Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

08/12/2015

Nghiên cứu Nhật Bản - nhìn từ tạp chí Đông Bắc Á


Bài của Ngô Hương Lan.

---


NGHIÊN CỨU VĂN HOÁ NHẬT BẢN Ở VIỆT NAM HIỆN NAY: KHẢO SÁT TRƯỜNG HỢP TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU ĐÔNG BẮC Á

Đăng ngày: 24-11-2015, 10:17


Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á mà tiền thân là Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản ra đời năm 1995 đã có nhiều đóng góp cho ngành Nhật Bản học vẫn còn non trẻ tại Việt Nam. Trong 20 năm qua, Tạp chí đã đăng tải trên 1.200 bài viết về Nhật Bản học, cung cấp một diễn đàn khoa học uy tín để các nhà khoa học trong và ngoài nước công bố những kết quả nghiên cứu về Nhật Bản. Bài viết này sẽ phân tích thực trạng nghiên cứu văn hoá Nhật Bản ở Việt Nam trong hai thập kỷ qua và những xu hướng nghiên cứu mới qua khảo sát trường hợp các bài viết được đăng tải trên Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á từ năm 1995 đến nay.

Là một trong những tạp chí chuyên ngành Nhật Bản học đầu tiên tại Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản - nay là Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á đã đăng tải số lượng lớn các công trình nghiên cứu về Nhật Bản, trong đó số bài viết về văn hoá Nhật Bản chiếm trên 1/3 tổng số bài viết về Nhật Bản (439 bài, tính đến thời điểm tháng 3/2015). Không kể thời kỳ đầu mang tên Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản (1995-2001), 100% số bài viết là về Nhật Bản, ở các giai đoạn sau số lượng các bài viết về văn hoá - lịch sử Nhật Bản vẫn luôn chiếm phần lớn (74%) mục Lịch sử - Văn hoá của Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á.

Bảng 1: Cơ cấu bài viết về văn hoá Nhật Bản trên Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á
NGHIÊN CỨU VĂN HOÁ NHẬT BẢN Ở VIỆT NAM HIỆN NAY: KHẢO SÁT TRƯỜNG HỢP TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU ĐÔNG BẮC Á
Biểu đồ 1: So sánh tỉ lệ các bài viết về văn hoá Nhật Bản với các chuyên mục khác trên tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á
NGHIÊN CỨU VĂN HOÁ NHẬT BẢN Ở VIỆT NAM HIỆN NAY: KHẢO SÁT TRƯỜNG HỢP TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU ĐÔNG BẮC Á
Xem xét riêng chuyên mục Lịch sử - Văn hoá, có thể thấy cơ cấu các bài viết về văn hoá Nhật Bản theo từng lĩnh vực như sau:
Bảng 2: Cơ cấu chuyên mục văn hoá (số bài)
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á các số từ năm 1995 - 2015.

Bảng trên cho thấy số lượng các bài viết về lịch sử Nhật Bản tương đối đều và luôn chiếm tỉ lệ lớn nhất trong các bài viết trong chuyên mục này (22,77%). Kế đến là các bài viết giáo dục, lối sống, phong tục tập quán (17,08%), văn học (15,48%), ngôn ngữ (13,21%), tư tưởng, luật pháp, tôn giáo (11,38%), nghệ thuật (5,01%). Riêng ở mục “khác”, các bài viết về quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, giao thoa văn hoá, hợp tác văn hoá, tình hình nghiên cứu Nhật Bản, sự kiện và con người… chiếm tới 15,03%, nhưng xét riêng từng thể loại thì lượng bài ở mỗi thể loại khá ít ỏi. Bảng dưới thể hiện tỉ lệ các bài viết trong chuyện mục văn hoá Nhật Bản.

Biểu đồ 2: Tỉ lệ các bài viết trong chuyên mục văn hoá Nhật Bản
NGHIÊN CỨU VĂN HOÁ NHẬT BẢN Ở VIỆT NAM HIỆN NAY: KHẢO SÁT TRƯỜNG HỢP TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU ĐÔNG BẮC Á

Khảo sát nội dung các bài viết, có thể thấy những đặc điểm chính như sau:
Các nghiên cứu phong phú, bao trùm mọi mặt của đời sống văn hoá, lịch sử Nhật Bản. Có thể kể đến các bài viết “Sự giao tiếp giữa văn hoá Nhật Bản và văn hoá đời Đường Trung Quốc” của Lê Đức Niệm (1/1995), “Về việc phân kỳ trong lịch sử Nhật Bản” của Đặng Xuân Kháng (4/1995), “Sự ra đời của võ sĩ đạo ở Nhật Bản” của Nguyễn Hồng Vân (4/1996), “Nghi lễ Thần đạo ở Nhật Bản” của Hoàng Minh Lợi (1/1997), “Vài nét về lễ hội Nhật Bản” của Trần Mạnh Cát (1/1997), “Biến đổi của Nhật Bản trong kỷ nguyên Minh Trị” của Hoàng Minh Lợi (5/1998), “Một số nhà văn lớn của văn học Nhật Bản hiện đại” của Nguyễn Tuấn Khanh (6/1998), “Thần đạo Nhật Bản: Khái niệm và lược sử” của Phạm Hồng Thái (1/1999), “Mấy nét về kiến trúc hiện đại Nhật Bản” của Nguyễn Tuấn Khanh (5/2000), “Một ngàn năm văn hoá Nhật Bản” của Mạnh Xuân (5/2001)…

Ở thời kỳ đầu (1995-2001), các bài viết còn chung chung, chỉ mang tính giới thiệu về văn hoá, lịch sử Nhật Bản, tuy nhiên, thời kỳ sau đó (2001-nay) đã có nhiều bài viết sắc sảo, thể hiện cá tính người viết và nguồn tư liệu sống động, phong phú. Điều này thể hiện sự trưởng thành từng bước của ngành nghiên cứu Nhật Bản: từ chỗ các nghiên cứu chỉ đơn thuần là dịch thuật và tổng thuật tư liệu, các nhà nghiên cứu mới chỉ được tiếp xúc với đối tượng nghiên cứu qua nguồn tư liệu thứ cấp tiếng Nga, Anh, Pháp, Trung…, đến nay các nhà nghiên cứu đã có thể khai thác tư liệu tiếng Nhật và trực tiếp điều tra điền dã tại Nhật Bản để thu thập dữ liệu nghiên cứu. Năm 1995, Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản có loạt bài giới thiệu về Nhật Bản như: “Tiếng Nhật, một số nét đặc trưng khái” quát của Nguyễn Thị Việt Thanh (số 1/1995), “Trà đạo Nhật Bản” của tác giả Hoàng Minh Lợi (2/1995), “Matsuo Basho - nhà thơ lớn của thể thơ Haiku” của Nguyễn Tuấn Khanh (3/1995), “Vài nét về giáo dục phổ thông Nhật Bản” của Trần Mạnh Cát (3/1995), “Tôn giáo và tín ngưỡng Nhật Bản thời sơ kỳ cổ đại” của Bùi Bích Vân (4/1995)… So sánh các bài viết mang tính khái quát của thời kỳ đầu này, có thể thấy các bài viết trong những năm gần đây đi vào từng lĩnh vực cụ thể, chuyên sâu, phương pháp nghiên cứu thực tiễn, liên ngành, điều tra điền dã với nguồn tư liệu đáng tin cậy. Đối tượng nghiên cứu cũng được xem xét đa chiều, mổ xẻ sâu từ nhiều góc độ quan sát, nghiên cứu. Đó là loạt bài viết “Văn thư thông thương giữa Chúa Nguyễn ở Đàng Trong và Nhật Bản thế kỷ XVII” của Nguyễn Huy Khuyến (2013, 2014), “Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản truyền thống: một cách nhìn từ các không gian biển” của Nguyễn Văn Kim (3/2014), “Một hướng nghiên cứu về ảnh hưởng của các yếu tố Hán trong việc học tiếng Nhật của người Việt Nam” của Đào Thị Nga My (10/2014), “Một số yếu tố thần kỳ trong truyện cổ Nhật Bản từ góc nhìn so sánh thể loại” của Hà Văn Lưỡng (4/2013), “Giá trị Nhật Bản: sự kết hợp tinh thần Nhật Bản với tri thức nhân loại” của Nguyễn Tiến Lực (6/2013), “Khác biệt văn hoá đối với người lao động nước ngoài ở Nhật Bản” của Phan Cao Nhật Anh (3/2013), “Hành vi từ chối lời cầu khiến trong tiếng Nhật: trường hợp điều tra đối tượng sinh viên Nhật Bản” của Ngô Hương Lan (9/2013), “Một số biểu hiện của Thiền tông và chất phương Đông trong văn xuôi Yasunari Kawabata” của Hà Văn Lưỡng (3/2012)… 

Nghiên cứu về lịch sử - văn hoá không chỉ dừng ở việc tìm hiểu, mô tả những vấn đề của quá khứ mà còn đối chiếu với các vấn đề của hiện tại, rút ra bài học cho sự phát triển của Việt Nam. Nhiều bài viết phân tích ảnh hưởng của cuộc cải cách Minh Trị, hay yếu tố Nho giáo trong mô hình phát triển của Nhật Bản như: “Ảnh hưởng của cuộc cải cách Minh Trị ở Nhật Bản đối với phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của một số nước châu Á đầu thể kỷ XX”, “Nhân tố văn hoá Nho giáo trong cất cánh kinh tế ở Đông Á” của tác giả Trần Độ (4/1996), “Đạo đức Khổng giáo, tư tưởng phương Tây và hiện đại hoá Nhật Bản” của Nguyễn Tuấn Khanh, “Suy nghĩ về nhân tố văn hoá và con người trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá (từ kinh nghiệm của Nhật Bản)” của Vũ Minh Giang (4/2002), “Suy ngẫm lại các giá trị văn hoá châu Á và tác động của nó đối với quá trình phát triển” của Đỗ Đình Hãng (1/2003), “Vấn đề văn hoá trong chủ nghĩa khu vực ở Đông Á” của Hoàng Khắc Nam (1/2005), “Văn hoá Nhật Bản: Sức mạnh của quá khứ và thách thức của tương lai” của Lê Thanh Bình (1/2006)… Một số bài viết phân tích sự thành công của nền giáo dục Nhật Bản và rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam như: “Giáo dục Nhật Bản: những bài học kinh nghiệm” của Trần Thị Minh (2/1996), “Giáo dục bậc đại học và trên đại học ở Nhật Bản: những chặng đường đổi mới” của Ngô Hương Lan (6/2005), “Cải cách giáo dục tại Nhật Bản và Hàn Quốc 10 năm đầu thế kỷ XXI: những vấn đề nổi bật và bài học cho Việt Nam” của tác giả Lý Xuân Chung (10/2010), “Quá trình “văn minh hoá giáo dục” ở Nhật Bản nửa cuối thế kỷ XIX - Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam” của Lê Tùng Lâm (4/2014)…

Các nghiên cứu so sánh, đối chiếu giữa Nhật Bản và Việt Nam khá phong phú: từ những vấn đề của ngôn ngữ, văn học, nghệ thuật, tôn giáo, đến lối sống ăn - mặc - ở, văn hoá giao tiếp… giúp cho người đọc hiểu sâu sắc hơn về nền văn hoá Nhật Bản thông qua lăng kính văn hoá của người Việt Nam. Có thể kể đến các bài viết: “Một vài lưu ý về một số khác biệt của lớp từ gốc Hán trong tiếng Nhật và tiếng Việt hiện đại” của tác giả Cao Thế Trình (3/2014), “Phong tục của người Nhật và người Việt qua truyện cổ tích” của Lê Thị Quỳnh Hảo (1/2013), “Những nghi lễ chủ yếu trong chu kỳ đời người của Việt Nam và Nhật Bản” của Hoàng Minh Lợi (8/2013), “Hiện tượng tôn giáo mới ở Nhật Bản và Việt Nam: Những tương đồng và khác biệt” của tác giả Phạm Hồng Thái (11/2013), “Ả đào Việt Nam và Geisha Nhật Bản” của Nguyễn Hoàng Anh Tuấn (1/2012), “Ứng xử của Việt Nam và Nhật Bản trước sự xâm lược của các thực dân phương Tây nửa sau thế kỷ XIX” của Trần Nam Tiến (5/2012)...

Cuối cùng, có thể thấy hiện nay xuất hiện một số khuynh hướng mới trong nghiên cứu văn hoá Nhật Bản, đó là nghiên cứu về đời sống văn hoá - xã hội đương đại, nghiên cứu về các chính sách văn hoá, ngoại giao văn hoá, quyền lực mềm của Nhật Bản, các tôn giáo mới ở Nhật Bản... Những công trình nghiên cứu này phần lớn được thực hiện bằng phương pháp điều tra thực địa, anket, phỏng vấn sâu..., cho kết quả đáng tin cậy. Đây cũng là xu thế mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn đòi hỏi các công trình nghiên cứu hướng tới những giá trị thực tế, phục vụ cho việc hoạch định chính sách văn hoá - xã hội của Việt Nam. “Vai trò của công nghiệp văn hoá ở Nhật Bản” của tác giả Hoàng Minh Lợi (5/2014), “Chính sách ngoại giao văn hoá của Nhật Bản từ sau chiến tranh Lạnh đến nay” của Hạ Thị Lan Phi (2/2013), “Giá trị Nhật Bản: sự kết hợp tinh thần Nhật Bản với tri thức nhân loại” của Nguyễn Tiến Lực (6/2013), “Tìm hiểu giáo phải Chân lý Aum ở Nhật Bản”... của Nguyễn Ngọc Phương Trang (7/2011) là những bài viết tiêu biểu cho xu hướng này.

TS. Ngô Hương Lan
Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản - Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

Tài liệu tham khảo chính:
1. Nguyễn Văn Kim - Nguyễn Mạnh Dũng (2006), “Nghiên cứu Nhật Bản ở Việt Nam: đặc điểm và khuynh hướng”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á số 2/2006 (62), tr.52-64.
2. Nguyễn Tiến Lực (2010) 「ベトナムにおける近年の日本研究の状況とその特徴」『立命館言語文化研究21巻3号』、2010年1月、PP.53-60. (“Hiện trạng và đặc trưng nghiên cứu Nhật Bản ở Việt Nam những năm gần đây”, Tạp chí Nghiên cứu ngôn ngữ văn hoá Ritsumeikan, số 3, quyển 21, tháng 1/2010).
3. Nguyễn Thị Thanh Tâm (2015) 「ベトナムにおける日本語教育と日本研究の動き」『日越交流における歴史、社会、文化の諸問題』国際日本文化研究センター、2015年3月、PP.249 -258. (“Khái quát về việc giảng dạy tiếng Nhật và nghiên cứu Nhật Bản tại Việt Nam”, Các vấn đề lịch sử, văn hoá, xã hội trong giao lưu Việt Nam - Nhật Bản, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản Quốc tế, Kyoto, 3/2015).
4. Phan Hải Linh (2009), “Nghiên cứu Nhật Bản từ góc độ nghiên cứu khu vực và tình hình nghiên cứu Nhật Bản ở Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á số 2/2009 (96), tr.53-60.
5. Trần Thị Chung Toàn (2010) 「ベトナムにおける日本文学の翻訳・出版・教育・研究―現状及び今後の課題―」『立命館言語文化研究21巻3号』、2010年1月、PP.43-52. (“Dịch thuật - xuất bản - giảng dạy và nghiên cứu văn học Nhật Bản ở Việt Nam: hiện trạng và những vấn đề đặt ra”, Tạp chí Nghiên cứu ngôn ngữ văn hoá Ritsumeikan, số 3, quyển 21, tháng 1/2010 )
6. Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản 10 năm xây dựng và phát triển, NXB. Thống kê, Hà Nội, 2003.
7. Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Danh mục các công trình khoa học đã công bố tại Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á (1993-2013), NXB.Thời đại, Hà Nội, 2013.

1 nhận xét:

  1. em cũng đang làm cho công ty tuyển sinh du học Nhật Bản nên cũng đang tìm hiều thông tin về văn hóa nhật bản,em thấy tính cộng đồng của họ rất cao, giúp đỡ lẫn nhau, làm việc chăm chỉ

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.