Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

21/07/2016

Thăng Long thời Mạc - Lê Trung hưng (sách Nguyễn Thừa Hỷ)

Về cuốn sách này, là bài bình luận của Trần Thị Vinh.

Trong bài, bà có nhầm ở một chỗ. Đó là nhầm bài "Ba vị vua Mạc cuối cùng qua sử liệu Trung Quốc” (1638-1683)", vốn là của mình (xem lại ở đây), nhưng bà nói (hay ghi) thành của Ngưu Quân Khải.

Lấy nguyên về từ trang của Nxb Hà Nội.


---





Thứ ba, 05/05/2015 11:33
PGS.TS. Trần Thị Vinh nguyên cán bộ của Viện Sử học đã nghỉ hưu nhưng bà vẫn tích cực tham gia nghiên cứu và là một chuyên gia trong giới sử học. Phó giáo sư đã có sự hợp tác lâu năm với Nhà xuất bản Hà Nội, đặc biệt là ở giai đoạn I của Dự án Tủ sách. Đến giai đoạn II này, bà cũng được chủ đầu tư tín nhiệm mời tham gia thẩm định nhiều hội đồng nghiệm thu đề tài, trong đó có Hội đồng nghiệm thu bản thảo “Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc - Lê Trung hưng” của PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ. Với tư cách là một phản biện, bà đã đưa ra những nhận định, đánh giá vô cùng xác đáng.

Theo nhận định của PGS.TS. Trần Thị Vinh thì bản thảo được hoàn thiện rất công phu, gồm 340 trang chính văn và 200 trang Phụ lục, nguồn tài liệu được sử dụng trong công trình rất phong phú và nghiên cứu mang tính cập nhật. PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ là người rất tâm đắc với Thăng Long - Hà Nội nên tập bản thảo “Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc - Lê Trung hưng” được tác giả viết rất kỹ lưỡng, nghiêm cẩn, có cứ liệu cụ thể, đặc biệt là cứ liệu từ nguồn tài liệu nước ngoài. Văn phong vừa mang tính học thuật lại vừa tinh tế, chau chuốt, cuốn hút người đọc.

PGS.TS. Trần Thị Vinh đánh giá cao phong cách viết, lối trình bày, phương pháp tiếp cận tinh tế, sâu sắc của người chấp bút qua lần lượt từng chương từ chương dẫn luận đến các chương trong nội dung chính và cuối là kết luận công trình.

Ở chương I, khi đánh giá về nhân vật Mạc Đăng Dung - vị vua đầu triều Mạc, tác giả đã viết một cách khá uyển chuyển, khách quan, khoa học, có cập nhật những nghiên cứu mới, có so sánh trường hợp Mạc Đăng Dung với Trần Thủ Độ và Hồ Quý Ly, cuối cùng Mạc Đăng Dung được tác giả đánh giá cao hơn - cách viết thuận tai người đọc, như câu: “Con người Mạc Đăng Dung có lẽ còn hành xử uyển chuyển hơn Hồ Quý Ly hoặc “nhân đạo” hơn Trần Thủ Độ”. Hoặc việc nhượng đất, quì gối trói mình tại ải Nam Quan của Mạc Đăng Dung trước sứ thần Trung Hoa, theo tác giả thì tất cả điều đó đều “nhằm mục đích cầu hòa, tránh cho đất nước một cuộc chiến tranh mà vua Minh đã đe dọa hoặc đang chuẩn bị” (tr.33). Vấn đề ngoại giao đang còn là những điều gay cấn nhất khi đánh giá về Mạc Đăng Dung và nhà Mạc trong giới sử học hiện nay thì đã được PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ phân tích theo một hướng tích cực và cho rằng trong hoạt động ngoại giao giữa các quốc gia như Việt Nam và Trung Quốc lúc bấy giờ thì việc sau khi nhận vàng bạc hối lộ của Đại Việt từ Mạc Đăng Dung (1541) “đã làm vua Minh thay đổi thái độ và bãi việc động binh” mà tác giả coi đó là “sách lược khôn khéo có thể chấp nhận được” (tr.34). Lý lẽ này được dựa trên một nguồn tài liệu của phương Tây (chú thích tr.34). Riêng về nhân vật Mạc Mậu Hợp - ông vua cuối cùng của triều Mạc (thời kỳ Thăng Long) trong bản thảo tác giả Nguyễn Thừa Hỷ cũng đã cập nhật được một nguồn tài liệu mới nhất của nước ngoài viết vào năm 2011 khi nói về cái chết của vị vua này hư hay thật? (tr.45). Tuy khác với tài liệu Việt Nam nhưng nguồn tài liệu này được đưa vào chú thích của cuốn sách sẽ góp thêm dữ liệu cho việc tiếp tục nghiên cứu về vấn đề này.

Ở chương II, tác giả đã thể hiện thế mạnh về sự hiểu biết sâu sắc đối với kinh thành Thăng Long trong các thế kỷ XVI - XVIII. Nghiên cứu này từng được tác giả thể hiện ở một vài khía cạnh trong một số nghiên cứu của mình nhưng ở đây đã được viết kỹ lưỡng hơn và có thêm nguồn tài liệu mới từ nước ngoài.

Ở chương III, sở trường của người viết vẫn được tiếp tục phát huy. Chương này được thể hiện khá tốt ở 3 nội dung: Chính sách kinh tế - xã hội tác động đến kinh tế hàng hóa; Đời sống kinh tế;Đời sống xã hội. Cách phân chia như vậy cũng phù hợp hơn so với bản đề cương.

Ở chương IV, PGS.TS. Trần Thị Vinh đã thực sự bị thuyết phục khi tác giả viết về các gương mặt tiêu biểu của Thăng Long Hà Nội thời kỳ này. Người đọc đã cảm nhận được cái hồn của các nhân vật chứ không phải là một sự liệt kê về tiểu sử, như viết về: Nguyễn Bỉnh Khiêm, Giáp Hải, Bùi Vịnh, Dương Văn An, Nguyễn Dữ, Phùng Khắc Khoan, Đoàn Thị Điểm, Ngô Thì Sĩ… Bởi thế mà, bà đã đánh giá ngòi bút của tác giả “như được thổi hồn” và “Người đọc như tôi thấy rất thú vị”.

Bên cạnh những đánh giá đồng thuận, PGS.TS. Trần Thị Vinh cũng đưa ra một vài góp ý với mong muốn bản thảo được tốt hơn, hoàn thiện hơn trước khi đến tay bạn đọc.

Thứ nhất là nói về sự kiện vua Lê phong cho Trịnh Tùng làm Đô nguyên súy, Tổng quốc chính, Thượng phụ Bình An vương, theo sách “Toàn thư” và “Cương mục” thì ghi vào ngày 7 tháng 4 năm Kỷ Hợi (1599). Trong bản thảo Tr. 55 viết đúng như vậy, nhưng tr.46 thì viết nhầm là năm 1594.

Thứ hai là nói về sự kiện Mạc Kính Vũ sau khi bị quân của Trịnh Tạc lên đánh chiếm lại Cao Bằng Mạc Kính Vũ phải chạy sang Trung Quốc rồi lén lút trở về Cao Bằng năm 1667 và kéo dàì thêm đến năm 1677 là kết thúc triều Mạc (theo sử liệu Việt Nam). Vấn đề này, nghiên cứu gần đây đã thay đổi do có thêm nguồn tài liệu mới từ phía Trung Quốc và đã được trình bày trong Hội thảo khoa học về Nhà Mạc vào ngày 21 tháng 9 năm 2012 tại Vĩnh Phúc. Có một số ý kiến cho rằng triều Mạc còn kéo dài thêm cho đến nửa sau thế kỷ XVIII và gọi đó là thời kỳ Hậu Cao Bằng (sau 1677), tại đây nhân vật Mạc Kính Vũ cũng được đưa ra bàn luận. Vậy trong bản thảo, tuy không cần đi sâu vào vấn đề này, nhưng khi nói triều Mạc kết thúc vào 1677 với Mạc Kính Vũ thì nên chăng cần có thêm một chú thích nhỏ ở cuối trang để người đọc biết là đã có thêm một nghiên cứu mới (xin xem bài viết về “Ba vị vua cuối cùng qua sử liệu Trung Quốc (1638-1683)” của GS. Ngưu Quân Khải - ĐH Trung Sơn Trung Quốc, trong kỷ yếu Hôi thảo khoa học về “Nhà Mạc và hậu duệ trên đất Vĩnh Phúc”, 2012,  tr. 213 -298).

Thứ ba là, nói về định kỳ tổ chức các khoa thi của triều Mạc, mọi chỗ trong bản thảo viết đều đúng là 3 năm mở 1 khoa thi, nhưng có một chỗ trích dẫn từ bài viết “Vài nét về tình hình giáo dục thi cử thời Mạc” của Nguyễn Hữu Tâm là nhà Mạc tổ chức rất đều đặn các khoa thi khoảng 3, 4 năm một lần. Sự kiện này, nay không đúng nữa mà triều Mạc đã đều đặn tổ chức các khoa thi chỉ 3 năm một lần, trong 65 năm (1527 - 1592) có tất cả 22 khoa thi lấy đỗ 484 Tiến sĩ, trong đó có 11 Trạng nguyên, 12 Bảng Nhãn, 19 Thám hoa, 101 Hoàng Giáp và 341 Đệ Tam giáo Đồng Tiến sĩ xuất thân (xin xem thêm bài  Tạp chí nghiên cứu lịch sử  số 1 (465)/2015).

Đánh giá cuối cùng cho tập bản thảo “Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc - Lê Trung hưng” cũng là một lời khen ngợi. PGS.TS. Trần Thị Vinh hy vọng với một chất lượng tốt và ý nghĩa thiết thực, công trình sẽ là nguồn tài liệu tham khảo quý báu cho những đối tượng nghiên cứu, học tập về lịch sử nói chung và về Lịch sử Thăng Long - Hà Nội nói riêng.

Trang Phạm tổng hợp
(Theo nhận xét của PGS.TS. Trần Thị Vinh
- Phản biện Hội đồng nghiệm thu bản thảo)

http://nxbhanoi.com.vn/duantusach/chuyenmuc.aspx?type=NEWS&cid=232&id=14294

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.