Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

13/07/2016

Các vấn đề lịch sử - văn hóa - xã hội trong giao lưu Việt Nam - Nhật Bản (sách của nhóm Trần Quang Minh)


Bài điểm sách, lấy nguyên về từ trang web của Viện HLKHXHVN.

---

Các vấn đề lịch sử - văn hóa - xã hội trong giao lưu Việt Nam - Nhật Bản

13/07/2016

Tác giả :
  • TS. Trần Quang Minh & ThS. Ngô Hương Lan (đồng chủ biên)
Địa chỉ liên hệ: Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á; Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội
Năm xuất bản: 2015
Số trang: 413

Để góp phần cung cấp thêm các luận cứ, tư liệu, và tài liệu tham khảo hữu ích cho việc tiếp tục đi sâu nghiên cứu quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, xã hội, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á và Trung tâm Việt - Nhật cho ra mắt bạn đọc cuốn sách "Các vấn đề lịch sử - văn hóa - xã hội trong giao lưu Việt Nam - Nhật Bản”. Cuốn sách được biên soạn trên cơ sở tập hợp các bài tham luận đã được trình bày và thảo luận tại Hội thảo khoa học quốc tế tổ chức nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ Việt Nam - Nhật Bản (1973 - 2013), do Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á và Trung tâm Giao lưu Nghiên cứu và hợp tác khoa học xã hội Việt Nam - Nhật Bản (Trung tâm Việt - Nhật) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản quốc tế tại Kyoto - Nhật Bản (NICHIBUNKEN) tổ chức tại Hà Nội trong 2 ngày 13 và 14/11/2013 với chủ đề "Những vấn đề lịch sử, văn hóa, xã hội trong giao lưu Việt Nam - Nhật Bản".
Cuốn sách được trình bày trong 4 phần. Phần 1: Lịch sử cổ, trung đại, cận đại và giao lưu Việt Nam - Nhật Bản trong lịch sử - Gồm 5 bài của các tác giả: GS. Chương Thâu, GS. Wataru Enomoto, PGS.TS. Nguyễn Thị Oanh, GS.TS. Araki Hiroshi, TS. Trần Đức Anh Sơn.
Phần 2: So sánh – đối chiếu sự biến đổi xã hội của các quốc gia Đông Á thời cận đại - có 5 bài của các tác giả: GS.TS. Ryoichi Tobe, TS. Phạm Thị Thu Giang, GS.TS. Shoichi Inoue, TS. Bùi Minh Trí, GS. Kazutaka Hashimoto.
Phần 3: Văn hóa giải trí của giới trẻ Nhật Bản, anime, vườn cảnh, trà đạo Nhật Bản, so sánh, đối chiếu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản - gồm 6 bài của các tác giả: GS.TS. Shoji Yamada, TS. Phan Hải Linh, GS. Hồ Hoàng Hoa, TS. Hoàng Minh Lợi, TS. Nguyễn Thu Hương.
Phần 4: Nghiên cứu Nhật Bản - những vấn đề khác - có 7 bài của các tác giả: TS. Trần Quang Minh, GS.TS. Tetsuji Ito, PGS.TS. Nguyễn Tiến Lực, PGS.TS. Phạm Hồng Thái, ThS. Ngô Hương Lan, Lưu Thị Thu Thủy và Nguyễn Thanh Tâm.
Các học giả đã phân tích, đánh giá quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong tiến trình lịch sử, tập trung vào các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, xã hội và đề xuất hướng phát triển, nâng cao hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược giữa hai quốc gia trong thời gian tới.
Nhiều báo cáo đã đề cập và phân tích khá sâu về mặt học thuật các sự kiện cũng như những chứng cứ lịch sử về sự biến đổi xã hội và mối quan hệ giao lưu giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản trong suốt quá trình lịch sử hơn một nghìn năm kể từ thế kỷ VIII đến nay qua các dấu mốc quan trọng như vai trò của ông Abeno Nakamaro trong quan hệ giao lưu Việt - Nhật thế kỷ VIII; Bối cảnh lịch sử và mối quan hệ tương hỗ một cách tự nhiên giữa Việt Nam và Nhật Bản trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông và Nam Tống ở thế kỷ XIII; Mối quan hệ giao thương giữa Nhật Bản và Việt Nam trong các thế kỷ từ XVI đến XVIII, Phong trào Đông Du, Đông Kinh nghĩa thục, và bối cảnh lịch sử của quan hệ Việt - Nhật trước và sau Chiến tranh thế giới thứ Hai... Đặc biệt có nhiều báo cáo tham luận đã trình bày những kết quả nghiên cứu thực địa, các phân tích khảo cổ học, các văn bản thư tịch cổ chứng minh sự giao lưu từ rất sớm giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản. Có thể nói đây là những nghiên cứu hết sức có ý nghĩa cả về mặt lịch sử và học thuật góp phần khẳng định một trong những nhân tố góp phần vào sự phát triển mạnh mẽ hiện nay của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản là có nguồn gốc sâu xa từ trong lịch sử. Một số tham luận đã trình bày các kết quả nghiên cứu sâu về văn hóa Nhật Bản, một số tham luận  khác đi sâu nghiên cứu so sánh giữa văn hóa Nhật Bản và Việt Nam qua tục để răng đen, lễ thôi nôi, văn hóa ẩm thực, văn hóa giao tiếp, tôn giáo... và những đặc trưng văn hóa, xã hội tiêu biểu của hai nước Nhật Bản và Việt Nam.
Hi vọng, cuốn sách sẽ góp phần cung cấp thêm các luận cứ, tư liệu, và tài liệu tham khảo hữu ích cho việc tiếp tục đi sâu nghiên cứu quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, xã hội…  
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc./.

Nguyễn Thu Hà

http://www.vass.gov.vn/noidung/anpham/Lists/SachHangNam/View_Detail.aspx?ItemID=876

4 nhận xét:

  1. Mong mối quan hệ 2 nước được gắn bó hơn nữa. Hiện đang có nhiều lao động Việt đang làm việc tại Nhật (XKLD Nhật Bản) vì vậy tình cảm 2 nước càng đi lên thì những người Việt xa sứ tại Nhật càng có thêm nhiều quyền lợi, chế độ đã ngộ...

    Trả lờiXóa
  2. cho em hỏi là sách này mua ở đâu ạ, em tìm trên web không có thông tin

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sách in lâu rồi em à, lượng in cũng ít. Em hỏi các hệ thống hay cửa hàng chuyên sách cũ nhé.

      Xóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.