Tin của các báo.
---
2.
Vì sao dân phải è cổ gánh giá thuốc trên trời
19/11/2015 17:19 GMT+7
TTO - Buổi thảo luận tại tổ về Luật dược ở Đoàn ĐBQH TP.HCM đã nóng không kém gì một phiên chất vấn thực thụ tại hội trường. Người chất vấn là đại biểu Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Ảnh: VIỆT DŨNG |
Cụ thể, trong bài phát biểu dài 45 phút, bà Lan nêu ra nhiều tồn tại của ngành dược, đặt ra trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến - đại biểu cùng đoàn.
Đại biểu Phong Lan đã bắt đầu nội dung phát biểu bằng sự bày tỏ: “Nói 5 năm mới có một ngày thì hơi quá, nhưng đây là cơ hội để nhìn nhận và chấn chỉnh lại toàn bộ hoạt động của ngành Dược mà quy định hiện hành đã không còn đáp ứng”.
Dân è cổ gánh giá thuốc cao vô lý
Là Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, phụ trách lĩnh vực dược, bà Lan nêu thực trạng: “Hiện nay, luật chưa cho phép công ty nước ngoài phân phối dược phẩm, nhưng thực tế họ đã tiến hành phân phối trực tiếp dưới các hình thức “núp bóng” các công ty dược trong nước. Các công ty VN chỉ đăng ký hoạt động trên hình thức và nhận chi phí trung gian”.
Ba thực trạng mà bà Lan nêu lên làm giá thuốc ngất ngưỡng là: Độc quyền và câu kết nâng giá của một số thuốc nhập khẩu; mua bán lòng vòng, tầng nấc trung gian đẩy giá lên; mua chuộc bác sĩ kê đơn: hoa hồng, chiết khấu. Bà Lan cho rằng: “Quyền lợi của người dân là trên hết, không thể để lợi ích nhóm thao túng chuyện này”.
Bà Lan phân tích: "Bất cứ ngành công nghiệp nào thì đều phải đứng hai chân là sản xuất và tiêu thụ. Thế nhưng ngành Dược VN lại đang sống với một tư duy khập khiễng, chấp nhận “đi nạng” chỉ với một chân phân phối. “Rõ ràng là hoàn toàn bất ổn”.
Tại cuộc họp, đại biểu Lan cũng kể “một câu chuyện buồn với tôi”. Đó là khi nhận nhiệm vụ Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM thì toàn TP có 450 công ty phân phối dược phẩm, mục tiêu của bà là sẽ giảm bớt các đơn vị trung gian này. “Thế nhưng đến nay TP.HCM đã có 1.000 công ty, cả nước thì có 2.000. Tầng nấc trung gian quan nhiều mà không cách nào hạn chế được” - bà Lan cho biết.
Theo bà Lan, Dự thảo Luật Dược sửa đổi không đề cập đến định hướng chiến lược về quy hoạch lại mạng lưới lưu thông phân phối là điều rất đáng tiếc. Bà Lan đề nghị: “Nên có một chương riêng biệt để điều chỉnh lĩnh vực này”.
Chất lượng thuốc rất... hên xui
Trước sự có mặt của bộ trưởng Y tế, Phó giám đốc sở Y tế TP.HCM đã mào đầu: “Tôi xin lỗi Bộ Yế nhưng phải nói ra một số vấn đề về kiểm nghiệm chất lượng thuốc”.
Đi vào vấn đề, đại biểu Lan cho biết hiện nay cả nước có 2 viện quốc gia và 63 trung tâm kiểm nghiệm thuốc ở các tỉnh, thành phố. Nhưng thực tế là chỉ có 2 viện quốc gia làm tốt việc này. Còn lại các trung tâm kiểm nghiệm khác thì không đủ nhân lực và phương tiện để làm trước khi thuốc đến tay người dân để trị bệnh.
Theo bà Lan, các cơ quan kiểm nghiệm thuốc đã tỏ ra quá tin tưởng thuốc ngoại, khi tỷ lệ kiểm nghiệm thuốc nội và thuốc ngoại chênh lệch quá lớn. Trong 40.711 mẫu thuốc lấy để kiểm tra chất lượng năm 2014 thỉ chỉ có 18,5% thuốc ngoại và 81,5% thuốc nội. “Trong khi thuốc ngoại là thì chúng ta không thê kiểm được thực địa tại nhà máy họ sản xuất thế nào” - Đại biểu Lan nói.
Đại biểu Lan cho rằng cần phải tăng cường kiểm nghiệm chất lượng thuốc, đặc biệt là thuốc ngoại. “Ai chịu trách nhiệm khi người dân đã tiêu thụ thuốc kém chất lượng rồi mới phát hiện ?” - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM đặt câu hỏi.
Biện pháp thứ hai, theo đại biểu Lan là phải siết chặt ngay từ khâu nhập khẩu. Bà Lan nói, vừa rồi tại hội trường, đại biểu chất vấn vì sao có đến 64 tấn Salbutamol (chất tạo nạc trong chăn nuôi) được nhập vào VN.
Nhưng Bộ trưởng Y tế trả lời Bộ Y tế chỉ cấp phép cho hơn 3 tấn. “Bộ Y tế nói như vậy tôi cũng tin. Nhưng còn 60 tấn nữa thì đi vào bằng đường nào, còn những loại khác nữa thì sao. Và nếu vậy chúng ta tồn tại làm gì?” - Đại biểu Lan đặt câu hỏi.
Tôi không đồng ý khi bộ trưởng chen ngang
Trong 45 phút phát biểu thảo luận của đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, đã có 3 lần bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chen ngang.
Đến lần thứ 3, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM đã “nổi quạu”: “Xin chị Tiến để tôi nói cho hết đã”. Trao đổi với báo chí sau đó, đại biểu Lan nói bà không đồng ý với việc đại biểu Nguyễn Thị Kim Tiến cứ chen ngang, cắt lời khi bà đang phát biểu. “Đại biểu Quốc hội là ngang vai, phải tôn trọng nhau” - Đại biểu Lan nói.
|
Viễn Sự
http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20151119/vi-sao-dan-phai-e-co-ganh-gia-thuoc-tren-troi/1005907.html
1.
28/11/2015 18:54 GMT+7
Tại cuộc gặp gỡ báo chí ngày 28/11, lãnh đạo Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã trả lời những vấn đề liên quan đến việc mở hai ngành Y đa khoa và Dược học của nhà trường, gây xôn xao dư luận suốt mấy ngày qua.
“Chúng tôi chưa đút lót ai cả"
“Tại sao sau 20 năm hoạt động chúng tôi lại xin phép mở ngành y, dược?” – đặt câu hỏi và tự trả lời, ông Phương cho biết việc này đã được lãnh đạo trường suy nghĩ và quyết định từ năm 2012. “Lý do là tỉ lệ bác sĩ còn quá thấp. Tỉ lệ dược sĩ cũng chỉ là 1,5 người/ 1 vạn dân, 90% thuốc là nhập khẩu…”.
GS Trần Phương (Ảnh Văn Chung) |
Ông Phương nói trường đã xin phép Bộ từ 2,5 năm trước; còn quá trình chuẩn bị gần 3,5 năm để thỏa thuận với gần 100 GS, PGS, TS, ThS; đồng thời bỏ ra vài chục tỉ đồng sửa sang cơ sở vật chất.
Trước thắc mắc tiêu cực vì đang tạm dừng cấp phép mà Bộ GD-ĐT lại có quyết định cho trường mở ngành, ông Phương khẳng định “Từ khi mở trường đến nay, chúng tôi chưa đút lót ai cả. Thậm nhà trường còn có quy định cấm sinh viên tặng quà cho giảng viên. Chúng tôi chống tiêu cực triệt để bằng việc không cho ai đút lót mình và mình không đút lót ai".
“Tôi ngoại đạo, nhưng trưởng khoa thì không”
Ông Trần Phương cũng giải thích những ý kiến cho rằng trường là "ngoại đạo" trong đào tạo y dược.
"Với ngành y, dược, đúng là tôi và cả ban giám hiệu hiện nay là ngoại đạo. Nhưng nhìn vào các khoa thì không phải thế. Các khoa thực chất là trường con của một trường lớn. Với khoa y, dược, hiệu trưởng như tôi chỉ lo hậu cần, hay nói nôm na là điếu đóm. Dạy như thế nào là việc của các trưởng khoa.
Trưởng khoa Y của chúng tôi có chủ nhiệm khoa là GS. TSKH Lê Anh Tuấn, nguyên giám đốc Sở Y tế Hà Nội. Các Phó chủ nhiệm khoa là PGS.TS Nguyễn Văn Tường, nguyên phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội kiêm Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Đào tạo, Bộ Y tế; GS.TS Phạm Vinh Quang, nguyên chủ nhiệm Bộ môn Phẫu Thuật lồng ngực và mạch máu, Bệnh viện 103, Học viện Quân y.
Chủ nhiệm khoa Dược là PGS.TS Lê Văn Truyền, nguyên thứ trưởng Bộ Y tế. Phó chủ nhiệm khoa là TS Lê Ngọc Phan, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương 2”.
Từ trái sang: PGS Lê Văn Truyền, PGS Nguyễn Văn Tường (Ảnh Văn Chung) |
"Không khó tìm thêm 3 tiến sĩ"
Ông Trần Phương cũng đưa ra lý giải vì sao chưa đủ số lượng GS, TS, bác sĩ để đảm bảo mở ngành y đa khoa như yêu cầu của Bộ Y tế.
Theo quy định của Bộ Y tế, để mở ngành Y đa khoa cần có 50 giảng viên, trong đó có 6 người là GS, PGS, TS thuộc 6 bộ môn quan trọng nhất. “Chúng tôi đã chuẩn bị, thảo thuận với 47 người và GS, PGS, TS, bác sĩ chuyên khoa II, bác sĩ chuyên khoa I, ThS.
Có người bảo 47 là chưa đủ. Đúng là chưa đủ. Nhưng để dùng được hết 50 người này phải cần tới 6 năm. Nên nếu tôi mời về đủ, dù có trả lương họ cũng không nhận vì có làm gì đâu.
Chúng tôi chuẩn bị đủ lực lượng cán bộ giảng viên trong 2 năm trước mắt, và sẽ tiếp tục mời trong quá trình hoạt động. Đã mời được 47 người rồi, mời thêm 3 người nữa với chúng tôi không phải là việc khó”.
Ông Phương cũng dẫn ra các biên bản thẩm định, quy định mở ngành với những dòng "về cơ bản, nhà trường đã chuẩn bị tương đối đầy đủ các điều kiện về đội ngũ".
Một phòng thí nghiệm của Khoa Dược (Ảnh Văn Chung) |
Tại sao lại 20 điểm?
“Tôi không cho rằng 20 điểm là thấp. Học sinh phổ thông phải học rất nghiêm túc mới đạt được. Đầu vào 20 điểm so với ngưỡng 15 điểm của Bộ là tương đối cao” – ông Phương đưa ra lý giải.
“Để ra trường sau 4 năm học, mỗi sinh viên phải thi từ 50 – 60 lần. Vậy thì học y tới 6 - 7 năm mới ra trường, số lần thi còn nhiều hơn nữa. Đầu vào quan trọng nhưng không quan trọng bằng quá trình dạy và học, và quá trình kiểm tra để có đầu ra.
Trường ĐH Y Hà Nội lấy 27,5 điểm do họ chỉ có 500 chỉ tiêu bác sĩ đa khoa với hàng nghìn hồ sơ đăng ký xét tuyển. Những người bị loại ra không phải vì các em quá dốt mà nhà trường chỉ có thể lấy ngần đấy người thôi. Chúng tôi mới bắt đầu, nên 20 điểm là điểm nhận hồ sơ, chúng tôi sẽ xét từ trên xuống”.
PGS Lê Văn Truyền cho rằng “Đầu vào còn phụ thuộc vào mục đích công việc khi người tốt nghiệp”.
“Chúng tôi không đào tạo như Khoa Y dược của ĐHQG Hà Nội. Ở đó, họ chỉ tuyển 50 sinh viên/ năm, đào tạo dược sĩ chủ yêu nghiên cứu và chế tạo thuốc mới, lấy thí sinh từ 24 điểm trở lên. Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội không nhằm đào tạo lực lượng đó. Cần phải phên tầng xem các dược sĩ làm những công việc gì.
Ông Truyền đề nghị dư luận "có cái nhìn uyển chuyển hơn. Có số lượng mới tạo ra chất lượng, chứ chất lượng không bắt đầu từ con số 0".
Ông cũng cho rằng "có những người chí ít là đã được đào tạo 6 năm, còn hơn để người dân rơi vào tay lang băm" và không thể so sánh với bác sĩ tuyến xã với giáo sư ở bệnh viện Bạch Mai.
"Nên nghĩ tới việc 30.000 nhà thuốc thì không phải nhà thuốc nào cũng có dược sĩ, hơn là đòi hỏi các dược sĩ đều làm trong các phòng nghiên cứu khoa học" - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế biện thêm lý do.
Ngoài ra, ông Truyền cũng dẫn dự thảo Luật Dược sắp tới sẽ quy định có chứng chỉ hành nghề (thời hạn 5 năm) và khẳng định đây sẽ là rào cản của nhà nước để sinh viên tốt nghiệp mới được tiếp xúc với bệnh nhân.
Một góc thư viện của hai khao y, dược (Ảnh Văn Chung) |
Tại sao học phí là 5 triệu?
Về mức học phí của 2 ngành mới này, Ông Trần Phương cho biết qua khảo sát các trường ngoài công lập đang đào tạo ngành dược có học phí từ 1,8 – 3,5 triệu đồng/ tháng. Trường ĐH Duy Tân đào tạo ngành y đa khoa có học phí 5 triệu đồng/ tháng.
“Tham khảo một tài liệu của Nhật Bản để xác định tỉ lệ, chúng tôi thấy ngành kinh tế có học phí 9 nghìn USD/ năm, ngành dược gần 16 nghìn USD/ năm, bằng 1,5 lần ngành kinh tế. Ngành y là 33,5 nghìn USD/ năm, bằng 2,1 lần ngành dược. Vì vậy, chúng tôi xác định học phí dựa trên các số liệu tham khảo này.
Y là một nghề phức tạp, tinh vi, liên quan đến con người nên đào tạo rất công phu, học phí phải cao. Nhưng con số này không mãi như thế mà có thể thay đổi. Chủ trương của chúng tôi không thu học phí cao để con em công nông đều có thể vào học được”.
"Chúng tôi sẽ có bệnh viện thực hành trực thuộc"
Trước câu hỏi “Phần lớn những trường đào tạo lớn đều có bệnh viện thực hành trực thuộc, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội giải quyết như thế nào với nhu cầu thực hành của sinh viên?”, PGS Nguyễn Văn Tường cho biết cơ sở thực hành là các phòng thí nghiệm với 28 phòng, cơ sở thực tập là tại bệnh viện đã ký hợp đồng nguyên tắc là Bệnh viện đa khoa Đức Giang, ngoài ra còn có Bệnh viện đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Đống Đa, Bệnh viện Tràng An.
Ông Trần Phương bổ sung: Việc chuẩn bị thành lập bệnh viện thực hành đang được tiến hành nhưng chưa công bố, vì là việc lâu dài. “Chúng tôi đã mời Trung tướng Chu Tiến Cường, nguyên Cục trưởng Cục quân y làm trưởng phòng khám đa khoa của trường. Nguyên lãnh đạo cao nhất của ngành y tế cũng đã hứa sẽ giới thiệu cho chúng tôi những giáo sư giỏi tham gia phòng khám. Nếu chỉ để mở phòng khám đa khoa, chúng tôi không cần đến cỡ đó. Nhưng đó sẽ là những người giúp chúng tôi xây dựng bệnh viện trực thuộc trường".
- Ngân AnhGhi
“Khi trường đủ điều kiện, cơ quan quản lý có nghĩa vụ cấp phép”
http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/275943/-lao-tuong--truong-kinh-doanh-giai-thich-viec-mo-nganh-y-duoc.html
Dân trí Bộ GD-ĐT vừa cho phép trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đào tạo ngành Y đa khoa và ngành Dược học trình độ đại học hệ chính quy.
Quyết định do Thứ trưởng Bùi Văn Ga ký ghi rõ: “Cho phép Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đào tạo trình độ đại học, hệ chính quy ngành Y đa khoa, mã số: 52720101; Dược học, mã số: 52720401.
Chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm của các ngành trên nằm trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh chính quy của Trường. Việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo, đánh giá kết quả học tập và cấp bằng tốt nghiệp thực hiện theo quy định hiện hành”.
Quyết định này có hiệu lực thi hành ngay từ ngày ký – ngày 19/11/2015.
Trao đổi với phóng viên Dân trí ngày 25/11, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho biết: "Y dược là ngành đặc thù nên Bộ GD-ĐT rất thận trọng. Trước đây 2 năm, trường đã làm hồ sơ trình, nhưng Bộ có chủ trương giảm thiểu đào tạo y dược ở các trường đa ngành nên chưa xem xét.
Trường đã xây dựng cơ ngơi khang trang với gần 80 tỉ đồng và tuyển dụng đội ngũ giảng viên nên tiếp tục đề nghị cả hai Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT cho phép đào tạo. Lãnh đạo bộ đã chỉ định các đơn vị thuộc hai bộ thẩm định trực tiếp. Điều kiện của trường đáp ứng như yêu cầu của Bộ Y tế và Bộ Y tế có công văn đồng ý cho mở ngành, nên lãnh đạo Bộ GD-ĐT ra quyết định để thực hiện xã hội hóa, trên cơ sở các điều kiện đảm bảo chất lượng đã được cơ quan quản lý ngành xác nhận".
Trước đó, ngày 17/11/2015, Bộ Y Tế đã có công văn gửi trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội do Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường ký.
Theo nội dung công văn, Bộ Y tế cho biết, bộ đã nhận được công văn số 397/BGH ngày 28/10/2015 của trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội về việc mở ngành đào tạo trình độ đại học các ngành Y đa khoa và Dược học.
Sau khi xem xét, Bộ Y tế ủng hộ trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mở ngành đào tạo trình độ đại học các ngành Y đa khoa và Dược học sau khi hoàn thiện các nội dung theo góp ý được ghi trong biên bản của đoàn thẩm định mở ngành Y đa khoa và Dược học tại trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội ngày 05/10/2015.
Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là một trường đào tạo đa ngành, đa cấp, đa hình thức. Hiện trường đào tạo 16 ngành nghề trình độ Đại học, thời gian đào tạo là 4 năm.
Với 2 ngành mới mở là Y Đa khoa và Dược trường đào tạo 6 năm.
Theo ông Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, với hai ngành học này, trường không xét tuyển theo học bạ mà dự kiến chỉ xét tuyển theo kết quả thi của kỳ thi THPT quốc gia. Mức điểm đăng ký xét tuyển thấp nhất là 20 điểm.
Học phí của ngành Y đa khoa là 50 triệu đồng/ năm, ngành Dược học là 25 triệu đồng/ năm.
Hiện tại, trường đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện giảng dạy. Nếu có thể, khóa đầu tiên của hai ngành học này sẽ được khai giảng vào đầu năm 2016.
Được biết, đội ngũ giảng dạy của trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội hiện nay gồm 1124 giảng viên cơ hữu, trong số đó, 130 có trình độ Tiến sĩ, Phó Giáo sư, và Giáo sư, 320 có trình độ Thạc sĩ, phần còn lại là Cử nhân, Kỹ sư. Ngoài giảng viên cơ hữu, Trường còn nhận được sự cộng tác của 300 giảng viên thỉnh giảng.
Ông Hóa cho biết thêm, giáo viên của 2 ngành Y, Dược là các giáo sư đầu ngành giảng dạy đều có chuyên môn sâu trong lĩnh vực, đã từng giảng dạy tại Trường ĐH Y Hà Nội và làm việc tại các bệnh viện của Hà Nội.
Hồng Hạnh
http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/truong-dh-kinh-doanh-va-cong-nghe-hn-duoc-dao-tao-nganh-y-khoa-duoc-2015112514483272.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.