Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

08/08/2016

Vấn đề chân giả của Kinh Vu Lan (bài Chúc Phú)


Đầu tiên là đưa bài của Chúc Phú.

Các trao đổi, hay ý kiến khác, sẽ đưa sau.



---


Kinh Vu Lan– Khảo Về Nguồn Gốc Hán Tạng & Nikàya

15/12/20149:43 SA(Xem: 3560)


KINH VU LANKhảo về nguồn gốc Hán tạng & Nikàya

Chúc Phú

blankNếu tính từ thời điểm vua Lương Vũ Đế tổ chức trai hội Vu lan ở chùa Đồng Thái vào năm Đại Đồng thứ tư (538)1, thì lễ hội Vu lan của Phật giáo Bắc truyền đã có lịch sử hình thành gần 1.500 năm. Với chiều dài lịch sử đó, đã khẳng định những cống hiến riêng có của lễ hội này, trong tiến trình phát triển văn hóa của nhân loại nói chung và của Phật giáo nói riêng.
Tuy nhiên, không phải mọi sự kiện có bề dày lịch sử đều gần với chân lý của số đông, cho dù đó là một sự kiện lễ hội đậm chất nhân văn như lễ Vu lan. Do vậy, nên đôi khi trong một số diễn đàn Phật học đã xuất hiện những hoài nghi về xuất xứ, cũng như băn khoăn về tính chân thực của kinh Vu lan.
Xuất phát từ những hoài nghi và trăn trở đó, đã thôi thúc chúng tôi thực hiện việc khảo chứng về nguồn gốc cũng như quá trình hình thành kinh Vu lan, qua các nguồn kinh điển Hán tạng và tư liệu Nikāya. Đó chính là mục tiêu chủ yếu của bài khảo luận này.
Khái lược về các truyền bản kinh Vu lan
Trong kho tàng kinh điển tiếng Việt, kinh Vu lan hiện được nhiều người phiên dịch. Trong số những dịch phẩm tiếng Việt đầu tiên có thể kể đến là kinh Vu lan bồn diễn nghĩa, in vào năm 1962, không rõ dịch giả.Kinh Vu lan bồn, do Hòa thượng Trí Quang dịch, Nhà in Sen Vàng ấn hành tại Sài Gòn vào năm 1971, ngoài ra còn có nhiều dịch giả cùng tham gia phiên dịch bản kinh này. Về cơ bản, các bản dịch tiếng Việt đều dựa trên bản kinh mang tên Phật thuyết Vu lan bồn kinh do ngài Trúc Pháp Hộ (226-303)2 phiên dịch từ Phạn sang Hán3.
Theo thống kê của ngài Tăng Hựu trong Xuất Tam tạng ký tập, quyển 2, trong danh mục 154 bộ kinh do ngài Trúc Pháp Hộ phiên dịch thì không có kinh Vu lan4. Không những vậy, ngài Tăng Hựu cũng phát hiện một bản kinh mang tên Vu lan nhưng không rõ dịch giả, nên đã đưa vào mục Tân tập tục soạn thất dịch tạp kinh5Xuất Tam tạng ký tập là một trong những bộ kinh lục đầu tiên hiện còn, được học giới đánh giá cao về phương diện tư liệu. Xét về khoảng cách niên đại giữa ngài Trúc Pháp Hộ và thời điểm biên soạn tác phẩm Xuất Tam tạng ký tập cũng khá gần nhau6. Do vậy, sự ghi nhận của ngài Tăng Hựu cũng là một trong những lưu ý quan trọng về nguồn gốc bản kinh Vu lan.
Có thể nói, người đầu tiên ghi nhận kinh Vu lan do ngài Đàm Ma La Sát (Trúc Pháp Hộ) phiên dịch, chính là học giả phiên kinh Phí Trường Phòng. Theo Lịch đại Tam bảo ký, quyển 6, trong 210 bộ kinh do Trúc Pháp Hộ phiên dịch, có bản kinh Vu lan (盂蘭經)7. Phí Trường Phòng là tác giả bộ kinh lục Lịch đại Tam bảo ký, thống kê danh mục kinh điển, kể từ khi Phật giáo có mặt tại Trung Hoa cho đến những năm cuối của niên hiệu Khai Hoàng ở thời nhà Tùy8. Tác phẩm này, ngoài phương diện đóng góp tích cực trong việc thống kê, sắp xếp lại kinh điển sau đại pháp nạn của Chu Vũ Đế9, thì còn có những hạn chế nhất định. Theo ngài Trí Thăng trong Khai nguyên thích giáo lục, quyển thứ mười, đã chỉ ra mười điều sai lầm của Phí Trường Phòng được thể hiện trong tác phẩm Lịch đại Tam bảo ký10. Do vậy, có những tư liệu do Phí Trường Phòng ghi nhận, để đảm bảo tính khách quan thì cần nên phối kiểm từ các nguồn tư liệu khả tín khác.
Trong tác phẩm Kinh luật dị tướng, một tuyển tập kinh điển được tập thành dưới thời Lương Vũ Đế (tại vị từ 502-549), có một bản kinh Vu lan. Khảo sát cho thấy, bản này tương tự như bản dịch của ngài Trúc Pháp Hộ, nhưng cô đọng hơn11. Theo Khai nguyên thích giáo lục, quyển 2, Vu lan kinh cũng là tên gọi khác của Vu lan bồn kinh, trong 175 dịch phẩm của ngài Trúc Pháp Hộ, có bản kinh này.
Trong tác phẩm Phật thuyết Vu lan bồn kinh sớ, ngài Tông Mật (780-841) cho rằng, kinh Vu lan có các bản dịch với những tên gọi khác nhau như, ở thời Tấn Vũ Đế, có Pháp sư Đàm Ma La Sát (Trúc Pháp Hộ-nv) dịch Vu lan bồn kinh, thời Huệ Đế, hai ngài Pháp Cự và Pháp Lập dịch Quán lạp kinh, thứ ba là Báo ân(phụng bồn-nv) kinh không rõ dịch giả12. Tác phẩm kinh lục Đại Đường nội điển lục, quyển 9 cũng cho rằng, Vu lan bồn kinh, Quán lạp kinh, Báo ân phụng bồn kinh, Tịnh độ Vu lan bồn kinh13 đều giống nhau.
Trong bộ tự điển Phạn-Hán đầu tiên, tác phẩm Nhất thiết kinh âm nghĩa14, do ngài Huyền Ứng và Tuệ Lâm biên soạn, cũng đề cập đến kinh Vu lan bồn thông qua việc giải thích những thuật ngữ có nguồn gốc từ Phạn ngữ như Uông dương (汪洋), Bát la hòa phạn (鉢羅和飯)15…được sử dụng trong bản kinh này. Bên cạnh đó, cũng có nhiều thuật ngữ Phạn-Hán từ bản kinh Bát Nê-hoàn hậu quán lạp như Thế hứa (貰許),Đạt sấn (達嚫)16Khảo trị (栲治) được ghi lại trong Nhất thiết kinh âm nghĩa, quyển 44.
Từ những thông tin trên đã chứng minh rằng, đã có một Phạn bản kinh Vu lan được lưu hành trong thời ngài Trúc Pháp Hộ, được nhiều dịch giả phiên dịch với những tên gọi khác nhau. Điều đáng chú ý, trong những dịch phẩm của ngài Trúc Pháp Hộ, có một bản kinh mang tên Bát Nê-hoàn hậu quán lạp17. Theo,Khai nguyên thích giáo lục, quyển 12, thì Bát Nê-hoàn hậu quán lạp chính là Quán lạp kinh. Và như đã phân tích, Quán lạp kinh chính là tên gọi khác của kinh Vu lan.
Như vậy, sự kiện Phí Trường Phòng ghi nhận rằng, Trúc Pháp Hộ dịch kinh Vu lan là thông tin xác thực, được phối kiểm từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau.
Mối liên hệ và sự tiếp biến giữa kinh Vu lan và Mục Kiền Liên minh gian cứu mẫu biến văn
Ba bản kinh Vu lan hiện còn trong Đại tạng kinh Đại chính tân tu như Bát Nê-hoàn hậu quán lạp18, Phật thuyết Vu lan bồn kinh19, Phật thuyết báo ân phụng bồn kinh20 đều không đề cập đến nhân thân của Tôn giả Mục Kiền Liên cũng như nguyên nhân vì sao mà mẹ của Tôn giả bị đọa địa ngục. Chính vì vậy, làm cho người đọc khó hình dung ra bối cảnh của vấn đề. Thế nên, đã có một tác phẩm đời sau mang tên Mục Kiền Liên minh gian cứu mẫu biến văn21, nhằm bổ sung những chi tiết quan trọng và cần thiết đó. Trong tác phẩm này, nội dung liên hệ đến đề tài nằm ở phần đầu, gọi tắt là Biến văn.
Xét về niên đại, kinh Vu lan do ngài Trúc Pháp Hộ dịch vào khoảng cuối thế kỷ thứ III đầu thế kỷ thứ IV. Trong khi đó niên đại của những tác phẩm Biến văn Đôn Hoàng nói chung và Mục Kiền Liên minh gian cứu mẫu biến văn nói riêng, được xác định vào khoảng từ thế kỷ thứ V đến cuối thế kỷ thứ X22.
Theo Biến văn, Mục Kiền Liên khi còn ở tại gia tên là La Bốc (羅卜), rất thâm tín Tam bảo và kính trọng Đại thừa. Mẹ ngài tên là Thanh Đề. Nhân một lần chuẩn bị giao thương buôn bán xa, nên La Bốc đã dành một phần tiền bạc để lại, dặn mẹ rằng:
- Khi nào có Đức Phật và chư Tăng đến, thì mẹ hãy thay con thiết trai cúng dường.
Sau khi La Bốc đi xa, người mẹ đã khởi tâm xan lẫn, cất giấu tiền bạc mà không tổ chức thiết trai. Người con lo việc xong liền trở về nhà, nghe mẹ bảo rằng, ta đã làm phước theo lời con dặn. Nhân vì lừa dối phàm thánh, nên sau khi mệnh chung, bà liền thọ khổ báo trong địa ngục A-tỳ. Lo việc hiếu sự châu viên, La Bốc liền đầu Phật xuất gia. Do siêng năng, nghe kinh tu tập, cộng với nương nhờ túc duyên nên đã chứng quả A-la-hán. Sau khi chứng quả, Tôn giả Mục Liên đã dùng đạo nhãn quán sát sáu nẻo luân hồi nhưng không thấy mẹ đâu. Mục Liên liền bi ai bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn, mẹ con hiện ở phương nào và thân tâm có yên ổn không?
Lúc đó, Thế Tôn đáp rằng:
- Mẹ ông hiện đọa địa ngục A-tỳ, thọ vô lượng khổ. Ông tuy chứng Thánh quả, nhưng một mình thì không thể cứu mẹ được đâu. Phải nương vào ngày giải hạ của mười phương Tăng chúng, nhờ sức mạnh chú nguyện của chúng Tăng, mới có thể cứu độ mẹ ông.
Nhân đó, Đức Phật đã từ bi phương tiện khai mở lễ hội này hàng năm. Lễ Vu lan bồn khởi nguồn từ đây vậy23.
Câu chuyện được tiếp tục với sự kết hợp giữa hai thể loại văn xuôi và văn vần xen kẽ, mang phong cách ngữ nghĩa đặc thù của dòng văn học Biến văn24. Trên đây chỉ là sơ lược phần khởi đầu của Biến văn. Do vì yêu cầu của chuyên khảo, nên chúng tôi chỉ khảo sát những nội dung chính liên quan đến đề tài.
Có thể nói, tác phẩm Biến văn mặc dù chưa tìm ra tác giả, nhưng quả là một tác phẩm văn hiến đặc thù của Phật giáo Trung Quốc trong đại thời nhà Đường. Khảo sát bước đầu về tên gọi cũng như các sự kiện chính trong tác phẩm, đã chứng tỏ tác giả Biến văn không những am tường Nho-Lão, có khả năng thi phú, văn chương, mà còn là một tác gia có thẩm quyển về Phật học. Chính vì vậy, tác phẩm này không những được các nhà nghiên cứu và chú giải kinh Vu lan tiếp thu25, mà còn được giới nghiên cứu văn hóa, văn học quan tâm phổ biến26.
Trước hết, về tên gọi La Bốc (羅卜) của ngài Mục Kiền Liên. Theo luận Đại trí độ, quyển 11 ghi rằng: Con của một chuyên gia chiêm tinh (占師子), tên là Câu Luật Đà, họ là Đại Mục Kiền Liên27. Chữ Bốc (卜) được dùng ở trong tác phẩm Biến văn đồng nghĩa với chữ Chiêm (占) trong luận Đại trí độ. Về chữ La (羅), tác phẩm Nhất thiết kinh âm nghĩa, quyển 47 ghi rằng, Một Lực Già La Tử (沒力伽羅子) cựu dịch Mục Kiền Liên là sai vậy. Ngài Thiên Thai Trí Giả đại sư trong tác phẩm Diệu pháp liên hoa kinh văn cú, đã dẫn lời ngài Chân Đế cho rằng, Đại Mục Kiền Kiên còn được gọi là Vật Già La (勿伽羅)28. Như vậy, La Bốc là người thuộc dòng dõi chiêm tinh bói toán, tên là La.
Tên gọi La Bốc, Thanh Đề và các chi tiết sinh động từ Biến văn còn xuất hiện trong tác phẩm Phật thuyết Vu lan bồn kinh sớ29, do ngài Tông Mật (780-841) soạn, gọi tắt là bản Kinh sớ. Căn cứ vào cấu trúc nội tại, tầm mức ảnh hưởng cũng như tính phổ biến của Biến văn, chúng tôi nghiêng về quan điểm cho rằng tác phẩm Biến văn có trước tác phẩm Kinh sớ. Nói cách khác, ngài Tông Mật chú giải kinh Vu lan căn cứ trên nguyên bản kinh Vu lan do ngài Trúc Pháp Hộ phiên dịch, và dựa vào những cứ liệu được mô tả chi tiết trong tác phẩm Biến văn, liên quan đến quãng đời trước khi xuất gia của Tôn giả Mục Kiền Liên.
Như vậy, tác phẩm Biến văn đã đóng một vai trò quan trọng trong việc lý giải nguyên nhân vì sao mà mẹ của Tôn giả Mục Kiền Liên bị đọa địa ngục. Sự lý giải này dựa trên cơ sở nào, hay chỉ là sáng tác văn học thuần túy do người sau hư cấu viết ra? Theo chúng tôi, tác phẩm Biến văn được hình thành dựa trên một nền tảng kinh điển có từ rất sớm. Đó là kinh Soạn tập bách duyên, quyển thứ 5 do cư sĩ Chi Khiêm dịch. Nội dung câu chuyện nằm trong mục Ưu Đa La mẫu đọa ngạ quỷ duyên, gọi tắt là kinh Ưu Đa La mẫu30.
Mối liên hệ và sự tiếp biến giữa Mục Kiền Liên minh gian cứu mẫu biến văn 
và kinh Ưu Đa La mẫu
Trước hết, để dễ dàng hình dung, chúng tôi xin giới thiệu tóm lược một phần nội dung kinh Ưu Đa La mẫu31:
Một thuở nọ, Đức Phật ở trong vườn trúc Ca-lan-đà thuộc thành Vương-xá. Lúc ấy, trong nước đó có một vị trưởng giả giàu có, sinh được một bé trai, tướng mạo khôi ngô, trên đời ít có nên đặt tên là Ưu Đa La32.
Khi Ưu Đa La lớn khôn thì trưởng giả qua đời. Đối với Phật pháp, Ưu Đa La phát tâm kính tín và mong mỏi xuất gia, nên đã khẩn khoản xin mẹ. Người mẹ đáp:
- Cha con đã chết, ngoài con ra ta không còn ai, vậy sao con nỡ bỏ ta mà xuất gia? Thôi từ đây, nếu như con muốn thỉnh các Sa-môn, Bà-la-môn, thì mẹ sẽ sắm sửa các món ngon để con tùy ý cúng dường.
Nghe mẹ nói, Ưu Đa La an lòng. Sau đó chàng thường thỉnh các Sa-môn, Bà-la-môn về nhà để cúng dường.
Mẹ của Ưu Đa La thấy các đạo sĩ thường xuyên lui tới nên bà sinh tâm chán ghét, chửi mắng các Sa-môn, Bà-la-môn.
Có lần Ưu Đa La đi vắng, người mẹ bèn đổ thức ăn và nước uống xuống hố bỏ. Khi con về, mẹ liền nói:
- Con đi rồi, mẹ ở nhà sắm sửa thức ăn ngon cúng dường cho các Sa-môn, Bà-la-môn rồi.
Ưu Đa La nghe mẹ nói, rất vui mừng. Về sau người mẹ qua đời và bị đọa vào loài ngạ quỷ miệng khô nóng, đói khát khổ sở, đi đến chỗ vị Tỳ-kheo nói rằng:
- Ta là mẹ của con đây.
Tỳ kheo lấy làm lạ hỏi:
- Lúc còn sống, mẹ tôi thường bố thí, vì sao ngày nay lại bị đọa vào loài ngạ quỷ?
Ngạ quỷ đáp:
- Vì mẹ tham lam, bỏn sẻn, không chịu cúng dường các Sa-môn, Bà-la-môn, vì thế mà phải chịu làm thân ngạ quỷ. Trong suốt hai mươi năm, mẹ không được ăn uống gì cả.
Tỳ-kheo hỏi ngạ quỷ:
- Do đâu mà đến nỗi như vậy?
Ngạ quỷ đáp:
- Tuy ta bố thí nhưng tâm thường bỏn sẻn. Đối với các Sa-môn, Bà-la-môn không có tâm cung kính, lại còn nhục mạ, nên ngày nay phải chịu quả báo này. Nếu thầy thỉnh Đức Phật và chúng Tăng cúng dường và sám hối, hồi hướng công đức cho ta, thì chắc chắn ta sẽ thoát khỏi thân ngạ quỷ.
Tỳ-kheo nghe mẹ nói nên đã khuyến cầu các thí chủ sắm sửa thức ăn và các thứ cần dùng, cúng dường Đức Phật và chư Tăng. Sau khi cúng dường xong, ngạ quỷ hiện thân trước đại chúng sám hối và sau khi trải qua vài lần sanh tử thì được sanh lên tầng trời Đao Lợi
…Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều vui mừng thực hành.
Kinh Ưu Đa La mẫu do cư sĩ Chi Khiêm dịch tại Đông Ngô trong khoảng những năm 222-253. Bản kinh này cũng xuất hiện trong tác phẩm Kinh luật dị tướng, được tập thành vào thời nhà Lương33. Điều đó đã cho thấy sự nổi bật cũng như tính phổ biến của kinh Ưu Đa La mẫu vào thời kỳ này. Xét về phương diện nội dung, cả Biến văn và kinh Ưu Đa La mẫu đều có ít nhất mười hai điểm tương đồng.
Thứ nhất, tuyến nhân vật chủ yếu bao gồm người cha, mẹ, đứa con trai, vị Tỳ-kheo, chúng Tăng và Đức Phật.
Thứ hai, người con thâm tín Tam bảo nhưng người mẹ thì ngược lại.
Thứ ba, con nhờ mẹ cúng dường, nhưng mẹ lại lừa dối và khinh khi Tam bảo.
Thứ tư, sau khi chết, người mẹ đọa làm thân quỷ.
Thứ năm, người con xuất gia, mong muốn tìm mẹ.
Thứ sáu, người con gặp lại mẹ trong thân quỷ đói.
Thứ bảy, đã rất lâu quỷ mẹ không thể uống hay ăn.
Thứ tám, một mình con không thể cứu mẹ.
Thứ chín, người con thay mẹ cúng dường Đức Phật và chư Tăng.
Thứ mười, được chư Tăng chú nguyện.
Thứ mười một, quỷ mẹ được sanh lên Thiên giới.
Thứ mười hai, Đức Phật tán thán, đệ tử Phật hoan hỷ thực hành.
Mặc dù giữa Biến văn và kinh Ưu Đa La mẫu giống nhau gần như hoàn toàn, tuy nhiên vẫn có một điểm khác biệt quan trọng. Đó là tác phẩm Biến văn đã mạnh dạn thay đổi tên nhân vật chính, tức là thay đổi tên Tỳ-kheo Ưu Đa La thành Tôn giả Mục Kiền Liên. Sự thay đổi này ở tác phẩm Biến văn theo chúng tôi, được xuất phát từ những lý do sau.
Trước hết, tác phẩm Biến văn là sự phát triển tiếp tục về phương diện văn chương của bản kinh Vu lan. Do vậy, nhân vật chính phải là ngài Mục Kiền Liên.
Thứ hai, xét về ảnh hưởng danh xưng, nếu là câu chuyện của ngài Mục Kiền Liên thì tầm ảnh hưởng sẽ sâu rộng, vì Tôn giả là một trong những đệ tử lớn của Phật.
Thứ ba, ngài Mục Kiền Liên được biết đến là người có duyên tiếp xúc với nhiều loài ngạ quỷ. Tư liệu Hán tạng và Nikaya đều khẳng định việc này34.
Thứ tư, ngài Mục Kiền Liên đã tự mình vào địa ngục cứu độ chúng sanh35, đã chỉ bày cho chúng sanh cách thức cứu độ người thân đang ở trong loài ngạ quỷ36.
Thứ năm, ngài Mục Kiền Liên đã từng nương nhờ thần lực của Đức Phật để đi thăm mẹ ở thế giới Ma-lợi-chi, được ghi lại trong Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da dược sự37.
Từ năm điểm này đã cho thấy, tác phẩm Biến văn đã tiếp biến có chọn lọc, tuy tự do sáng tạo nhưng vẫn dựa trên những nguồn kinh điển khả tín. Nói rõ hơn, tác phẩm Biến văn là sự tổng hợp mang tính sáng tạo đỉnh cao giữa nhiều bản kinh, mà trong đó chủ yếu là kinh Vu lan và kinh Ưu Đa La mẫu.
Bản kinh Ưu Đa La mẫu này có mặt trong những bộ kinh lục nổi tiếng như Xuất Tam tạng ký tập, quyển 2,Lịch đại Tam bảo ký, quyển 5, Khai nguyên thích giáo lục, quyển 2…điều đó đã cho thấy bản kinh đã được ghi nhận từ rất sớm.
Điều đặc biệt kỳ thú, vì qua sự đối khảo chuyên sâu, chúng tôi đã phát hiện nội dung bản kinh Ưu Đa La mẫu hiện diện trong tư liệu Nikāya nằm ở tập Ngạ quỷ sự.
So sánh giữa kinh Ưu Đa La mẫu và Ngạ quỷ sự trong Kinh tạng Nikāya
Theo Đại từ điển Phật học của Đinh Phúc Bảo, Ưu Đa La được dịch từ chữ Uttara38. Thêm một lần tham khảo Dictionary of Pāli Proper Names, chúng tôi dễ dàng tìm ra những liên hệ tương đồng trong Kinh tạng Nikāya. Từ cơ sở ban đầu này, đã mở ra một phát hiện mới trong chuyên khảo của chúng tôi.
Như đã trình bày, tác phẩm Ưu Đa La mẫu là tên gọi tắt của Ưu Đa La mẫu đọa ngạ quỷ duyên do cư sĩ Chi Khiêm dịch. Chúng tôi đã phát hiện nguyên tác Pāli tương đương mang tên Uttaramātu Petavatthu39, được dịch sát với nguyên bản là: Uất Đa La mẫu quỷ sự40.
Trong Kinh tạng Pāli, liên quan đến chuyện ngạ quỷ có hai tác phẩm. Đó là Ngạ quỷ sự nằm trong tập kinhTiểu bộ và tác phẩm Chú giải ngạ quỷ sự của ngài Dhammapāla. Cả hai tác phẩm này đều chuyên chở nhiều tình tiết sinh động về câu chuyện liên quan đến nhân vật Uttara. Để tiện theo dõi, chúng tôi xin giới thiệu toàn văn Chuyện mẹ của Uttara do cư sĩ Trần Phương Lan dịch, hiện nằm trong kinh Tiểu bộ, tập 241.
Chuyện mẹ của Uttara (Uttaramātu)
Sau khi bậc Đạo Sư diệt độ, vào thời đại hội kết tập kinh điển đầu tiên đang diễn tiến42, Tôn giả Mahā-Kaccayāna (Đại Ca Chiên Diên) cùng mười hai Tỳ-kheo đang cư trú trong ngôi rừng nọ gần Kosambi (Kiều-thưởng-di).
Thời ấy Uttara, vị nam tử thừa kế của vị quốc sư triều vua Udena, đang cùng đám thợ mộc đi tìm gỗ để sửa nhà, và được Trưởng lão này thuyết pháp.
Về sau Uttara thường cúng dường vị ấy thực phẩm và xây tặng vị ấy một thảo am.
Song bà mẹ của Uttara căm hận những việc cúng dường ấy. Bà bảo:
- Ta mong bất cứ thức ăn uống nào con cúng các Sa-môn mà ta không đồng ý đều trở thành máu cho con uống ở đời sau.
Tuy thế, vào ngày cúng dường am thất, bà cho phép tặng một bó lông đuôi công. Khi từ trần, bà tái sanh làm nữ ngạ quỷ và do đã cúng dường một bó lông đuôi công ấy, nữ ngạ quỷ có mái tóc đen thật dài, uốn lượn óng ả rất đẹp và dài tha thướt.
Bất cứ khi nào nữ ngạ quỷ bước xuống tự nhủ: ‘Ta sẽ uống nước sông Hằng’ thì dòng sông trở thành máu đỏ. Sau khi đã đi lang thang suốt năm mươi năm bị đói khát giày vò, ngày kia nữ ngạ quỷ chợt thấy Trưởng lão Kankhā Revata (Kankhā Ly-bà-la) ngồi nghỉ trưa bên bờ sông Hằng:
Cuộc đối thoại này tiếp theo sau hai vần kệ đầu của chư vị kết tập kinh điển:
1- Khi một Tỳ-kheo đến nghỉ trưa
Và ngồi trên bến nước Hằng hà,
Gần người, nữ quỷ hình ghê rợn,
Dáng điệu rụt rè, tiến bước ra.
2- Mái tóc quỷ nương ấy thật dài
Thả ra chấm đất, được buông lơi,
Che thân bằng các chùm tóc ấy,
Nữ quỷ thưa Tôn giả chuyện đời:
Nữ ngạ quỷ:
3- Năm mươi năm đã giã từ trần,
Con chẳng biết gì thức uống ăn.
Tôn giả, cho con xin chút nước,
Hiện con đang khát nước muôn phần.
Tỳ-kheo:
4- Đây dòng nước mát của sông Hằng
Chảy xuống từ miền núi Tuyết Sơn,
Hãy lấy nước kia và uống gấp,
Sao ngươi xin nước ở trên dòng?
Nữ ngạ quỷ:
5- Tôn giả, xin thưa, nếu chính con
Tự tay lấy nước ở dòng sông,
Nước liền thành máu, và vì thế
Con khẩn cầu ngài chút nước trong.
Tỳ-kheo:
6- Ngày xưa đã phạm ác hạnh nào
Do khẩu, ý, thân đã phạm vào,
Từ nghiệp quả gì tay ấy chạm
Nước sông Hằng hóa máu, vì sao?
Nữ ngạ quỷ:
7- Nam tử của con, Ut-ta-ra,
Xưa vốn là cư sĩ tại gia
Đem cúng các Sa-môn thực phẩm,
Tọa sàng, dược liệu, áo cà-sa.
8- Lòng con sôi động bởi xan tham
Thúc giục, nên con phỉ báng chàng:
‘Bất cứ vật gì ta chẳng muốn
Ngươi đem dâng cúng các Sa-môn,
9- ‘Ut-ta-ra, thứ ấy, ta cầu
Thành máu cho ngươi ở kiếp sau’.
Do nghiệp quả này, tay chạm phải
Nước sông Hằng hóa máu từ lâu’.

Khi ấy Tôn giả Revata cúng dường nước lên Tăng chúng và hồi hướng công đức cho nữ ngạ quỷ. Sau đó Tôn giả đi khất thực và khi đã nhận được thức ăn Tôn giả cúng dường chư Tăng. Rồi Tôn giả lấy một ít giẻ rách từ đống rác, rửa sạch, phơi khô xong, Tôn giả may thành y và cúng dường Tăng chúng.
Nhờ vậy nữ ngạ quỷ thọ hưởng thiên lạc, liền trình với vị Trưởng lão sự việc cùng bày tỏ niềm hạnh phúc thần tiên mà nó đã đạt được.
Từ nội dung trên đã cho thấy rằng phần lớn nội dung của tác phẩm Uất Đa La mẫu quỷ sự tương đồng với nội dung Ưu Đa La mẫu đọa ngạ quỷ duyên. Chỉ xét riêng về 12 điểm tương đồng giữa Biến văn và kinhƯu Đa La mẫu đọa ngạ quỷ duyên trong hệ Hán tạng; thì Uất Đa La Mẫu quỷ sự thuộc văn hệ Pāli chỉ khác biệt một vài điểm nhỏ.
Sự khác biệt mục thứ 3. Nếu như Biến văn và Ưu Đa La mẫu, thanh niên Ưu Đa La nhờ mẹ cúng dường, thì trong Uất Đa La không có chi tiết này, nhưng vẫn bảo lưu chi tiết người mẹ khinh khi Tam bảo.
Sự khác biệt mục thứ 5. Nếu như Biến văn và Ưu Đa La mẫu, Tỳ-kheo Ưu Đa La đi tìm mẹ sau khi chứng đạo; thì trong Uất Đa La không có chi tiết này, mà thông tin ngược lại, tức mẹ đi tìm con.
Sự khác biệt mục thứ 6. Nếu như Biến văn và Ưu Đa La mẫu, Tỳ-kheo Ưu Đa La gặp mẹ ruột của mình; thì trong Uất Đa La, người mẹ gặp Tôn giả Revata.
Sự khác biệt mục thứ 9. Nếu như Biến văn và Ưu Đa La mẫu, Tỳ-kheo Ưu Đa La thay mẹ cúng dường; thì trong Uất Đa La Tôn giả Revata thay ngạ quỷ cúng dường đến chư Tăng.
Sự khác biệt mục thứ 12. Thay vì Đức Phật tán tán thì trong Uất Đa La Trưởng lão Revata đã tán thán thiện sự này và khuyên mọi người theo đó thi hành.
Năm điểm khác biệt nêu trên sở dĩ xuất hiện có thể do ảnh hưởng của bối cảnh văn hóa, hoặc do các nhà phiên dịch chủ động bổ sung, hoặc thậm chí là do vô ý nên dẫn đến sai sót trong quá trình lưu giữ, biên tập. Theo chúng tôi, những khác biệt này không làm thay đổi nội dung chủ yếu mà tác phẩm muốn đề cập đến.
Ở đây, có một điểm cần lưu ý. Vì trong nguyên tác Pāli của Pāli Text Society thì câu chuyện Uttaramātu Petavatthu (Uất Đa La Mẫu quỷ sự), nằm trong bộ Vimānavatthu và Petavatthu, chỉ gồm có chín câu kệ rất cô đọng43.Thế nhưng trong bản dịch của cư sĩ Trần Phương Lan thì có phần dẫn nhập và kết thúc, nên nội dung câu chuyện dễ hiểu và khúc chiết hơn. Sau khi phối kiểm, chúng tôi nhận thấy, bản dịch của cư sĩ Trần Phương Lan là sự kết hợp giữa chín câu kệ trong nguyên tác Ngạ quỷ sự và bản Chú giải Ngạ quỷ sự của Tôn giả Dhammapāla44.
Xét về phương diện niên đại, Tôn giả Dhammapāla sống vào khoảng thế kỷ thứ V TL, ngài thực hiện bản chú giải Ngạ quỷ sự lúc ngụ tại tu viện Badaratitthavihāra45. Trong khi đó, bản chú giải Uất Đa La Mẫu quỷ sự của ngài phần lớn tương đồng với tác phẩm Ưu Đa La mẫu đọa ngạ quỷ duyên do cư sĩ Chi Khiêm dịch vào giữa thế kỷ thứ III. Điều đó cho thấy, bản chú giải Uất Đa La Mẫu quỷ sự của Tôn giả Dhammapāla đã kế thừa từ một nguồn tư liệu tương tự như nguồn tư liệu của cư sĩ Chi Khiêm.
Từ những phân tích và đối khảo ở trên đã cho thấy, sự tương đồng về nội dung giữa các tác phẩm Uất Đa La mẫu quỷ sự, Chuyện mẹ của Uttara và Mục Kiền Liên minh gian cứu mẫu biến văn, Ưu Đa La mẫu đọa ngạ quỷ duyên, đã dẫn đến một sự khẳng định, trong Kinh tạng Nikāya hiện tồn tại một tác phẩm mang nội dung tương tự như kinh Vu lan; đó là tác phẩm Chuyện mẹ của Uttara do cư sĩ Trần Phương Lan biên dịch.
Nhận định
Kể từ khi Đức Phật cho phép đệ tử của Ngài được nghiên cứu kinh điển theo ngôn ngữ địa phương của mình46, thì số lượng dịch phẩm kinh điển đa ngôn ngữ đã phát triển rất phong phú. Trong quá trình lưu giữ và phiên dịch kinh văn, đã tác động nhiều đến sự thay đổi về cấu trúc, kể cả những tên tuổi hoặc ẩn dụ được sử dụng trong kinh tạng. Kinh Vu lan là một trường hợp như vậy. Tuy nhiên, sự giống nhau về nội dung cơ bản giữa hai nguồn tư liệu Hán tạng và Nikāya qua đối khảo ở trên, đã đồng thời khẳng định tính chân thực và nhất quán của Phật pháp nói chung và kinh Vu lan nói riêng.
Khảo sát cũng chỉ ra rằng, nhân danh một ai đó làm phước thì vẫn đem lại những kết quả thù thắng cho họ, dù đó chưa phải là người thân của mình. Tính chất vô duyên từ của Phật giáo được khẳng định ở điểm này. Về phương diện nghi lễ, phẩm vật có thể đơn sơ như nước uống, cơm canh và vải vụn, nhưng Tôn giả Revata vẫn khiến cho Uttaramātu thoát khỏi khổ quả, mà tư liệu Nikāya đã chỉ ra. Thế nên, việc nhân danh cha mẹ, hoặc những người thân đã khuất, vì họ mà làm nhiều thiện sự, bao gồm cả việc cúng dường Tam bảo, là việc làm đúng pháp. Không những vậy, các nguồn tư liệu cũng ghi nhận rằng, sự phát tâm của đối tượng, được kết hợp đồng thời với năng lực chú nguyện của chư Tăng, sẽ tạo nên những năng lượng chuyển hóa tích cực.
Một bản kinh khá ngắn và có mặt trong cả hai truyền thống, nhưng với Phật giáo Bắc truyền thì được biến thành một sự kiện lễ hội quần chúng, đem đến sự chuyển hóa thánh thiện trong tâm thức của nhiều người, và nhẹ nhàng lan tỏa ảnh hưởng của Phật giáo đến với số đông chưa phải là Phật tử; điều đó cho thấy tính năng động sáng tạo của các nhà hoằng pháp, kể cả vai trò hộ pháp của các vị quân vương Phật tử tại Trung Hoa trong thời kỳ đầu. Do vậy Lễ hội Vu lan theo Bắc truyền hay Lễ hội Uttara, theo Kinh tạng Nikāya, là một sáng tạo văn hóa thấm đẩm trí tuệ, cần được ghi nhận, bảo tồn và tán thán.



(1) 大正藏第 49 冊 No 2.035 佛祖統紀, 卷第三十七.Nguyên văn:四年. 帝幸同泰寺設盂蘭盆齋.
(2) Theo Cao tăng truyện, quyển 1, ngài Trúc Pháp Hộ thọ 78 tuổi (春秋七十有八). Ngài mất trong thời gian Tấn Huệ Đế từ Lạc Dương chạy về Trường An (晉惠西奔). Căn cứ vào tư liệu lịch sử, Tư Mã Dĩnh bắt được Tấn Huệ Đế vào năm 303, do Quan Trung chiến loạn nên ngài Trúc Pháp Hộ đã cùng với môn đồ chạy loạn về phía Đông, đến Thằng Trì thì ngọa bệnh rồi mất. Như vậy, ngài Trúc Pháp Hộ viên tịch vào khoảng năm 303. Theo Wisdom Library, ngài Trúc Pháp Hộ có niên đại: AD 223-300.
(3) 大正藏第 16 冊 No 0.685 佛說盂蘭盆經.
(4) 大正藏第 55 冊 No 2.145 出三藏記集,卷第二.
(5) 大正藏第 55 冊 No 2.145 出三藏記集, 卷第四,新集續撰失譯雜經錄第一.
(6) Theo, Khai nguyên thích giáo lục, quyển 6.Niên đại ngài Tăng Hựu vào khoảng cuối thời Tiêu Tề, đầu và giữa nhà Lương.
(7) 大正藏第 49 冊 No 2.034 歷代三寶紀, 卷第六.
(8) 大正新脩大藏經第 55 冊 No 2.154 開元釋教錄, 卷第七.
(9) 大正新脩大藏經第 52 冊 No 2.103 廣弘明集, 卷第十. Trích chiếu văn phế Phật của Chu Vũ Đế: Hết thảy kinh tượng phải hủy diệt tận cùng, cha mẹ thâm ân Sa-môn không xem trọng, bội nghịch quá hạn nên vương pháp khó tha, do vậy phải hoàn gia, trông nom hiếu sự. Ý trẫm đã quyết như thế. (凡是經像皆毀滅之. 父母恩重沙門不敬. 悖逆之甚國法不容. 並退還家用崇孝治. 朕意如此).
(10) 大正新脩大藏經第 55 冊 No 2.154 開元釋教錄,卷第十.
(11) 大正藏第 53 冊 No 2.121 經律異相,卷第十四.
(12) 大正藏第 39 冊 No 1.792 佛說盂蘭盆經疏,下.
(13) Bản kinh này có khi được gọi là Đại bồn kinh. Xem,大正藏第 53 冊 No 2.122 法苑珠林, 卷第六十二.
(14) 大正藏第 54 冊 No 2.128 一切經音義,卷第三十四.
(15) Ngài Tông Mật cũng chú giải bổ sung thuật ngữ chữ Phạn này trong Phật thuyết Vu lan bồn kinh sớ, quyển hạ.
(16) Đại từ điển Đinh Phúc Bảo và Từ điển Phật Quang cho biết gốc Phạn ngữ của từ 達嚫 là Dakiā chỉ cho tài thí và cả pháp thí, đôi khi mang nghĩa chung là Bố thí.
(17) 大正藏第 12 冊 No 0.391 般泥洹後灌臘經.
(18) 大正新脩大藏經第 12 冊 No 0.391 般泥洹後灌臘經.
(19) 大正藏第 16 冊 No 0.685 佛說盂蘭盆經.
(20) 大正藏第 16 冊 No 0.686 佛說報恩奉盆經.
(21) 大正藏第 85 冊 No 2.858 大目乾連冥間救母變文并圖.
(22) Xem, Đồng Văn, Biến văn Đôn Hoàng, NXB Hồng Đức, 2013, tr.19. Nguyên văn: Việc khảo cứu niên đại của Biến văn Đôn Hoàng sớm nhất là vào đầu thế thỷ thứ V (sau TL), muộn nhất là cuối thế kỷ thứ X.
(23) 大正藏第 85 冊 No 2.858 大目乾連冥間救母變文并圖.
(24) Đồng Văn, Biến văn Đôn Hoàng, NXB. Hồng Đức, 2013, tr. 269-270. Biến văn lấy đề tài là những câu chuyện thần thông biến hóa trong kinh Phật, về sau xuất hiện các chuyển biến dân gian mô phỏng Tục giảng, văn bản của loại này cũng có thể gọi là Biến văn.
(25) 大正新脩大藏經第 39 冊 No 1.792 佛說盂蘭盆經疏.
(26) Năm 1955, hãng Truyền hình Hồng Kông HKMDB đã phát hành vở ca kịch cổ trang La Bốc cứu mẫu, do tác giả Trần Bì làm đạo diễn. Đây là vở ca kịch có tiếng vang lớn và đã có những ảnh hưởng đến ViệtNam.
(27) 大正藏第 25 冊 No 1.509 大智度論, 卷第十一,釋初品中舍利弗因緣第十六.Nguyên văn:是時, 告占師子, 名拘律陀, 姓大目揵連.
(28) 大正藏第 34 冊 No 1.718 妙法蓮華經文句,卷第一, 上.
(29) 大正新脩大藏經第 39 冊 No 1.792 佛說盂蘭盆經疏.
(30) 大正藏第 04 冊 No 0.200 撰集百緣經, 卷第五,優多羅母墮餓鬼緣.
(31) Xem, Bộ Bản duyên, tập 6, Soạn tập kinh một trăm truyện nhân duyên, Linh Sơn Pháp Bảo Đại tạng kinh dịch, Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc xuất bản, 2000, tr.155-158.
(32) Nguyên bản Hán ngữ ghi: 世所希有, 父母歡喜, 因為立字, 名優多羅. Với nghĩa này thì hoàn toàn tương đồng với nghĩa trong Phạn ngữ. Vì 優多羅, tức Uttara, Phạn ngữ ghi là उत्तरtheo, M.Monier-Williams, A Sanskrit English Dictionary. SpringfieldMA: Nataraj Books, 2014, p.178, có nghĩa là một người nổi bật, xuất sắc, đầy quyền lực…
(33)  大正藏第 53 冊 No 2.121 經律異相,卷第十九,珍重沙門母為餓鬼以方便救濟十八.
(34) 大正藏第 17 冊 No 0.734 佛說鬼問目連經; Xem thêm, kinh Tương ưng bộ, chương 8, Tương ưng Lakkhana; kinh Tạp A-hàm, quyển 19.
(35) 大正藏第 02 冊 No. 0.125 增壹阿含經, 卷第十二,三寶品第二十一Nguyên văn:尊者大目揵連如力士屈申臂頃, 從舍衛沒不現, 便至蓮華大地獄中. 當爾時, 瞿波離比丘身體火然.
(36) 大正藏第 04 冊 No. 0.200 撰集百緣經, 卷第五,目連入城見五百餓鬼緣.
(37) 大正新脩大藏經第 24 冊 No1.448 根本說一切有部毘奈耶藥事, 卷第四.
(38) Đinh Phúc Bảo, Phật học Đại từ điển, quyển hạ, Phật Đà giáo dục Cơ Kim hội, Đài Bắc, 2012, tr.2751.
(39) Pāli Text Society, Vimānavatthu and Petavatthu,Ubbari Vagga, Uttaramātupetavatthu. N.A. Jayawickrama. Trans. London: Rout Ege & Kegan Paul Ltd., 1977. p.39.
(40) Xem, Chú giải ngạ quỷ sự, Tỳ-kheo Minh Huệ dịch, NXB Tôn Giáo, 2007, tr.183.
(41) Kinh Tiểu Bộ, tập 2, Thiên cung sự-Ngạ quỷ sự, Trần Phương Lan, dịch, NXB TP.HCM, 1999, tr.525-528.
(42) Theo kinh Tăng nhất A-hàm, quyển 1, Tôn giả A Nan đem kinh Tăng nhất A-hàm phó chúc cho ngài Ưu Đa La, tức Uttara. Chuyện mẹ của Uttara với thông tin liên quan đến cuộc kiết tập kinh điển đầu tiên, đã góp thêm bằng chứng về niên đại hình thành bản kinh Chuyện mẹ của Uttara.
(43) Cf, Pāli Text Society, Vimānavatthu and Petavatthu,Ubbari Vagga, Uttaramātupetavatthu. N.A. Jayawickrama. Trans. London: Rout Ege & Kegan Paul Ltd., 1977. p.39. Xem thêm, Tam tạng song ngữ Pāli Việt, Chuyện ngạ quỷ, Tỳ-kheo Indacanda dịch, NXB Tôn Giáo, 2002, tr.88.
(44) Tham khảo thêm, Chú giải ngạ quỷ sự, Tỳ-kheo Minh Huệ dịch, NXB Tôn Giáo, 2007, tr.183-188.
(45) Tam tạng song ngữ Pāli Việt, Chuyện ngạ quỷ, Tỳ-kheo Indacanda, dịch, NXB Tôn Giáo, 2002, tr. V.
(46) Cullagga, tập 2, chương Các tiểu sự, việc chuyển đổi lời dạy của Đức Phật sang dạng có niêm luật, đoạn 180. Bản dịch tiếng Việt của Tỳ-kheo Indacanda. Tham chiếu:The Book of the Discipline, Vol V, Cullavagga V, I.B Horner, M.A. Trans. London: Luzac & Company Ltd., 1963, p. 194. Cf: I allow you, monks, to learn the speech of Awakened One according to his dialect.Trong luật Tứ phần có nội dung tương tự: 大正藏第 22 冊 No 1.428 四分律, 卷第五十二, 雜揵度之二. Nguyên văn:佛言: 聽隨國俗言音所解誦習佛經.

http://thuvienhoasen.org/a22000/kinh-vu-lan-khao-ve-nguon-goc-han-tang-nikaya

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.