Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

07/09/2016

Tiếp tục câu chuyện trẻ con Đại Việt thế kỉ 21 nên học chữ Hán ở mức như thế nào (ý kiến của cựu học sinh Việt Nam cộng hòa)

Để có cái nhìn đa chiều, entry này thu gom ý kiến của những cựu học sinh dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa (1954-1975) về việc có nên cho trẻ con Đại Việt thế kỉ 21 học chữ Hán hay không.


Sưu tập dần, bổ sung theo thứ tự ngược. Từ nhiều nguồn.

---

3.

2.

1. Lê Nguyên (từ Fb Lê Nguyễn)

Sách của Lê Nguyên, ấn hành tháng 6/2016


Lê NguyễnさんはHoàng Thị Ngọc Trâmさん、他6人と一緒です。

MẤY Ý NGHĨ NHỎ VỀ CHUYỆN HỌC CHỮ HÁN TRONG NHÀ TRƯỜNG

Câu chuyện ngày càng được bàn luận nhiều và đẩy đi xa, đến nổi có không ít người lẫn lộn giữa chữ Hán (chữ nho) của người Tàu và từ Hán Việt (từ Việt gốc Hán) vốn là một thành phần rất quan trọng trong ngôn ngữ Việt mà trong nhiều thập niên qua, ngành giáo dục đã khá thiếu sót trong việc dạy học cho lớp trẻ ngày nay. Tôi đã thuộc lớp người “xưa nay hiếm”, học lớp Đệ Thất (lớp 6) từ năm 1955, vậy mà thời ấy, chưa nghe có chủ trương nào đưa chữ Hán vào chương trình giảng dạy chính thức cả. Thời ấy, học sinh làm quen với chữ Pháp từ năm lớp tư (lớp 2 bây giờ), chỉ vỏ vẻ vài ba chữ je, tu, il, nous, vous, ils… cho quen thôi, vậy mà khi thi tiểu học, đã có môn ám tả (dictée française), ai muốn thi thì thi, không thi thì thôi. Vào năm Đệ Thất, tiếng Anh bắt đầu xuất hiện, học cả Pháp lẫn Anh cho đến hết năm Đệ Tứ (lớp 9) và thi Trung học đệ nhất cấp. Vào lớp Đệ Tam (lớp 10), học sinh có 4 sự lựa chọn:
- Ban A: học chủ yếu Lý Hóa – Vạn vật, các môn khác là phụ
- Ban B: học chủ yếu Toán – Lý Hóa
- Ban C (Ban Văn chương – Sinh ngữ): học chủ yếu Văn – Anh – Pháp – Sử Địa
- Ban D (Ban Cổ ngữ): học chủ yếu tiếng Việt, chữ Hán hay chữ La tinh
Cách sắp xếp chương trình học như thế không buộc học sinh học những môn họ không chuộng, mặt khác, không triệt đường của những người muốn học những môn ít người chọn như Hán ngữ, tiếng La tinh… Nhờ thế mà ban Hán học của Viện Đại học Huế và ban Việt Hán các trường Đại học Sư Phạm Sài Gòn, Huế ... đào tạo được nhiều người giỏi Hán Nôm, có khả năng khai thác di sản Hán Nôm vô cùng quý giá do cha ông để lại.

*Trở lại chuyện hôm nay, nếu quả thực có một ý định nào đó đưa chữ Hán thành một loại ngôn ngữ chính thức học tại nhà trường thì quả là một ý định … điên rồ, vì Hán tự là một tử ngữ, trong khi nhu cầu tiếp cận, học hỏi từ xã hội văn minh ngày nay đòi hỏi chúng ta phải học những sinh ngữ được hầu hết các nước trên thế giới sử dụng. Nói như ai đó, phải học Hán tự vì chữ Hán được cả 2 tỉ người trên thế giới sử dụng thì lại là chuyện buồn cười …té ghế! Xã hội VNCH tồn tại từ thập niên 1950 còn không nghĩ đến chuyện này, mà ngày nay lại nghĩ đến thì quả thật nếu có ai cho rằng ý định này xuất phát từ một đầu óc “Bắc thuộc” cũng không phải là quá đáng. 

* Song việc gì cũng không nên quá cực đoan. Nếu cho rằng Hán tự là một tử ngữ, ta cần phải đọan tuyệt với tất cả những gì liên quan đến nó thì lại là điều không nên. Nền giáo dục trong những thập niên qua đã tỏ rõ sự khiếm khuyết trong việc dạy môn Văn cho học sinh các cấp. Sau khi tốt nghiệp trung học, khá nhiều học sinh không viết “sạch” tiếng mẹ đẻ của mình. Thậm chí người ta còn tìm thấy không ít lỗi chính tả trong các luận án tiến sĩ! Trong các khiếm khuyết ấy, có một khiếm khuyết quan trọng, đó là không quan tâm đến việc dạy cho học sinh ý nghĩa của rất nhiều từ Hán Việt vốn đã thuộc về kho tàng ngôn ngữ Việt. Hậu quả là trên cả những tờ báo bán chạy hiện nay, người ta không phân biệt được sự khác nhau của các từ “tiếp kiến” và “yết kiến”, vẫn thoải mái đưa các bản tin “ông đại sứ X tiếp kiến Chủ tịch nước” hay “bà góa phụ X….”, hay “yếu điểm của chúng ta là…”, “chung cư A sắp sập…”. Về mặt ngôn ngữ, một trong những nguyên tắc căn bản của việc ghép từ là từ Hán Việt chỉ được ghép với từ Hán Việt (chẳng hạn tranh với đấu, ghép thành tranh đấu), không ghép từ gốc Hán với từ Việt thuần túy, chẳng hạn như trong từ “chung cư”, chung là tiếng Việt thuần túy, được hiểu như trong các từ “ăn chung”, “ở chung”, còn cư là từ Hán Việt, có nghĩa là ở, ghép chung và cư để chỉ “nơi mọi người ở chung” là một sự tùy tiện đã biến thành nếp, khiến cho ngày nay ai mà có ý định gọi một cách chính xác hơn là “chúng cư” thì có khi lại bị cho là … tâm thần. Tiếp kiến là hành vi của người có địa vị xã hội cao hơn tiếp người có địa vị xã hội thấp hơn nên không thể viết rằng ““ông đại sứ X tiếp kiến Chủ tịch nước”, từ “góa” là tiếng Việt thuần túy, không thể đi chung với “phụ” là từ Hán Việt, trong trường hợp này, cần viết là “bà quả phụ X” (người đàn bà góa tên X); trong từ “yếu điểm” cũng vậy, nó là cụm từ Hán Việt dùng để chỉ một điểm quan trọng (trọng yếu), chứ không thể dùng để chỉ “điểm yếu” theo cách hiểu thông thường… Vì không chú trọng đến nguyên tắc ghép từ, người ta đã thoải mái ghép từ Việt thuần túy với từ Hán Việt, như “ngọt hóa đồng bằng sông Cửu Long”, “vịt siêu thịt” (!!) … Có thể có người cho rằng cần làm phong phú hóa vốn tiếng Việt, đồng hoang chưa thành đường, đi mãi sẽ thành đường …, song tôi nghĩ rằng nếu con đường ngôn ngữ của một nước được “phong phú hóa” một cách loạn xạ, không theo một chuẩn mực nào, thì đó sẽ là một nguy cơ không nhỏ cho ngôn ngữ của nước đó.

* Tóm lại, tôi thiển nghĩ, ý định đưa chữ Hán vào chương trình học chính thức của học sinh, nếu có, là điều cần được suy nghĩ lại, và dứt khoát không nên. Điều cần phải chú trọng là kho ngôn ngữ Hán Việt hiện đang là chỗ yếu của học sinh bậc trung học. Ngày xưa, cha ông chúng ta đã rất thực tế và thông minh khi sáng tạo ra cách học từ Hán Việt bằng bài học "Tam Thiên Tự", ba ngàn từ bắt vần với nhau, dễ nhớ, dễ thuộc, như " Thiên trời, Địa đất, Cử cất, Tồn còn, Tử con, Tôn cháu, Lục sáu, Tam ba, Gia nhà, Quốc nước, Tiền trước, Hậu sau....", cách học hay như thế mà từ nhiều thập niên qua, ta đành lòng khai tử! 
Dư luận cũng không nên quá cực đoan đối với việc học chữ Hán ở những người có nhu cầu tiếp cận với nó, chủ yếu để khai thác di sản Hán Nôm do tiền nhân để lại, ngày nay đang bị mối mọt đe dọa và còn có rất nhiều tác phẩm cần được dịch ra tiếng Việt cho mọi người học hỏi, tham khảo. Không dạy chữ Hán một cách gò ép, bó buộc trong học đường, song thiết lập những trung tâm dạy chữ Hán cho người thực sự cần đến nó, vì tâm huyết đối với di sản của tiền nhân, tại sao không? 

Sáng nay tình cờ đọc status và bình luận của một nhóm bạn FB Cần Thơ, đột nhiên ngứa ngáy tay chân, viết mấy dòng tản mạn, cảm ơn các bạn đã đọc.
Trân trọng

Lê Nguyễn

6.9.2016
https://www.facebook.com/lenguyenpd/posts/1038927399538569

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.