Lấy nguyên về từ VHNA.
---
Ất Mùi đã qua, năm Bính Thân vừa đến. Dê ra đi, khỉ vừa đến, chắc sẽ đem đến cho mọi nhà, mọi người nhiều đỏi mới. Trong không khí ấm áp của mùa xuân mới tôi muốn bàn bạc đôi điều về con khỉ và hình ảnh của khỉ trong cuộc sống và văn hóa.
Khỉ sinh vật
Khỉ (Macaca) thuộc chi động vật có vú họ khỉ (Cercopithecidae), bộ linh trưởng (Primates). Phân bố trong một khu vực rộng lớn từ Bắc Phi, Ấn Độ đến Đông Nam Á và nam Trung Hoa, bao gồm nhiều loài như khỉ hầu, khỉ vàng, khỉ nước, khỉ mặt đỏ, khỉ mốc, khỉ đuôi dài, khỉ đuôi lợn, khỉ độc cùng các loại voọc như voọc xám. voọc xám, voọc mông trắng, voọc đen má trắng, voọc ngũ sắc, voọc mũi hếch và cả cu li cũng thuộc loài khỉ. Chúng đều có đặc điểm chung là mũi hẹp, thân và chi ngắn, tay chân có móng cầm nắm được, cánh tay và ống chân dài bằng nhau, đi bằng 4 chân, phần lớn chúng đều có đuôi dài ngắn khác nhau nhưng đuôi không cuộn được vào cành cây. Chúng sống thành đàn, chủ yếu ăn thực vật, song cũng ăn côn trùng và động vật nhỏ, động vật thân mềm. Khỉ sống trong các khu rừng nguyên sinh, thứ sinh, rừng ngập mặn, rừng thưa, trên núi đất núi đá và cả trên nương rẫy.
Trong cuộc sống khỉ là con vật thông minh, nhanh nhẹn, hoạt bát, nghịch ngợm, hóm hĩnh, hay chạy lăng xăng, nhảy nhót, đu chuyền từ cây này sang cây khác. Chúng cũng hay bắt chước các động tác của con người. Trong cuộc sống, về sinh nở, chữa đẻ hay ôm ấp bồng bế con nhỏ, khỉ có nhiều nét gần gũi với con người.
Gần đây, các nhà khoa học ở Cambridge đã giải mã di truyền của một con khỉ đột có tên là Kamilad cho thấy bộ gen con người tương tự bộ gen khỉ đột. So sánh ADN của con người với ADN tinh tinh, khỉ đột và đười ươi thì thấy ADN tinh tinh gần tương đồng nhất với ADN người, tới 99%, khỉ đột 98%, đười ươi 97%.. Do vậy từ rất sớm người ta đã nhận ra sự gần gũi của các loài khỉ và con người trong bộ linh trưởng và người ta cho rằng từ hàng chục triệu năm trước khỉ và con người có cùng chung một ông thủy tổ.
Khỉ có nhiều loài khác nhau. Chỉ riêng bộ linh trưởng có khoảng 200 loại, nếu tính cả phân loài thi lên đến con số 700. Trong đó có không ít loài và phân loài đã bị tuyệt chủng. Riêng Việt Nam có 23 loài và phân loài, chiếm 38% số loài linh trưởng ở Châu Á, trong đó 16 loài ghi nhận có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Khỉ ở Việt Nam
Vùng núi miền bắc và Trung bộ Việt Nam là nơi từ rất sớm, hàng chục triệu năm trước đã có các loại khỉ sinh sống. Các cuộc khai quật khảo cổ trong nhiều năm qua đã phát hiện được di cốt đã hóa thạch và chưa hóa thạch của các loại khỉ trong các di tích thời Cánh tân (Pleistocene) và thời Toàn tân (Holoxene).
Đã phát hiện được di cốt khỉ thời Cánh tân ở các di tích Kéo Lèng (Lạng Sơn), Mái đá Ngườm (Thái Nguyên), Hang Hùm (Yên Bái) , Mõm Trâu, Ma Ươi (Hòa Bình), Hang Bụt (Điện Biên), Làng Cốc, Làng Tráng, Mái đá Điều, Con Moong (Thanh Hóa), Thẩm Ồm (Nghệ An). Di cốt khỉ ở các di tích này phân lớn chưa xác định được phân loài nên ghi là Macaca sp. Song cũng có một số di cốt khi xác định được phân loài như khi phát hiện ở Mái đá Ngườm thuộc khỉ Macaca speciosa, Macaca assamensis (khỉ mốc) và Macaca nemestrina; khỉ ở Làng Tráng thuộc khỉ Macaca sp., Macaca mulatta (khỉ vàng) và voọc Presbytis sp.; khỉ ở Mái đá Điều thuộc khỉ Macaca sp. và voọc Presbytis.
Đã phát hiện được di cốt khỉ thời Toàn tân ở các di tích Mai Pha, Phai Vệ 2 , Phia Điểm, Hang Dơi (Lạng Sơn), Hang Hùm (Yên Bái), Hang Xóm Trại (Hòa Bình), Hang Đắng (Ninh Bình), Mái đá Điều (Thanh Hóa), Hang Chùa (Nghệ An). Phần lớn di cốt khỉ ở đây chưa được xác định phân loài, song cũng có một số di cốt khỉ đã được xác định phân loài. Như khỉ ở Hang Xóm Trại thuộc phân loài khỉ Macaca speciosa, Macaca assamensis (khỉ mốc); khỉ ở Hang Dơi thuộc khỉ Macaca assamensis (khỉ mốc), Macaca mulatta (khỉ vàng) và Macaca nemestrina.
Theo các nhà động vật học Việt Nam, thì hiện nay ở Việt Nam có 5 loài khỉ chính. Đó là:
- Khỉ đuôi lợn: Macaca lesnina, cũng có tên là khỉ xám, khỉ Tông gô. Chúng có thân dài 43 – 69,5cm, đuôi dài 15 – 23cm, có lông má 2 bên dài, đính đầu có lông đen xoáy tỏa ra xung quanh giống mũ lưỡi trai, lông đuôi rất ngắn giống đuôi lợn, má có túi. Chúng sống thành nhóm nhỏ 15 - 40 cá thể. Hoạt động ban ngày, kiếm ăn trên cây và trên mặt đất, tối ngũ trong hang đá, thích ăn quả có vị chua như tai chua, dọc, bứa. Phân bố khắp vùng Đông Nam Á. Tại Việt Nam có mặt từ vùng núi miền bắc, bắc khu 4 đến Tây Nguyên và miền đông Nam bộ.
- Khỉ mốc: Macaca assamensis. Cân nặng 6 – 11kg, thân dài 41 – 73,5cm, đuôi dài 14 – 24,5cm. Lông có màu vàng nhạt, lông đuôi dài cụp xuống, lông trên đỉnh đầu rẽ sang phải và sang trái, mào hướng ra phía sau, có túi. Sống thành bầy 10 -50 con. Hoạt động chủ yếu trên mặt đất và trên tầng cây cao. Thích ăn quả có vị chua và các loại măng tre nứa, củ, côn trùng và thằn lằn. Chúng sống trên cây cao trên núi đá, rừng thường xanh, rừng thưa. Ban đêm chúng ngũ trên cành cây và trong hốc đá. Chúng phân bố từ Ấn Độ, Miến Điện đến Thái Lan, nam Trung Quốc. Tại Việt Nam chúng sống trên vùng núi miền bấc và bắc khu 4.
- Khỉ mặt đỏ : Macaca artoides, cũng có tên là khỉ đột, khỉ đen, khỉ gấu. Chúng có thân hình to lớn, thân dài 48,5 – 70cm, đuôi dài 30 – 53cm, nặng 16kg. Lông có màu từ vàng đến nâu tối và gần đen, lông trên đầu thường xỏa ra xung quanh. Dương vật con đực trưởng thành dài khác thường. Chúng sống thành đàn 40 – 50 con, thức ăn chính là lá, quả cây, củ ấu, củ mài, côn trùng, ốc, sên, giun đất. Phân bố ở nam Trung Quốc và Đông Nam Á lục địa. Tại Việt Nam chúng sống trên vùng núi miền bắc, khu 4 và Tây Nguyên.
-Khỉ đuôi dài : Macaca fascicularia, cũng có tên là khỉ nước, khỉ cá, khỉ cua. Chúng có đuôi dài bằng chiều dài của đầu và thân, khoảng 50 – 55cm. Con đực có lông dài như râu quai nón, con cái cũng có lông quanh mồm nhưng thưa hơn. Chúng thích sống ở vùng rừng ngập mặn, rừng trên đảo, rừng tre nứa . Chúng giỏi bơi lội, tạp ăn. Thức ăn chủ yếu là quả, hạt, nõn cây, lá, trứng chim, tôm, cua, cá, ếch nhái, Phân bố từ Ấn Độ, Nê pan đến Đông Nam Á lục địa, nam Trung Quốc. Tại Việt Nam chúng phân bố từ Thừa Thiên Huế đến Kiên Giang.
- Khỉ vàng : (Macaca mulatta), cũng có tên là khỉ đỏ đít, khỉ đen. Chúng có thân dài 32 – 62cm, nặng 3 – 8kg, có lông vàng nhạt, hung đỏ, đuôi ngắn bằng nửa thân, dài khoảng 13 – 23cm, đuôi thường chúc xuống phía dưới. Chúng sống thành đàn khoảng 20 - 50 con. Môi trường sống là vùng núi đá dọc các sông hồ , ven biển, rừng hỗn giao, rừng khộp. Chúng phân bố từ bắc Ấn Độ đến nam Trung Quốc và bắc Đông Dương. Ở Việt Nam chúng có mặt từ Bắc bộ tới nam Trung bộ.
Khỉ trong đời sống xã hội
Khỉ là động vật hoang dã rất thân thiện với con người. Trong các vườn bách thú, khỉ là con vật rất hấp dẫn đối với khách tham quan, nhất là trẻ em. Không những thế, khỉ còn có nhiều giá trị kinh tế cũng như khoa học. mà nổi nhất là đối vời y dược. Khỉ được dùng để chế vacxin phòng bại liệt. Khỉ còn được dùng để kiểm nghiệm tính an toàn của nhiều lọai vacxin cũng như tiêu chuẩn hóa và đánh giá các chế phẩm sinh học. Khỉ còn được dùng để thử nghiệm một số bệnh truyền nhiễm ở người. Chính vì thế có một đảo nhỏ trên vịnh Hạ Long và một đảo nhỏ trên biển Nha Trang chuyên nuôi khỉ để phục vụ cho y dược được gọi là đảo khỉ.òn được dùng để nấu cao, gồm cao toàn tính (dùng cả thịt xương, chỉ loại bỏ bộ lông và nội tạng) và cao xương. Cao khỉ có tác dụng bổ dưỡng, điều trị các trường hợp suy nhược, gầy yếu, xanh xao.
Hình ảnh khỉ trong văn hóa nghệ thuật
Trong văn hóa cổ truyền cũng như hiện đại, hình ảnh khỉ cũng có một vị trí nhất định, nhất là văn hóa phương Đông.Trong 12 con giáp, Thân là con khỉ, đứng hạng 9 trong 12 con vật trong thập nhị địa chí. Khỉ có nhiều đặc điểm gần gũi với con người, hình ảnh khỉ thường được thể hiện trong ca dao thành ngữ và trong các tác phẩm nghệ thuật.
- Trong ca dao thành ngữ:
Hình ảnh con khỉ được sử dụng khá phổ biến để diễn tả một số hình tượng như khỉ ho cò gáy để chỉ nơi hoang vu lạnh lẽo; làm trò khỉ để chỉ những người hay pha trò bắt chước làm trò hề; đồ khỉ, đồ khỉ gió để chỉ những người không đứng đắn thiếu nghiêm túc; mặt nhăn như khỉ để chỉ những người mặt mày nhăn nhó kém tươi tỉnh vui vẻ. Người miền Nam gọi những chiếc cầu làm bằng tre đơn giản bắc qua các kênh rạch không chắc chắn là cầu khỉ .
Nhiều câu ca dao thành ngữ đề cập đến khỉ như Giết gà dọa khỉ, rung cây nhát khỉ; Nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà; Trời sinh con khỉ ở lùm, chuyền qua chuyền lại rớt ùm xuống song; Khỉ bồng con lên non kiếm trái, cảm thương nàng phận gái mồ côi.
- Trong văn hóa nghệ thuật
Trong các nền văn hóa cổ truyền cũng như hiện đại, khỉ là biểu tượng cho sự nghịch ngợm, láu lĩnh, song cũng có những con khỉ đã trở thành biểu tượng thần thánh như khỉ Tôn Ngộ Không trong văn hóa Trung Quôc, khỉ Hanuman trong văn hóa Ấn Độ, hay muộn hơn trong văn hóa phương Tây có khỉ khổng lồ King Kong và khỉ Abu.
*Tôn Ngộ Không là một nhân vật giả tưởng nổi tiếng trong văn hóa Trung Quốc không phải là một nhà sư, một thánh nhân, một chiến binh, mà chỉ là một con khỉ trong truyện dân gian Tây Du Ký thời nhà Đường. Câu chuyện thuật lại quá trình Tôn Ngộ Không làm đệ tử cho nhà sư Đường Tam Tạng đi thỉnh kinh Tây Thiên (Ấn Độ). Hình ảnh Tôn Ngộ Không trong tác phẩm văn học cũng như điện ảnh cho thấy sự thông minh, tài trí của một con khỉ giúp Đường Tăng vượt mọi khó khăn nguy hiểm trên đường sang Tây Thiên thỉnh kinh.
* Hanuman là nhân vật trong 2 bộ sử thi lừng danh của Ấn Độ Ramayana và Mahabharata. Hanuman là vị thần khỉ nổi tiếng với vũ khí là quả chùy đã giúp đỡ bạn thân là vị vua anh hùng Rama. Do đó hình ảnh khỉ Hanuma được thể hiện hầu khắp các đền đài trong toàn quốc và hình ảnh khỉ Hanuman trở nên thân thuộc với mọi người dân.
*King Kong là tên một bộ phim của đạo diễn người Mỹ Carl Denham phát hành năm 1933 kể chuyện một con ác thú khổng lồ hình khỉ đột sống ở đảo Đầu Lâu trên Thái Bình Dương được thờ cúng như một quái vật ăn thịt linh thiêng. Bộ phim này được hoan nghênh ở nhiều nước trên thế giới và hình ảnh khỉ khổng lồ King Kong cũng trở nên nổi tiếng.
* Abu là chú khỉ nghịch ngợm trong bộ phim Aladin và cây đèn thần. Chuyện phim kể chú khỉ Abu là bạn tri kỷ của Aladin. Abu bị mê hoặc bởi 1 viên hồng ngọc và đã lấy trộm, khiến hang động bắt đầu sụp xuống, nhưng may nhờ đèn thần giúp đỡ nên thoát chết. Jafar tìm mọi cách giết họ, nhưng chú khỉ Abu đã nhanh tay lấy lại đèn thần giải thoát cho họ. Khi Aladin tỉnh lại Abu đã giao lại đèn thần cho Aladin. Cuốn phim được hoan nghênh ở nhiều nước và mọi người biết đến hình ảnh khỉ Abu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.