Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

29/12/2016

Khoa học công nghệ Việt Nam 2016 : nhìn lại của Hiệu Minh

Về chuyến viếng thăm các Viện Hàn lâm của Thủ tưởng Nguyễn Xuân Phúc vào dịp cuối năm 2016, đã tạm điểm tin ở đây.

Dưới là một bài nhìn lại của Hiệu Minh.



---



Khoa học VN: Ai cần ‘nhìn thẳng vào sự thật’?
Thủ tướng Phúc nói chuyện tại hội nghị liên viện. Ảnh: VNE
Thủ tướng Phúc nói chuyện tại hội nghị liên viện. Ảnh: VNE
VNE đưa tin về chuyến thăm hai viện Hàn lâm to nhất nước. Ông cho rằng, nhiều nhà khoa học Việt Nam mải nghiên cứu cao siêu mà không để ý các nhu cầu ứng dụng thực tế, nên chưa thành địa chỉ tư vấn tin cậy cho doanh nghiệp.

Ngày 27/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự hội nghị triển khai công tác năm 2017 của Viện Hàn lâm khoa học xã hội (VASS) và Viện Hàn lâm khoa học công nghệ (VAST).

Ông cho rằng, đã đến lúc Viện cũng như các cơ quan nghiên cứu khoa học trên cả nước cần nhìn lại, suy ngẫm và hành động theo tinh thần, quan điểm nổi tiếng của cố Tổng bí thư Trường Chinh tại Đại hội Đảng VI: Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật.

Tin chi tiết tại đây 

Kỷ niệm của Cua Times về lần gặp Thủ tướng đầu những năm 1980.

Năm 1977  tôi về làm việc tại Viện KH Tính toán và Điều khiển (VKHTTĐK), tiền thân của Viện Tin học và sau này là Viện Công nghệ Thông tin (VCNTT) ở làng Liễu Giai có hoa tươi tưới phân tươi, cả hai đều mùi mẫn như nhau.

Cơ sở nằm trên cái đồi có mấy cây thông nên gọi là Đồi Thông. Chiếc máy tính ODRA 1204 (https://pl.wikipedia.org/wiki/Odra_1204) mua từ Ba Lan đặt trong cái hầm để tránh B52 vì sơ tán từ 39 Trần Hưng Đạo về đây. Hình như giá hơn 1 triệu rúp (1 triệu đô la).

Hòa bình, không cần hầm nữa, đất cát bới ra đổ thành hai cái đồi nên gọi là “Đồi Thông hai mộ” khá thơ mộng đối với các nhà khoa học trẻ sẵn sàng nằm bàn ăn cơm cặp lồng với cà ghém nhưng mơ chuyện lên cung trăng gặp chị Hằng.

Máy ODRA chạy tậm tịt, nhập dữ liệu bằng bìa đục lỗ, lưu trên băng từ. Đại loại từ thời tôi biết máy tính, chưa bao giờ thấy cái ODRA này chạy được việc gì nên hồn.

Nghe các anh chị kể lại có dùng trong điều tra dân số nhưng dùng như thế nào thì các bậc tiền bối không nói rõ.

Để trong hầm nên bị ẩm, transitor chết như rạ, băng từ mốc, cái thời mà băng vệ sinh phải dùng bằng vải màn thì lấy đâu ra những thứ khác. Có lần bị lụt vào hầm máy do mưa bão xối vào, máy nghỉ 3 tháng liền.

Sau khi chuyển máy lên nhà tạm trên Nghĩa Đô, hầm đó làm hội trường họp của Viện vì có điều hòa và đã vào thì không trốn họp được.

Lần Thủ tướng Phạm Văn Đồng tới thăm, cụ được mời vào trong hầm nói chuyện, nóng hầm hập, mồ hôi cụ túa ra, ướt đẫm áo.

Cả hai viện Toán và Viện TT&ĐK được nghe cụ thuyết giảng. Đại loại cũng kiểu như cụ Phúc bây giờ, cũng thông cảm, cũng hy vọng, cũng giao trách nhiệm, khoa học nước mình rồi sẽ bay xa.

Cụ Trần Đại Nghĩa cũng lọ mọ từ trên Nghĩa Đô xuống làng Liễu Giai để nghe chỉ giáo.

Thấy cơ cảnh của Viện, cụ hỏi có nhu cầu gì không. Hồi đó lãnh đạo viện KHTT&ĐK  là Gs Phan Đình Diệu và bên viện Toán là Gs Lê Văn Thiêm.

Cụ Diệu rụt rè xin đất và kinh phí để xây dựng viện trên Nghĩa Đô. Cụ Diệu bảo, nước mình cần khoa học tính toán, cần máy vi tính, thiếu những thứ này quốc gia không thể đi xa.

Nghe thuyết phục, cụ Đồng ok vì chính mình đang bị giam trong cái hầm nóng như lò thiêu người, ngoài kia phân tươi bay khắp không gian làng lúa làng hoa.

Về văn phòng cụ chỉ đạo cho bác Việt Phương rằng “cho viện Toán” mảnh đất như yêu cầu, cấp kinh phí xây dựng.

Khi công văn xuống tới viện mới tá hỏa, Viện TT&ĐK không có gì, bởi cụ Đồng nghĩ, tính toán cũng như toán. Cho toán là đủ rồi dù hai viện này khác hẳn nhau về qui mô và mục đích.

Viện Toán dùng bút chì và giấy nháp cũng ra giải Fields, nhưng Tính toán và ĐK cần văn phòng và thiết bị hiện đại.

Viện Toán nghiễm nhiên có cái nhà như hiện nay. Kiến trúc do một anh Tiến sỹ trong viện tự biên tự diễn, có mấy cái giếng nước be bé trồng sen và hoa súng. Hồi đó đẹp như mơ.

Khổ nỗi cái hồ con con là cái bẫy cho trẻ con bé tý. Một anh đưa cháu tới chơi. Nhoằng một cái ko thấy đâu. Cháu mới biết đi nên đã chìm nghỉm dưới mấy lá súng.

Cứ tưởng đó là bài học cay đắng, các nhà khoa học phải ra tay. Ấy mà mấy năm sau lại một ca tương tự. Lúc đó cụ Hoàng Tụy mới ra lệnh lấp giếng nước trồng hoa súng.

Quay lại chuyện nhầm lẫn thế kỷ, cụ Thiêm và cụ Hoàng Tụy thương tình nên nhường cho cụ Diệu một nửa tầng 1 dành cho nhóm chuyên làm phần cứng máy vi tính. Những máy vi tính đầu tiên cũng được lắp ráp từ đây.

Sau này cụ Bạch Hưng Khang với tài chạy chọt đã xin được mảnh đất bên cạnh to gấp đôi, xây cao gấp 3, tòa nhà mà ông kiến trúc sư gọi là pyramid 7 tầng cao nhất nhì Hà Nội khi đó.

Sau 40 năm tòa nhà đó hiện vẫn còn, trông nham nhở như nhà lá của Chí Phèo ở làng Vũ Đại. Viện Toán bên cạnh khiêm tốn như chính các công trình của nhân viên nơi đây.

Mấy tháng trước có về thăm viện, các phòng ban vẫn như ngày xưa. Có những màn hình và CPU máy tính xếp chồng chất trong phòng, ngoài balcony phủ bụi.
Các khoa học gia ngồi trong các cubic và tiếp tục nghiên cứu những vấn đề của thời đại. Hỏi nghiên cứu gì, các bố bảo, có tiền sẽ có công trình, không có thì ngồi chơi, lĩnh lương rồi về.

Các giáo sư về hưu vẫn lui tới vì hiện có điều hòa mát, có máy tính nối internet, tha hồ mà quan hệ với thế giới.

25 năm trước mình ra khỏi viện và bây giờ vẫn y chang. Cửa ra vào, nhà vệ sinh, phòng tiếp khách vẫn ở thế kỷ trước.

Vào trang web của Viện CNTT (http://www.ioit.ac.vn/gioi-thieu/lanh-dao-cac-thoi-ky) thấy lù lù video clip của Cua Times về ngày kỷ niệm 30 năm IOIT mà họ chẳng thèm hỏi một câu.

Hình như hôm nay là 40 năm, đưa clip này ra vẫn còn nguyên giá trị.

Nay thấy cụ Phúc giao trách nhiệm cho VAST (Viện HLKH và Công nghệ) thấy lo lo. Chả hiểu cụ Phúc có phân biệt được viện Toán và Tính toán khác nhau chỗ nào như cụ Đồng hiểu đại khái, nói chi đến các viện khác đang làm gì.

Nếu cụ Phúc đóng cửa VAST lại rồi lấy đất đưa cho anh Phạm Nhật Vượng, biến thành chung cư đắt tiền kiểu Vinhomes, có mà khoa học phát triển vèo vèo.

Đóng cửa các trung tâm nghiên cứu khoa học thì cũng chẳng chết ai. Kinh phí dôi ra chi cho các cháu du học. Biết đâu có cháu thành anh Ngô Bảo Châu, ta lại đón về làm biểu tượng nước nhà.

Cấp đất, cấp tiền, nuôi báo cô các nhà khoa học, rồi chả đi đến đâu. Vài năm sau một cụ Thủ tướng khác đến hỏi, các anh làm ăn ra răng. Lại nói, khổ lắm, ít tiền, khoa học chẳng làm được gì.

Ý Cua Times như thế này, thay vì để các cụ khoa học “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật” thì Thủ tướng tự làm lấy sẽ dễ hơn.

Chẳng ai thích “sự thật” nếu mất nồi cơm. Giao kinh phí không đúng người đúng việc lại sinh ra những giếng nước hại trẻ em.

HM. 12-2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.