Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

10/08/2016

Đi trẩy nước non Cao Bằng (phóng sự Nguyễn Huy Minh)



Bài trên báo Lao Động.


Không rõ ý của tác giả lắm. Không biết gọi là gì. Nhưng báo thì cho thành mục phóng sự.





---

PHÓNG SỰ

Đi trẩy nước non

(LĐ) - SỐ 92 NGUYỄN HUY MINH -06:57 ngày 23/04/2016


Hái chè trên triền núi cao Phja Đén - Phja Oắc.
“Con cò lặn lội bờ sông/ Gánh gạo đưa chồng nước mắt nỉ non; Nàng về nuôi cái cùng con/ Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng” là ca dao cổ có từ khoảng thế kỷ XVII, có lẽ do những chinh phu đi quân dịch và chiến đấu cho nhà Mạc làm nên. GS-TS Phan Đăng Nhật khi khảo cứu về câu ca gánh gạo (đảm mễ chi dao) này của chặng đường ròng rã hơn 300km từ Thăng Long lên Cao Bằng cho rằng, còn có 5 dị bản và 14 tiểu dị bản.
Có dị bản sửa: “Để anh gánh vác nước non Cao Bằng”; hoặc thêm: “Để anh đi trẩy nước non kịp người/ Cho kịp chân ngựa chân voi/ Cho kịp chân người kẻo thiếu việc quan”; hoặc thêm: “Ngày đi trúc chửa mọc măng/ Ngày về trúc đã cao bằng ngọn tre/ Ngày đi lúa chửa chia vè/ Ngày về lúa đã đỏ hoe đầy đồng”; hoặc thêm: “Ở nhà có nhớ anh chăng/ Để anh kể nỗi Cao Bằng mà nghe”. Ông cho rằng, đây không phải là những tiếng than van hờn giận oán sầu, mà là những tâm tình thắm thiết của những người đi xây dựng căn cứ Cao Bằng chống lại sự thống trị hà khắc thời Lê mạt được phổ thành lời, cho thấy nhà Mạc rất được nhân dân thời ấy yêu quý, ủng hộ sự nghiệp, tin theo tự nguyện và lâu dài, ở miền xuôi cũng như miền núi. “Công minh lịch sử đem lại cho con em trăm họ niềm vui, lòng quý trọng và tình thương yêu nhau” - ông nhận định.
Sau nhiều lỗi hẹn, lần đầu tiên tôi “đi trẩy nước non”. Còn nhớ một bài báo xuất bản từ lâu lắm viết rằng, “Cao Bằng có nghĩa là lên cao thì bằng”. Quả vậy, sau khi xe qua miền Bắc Kạn, ngược lên cao mãi tới đỉnh Đèo Gió (Ngân Sơn), đường bắt đầu bằng dần trở lại, chỉ còn là những đợt sóng nhẹ nhấp nhô uốn lượn cho tới tận thủ phủ trung tâm. Đương dịp cuối xuân đầu hạ nên ven đường dễ bắt gặp cả hoa ban và hoa gạo, còn khẽ điểm đây đó là những đọt trắng non mơn mởn của thông mã vĩ chồi lên dài tới cả gang tay không lẫn vào đâu giữa mênh mông xanh đồi núi.
  
Hoàng Mạnh Ngọc bên một cây chè hoang cổ thụ trong rừng rêu Phja Oắc. Nhà Đỏ Tatsloom do người Pháp xây dựng.

               
Cây cối đóng băng trên đỉnh Phja Oắc những ngày giá buốt.

1.Ngay từ 1884, sau khi chiếm thành Hà Nội, quân Pháp đã tìm thấy một tài liệu bằng chữ Hán thống kê các mỏ khoáng sản của Việt Nam. Chiếm được Cao Bằng cuối năm 1886, Pháp bắt tay ngay vào việc nghiên cứu 4 mỏ vàng và 4 mỏ sắt trong tài liệu nêu trên. 10 năm sau, người Pháp nhận ra rằng, dãy núi Phja Oắc phía tây Cao Bằng là vùng đa kim loại, có tiềm năng khoáng sản lớn chưa được khai thác, hoặc đã khai thác không đáng kể. Khi cơ bản bình định xong Bắc Kỳ, ngày 22.3.1897, Toàn quyền Paul Doumer gửi Bộ trưởng Thuộc địa Pháp một chương trình khai thác kinh tế quy mô toàn xứ Đông Dương nhằm vơ vét những sản phẩm chính quốc thiếu thốn. Cao Bằng nhiều tài nguyên khoáng sản nên đã trở thành một trong những mục tiêu quan trọng của khai thác thuộc địa. 
Ngay sau đó, giới tư bản Pháp đổ xô vào vùng Phja Oắc. Tính tới năm 1904 đã có 59 đơn và giấy phép xin thăm dò mỏ ở Cao Bằng. Tư bản Pháp tranh giành nhau mua bán đất đai và lập ra 24 nhượng khu độc quyền, ngoài ra còn một số nhượng khu nhỏ của tư sản Việt Nam. Đến 1.1.1938, ở Cao Bằng có 55 nhượng địa mỏ kim loại đã được khai thác trên tổng số 354 nhuợng địa mỏ kim loại của cả Đông Dương. Pháp, sau đó là Nhật, đã cướp đoạt từ dãy Phja Oắc một số lượng khổng lồ cassitérite (hàm lượng 70%), wolframmit (hàm lượng 60-65%), vàng, kim loại phóng xạ... Các khu mỏ bị bóc lột khủng khiếp nhất là mỏ Tĩnh Túc (nhượng khu Adèle), mỏ Phja Oắc (nhượng khu Saint Alexandre), mỏ Tài Soỏng (nhượng khu Beau-site), mỏ Bản Ổ (nhượng khu Ariane - Thèdra và Ganynèdo) đều nằm xung quanh dãy núi lớn Phja Oắc.
Trung tâm Lưu trữ quốc gia I hiện bảo quản khá nhiều tài liệu khác về giai đoạn kể trên liên quan tới Phja Oắc; các hồ sơ mang số hiệu 21369-06, 77003, 77004, 69904... của Phủ Thống sứ Bắc Kỳ, Toàn quyền Đông Dương vẫn chưa được dịch và số hóa để tiện cho bạn đọc việc nghiên cứu. Nó đã gợi niềm cảm hứng cho tôi tìm đến dải núi này.
Phja Oắc - nóc nhà của Cao Bằng - quanh năm mây phủ, thuộc huyện Nguyên Bình, nơi có các dân tộc Dao, Tày, Nùng, Mông, Kinh, Ngái, Hoa cùng sinh sống. Nguyên Bình cơ bản là núi đá và núi đất, trừ một vài đồng cỏ rộng lớn như Phja Đén, Nà Nu, nhiệt độ thường ổn định ở 16-280C. Nằm không xa các công trường khai khoáng lớn của Pháp, Nhật, nhưng “nơi nguy hiểm nhất là nơi an toàn nhất”, các bậc đại tiền bối của cách mạng Việt Nam đã chọn Nguyên Bình để mưu cầu đại sự. 
Thời tiền khởi nghĩa, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao đồng chí Võ Nguyên Giáp lựa chọn cán bộ chiến sĩ, tìm địa điểm sao cho có thể “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ”, chiều 22.12.1944, lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân gồm 34 chiến sĩ đã được tổ chức tại rừng Trần Hưng Đạo của Nguyên Bình. Dưới cờ đỏ sao vàng 5 cánh, trước đông đảo đại biểu các dân tộc Tày, Nùng, Dao của hai tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng và đại biểu của Liên Tỉnh ủy, các chiến sĩ đã đồng thanh đọc 10 lời thề danh dự của Quân đội cách mạng Việt Nam. 17h ngày 25.12.1944, Đội đã tấn công trận đầu và tiêu diệt đồn Phai Khắt trên địa bàn huyện Nguyên Bình; rạng sáng ngày 26.12.1944 tiếp tục tiêu diệt đồn Nà Ngần, cũng thuộc huyện Nguyên Bình. Nguyên Bình vì lẽ đó mà trở thành quê hương, nơi khai sinh của Quân đội Việt Nam hiện đại.
2.Bây giờ, 5 ngày một lần, đồng bào các dân tộc vẫn đổ về trung tâm huyện Nguyên Bình dự chợ phiên đã có nhiều đời, mua cái mình cần, bán cái mình tự nuôi trồng trong một không gian thật thà, chất phác, giản dị, giàu tình cảm. Văn hóa Nguyên Bình còn rất sâu, đúng như lời Giám đốc Sở VHTTDL Cao Bằng Phạm Văn Cao nói. Để hiểu sơ bộ về cư dân sống dưới bóng núi lớn Phja Oắc, cần nhắc tới nghiên cứu mới đây của nhà báo kỳ cựu Chu Triều Đương - một người con của Nguyên Bình - về một làng có tên Vài Khao.
Người Dao Tiền đã định cư ở làng này trên dưới 300 năm, có thể là những người đầu tiên xuống núi canh tác lúa nước. Họ đã chứng kiến hậu quả cuộc khởi nghĩa nông dân do Hồng Tú Toàn đứng đầu, cuộc chiến giữa nhà Thanh và Thái Bình Thiên Quốc đã khiến một bộ phận quân lính bại trận tràn sang các tỉnh phía bắc Việt Nam, trong đó có Cao Bằng. Đi theo đám tàn quân này là những nông dân người Ngái (Trung Quốc gọi là người Khánh Gia, người Hẹ). Đám tàn quân này chủ yếu hà hiếp, cướp bóc dân trong vùng để sống và tổ chức khai thác quặng xung quanh Phja Oắc để bán về cố quốc. “Thổ phỉ” sau này có nguồn gốc từ đám phiến quân trên, tiếng Dao Tiền gọi là “Kiàn Ch’iề Tộp”, tiếng Dao Đỏ gọi là “Quáng Má”.
Triều đình phong kiến Việt Nam lúc đó chỉ chú tâm củng cố quyền lực của mình tại vùng đồng bằng người Kinh, các dân tộc thiểu số vùng cao bỏ mặc, dân tự lo liệu. Vài Khao hiện có 35 hộ Dao Tiền, gồm hai dòng họ Chu và Lý. Các nghi lễ truyền thống dòng họ như Chấu Đàng, Tẩu Sai (Lễ tạ ơn Bàn vương và Lễ trưởng thành/ cấp sắc), Kiều Mìu (Cầu mùa)... vẫn được duy trì thường xuyên tại nhà đặt bàn thờ tổ của hai họ. Khi tổ chức nghi lễ truyền thống, người trong cùng dòng họ dù ở đâu cũng phải về nhà bàn thờ tổ tham gia, nếu không là đã tự tách ra khỏi dòng họ, dòng họ không có trách nhiệm với người đó nữa trong lĩnh vực tín ngưỡng - ma chay. 
Các hoạt động văn hóa vẫn còn nguyên ở đây như hát đối đáp trong giao duyên trai gái, múa bắt ba ba, múa trống, học nhảy dịp xuân mới, bói nhảy lửa... Người Dao Tiền ở Vài Khao sống bằng lúa nước, ngô, chăn nuôi trâu bò và nghề rừng; tự chạm bạc, thêu thùa, đặc biệt có nghề in váy bằng cách chấm, vẽ sáp ong lên vải, hoa văn truyền miệng từ bà sang mẹ, từ mẹ sang con gái, rồi mới đem nhuộm chàm. Trong làng còn khoanh giữ nghiêm ngặt 2 vùng vách đá để hàng năm ong quay về làm tổ, lấy sáp vẽ hoa văn, không cho ai phá phách, lấy mật. 
Trong chuyện làm ăn, người Vài Khao có một số thế mạnh mà người vùng khác không thể cạnh tranh nổi: Trồng nấm, nho rừng và dược liệu quý hiếm, nuôi ếch hương; cây phong lan kim tuyến chỉ duy nhất khu vực này có, giá trên dưới 1 triệu đồng/kg cả gốc lẫn rễ, cây 7 hoa 1 lá cũng chỉ có ở khu vực này. Ông cho rằng ở đây cần phải trồng Ngọc Am để thu hút khách tham quan và lưu lại cho hậu thế. Tên đúng của cây này là Hoàng Đàn rủ, tiếng Tày thường gọi là Mảy Oắc, thơm như trầm hương, không mục mọt. Ngọc Am đã gần như tuyệt chủng tại các vùng đất Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm của Cao Bằng, dân tìm đào lấy rễ từ lòng đất hoặc tìm gỗ bị vùi dưới lòng suối để bán. Vì không thấy có nhiều trên mặt đất mà phải đào từ trong lòng đất ra, lại có người tìm mua giá rất cao nên gây sự tò mò của nhiều người. Tại chợ đường biên cột mốc 53 (cũ) trên thác Bản Giốc, nhiều người Trung Quốc bán gỗ Ngọc Am với giá vài triệu đến vài trăm triệu đồng một cục, một khúc. Cây Hoàng Đàn rủ hiện nay vẫn còn ở đỉnh núi Tây Côn Lĩnh, xã Tả Sử Choóng, huyện Hoàng Su Phì của Hà Giang. Với trình độ khoa học - kỹ thuật hiện nay, hoàn toàn có thể phục hồi lại rừng cây cực quý này tại Nguyên Bình, vùng đất mà xa xưa nó đã từng mọc thành tên Phja Oắc - núi Ngọc Am.
3.Nguyên Bình nằm lọt thỏm giữa muôn trùng núi. Huyện ủy, UBND huyện cho hay, quý I/2016 vùng Phja Oắc - Phja Đén đón khoảng 80 đoàn với 1.200 khách ghé thăm. Cả một vùng hoang sơ, hùng vĩ, thơ mộng, “rừng vàng, núi bạc” theo đúng nghĩa đen, kho di sản thiên nhiên độc đáo và giàu có, báu vật của trời đất ban tặng, mà lượng khách đến du lịch có lẽ còn ít hơn khách vào nhậu ở một quán bia hơi tại Hà Nội. Năm 2012, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã hoàn thành đề tài Nghiên cứu, điều tra, đánh giá thực trạng đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên, làm cơ sở khoa học cho việc xây dựng khu bảo tồn Phja Oắc - Phja Đén. Hệ thực vật có 90/295 họ, chiếm 30% tổng số họ của hệ thực vật Việt Nam, với 13 loài trong tổng số 37 loài thực vật bậc cao, quý hiếm được ghi trong sách đỏ. 222 loài động vật có xương sống hiện sinh sống ở đây, chiếm 66,7% số bộ thú của Việt Nam và chiếm 34,5% tổng số loài thú trên cạn của cả nước, trong đó có những động vật quý hiếm cần bảo vệ như hươu xạ, vượn đen, báo, sơn dương, gấu, trĩ đỏ, gà tiên mặt vàng, rắn hổ mang chúa... 
Tài liệu này nhận định: “Không chỉ đa dạng về loài, hệ sinh thái, thiên nhiên đã ban tặng cho vùng Phja Oắc - Phja Đén một môi trường khí hậu mát mẻ trong lành, lại có rất nhiều sản vật quý hiếm đã tạo tiền đề quan trọng cho phát triển nhiều loại hình du lịch. Nơi đây vẫn còn lưu giữ một số địa danh nghỉ mát cuối tuần của người Pháp (Tài Soỏng), khu Nhà Đỏ (Tatsloom)... Tất cả tạo nên một phong cảnh thiên nhiên mang đậm nét hoang sơ của vùng núi tươi đẹp. Ngày 9.8.1986, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã đưa Phja Oắc vào danh mục dự kiến quy hoạch rừng đặc dụng/phòng hộ. Ngay sau đó, một số cuộc điều tra do Viện Sinh thái - Tài nguyên sinh vật và Đại học Lâm nghiệp đã được tiến hành. Tuy nhiên, do nhiều lý do, việc quy hoạch thành khu bảo tồn đã không được thực hiện cho đến nay, để lọt một đối tượng rất độc đáo về đa dạng sinh học trên vùng núi đá cao trên 1.500m của nước ta”.
Giám đốc BQL Rừng đặc dụng Phja Oắc - Phja Đén (rộng 10.000ha) là Long Văn Bằng (người Tày, sinh năm 1963) nói rằng, vùng đất này như một nàng công chúa ngủ quên chưa được hoàng tử nào đánh thức: “Từ trung tâm Phja Oắc - Phja Đén, theo tỉnh lộ 212 về Hà Nội chỉ có 240km, gần hơn khoảng 100km so với Sa Pa về Hà Nội. Các cụ kể lại xưa kia ở đây có một loại cây cứ về đêm lại phát ra ánh sáng lân tinh khiến cả một ngọn núi sáng như đèn, nên mới có tên là núi đèn - Phja Đén. Nhiều năm khi mà cả nước không nơi nào có tuyết rơi thì ở Phja Oắc vẫn có băng tuyết. Có tản bộ trong rừng nguyên sinh nơi này mới thấy hết được vẻ bồng lai tiên cảnh như sót lại từ thời tiền sử”.
Tại Phja Oắc - Phja Đén, người dân vẫn sản xuất hằng ngày miến dong, giấy bản, sợi lanh, nấu rượu, vài năm gần đây mới có thêm những dự án lớn như trồng chè, nuôi cá nước lạnh và trồng thảo dược. Hoàng Mạnh Ngọc chủ trì dự án trồng 20ha chè nơi này. Anh đặt tên thương hiệu là Kolia, phỏng theo tên một nữ kỹ sư người Pháp lên đây mở đường rồi mãi mãi nằm lại, được đồng bào các dân tộc tôn vinh. Cha anh là người dưới xuôi, sau khi lên tham gia chiến dịch Biên giới 1950 thì ông ở lại làm nghề dạy học. Anh sinh năm 1971 tại Nguyên Bình, là con út trong gia đình có 8 anh chị em, đều do cha anh tự tay đỡ đẻ. Tuổi thơ chân trần luồn rừng vượt núi đi học xa nhà gần 5km, thiếu thốn đủ bề, “đói bơ vơ” như trong câu thơ của nhà thơ Nguyên Bình Bàn Tài Đoàn từng viết. Nhờ sự giúp đỡ tận tình của các bậc thầy trồng trà núi cao người Đài Loan và các chuyên gia chè Việt Nam, đến nay anh đã sản xuất được trà Tiên, trà Lão, trà Đông Phương mỹ nhân... theo tiêu chuẩn organic và sản phẩm đã có mặt ở thị trường Bắc Mỹ.
Hoàng Mạnh Ngọc lái chiếc bán tải leo ngược con đường nhỏ ngoằn ngoèo rải bêtông đưa tôi lên đỉnh Phja Oắc. Non trưa mà rừng mờ mịt hơi sương. Thi thoảng chúng tôi dừng xe để ghé thăm một biệt thự Pháp cổ đã hoang phế vì sương gió, hoặc ngắm những loài kỳ hoa dị thảo đột ngột nở tràn xuống lề đường, tỏa hương thơm hiền dịu. Đại ngàn đang mùa hồi sinh, cây cối đua nhau đâm chồi nảy lộc, với màu vàng non tinh khôi của lá và chồi cây xanh biếc, huyền ảo trong mây núi khói sương. 
Càng lên cao nhiệt độ càng giảm, gió càng mạnh, chỉ có gió và gió thổi mãi theo một hướng quanh năm suốt tháng đã làm cho thảm thực vật nghiêng dạt hẳn theo một hướng; càng lên cao rừng càng lùn xuống, bám đầy rêu mốc, cây trúc chỉ còn cao chừng nửa mét, thân cây vầu chỉ còn bé như ngón tay, hẳn rằng do thời tiết khắc nghiệt khiến cây không sao lớn nổi. Phủ kín mặt đất là những cây sặt cũng chỉ cao độ 2 gang, lác đác có những loài cây thân trơ trụi, phủ đầy rêu, như nét vẽ trong tranh thủy mặc, đen đúa, già cỗi không thể đoán được là bao nhiêu năm tuổi. Trên đỉnh cao nhất 1.931m, chìm trong mây bạc và lộng gió ngàn, Đài Tiếng nói Việt Nam đã cho lắp đặt cột phát sóng cao 76,9m. Sầm Ngọc Sơn, sinh năm 1972, người Nguyên Bình - nhân viên kỹ thuật Trạm Phát sóng Phja Oắc - kể rằng, trạm có từ năm 2007, anh chuyển về đây làm từ 2011, hiện có 1 tiểu đội công an bảo vệ và 6 anh em nhà đài trực trạm, sáng nào cũng phải dậy từ 4h để chuẩn bị, công việc kết thúc vào 24h hằng đêm. Nhà trên đỉnh Phja Oắc nồm quanh năm, rêu bám đầy cửa kính; tivi, đài luôn phải bật 24/24h, nếu không sẽ hỏng vì hơi ẩm. Mùa hè mưa to sấm sét ác liệt, có lần đang nằm trên giường mà sét đánh bật tung người; mùa đông sương mù giăng kín, đóng băng hết cả lá cây lẫn đường đi, khiến người đau đầu, chóng mặt, khớp, khó thở, ai huyết áp cao ở lâu không chịu được. Ngày rét nhất, nhiệt kế trong phòng chỉ âm 100C. Lạ là những ngày lạnh nhất ấy, khách thập phương lại lũ lượt cuốc bộ lên đây, có ngày đông tới mấy trăm người, như đi hội, đói rét vào cả trong trạm có gì cùng ăn nấy. Bên này núi mưa, bên kia núi nắng là thường. Gặp buổi quang mây nắng đẹp, ai đứng đây nhìn xuống là thấy trùng điệp ngút tầm mắt những ngọn núi thấp rải rác dọc các thung lũng, những con suối nhỏ không tên, những cánh đồng bậc thang, nương ngô, làng bản, những ngôi nhà nhỏ thanh bình ẩn hiện ven sườn núi, yên ả lạ thường.
4.Hoàng Mạnh Ngọc lại đưa tôi ghé qua vùng chè anh trồng dưới chân Phja Oắc, ghé vùng đồng cỏ Phja Đén, ghé Nhà Đỏ Tatsloom và miếu cổ Vọng Cung Tiên. Phía ngoài miếu có đôi câu đối: “Phong phong tại thượng bất ngôn nhị tín bất nộ nhi thành/ Diệu diệu chuyết linh hữu cảm tất thông hữu tình tất ứng” (tạm dịch: Phong thái cao sang, không cần nói cũng đã tin, không cần giận mà vẫn thành/ Ngời ngời anh linh có cảm có thông có tình tất ứng). Ngọc nói rằng, đây rất có thể là công trình cổ của những tài chủ người Hoa đến làm bạc ở Tài Soỏng dựng nên, vừa để ca ngợi huyền thoại tiên giáng trần ở Phja Oắc, vừa để thờ cúng và cũng là chỗ thảnh thơi ngắm cảnh.
Trưởng ban Dân tộc Cao Bằng Mạc Văn Nheo là người họ Mạc chính gốc, tổ tiên ông từ Nam Sách (Hải Dương) lên Cao Bằng tìm người nhà, tính đến ông là đời thứ 8. Ông cũng là một người con của quê hương Nguyên Bình và từng là Chủ tịch, Bí thư Huyện ủy. Ông nói với tôi: “Cả Cao Bằng chỉ còn mỗi Phja Đén - Phja Oắc là còn rừng nguyên sinh, lại có khí hậu Châu Âu. Tôi từng nói với các anh em, hay mình đánh liều di chuyển trung tâm huyện vào Phja Đén - Phja Oắc, chỉ cần bỏ vài chục tỉ đồng xây công sở là dân khắc đi theo. Được như thế thì không chỉ Cao Bằng mà cả vùng Đông Bắc có thêm một vùng nghỉ dưỡng tầm cỡ Sa Pa, Tam Đảo, Đà Lạt”.
Hành trình lần đầu tiên tôi đặt chân đến Cao Bằng là như vậy.
http://laodong.com.vn/phong-su/di-tray-nuoc-non-543995.bld

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.