Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

11/10/2016

Bằng cấp và khoa giáo Đại Việt : sự kiện hai ông Quế vẫn chưa dứt

Sự kiện hai ông Quế mấy năm trước, đã từng điểm tin ở đây.

Sau một thời gian khá dài, đến bây giờ, hóa ra vẫn còn chưa có hồi kết.

Tin từ các nơi.


---

5. Tháng 12 năm 2018, một tình tiết lạ



LĐO | 18/12/2018 | 16:15


Vụ việc hy hữu liên quan đến đạo văn vừa được đưa ra tòa xét xử, với kết quả người bị tố đạo văn – ông Hoàng Xuân Quế được tuyên thắng kiện. Nhưng sự việc dường như chưa có dấu hiệu dừng lại, bởi Bộ GDĐT tuyên bố sẽ kháng cáo.
Liên quan đến vụ việc này, có nhiều tình tiết đến nay vẫn là câu hỏi lớn chưa có lời giải.

Bộ và tiến sĩ đều khẳng định mình đúng
Luật sư Đinh Anh Tuấn (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Bộ GDĐT) cho biết, sau khi TAND TP.Hà Nội tuyên ông Hoàng Xuân Quế (nguyên Phó viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân) thắng kiện, Bộ GDĐT đã làm các thủ tục để kháng cáo. 
Theo luật sư Tuấn, Bộ vẫn bảo lưu quan điểm đã áp dụng đúng quy định trong việc ra quyết định thu hồi bằng tiến sĩ đối với ông Hoàng Xuân Quế. Bộ khẳng định hành vi sao chép luận án tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế đã rõ ràng và có minh chứng đầy đủ.
Trong khi đó, nói về bản án mà tòa vừa tuyên, ông Hoàng Xuân Quế cho biết hoàn toàn đồng tình với kết quả phiên tòa sơ thẩm và khẳng định mình không đạo văn. 
Ông cho rằng việc Tòa án tuyên hủy quyết định của Bộ trưởng GDĐT đã trả lại danh dự, uy tín của ông suốt nhiều năm qua. Quyết định của Bộ trưởng GDĐT đã gây thiệt hại cả thể chất, tinh thần, phá hỏng sự nghiệp của ông.
Ông Quế hy vọng đây là bài học để Bộ GDĐT cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước khi ban hành quyết định hành chính cần xem xét thấu đáo, thượng tôn pháp luật, tránh làm ảnh hưởng đến quyền lợi và danh dự của công dân.
Có hay không việc đạo văn?
Căn cứ để TAND TP.Hà Nội tuyên ông Hoàng Xuân Quế thắng kiện là vì Bộ GDĐT đã không cung cấp được tài liệu luận án gốc mà ông Quế nộp cho Bộ để lưu trữ theo quy định. Vì không có luận án gốc, nên cả hai bên tự đi thu thập tài liệu để làm căn cứ khẳng định mình đúng. 
Có điều, đến nay những cuốn luận án được hai bên thu thập, được cho là của ông Hoàng Xuân Quế lại có nội dung khác nhau. Tài liệu mà Bộ GDĐT thu thập ở Thư viện Quốc gia có cho thấy luận án của ông Hoàng Xuân Quế có những sao chép của luận án mà người khác đã bảo vệ trước đó.  
Trong khi đó, luận án mà ông Quế tự thu thập lại không thấy những nội dung giống nhau này. 
 
 Quyết định thu hồi bằng tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế mà Bộ GDĐT ban hành.
Theo Luật sư Trần Hồng Phúc, vì không có luận án gốc nên không đủ căn cứ để khẳng định ông Quế đạo văn. Cũng vì điều này mà quyết định thu hồi bằng tiến sĩ với ông Quế của Bộ GDĐT chưa đủ căn cứ khách quan để ban hành. 
Theo một chuyên gia pháp lý, trong vụ án dân sự liên quan đến đạo văn này, tình tiết "lạ", gây khó hiểu và gây tranh cãi nhiều nhất chính là việc không tìm thấy cuốn luận văn gốc mà ông Hoàng Xuân Quế thực hiện để bảo vệ lấy bằng tiến sĩ. Vì đến hiện tại vẫn không khẳng định được đâu là luận án gốc, nên vụ án mới kéo dài nhiều năm và chưa có hồi kết như vậy.
Năm 2013, sau khi xác minh nội dung đơn thư tố cáo, Bộ trưởng Bộ GDĐT khi đó là ông Phạm Vũ Luận đã quyết định thu hồi bằng tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế, với lý do cho rằng ông Quế đã chép luận án tiến sĩ của người khác.
Không đồng tình với kết luận và quyết định thu hồi bằng tiến sĩ của Bộ GDĐT, ông Hoàng Xuân Quế đã khởi kiện Bộ trưởng Bộ GDĐT ra TAND TP.Hà Nội.
Sau nhiều lần đưa ra xét xử nhưng chưa có kết luận cuối cùng, ngày 14.12.2018, TAND TP.Hà Nội đã tiếp tục mở phiên xét xử và tuyên Hoàng Xuân Quế thắng kiện, vì không đủ căn cứ để khẳng định ông Quế đạo văn.
Tòa cho rằng việc Bộ GDĐT ra Quyết định 4674 ngày 11.10.2013 thu hồi bằng tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế là trái quy định của pháp luật. Do đó, tuyên hủy Quyết định 4674 của Bộ trưởng Bộ GDĐT, kiến nghị bộ này cùng các cơ quan chức năng có thẩm quyền khôi phục lại học hàm, học vị cho ông Quế.
BÍCH HÀ
https://laodong.vn/giao-duc/tinh-tiet-la-vu-tien-si-bi-to-dao-van-thang-kien-nguyen-bo-truong-gddt-647370.ldo



4.


Diễn biến mới vụ tiến sĩ kiện cựu Bộ trưởng Giáo dục

Mới đây, Bộ GD-ĐT đã có văn bản do thứ trưởng Bùi Văn Ga ký, gửi tới Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân TP Hà Nội, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội để đưa ra ý kiến phản biện về quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội trong vụ kiện của ông Hoàng Xuân Quế.
Trong công văn này, Bộ GD-ĐT cho biết tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đã cho rằng trong quá trình Bộ GD-ĐT xác minh nội dung tố cáo, vẫn còn một số vấn đề chưa được làm rõ.
Đó là các nội dung: “Hội đồng Xác minh luận án tiến sỹ (LATS) do Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư ngành kinh tế (CDGSNKT) thành lập gồm nhiều người không thuộc Hội đồng CDGSNKT; Việc xác minh, đánh giá LATS của ông Hoàng Xuân Quế với thành phần và cung cách như vậy chưa bảo đảm khoa học, khách quan.
Về 3 cuốn LATS do ông Hoàng Xuân Quế thu thập, Kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an theo trưng cầu của A83 Bộ Công an vẫn còn một số vấn đề chưa rõ, như các lỗ dập ghim trên các trang có nghi ngờ sao chép nhiều hơn hay ít hơn so với lỗ dập ghim trên các trang còn lại…
Hiện Bộ GD-ĐT vẫn chưa xác định được trong 06 cuốn LATS của ông Hoàng Xuân Quế trong vụ án này (3 cuốn do Bộ GD&ĐT thu thập, và 3 cuốn do ông Hoàng Xuân Quế thu thập) thì cuốn nào được ông Quế bảo vệ tại Hội đồng bảo vệ LATS cấp nhà nước”.
tiến sĩ kiện cựu bộ trường Giáo dục, Phạm Vũ Luận, Hoàng Xuân Quế
Toàn cảnh phiên tòa hành chính xử vụ ông Hoàng Xuân Quế kiện Bộ trưởng Bộ GD-ĐT
Vì vẫn còn những vấn đề cần làm rõ như trên, đại diện Viện KSND TP Hà Nội đã đề nghị HĐXX tuyên hủy Quyết định thu hồi bằng tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế.
Tuy nhiên, theo Bộ GD-ĐT thì phát biểu nêu trên của vị đại diện Viện kiểm sát đã không được tranh tụng tại phiên tòa và sau đó đã được một vài tờ báo trích đăng ý kiến. Để bảo đảm nguyên tắc tranh tụng đã được Hiến pháp quy định, Bộ GDĐT có một số ý kiến phản biện lại quan điểm của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội.
Bộ GD-ĐT cho rằng các ý kiến trên đây hoàn toàn đã được làm rõ trong hồ sơ vụ việc.
Cụ thể, ý kiến của Hội đồng Xác minh LATS do Hội đồng CDGSNKT thành lập là tài liệu Tổ xác minh của Bộ GD-ĐT thu thập trong quá trình giải quyết tố cáo. Hội đồng Xác minh LATS do Hội đồng CDGSNKT được thành lập trong giai đoạn xác minh nội dung báo chí phản ánh, không phải trong giai đoạn giải quyết tố cáo chính thức (từ ngày 19/9/2013 đến 11/10/2013).
Công văn của Bộ đề nghị Hội đồng CDGSNKT với mục đích giao HĐ chủ trì xác minh việc có sao chép luận án hay không và nếu có sao chép thì khi bỏ phần sao chép ra, luận án còn giá trị, còn đạt yêu cầu hay không…
Còn việc mời nhà khoa học nào tham gia Hội đồng xác minh là do Chủ tịch HĐ quyết định cho phù hợp với chuyên ngành của Luận án cần xác minh nhằm đảm bảo tính chính xác của kết quả xác minh nội dung LA.
“Kết luận của Hội đồng cũng chỉ có giá trị tham khảo trong quá trình giải quyết tố cáo. Tổ xác minh của Bộ đã thực hiện xác minh trực tiếp các tài liệu chứng cứ đã thu thập được theo quy trình giải quyết tố cáo để báo cáo kết quả xác minh, làm cơ sở ban hành kết luận nội dung tố cáo” – công văn nêu rõ.
Về ba cuốn luận án được Bộ GDĐT sử dụng làm căn cứ đối chiếu, so sánh nội dung sao chép, Bộ GD-ĐT cho rằng đây là “3 cuốn luận án của ông Hoàng Xuân Quế được lưu giữ chính thức theo đúng tiến trình đào tạo, cấp bằng tại các địa chỉ: Thư viện Quốc gia, Thư viện Trường ĐH Kinh tế quốc dân và Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM.
Các cuốn luận án gốc nêu trên đã được Bộ GDĐT thu thập và lưu giữ đầy đủ trong hồ sơ vụ việc, khi thu nhận các quyển luận án để làm căn cứ đối chiếu nội dung sao chép đều có đầy đủ biên bản và xác nhận của các Thư viện”.
Về chữ ký tại Lời cam đoan trên các quyển luận án, theo Bộ GD-ĐT, tại thời điểm 2003 khi ông Quế bảo vệ luận án, không có quy định nào bắt buộc nghiên cứu sinh phải ký vào Lời cam đoan… “Việc không có chữ ký của nghiên cứu sinh vào phần Lời cam đoan của luận án không làm ảnh hưởng đến giá trị pháp lý của cuốn luận án. Ba cuốn luận án nêu trên có tính pháp lý đầy đủ vì đều được tiếp nhận, lưu giữ trên cơ sở pháp luật và do cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quản lý”.
Vì vậy, Bộ GD-ĐT cho rằng “không thể không thừa nhận 3 cuốn luận án đang được lưu giữ chính thức tại các thư viện nêu trên là của ông Hoàng Xuân Quế”.
Về 3 cuốn luận án do ông Hoàng Xuân Quế nộp lại và khẳng định là bản chính thức được dùng để bảo vệ tại Hội đồng chấm luận án tiến sỹ cấp nhà nước ngày 26/10/2003, Bộ GDĐT cho biết “đã xem xét nhận thấy một số điểm không đúng quy định: 2 cuốn bìa mềm, một cuốn bìa cứng trong khi quy định bắt buộc phải đóng bìa cứng; 3 cuốn LATS này không bảo đảm tính pháp lý (việc lưu giữ tại nhà các thành viên hội đồng chấm luận án là không bắt buộc theo quy định pháp luật) và phương pháp thu thập không bảo đảm tính khách quan… Những cuốn luận án “được xin lại” từ thành viên hội đồng môt cách không khách quan, với hình thức không đồng nhất, không đúng quy định không phải là căn cứ để giải quyết tố cáo”.
Trong công văn, của Bộ GD-ĐT khẳng định “Ba vấn đề mà đại diện VKSND TPHN nêu đã có đầy đủ trong hồ sơ vụ án. Bằng văn bản này, chúng tôi khẳng định lại không còn vấn đề nào cần làm rõ như đề nghị của đại diện VKSND Thành phố Hà Nội tại phiên toà; Quyết định số 4674/QĐ-BGDĐT ngày 11/10/2013 là có đủ căn cứ pháp luật và phù hợp với thực tế khách quan”.
Ngân Anh

Sau khi có văn bản của ông Bùi Văn Ga, Luật sư Trần Hồng Phúc - người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Hoàng Xuân Quế - ngay lập tức có ý kiến phản biện.
Một là, việc làm này của Bộ GD-ĐT đã vi phạm Điều 13 Luật Tố tụng Hành chính năm 2015 quy định: “Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.
Hai là, vi phạm Điều 190 quy định: Phát biểu của Kiểm sát viên.
Ba là, không rõ công văn của Bộ GD-ĐT ký gửi cho Chánh án TAND Tối cao, Chánh án TAND Thành phố Hà Nội, Viện KSND Thành phố Hà Nội đã đến nơi nhận hay chưa và công văn này có được gửi đến các cơ quan báo chí hay không? Nhưng vào 22h ngày 16/10/2016, có một số tờ báo đã đăng tải nội dung công văn này.
Bốn là, các nội dung trong công văn này không có gì mới.
Năm là, về hồ sơ gốc của Nghiên cứu sinh Hoàng Xuân Quế: Ông Quế bảo vệ luận án cấp nhà nước, là nghiên cứu sinh của Bộ GD-ĐT nên hồ sơ này phải được lưu trữ theo quy định và phải luôn được đảm bảo tính truy nguyên nguồn gốc của quá trình đào tạo nghiên cứu sinh.
Việc luận án gốc của ông Quế bảo vệ tại Hội đồng chấm luận án tiến sĩ năm 2003 cũng như các bản phản biện kín của các nhà khoa học hay một số tài liệu liên quan khác không còn dù với lý do bị mất hay chuyển đi đâu, đến nay không có hoặc đưa ra tài liệu khác thay thế nhưng không bảo đảm “tính tác giả”, tính truy nguyên nguồn gốc là của ông Quế thì Bộ GD-ĐT phải chịu trách nhiệm.
Sáu là, về phần lời cam đoan: Theo quy định tại Quy chế đào tạo sau Đại học ban hành theo quyết định số 18/2000/QĐ-BGD&ĐT ngày 8/6/2000 và phần hướng dẫn về cách trình bày đối với một luận án tiến sĩ theo công văn số 8217/SĐH ngày 1/9/2000 cho thấy, bắt buộc nghiên cứu sinh phải có lời cam đoan…

Trong hai ngày 7 và 10/10/2016, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hành chính ông Hoàng Xuân Quế, Trường ĐH Kinh tế quốc dân khởi kiện Quyết định số 4674/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về việc thu hồi bằng tiến sĩ.
Nhận định rằng còn những vấn đề cần làm rõ như trên, đại diện Viện KSND TP Hà Nội đã đề nghị HĐXX tuyên hủy Quyết định thu hồi bằng tiến sỹ của ông Hoàng Xuân Quế.
Chủ toạ sau đó thông báo do vụ án còn nhiều điểm “phức tạp”, hội đồng xét xử quyết định nghị án kéo dài. Dự kiến tòa sẽ tuyên án vào chiều ngày 17/10.
http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/334308/dien-bien-moi-vu-tien-si-kien-cuu-bo-truong-giao-duc.html





3.

authorNguyễn Thế Trung Chủ Nhật, ngày 16/10/2016 14:03 PM (GMT+7)

(Dân Việt) Những ngày gần đây, các báo đồng loạt thay mặt các luật sư tường thuật phiên tòa và lý lẽ giữa một trí thức là ông Hoàng Xuân Quế (PGS.TS, Đại học Kinh tế Quốc dân) và một bộ trí thức là Bộ Giáo dục và Đào tạo, về quyết định thu hồi bằng tiến sĩ của ông Quế do sao chép lên đến “52,5/159 trang luận án (khoảng 30,02%) từ luận án tiến sĩ của ông Mai Thanh Quế (Học viện Ngân hàng)”.


   
Toàn cảnh phiên tòa hành chính xử vụ ông Hoàng Xuân Quế kiện bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (7-10.10). Ảnh: PL TP.HCM

Nhìn dưới lăng kính pháp luật thì đây là việc của luật sư và tòa án, nhìn từ lăng kính của số đông dân chúng thì đó có thể đơn thuần chỉ là một cuộc thắng thua bằng những cách thức vốn được sử dụng thường xuyên trong xã hội ngày hôm nay, tức là ai mạnh thì thắng. Vì thế, cuộc kiện tụng quanh luận án tiến sĩ trong một xã hội quá nhiều tiến sĩ như xã hội ta chẳng lấy được nhiều sự quan tâm như các vụ liên quan đến môi trường như Formosa, vụ Trịnh Xuân Thanh hay đơn thuần giải trí như Tùng Sơn, Lệ Rơi...

Nhưng theo tôi đây là một vấn đề lớn, bởi người ta không thể làm ra những cái đúng từ một cái sai. Mấu chốt của lao động tri thức vốn có các sản phẩm ít “sờ thấy được” chính là ở chỗ được kế thừa từ kết quả của người đi trước, nên dù đó là vấn đề của 10 năm hay của 2 năm trước, thì chấp nhận một việc sai lầm sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường đối với các thế hệ tri thức tiếp theo là đồng nghiệp, là sinh viên là học sinh. Và điều đáng tiếc là việc này hoàn toàn có thể làm đúng được dựa trên việc ứng dụng khoa học công nghệ căn bản cụ thể là công nghệ thông tin.

Quay trở lại vụ án, trong rất nhiều lý lẽ, tựu trung ta thấy có hai lý lẽ chính của hai bên. Đó là ông Quế cho rằng có thể ông nộp nhầm, có thể ông nộp sai, có thể ông in sách sai nên không thể căn cứ vào các bản nộp tại thư viện, bản sách in đã xuất bản, đã lưu hành rất lâu rồi để đánh giá luận án của ông; còn Bộ Giáo dục và Đào tạo thì cho rằng các bản được Thư viện Quốc gia lưu giữ là bản chuẩn và không thể chuyển sang dùng một bản do ông Quế nộp lại sau 10 năm để đánh giá. Lý lẽ này của hai bên đã có từ 2013, và dùng dằng chưa xong đến hôm nay.

Câu hỏi đặt ra là, vậy tại sao vai trò của Thư viện Quốc gia không nổi lên trong 3 năm vừa qua, tại sao ông Quế không kiện Thư viện Quốc gia? Tại sao Bộ Giáo dục và Đào tạo không yêu cầu Thư viện Quốc gia chịu trách nhiệm? Và tại sao không có thông báo nào của Thư viện Quốc gia về các tài liệu này?

Tôi vào CSDL luận án của Thư viện Quốc gia và tra về luận án này thì thấy không hề có lưu ý, dấu hiệu nào nói rằng tài liệu này nằm trong vòng nghi vấn. Vậy thì là Bộ Giáo dục và Đào tạo hay là một nhà giáo, Bộ và ông Quế có bao giờ tự hỏi từ năm 2013 đến nay đã có bao nhiêu người đọc vào tra cứu sử dụng luận án này tại Thư viện Quốc gia và đinh ninh đó là nguồn tin cậy? Và trách nhiệm của họ ở đâu?

Qua vụ việc này, lỗ hổng của quản lý tri thức lộ rõ: Đó là vấn đề chịu trách nhiệm của người cung cấp thông tin, đó là vấn đề của quy trình lưu trữ luận án, đó là vấn đề của công khai minh bạch tình trạng của luận án. Mà luận án chỉ là một phần cơ sở dữ liệu tri thức quốc gia, vốn phải được coi là một trong những tài sản vô hình lớn nhất của đất nước.

Trong khi ngày hôm nay chúng ta chỉ cần một lệnh trên Google để tìm thông tin trên toàn thế giới, vào các cơ sở dữ liệu mở như Wikipedia để tra cứu hầu hết các khái niệm, vào các cơ sở dữ liệu mở về khoa học để tra cứu các kết quả nghiên cứu, thì tại Việt Nam chúng ta đang có một vụ kiện về cái vỏ của một luận án mà hoàn toàn không thấy sự lên tiếng của giới học thuật về tiêu chuẩn quản lý tri thức. Chúng ta liệu có thể phát huy được khoa học công nghệ, đi vào kinh tế tri thức với một môi trường thế này không?

Đã đến lúc cần công khai minh bạch quá trình và tình trạng của các sản phẩm tri thức của đất nước, để chính cộng đồng trí thức đánh giá sự trung thực hay gian dối của các sản phẩm này. Nói kỹ hơn thì việc có CSDL toàn văn của luận án đưa lên mạng như Thư viện Quốc gia đã làm là rất tốt nhưng chưa đủ, mà còn cần phải để các tài liệu này sống trong môi trường lao động tri thức thực thụ khi chúng liên tục được cập nhập trạng thái, được ánh xạ, được đánh giá, được trích dẫn, được trao đổi…

Vụ kiện này là cơ hội để chúng ta thay đổi, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo và những tiến sĩ, giáo sư, những người hoạt động trí thức mong muốn? Chỉ cần mong muốn, vì để làm thì không thiếu cách như Wikipedia đã làm, không tốn một đồng nào của nhà nước cả.

http://danviet.vn/kinh-da-trong/vu-kien-hoang-xuan-que-va-lo-hong-cua-quan-ly-tri-thuc-715695.html


2.






THÂN HOÀNG | 
Đề nghị chấp thuận 1 phần đơn kiện nguyên bộ trưởng Bộ GD-ĐT
Phiên tòa xét xử vụ kiện nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận - Ảnh: THÂN HOÀNG

Đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX chấp thuận một phần đơn kiện của ông Hoàng Xuân Quế đối với nguyên bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, hủy quyết của Bộ về việc thu hồi bằng tiến sĩ của ông Quế.

Chiều 10-10, TAND TP Hà Nội đã tiếp tục phiên tòa hành chính sơ thẩm giữa người khởi kiện là ông Hoàng Xuân Quế (giảng viên Trường đại học Kinh tế quốc dân) kiện nguyên bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận. Đại diện Bộ GD-ĐT có đơn xin vắng mặt.
Trước đó, ngày 11-10-2013, ông Bùi Văn Ga - thứ trưởng Bộ GD-ĐT ký quyết định số 4674 thu hồi bằng tiến sĩ đối với ông Hoàng Xuân Quế.
Quyết định này được căn cứ vào kết luận của bộ trưởng Bộ GD-ĐT là ông Phạm Vũ Luận về việc xác minh đơn tố cáo đối với bằng tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế.
Cụ thể, ông Hoàng Xuân Quế bị thu hồi bằng tiến sĩ do “sao chép lên đến 52,5/159 trang luận án (khoảng 30,02%) từ luận án tiến sĩ của ông Mai Thanh Quế (Học viện Ngân hàng)”.
Không đồng tình với kết luận và quyết định thu hồi bằng tiến sĩ nói trên, ông Hoàng Xuân Quế khởi kiện bộ trưởng Bộ GD-ĐT ra tòa án nhân dân TP Hà Nội.
Sau phần xét hỏi và tranh luận, đại diện VKSND giữ quyền công tố tại tòa đã đề nghị HĐXX chấp thuận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Quế và hủy quyết định 4674 của Bộ GD-ĐT về việc thu hồi bằng tiến sĩ của ông.
Theo đại diện VKSND, cần thiết phải kiểm tra xác minh, tìm ra cuốn luận án gốc của ông Quế bảo vệ tại Hội đồng mà Bộ lưu và phải đối chiếu các cuốn luận án của các thành viên Hội đồng chấm luận án năm 2003 lưu giữ để xem xét cho khách quan, đúng quy định của pháp luật.
Cũng theo đại diện VKS, một số tài liệu mà Bộ GD-ĐT căn cứ vào để ra quyết định 4674 là không phù hợp, không đúng quy định.
Bộ cũng tham vấn kết quả trưng cầu giám định của cơ quan công an nhưng kết quả này chỉ thể hiện về hình thức như “lỗ ghim”, “phông chữ” chứ không thể hiện được những trang nào trong luận án tiến sĩ của ông Quế là sao chép.
Bên cạnh đó Bộ cần phải thành lập Hội đồng xác minh cấp Nhà nước chứ không phải cấp ngành để đánh giá có sự sao chép hay không vì ông Quế bảo vệ luận án cấp Nhà nước.
Trước đó, tại phần tranh luận, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Phạm Vũ Luận đưa ra các căn cứ để chứng minh việc Bộ GD-ĐT ra quyết định thu hồi bằng tiến sĩ của ông Quế là đúng định, kết quả thụ lý và giải quyết đơn tố cáo luận án của ông Quế có “sao chép” là khoa học và có căn cứ.
Ông Quế và luật sư của mình cho rằng quá trình thụ lý và giải quyết đơn của Bộ GD-ĐT không đúng, không khoa học.
Bộ không thu thập được tài liệu gốc là luận án của ông Quế năm 2003 đã nộp cho Bộ để làm cơ sở giải quyết việc tố cáo về hành vi sao chép luận án và đề nghị tòa tuyên hủy quyết định số 4674 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, khôi phục lại chức danh PGS, tiếp tục để ông Quế tham gia công tác đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ…
Kết thúc phiên xét hỏi và tranh tụng, HĐXX cho biết do tính chất phức tạp của vụ việc nên nghị án kéo dài, dự kiến 17-10 sẽ tuyên án.

Theo Tuổi Trẻ
http://soha.vn/de-nghi-chap-thuan-1-phan-don-kien-nguyen-bo-truong-bo-gd-dt-20161011080807245.htm



















1.




NGỌC QUANG

13:43 11/10/16


(GDVN) - Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP.Hà Nội giữ quyền công tố tại phiên tòa đề nghị hủy quyết định số 4674 thu hồi bằng Tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế.

Ngày 7/10 và chiều 10/10 đã diễn ra phiên tòa hành chính sơ thẩm giữa người khởi kiện là ông Hoàng Xuân Quế (Giảng viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội) khởi kiện quyết định số 4674/QĐ-BGDĐT ngày 11/10/2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (khi đó là ông Phạm Vũ Luận).
Quyết định này thu hồi bằng Tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế vì cho rằng có sao chép một phần nội dung trong luận án của Tiến sĩ Mai Thanh Quế (Giảng viên Học viện Ngân hàng).
Trong quá trình giải quyết vụ việc, ông Hoàng Xuân Quế nhiều lần đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đưa ra cuốn luận án tiến sĩ gốc mà ông đã nộp về Bộ GD&ĐT trước và sau khi bảo vệ luận án, để xem xét. Đó là luận án mà ông Hoàng Xuân Quế bảo vệ và được cấp bằng Tiến sĩ loại xuất sắc.
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT không đưa ra được cuốn luận án này. Đồng thời, trong quá trình thu thập tài liệu, Bộ Giáo dục căn cứ vào quyển luận án được cho là của ông Quế nộp tại Thư viện Quốc gia và quyển luận án lưu tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (KTQD), để đánh giá.
Ông Quế không chấp nhận các cuốn luận án này, do không có chữ ký cam đoan của mình trên phần cam đoan (là yêu cầu bắt buộc), và các tài liệu kèm theo phải nộp cho Thư viện Quốc gia theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Về cuốn luận án ông Hoàng Xuân Quế nộp tại Bộ GD&ĐT thì cơ quan này cho biết đã chuyển vào Thư viện Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh?!
Cuốn luận án này cũng không có chữ ký cam đoan của ông Quế. Trong khi đó, theo quy định thì cuốn luận án bắt buộc phải được lưu tại hồ sơ nghiên cứu sinh của ông Quế tại Bộ GD&ĐT.
Với những tài liệu thu thập mù mờ như vậy, nhưng Bộ GD&ĐT vẫn ban hành quyết định 4674 thu hồi bằng Tiến sĩ của ông Quế.
Tại phiên tòa, Luật sư Đinh Anh Tuấn - đại diện cho Bộ GD&ĐT vẫn cho rằng, Bộ GD&ĐT ra quyết định 4674 thu hồi bằng Tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế là đúng pháp luật.
Phiên tòa sơ thẩm vụ án hành chính ông Hoàng Xuân Quế kiện Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. ảnh: HM.
Quyết định 4674 là trái quy định của pháp luật
Tại phiên tòa, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Hoàng Xuân Quế là Trần Hồng Phúc và Ngô Thị Thu Hằng (Công ty TNHH và Thực hành Luật Nguyễn Chiến) đã đưa ra rất nhiều luận cứ thuyết phục chứng minh việc Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khi đó là ông Phạm Vũ Luận ra quyết định số 4674 là không khách quan, không đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

"Con dấu của Bộ Giáo dục đâu thể đóng bừa phứa như vậy?"

Vấn đề mấu chốt đặt ra là phía người khởi kiện - ông Hoàng Xuân Quế không công nhận 3 cuốn luận án mà tổ xác minh của Bộ GD&ĐT đã tiến hành thu thập trong quá trình giải quyết tố cáo. 
Ông Quế cho rằng, đó là những cuốn luận án mạo danh tên nghiên cứu sinh Hoàng Xuân Quế. 
Vì vậy, trong quá trình Bộ giải quyết  tố cáo cũng như quá trình tham gia tố tụng tại Tòa án, ông Quế liên tục yêu cầu Bộ cung cấp các cuốn luận án mà ông Quế đã nộp cho Bộ GD&ĐT để Bộ GD&ĐT ra Quyết định thành lập Hội đồng bảo vệ luận án cấp Nhà nước cũng như nộp cho Bộ sau khi bảo vệ luận án cấp nhà nước.
Tuy nhiên, Bộ không thu thập được và cũng không có tài liệu này để cung cấp cho Tòa án. Toàn bộ 3 luận án lưu tại 3 thư viện do Bộ thu thập không phải của ông Quế vì:
Người tố cáo (ông Nguyễn Văn Nam) lại là Chủ tịch cả 3 Hội đồng chấm luận án của ông Hoàng Xuân Quế, từ Hội đồng chấm chuyên đề luận án, Hội đồng chấm luận án cấp cơ cở và Hội đồng chấm luận án cấp nhà nước, nhưng lại không hề có bất cứ tài liệu chứng cứ nào để minh chứng (kể cả quyển luận án mà ông Quế đã nộp cho ông Nam khi bảo vệ tại 3 Hội đồng).
Kết luận thanh tra 1254 của Bộ GD&ĐT, mà căn cứ vào đó để Bộ GD&ĐT ra quyết định 4674 là không khách quan, dựa trên những chứng cứ phiến diện; không xem xét ý kiến của các nhà khoa học trong hội đồng.
Đặc biệt là ý kiến của Tiến sĩ Dương Thu Hương - nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, là giáo viên hướng dẫn của Nghiên cứu sinh Mai Thanh Quế, đồng thời là người được Bộ trưởng GD&ĐT ủy quyền thẩm định chất lượng luận án của ông Hoàng Xuân Quế, để xem xét có đủ điều kiện bảo vệ hay không?
Tiến sĩ Dương Thu Hương đã gửi văn bản gửi đến Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định, không có sự trùng lắp giữa hai luận án của ông Hoàng Xuân Quế và ông Mai Thanh Quế, và yêu cầu Bộ GD&ĐT lấy lại bản nhận xét phản biện kín của bà đã gửi tới Bộ vào năm 2003 để làm minh chứng. Nhưng Bộ GD&ĐT trả lời không lưu giữ?
Đối với cuốn thu thập tại thư viện Quốc gia: Theo quy định tại tiểu mục 3.1 Mục III Hướng dẫn tổ chức đánh giá luận án tiến sĩ ban hành kèm theo quyết định số 8217/SĐH ngày 01/9/2000 v/v của Bộ GD&ĐT hướng dẫn đánh giá luận án tiến sĩ quy định rất rõ: “Sau khi bảo vệ thành công, nghiên cứu sinh phải nộp cho Thư viện Quốc gia một luận án và một tóm tắt luận án…”.
Theo quy chế, Nghiên cứu sinh phải nộp cho Thư viện quốc gia cuốn luận án có chữ ký cam đoan của mình, kèm theo có các tài liệu sau:
01 bản tóm tắt luận án; 01 Quyết định thành lập hội đồng chấm luận án; 03 bản nhận xét của phản biện và 01 Quyết nghị của hội đồng chấm luận án.
Tại Giấy biên nhận luận án ngày 05/11/2003, Thư viện Quốc gia đã nhận 01 cuốn luận án có chữ ký cam đoan của ông Quế, kèm theo có các tài liệu sau: 01 bản tóm tắt luận án; 01 Quyết định thành lập hội đồng chấm luận án; 03 bản nhận xét của phản biện và 01 Quyết nghị của hội đồng chấm luận án.
Thực tế, Bộ thu thập cuốn luận án tại Thư viện Quốc gia không có chữ ký của ông Quế, không có các tài liệu định kèm theo quy định và theo Giấy biên nhận nêu trên (thể hiện tại Biên bản Tổ xác minh làm việc với đại diện thư viện Quốc gia ngày 30/9/2013).
Cuốn này không đúng quy định của Quy chế và không phù hợp Giấy biên nhận luận án của ông Quế ngày 05/11/2003.
Luật sư Trần Hồng Phúc khẳng định: Bộ GD&ĐT sử dụng cuốn luận án thu thập tại Thư viện Quốc gia không phải của ông Hoàng Xuân Quế.
Đối với cuốn thu thập tại thư viện Đại học KTQD: Tại biên bản làm việc ngày 01/10/2013, Giám đốc thư viện và cán bộ chuyên trách thư viện của Nhà trường này khẳng định quy trình nhận luận án lưu thư viện năm 2002-2003 là: Thư viện thu luận án, phát phiếu nộp luận án cho người nộp, người nộp ký vào 'Sổ theo dõi thư viện'.
Đối chiếu cuốn luận án thu thập tại thư viện Đại học KTQD không có chữ ký cam đoan của nghiên cứu sinh Hoàng Xuân Quế.
Ngoài ra, căn cứ để xác định cuốn luận án do ông Quế nộp phụ thuộc chữ ký của ông Quế tại ‘Sổ theo dõi thư viện’, nhưng lãnh đạo thư viện nhà trường lại cho rằng không tìm thấy sổ ký nhận nộp của ông Quế, vì sau nhiều lần chuyển kho bị thất lạc, thư viện chỉ con lưu sổ theo dõi từ năm 2009 đến nay?
Căn cứ trên những nội dung này, Luật sư Trần Hồng Phúc, khẳng định: Cuốn luận án thu thập tại Thư viện trường Đại học KTQD không phải của ông Quế, do không có chữ ký ông Quế trong luận án cũng như mất sổ theo dõi thư viện để xác định.
Đối với cuốn thu thập tại Thư viện Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh: Theo quy chế của Bộ GD&ĐT ban hành kèm theo quyết định số 8217/SĐH ngày 01/9/2000 thì Nghiên cứu sinh từ Bình Định trở vào nộp luận án cho Thư viện Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh.
Như vậy, Nghiên cứu sinh Hoàng xuân Quế ở Hà Nội không liên quan đến thư viện tổng hợp TP.Hồ Chí Minh.
Theo quy chế đào tạo sau đại học thì Bộ có trách nhiệm lưu, quản lý luận án của Nghiên cứu sinh. Việc Bộ lý giải rằng do kho lưu trữ đầy nên chuyển cuốn luận án lưu tại Bộ cho Thư viện Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh là làm trái quy định. Không có văn bản pháp lý nào quy định Bộ GD&ĐT được quyền không lưu giữ mà chuyển luận án cho thư viện các địa phương.
Cuốn luận án thu thập tại Thư viện Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh cũng không có chữ ký cam đoan của Nghiên cứu sinh Hoàng Xuân Quế.
Như vậy, có cơ sở để ông Quế phủ nhận cuốn luận án của thư viện TP.Hồ Chí Minh, vì theo quy định luận án bảo vệ của Nghiên cứu sinh nộp cho Bộ phải được lưu cùng hồ sơ Nghiên cứu sinh tại Bộ.
Luật sư Trần Hồng Phúc cho rằng, có đầy đủ căn cứ để nghi ngờ cuốn luận án của ông Hoàng Xuân Quế đã bị đánh tráo vì mục đích xấu, vì tất cả những tài liệu quan trọng liên quan tới ông Quế đều bị mất.
Người tố cáo (ông Nguyễn Văn Nam) lại là Chủ tịch cả 3 Hội đồng chấm luận án của ông Hoàng Xuân Quế, từ Hội đồng chấm chuyên đề luận án, Hội đồng chấm luận án cấp cơ cở và Hội đồng chấm luận án cấp nhà nước, nhưng lại không hề có bất cứ tài liệu chứng cứ nào để minh chứng (kể cả quyển luận án mà ông Quế đã nộp cho ông Nam khi bảo vệ tại 3 Hội đồng).
Kết luận thanh tra 1254 của Bộ GD&ĐT, mà căn cứ vào đó để Bộ GD&ĐT ra quyết định 4674 là không khách quan, dựa trên những chứng cứ phiến diện; không xem xét ý kiến của các nhà khoa học trong hội đồng.
Đặc biệt là ý kiến của Tiến sĩ Dương Thu Hương - nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, là giáo viên hướng dẫn của Nghiên cứu sinh Mai Thanh Quế, đồng thời là người được Bộ trưởng GD&ĐT ủy quyền thẩm định chất lượng luận án của ông Hoàng Xuân Quế, để xem xét có đủ điều kiện bảo vệ hay không?
Tiến sĩ Dương Thu Hương đã gửi văn bản gửi đến Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định, không có sự trùng lắp giữa hai luận án của ông Hoàng Xuân Quế và ông Mai Thanh Quế, và yêu cầu Bộ GD&ĐT lấy lại bản nhận xét phản biện kín của bà đã gửi tới Bộ vào năm 2003 để làm minh chứng. Nhưng Bộ GD&ĐT trả lời không lưu giữ?
Từ những phân tích trên đây, để bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật, tinh thần pháp chế XHCN cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của ông Hoàng Xuân Quế, đề nghị HĐXX căn cứ vào quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 193 Luật tố tụng hành chính chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện:
Tuyên hủy QĐ 4674/QĐ-BGDĐT ngày 11/10/2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo.
Kiến nghị Bộ GD&ĐT cùng các cơ quan chức năng có thẩm quyền khôi phục lại mọi quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm từ việc thực thi Quyết định số 4674 của Bộ trưởng (khôi phục lại chức danh Phó Giáo sư, khôi phục lại chức vụ Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng Tài chính tại Đại học KTQD…) để trả lại uy tín, danh dự cho người khởi kiện.
Sau phần tranh tụng là ý kiến của Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Hà Nội giữ quyền công tố tại phiên tòa: Căn cứ vào hồ sơ vụ án và diễn biến phiên tòa “Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ điểm b khoản 2 điều 193 Luật Tố Tụng hành chính năm 2015, chấp nhận một phần khởi kiện theo yêu cầu của đương sự (ông Hoàng Xuân Quế) đối với yêu cầu hủy quyết định số 4674 ngày 11/10/2013 của Bộ trưởng Bộ GD & ĐT (do tại phiên toà ông Quế không yêu cầu bồi thường như trong đơn khởi kiện, mà chỉ yêu cầu hủy quyết định 4674, khôi phục các quyền và lợi ích hợp pháp).
Người khởi kiện (ông Hoàng Xuân Quế) được quyền nhận lại án phí đã nộp và người bị khởi kiện phải nộp án phí sơ thẩm”.
Thẩm phán phiên tòa thông báo, tòa sẽ nghị án kéo dài, dự kiến công bố kết quả vào ngày 17/10.
http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Nguyen-Bo-truong-giao-duc-Pham-Vu-Luan-bi-kien-vi-quyet-dinh-so-4674-post171494.gd

2 nhận xét:

  1. Cám ơn bạn Giao đã lưu các thông tin về vụ kiện.
    Chắc không đơn giản vì Tòa còn phải giải quyết nhiều tình huống pháp lí nên mãi 17 tháng 10 mới tuyên án.
    Theo dõi vụ này cũng bổ ích. Nhất là biết cung các làm ăn của các cơ quan chức năng.

    Trả lờiXóa
  2. 5. Tháng 12 năm 2018, một tình tiết lạ


    Tình tiết lạ vụ tiến sĩ bị tố đạo văn thắng kiện nguyên Bộ trưởng GDĐT

    LĐO | 18/12/2018 | 16:15


    Vụ việc hy hữu liên quan đến đạo văn vừa được đưa ra tòa xét xử, với kết quả người bị tố đạo văn – ông Hoàng Xuân Quế được tuyên thắng kiện. Nhưng sự việc dường như chưa có dấu hiệu dừng lại, bởi Bộ GDĐT tuyên bố sẽ kháng cáo.
    Liên quan đến vụ việc này, có nhiều tình tiết đến nay vẫn là câu hỏi lớn chưa có lời giải.

    Bộ và tiến sĩ đều khẳng định mình đúng
    Luật sư Đinh Anh Tuấn (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Bộ GDĐT) cho biết, sau khi TAND TP.Hà Nội tuyên ông Hoàng Xuân Quế (nguyên Phó viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân) thắng kiện, Bộ GDĐT đã làm các thủ tục để kháng cáo.

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.