, một nhà phân tích chính sách giáo dục có tiếng, cựu trợ lý Bộ trưởng Giáo dục Mỹ, sau khi có kết quả PISA đã có bài viết trong đó phân tích và kết luận: "Điểm số là vô nghĩa" cũng như “vị trí trong bảng xếp hạng là vô nghĩa”. Bà có ý kiến gì về nhận định này không?
-Kết quả PISA đã cho thấy một điều là học sinh sung sướng trong môi trường giáo dục Mỹ, nhưng chênh lệch bất bình đẳng, phân hóa giai tầng là có.
Nói kết quả PISA chẳng để làm gì hay vô dụng cũng là cực đoan. Cái gì cũng có mặt mạnh để khai thác. Các quốc gia trước khi công bố kết quả PISA đều hồi hộp, kết quả cao hay thấp đều có cách lý giải.
Sau khi công bố, các quốc gia đều tìm nguyên nhân điểm mạnh, yếu để cải tiến các chính sách giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục hơn nữa. Nhiều nước đã tiến hành cải cách giáo dục, thay đổi chương trình, sách giáo khoa.
Tôi cho rằng, nếu Việt Nam đạt kết quả thấp trong kỳ thi PISA này, đương nhiên mọi người sẽ đau khổ hơn.
Còn bài viết của bà Diane Ravitch, tôi muốn hỏi lại bạn, liệu kết quả của học sinh Mỹ rất cao trong kỳ thi PISA này, liệu bà ấy có viết như vậy không?
Vẫn là bà Diane Ravitch: “Tôi thích đánh cược vào sự sáng tạo, vào tinh thần dám làm của người Mỹ, vào tính cách, sự kiên trì, tham vọng, đức tính cần cù và những ước mơ lớn của người Mỹ. Chúng ta chưa từng đo lường những phẩm chất này và cũng không thể đo được trong những bài kiểm tra tiêu chuẩn hóa như PISA”…
-Theo tôi, có những thứ quan trọng vẫn có thể đo được qua PISA, dù không được đánh giá bằng điểm số.
Ví dụ như ở môn toán, Việt Nam có 13% đạt mức 5, 6 – tức là vận dụng được kiến thức trong mọi tình huống, 14% đạt dưới mức 2 – tức là không nắm vững kiến thức. Số còn lại biết kiến thức toán, vận dụng được. Điều này chứng tỏ năng lực của học sinh Việt Nam tương đối đồng đều, đa số các em được trang bị kiến thức cơ bản. Ngược lại, ở nhiều nước khác có sự chênh lệch, phân hóa cực lớn, chứng tỏ có sự bất bình đẳng trong giáo dục.
Với kết quả đa số học sinh ở mức trung bình của OECD, Việt Nam chứng tỏ một thế mạnh khác là giúp cho học sinh được học trong môi trường bình đẳng không phân biệt giàu nghèo, vùng sâu vùng xa… và khá đều giữa các bậc THPT, dạy nghề, giáo dục thường xuyên.
Khả năng độc lập sáng tạo của học sinh thể hiện qua việc vận dụng kiến thức vào thực tiễn.
Khát vọng hội nhập cũng đo được ở sự nỗ lực làm bài kiểm tra, đó là các em muốn chứng tỏ bản thân, danh dự quốc gia, khát vọng vươn lên phát triển giàu mạnh… nên đã cố gắng chứng tỏ mình trung thực, học tốt.
Khi đã hội nhập nếu quốc gia nào chịu đầu tư cho giáo dục sẽ có lợi vô cùng.
Còn ông Keith Baker – cựu nghiên cứu viên của Bộ Giáo dục Mỹ từng có một bài viết với tựa đề “Kiểm tra quốc tế có ý nghĩa gì không?”. Bà nhận định như thế nào trước quan điểm của ông Keith Baker cho rằng yếu tố quan trọng nhất cho thành công về kinh tế, công nghệ và văn hóa của nước Mỹ là “tinh thần” – cái mà ông định nghĩa là “tham vọng, khát vọng học hỏi, độc lập và có lẽ quan trọng nhất là ngừng đánh giá dựa trên điểm số và các bài kiểm tra”?
-Mỗi đất nước có khát vọng phát triển đất nước hùng mạnh theo mục đích chính trị riêng của quốc gia.
Có nước muốn con người có tham vọng, độc lập…, nhưng cũng có quốc gia hướng con người phát triển toàn diện, chân thiện mỹ…
Triết lý giáo dục của Việt Nam nằm trong Luật Giáo dục, chiến lược phát triển giáo dục.
Mục đích của OECD là muốn đưa ra thang đo chung của quốc tế, đánh giá độc lập, khuyến nghị các nước phát triển về giáo dục. Tham gia là để soi xét theo chuẩn chung, nếu mang mục đích riêng gắn vào PISA là không phù hợp.
Nhân lực chỉ là một mặt để phát triển đất nước. Chính sách còn quan trọng hơn nhiều để phát huy tối đa sức mạnh của con người.
Giáo dục không phải là tất cả, mà là một trong những yếu tố để phát triển con người và đất nước.
Chúng ta chỉ thiếu tiền, chứ không còn e ngại
PISA: Những con số...buồn cười hoặc đau lòng
Ảnh minh họa
Sự quan tâm của dư luận đối với PISA chứng tỏ một điều Việt Nam thiếu những thông tin đánh giá đáng tin cậy?
-Những đánh giá trước đây về giáo dục của chúng ta đều do chúng ta tự thực hiện, nên có thể chúng ta đã nghiêm khắc với những gì mình có. Chúng ta thường kỳ vọng, khát khao một thực tế tốt đẹp hơn, nên cảm thấy phiền muộn, hay chê, không thấy tin cậy vào những kết quả đạt được.
Tôi cho rằng, với một đánh giá khách quan như PISA, chúng ta thấy được mặt mạnh nhất định để vững tin hơn mà tiếp tục làm việc.

Có phải kết quả ở bậc cao hơn như đại học, chúng ta không bằng phổ thông, nên có sự né tránh việc khảo sát?

- Do chúng ta không có đủ tiền để tham gia tất cả các cuộc đánh giá quốc tế nên cần cân nhắc xem chọn tham gia chương trình nào trước.
PISA đánh giá giáo dục phổ thông và có nhiều lợi ích như trên đã phân tích, nên trước tiên chọn PISA, sau này nhà nước có đầu tư nhiều hơn cho giáo dục, chúng ta nên thực hiện thêm các chương trình đánh giá học sinh như TIMSS, PIRLS; sinh viên AHELO, giáo viên TALIS như các nước phát triển đang thực hiện.
Trong công bố của OECD có đề cập chi phí cho mỗi học sinh tại Cộng hòa Slovak là hơn 53.000 USD, Mỹ 115.000 USD/học sinh, Anh là 98.023 USD… trong khi mức trung bình của OECD là 83.382 USD. Bà có thể cho biết con số đầu tư của Việt Nam là bao nhiêu?
-Nếu để ý sẽ thấy OECD chỉ công bố số liệu của các nước đầu tư lớn cho giáo dục tính trên đầu học sinh. Còn những nước kinh tế thấp, họ không công bố.
Theo tôi nghĩ, đây cũng là một sự tế nhị của OECD. Bởi nếu công bố, con số của Việt Nam sẽ quá nhỏ bé, đến mức… buồn cười hoặc đau lòng, tùy cảm nhận của từng người, trước những nước như Mỹ, Anh,...
Với riêng bà, là Giám đốc Quốc gia PISA Việt Nam, bà kỳ vọng gì sau PISA?
- Tôi cũng hy vọng chính sách giáo dục quốc gia sẽ có sự thay đổi để mạnh hơn lên, tốt hơn lên. Chính sách tốt sẽ có giáo dục tốt. Giáo dục tốt nhân lực sẽ tốt, xã hội sẽ tốt.
Xin cảm ơn bà.
  • Hạnh Ngânthực hiện
Có các chương trình đánh giá quốc tế khác ở bậc cao hơn hoặc thấp hơn không, thưa bà?
-Hiện nay, trên thế giới có các chương trình đánh giá lớn cho nhiều lứa tuổi với các mục đích đo khác nhau. Hầu hết các nước tham gia PISA đều tham gia các chương trình này. Nếu Việt Nam có tiền dành cho giáo dục nhiều hơn, chúng ta nên tham gia, rất nhiều lợi ích. Ví dụ:
Chương trình Đánh giá Quốc tế Năng lực của Người trưởng thành - PIAAC (Programme for the International Assessment of Adult Competencies). Đây là một chương trình quốc tế đa chu kỳ đánh giá kỹ năng và năng lực dành cho người trưởng thành được khởi xướng bởi OECD.
Chương trình đánh giá quốc tế về Dạy và Học - TALIS(Teaching and Learning International Survey). Đây là chương trình đánh giá giáo viên, được khởi xướng bởi OECD.
Chương trình đánh giá Sinh viên và các trường Đại học toàn cầu - AHELO (Testing student and university performance globally). Mục đích của nghiên cứu này là để xem việc đánh giá những gì sinh viên trong giáo dục đại học biết và có thể làm sau khi tốt nghiệp, có khả thi và có thực tế hay không.
Chương trình Nghiên cứu xu hướng Toán học và Khoa học Quốc tế - TIMSS (Trends in International Mathematics and Science Study). Đây là một đánh giá quốc tế về toán học và kiến thức khoa học của học sinh lớp 4 và lớp 8 trên khắp thế giới; chu kỳ 4 năm 1 lần.
Chương trình nghiên cứu tiến bộ trong năng lực đọc hiểu của học sinh - PIRLS(Progress in International Reading Literacy Study). Vào năm 2011, PIRLS đã thay đổi chu kỳ tổ chức từ 5 năm 1 lần xuống 4 năm 1 lần.
TIMSS và PIRLS được phát triển bởi Hiệp hội Quốc tế về Đánh giá các thành tựu giáo dục (IEA)có trụ sở tại Boston, Mỹ.
Muốn tham dự chương trình nào, quốc gia cần đăng ký với OECD hoặc IEA, khi họ đồng ý, chúng ta nộp lệ phí và chịu trách nhiệm chi toàn bộ kinh phí cho các hoạt động và hội thảo tập huấn trong nước, quốc tế.
Vậy thì tại sao chúng ta lại chọn PISA?
- PISA là chương trình đánh giá học sinh tuổi 15 khi kết thúc một chương trình giáo dục bắt buộc nhà nước đầu tư, và cũng là chương trình giáo dục cung cấp cho học sinh các kiến thức nền tảng quan trọng để học sinh có thể bước vào đời hoặc học lên cao hơn. Đây là đánh giá quan trọng nhất vì đánh giá được đứa trẻ đủ điều kiện “ra đời” bước vào cuộc sống hay chưa.
Còn đánh giá ở bậc tiểu học, THCS như TIMSS và PIRLS là đánh giá trong quá trình phát triển của học sinh. Nếu chúng ta có tiền, Việt Nam nên tham gia TIMSS và PIRLS để giám sát được quá trình học tập phát triển của trẻ từ tiểu học lên THCS, và kết thúc là PISA.

http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/pisa-nhung-con-so-buon-cuoi-hoac-dau-long-155887.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.