Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

14/10/2016

Lưu học sinh Việt Nam ở Nhật thời khắc chuyển đổi (ngay trước và ngay sau 1975)


Một đoạn hồi kí của Tôn Thất Phương - một lưu học sinh thời đó.

Hình như được viết năm 1998.

---










Tôn Thất Phương





Thế sự thiên nan hựu vạn nan
Tiễn quân nhất bộ nhất bàng hoàng
Ư mệnh ư tài ư cục vận
Thử thời thử thế thử giang san 
 (Thế sự muôn vàn nỗi khó khăn
Đưa em một bước một bâng khuâng
Chi mệnh chi tài chi cuộc vận
Nọ thời nọ thế nọ giang san)
 
(TVYN-NĐTK19)



THỰC TÌNH khi nghe việc đưa Lợi về Việt Nam, mọi người đều đã cảm được cái gay go, nhưng không ai muốn buông trôi hy vọng. Biết đâu đổi thuốc men, thay hoàn cảnh, sự thể sẽ khá ra. Tự trong thâm tâm, mỗi người đều muốn điều lành cho Lợi vì đếm quanh quẩn, bạn bè đâu còn được mấy, nhất là trong thời buổi này, ai ai cũng sống trong cái hoàn cảnh “chúng ta mất hết, chỉ còn nhau” !

Nhưng người đi, (ừ nhỉ), người đi thực ! Cái quay búng sẵn trên trời, chuyện mất còn không phải bàn tay con người có thể níu kéo được. Hôm nay trời Canberra ủ dột, đọc tin từ Tokyo gửi lại
Tôi biết được rằng tôi đã mất
Tôi đã mất em vào máu thịt quê hương
Đó là ngày em vội vã lên đường 
Xin đất mẹ hãy mở lòng yêu dấu 
(VQ)


NHỚ LẠI gần 25 năm về trước, cũng một buổi sáng có mưa phùn như hôm nay, tôi dẫn Lợi đi thuê nhà trọ. Đi mãi không được gì. Buổi trưa ngồi ăn, thấy tôi cứ không vui vì chuyện mấy ông fudosan (bất động sản = địa ốc), Lợi pha trò: “Mấy cái thằng Fudosan, nó nói nhà cách ga 5 phút thì mình phải cọng thêm vô 2-3 chục phút nữa. Mỗi lần dẫn mình đi nó cắm đầu chạy cho mau tới để mình tưởng gần. Nếu cái nhà cách ga độ 15 phút, chắc nó sẽ nói là sát ngay ga!”

Lợi qua Nhật khoảng năm 1970, học Nhật ngữ ở trường Shibuya nên hay lui tới cư xá Komaba. Ngồi ăn cơm chung, thấy trên tay Lợi có xâm hình con chuột nho nhỏ, tôi hỏi tại sao lại là con chuột, Lợi chỉ cười, không nói gì. Tôi thích nụ cười của Lợi, nó có cái cởi mở và ngang tàng của một người thẳng thắng nhưng cứng đầu. Quen lâu thì cũng dễ đọc được nụ cười của Lợi : khi nào vui, nụ cười có kèm theo 1 ánh mắt hơi nheo nheo lại và sáng lên. Không vui thì mắt không sáng và môi dưới hơi trề ra. Một lần nọ Lợi nói với tôi: cái anh TĐT, anh ấy bảo “mấy người trẻ nói nghe mà sướng”. Lợi nói 2 lần, nhấn mạnh chữ sướng và cười với môi dưới trề ra. Tôi hiểu Lợi nghĩ gì.

Đó là những tháng ngày có tranh chấp trong Hội Sinh Viên về nhận định chính trị. Lợi mới đến, đứng xa xa quan sát và dè dặt tìm hiểu. Phải nói rằng Lợi không bao giờ ồn ào như 1 số người khác, trong đó có cả nhiều người lớn tuổi đời hơn Lợi. Cái ấn tượng tốt đẹp về Lợi tôi có được là khi mới quen, tôi thấy Lợi mang theo mình hai cuốn sách Cho Cây Rừng Còn Xanh Lá của Lý Chánh Trung và Bọt Biển Sóng Ngầm của Nguyễn Ngọc Lan. Thưở đó rất nhiều sinh viên ưa truyện chưởng, không phải ai đi du học cũng vác theo sách của ông Trung và ông Lan.


NHƯ NHỮNG người khác đi Nhật du học, trong năm học Nhật ngữ, Lợi phải học thêm Anh văn và Toán để chuẩn bị cho kỳ thi vào đại học. Lợi không có thì giờ học được nhiều vì lúc đó Nixon áp dụng kế hoạch “Việt Nam Hóa Chiến Tranh” và cắt giảm viện trợ nên giá hối đoái chuyển ngân tăng gấp đôi. Hầu hết sinh viên Việt Nam thuở đó phải lăn mình đi kiếm việc làm thêm ngoài giờ học. Lợi hỏi có cách nào để nhớ được 1 số Anh ngữ mà khỏi phải ráng sức, tôi gợi ý học những bài hát để thêm từ ngữ và cách họ dùng câu rồi thâu băng cho Lợi, trong đó có 1 bài của Joan Baez:
 I dream I saw Joe Hill last night   
 Alive as you and me
 But Joe, say I, you’re ten years dead
 I never die, said he
 I never die, said he  
 The copper bosses killed you
 They shot you Joe, say I
 Take more than guns to kill a man
 I never die, said he
 I never die, said he
  
 And standing there as big as life
 And smiling with his eyes   

 Said Joe that they can never kill   

 Went on to organize
 Went on to organize  
 From San Diego up to Maine
 In every mine and mill
 Where working men defend their rights
 It's there you’ll find Joe Hill
 It's there you’ll find Joe Hill 
 
 I dream I saw Joe Hill last night ...

THỜI GIAN trôi nhanh. Một năm sau, “nhóm 4 ngườI” (Yonnin Gumi = the gang of four) của Lợi xong khoá Nhật ngữ, làm sayonara party để đi Osaka. Rượu vào, 5 thằng la hét gần sập cái gác trọ, hàng xóm bò lên cảnh cáo đến mấy lần. Bà con ép tôi uống thêm, tôi cầm chén ngập ngừng, làm đổ. Có ai đó không chịu, bắt uống lại, nhưng Lợi nháy mắt và đạp chân hắn dướikotatsu nên tôi được tha! Cái tính của Lợi như thế, không ép ai, lại hay cả nể bạn bè. Có lẽ vì thế nên anh em thương mến Lợi. Chả hiểu sau này có phải vì hay cả nể mà Lợi có bị ai ép uống nhiều quá hay không?

Rồi Lợi đi Osaka, lâu lâu mới có dịp về Tokyo. “Nhóm 4 người” có đến thăm tôi dịp Tết, ở lại 1 đêm để đánh phé ăn thua bằng quít! Lợi không thích chơi lắm, nhưng cũng nhập sòng vì cả nể bạn bè.

Tính của Lợi không có những uốn éo đưa đẩy mồm mép, không giả lả bề ngoài. Đó là một người mà bạn có thể giao việc được. Nếu gặp gian nan nguy hiểm, khi quay đầu lại nhìn đồng đội, bạn có thể yên tâm là Lợi vẫn đứng đó với bạn dù trước mặt là suối to núi lớn, là hoàn cảnh
Hơi nước mạnh người rầu mặt dạn
Lòng khe sâu ngựa nản chân bon! 
            (CPN)


LỢI ÍT NÓI , thường đưa ra những nhận định của mình về xã hội qua những câu ngắn nhưng có suy nghĩ cẩn thận. Những suy nghĩ của Lợi phải là 1 chuỗi liên tục của những cố gắng tìm giải đáp cho nhiều câu hỏi do bản thân đặt ra. Lợi dã lớn lên trong những năm Việt Nam có nhiều biến động lớn: Năm 1963, ông Diệm bị giết, 1964 quân đội Mỹ đổ bộ lên Đà Nẵng, 1966 phe Phật Giáo chiếm chính quyền ở Huế và Đà Nẵng, ông Nguyễn Cao Kỳ gửi Thủy Quân Lục Chiến ra “tái chiếm miền Trung”, 1968 là năm Mậu Thân ... Những xáo trộn liên miên này quá lớn, ai là người Việt Nam lại vô tâm đến nỗi không suy nghĩ gì, nhất là thế hệ của Lợi vốn là thế hệ của nhiều thao thức:
Người con gái Việt Nam da vàng
Yêu quê hương như yêu đồng lúa chín
Người con gái Việt Nam da vàng
Yêu quê hương nước mắt lưng tròng  
Người con gái một hôm qua làng
Đi trong đêm đêm vang ầm tiếng súng
Người con gái nằm mơ thanh bình
Trên da thơm vết máu loang dần ...  
....
Hàng vạn chuyến xe claymore lựu đạn
Hàng vạn tấn bom trút xuống đầu làng
Ruộng đồng Việt Nam cháy đỏ cuối thôn
 
Từng chuyến bay đêm con thơ giật mình
Hầm trú tan hoang ôi da thịt vàng
Một vùng thịt xương có mẹ có em 
              (Trịnh Công Sơn)
Không cần phải là một triết gia mới có được 1 cơ sở lý luận. Cái suy nghĩ của Lợi cũng đã như của bao nhiêu người Việt Nam khác: xã hội của ta đang sống có thanh bình không, có công bằng không? Bà con anh em bạn bè thân thuộc của ta có sống hạnh phúc không? Tương lai của cá nhân và đất nước ta có thấy được không? Chỉ giản đơn thế thôi, không ai cần mỹ từ, chủ thuyết. “Tất cả mọi chủ thuyết đều là màu xám, chỉ có cỏ cây đời mới mãi mãi xanh tươi”, ông Lenin mà còn nhắc mãi câu đó, chứ ai!
*

Trong hai năm 1975-1976, Lợi và tôi ít có dịp gặp nhau vì ai cũng có công chuyện bận rộn. Sau này nói chuyện, mới biết vào năm 1975 cả hai cùng đã có chung 1 ý nghĩ, đó là cái hy vọng tràn trề của 1 ngày mai hứa hẹn:
Việt Nam thì xong rồi
Đó là năm 1975 ...
Năm ấy những người tóc bạc, tâm sự như con voi già, chợt nghe tiếng gió gọi ngàn
   
Năm ấy, những người xa quê hương, như chim chóc đều nghe mùa xuân ấm ...
Như đến từ vạn dặm, gặp lại nhau đêm hè, 
hội nghìn năm một thưở
Xin mời anh ly rượu này: 
ta uống can 1 nửa đời dang dở
một nửa đời đã cũ
Cạn ly này, 
thôi vĩnh biệt đôi giày gót mòn viễn xứ
Nào anh em xa đâu bằng láng giềng gần
và hoà bình đâu có tuổi

 
Việt Nam đã xong rồi
mùa xuân sao lộng lẫy
Đón tin qua tôi gửi ước mơ về
Đôi mắt người hoen đỏ, 
giọt lệ tôi cũng nhỏ
Cuốn cho trôi đi 30 năm dài đầy gian khổ
Không có khó khăn nào ta sẽ không vượt qua
Không có chướng ngại nào ta sẽ không đập vỡ
  
Việt Nam đi, con đường đi thưở ấy
Khí thế của giòng sông to, của trùng dương rộng
Chân trời hồng là chân trời 90
Con đường đi là con đường đi mới: không kinh qua
nước mắt và mồ hôi của người bóc lột người
Ta có quyền ước mơ
Vì ta có độc lập và tự do ...  
Khi thấy hoa dễ khen mùa quả ngọt   
Khi thấy anh em ai nghĩ đến quân thù
Tủ kính của lịch sử bao giờ cũng đẹp ..
  
Kẻ tha hương vẫn ngóng đợi chờ như có thói quen
Trong giấc ngủ thường nghe tiếng người gọi cửa
Trong giấc ngủ vẫn còn nghe tiếng còi tàu hú
Hoà bình ơi cho người xin mượn cánh!
               (Nguyễn Hồi Thủ)


NHỮNG NGÀY ở Tokyo trong mấy tháng sau đó đã là những ngày thật đẹp. Con người sống trong những ước mơ hồng. Trong một đêm mừng hòa bình, một giáo sư Nhật nói với tôi: “Lịch sử từ nay sẽ thay đổi”. Tôi sung sướng với lời khen, trả lời dè dặt “Dạ, lịch sử Việt Nam sẽ đổi”. Ông thầy tưởng tôi không hiểu ý, nói lại: “Không, lịch sử thế giới sẽ đổi”. Thưở ấy, tôi cũng nghĩ thế, và tin tưởng ở vùng Đông Nam Á, một tân minh chủ đã ra đời ...

Rồi mọi hội đoàn, tổ chức, nhóm vv... đều tự giải tán cả, nhường chỗ cho 1 cái gì chung và lớn. Anh HM thảo ra 1 bản Nội Quy mới thật đẹp làm cơ sở cho cái mới sắp đến. Tất cả mọi hân hoan này, khi đem ra đại hội để bỏ phiếu hợp thức hoá, đã bị 1 ông thầy ( = visiting professor) dạy tiếng Việt đập tan cả. Cái không khí của buổi đó là cái gì của “sĩ khí rụt rè gà phải cáo”. Không ai đồng ý với ông này, nhưng không ai nói được gì. Ông thầy này thực ra chả là ai to lớn. Ông chỉ là 1 thầy giáo bình thường thôi, nhưng trí tưởng tượng của rất nhiều người lúc đó đã thổi con chuột thành trái núi. Thậm chí có 2 người, 1 nam 1 nữ, đã chính thức xin ông ấy làm giáo sư cố vấn chỉ đạo cho luận văn tốt nghiệp của mình.

Đó là tháng 10 năm 1975, trời Tokyo đã sang Thu. “Tôi sợ chiều Thu gió phớt mờ! 

Trên đời, không ai có thể đòi hỏi bất cứ ai làm những việc vá trời lấp bể. Nhũng khó khăn trong sự xây dựng 1 đất nước nghèo đói sau chiến tranh là điều hiểu được. Chuyện Phù Đổng Thiên Vương chỉ là 1 ước mơ thiếu thực tế. Nhưng trong sự định hướng cuộc đời mình, con người bình thường luôn luôn quan sát sự việc trên những khía canh thực tế, mắt thấy tai nghe vì đổi đời phải là làm cho xấu ra đẹp, cho xã hội bất công thối nát biến ra một xã hội có lẽ sống
Ta ước ngày mai hết đói nghèo
Hết tù hết tội hết gieo neo
Trong ngoài bốn biển anh em cả
Ôi đẹp vườn xuân sớm lại chiều 
               (XT)


BẴNG ÐI MỘT thời gian dài, lại gặp Lợi, vui mừng. Kéo nhau vào Kishaten (= quán trà) , Lợi nói qua ly cà-phê ấm: “Hôm trước ở dưới đó, tụi Lợi với anh A, anh H, vv.. một bầy kéo nhau đi nhậu, hát nhạc vàng đã đời luôn. Gặp anh em là phải đùa giỡn, không lẽ cứ ngồi hát tiến lên, tiến lên ! ...”. Một lúc khác, Lợi lại nói: “Cái gì cũng không thể bắt đầu bằng chữ NẾU. Bảo là NẾU, thế luật của mấy nước Tư Bản, nếu mấy cái thằng Nixon vv.. nó không ăn gian thì chả hay lắm sao? ”
Như đã nói ở trước, tính Lợi không ưa nói nhiều !
*


HÔM NAY nhớ về Lợi, tôi mong rằng Lợi đã có được sự an bình vĩnh cữu. Nghĩ cứ như còn thấy được Lợi đang đâu đấy, như ngày nào còn gặp ở Tokyo. Vẫn nụ cười thẳng thắn ngang tàng đó, vẫn ánh mắt mà khi vui thì nheo lại và sáng lên đó ... Lợi sẽ nói với tôi về nỗi bình yên mới của Lợi :
 Bao nhiêu năm nhọc nhằn đã qua   
 Hôm nay nắng lạ lùng rọi đến
 Trong tim người
 Trong tim ta 
 Trong tim em
 Trong tim những người Việt nghèo khó  
 Bao nhiêu năm nhọc nhằn đã qua
 Hôm nay ánh hoà bình đã thấy
 Trên môi người
 Trên môi ta
 Trên môi bé hiền hòa  
 Đường ta đi hôm nay có bước chân tự do
 Người Việt Nam hôm nay sống với nhau thật thà..
.             (Trịnh Công Sơn)
Nhưng không, đây chỉ là một giấc mơ. Giấc mơ đã là của Lợi và đang là của tất cả người Việt Nam khắp chốn. Nay thì Lợi đã đi rồi, đi thực, “nghìn trùng xa cách, đời đứt ngang rồi” – không thể thấy lại nữa. Không, Lợi không còn đứng đó nữa, không còn
 Standing there as big as life
 And smiling with his eyes
*


Lợi rất thích nhạc Trịnh Công Sơn. Hôm nay tôi muốn gửi 1 bài cho Lợi. Cứ nghĩ giá mà Lợi ... nên lòng thấy sao cứ tiếc nuối âm thầm :
 Nơi em về trời xanh không em ?   
 Nơi em về ngày vui không em ?
 Từ lúc 
 đưa em về
 Là biết 
 xa nghìn trùng
  
 Ru từng ngọt bùi đã qua
 Ru người lận đận héo khô
 Ame ga shitto shitto ... (1)  
 Nơi em về trời xanh không em ?
 Nơi em về ngày vui không em ?
 Ta nghe ... 
 từng giọt lệ
 rớt xuống ...
 thành hồ nước ... long lanh  
 Bye bye, Sayonara
 Yasashii omoide
 Moo, watashi wa ...
 Furi-mukanai ! (2)

CHÚ THÍCH  
·         (Trong vài bài thơ, bài hát, có sửa 1 vài chữ)
(1)    Mưa rơi thổn thức
(2)    Kỷ niệm thật êm đềm về đầy ắp, nhưng thôi, tôi sẽ chả ngảnh đầu lại để nhìn.

_____________________________________________________________________________
Văn Lang Tôn-Thất Phương (Canberra) 1998-05



http://www.erct.com/2-ThoVan/TTPhuong/Nguoive-PDL.htm


























Văn Lang là bút hiệu của anh Tôn Thất Phương (Exryu 66 - Úc Châu) hiện đang sinh sống tại Canberra. Bài viết của anh Phương đã được đăng rất nhiều trên các mạng Internet. ERCT đã được phép  post tất cả những tác phẩm của anh Phương để chia sẻ với gia đình Exryu. Xin cám ơn anh Phương.
Cảm tưởng về thơ văn của Văn Lang Tôn Thất Phương xin gởi về Remember.pt@gmail.com


Hồi ký


Dịch thuật
 Sự thực về Hiroshima:  Tại sao ? (nguyên tác của William Jones)

   Tay đạo chích hào hiệp - Nezumi Kozo Jirokichi Akutagawa Ryunosuke  
   Lòng đã trót yêu   (Kesa to Morito - Akutagawa Ryunosuke)
Biên soạn


http://www.erct.com/2-ThoVan/TTPhuong/00_TTP-Menu.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.