Sato Uyên ở gần chỗ mà H. mới mở quán Việt Nam (đã đi ở đây, hồi tháng 8/2015).
Nhiều cháu nói chuyện với tôi, ở thời điểm 2002-2007, là pha giữa tiếng Nhật và tiếng Việt. Câu dễ nói bằng tiếng Việt, câu khó nói bằng tiếng Nhật. Có cháu năm 2002 còn nói được khá, đến năm 2007 thì chỉ còn nói bập bẹ tiếng Việt (tuy nghe bố mẹ nói thì vẫn hiểu). Có cháu sinh sau 2007, có mẹ Việt và bố Nhật, nhưng không biết nói câu tiếng Việt nào.
Đến bây giờ, các năm 2014-2016, du lãng các nơi, có khi còn thấy chúng ngồi giữa ruộng rau xanh nói bằng cả hai thứ tiếng. Bà nội hay bà ngoại từ Việt Nam sang ăn mặc hệt như nông dân Việt, đang hí húi làm gì đó trong ruộng. Mà là trên lãnh thổ Nhật Bản.
Bởi vậy, nhu cầu học tiếng Việt là rất lớn.
Cô bạn Sato Uyên đã gửi đến các cháu một món quà ý nghĩa. Mà là từ năm 2010.
Lần gặp mới đây nhất, thì Sato Uyên nói chuyện về sách Nhị thập tứ hiếu. Chuyên đề dài hạn của cô. Còn bài mới nhất của cô, viết bằng tiếng Nhật, là về tác phẩm Ngũ luân tự của Nguyễn Tông Quai.
Có nghĩa là, người đầu tiên dịch Nguyễn Tông Quai sang tiếng Nhật lại là Uyên.
Dưới là tin cũ từ năm 2010.
---
18/03/2010 03:57:37 PM
Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka phối hợp với chị Sato Thụy Uyên - tác giả của cuốn sách “Học tiếng Việt qua truyện tranh” - vừa tặng 50 cuốn sách cho các em học sinh người Việt Nam đang học tập tại trường phổ thông cơ sở Takami Minami thành phố YAO, tỉnh Osaka.
Tới dự Lễ trao sách có ông Lê Đức Lưu, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Osaka; ông Oku Sumiyaki, Trưởng ban Trung tâm Giao lưu Kinh tế Nhật - Việt; ông Tanaka, Chánh Văn phòng Câu lạc bộ những người yêu Việt Nam tại Osaka; ông Matsuo Keizo, Giám đốc Công ty in SHINNIHONSEIHON.
Phát biểu tại Lễ trao sách, ông Lê Đức Lưu đánh giá cao nỗ lực của tác giả Sato Thụy Uyên đã vượt qua mọi khó khăn về kinh phí, xuất bản cuốn sách tặng cho các em học sinh người Việt Nam đang định cư tại các tỉnh thuộc vùng Kansai, Nhật Bản. Ông nhấn mạnh: “Cuốn sách này không chỉ giới thiệu những câu truyện phong phú trong kho tàng cổ tích dân gian Việt Nam mà với những bức tranh đẹp, câu chữ tiếng Việt mượt mà, sẽ giúp cho các em học sinh gốc Việt đang sinh sống tại Nhật Bản tiếp cận với những tác phẩm hay và phong tục tập quán Việt Nam, qua đó góp phần tăng cường hiểu biết hơn nữa bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam”.
Tác giả Sato Thụy Uyên đang sinh sống tại Nhật Bản, hiện là giảng viên dạy tiếng Việt Trường Đại học Osaka và phụ giảng cho một số trường phổ thông cơ sở, phổ thông trung học ở Osaka có con em người Việt Nam đang theo học. Qua giảng dạy, nhận thấy nhiều cháu không nói được tiếng Việt, không hiểu được phong tục tập quán văn hóa của Việt Nam nên chị quyết tâm xuất bản cuốn sách “Học tiếng Việt qua truyện tranh”. Nhờ có sự hỗ trợ kinh phí của trường Đại học Osaka, Trung tâm giao lưu kinh tế Nhật - Việt và hỗ trợ hiệu đính của Giáo sư Tomita Kenji, giáo sư giảng dạy khoa tiếng Việt trường Đại học Osaka, đặc biệt sự cho phép sử dụng bản quyền của Nhà xuất bản Trẻ (Việt Nam) và sự hỗ trợ hết lòng của Công ty in SHINNIHONSEIHON, chị Sato Thụy Uyên đã xuất bản được vài trăm đầu sách để tặng cho các em học sinh người Việt Nam đang định cư tại các tỉnh thuộc vùng Kansai, Nhật Bản.
Với giáo trình vui nhộn bằng hai thứ tiếng Việt Nam và Nhật Bản, tác giả Sato Thụy Uyên hy vọng rằng các em học sinh người Việt Nam có thể sẽ học đọc, viết tiếng Việt tốt hơn và hiểu biết sâu sắc hơn truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam./.
(Tin từ Tổng lãnh sự quán Việt Nam
tại Osaka - Nhật Bản)
tại Osaka - Nhật Bản)
http://quehuongonline.vn/tin-cong-dong/tang-sach-hoc-tieng-viet-qua-truyen-tranh-cho-hoc-sinh-viet-nam-vung-kansai--nhat-ban-14207.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.