Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

31/08/2016

Tiếp tục câu chuyện trẻ con Đại Việt thế kỉ 21 nên học chữ Hán ở mức như thế nào (ý kiến Huy Nguyễn)

Hôm qua đưa bài của Đoàn Lê Giang. Đang muốn đọc một bài ngược ý của anh Giang, nhưng phải là bài hoàn chỉnh từ góc nhìn giáo dục hiện đại.

Bài phê Đoàn Lê Giang thì càng tốt. Để thử xem, thực sự có cần cho bọn trẻ Đại Việt thế kỉ 21 học chữ Hán hay không.

Bây giờ là một tác giả khác, mà tôi đọc lần đầu tiên.


Lấy nguyên về từ trang Nhịp cầu Thế giới.

---


HỌC TỪ HÁN - VIỆT?


Thứ tư - 31/08/2016 21:23



(NCTG) “Với tiếng Hán, tuyệt đối không được phép kỳ thị lây nó vì thái độ ghét Trung Quốc hiện nay của nhiều người dân. Cần hiểu rằng trau dồi từ Hán - Việt chính là làm cho tiếp Việt đẹp hơn, hay hơn”.

Di sản Hán - Nôm là bộ phận vô cùng quan trọng trong văn hóa Việt Nam - Ảnh: Internet
Di sản Hán - Nôm là bộ phận vô cùng quan trọng trong văn hóa Việt Nam - Ảnh: Internet
Cuộc thảo luận về việc có nên dạy và học chữ Hán, Hán - Việt như một môn học phổ cập trong trường phổ thông, cũng như vai trò và tầm quan trọng của chữ Hán, Hán - Việt trong “thế giới Hán hóa”, mà Việt Nam là một thành viên, đang nóng lên trên các mặt báo và đặc biệt, các diễn đàn, mạng xã hội Internet.

Hiện tượng

Xem phim Trung Quốc thỉnh thoảng thấy có các từ như “đại phu”, “hoàng thượng”, “vạn tuế”... trong tiếng Việt được diễn viên nói nghe cũng na ná, tôi mới nhớ ra là những từ Việt ấy có gốc từ tiếng Hán, và ông cha ta dùng luôn những từ ấy với cách phát âm ít nhiều khác đi. Soát lại thử về một số từ Hán ta đã dùng, lại thấy những danh từ gốc Hán mà có định ngữ đi kèm thì định ngữ nằm trước, khác với trật tự trong ngữ pháp tiếng Việt, như “mỹ nhân”, “nữ thủ tướng”, xạ thủ, “game thủ”, “trợ thủ”...

Xét hoàn cảnh dùng từ và ngữ nghĩa, thấy rằng với những từ Hán - Việt mà có từ thuần Việt có nghĩa tương đương, từ Hán - Việt thường hàm súc, sang, tinh tế và có tính chính thức hơn trong khi từ thuần Việt tương đương nghe nôm na, dân dã, bỗ bã hơn. Nếu dùng đúng hoàn cảnh, mỗi loại có mặt mạnh riêng. Trên facebook, muốn bông đùa, tếu táo thì dùng từ thuần Việt có hiệu quả hơn. Tán gái bằng miệng hay chat mà dùng từ Hán - Việt ít phổ biến, loại chỉ hay dùng trong văn chương, sẽ bị coi là sến.

Nhưng viết thư mà “nôm” quá sẽ mất hay do thiếu tính lãng mạn. Như thế, từ gốc Hán khi trở thành từ Việt ta và được đặt trong sự so sánh, bản thân nó đã mang sắc thái khác hơn.

Mức độ ảnh hưởng

Số từ mượn từ tiếng Hán ngay cả trong sinh hoạt bình thường đã nhiều, còn trong mọi mặt đời sống, trong văn học thì nhiều lắm.

Phần lớn người Việt ngày nay học được và dùng các từ gốc Hán một cách tự nhiên chứ không phải là theo các lớp học tiếng Hán, ít hay nhiều tùy vùng miền, trình độ học vấn và nghề nghiệp. Có lẽ xưa kia tiếng Hán đã xâm nhập vào tiếng Việt cổ của ta qua các con đường khác nhau: qua đời sống và hoạt động giao thương hàng ngày với các từ thông thường; qua thư tịch, giáo dục - khoa cử, ngoại giao và sinh hoạt tôn giáo với các từ có tính học thuật.

Không những vay mượn nhiều về số lượng từ, về mặt cảm nhận thì hầu như không ai cảm thấy rằng mình đang nói và viết một ngôn ngữ mà phần lớn từ nguyên là vay mượn... Điều này cho thấy có sự hòa quyện rất bền sâu giữa các yếu tố ngôn ngữ ngoại lai và bản địa. Thành ra, nếu ta cố phân biệt từ tiếng Việt về mặt hình thức thành từ Hán - Việt và thuần Việt cũng được mà coi tất cả là từ Việt cũng không sao.

Mặc dù chịu ảnh hưởng rộng và sâu như vậy, phần lớn người Việt vẫn gặp khó khi đọc một bài thơ chữ Hán ở dạng phiên bản từ Hán - Việt mà không có bản dịch tiếng Nôm đi kèm. Điều đó chứng tỏ chúng ta chỉ dễ hiểu khi các từ gốc Hán nằm trong kết cấu câu tiếng Việt cùng với các từ Việt khác; tập hợp các từ Hán đơn âm mà nằm trong một kết cấu ngữ pháp tiếng Hán sẽ gây khó khăn.

Như thế, có thể yên tâm mà nói rằng, dù có vay mượn nhiều và sâu sắc đến đâu, tiếng Việt của chúng ta vẫn là một thực thể độc lập với tiếng Hán, luôn phát triển trong sự tương tác với các ngôn ngữ khác theo dòng thời gian.

Vay mượn trong ngôn ngữ là hiện tượng phổ biến

Các ngôn ngữ đều ít nhiều vay mượn, ảnh hưởng lẫn nhau. Trung Quốc có một lịch sử văn hóa vĩ đại, lại là nước đô hộ hay chi phối nước mình hàng ngàn năm, mình chịu nhiều ảnh hưởng của nó về văn hóa - ngôn ngữ là điều dễ hiểu. Trong tiến trình lịch sử, chính là tương quan trình độ phát triển của nền văn minh chứ không phải yếu tố dân số hay sức mạnh quân sự quyết định chiều hướng ảnh hưởng về ngôn ngữ. Nền văn minh ra đời trước bao giờ cũng ảnh hưởng lên nền văn minh xuất hiện muộn hơn.

Ngôn ngữ là di sản của văn minh và nó luôn được kế thừa bởi nền văn minh xuất hiện sau. Như vậy, nên nhìn nhận ảnh hưởng của tiếng Hán lên tiếng Việt ta như là ảnh hưởng của nền văn minh Trung Hoa lên nền văn hóa của ta chứ không hẳn là sự ức hiếp, áp đặt về văn hóa - ngôn ngữ thông qua xâm lược và cai trị bằng sức mạnh quân sự. Mãn tộc, dù có giành được quyền cai trị Trung Quốc hàng trăm năm nhưng không thể lấy tiếng của người Mãn thay cho tiếng Hán mà chỉ có thể làm cho tiếng Hán thay đổi cho phù hợp hơn với người Mãn.

Văn hóa - ngôn ngữ có sức mạnh tự thân của nó. Ai Cập và Hy Lạp cổ đại với các thành tựu về triết học, khoa học, nghệ thuật, y học...., đã sản sinh ra nhiều thuật ngữ khoa học vẫn còn được kế thừa đầy đủ cho đến ngày nay trong từ vựng các ngôn ngữ châu Âu. Tiếng Anh hiện nay là ngôn ngữ phổ biến nhất thế giới nhưng phần lớn thuật ngữ khoa học trong tiếng Anh có nguồn gốc từ các ngôn ngữ Ả Rập, Hy Lạp và Latin. Ngôn ngữ khoa học của các nước Âu - Mỹ khác cũng vậy, không bỏ các từ gốc Latin mà gắn với các thành tựu khoa học đã được khám phá từ trước.

Về phương diện văn hóa, khoa học và giáo dục, sự ảnh hưởng, vay mượn, kế thừa nhau về ngôn ngữ như thế là có lợi cho sự phát triển.

Ảnh hưởng tiêu cực?

Những triết lý, tư tưởng Nho giáo, Khổng giáo truyền bá, thâm nhiễm vào ta cùng với sự du nhập ngôn ngữ - văn hóa Hán đã gây ra nhiều ảnh hưởng không tích cực cho việc tiếp thu những tư tưởng tiến bộ của văn minh nhân loại vào Việt Nam. Tuy nhiên, sự thành bại của việc tiếp thu cái mới có tính cách mạng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và không thể đổ tội hết cho yếu tố ngôn ngữ và văn hóa Trung Hoa được.
 
Nếu có thể đọc “Nam Quốc Sơn Hà” trong nguyên bản, cảm xúc sẽ mãnh liệt hơn nhiều...
Nếu có thể đọc “Nam Quốc Sơn Hà” trong nguyên bản, cảm xúc sẽ mãnh liệt hơn nhiều...

Bên cạnh đó, những ảnh hưởng khác của sự vay mượn, tiếp thu văn hóa - ngôn ngữ này đều tốt: nó làm cho ngôn ngữ - văn hóa của ta thêm phong phú, giàu có, qua đó mà văn hóa - khoa học mới phát triển được. Tiếng Việt sẽ trở nên rất buồn cười nếu chúng ta loại bỏ các từ Hán - Việt và chỉ diễn đạt bằng các từ thuần Việt, và có những cái thì không tài nào diễn đạt được vì thiếu từ.

Có người nghĩ việc tiếng Việt ta, hay quốc ngữ, được ghi phiên âm bằng ký tự Latin nhờ các nhà truyền giáo Phương Tây, khác với chữ Hán tượng hình, đồng nghĩa với việc chúng ta khác hẳn Trung Quốc về ngôn ngữ một cách đáng tự hào. Đó là một sai lầm. Khác biệt ở đây chỉ là phương tiện ghi âm mà thôi.

Đã thạo dùng từ Hán - Việt?

Khi chúng ta dùng từ Hán - Việt, chưa nói đến những từ liên quan đến điển cố văn học, sai sót chắc là nhiều. Bản thân tôi thường thấy rằng mình không có đủ các từ Hán - Việt cần thiết trong nhiều tình huống diễn đạt, còn những từ được dùng thì chưa hẳn là nhuần nhuyễn và chính xác. Sự yếu kém, sai sót ấy ở mức nào, với những từ nào là chính thì cần được những nhà Hán ngữ nghiên cứu, thống kê để chỉ ra.

Có cần học chữ Hán?

Học bài bản như học các ngoại ngữ khác với tiếng Hán thì mệt lắm. Tôi đã học mấy năm ở trường phổ thông nhưng giờ thì không nhớ và không viết được một chữ nào. Tuy nhiên, tôi còn nhớ được một số đoạn của các bài hát. Nghe nói, nếu học tiếng Trung bằng phiên âm Latinh và chỉ để nói thì vấn đề phát âm và ngữ pháp không khó, vì không khác tiếng Việt nhiều.

Chính vì thế, nếu chỉ với mục đích nâng cao khả năng dùng từ Hán - Việt, chỉ nên học theo lối cắt ngang qua từ điển và các câu văn mẫu là tạm đủ. Những ai không có nhu cầu nói và viết hay hơn, chính xác hơn thì không cần. Những ai cần nghiên cứu văn học trước 45 thì rất cần, phải biết thêm cả lịch sử Trung Quốc và các điển cố văn học có liên quan. Tôi đọc “Truyện Kiều” mà không xem phần chú giải thì chỉ hiểu độ 70%. Còn học chữ Hán? Tôi nghĩ chỉ cần cho ai nghiên cứu sâu hay buộc phải làm các việc có liên quan.

Nếu cần học từ Hán - Việt thì tổ chức học thế nào?

Nhà nước không cần đứng ra cho tốn kém, chỉ để dân tự làm. Những người giỏi tự tổ chức thành hội đoàn tiên phong, như Hội Truyền bá Quốc ngữ ngày xưa. Với tiếng Hán, tuyệt đối không được phép kỳ thị lây nó vì thái độ ghét Trung Quốc hiện nay của nhiều người dân. Cần hiểu rằng trau dồi từ Hán - Việt chính là làm cho tiếng Việt đẹp hơn, hay hơn. Sự lên gân ra vẻ trước kia về cái gọi là giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt bằng cách hạn chế dùng từ Hán - Việt là một sự ấu trĩ đáng xấu hổ.

Mặt khác, cũng không được chính trị hóa vấn đề bằng cách ép buộc học sinh phải học. Truyền bá ngôn ngữ là quá trình tự nhiên, nếu người ta thấy cần học thì sẽ học. Đừng nghĩ học từ Hán - Việt ảnh hưởng đến hay mâu thuẫn với việc học các ngoại ngữ khác của con em. Thực tế đã cho thấy, những người giỏi tiếng Việt, trong đó có từ Hán - Việt, mới thường là những người giỏi ngoại ngữ.


Huy Nguyễn, từ Hà Nội
http://nhipcauthegioi.hu/goc-nhin/HOC-TU-HAN-VIET-5304.html

1 nhận xét:

  1. Tôi đồng ý với tác giả về một số quan điểm. Tuy vậy bảo rằng " giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt" là sự lên gân " Sự lên gân ra vẻ trước kia về cái gọi là giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt bằng cách hạn chế dùng từ Hán - Việt là một sự ấu trĩ đáng xấu hổ" cần phải xem lại. Chả có gì đáng xấu hổ cả. Khi mà tiếng Việt có, không dúng, lại cố dùng từ Hán thì đấy mới là sự "khoe chữ" đáng xấu hổ! Cụ Hồ chắc là giỏi chữ Hán hơn chúng ta, nhưng cụ phê bình những anh "sính" Hán là có lí. Việc phát ngôn tôi nghĩ cần thận trọng, không thể tùy tiện!

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.