Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

13/10/2016

"Nhật Bản linh dị kí" của Nhật Bản so sánh với Việt Nam


Bài của Vũ Tuyết Loan, trên tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, năm 2007.

---

Đối với mỗi dân tộc, văn học dân gian là tấm gương soi hình bóng của dân tộc mình. Để hiểu một dân tộc không gì tốt hơn là tìm hiểu vốn văn hoá dân gian của dân tộc đó. Trong bài viết này, chúng tôi muốn  khảo sát một  tác phẩm văn học dân gian của Nhật Bản, tác phẩm Nhật Bản Linh Dị Ký. Tác phẩm này không chỉ có ý nghĩa đối với việc nghiên cứu Nhật Bản, nó còn có ý nghĩa trong việc nghiên cứu lịch sử văn học so sánh ở Đông Á. Có rất nhiều truyện trong tác phẩm này có nội dung giống với truyện kể của Việt Nam. Thông qua việc khảo sát tác phẩm này, có thể tìm ra những mô típ tương đồng và dị biệt với truyện cổ của Việt Nam, tìm ra cách lý giải sự tương đồng và dị biệt  giữa hai nền văn hoá của hai nước. Từ đó càng hiểu thêm nền văn hoá Nhật Bản, một nền văn hoá rất gần gũi với chúng ta.
1. Tác phẩm Nhật Bản Linh Dị Ký:([1])
Nhật Bản Linh Dị Ký (Nihonryoiki) là tập truyện kể Phật giáo cổ nhất của Nhật Bản, ra đời vào khoảng đầu thế kỷ thứ IX, được biên soạn bằng chữ Hán. Trong lịch sử văn học Nhật Bản, người ta gọi các truyện truyền miệng đã được văn tự hoá như thoại, truyền thuyết, truyện dân gian là truyện kể. Về mặt nội dung, trong truyện kể cũng có sự phân biệt rõ giữa truyện kể Phật giáo và truyện kể dân gian. Nó cũng khác Monogatari (tiểu thuyết truyền kỳ Nhật Bản) ở chỗ gắn liền với các sự kiện có thật. Nhật Bản Linh Dị Ký tương truyền là của nhà sư Keikai chùa Yakushi tỉnh Nara. Tên đầy đủ của tác phẩm là Nhật Bản quốc hiện báo thiện ác linh dị ký (Ghi chép những chuyện linh nghiệm, kỳ  lạ báo ứng việc thiện ác của Nhật Bản), tên thường gọi là Nhật Bản Linh Dị Ký,gồm 3 quyển: Thượng, Trung , Hạ. Quyển Thượng có 35 truyện, quyển Trung có 42 truyện, quyển Hạ có 39 truyện, cả thảy có 116 truyện, ghi lại các truyện từ thời Thiên hoàng Yuryaku nửa thế kỷ V tới đầu thời Thiên hoàng Saga đầu thế kỷ IX. Nhiều nhất là các truyện từ cuối thời Nara đến đầu thời Heian, với mục đích giáo hoá chúng dân bằng các việc kỳ lạ từ xưa đến nay, chủ yếu nói về thuyết nhân quả báo ứng và sự thiện báo (báo đáp lại việc làm thiện) do tín ngưỡng đức Phật Quan Âm và công đức của việc tụng kinh Pháp hoa.
Nhà sư Keikai sinh ra trong một xã hội rối ren, bất ổn, nhiều xấu xa ô trọc khiến cho những người tử tế dường như tuyệt vọng, bất lực. “Nay xem người làm việc thiện hiếm như hoa nở trên núi, kẻ làm việc ác nhiều như cỏ mọc gò đồi” (Tựa, quyển Hạ). “Vì vậy, nếu việc thiện ác không chỉ ra rõ thì lấy gì làm bằng để sửa chữa lệch lạc và phân biệt đúng sai. Nếu không cho thấy sự quả báo, làm sao cải tạo được ác tâm, tu hành theo đạo thiện” (Tựa, quyển Thượng). Ghi chép những chuyện báo ứng, cho mọi người thấy rõ thuyết nhân quả báo ứng “ác giả ác báo, nhân giả nhân báo” là ý đồ đầu tiên của tác giả khi khi biên soạn Nhật Bản Linh Dị Ký.
Nhật Bản Linh Dị Ký là tác phẩm nổi tiếng trong kho tàng văn học cổ điển Nhật Bản, phản ánh nhiều mặt của nền văn hoá Nhật Bản thời trung đại. Sách được biên soạn năm thứ 6 (787), hoàn thành năm Konin thứ 13 (822).
Nhật Bản Linh Dị Ký là tác phẩm chịu ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo, nó là sản phẩm của thời kỳ Phật giáo và văn hoá Trung Quốc được du nhập và phát triển rực rỡ ở Nhật Bản. Các truyện kể Phật giáo Trung Quốc nhưMinh báo ký, Kim cương bát nhã tập truyện ký, tác phẩm chí quái Trung Quốc đời Tấn như Sưu thần ký, các tác phẩm truyền kỳ đời Đường nổi tiếng như Nhâm Thị Truyện... được lưu hành rộng rãi ở Nhật Bản thời bấy giờ đã có ảnh hưởng lớn đến Nhật Bản Linh Dị Ký.
Nhật Bản Linh Dị Ký là tác phẩm đầu tiên rung cảm lòng người bởi nét hiện thực sinh động. Nó còn hấp dẫn bởi nội dung chất phác nhưng không kém phần kỳ vĩ, kỳ ảo của các sự tích. Tác giả Nhật Bản Linh Dị Ký đã sử dụng nhiều mô típ có tính khuôn mẫu đã được định hình trong truyện kể dân gian không chỉ riêng của Nhật Bản mà chung của thế giới như: Mô típ về sự sinh nở kỳ lạ; sự hoá thân từ người sang vật; những nhân vật có khả năng kỳ diệu, hôn nhân giữa người và động vật; những nhân vật xấu xí mà tài ba...v.v...
2.  So sánh những típ và mô típ chính trong Nhật Bản Linh Dị Ký và truyện cổ Việt Nam
Khảo sát tác phẩm Nhật Bản Linh Dị Ký có thể dễ dàng nhận ra nét chung với truyện cổ của Việt Nam qua  những típ truyện như : típ truyện về Sự hiện báo (Tấm CámHai anh em); típ truyện về Người đội lốt xấu xí(truyện Sọ Dừa; truyện Nàng Tiên Trứng; truyện Chàng Rùa...), và mô típ Cái thiện được ban thưởng (trong truyện: Sự tích con khỉ); mô típ Cái ác bị trừng phạt (Người anh trong truyện Hai anh em); mô típ Sinh nở kỳ lạ(Lạc Long quân, Thánh gióng- Lĩnh Nam chích quái liệt truyện);  mô típ Nhân vật xấu xí mà tài ba (Người kỳ dị-Sơn cư tạp thuật); mô típ Sống lại sau khi xuống âm phủ (Thủ Huồn- Sự tích ông Thủ Huồn); mô típ Sự giúp đỡ của các thế lực siêu nhiên (Quạ thần - Cây khế, Hai cây khế ); .......
Trong bài viết này, chúng tôi muốn so sánh những típ và mô típ tiêu biểu trong Nhật Bản Linh Dị Ký với truyện cổ Việt Nam.
Trong Nhật Bản Linh Dị Ký, có hai típ truyện nổi bật, típ truyện về Sự hiện báo và típ truyện về Người đội lốt xấu xí.
Trong típ truyện về Sự hiện báo có những mô típ: Cái thiện được ban thưởng; Cái ác bị trừng phạt;  Sự giúp đỡ của các thế lực siêu nhiên...
Trong típ truyện về Người đội lốt xấu xí có những mô típ: Sinh nở thần kỳ;  Người đội lốt;  Vật phù trợ....
2.1. Típ truyện về sự hiện báo:
Cái gọi là  Hiện báo (báo ứng ngay) trong Nhật Bản Linh Dị Ký là sự quả báo lành hoặc dữ, không phải chờ đến kiếp sau mà ở ngay kiếp này do hành vi thiện hoặc ác mà con người gieo ở đời. Ác giả ác báo, thiện giả thiện báo là nội dung cơ bản trong các truyện kể của Nhật Bản Linh Dị Ký. Trong đầu đề truyện có tới 50% các tít có chữ “hiện báo” hoặc “được báo ơn”, “được khỏi bệnh”, “bị quả báo ở thời hậu thế” hoặc “bị quả báo tội chết”... Ngay trong các truyện đầu đề không có chữ hiện báo thì nội dung vẫn ít nhiều thể hiện sự hiện báo. Thậm chí trong tên đầy đủ của tác phẩm
Nhật Bản quốc hiện báo thiện ác Linh Dị Ký. (Ghi chép những chuyện kỳ lạ, linh nghiệm báo ứng  việc thiện ác của Nhật Bản) cũng đã nói về việc hiện báo.
Nhân quả báo ứng là hạt nhân trong các truyện của Nhật Bản Linh Dị Ký. “Viên quan huyện huyện Mitani trong đoàn quân được phái đi cứu Bách Tế cầu nguyện đức Phật, được đức Phật phù hộ bình yên trở về. Sau khi về nước, ông mời Thiền sư Gusai cùng về xây dựng chùa Mitani. Thiền sư Gusai còn bán gia sản của mình lên kinh đô mua sơn son thếp vàng để tạo tượng Phật. Trên đường trở về, đến bờ biển Naniwa ông thấy người ta bán bốn con rùa lớn bèn khuyên người ta mua rồi thả chúng ra. Khi thuyền dừng lại ở đảo Kabane, ông bị những người chèo thuyền vứt xuống biển, cướp mất đồ đạc. Khi rơi xuống biển ông được rùa cứu thoát. Lại nói về bọn thuyền nhân cướp được những thứ do ông mua về bèn mang đến bán cho chùa Mitani, gặp lại ông, chúng xấu hổ, sau được ông tha không bắt phạt”.
Truyện 23, quyển Thượng, có “Chuyện người đàn ông tàn ác không kính dưỡng mẹ bị quả báo tội chết” kể rằng: vào thời Thiên hoàng Kotoku trị vì thiên hạ ở cung Naniwa, có người đàn ông tên là Miyasu, đã từng học kinh điển nho gia, nhưng không nuôi dưỡng được mẹ mình. Có lần bà mẹ vay thóc song chưa trả nợ được. Miyasu tức giận quở trách và đòi trả lãi. Lúc đó mẹ nằm dưới đất, con nằm trên giường. Bà mẹ đưa bầu vú của mình ra vừa khóc vừa than:
“Ta nuôi nhà ngươi, sớm trưa chẳng lúc nào ngơi. Nay thấy con người ta báo ơn cha mẹ, mà ta lại có đứa con thế này, còn bị ngươi quở trách, thật nhục nhã lắm. Mong muốn của ta, hy vọng của ta tất cả đã tiêu tan. Bây giờ ngươi còn đòi ta thóc gạo. Ta cũng xin ngươi trả tiền sữa cho bú, từ nay tình mẹ con chấm dứt. Các thần trên trời dưới đất cùng chứng cho. Ôi thật buồn biết chừng nào, đau đớn biết chừng nào.”
Miyasu chẳng nói chẳng rằng đi vào trong buồng lấy văn khế vay mượn ra sân đốt hết rồi bỏ vào núi. Tâm trí anh ta bỗng trở nên hoảng loạn, không còn biết gì nữa. Tóc tai bơ phờ, thân thể đầy thương tích, lang thang khắp nơi. Ba ngày sau, nhà anh ta có hoả hoạn, tất cả đều bốc cháy. Cuối cùng vợ con anh ta cũng không thể sống được. Miyasu không còn chỗ để  nương thân, đói rét đến chết. Quả báo không xa, lẽ nào không tin điều đó.Vì vậy trong kinh nói rằng: “Những kẻ bất hiếu nhất định phải đày nơi địa ngục. Những người có hiếu với cha mẹ được vãng sinh  nơi tịnh thổ”. Đó là thuyết của đức Phật Như Lai và lời lẽ chân thật của Phật giáo Đại Thừa.”
Về chuyện báo ứng ở Việt Nam, có chuyện Lê Kính nhờ làm việc thiện nên được Thiên đình cho đỗ Tiến sĩ. “Ân huệ bỏ ra không lớn mà sự báo đáp  lại chóng như vậy, thật đúng như người xưa nói: chớ bảo việc thiện nhỏ mà không làm (Nam thiên trân dị tập, Lê kinh ký), hay Nguyễn Thị Thái lừa đứa cháu côi cút bé dại để chiếm đoạt gia tài, kết quả bị Thiên Lôi thiêu cháy cả quần áo, được ít lâu thì chết (Sơn cư tạp thuật, Tham báo)...
Truyện 25, quyển Trung, có truyện “Chuyện quỷ sứ cung Diêm Ma Vương báo đền ơn được mời cơm”, kể chuyện cô gái ở huyện Yamada tỉnh Sanuki tên là Kinume bỗng bị bệnh nặng. Để khỏi bệnh cô đã làm cơm cúng thết thần dịch bệnh và được lính quỷ sứ ở cung Diêm Ma Vương tha không bắt. Để thay cô, quỷ sứ đã bắt cô gái cùng họ tên ở huyện Utari nhưng Diêm Ma Vương không nghe. Lính quỷ sứ đành bắt Kinume  đưa xuống âm phủ. Cô Kinume  huyện Utari được sống trở về nhưng sau ba ngày ở nhà đã thiêu xác cô. Không còn nơi trú ngụ cô bèn nhập vào xác của Kunume huyện Yamada theo lệnh chỉ của Diêm Ma Vương và trở thành cô Kinume huyện Yamada. Khi tỉnh lại, cô không nhận lại cha mẹ và một mực cho rằng nhà cô ở huyện Utari. Khi về nhà ở Utari cha mẹ cô không nhận cô và nói rằng con gái của họ đã mất. Sau khi nghe cô thuật lại lệnh chỉ của Diêm Ma Vương, cả hai bên cha mẹ đều bằng lòng nhận cô và chia tài sản cho cô.
Câu truyện này giống truyện Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề, có truyện Truyện Đế Thích phụ chép truyện Trương Ba của Việt Nam.
Chúng ta có thể thấy cả hai truyện đều cùng một típ truyện báo ứng.
Do cùng chịu ảnh hưởng của văn hoá Hán, Nhật Bản Linh Dị Ký đã có mối liên quan về đề tài cốt truyện vớiCông dư tiệp ký. Công dư tiệp ký ra đời vào thế kỷ 18, sau Nhật Bản Linh Dị Ký gần 10 thế kỷ, vào thời kỳ văn học chữ Hán phát triển rực rỡ, với ngòi bút tài năng của Vũ Phương Đề đã trở thành một trong những tác phẩm nổi tiếng trong kho tàng văn học Việt Nam đương thời.
2.2. Típ truyện người đội lốt xấu xí :
Trong kho tàng truyện cổ thế giới nói chung, truyện Nhật Bản Linh Dị Ký của Nhật Bản và truyện cổ Việt Nam nói riêng, những truyện kể về người đội lốt dưới hình dạng các con vật hoặc người xấu xí, dị dạng đặc biệt phổ biến.
Trong típ truyện này có thể thấy một số các mô típ giống nhau giữa Nhật Bản Linh Dị Ký và truyện cổ Việt Nam.
2.2.1.  Mô típ sinh nở thần kỳ: Đây là mô típ khá phổ biến trong truyện kể dân gian các nước .
Truyện 19, quyển Hạ bắt đầu bằng sự sinh nở kỳ lạ: “Vợ của Toyobuku no Hirogimi, ngày rằm tháng Giêng, mùa Đông năm Tân Hợi, niên hiệu Hoki thứ 2 (771) sinh ra một cục thịt. Cục thịt giống như quả trứng chim. Ông bà cho là điềm chẳng lành bèn cho vào rọ tre, giấu vào hòn đá ở trong núi. Bảy ngày sau trở lại, xem thì vỏ ngoài bọc thịt đã vỡ, sinh ra cô con gái. Ông bà bèn bế đứa trẻ về nhà cho bú sữa và chăm sóc hết mực. Mới qua tám tháng cô bé lớn phổng lên. Đầu sát với thân, không có cổ. Sinh ra đã là người thông minh, chưa được bảy tuổi đã đọc được kinh Pháp Hoa và kinh Bát thập hoa nghiêm...” (Truyện Người con gái sinh ra từ cục thịt, tu hành phật Pháp giáo hoá chúng dân). ([2])
Truyện 31, quyển Hạ “Chuyện người con gái sinh ra hòn đá, cúng tế đá như thần” cũng nói về sự sinh nở kỳ lạ: “Ở thôn Kusumi, làng Mizuno, huyện Katakata, tỉnh Mino có một người con gái họ Agata đã hơn hai mươi tuổi vẫn chưa lấy chồng, cũng chẳng đi lại với người đàn ông nào vậy mà có thai. Được ba năm, vào hạ tuần tháng Hai, năm Quý Hợi niên hiệu Enryaku (Diên lịch) đầu (782), thời Thiên Hoàng Kanmu, sinh ra hai hòn đá. Mỗi hòn to chừng năm tấc vuông. Hòn lốm đốm trắng xanh, hòn màu xanh tuyền. Hai hòn đá mỗi năm một lớn. Lại nói, huyện kề bên là huyện Atsumi, ở trong huyện đó có vị thần gọi tên là Inaba, nhờ người lên đồng xem bói nói rằng: “Hai hòn đá là con của ta”.Nhân đấy lập bàn thờ cúng tế ở nhà cô gái. ([3])
Tác giả dân gian đã sử dụng mô típ sự sinh nở thần kỳ với ý tưởng đem đến cho nhân vật một nguồn gốc thần linh, nhằm làm thay đổi thân phận “thấp hèn” của nhân vật, mở ra một tương lai tốt đẹp bởi những khả năng tiềm ẩn, chứa trong con người có nguồn gốc thần kỳ đó.
Mô típ Sự sinh nở thần kỳ trong Nhật Bản Linh Dị Ký và trong truyện cổ Việt Nam có chung ý nghĩa: đó là sự ra đời của nhân vật với nguồn gốc thần linh mang ý nghĩa tự khẳng định một khả năng khác thường, dự cảm rằng ở trong đó có một nguồn sức mạnh kỳ lạ để xoá đi sự nghèo đói và sự bị khinh rẻ.
Ngay sau mô típ Sự sinh nở thần kỳ, nhân vật ra đời không phải là những đứa trẻ bình thường, nó mang một vẻ ngoài xấu xí, hoặc dưới hình thức các vật và con vật.
2.2.2. Mô típ  Người đội lốt xấu xí trong Linh Dị Ký thể hiện ở các hình thức: người mang lốt quả trứng, cục thịt, hòn đá....
Mô típ nhân vật xấu xí mà tài ba có thể thấy trong Thiền uyển tập anh của Việt Nam. Thiền sư Ngộ Ấn thông tuệ tài ba nhưng lại xấu xí tới mức bà mẹ “lấy làm ghét đem bỏ vào rừng” cũng giống với Ni cô Saruhijiri trong truyện 19, quyển Hạ của Nhật Bản Linh Dị Ký.
Trong truyện cổ Việt Nam, mô típ Sự sinh nở thần kỳ và mô típ Người đội lốt được thể hiện ở các hình thức: Cục thịt, bọc thịt “ Một cục thịt tròn lông lốc như hình cái sọ, có mắt mũi, mồm nhưng không có chân tay” (truyện Sọ Dừa); quả trứng (truyện Nàng tiên Trứng); các con vật: con Cóc truyện Chàng Cóc), con Rắn (truyện Chàng Rắn), con Rùa (truyện Chàng Rùa)...
Qua các hình thức thể hiện khác nhau của “Người đội lốt”, chúng ta thấy rằng mỗi tộc người, mỗi dân tộc đã nảy sinh, đã lựa chọn cái “lốt” khác nhau theo một môi trường liên tưởng nhất định gắn với điều kiện môi sinh.
Ý tưởng của tác giả dân gian khi cho nhân vật có nguồn gốc thần linh là thể hiện cái lốt xấu xí tưởng như không tốt đẹp nhưng khi nhân vật đã bộc lộ đầy đủ tài năng và phẩm chất của con người trong cái lốt xấu xí đó thì thực là cao đẹp, thực sự có sức mạnh chinh phục. Đó là một thủ pháp nghệ thuật dân gian, đã đưa đến cách đánh giá đúng đắn, chính xác về nhân vật “thấp hèn” và “chính là nòng cốt, cái hạt nhân tạo nên kiểu truyện Người đội lốt vật phổ biến trên thế giới([4]).
3. Sự tương đồng và dị biệt của  Nhật Bản Linh Dị Ký và truyện cổ Việt Nam:
3.1. Sự tương đồng:
3.1.1. Tương đồng về cốt truyện:
Trong truyện kể truyền miệng dân gian, cốt truyện có vai trò rất quan trọng, có chức năng phản ánh hiện thực đời sống xã hội bằng hình tượng nghệ thuật nhưng theo đặc trưng riêng của văn hoá dân gian. Truyện Nhật Bản Linh Dị Ký của Nhật Bản và Việt Nam cũng tuân theo nguyên tắc đó. Các cốt truyện thường được kể theo một trục thời gian, trong một không gian khép kín có giới hạn, theo một mạch tình tiết, hành động, sự kiện cụ thể. Do đó chúng ta thấy các cốt truyện của hai dân tộc có sự lặp lại của các kiểu mở đầu, kết thúc, với hàng loạt các mô típ cấu thành, với những chi tiết tình huống truyện giống nhau. Điều đó tạo nên sự tương đồng về cốt truyện.
Qua so sánh Nhật Bản Linh Dị Ký của Nhật Bản với truyện cổ Việt Nam, chúng ta thấy rõ những cốt truyện đặc trưng tương đồng. Thí dụ như cốt truyện về Sự hiện báo, cốt truyện về Người đội lốt xấu xí... Các cốt truyện thường giống nhau ở kết thúc, ở cách giải quyết vấn đề mà truyện đặt ra. Kết thúc truyện thường có hậu, luôn thể hiện rõ  quan niệm thẩm mỹ của nhân dân về cái đẹp và cái xấu, cái thiện và cái ác. Cái thiện thường chiến thắng, được ban thưởng, còn cái ác thường phải chịu kết cục thảm hại, bị trừng phạt.
Chúng ta còn gặp một yếu tố tương đồng nữa trong Nhật Bản Linh Dị Ký và truyện cổ Việt Nam,  đó là cách giải thích các hiện tượng tự nhiên. Trong truyện Chuyện kẻ tham lam bị biến thành rắn (truyện 38, quyển Trung) và truyện Sự tích con khỉ của Việt Nam có chi tiết tên địa chủ bị biến thành con khỉ (Việt Nam), và nhà sư biến thành con rắn (Nhật Bản), kết quả của tính tham lam độc ác bị trừng phạt.
3.1.2. Tương đồng về nhân vật:
Qua phân tích một số típ và mô típ trong Nhật Bản Linh Dị Ký và truyện cổ Việt Nam, chúng ta thấy có sự tương đồng của nhân vật.
Nhân vật tốt bụng trong Nhật Bản Linh Dị Ký và truyện cổ Việt Nam đều được xây dựng trong  típ truyện về Sự hiện báo và típ truyện về Người đội lốt xấu xí, với các mô típ xây dựng nên nhân vật giống nhau: mô típ Tốt bụng - Sự giúp đỡ của các thế lực siêu nhiên - Cái thiện được ban thưởng;  mô típ Sự xấu bụng (độc ác, tham lam, xảo trá, xấu tính) - Cái ác bị trừng phạt.
Nhân vật trong típ truyện Người đội lốt xấu xí của Việt Nam - Nhật Bản đều mang những nét mạnh mẽ, tài giỏi, phi thường.
Một yếu tố tương đồng được xử dụng như một yếu tố nghệ thuật để xây dựng nên nhân vật truyện cổ Việt Nam - Nhật Bản là yếu tố kỳ diệu, siêu nhiên, với sự tưởng tượng, hư cấu hoá. Các yếu tố kỳ diệu được tác giả khoác thêm nhằm làm cho truyện thêm ly kỳ hấp dẫn, nhân vật được đề cao. Yếu tố kỳ ảo  chính là sự mở đường để nhân vật bước vào thế giới huyền diệu vốn là không gian quen thuộc của truyện cổ tích thần kỳ.
Qua một vài típ truyện kể trên, có thể thấy nhân vật trong Nhật Bản Linh Dị Ký và truyện cổ Việt Nam được xây dựng trên cơ sở những chủ đề mang ý nghĩa đấu tranh xã hội. Hiện thực về cuộc sống của những nhân vật đó là sự phản ánh chân thực hiện thực cuộc sống ở những nước cùng trải qua một hình thái lịch sử xã hội.
3.1.3. Những nét tương đồng khác:
Do cùng chịu ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo, Nhật Bản Linh Dị Ký của Nhật Bản có nhiều nét tương đồng với truyện cổ Việt Nam. Ví dụ về quan niệm cây thiêng: cây cổ thụ có đám mây lành che bóng (Thiền uyển tập anh) với trên cây có hình đức Quan âm bồ tát (Nhật Bản Linh Dị Ký, truyện 8, quyển Hạ). Tục thờ cây thiêng: lấy gỗ tạc tượng Phật (Thiền uyển tập anh) với Nhật Bản Linh Dị Ký, truyện 5, quyển Thượng. Tục cầu đảo: xin thần phù hộ đánh giặc (Thiền uyển tập anh) với Xin thần phù hộ cho bình yên trở về (Nhật Bản Linh Dị Ký, truyện 17, quyển Thượng). Mô típ Thai sinh, Thác sinh cũng là minh chứng cho quan niệm luân hồi của đạo Phật.  Sự thác thai của Từ Đạo Hạnh làm con Sùng Hầu và trở thành vua Lý Thần Tông (Thiền uyển tập anh), “một ông sư, một ông lão ăn mày tái sinh vào bậc đế vương, khiến người ta không thể hiểu nổi” (Tang thương ngẫu lụcThần Tông hoàng đế) cũng tương đồng với sự thác thai chuyển hoá từ Thiền sư Zenju làm con trai nhà vua và sau trở thành Thiên hoàng Saga (Linh Dị Ký).
3.2. Sự dị biệt:
3.2.1. Sự dị biệt về cốt truyện
- Một số tình tiết  thay đổi, một số mô típ khác loại tham gia vào cốt truyện, làm thay đổi nội dung, bản chất của cốt truyện. Ví dụ trong cốt truyện về Sự hiện báo có mô típ Phạt: truyện của Việt Nam có mô típ trừng phạt tên trưởng giả xấu tính bị biến thành con khỉ; truyện của Nhật Bản có mô típ độc ác với loài vật bị trừng phạt với các tình tiết người đàn ông bị nổi mụn, lở khắp toàn thân, không có cách nào chữa được, kêu gào cho đến lúc chết.
Do đó, cốt truyện Sự tích con khỉ của Việt Nam phản ánh mối quan hệ giữa con người với con người và bài học ứng xử của con người. Còn cốt truyện Chuyện người đàn ông không có lòng từ bi, lột da thỏ sống bị quả báo(truyện 16, quyển Thượng) của Nhật Bản Linh Dị Ký phản ánh mối quan hệ giữa con người với tự nhiên và bài học về cách đối xử với loài vật.
Sự khác nhau của một số mô típ, một số tình tiết cấu thành cốt truyện nói lên sự khác nhau của các yếu tố văn hoá mang màu sắc của từng dân tộc, từng đất nước.
3.3. Lý giải về sự tương đồng trong Nhật Bản Linh Dị Ký của Nhật Bản với truyện cổ Việt Nam:
3.3.1. Cùng nằm trong một vùng văn hoá Đông Á
Các nhà Đông Phương học trên thế giới từ lâu đã nói về vùng văn hoá Đông Á và nhất trí xếp bốn nước: Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản,  Hàn Quốc thuộc vùng văn hoá này.
Nhật Bản và Việt Nam đều có chung một môi trường thiên nhiên khu vực Đông Á; cùng hệ sinh thái, cùng thuộc phạm trù văn minh lúa nước, lấy lúa nước làm cây trồng cơ bản. Mặc dù đất đai canh tác không nhiều, ba phần tư đất đai là đồi núi, lại thêm nhiều nét khắc nghiệt và dữ dội của một vùng đất đầy núi lửa, động đất, sóng thần, bão lụt và hạn hán, nhưng dường như thiên nhiên có sự bù đắp lại, với khí hậu ấm áp, lượng mưa mùa hạ lớn đã đem lại cho đất nước này thảm thực vật phong phú, hoa trái bốn mùa tươi tốt. Nghề nông với cây lúa nước có điều kiện phát triển giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Nếu ở Việt Nam những truyện kể về Lạc Long Quân đánh nhau với Hồ tinh ở đồng bằng, giết Ngư tinh ở biển là sự minh hoạ bằng biểu tượng thần thoại cho quá trình đấu tranh gian khổ của tộc người Việt trong công cuộc chinh phục thiên nhiên, mở mang địa bàn cư trú, thì ở Nhật Bản cũng có những thần thoại về công cuộc đấu  tranh giành giật đất đai trồng trọt và bảo vệ việc trồng lúa.
Có thể nói rằng bối cảnh lịch sử địa lý xã hội vùng Đông Á, với điều kiện của nước nông nghiệp trồng lúa, đó là một nguyên nhân dẫn đến những nét tương đồng trong truyện Nhật Bản Linh Dị Ký của Nhật Bản và truyện cổ Việt Nam.
3.3.2. Do quá trình giao lưu văn hoá giữa hai nước và quá trình tiếp thu, đồng hoá những nguồn ảnh hưởng
- Xét về nguồn gốc nội tại, có thể thấy rằng: Nhật Bản và Việt Nam  đều chịu ảnh hưởng của hai nền văn minh Trung Quốc và Ấn Độ, đặc biệt là văn minh Trung Hoa,
“Trung Quốc là cái nôi văn hoá thế giới”, nhiều nhà nghiên cứu đã nói như vậy.
Khác với thân phận bị áp đặt không mời mà đến như ở Triều Tiên và Việt Nam, chữ Hán và văn hoá Hán tới Nhật Bản bằng con đường rải chiếu hoa. Người Nhật Bản đã biết sàng lọc và sáng tạo trong việc tiếp thu văn hoá Trung Hoa. Ở Nhật Bản từ thế kỷ IV, thế kỷ V, khi chữ Hán trở thành công cụ chính thức trong việc bang giao với đại lục thì văn hoá Hán, văn học Hán đã thực sự có điều kiện để thâm nhập vào dân cư vùng đảo.
Khi chữ Hán chính thức được coi là công cụ ghi chép, ở Việt Nam đã hình thành dòng văn học viết bằng chữ Hán. Sự ra đời của nó là kết quả của sự hối thúc từ bên trong do sự vận động nội tại của bản thân nền học thuật chữ Hán Việt Nam sinh ra, cùng với sự giao lưu văn hoá văn học mang lại.
Cùng với sự ra đời và phát triển của văn hoá dân tộc, truyện cổ dân gian của Việt Nam cũng xuất hiện theo.
Truyện thần kỳ, truyền kỳ của Việt Nam ra đời và phát triển gắn liền với văn hoá dân tộc, liên quan đến kho tàng thần thoại, truyền thuyết và truyện cổ tích thần kỳ Việt Nam. Kho tàng văn học dân gian ấy là cái nôi nuôi dưỡng truyện  thần kỳ, truyền kỳ trong suốt quá trình phát triển của nó. Về mặt giao lưu văn học, truyện thần kỳ, truyền kỳ của Việt Nam đã tiếp thu và chịu ảnh hưởng của tiểu thuyết chí quái, truyền kỳ của Trung Quốc. Đồng thời còn vay mượn một số đề tài cốt truyện, mô típ có liên quan đến Phật giáo và các dân tộc phương Nam thời cổ như Chiêm Thành, Phù Nam,Thiên Trúc....
Nhật Bản và Việt Nam đều chịu ảnh hưởng của tam giáo. Những tôn giáo này khi du nhập vào Nhật Bản thì dung hoà với Thần đạo và tín ngưỡng dân tộc, khi du nhập vào Việt Nam thì dung hoà với tín ngưỡng bản địa và phát triển bên nhau, gặp nhau ở lòng vị tha, ở lòng trung thành.
- Nhật Bản và Việt Nam đã có mối quan hệ văn hoá - lịch sử từ lâu. Người Nhật Bản đến Việt Nam từ thời xa xưa. Lịch sử đã ghi lại có một người Nhật là Anbenakamarô làm quan đời nhà Đường và được cử sang An nam đô hộ phủ làm quan năm 767([5]). Sau này,  từ thế kỷ XV trở đi, quan hệ Nhật Bản - Việt Nam ngày càng được mở rộng, giao lưu văn hoá giữa hai nước càng được tăng cường và thắm thiết hơn.
Quá trình tiếp xúc, giao lưu văn hoá giữa hai nước hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp qua Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc... đã làm cho truyện cổ hai nước được bồi đắp, trở nên đa dạng và phong phú hơn.
Do bắt nguồn từ truyện cổ dân gian, lại chịu ảnh hưởng của tiểu thuyết truyền kỳ và truyện kể Phật giáo Trung Quốc,  Nhật Bản Linh Dị ký mặc dù không có sự giao lưu trực tiếp với các tác phẩm văn học của Việt Nam nhưng sự lưu thông giữa các mô típ và sự hoán cải các mô típ và cốt truyện trong Nhật Bản Linh Dị  có những nét tương tự như ở Việt Nam.
3.4. Lý giải sự dị biệt trong Nhật Bản Linh Dị Ký với truyện cổ Việt Nam
Việt Nam nằm trong bối cảnh lịch sử địa lý khu vực Đông Nam Á, Nhật Bản nằm trong bối cảnh lịch sử địa lý Đông Bắc Á. Hai nước ở cách xa nhau về địa lý, rất khác nhau về lịch sử, về cội nguồn dân tộc. Dân tộc Nhật Bản là một dân tộc thống nhất với những truyền thống văn hoá, phong tục tập quán, tôn giáo, tâm lý xã hội... riêng biệt và độc đáo. Thần đạo là tín ngưỡng dân gian bản địa đã có từ ngày đầu hình thành đất nước và dân tộc Nhật Bản, trước khi các tôn giáo ngoại lai du nhập vào Nhật Bản. Thần đạo ảnh hưởng đến tính cách, lối sống của người Nhật và bản sắc văn hoá Nhật Bản. Lịch sử Nhật Bản là lịch sử khai hoang, lấn biển, chinh phục thiên nhiên và thống nhất các bộ tộc với các cuộc duy tân, cải cách, và phát triển đất nước.
Việt Nam là nước nằm trong khu vực Đông Nam Á. Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử liên tục đấu tranh chống ngoại xâm và bảo vệ đất nước.
Do những hoàn cảnh lịch sử và xã hội với những biến động khác nhau, trên con đường di chuyển qua không gian và thời gian ấy, những tác phẩm truyện cổ đã thu hút thêm những sự kiện mới để bổ xung vào cốt truyện cũ, làm cho chúng ngày càng hoàn chỉnh. Trong quá trình lưu truyền, hiện thực xã hội phong kiến Nhật Bản hay Việt Nam đã tác động không ít đến nội dung cốt truyện, làm cho truyện cổ của Nhật Bản  và của Việt Nam có sự thay đổi chủ đề cốt truyện, thêm hoặc bớt  một số mô típ truyện. Do đó chúng ta thấy có sự khác nhau về cốt truyện hay diễn biến của nhân vật như trong truyện Nhật Bản Linh Dị Ký và truyện cổ Việt Nam.
Sự dị biệt trong Nhật Bản Linh Dị Ký và truyện cổ Việt Nam còn do sự khác nhau về quốc gia, về dân tộc.
Nhật Bản là một quốc gia thống nhất, dân tộc thống nhất. Vì thế truyện cổ Nhật Bản là sự tích hợp lý tưởng của một dân tộc Nhật Bản thuần nhất, dựa trên các câu truyện ở các tỉnh khác nhau (Ví dụ Nhật Bản Linh Dị ký là tập truyện xảy ra trên địa bàn của 37 tỉnh như: tỉnh Chiba; tỉnh Nagano; tỉnh Kyoto, Osaka và  Nara).
Còn Việt Nam là một quốc gia đa tộc người, gồm 54 dân tộc do đó có sự giao lưu, ảnh hưởng, tiếp thu kho tàng văn hoá của các dân tộc anh em cùng sống trên nước Việt Nam, tạo nên sự đa dạng phong phú và những sắc thái khác nhau ở cốt truyện và nhân vật.
Văn hoá Việt Nam và văn hoá Nhật Bản xét ở quá trình tiếp biến văn hoá thì thuộc phạm trù văn hoá Đông Á, nhưng xét về cơ tầng chiều sâu và bề rộng thì văn hoá truyền thống Việt Nam thuộc phạm trù văn hoá Đông Nam Á, văn hoá truyền thống Nhật Bản thuộc phạm trù văn hoá Đông Bắc Á. Những mối quan hệ này góp phần tạo nên  những nét khác biệt trong truyện cổ Việt Nam - Nhật Bản.
Như trên đã trình bày, về cơ bản, tác phẩm Nhật Bản Linh Dị ký của Nhật Bản và truyện cổ Việt Nam là đồng loại hình, về cấu trúc típ truyện là đồng dạng, nhưng cốt truyện của chúng có khác nhau do truyện cổ của mỗi nước hình thành và phát triển trên cơ sở đời sống của dân tộc ấy.
Việc so sánh và lý giải sự tương đồng và dị biệt trong Nhật Bản Linh Dị Ký của Nhật Bản với truyện cổ Việt Nam là việc làm khó khăn, đòi hỏi người nghiên cứu phải có một trình độ hiểu biết sâu sắc về nhiều lĩnh vực, nhất là phải có tri thức về văn học cổ điển Trung Hoa và Nhật Bản thì mới có thể hiểu tác phẩm một cách chính xác. Trong bài viết này, chúng tôi vẫn mạnh dạn nêu một vài suy nghĩ, có thể chưa đầy đủ nhưng chúng tôi vẫn hy vọng có dịp nghiên cứu sâu hơn sau này.


VŨ TUYẾT LOAN
(TS, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á)
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Keikai, Nhật Bản Linh Dị Ký, Nxb.Văn học, H. 1999.
2. Nguyễn Đổng Chi, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Tập 1,2,3,4,5. Viện Văn học xuất bản, H.1993. Tái bản lần thứ 7.
3. Chu Xuân Diên, Về phương pháp so sánh trong nghiên cứu văn học dân gia, Tạp chí văn học số 9,1997.
4. Phạm Đức Dương, Đông Nam Á- một khu vực lịch sử văn ho, Nxb. KHXH, H. 1996.
5. Nguyễn Tấn Đắc, Về bảng mục  tra cứu các  típ và mô típ của truyện cổ dân gian. Văn học dân gian những phương pháp nghiên cứu (Nhiều tác giả), Nxb. KHXH, H.1990.
6. Nguyễn Mạnh Hùng tuyển dịch, Truyện cổ Nhật Bản, Nxb. Trẻ, TP. HCM.1988.
7. Đinh Gia Khánh, Văn hoá dân gian Việt Nam trong bối cảnh văn hoá Đông Nam Á, Nxb. KHXH, H. 1993.
8. Nhiều tác giả, Lịch sử Nhật bản.  Nxb.Văn hoá Thông tin, H.1997.
9. Nguyễn Thị Nguyệt, Nghiên cứu so sánh mô típ thưởng và phạt qua một típ truyện cổ tích Việt nam - Nhật Bản, Tạp chí ĐHQG Hà nội, 10/1999.



([1])Nhật Bản Linh Dị Ký, Nxb Văn học, Hà nội - 1999, Nguyễn Thị Oanh dịch và giới thiệu, Onishi Kazuhiko, Okada Takeshi hiệu duyệt.
([2]) Trong Linh Dị Ký còn lưu giữ dấu vết tín ngưỡng thời cổ đại, như tín ngưỡng thần nữ trên đất, truyện 13, quyển Trung; tín ngưỡng bàn thạch (sinh đá), truyện 31, quyển Hạ và ở trong câu truyện kể trên có dấu vết của tín ngưỡng noãn sinh (sinh trứng). Ở Việt Nam tín ngưỡng sinh trứng có thể tìm thấy trong truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu cơ.
([3]) Ở Việt nam cũng có tín ngưỡng bàn thạch (sinh đá). Trong Cổ châu tứ pháp phả lục do Trần Đăng Thái và Đỗ Huy Liên soạn có ghi chuyện Man Nương mang thai 10 tháng, sau sinh ra hòn đá. (Di văn chùa Dâu, Nguyễn Quang Hồng, Nguyễn Tá Nhí...dịch.Nxb .KHXH, 1997).
([4]) Chu Xuân Diên, Văn học dân gian, Từ điển văn học tập 2. Nhiều tác giả. Nxb KHXH, H.1984.
([5]) Nhiều tác giả. Lịch sử Nhật Bản. Phan Ngọc Liên chủ biên, Nxb Văn hoá thông tin, H. 1997, tr.202


 http://www.inas.gov.vn/174-nhat-ban-linh-di-ky-trong-nghien-cuu-so-sanh-voi-truyen-co-viet-nam.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.