Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

19/11/2015

Hai danh tướng cuối thế kỷ XVII trên đất Cao Bằng (bài Hoàng Triều Ân)

Hôm trước, đã có bài của con cháu chúa Trịnh viết về các chúa, ở đây.

Hôm nay là con cháu của các tướng quân họ Hoàng (dưới trướng chúa Trịnh) viết về tổ tiên của mình.

Bài trên báo Cao Bằng.

---




Chủ nhật 22/02/2015 07:00

Cuối thế kỷ XVII, ở Cao Bằng có hai tướng quân tận trung với triều đình nhà Lê, nổi danh bởi chiến tích đánh bại nhà Mạc ở Cao Bằng. Sau chiến thắng, theo lệnh triều đình đã dời thủ phủ trấn Cao Bằng (lập năm 1499) ở Cao Bình chuyển về Mục Mã (trung tâm thành phố Cao Bằng ngày nay). Đó là hai anh em ruột, hai danh tướng Hoàng Triều Ninh (1635 - 1707) và Hoàng Triều Hoa (1637 - 1705).
    Cuối thế kỷ XVII, hai tướng Hoàng Triều Ninh, Hoàng Triều Hoa vâng lệnh triều đình dời trấn lỵ Cao Bằng từ Cao Bình về Mục Mã, nơi chăn ngựa của quân Mạc, nay là trung tâm thành phố Cao Bằng.
    Sau khi đánh tan giặc Minh xâm lược, Lê Lợi lên ngôi vua năm 1428, lấy hiệu là Lê Thái Tổ, mở đầu vương triều Hậu Lê. Trong quá trình phát triển lịch sử, các thế lực phong kiến tranh giành quyền lực, Mạc Đăng Dung tiếm ngôi vua Lê (năm 1527), lập ra nhà Mạc, xưng là Mạc Thái Tổ. Tháng 6/1527, vua Lê chạy xuống phía Nam, nhà Mạc chiếm giữ vương triều ở phía Bắc được 66 năm. Đến năm 1592, nhà Hậu Lê trung hưng chiếm lại Đông Đô. Hậu duệ nhà Mạc lên đóng giữ các tỉnh miền núi phía bắc, đóng đô tại cố đô các vua chúa cũ ở Cao Bình (trấn Cao Bằng). Nhà Mạc củng cố vương triều, xây dựng một nhà nước có pháp luật, kỷ cương, mở mang dân trí, giáo dục được chăm sóc, bách nghệ phát triển, xây dựng một xã hội văn minh, có vai trò quan trọng trong công cuộc bảo vệ đất nước, mở mang bờ cõi.

    Năm 1625, vua Lê, chúa Trịnh cử Quận công Trịnh Kiều lên Cao Bằng dẹp Mạc, bắt được Mạc Kính Cung Càn Thống hoàng đế (1593 - 1625), mang về kinh đô giết. Sau đó Mạc Kính Khoan Long Thái hoàng đế là anh, con bác ruột của Cung, kế vị 15 năm (1625 - 1638) thì mất. Con Mạc Kính Khoan là Mạc Kính Vũ nối nghiệp xưng là Thuận Đức hoàng đế, từ năm 1638. Từ năm 1638 - 1666, vua Lê, Chúa Trịnh nhiều lần cử đại quân tiến đánh Cao Bằng, trong đó có lần Chúa Trịnh Tráng đích thân đưa quân lên dẹp nhà Mạc nhưng đều không thành công.

    Tháng 9 năm Đinh Mùi 1667, Chúa Trịnh Tạc thống lĩnh binh sĩ đi bình định Cao Bằng. Trịnh Tạc thân hành thống suất đại binh đi đường Lạng Sơn, hạ lệnh cho Tiết chế Trịnh Căn đốc suất các tướng và Tả thị lang Hoàng Triều Hoa đi đường Thái Nguyên. Thái phó Trịnh Đống, Thiếu úy Trịnh Kiền, Hoàng Triều Ninh, Lê Thời Hiến, Thiếu phó Trịnh Ốc, Đô đốc đồng tri Đinh Văn Tả và Lê Châu làm thống lĩnh, Thị lang Nguyễn Năng Thiệu, Lê Sĩ Triệt, Dương Hạo làm Đốc thị chia đường cùng tiến thẳng đến Cao Bằng. Đại binh đường Lạng Sơn lên đến Thất Tuyền đóng quân, khí thế oai hùng, cờ xí rợp trời. Đường Thái Nguyên, đại quân tiến lên đến Bó Lài, Bằng Khẩu hội quân. Mạc Kính Vũ được tin cấp báo biết tương quan lực lượng không thể chống lại, liền sang châu Tiểu Trấn Yên (Lưỡng Quảng) cầu cứu Tổng đốc nhà Thanh là Ngô Tam Quế. Trịnh Tạc cùng đại binh lên Cao Bằng, phủ dụ dân chúng, tiếp quản hàng binh, cắt cử quan lại cai trị.

    Sau khi Mạc Kính Vũ cầu cứu, tháng 01/1669, nhà Thanh đứng ra làm trung gian, cử đại quan sứ thần Lý Tiên Căn về Đông Đô, đòi vua Lê phải nhượng đất Cao Bằng cho Mạc Kính Vũ. Trịnh Tạc cùng quan quân chuẩn bị quay về. Tả thị lang Hoàng Triều Hoa, hiến kế: nhà Mạc chiếm đóng Cao Bằng đã 75 năm, trước sau triều đình nhà Lê phải thu phục giang sơn về một mối, nên cắt cử nhiều thám quan ở lại nắm tình hình các vùng đất để chờ dịp khác.

    Vua Lê, chúa Trịnh sau đó nhận được các tin báo, mới biết tường tận nhà Mạc ở Cao Bằng có nhiều chính sách lâu dài, ổn định chính trị, triều đình có nhiều quan lớn trông coi mọi mặt, bề thế một triều đại vua chúa, xây dựng Cao Bằng thành một nơi phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa. Lòng dân đều theo Mạc.

    Đến năm 1677, dưới triều vua Lê Hy Tông (niên hiệu Vĩnh Trị thứ 2) và chúa Trịnh Tạc là thời thịnh trị bậc nhất của thời Lê trung hưng, sau khi Tổng đốc Ngô Tam Quế nổi dậy chống nhà Thanh thất bại, Chúa Trịnh gửi thư cho nhà Thanh kể tội Mạc Kính Vũ giao hảo, cùng chí hướng với Ngô Tam Quế và xuất binh lên tiêu diệt nhà Mạc ở Cao Bằng.

    Tháng 2/1677 năm Đinh Tị, vua Lê chúa Trịnh giao tướng quân Đinh Văn Tả thống lĩnh quân năm trấn khởi binh lên tiễu phạt nhà Mạc ở Cao Bằng, giao cho Thái phó Nguyễn Hữu Đăng cùng Tả thị lang Hoàng Triều Hoa cầm quân đi đường Thái Nguyên, Đô đốc Đinh Văn Tả cùng Thiếu úy Hoàng Triều Ninh đi đường Lạng Sơn.

    Tháng 5/1677, Nguyễn Hữu Đăng cùng Hoàng Triều Hoa hội quân ở Bó Lài (Ngân Sơn), tiến quân vượt Pò Mò, Khau Mu (Bằng Khẩu, Bắc Kạn) xuyên đường rừng hạ đại đồn Khau Cút, Khau Đồn (Hà Đàm). Đăng muốn thừa thắng tràn sang sông nhưng chiến tuyến bờ tả sông Mãng Giang bền vững, không sao phá được đành chờ quân ở Lạng Sơn lên hợp lực.

    Cánh quân Đinh Văn Tả cùng Hoàng Triều Ninh theo đường Lạng Sơn, đến tháng 5/1677 mới lên đến Thất Tuyền. Đại quân từ Thất Tuyền vượt suối, hạ cờ, im chiêng trống, bí mật vào địa phận Xuất Tính, châu Thạch Lâm, Cao Bằng, nửa đêm đánh úp diệt gọn đại đồn Mục Mã. Vua Mạc nghe tin đại đồn mạnh nhất Mục Mã thất thủ, bèn ra lệnh đại đồn tiền tiêu Khau Yắm (Kỳ Sơn) bằng mọi cách chặn đứng quân Lê - Trịnh. Nhờ có thám báo gài lại từ trước dẫn đường, cánh quân Lạng Sơn vượt Hoằng Ngà, xuyên rừng bí mật tiến thẳng lên Tượng Cần đánh đại đồn Khau Yắm, binh sĩ dọc bờ sông hạ vũ khí đầu hàng.

    Cùng lúc, quân Đăng và Hoa liên lạc được với cánh quân Tả và Ninh; Đinh Văn Tả bày ra kế sách tấn công mới, bắc nhiều cầu phao chia quân vượt sông đánh tan chiến tuyến bờ tả Mãng Giang, hướng tới vương phủ Cao Bình (Bản Phủ). Ở mạn phía Đông, quân Tả và Ninh đã hạ xong đại đồn Đống Lân (Vu Thủy).

    Túng thế, các tướng nhà Mạc phò giá nhà vua bí mật chạy về mạn Phúc Sơn, cứ điểm lũng Đông Đăm (trên núi đá Phúc Tăng - sau này có tên là Lũng Hoàng) đã được chuẩn bị từ trước. Đồng thời, tổ chức nghi binh cho quân từ Cao Bình hộ tống có lọng vàng, kiệu rồng chạy về hướng bắc Nà Vẩư. Quân Ninh đuổi đến Đà Lạn mới bắt được, chúng khai vua Mạc đã về núi Phúc Tăng.

    Mạc Kính Vũ vẫn chỉ huy quan quân kịch liệt chống lại nhà Lê, nên hợp quân của hai đạo quân Đăng - Hoa và Tả - Ninh không thể tấn công được thành Na Lữ. Đinh Văn Tả phải về kinh đô cầu thêm viện binh và lương thảo. Tháng 7/1677, quân nhà Lê mới hạ xong thành Na Lữ, thu phục đồn Khau Thước cùng đại đồn Háng Quang (Hà Gian). Tiếp đó, tiến quân lên phương Bắc đánh đại đồn Vỏ Mjủc (Hòa Mục, Đôn Chương) .

    Hoàng Triều Hoa chia quân cùng Nguyễn Hữu Đăng vây quanh dãy núi đá Phúc Tăng, lũng Đông Đăm nơi vua Mạc đang cố thủ. Quân Mạc bố trí nhiều cứ điểm cùng dàn đá, quân Lê - Trịnh khó tấn công, nên dàn quân bao vây rất lâu ngày mà không tiến quân được. Quân thám báo gài lại từ năm 1667 không ai để tâm nên không thông thuộc vùng núi đá này. Hoa cùng Đăng trực tiếp gặp các lão nông địa phương tìm hiểu các đèo, lũng, cùng những nơi quân Mạc có thể đặt dàn đá. Khi đã định ngày, quân Đăng tiến lên Đông Đăm, quân Hoa tránh đường đèo Lũng Mò có dàn đá, leo đường dốc đứng lên ngọn núi Tềnh Dẻ (Phja Nghiều - Nghiêu Sơn) sừng sững, sang Lũng Tôn, Lũng Nọi vào sâu sào huyệt quân Mạc, phá tan căn cứ vua Mạc ở Đông Đăm. Mạc Kính Vũ chạy theo Lũng Lại, lên Lũng Đẩy, Bó Hoài, khẩn cấp lập thành quách ở Bó Hoài. Hoàng Triều Hoa phục kích đón đánh ở đèo Lũng Tôn nhưng không thể truy kích vì địa hình hiểm trở. Đóng trên thành Bó Hoài, bị Hoàng Triều Hoa bao vây tấn công, núng thế Mạc Kính Vũ đóng giả nhà buôn cùng vài tâm phúc xuống núi, lên thuyền về thành Phục Hòa đã dựng xây từ trước; quan quân ở Bó Hoài theo đường Tốc Rù đi Kỳ Chỉ tìm đường về Phục Hòa.

    Cánh quân Đinh Văn Tả cùng Hoàng Triều Ninh được tin bèn truy kích theo hướng Phục Hòa. Quân Mạc đã vào thành, Tả cùng Ninh phải đóng quân ở Tiên Dao, Phiêng Gọn, Mủng Thiên. Một thời gian sau, quân Tả và Ninh tấn công thành Phục Hòa. Vua Mạc Kính Vũ chạy sang Long Châu bên nhà Thanh.

    Đại quân Lê - Trịnh do Đinh Văn Tả thống lĩnh đánh Cao Bằng đã thu lại toàn trấn gồm bốn châu: Thạch Lâm, Quảng Nguyên, Thượng Lang, Hạ Lang. Vùng đất Cao Bằng trở lại thanh bình, đất nước quy về một mối dưới triều vua Lê, chúa Trịnh. Nguyễn Hữu Đăng và Đinh Văn Tả được triệu về kinh đô trọng thưởng. Hoàng Triều Ninh được phong là Thắng Quốc công, cấp đất thái ấp vùng Xuân Lĩnh cùng vương phủ Cao Bình, giữ chức Thống lĩnh quân cơ toàn trấn Cao Bằng, đóng ở thành Na Lữ. Hoàng Triều Hoa được phong Phúc Quốc công, cấp thái ấp vùng Phúc Tăng và giữ chức Trấn thủ (có lúc gọi là tổng trấn) Cao Bằng, đóng dinh ở vương phủ Cao Bình.

    Một thời gian sau, quan quân ốm bệnh nhiều, triều đình cho là đất Cao Bình thủy thổ không thuận lợi, cho dời trấn lị về Mục Mã (nơi chăn ngựa của quân Mạc, nay là trung tâm thành phố Cao Bằng). Tổng trấn Hoàng Triều Hoa hoàn thành nhiệm vụ di dời thủ phủ của trấn Cao Bằng. Hoàng Triều Ninh thống lĩnh quân cơ toàn trấn hành quân về đóng ở đại đồn Mục Mã trên ngọn đồi liền dải với phố Lương Mã (do Quỳ Quận công đốc một vạn quân xây lại đại đồn xưa). Hoàng Triều Hoa làm Tổng trấn ba năm, bị ốm yếu do bệnh tật, năm 1681, xin cáo quan về Phúc Tăng, sống cảnh điền viên.

    Về Phúc Tăng, Hoàng Triều Hoa chữa bệnh bằng thuốc thảo dược kinh nghiệm địa phương một thời gian thì khỏi, ông mở hội các lão nông bàn chuyện làm ăn, ai cũng kêu đời sống thấp kém. Ông mời các cụ cùng hiến kế, định thời gian khởi công làm đập chắn nước ở Pác Ngườm để nước dâng cao chia thành hai ngả tây bắc và đông nam dẫn nước tưới khắp các cánh đồng Phúc Tăng. Đắp đập Phai Ngưởc (đập Thuồng Luồng) dẫn nước về tưới xứ đồng mênh mông Yên Ninh, Cối Khê. Động viên nhân dân chăn nuôi đại gia súc, thả ở Lũng Mò và Lũng Hoài, thí điểm nuôi dê trên núi đá ở Roỏng Tém. Các bản, làng đều mở lớp học, ai cũng được học hành; cho trai tráng khỏe mạnh tu sửa lại Dẻ Nghiều, trên núi Nghiêu Sơn, Dẻ Gủp trong thung lũng Ngưu Sơn, Dẻ Đoóng ở Yên Ninh phòng bị có loạn sẽ có nơi bảo vệ súc vật và dân chúng cho cả vùng rộng lớn Thạch Lâm.

    Phúc Quốc công Hoàng Triều Hoa quê gốc Thanh Hoa trấn, Tống Sơn phủ, Gia Miêu trang, mang nền văn minh miền xuôi lên miền núi dạy dân làm ăn, dạy dân các nghi lễ cưới xin, ma chay. Dạy dân Phúc Tăng bỏ nhà sàn, dựng nhà như miền xuôi thuận tiện, nhà nào cũng có giường trước bàn thờ như sập gụ dưới xuôi; quần áo được cải tiến bớt luộm thuộm, tay áo chẽn gọn gàng. Một cuộc sống văn minh mở ra một vùng và lan truyền trong toàn trấn Cao Bằng, dần trở thành thuần phong mỹ tục...

    Con cháu tướng quân Hoàng Triều Hoa đều thông minh, học giỏi, ba thế hệ nối tiếp Hoàng Phúc Hội (1660 - 1718), Hoàng Đức Giao (1688 - 1752), Hoàng Ân Tương (1713 - 1787) đều được phong Cao trấn quận công thế tập. Thế hệ thứ năm Hoàng Ích Hoành (1740 - 1788) là Lê triều Điện tiền chỉ huy sứ.

    Thắng Quốc công Hoàng Triều Ninh sáng nghiệp Xuân Lĩnh - vương phủ Cao Bình. Các hậu duệ phát triển ngày càng rộng ở quê cũ Vò Đạo, rồi Khau Hân, Khau Lừa, Mục Mã và Lạng Sơn… đều là họ Hoàng gốc Phúc Tăng (bởi con Quốc công Hoàng Triều Ninh là Hoàng Phúc Sưởng vốn là con của Quốc công Hoàng Triều Hoa, nay nhận về làm con thừa tự). Hậu duệ của họ Hoàng gốc Phúc Tăng được đặt họ tên có chữ đệm ở giữa là Triều, Phúc, Ích, Đức, Ân, Diệu, Quang, Huy.

    Danh tướng Hoàng Triều Hoa qua đời năm 1705, nhà vua phong làm Thành hoàng, cho nhân dân lập đền thờ Phúc Tăng linh từ, hằng năm xuân, thu cúng tế. Mộ tướng quân đặt nơi đắc địa, phía trước có chòm đá tự nhiên như non bộ, chỗ dựa đằng sau là ngọn núi Lam (Khau Khiêu) bền vững, mảnh đất đó là Cốc Lùng, xã Phúc Tăng. Mộ danh tướng Hoàng Triều Ninh ở Đông Xâu, cùng liền dải núi với mộ danh tướng Hoàng Triều Hoa.

    Bước sang thế kỷ XXI, thế hệ hậu duệ thứ 11 của họ Hoàng đã trùng tu ngôi mộ tướng quân Hoàng Triều Hoa bề thế, định kỳ tảo mộ, các con cháu họ Hoàng gốc Phúc Tăng từ các địa phương về dâng hương, tưởng nhớ công lao của các vị danh tướng đã có công bình định và bảo vệ, xây dựng vùng biên cương Tổ quốc.
    Hoàng Triều Ân


    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét

    Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

    LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

    Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.