Gồm 2 kì. Dưới là chép nguyên xi.
---
Đinh Từ Bích Thúy♦ 1 bình luận ♦ 11.05.2016
Lời Giới Thiệu: Trong di bút của Tạ Chí Đại Trường phổ biến cuối tháng Ba năm 2016, cố sử gia kể lại những thăng trầm cá nhân và nghề nghiệp cùng hiện trạng bi quan trong ngành sử học Việt Nam. Tạ Chí Đại Trường nhắc đến Liam Kelley – giáo sư Mỹ ngành sử học Đông Nam Á tại Đại học Hawaii ở Manoa – khi đề cập đến những tranh cãi chung quanh triết gia Kim Định, người từ nửa thế kỷ trước đã cho rằng nền văn minh Trung Hoa thực ra phát xuất từ giòng giống Lạc Việt nông thôn.Da Màu liên lạc với Giáo sư Kelley qua blog của ông là Le Minh Khai’s SEAsian History Blog và đã được giáo sư chấp thuận cho phỏng vấn. Kéo dài trong ba tuần lễ, cuộc trao đổi được thực hiện qua email trong nguyên văn Anh ngữ rồi sau đó dịch sang Việt ngữ. Giáo sư Kelley rất cởi mở, nhẫn nại, và dành cho Da Màu nhiều nhận xét độc đáo trong những câu trả lời của ông.Giáo sư Liam Kelley tốt nghiệp đại học Dartmouth với bằng cử nhân văn chương và ngữ học Nga năm 1989; bằng cao học và tiến sĩ lịch sử Trung quốc năm 1996 và 2001 tại đại học Hawaii ở Manoa. Hiện ông là đồng chủ biên của tờ Journal of Vietnamese Studies. Những khảo cứu và giảng huấn của ông chú trọng vào lịch sử vùng Đông Nam Á và lịch sử Việt Nam thời tiền hiện đại (trước thời kỳ đô hộ Pháp). Ông đã xuất bản một quyển sách về thơ đi sứ, đồng biên tập một tác phẩm về những biên cương miền Nam của Trung Hoa, những bài viết về những huyền thoại và truyền thống được kết tạo trong thời trung cổ tại Việt Nam, và sự phát hiện của tinh thần dân tộc Việt cùng truyền thống giáng bút vào đầu thế kỷ 20. Giáo sư Kelley cũng vừa hoàn tất bản dịch Anh ngữ về ngoại kỷ của Đại Việt sử ký toàn thư và Khâm định Việt sử thông giám cương mục.Ngoài Le Minh Khai’s SEAsian History Blog, giáo sư Kelley cũng xây website Viet Texts là nơi đăng những bản dịch Anh ngữ của ông về các nguồn tài liệu cổ trong Việt sử. Từ năm 2011, Giáo sư Kelley đồng khai triển chương trình hội đàm Kết Nối Với Việt Nam (Engaging with Vietnam) với Giáo sư Phan Lê Hà, cũng là đồng nghiệp của ông tại đại học Hawaii.– Đinh Từ Bích Thúy
(1) Kính chào giáo sư Kelley. Là một sử gia, nguyên nhân nào đã ảnh hưởng việc ông chú trọng vào lịch sử Việt Nam và Đông Nam Á?
Thật ra mọi sự đều ngẫu nhiên. Chọn môn Nga học thời sinh viên, tôi sang Đài Loan dạy Anh ngữ sau khi tốt nghiệp đại học, tưởng rằng “chỉ trong vòng một năm thôi.” Hóa ra tôi ở đó tới bốn năm, và tôi đã học tiếng Hán trong toàn thời gian tôi dạy học tiếng Anh ở đó. Rồi tôi quyết định học lên cao học, và chọn đại học Hawaii. Mới đầu tôi cũng tưởng sẽ học về lịch sử Trung Quốc, nhưng tôi chưa bao giờ đặt chân tới lục địa Trung Hoa, ngay cho tới bây giờ. Có cái gì không ổn về điều này. Trong thời gian đó, Đại học Hawaii là một trong rất ít các nơi trên thế giới có những lớp dạy lịch sử Đông Nam Á, và hồi tôi ở Đài Loan trong cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990 tôi đã du lịch hai lần sang Thái Lan và rất thích. Do tôi thấy người Việt Nam trước đây đã dùng tiếng Hán, và vì tôi chưa bao giờ sang lục địa Trung Hoa, và vì hai chuyến đi chơi sang Thái Lan đã làm tôi muốn tìm hiểu thêm về khu vực Đông Nam Á, tôi đã chọn ngành chuyên môn về nơi này, chú trọng đặc biệt vào Việt Nam.
(2) Ông đã học và trở nên thông thạo trong tiếng Việt vào lúc nào, hoặc trong trường hợp nào và ở đâu?
Tôi học tiếng Việt trong bốn năm vào cuối thập niên 1990, và tôi cũng học thêm trong những mùa hè sống ở Hà nội. Tôi không dám tự cho mình là nói “thạo” tiếng Việt, nhưng nhiều năm học tiếng Hán đã giúp tôi trong việc đọc sách, nhất là những sách hàn lâm, và dĩ nhiên cũng giúp tôi đọc các tài liệu sử trong nguyên bản tiếng Hán cổ – hơn là phải dùng những tài liệu dịch sang tiếng Việt hiện đại –và điều này là một yếu tố quan trọng.
Tuy vậy, tôi vẫn thấy văn phong của Tạ Chí Đại Trường là cả một thử thách cho người đọc, nhất là cách viết đã thấy trong “di bút” của ông, vì ngay cách dùng chữ của ông đã khó hiểu, huống gì những ý ngầm sau chữ nghĩa (một vài ý tưởng còn biểu lộ sự mỉa mai). Với cách viết như vậy tôi phải đọc rồi đọc lại, xong lại kiểm chứng với người bản xứ, nhưng sau khi làm hết những chuyện này tôi vẫn sợ là mình không thể hiểu hết những điều ông đã cố gắng diễn tả.
(3) Một vài báo Việt Nam đề cập đến bút hiệu “Lê Minh Khải” của ông, nhưng trên blog ông viết tên mình là “Lê Minh Khai” (không có dấu hỏi trên chữ “Khai”). Vậy bút hiệu nào là đúng? Có lẽ ông đã chọn bút hiệu này vì cách phiên âm gần giống với tên thật của ông? Không hiểu ý nghĩa bút hiệu có gì liên hệ đến sự khai phá, hay làm sáng tỏ (minh) không?
Bút hiệu của tôi đúng ra là “Lê Minh Khải.” Đó là cách phiên âm Việt từ tên tiếng Hán mà một người bạn ở Đài Loan đã đặt cho tôi cách đây 25 năm. Vâng, vì tên này giống tên thật là Liam Kelley của tôi. Trong tiếng Hán tên được viết là Li Ming Kai 黎明凱,- với 36 nét mực, điều này được coi là may mắn. À, hồi đó cũng có một ca sĩ/diễn viên Hồng kông nổi tiếng và đẹp trai có tên là Lê Minh (Leon Lai),黎明. Tôi đoán có tên giống chàng cũng là một may mắn cho tôi. Vì thế, bút hiệu Việt của tôi không dính líu gì đến “khai phá” hay “làm sáng tỏ” cả.
(4) Gần đây, sau khi di bút của Tạ Chí Đại Trường được công bố, tờ Nghiên Cứu Lịch Sử được nhiều người nói tới. Ông có thường đọc những tài liệu chuyên môn trong nước như một cách duy trì kiến thức nghề nghiệp?
Tôi chỉ có thể bàn về lĩnh vực tiền hiện đại, hoặc lịch sử trước thời Việt Nam bị Pháp đô hộ. Thật buồn (và điều này liên hệ đến câu hỏi tiếp nối của bà), nhưng lĩnh vực học thuật của thời tiền hiện đại hoặc trước thời đô hộ của Pháp, không sản xuất nhiều những thông tin hay tư liệu để một học giả có thể “duy trì kiến thức chuyên môn.” Các học giả ở Việt Nam hiện nay hiếm khi xuất bản những tư tưởng hay quan điểm mà một sử gia cần phải nghiên cứu để đào tạo và giữ mới kiến thức. Ngược lại, họ chỉ đưa ra những thông tin căn bản, như nguồn tư liệu chính và các ngày tháng, mặc dù những thông tin này cũng có thể giúp ích trong công việc nghiên cứu, nhưng nếu một học giả chỉ dựa các công trình của mình trên những nguồn chính thì mình không cần quan tâm đến những gì hiện được xuất bản tại Việt Nam. Tuy vậy, tôi thấy Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển thường có những bài viết bổ ích.
(5) Những tài liệu sử học trong nước có bị ảnh hưởng chính trị hay không, hay đây là những tài liệu có cái nhìn độc lập? Và trong trường hợp những tài liệu chuyên môn có khuynh hướng chính trị, thì ông thấy là chúng đã gây ra những tổn hại, sai sót nào? Có bao giờ tài liệu trong nước đưa ra một cái nhìn khác với khuynh hướng của một sử gia ngoại quốc muốn tìm hiểu về quá khứ của Việt Nam?
Về vấn đề lịch sử và chính trị, dĩ nhiên lịch sử có thể bị chính trị hóa, nhưng cũng có một thứ mà tôi gọi là “chính trị hàn lâm” nữa, và loại chính trị đó rất phồn thịnh ở Việt Nam. Thí dụ, nếu giáo sư cố vấn của bà hay một sử gia hàng đầu ở Việt nam cổ vũ quan điểm “A” thì bà vẫn phải tiếp tục cổ vũ quan điểm “A” hoặc kiếm cách tránh chuyện cổ vũ quan điểm “không phải A” cho dù những nghiên cứu và trải nghiệm học thuật của bà rành rành chứng minh điều này không thể là “A.”
Vấn đề này rất tổn hại cho ngành học thuật, vì cách để ngành học thuật tiến triển là xây dựng trên nền vững của kiến thức bằng cách loại trừ học thuật yếu kém. Nhưng nếu học thuật yếu kém không bao giờ bị đào thải, thì người ta rốt cuộc chỉ có chồng chất những học thuật yếu kém.
Và đúng, dĩ nhiên các học giả ngoại quốc sẽ có những kết luận khác nhau, nhưng đó cũng là kết quả của những tiến triển lớn trong nhiều lĩnh vực hàn lâm ở ngoài Việt Nam trong những thập niên 1960-1990 mà nhiều học giả Việt không có cơ hội tham dự. Do đó hiện nay có một hố cách biệt rất lớn giữa ngành nghiên cứu sử học trong nước và ở một vài nơi ngoài lãnh thổ Việt Nam. Có rất nhiều những đề tài và khuynh hướng mà các học giả ngoài nước đã được hấp thụ mà người trong nước chưa biết tới, cho nên kết quả là có nhiều lúc không thể có sự trao đổi tương xứng, vì một đằng thì không có những thông tin, trong khi đằng kia thì lại coi những thông tin đó là quá hiển nhiên hay quá nhàm vì họ được tiếp nhận chúng đã quá lâu.
(6) Xin ông vui lòng cho một thí dụ chứng minh cho “một cách biệt rất lớn giữa ngành nghiên cứu sử học trong nước và ở một vài nơi ngoài lãnh thổ Việt Nam”?
Khái niệm “quốc gia” và “bản sắc” là đề tài mà những học giả Tây Phương đã thảo luận liên tục trong những thập niên 1980 và 1990 (nhưng thật ra cũng có những tài liệu trong thập niên 1960 đã đề cập đến vấn đề này). Đối với những học giả Tây Phương, thì quốc gia và bản sắc là những khái niệm cấu tạo trong tâm trí của một dân tộc. Nhưng đối với các học giả ở Việt Nam, thì quốc gia Việt Nam và bản sắc của dân tộc Việt Nam là những hiện tượng cụ thể và khách quan. “Bản sắc” được dịch sang tiếng Việt từ chữ “identity,” nhưng “bản sắc” đối với những học giả Tây Phương KHÔNG HẲN là căn cước. Bản sắc đối với người Tây Phương là một khái niệm được cấu tạo từ tâm trí, và nó có tính chất quan hệ — là cách một cộng đồng định nghĩa bản thể của nó qua sự so sánh chủ quan với các cộng đồng khác.
Những quan điểm khác biệt giữa những học giả Việt Nam và các độc giả Tây Phương đã dẫn tới một sự ly khai trầm trọng trong tư tưởng. Nhưng đây không chỉ là sự bất đồng ý kiến, vì đã có rất nhiều sách vở xuất bản ngoài lãnh thổ Việt Nam đưa ra những bằng chứng cho tính chất cấu tạo và tưởng tượng của quốc gia/bản sắc, nhưng trong nước thì lại có một khối tài liệu đồ sộ ủng hộ quan điểm thực thể về quốc gia và bản sắc.
(7) Trong trường hợp nào ông đã có dịp tiếp xúc với Tạ Chí Đại Trường? Sử gia đã liên lạc với ông qua blog, hay đã thảo luận những tư tưởng của ông trên những diễn đàn khác?
Tôi chưa bao giờ được hân hạnh gặp mặt Tạ Chí Đại Trường hoặc trao đổi trực tiếp với sử gia. Vào năm 2011 một bản thảo của tôi về Hồng Bàng Thị Truyện được ban biên tập của tờ Journal of Vietnamese Studies chuyển tới Tạ Chí Đại Trường để bình duyệt. Mục đích bài viết của tôi là chứng minh các vua Hùng chỉ là một huyền thoại được phát minh trong thời trung cổ lịch sử Việt Nam. Đây là một đề tài mà lúc đó một số học giả còn tranh cãi, nhưng là chuyện mà Tạ Chí Đại Trường hoàn toàn đồng ý với tôi. Ban biên tập tờ Journal of Vietnamese Studies rất thán phục bài hồi đáp của Tạ Chí Đại Trường cho nên đã tạo một diễn đàn đặc biệt về bài viết này và đăng những lời góp ý của Tạ Chí Đại Trường. Ngoài ra, ban biên tập cũng mời sử gia Keith Taylor của Đại học Cornell gửi bài góp ý, rồi tôi cũng có dịp hồi đáp những góp ý của họ.
Một hai năm sau đó tôi nảy ra ý định mời Tạ Chí Đại Trường và một vài sử gia của miền Nam Việt Nam tham dự cuộc hội đàm Kết Nối Với Việt Nam: Một Đối Thoại Liên Ngành (Engaging with Vietnam: An Interdiciplinary Dialog) ở đại học Hawaii mà tôi đồng tổ chức với Giáo sư Phan Lê Hà. Nhưng sau mấy đợt dọ hỏi lúc đầu thì tôi được biết là vì lý do sức khỏe rất khó để tụ họp tất cả những người mà chúng tôi muốn mời tham dự.
Giáo sư Phan Lê Hà và Liam Kelley bàn luận về chương trình Engaging with Vietnam cho năm 2016
Rồi khoảng một năm trước đây một người bạn chung [của Tạ Chí Đại Trường và tôi] gửi cho tôi quyển Bài Sử Khác cho Việt Nam và nhắn là Tạ Chí Đại Trường đã ưu ái tặng tôi. Tạ Chí Đại Trường viết một lời ngắn trong sách là ông quý những trao đổi giữa chúng tôi về gia phả Hồng Bàng và sử gia Kim Định. Lúc đó tôi không hiểu tại sao ông đã đề cập tới Kim Định, nhưng sau khi tôi đọc di bút của ông và nhớ lại là trước đây tôi cũng đã đọc một phê bình của ông về Kim Định trên talawas, http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=12188&rb=0302, tôi thấy rằng ông cũng biết những gì tôi đã viết trên blog Lê Minh Khải, đồng thời ông cũng biết là tôi cũng theo đọc ông.
(8) Tạ Chí Đại Trường viết trong di bút, “Ông L. Kelley viết blog khen ngợi Kim Định là ‘Sử gia lớn nhất (không ai biết đến/không được công nhận) của Việt Nam.’” Ông thật có viết như vậy không? Xin ông cho biết thêm chi tiết đằng sau lời “khen ngợi” này.
Tôi có viết như vậy, đây là đường dẫn cho bài viết trên blog Lê Minh Khải,https://leminhkhai.wordpress.com/2015/06/19/vietams-greatest-unknownunrecognized-historian/
Và hiện cũng có bản dịch tiếng Việt trên mạng, http://dcvonline.net/2015/06/25/su-gia-lon-nhat-khong-ai-biet-denkhong-duoc-cong-nhan-cua-viet-nam/comment-page-1/ [của dịch giả Trà Mi, mà DCVOnline đăng lại]
Tôi nghĩ bài viết đó đã làm nhiều người hoang mang, vì họ không hiểu rõ điều mà tôi muốn trình bày. Có nhiều học giả được coi là có những công trình rất lớn lao với ngành học thuật, không phải vì công trình của họ thực sự “tốt,” mà vì công trình ấy mới mẻ, nhiều sáng tạo, và làm giãn mở những biên giới, thách thức nhân sinh quan của số đông.
Tôi đang đọc một tiểu sử của nhà nhân chủng học Claude Lévi-Strauss (người mà Kim Định thường đề cập tới). Tiểu sử này gọi Lévi-Strauss là “Cha đẻ của ngành nhân chủng học hiện đại,” http://www.amazon.com/Claude-Levi-Strauss-Father-Modern-Anthropology/dp/014312062X.
Tuy nhiên, khi đọc cuốn sách thì tôi thấy rõ ràng Lévi-Strauss là một nhà nhân chủng học RẤT TỒI! Ông ta chỉ sống một thời gian rất ngắn ngủi ở Ba Tây nghiên cứu những bộ lạc bản xứ, nhưng ông mù tịt về ngôn ngữ của họ. Vậy làm sao ông lại có thể là “cha đẻ của nền nhân chủng học hiện đại.” Tôi nghĩ vì ông đưa ra những ý tưởng rất độc đáo (dựa trên kiến thức mênh mông của ông về triết học và về những xã hội được thiết lập bởi nhiều nhóm người khác nhau mà ông đã thu thập được qua sách đọc, rồi ông đã dùng kiến thức này để xây dựng những lý thuyết về những xã hội loài người), để bắt mọi người phải suy ngẫm, và cũng để kiểm chứng những khám phá này, vân vân. Kết quả là, công trình của ông đã đẩy xa bước tiến của ngành nhân chủng học
Kim Định cũng giống Lévi-Strauss ở điểm này (thật ra cả hai đều được huấn luyện trong lĩnh vực triết học). Tuy nhiên, chưa có ai chất vấn những tư tưởng của Kim Định như chuyện các học giả Tây Phương đã chất vấn những tư tưởng của Lévi-Strauss, cho nên Kim Định không thể nào được coi là “cha đẻ của lịch sử Việt Nam hiện đại.” Nhưng Kim Định cũng đã có những lập luận độc đáo, dựa trên, hay được gợi ý từ những công trình của một số học giả nổi tiếng nhất của thế kỷ 20 (Lévi-Strauss, Marcel Granet, Ferdinand de Saussure, v.v.) như Lévi-Strauss đã làm. Và ngoài Kim Định chưa ai làm như Kim Định đã làm cho ngành sử học.
Cho nên điều tôi muốn trình bày trong bài viết không phải là những tư tưởng của Kim Định về lịch sử là đúng hay vững vàng (cả hai đều không), nhưng đó là những ý tưởng có khả năng xúc tác những suy luận tinh vi, phức tạp hơn, “nếu” đã có những người mang trình độ kiến thức tương đương với Kim Định, và “nếu” đã có một môi trường hàn lâm ở Việt Nam với khuynh hướng “chất vấn” tư tưởng và “đẩy mạnh bước tiến của học thuật.”
Sự thật là không có một sử gia nào ở Việt Nam có mức kiến thức tương đương về những tư tưởng và lý thuyết hiện đại trong lĩnh vực học thuật quôc tế, và Việt Nam chưa có một văn hóa hàn lâm thực sự chú tâm vào công trình tăng cường kiến thức về lịch sử Việt Nam (tuy nhiên trong di bút Tạ Chí Đại Trường ngụ ý văn hóa hàn lâm này đã hiện hữu một thời ở miền Nam).
Vì vậy thay vì chất vấn những tư tưởng độc đáo của Kim Định, hiện nay chúng ta có những người như Trần Ngọc Thêm, http://www.tranngocthem.name.vn/gioi-thieu-thu-gian-kinh-nghiem/gioi-thieu/79-gstskh-tran-ngoc-them.html , đã áp dụng những tư tưởng của Kim Định cho những ý đồ rất khác với việc “đẩy mạnh bước tiến của học thuật,” https://leminhkhai.wordpress.com/2016/01/15/the-great-agricultural-nong-nghiep-pastoral-du-muc-divide-or-how-kim-dinh-and-tran-ngoc-them-distorted-will-durants-ideas/
Tôi hy vọng giải thích trên đã làm rõ nghĩa cho bài viết trên blog của tôi.
Và tôi cũng đọc lại di bút của Tạ Chí Đại Trường. Ông đề cập tới một hội thảo tổ chức ở Hà nội nhân dịp ngày sinh nhật 100 năm của Kim Định:
Nhân ông L.Kelley viết blog khen ngợi Kim Định là “Sử gia lớn nhất (không ai biết đến / không được công nhận) của Việt Nam”, tôi tò mò tìm hiểu thêm, thấy ở Hà Nội có đề nghị hội thảo về Kim Định năm 2009 không thành, rồi lần tưởng niệm Kim Định năm 2012, và mới đây, 15-6-2015 tưởng niệm 100 năm ngày sinh của ông ta …. [1]
Còn về bài của Kelly (sic) thì gặp phản ứng rất mạnh của một đồ đệ khác để ta có thể hiểu con đường sử học của Kim Định đã dẫn người ta đi tới đâu trong sự mê muội phản sử học.[2]
Bài viết trên blog về Kim Định của tôi, theo tôi được biết, là đã xuất hiện trên chương trình của buổi hội thảo, nhưng tôi không được mời tham dự buổi hội thảo này, mà cũng không biết gì về nó cho đến mãi sau này!! Nói cách khác, hình như tôi đã “diễn thuyết” bài viết trên blog ở hội nghị này, và có ai đã phản biện bài của tôi, nhưng chuyện này được làm hoàn toàn với sự vắng mặt của tôi và không được tôi hay biết gì ráo.
Thật là lạ![3]
(9) Làm thế nào để chúng ta phân biệt giữa “học thuật rõ tồi” cần phải đào thải và học thuật tuy cũng “tồi” nhưng “táo tợn” và độc đáo, và từ đó tác động cho những tư tưởng quan trọng khác?
Câu hỏi rất hay! Để tôi bắt đầu bằng một câu chuyện. Tôi thường bực bội khi thấy người Việt dịch những tài liệu lỗi thời về lịch sử Việt Nam (và điều này xảy ra rất nhiều!). Có một hồi tôi phàn nàn trên facebook về một bài đã được dịch sang tiếng Việt và tôi chất vấn, “chả ai thèm đọc tài liệu này, thì dịch làm gì mất công?” Một người Việt Nam có vẻ chế nhạo tôi bằng cách hỏi vặn lại, “sao anh biết không ai đọc tài liệu này?”
Câu trả lời này đã làm tôi suy nghĩ. Tôi biết tài liệu đó không quan trọng vì (1) Tôi thấy nó có nhiều vấn đề; (2) Tôi đã đọc nhiều tài liệu chuyên môn trong Anh ngữ về lịch sử Việt Nam và tôi thấy tác giả của tài liệu đó không được ai đề cập tới, điều nay chứng tỏ nhiều đồng nghiệp [ngoại quốc] khác cũng nhận ra những vấn đề trong tài liệu của tác giả đó. Tuy nhiên, đối với một người không phải là chuyên gia sử học, thì họ không có phương tiện nhận thức nếu một tài liệu sử học thật sự “tồi” hay có giá trị.
Điều gì làm cho một tài liệu được công nhận là “táo tợn” thay vì “tồi”? Ở Tây Phương, nơi mà một tài liệu chuyên môn phải qua một quá trình thẩm định bởi đồng nghiệp trước khi được xuất bản, một tài liệu độc đáo cho ta thấy một khuynh hướng mới lạ về quá khứ, và nếu tài liệu này đứng vững (có nghĩa là những chuyên gia đồng nghiệp, tuy có thể nghi vấn, không kiếm thấy một lý do nào để chống đối) thì nó sẽ được phổ biến.
Thí dụ, thuyết cấu trúc trong nhân chủng học của Claude Lévi-Strauss đã dùng các khái niệm được thiết kế từ trước trong lĩnh vực ngôn ngữ học để quan sát những xã hội loài người. Lévi-Strauss lập luận rằng có một “ngữ học văn hóa” hiện hữu dưới mặt tiền của mọi xã hội đã vô thức tác động nhân sinh quan. Không một nhà nhân chủng học nào trong thời của Lévi-Strauss có thể kiếm được những bằng chứng rõ rệt để chống lại những tư tưởng của Lévi-Strauss. Để làm công việc này đòi hỏi một chuyên gia phải biết rõ quan điểm của Lévi-Strauss, rồi từ đó gom góp những chứng cớ để chống lại tư tưởng của ông, Quá trình này sẽ tiến triển học thuật.
Ngược lại, nếu ai đó viết về “quốc gia Việt Nam” trong thiên niên kỷ 1 trước Công Nguyên thì những học giả Tây Phương sẽ thấy ngay những khuyết điểm trong cách lập luận này vì đã có rất nhiều tài liệu được phổ biến về sự thành hình của những quốc gia, và những tài liệu này kết luận rằng “quốc gia” là một khái niệm hiện đại và chỉ phát xuất khi mọi người dân có trình độ kiến thức phổ thông để nhận thức là tất cả mọi “công dân” của một nước là những phần tử của một quốc gia. Cho nên một tài liệu muốn khẳng định rằng “quốc gia Việt Nam” hiện hữu từ thời thượng cổ là một tài liệu “tồi” vỉ đã có vô số những tài liệu khác phủ định khái niệm này.
Tóm lại, học thuật “táo tợn” là học thuật cho ta thấy một khuynh hướng mới, và là một cái gì không thể gạt bỏ ngay tức khắc. Học thuật “tồi” là học thuật có thể gạt bỏ ngay tức khắc vì nó đưa ra những lập luận đã bị nhiều học giả coi là vô chứng cớ. Kết luận, học thuật “táo tợn” cũng có thể trở thành học thuật “tồi” nếu sẽ có những học giả đưa ra nhiều chứng cớ để phản bác, nhưng QUÁ TRÌNH đề cử những chứng cớ để gạt bỏ học thuật táo tợn dẫn tới những tư tưởng tinh vi hơn.
(Xem tiếp phần 2)
Chú thích:
[1] Theo chương trình của buổi hội thảo kiếm được trên mạng (được gọi là “buổi tọa đàm” về Kim Định) thì buổi hội thảo được Trung Tâm Văn Hóa Minh Triết tổ chức tại viện SENA Hà nội vào ngày 6 tháng 7 năm 2015 (chứ không phải là ngày 15 tháng 6 năm 2015 như Tạ Chí Đại Trường đã đề cập trong di bút),http://vietnamvanhien.net/Tuongniem100namngaysinhtrietgialuongkimdinh.pdf.
[2] Bài tham luận của Nguyễn Vũ Thế Anh, nếu phỏng đoán từ di bút của Tạ Chí Đại Trường, có lẽ là “phản ứng rất mạnh của một đồ đệ” đối với quan điểm về Kim Định của Liam Kelley,http://diendan.lyhocdongphuong.org.vn/bai-viet/33612-bai-tham-luan-trong-hoi-thao-ve-giao-su-luong-kim-dinh/. Những tư liệu khác về buổi hội thảo bao gồm các bài tham luận của Nguyễn Khắc Mai, Lê An Vi, Ngô Sỹ Thuyết, Nguyễn văn Lục và Hà văn Thùy,http://vietnamvanhien.net/Tuongniem100namngaysinhtrietgialuongkimdinh.pdf. Như đã được Tạ Chí Đại Trường thuật lại trong di bút, bài tham luận của Nguyễn Khắc Mai có đề cập bóng gió đến một “Tạ Chí Đại Tràng.”
[3] Tuy Liam Kelley “không được mời và không biết gì vể hội thảo ngày 6 tháng 7 năm 2015 ở Trung Tâm Văn Hóa Minh Triết cho đến mãi sau này,” tên ông được xuất hiện trong danh sách những tham luận viên trong kỷ yếu chương trình của hội thảo, http://xuandienhannom.blogspot.com/2015/07/tuong-nho-triet-gia-kim-inh-nhan-ky.html
http://damau.org/archives/42437
Đinh Từ Bích Thúy♦ 12 bình luận ♦ 12.05.2016
Giáo sư Liam Kelley
(10) Nếu, như ông đã viết trên blog, “Cả hai Kim Định và Lévi-Strauss đều cố phát hiện những ý nghĩa bí ấn đằng sau những văn bản và mặt tiền xã hội loài người bằng cách đưa ra những khuynh hướng táo tợnvà mới mẻ để diễn giải các xã hội loài người và quá khứ [của họ], thì điều đó thật sự có ghê gớm lắm không? Tôi nghĩ một vài nhà văn, nhà phê bình hay độc giả sắc bén của Việt Nam cũng có thể làm được việc này? Trong lĩnh vực văn chương – vì luôn luôn có sự bất bình đẳng giữa quyền thế chính trị và nghệ thuật ở Việt Nam – đã có những nhà văn hiện đại cũng như từ nhiều thế kỷ trước tránh né sự kiểm duyệt của nhà nước bằng cách viết những tác phẩm có chiều hướng “phản động” nhưng giả dạng như truyện tình cảm hay là hỗn hợp của nhiều thể loại văn chương và ảnh hưởng văn hóa. Thí dụ, tôi nghĩ Cung Oán Ngâm Khúc của Nguyễn Gia Thiều hay Kim Vân Kiểu của Nguyễn Du có thể được diễn giải như những văn bản đối lập, để bày tỏ tâm trạng của nhà nho, trong vai vợ, người tình hay vợ lẽ, đã bị ngược đãi hoặc bị ép buộc, “hãm hiếp” hay thỏa hiệp trong quan điểm chính trị. Nói rõ hơn, Kim Định có thực sự “độc đáo” không nếu tính chất úp mở của một văn bản đã được chấp nhận từ lâu như hình thể và phương thức của khuynh hướng đối lập?
Tôi nhìn nhận quan điểm của bà nhưng tôi nghĩ Kim Định độc đáo vì tuy ông ta vượt qua những giới hạn của tiêu chuẩn học thuật, ông ta dù sao vẫn sáng chế những tư tưởng trong khuôn khổ hàn lâm của thế kỷ 20, và trong thời điểm hóa giải chủ nghĩa thực dân. Tôi sẽ phải cắt nghĩa hơi dài dòng, nên mong bà thông cảm.
Không ai ở Đông Á sẽ diễn giải một bài thơ cổ trong Kinh Thi ra ngoài khuôn khổ mà nó đã được diễn giải từ bao nhiêu thế kỷ trước nếu Marcel Granet đã không đưa ra lý luận xã hội học tiềm ẩn trong nội dung của bài thơ. Thí dụ, người ta đã đọc những bài thơ trong Kinh Thi từ khuynh hướng đạo lý trong nhiều thế kỷ, nhưng Granet nói ta cũng có thể thấy những bài thơ này chính ra là những bài hát tỏ tình trong khung cảnh nông thôn hay lễ hội mùa màng. Chưa ai trước Granet đã đọc những bài thơ này từ quan điểm đó, nhưng những học giả Trung Hoa đã bắt đầu thẩm định chúng [trong khuôn khổ xã hội học] sau khi đọc những phân tích của Granet.
Marcel Granet – một trong những học giả đầu tiên áp dụng khuynh hướng xã hội vào chuyên khoa Trung Hoa học
Lévi-Strauss đi một bước xa hơn bằng cách lập luận rằng chúng ta có thể khảo sát nhiều dữ kiện tương tự từ những xã hội “man dã” trên khắp hoàn cầu và đưa ra những đặc điểm căn bản chung cho những xã hội này, như khái niệm ghét tởm chuyện loạn luân. Cho nên chỉ nói là Kim Định hay Levi-Strauss khảo sát những “ý nghĩa tiềm ẩn” chưa thể hiện đầy đủ cách mà họ đã cống hiến cho học thuật, nó chỉ là “tín hiệu” mà tôi đã dùng để khai triển những vấn đề phức tạp hơn.
Riêng về Kim Định, mặc dù ông ta đã chịu ảnh hưởng từ phương pháp quan sát những xã hội loài người của Granet và Lévi-Strauss, ông ta cũng rất quan tâm về những vấn đề thời đại lúc đó. Ông theo môn triết và Trung Hoa học vào thập niên 1950 khi xứ sở ông đang chuyển mình, qua những biến cố hỗn độn và ác liệt, để trở thành một lãnh thổ bị chia đôi vì chính trị sau thời đại thực dân.
Từ quan điểm một chuyên gia triết, dĩ nhiên Kim Định tin rằng triết học giữ vị trí cốt yếu trong xã hội loài người. Triết học Tây Phương (từ cái nhìn của người phương Tây là nền triết học “đáng kể” độc nhất vào lúc đó) tuy nhiên đang trong thời kỳ khủng hoảng. Tư tưởng Khai Sáng đã gây ra bao nhiêu chết chóc và hủy diệt trong hai thế chiến. Sự kỹ nghệ hóa của xã hội hiện đại đã chia cắt con người ra khỏi nền tảng văn hóa nhân bản. Những phân khoa trong các ngành học thuật, với phương pháp và ngôn ngữ riêng trong mỗi phân khoa, cũng chia cắt hiện thực thành vô số những mảnh nhỏ để rồi không ai có thể giải thích toàn diện một vấn đề. Cho nên học thuật lúc đó đã bị cơn khủng hoảng, và triết học Tây Phương dĩ nhiên đã không còn là cứu cánh.
Kim Định tuy nhiên nghĩ rằng đã có một lối thoát để tiến lên, và đường tiến lên chính là hành trình về phương Đông. (Sau Đệ Nhị Thế Chiến, với nhiều quốc gia thuộc địa tranh đấu cho độc lập, đã có một nỗ lực xây dựng cuộc trao đổi triết lý Đông -Tây, với chứng cớ đầu tiên là cuộc hội đàm của các Triết Gia Đông-Tây tại Đại học Hawaii vào năm 1939, nơi các triết gia Tây Phương và Á Đông [Wing-tsit Chan, Charles A. Moore and Gregg Sinclair] nhìn nhận họ cần phải nghiên cứu nghiêm trọng những truyển thống triết học của Đông Phương).
Trong thời điểm mà người Tây Phương đang khám phá triết học Đông Phương, Kim Định cũng khám phá một giải pháp cho sự bế tắc mà triết học Tây Phương đã đối đầu lúc đó, đồng thời vạch ra một lối đi cho Việt Nam thời hậu thuộc địa.
Tôi nghĩ chúng ta có thể phác họa tiến trình lô gích trong tư tưởng Kim Định như sau:
1. Việt Nam cần một triết lý hướng dẫn, nhưng lúc đó “triết lý” chỉ giới hạn trong truyền thống Tây Phương.
2. Triết lý Tây Phương đang trong thời khủng hoảng.
3. Triết lý Đông Phương, lúc đó đang bắt đầu được các học giả Tây Phương chú ý, có thể giúp triết lý Tây Phương.
4. Nền tảng của triết lý mới [kết hợp Đông và Tây] có thể trở thành triết lý hướng dẫn cho Việt Nam (và trên nguyên tắc có thể thành một triết lý cho mọi dân tộc trên thế giới).
5. Để dân tộc Việt Nam có thể chấp nhận triết lý Đông Phương như nền tảng xã hội, ta phải vượt qua những thành kiến dân tộc bằng cách chứng minh rằng Kinh Dịch và những tư tưởng Khổng giáo không phải là của “Trung Hoa.”
6. Kim Định đọc sách khảo cứu của những nhà chuyên gia Trung Hoa học ở phương Tây như Herrlee Creel và Wolfram Eberhard trong đó họ nói rằng văn minh Trung Hoa thời cổ thật ra có tầm mức nhỏ hơn nhiều (chỉ giới hạn chung quanh sông Hoàng Hà) so với những gì mọi người đã tưởng trước đó. Từ đó Kim Định đưa ra lập luận, nhưng không hề dựa trên những bằng chứng chắc chắn, rằng có những dân tộc [thuộc dòng giống Việt] trong khu vực sông Hoàng Hà đã sáng tạo những tư tưởng mà về sau trở thành nền tảng cho Kinh Dịch và Khổng giáo.
Tóm lại, tôi nghĩ Kim Định chú trọng gần như hầu hết vào những lĩnh vực hàn lâm chuyên môn trong thời đại ông để không còn thì giờ để ý hay so sánh phương pháp của ông với cách sáng tác hay diễn giải của các nhà văn, nhà phê bình văn học về những tài liệu văn chương. Sứ mệnh của ông là phải thuyết phục đồng bào ông rằng Kinh Dịch và truyền thống văn hóa Đông Phương có một vị trí cốt yếu trong xã hội Việt Nam — điều mà những người trẻ theo phong trào cải cách xã hội thời bấy giờ không quan tâm mấy.
Những tác phẩm của Kim Định xuất bản tại Sài Gòn trước 1975
(11) Ông đã phát biểu trên blog rằng “Giáo sư Trần Ngọc Thêm đã áp dụng những tư tưởng của Kim Định cho những ý đồ rất khác với việc ‘đẩy mạnh bước tiến của học thuật’ vì Trần Ngọc Thêm xuyên tạc những tư tưởng đề cập trong sách của Kim Định, như trường hợp về Will Durant.” Nhưng qua những bài tôi đã được đọc của Trần Ngọc Thêm, ông ta có vẻ ôn hòa và cũng khá sáng tạo, như trong bài học thuật phân tích văn hóa ngồi và văn hóa đi. Các đồng nghiệp của Trần Ngọc Thêm, trái lại, có vẻ kém giáo dục và hung hăng hơn nhiều, khi họ thảo luận về quan điểm sử học của ông [Liam Kelley] hoặc của Tạ Chí Đại Trường.
Tôi đồng ý với bà là có những người “kém giáo dục và hung hăng” hơn Giáo sư Trần Ngọc Thêm, nhưng tôi nghĩ quyển sách giáo khoa [Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam] của Trần Ngọc Thêm có những khiếm khuyết trầm trọng trong cách sách này coi giống nòi Việt Nam là một giống nòi đặc biệt, hơn hẳn những chủng tộc khác. Tôi đã viết hàng loạt những bài viết về đề tài [kỳ thị chủng tộc] này, bắt đầu với bài sau đây:
Nói cho cùng, mọi cuốn sách giáo khoa ở một khía cạnh nào đó là thể hiện của nền học thuật đã được chính trị hóa. Câu hỏi cần được đặt ra là mục đích của một cuốn sách giáo khoa có hiệu lực cho thời đại mà chúng ta hiện sinh sống hay không.
Cách đây 50 năm, lớp căn bản mà các sinh viên sử ở Hoa kỳ học là “Văn Minh Tây Phương.” Hiện nay lớp sử được dạy thường xuyên ở các đại học là “Lịch sử Thế Giới.” Yếu tố nào đã tác động sự thay đổi này? Nghĩ cho cùng thì đó là một quyết định chính trị. Mọi người đã đồng tâm là Mỹ và thế giới sẽ trở thành tốt đẹp hơn nếu những công dân Mỹ được mở rộng kiến thức về thế giới, thay vì nghĩ rằng họ là phần tử của một tiến trình lịch sử đặc biệt và siêu cường đã tạo nên “Văn Minh Tây Phương.”
Lý lẽ chính trị nào đằng sau sách giáo khoa [Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam] của Trần Ngọc Thêm? Tôi sẽ để người khác bàn luận về chuyện này, nhưng chắc chắn là có một mục tiêu chính trị.
(12) Ít nhất Trần Ngọc Thêm cũng nhìn nhận những khuyết điểm trong dòng tư tưởng của Kim Định,http://www.vanhoahoc.edu.vn/nghien-cuu/van-hoa-viet-nam/van-hoa-co-trung-dai-o-viet-nam/2253-tran-ngoc-them-kim-dinh-voi-viec-nghien-cuu-van-hoa-viet-nam.html
Tôi nghĩ sẽ thú vị hơn nếu bà đọc cách Trần Ngọc Thêm “tôn vinh” Kim Định. Ông ta phàn nàn chuyện nhân dân Bắc Việt trong quá khứ đã bị khối cộng sản quốc tế bắt buộc không được biểu lộ văn hóa dân tộc. Rồi ông ta ca ngợi Kim Định là người yêu nước, yêu dân tộc, đồng thời thành quả của Kim Định trong công cuộc quảng bá giá trị tinh thần đặc thù của dân tộc. Như ai cũng thấy, đây cũng là những tuyên truyền của chính quyền Việt Nam từ thập niên 1990.
Ở khía cạnh này, Việt Nam rập khuôn Trung Hoa trong cách là cả hai quốc gia, bắt đầu từ các thập niên 1980-1990, đã ngoảnh mặt với chủ nghĩa xã hội để tôn vinh dân tộc chủ nghĩa và truyền thống văn hóa. Một số học giả đã gọi hiện tượng này là “thời kỳ cuối của Xã hội Chủ Nghĩa.”
Tôi đề cập đến điểm này để chứng minh rằng ta không thể tin những gì Trần Ngọc Thêm viết về Kim Định, vì mọi lập luận của ông ta có nội dung chính trị hay bị ảnh hưởng bởi khuynh hướng chính trị của thời điểm ông soạn sách. Ông ta không thể thảo luận về Kim Định trong một bối cảnh hàn lâm chuyên môn nào. Ông ta bảo ưu điểm của Kim Định là chuyện Kim Định có bằng tốt nghiệp chuyên ngành triết Tây, nhưng Trần Ngọc Thêm chưa hề thảo luận về truyền thống tư tưởng Tây Phương mà Kim Định đã được ảnh hưởng, như cách Kim Định khai triển những khám phá của Marcel Granet và Claude Lévi-Strauss. Trần Ngọc Thêm không có một ý kiến nào hết (hay ít nhất chưa bao giờ bày tỏ trong những bài viết của ông ta), trong khi những tư tưởng của [Granet và Lévi-Strauss] có tầm mức vô cùng quan trọng đối với Kim Định và những tác phẩm của Kim Định.
Tóm lại, tôi chưa bao giờ đọc bất cứ một bài viết nào của Trần Ngọc Thêm, kể cả bài bà vừa dẫn ở trên, mà trong đó ông chứng tỏ là ông đã thực sự hiểu những tư tưởng của Kim Định.
(13) Ở trên ông nói rằng, “Chưa một sử gia nào của Việt Nam đã có một trình độ kiến thức tinh vi về những tư tưởng và lý thuyết hàn lâm trong bối cảnh học thuật quốc tế như Kim Định, và xứ sở Việt Nam cũng chưa bao giờ có một văn hóa hàn lâm thực sự quan tâm đến việc tăng cường kiến thức về lịch sử Việt Nam.” Ông không nói tới Giáo sư Nguyễn Thế Anh, thầy cố vấn của Tạ Chí Đại Trường, người đã dạy sử Việt ở đại học Sorbonne và cũng là thầy của rất nhiều các sử gia danh tiếng trên thế giới. Và ông cũng quên không nhắc đến cố học giả Hoàng Xuân Hãn, một nhà trí thức kỳ cựu của Việt Nam.
Nguyễn Thế Anh là một sử gia kỳ cựu, và cố giáo sư Hoàng Xuân Hãn cũng là một sử gia kỳ cựu, nhưng cả hai đều thuộc về một “týp” sử gia. Họ không tham gia vào những tranh luận về lý thuyết, và cả hai cũng không khái niệm hóa về quá khứ với phong thái linh động như Kim Định. Kim Định linh động vì ông đã có cái nhìn “đa khoa” và nhu nhuyễn về lý thuyết từ nhiều năm trước khi khuynh hướng này trở nên thịnh hành. Còn theo tôi thì Nguyễn Thế Anh và Hoàng Xuân Hãn ít khi nào thảo luận những tư tưởng của những nhà nhân chủng học, ngôn ngữ học, hay triết học khác ….
(14) Trở về di bút của Tạ Chí Đại Trường, trong đó sử gia bàn về Bình Nam đồ và bài viết năm 2004 của Huỳnh thị Anh Vân trong tạp chí Nghiên Cứu Lịch Sử. Bài viết của Huỳnh thị Anh Vân lại đề cập tới những diễn giải của học giả Li Tana và David Bulbeck về Bình Nam đồ. Tại sao Tạ Chí Đại Trường lại đề cập tới bài viết của Huỳnh thị Anh Vân, trong khi bài viết ấy đã xuất bản 11 năm trước khi Tạ Chí Đại Trường viết di bút?
Tôi nghĩ sẽ hợp lý hơn nếu chúng ta thấy Tạ Chí Đại Trường bắt đầu với bài luận án tiến sĩ đệ trình tại đại học Michigan [của Brian Zottoli]: Reconceptualizing Southern Vietnamese History from the14th to 18th Centuries: Competition along the Coasts from Guangdong to Cambodia. Một người bạn chuyển cho Tạ Chí Đại Trường bài luận án này, làm tác động dòng tư tưởng của sử gia … và những ý nghĩ của ông nhảy từ điểm này qua điểm khác, nhưng tôi nghĩ chúng ta có thể thấy vấn nạn chính trong những tư tưởng mà ông phát biểu – là lĩnh vực lịch sử Việt nam thời tiền hiện đại, đã, và cũng sẽ tiếp tục là một lĩnh vực rất yếu kém trong nước cũng như ngoài nước.
Tại sao lại có chuyện này? Thứ nhất, sẽ không ai hiểu được lịch sử Việt Nam thời tiền hiện đại nếu không đọc được chữ Hán. Và cũng không ai hiểu được chữ Nôm nếu không biết chữ Hán. Trong những lĩnh vực khác đó là điều hiển nhiên. Không một sử gia nào của văn minh cổ La Mã hay văn minh cổ Hy Lạp có thể kiếm được việc làm hay có cơ hội xuất bản nếu họ không biết đọc chữ La-tinh hay chữ Hy Lạp cổ. Nhưng không hiểu sao chuyện [không đọc được chữ Hán hay chữ Nôm] đã được dung túng ở hậu bán thế kỷ 20, trong và ngoài Việt Nam, và vì thế lĩnh vực lịch sử Việt Nam thời tiền hiện đại đã bị sa sút từ đó.
Tôi không biết rõ về kinh nghiệm sử học thời sinh viên của Tạ Chí Đại Trường. Nhưng trong quãng đời sau này ông ít khi nào có cơ hội được trực tiếp truy cập những tư liệu trong nguyên văn Hán cổ, cho nên ông đã phải dựa vào những bản dịch hiện đại của những văn bản cổ. Dù sao thì trong một lúc nào đó ông đã đạt được một căn bản Hán tự vững chắc để giúp ông đọc những bản dịch với tầm hiểu biết chính xác hơn những học giả đã bài bác ông.
Tạ Chí Đại Trường lớn lên trong thời điểm mà những vị quan cũ của triều đại nhà Nguyễn hấp thụ văn hóa Nho giáo vẫn còn tồn tại. Nhưng khi những vị quan này dần dần qua đời trong thập niên 1960, kiến thức ngôn ngữ và văn hóa của họ cũng bị phôi pha. Bị rẻ rúng trong nước sau đó như biểu hiện của “văn hóa lạc hậu phong kiến” và bị coi là không nguyên chất “Đông Nam Á” tại nhiều đại học ở Mỹ, chữ Hán cổ và truyền thống Nho giáo ở Việt Nam đã không còn được coi như những yếu tố cốt yếu để tìm hiểu về quá khứ dân tộc Việt, không như kiến thức La-tinh cho văn minh cổ La Mã hay văn minh thời Trung Cổ ở Âu Châu. Những sinh viên lịch sử trong nước hiện nay chỉ học Hán tự trong một thời gian rất ngắn, chỉ khoảng một, hai học kỳ. Sự nới lỏng về điều kiện kiến thức ngôn ngữ cho những nguồn tư liệu chính đã suy giảm phẩm chất môn sử học về thời tiền hiện đại, cả trong và ngoài nước.
Cộng vào đó là những yếu tố chính trị, bất kể về tình hình Việt Nam, trong môi trường hàn lâm hay ở phương diện cá nhân đã ảnh hưởng tới lĩnh vực sử học của Việt Nam, và ta có thể tưởng tượng được nỗi buồn thấm thía của Tạ Chí Đại Trường về hiện trạng học thuật thời tiền hiện đại, nhất là ông lại là một trong số rất ít các sử gia vào ngành trong hậu bán thế kỷ 20 vẫn còn trung thực với nghề nghiệp và sứ mệnh sử gia của mình. Đây là cách mà tôi đã thấy sự liên kết giữa Bình Nam đồ và những vấn đề khác trong di bút. Tất cả những điều này đã làm Tạ Chí Đại Trường suy niệm về sự yếu kém mãn tính trong lĩnh vực sử học tiền hiện đại, cũng như chuyện ông đã bị đẩy vào vị trí bên lề, trong khi ông là một sử gia ngoại hạng.
(15) Xin ông vui lòng cho một lời kết về “mối tương giao tri âm tri kỷ” với Tạ Chí Đại Trường.
Khi tôi mới nhận được tin ông qua đời, tôi rất ân hận đã không cố gắng hơn để gặp mặt ông lúc ông còn sống. Nhưng đồng thời tôi cũng rất hân hạnh đã có “mối tương giao tri âm tri kỷ” với ông. Chuyện tình bạn này được dựa hoàn toàn trên tư tưởng thay vì những thứ khác đã chứng minh sức mạnh của khối tư tưởng mà chúng tôi đã chia sẻ.
Trong tương lai sẽ không ai tranh cãi chuyện những vua Hùng là một truyền thống được phát minh trong thời đại trung cổ, và đã được dùng như dụng cụ mị dân bởi các nhà cầm quyền của những thế kỷ sau này. Những bài mà Tạ Chí Đại Trường và tôi xuất bản về đề tài này là những tài liệu sử học vững mạnh nhất từ trước tới nay. Chuyện một sử gia của miền Nam Việt Nam và một sử gia đã lớn lên ở một chỗ rất xa Việt Nam – một vùng quê của tiểu bang Vermont – lại là hai cá nhân trên thế gian đồng ý về một hiện tượng lịch sử và cũng chứng minh được nó đã làm tôi hứng khởi về tương lai sử học tiền hiện đại, và nó cũng cho tôi thấy rằng nền học thuật tốt luôn cần những sử gia nắm vững kinh nghiệm nghề nghiệp và trung thực với những nguồn tài liệu của mình. Tôi vô cùng hân hạnh được sử gia Tạ Chí Đại Trường coi tôi là một đồng nghiệp như vậy, và tôi hết mình tôn trọng ông cũng ở tư cách đó.
Sử gia Tạ Chí Đại Trường
Chân thành cám ơn Giáo sư Liam Kelley đã dành cho Da Màu nhiều thời gian quý báu để trả lời bài phỏng vấn.
http://damau.org/archives/42461
Người làm sao chiêm bao làm vậy
Giấc mơ, dream, trong sách Kim Định
Giấc mơ, dream, trong sách Kim Định
Giấc mơ, dream, theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng follow your dreams. Kim Định khi trước tác cũng không thể không tham khảo những tư tưởng học thuật lớn. Ngoài Lévi-Strauss – cơ cấu luận, KĐ còn tham khảo và chịu ảnh hưởng các người khác. Phương Đông như Khổng Tử (mà ông gọi là dại biểu xuất sắc của Vương Nho) và Lão Tử (với khái niệm Nữ, Huyền Mẫu). Phương Tây, triết gia Martin Heidegger với Being and Time – Hữu Thể và Thời Gian. Hoặc, một người khác, nhà tâm lý học trứ danh có nhiều ảnh hưởng của thời đại Carl Gustav Jung với khoa Tâm Lý Học các miền sâu thẳm Depth Psychology. Jung là người, sau Freud, nghiên cứu giải thích tiềm thức vô thức của giấc mơ dream hay nhất. Giấc mơ của cá nhân, và cả giấc mơ của một cộng đồng – Tiềm Thức Cộng Thông Collective Unconscious.
Tôi thật sự ngạc nhiên về nhận xét của Mr. Liam Kelley đối với Kim Định. Nó chứng tỏ ông đã đọc rất kỹ KĐ dưới khía cạnh hoàn toàn thuộc trí thức của học thuật. Ông Liam Kelley đã nhận xét rất hay. Chẳng những vậy, ông cũng đã nhận ra nhiều người, do mưu cầu chính trị, họ có khi đã “lợi dụng” triết thuyết của Kim Định cho mục tiêu khác của họ. Và như thế, họ không thể có cái “Phong Thái An Vi” được như Kim Định.
Tôi chợt liên tưởng tới một ví von của nhà văn Hong Kong Kim Dung trong tác phẩm võ hiệp kỳ tình Xạ Điêu Anh Hùng Truyện. Trong đó, khi viết về Cửu Âm Chân Kinh, với những ai tâm cơ chân chính thì họ mới hiểu được. Mai Siêu Phong ăn cắp CACK, rồi bà ta cũng chỉ phát triển thành Cửu Âm Bạch Cốt Trảo. Từ Chân Kinh biến thành Bạch Cốt Trảo. Một cái là triết học, văn học, y học, võ học, biến thành món kung fu rất tầm thường để giết người. Vì sao ? Vì nguồn gốc Mai Siêu Phong từng là người sói sống trong rừng.
Kính bút.
br.
br.
Cũng có nhiều người không đồng quan điểm với LIAM KELLEY và TẠ CHÍ ĐẠI TRƯỜNG về vua HÙNG nên bà ĐINH TỪ BÍCH THÚY cần chỉ đích danh những người tranh luận với hai ông này là kém văn hóa và hung hăng, không nên nói chung chung không tốt.
Hồi đó đã manh nha có phong trào học chữ Nho trong giới quân nhân, công chức, sinh viên học sinh. Sách chữ Nho như bộ Chữ Nho Tự Học của Đào Mộng Nam in tuyệt đẹp với lối dạy khá mói. Đào Mộng Nam hay dùng thi ca VN để dạy. Kiểu:
Phận liễu sao đà nẫy nét ngang
(Hồ Xuân Hương)
Nửa vành trăng khuyết ba sao giữa trời
(Nguyễn Du)
….
Tôi nghĩ sứ mệnh của sử học [tốt] là việc độc lập khảo sát những di tích lịch sử từ nhóm người đã có sự hiện hữu [ở khu vực này], thay vì dùng di tích về giống người này để chứng tỏ họ là tổ tiên của con người hiện đại. Lịch sử Việt Nam không cho ta thấy một diễn tiến quy củ, lô-gích giữa quá khứ và hiện tại. Trái lại, [Việt sử] biểu hiện một loạt thử nghiệm thiết kế bởi những thế hệ đi sau như giải pháp cho các vấn nạn kinh niên về tổ chức xã hội và chính trị.”
….
I believe that the task of historical scholarship is to look at what survives from the past as coming from people with their own existence, not as evidence of people who attain significance primarily as precursors of people today. The Vietnamese past does not display an internal logic of development leading to the present. Rather, it reveals a series of experiments designed by successive generations as solutions to perennial problems of social and political organization.”)
Ban Biên Khảo
Thay mặt BBT Da Màu
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Lĩnh Nam Trích Quái Liệt Truyện
– Kim Định đề nghị chỉ nên xem 15 truyện đầu của LNTQ, và đây chính là quyển kinh gối đầu của dân tộc VN. Một loại huyền sử hay tiềm thức cộng thông collective unconscious của người Việt.
– Ông cũng đề nghị viết là chữ 摘 thay vì 摭. Trích 摘 là hái trái trên cây, trích bao hàm nghĩa chọn lựa như trích dẫn. Trong khi chích, trích 摭 chỉ là nhặt lên như nhặt củi, nhặt trái cây trong rừng.
https://trandinhhoanh.wordpress.com/linh-nam-chich-quai/
TUY BẤT ĐỒNG VỚI KELLEY NHƯNG TÔI VẪN PHỤC ÔNG NÀY, MỘT NGƯỜI HAM ĐỌC GIÀU KIẾN THỨC VÀ HÀNH XỬ RẤT DÂN CHỦ, KHÔNG BAO GIỜ NGĂN CHẬN NHỮNG PHÁT BIỂU CỦA NGƯỜI ĐỐI THOẠI DÙ CHO CÓ HẠI CHO ÔNG.
CAC VỊ Ở NƯỚC NGOÀI THỞ HÍT BẦU KHÍ TỰ DO DÂN CHỦ NHƯNG TẠI SAO LẠI KHIẾP SỢ SỰ THẬT, HÀNH XỬ NHƯ QUÍ VỊ THÌ BAO GIỜ DÂN TRÍ VN MỚI NGÓC ĐẦU LÊN ĐƯỢC, CÁC BẠN CÒN TRẺ HÃY CỐ GẮNG HỌC TẬP PHONG CÁCH CỦA GS KELLEY ĐI
BÌNH LUẬN VỪA RỒI CỦA BLACK RACCOON HOÀN TOÀN SAI LẦM ẤU TRĨ, NÓI HÀNG HAI CHO ĐƯỢC LÒNG NGOẠI NHÂN CHƯA THOÁT ĐƯỢC CĂN TÍNH NÔ LỆ. HÃY NHỚ MỘT ĐIỀU GS KIM ĐỊNH CHỈ MỚI ĐƯA RA VIỄN KIẾN KINH DỊCH LÀ CỦA VN CHỨ CHƯA CHỨNG MINH ĐƯỢC, TÔI MỚI LÀ NGƯỜI CHÚNG MINH VỚI ĐỦ MỌI BẰNG CHỨNG, ÔNG B R HÃY TÌM ĐỌC NHŨNG CHỨNG MINH CỦA TÔI ĐÃ RỒI HÃY PHÁT BIỂU VỀ NGUỒN GỐC KINH DỊCH, ÔNG ĐANG DÙNG NHỮNG TÀI LIỆU SỬ HỌC TỒI NHƯ KELLEY NÓI ĐẤY.
1:32 PM, May 15 (6 hours ago)
BBT Da Màu
1:40 PM (6 hours ago)
br.
tưởng tới những bài học mà tôi đã phải “học” trong trại “tù cải tạo” ở VN.
Giới cán bộ tuyên truyền CS.đưa ra những bài học đại loại như “Đế quốc Mỹ là kẻ thù
của nhân dân VN.và loài người tiến bộ trên thế giới” và họ chứng minh cũng có bằng
cớ hẳn hoi,chứ không phải kiểu “trời ơi đất hỡi”!
Tiếc là họ nguỵ biện vì bài học đó được coi như một định đề (áp đặt) mà họ coi la
chân lý và tù nhân phải lý luận trong “khuôn khổ” định đề này.
Néu ông Nguyễn Thiếu Dũng chứng minh được rằng “Kinh Dịch là của người VN.”thì thật
đáng phục !