Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

14/11/2015

Chùa cổ Chân Tiên ở Hà Nội

Đang trên đường du lãng các nơi, trong đó có chùa cổ Chân Tiên.

Dưới là những tư liệu hàng ăn nhanh, thấy trên mạng.

---


3.

Chùa Chân Tiên

   
8
 
0
Chia sẻ 
Cổng tam quan chùa Chân Tiên
Chùa Chân Tiên ở số nhà 151 phố Đà Triệu, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng – thành phố Hà Nội.

Lịch sử

Theo truyền thuyết, chùa Chân Tiên dựng vào đời vua Lý Thánh Tông (thế kỷ XV), hồi đó chùa có tên là chùa Báo Thiên ở thôn Tiên Thị (khu vực Nhà Thờ Lớn). Đến thế kỷ XVIII ; chùa bị di rời ra thôn An Phụ (khu vực Hỏa Lò) lấy tên là Chân Tiên nhằm giữ lại địa danh gốc của chùa ở thôn Tiên Thị, giáp thôn Chân cầm. Khi thực dân Pháp xây trại giam Hỏa Lò đã chuyển chùa Chân Tiên đến phố Bà Triệu. Theo báo Hà Nội Mới thì: trước đó chùa có tên là chùa Báo Thiên ở thôn Tiên Thị và giáp thôn Chân Cầm. Đến thế kỷ 18, chùa bị di rời ra thôn An Phụ và lấy tên là Chân Tiên nhằm giữ lại địa danh gốc của chùa.

Kiến Trúc

Chùa đã sửa chữa một số lần. Chùa quay mặt về hướng Tây, Tam quan chùa sát đường Bà Triệu. Bên trong có Tam Bảo, Nhà thờ tổ, Nhà thờ Quan Thế Ằm, Điện mẫu, trai phòng, vườn tháp nhà tưởng niệm anh hùng liệt sĩ. Chùa vẫn giữ được một số mảng chạm khắc trên kiến trúc, tượng, di vật, đồ thờ tự, đồ tự khí, mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 18, 19. Hiện có 40 pho tượng tròn được tạo tác từ cuối thời Lê đến đầu thế kỉ 20. Ngoài ra cũng còn lại một số đồ quý khác như một bộ ván in gồm 237 bản khắc kinh lăng gia tâm ấn và một quả chuông đồng đúc vào thời Mạc.
Trong chùa còn giữ được một số mảng chạm khắc trên kiến trúc, tượng, di vật, đồ tự, đồ tự khí mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII, XIX.
Chùa đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử, nghệ thuật ngày 2-3-1990.


http://www.hanhtrinhtamlinh.com/chua-chan-tien/


2.


Chùa Chân Tiên (Phúc Lâm tự)

Thứ sáu - 27/06/2014 21:59

Chùa Chân Tiên tên chữ Phúc Lâm tự, là một ngôi chùa cổ được dựng vào khoảng thời Lý; nay ở số 151 phố Bà Triệu, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, tp Hà Nội. Toạ độ: 21°0’50"N 105°50’58"E, gần bến xe bus 08, 31, 35, 38; cách Hồ Gươm chừng 2km. Năm 1990 chùa được xếp hạng di tích lịch sử - nghệ thuật.

Chùa Chân Tiên nhìn từ vệ tinh
Theo truyền thuyết, chùa vốn được dựng vào đời vua Lý Thánh Tông (thế kỷ 12). Ngoài ra còn có một giả thiết lịch sử về sự liên quan của di tích chùa này đến hội thề Đông Quan năm 1427 giữa vua Lê Lợi và hàng tướng Vương Thông, tư lệnh chỉ huy quân xâm lược nhà Minh.
Vườn tháp và cửa ngách bên trái vào sân sau chùa Chân Tiên. Photo NCCong ©5-2014
Ban đầu chùa có tên là Báo Thiên, toạ lạc trên một mảnh đất giữa hai thôn Tiên Thị (chợ Tiên) và Chân Sơn Minh Cầm (tức Chân Cầm), thuộc tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương, phủ Phụng Thiên của Thăng Long (vị trí khu vực Nhà Thờ Lớn hiện nay).
Đến thế kỷ 18 chùa Báo Thiên bị di rời tới thôn An Phụ tức Phụ Khánh, tổng Tiền Nghiêm (khoảng phố Thợ Nhuộm - Lý Thường Kiệt ngày nay). Vào thời chúa Trịnh, chùa là nơi thờ Tống Thiên Thần vương, một người đã giúp Trịnh Liễu đặt quý địa. Theo báo Hà Nội Mới thì chùa được đổi tên là Chân Tiên nhằm ghi nhớ nguồn gốc từ hai thôn Tiên Thị và Chân Cầm.
Cuối thế kỷ 19, khi lấy đất xây Toà án và trại giam Hỏa Lò, thực dân Pháp đã chuyển chùa Chân Tiên và đình Phụ Khánh về phía nam đến đất làng Thể Giao (tức Thái Giao) cũng thuộc tổng Tiền Nghiêm cũ. Thành phố Hà Nội dần dần mở rộng, phố Bà Triệu được kéo dài về phía nam và chạy qua đây. Đình và chùa cố định ở đó cho đến nay.


Cửa ngách bên phải vào sân sau chùa Chân Tiên. Photo NCCong ©5-2014
Chùa Chân Tiên quay mặt về hướng tây, tam quan cùng hai cổng phụ đều mở ra phố Bà Triệu. Kiến trúc chùa theo lối “nội công ngoại quốc”. Sau tam quan với gác chuông là sân trước, bên phải nhà tưởng niệm liệt sỹ. Tiền đường rộng 5 gian và hậu cung hình chuôi vồ có các điện thờ Tam bảo, thờ Quan Âm, thờ Mẫu; hai bên có cửa ngách vào sân sau, thông với hai hành lang và nhà thờ Tổ, vườn tháp mộ.
Ban thờ Tổ của chùa Chân Tiên. Photo ©NCCong 5-2014
Chùa vẫn giữ được một số mảng chạm khắc trên kiến trúc, tượng, di vật, đồ thờ tự, đồ tự khí, mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 18, 19. Hiện có 40 pho tượng tròn được tạo tác từ cuối thời Lê đến đầu thế kỉ 20. Ngoài ra cũng còn lại một số đồ quý khác như một bộ ván in gồm 237 bản khắc kinh lăng gia tâm ấn và một quả chuông đồng đúc vào thời Mạc.
Trích phù điêu ở đầu hồi tiền đường chùa Chân Tiên. Photo NCCong ©5-2014
Trong chùa Chân Tiên có một đôi câu đối tương truyền do chính vua ban, trong đó nêu tên cả đình lẫn chùa:
“Chân Phật xuất linh quang pháp giá tùy lâm giai lạc cảnh
Tiên nhân tằng phụ khánh gia danh triệu tích tự hoàng ân”

Hậu đường với gác chuông chùa Chân Tiên. Ảnh: C©NCCong 5-2014
Ngày 2-3-1990, chùa Chân Tiên và đình Phụ Khánh (cùng trong một cụm di tích tại 151 phố Bà Triệu) đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử - nghệ thuật. Chùa đã được trùng tu, xây lại nhiều lần. Trụ trì hiện nay là sư thầy Đàm Luận.
Tham khảo: Hà Nội - Di tích lịch sử và danh thắng. Chủ biên: Doãn Đoan Trinh, Trung tâm Unesco bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Việt Nam, xb năm 2000, tr 92-94.

http://vanhien.vn/vi/news/vat-the/Chua-Chan-Tien-Phuc-Lam-tu-7430/


1.


Hành trình của chùa cổ Chân Tiên
QĐND - Chủ Nhật, 16/05/2010, 15:3 (GMT+7)
Lịch sử 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, được dân gian lưu truyền qua những truyền thuyết, sự tích ở những di tích đền, đình và chùa cổ còn lại ở Hà Nội. Sự tích chùa Chân Tiên ở phố Bà Triệu đã minh chứng thêm về lịch sử vùng đất linh thiêng này...
Tam quan chùa Chân Tiên.  Ảnh: Thiện Tâm
 Chùa Chân Tiên (Phúc Lâm tự) ẩn mình sau những hàng cây cổ thụ um tùm, tường rào cao che kín mít nằm ở cuối phố Bà Triệu. Nguồn gốc chùa được được ghi lại cụ thể trên bảng đồng, treo trên tường chùa: "Tên chùa là sự ghép hợp giữa hai tên cổ là thôn Chân Cầm và quán Chúng Tiên, thành chùa Chân Tiên. Chùa xưa được dựng vào thời Lý Thánh Tông (thế kỷ XII), tại thôn Chân Cầm, huyện Thọ Xương (nay là phố Lý Quốc Sư, Hà Nội). Thời nhà Lý, chùa có tên gọi là chùa Báo Thiên, ở thôn Tiên Thị, có tháp Báo Thiên cao nổi tiếng nhất kinh thành Thăng Long. Đến thời nhà Trần, chùa bị đổ nát (theo Truyền kỳ mạn lục-Nguyễn Du), nên chùa chuyển về thôn Phú Khánh, huyện Thọ Xương (nay thuộc khu vực phố Hỏa Lò)...".
Chuyện xưa truyền lại, năm Đinh Dậu 1057, vua Lý Thánh Tông đi đánh giặc Chiêm Thành trở về, cho xây dựng một ngôi chùa lớn ở cạnh hồ Lục Thủy (hồ Hoàn Kiếm) ở mé trong đê. Để ghi lại chiến công, chùa được đặt tên là Sùng Khánh, có tháp cao 12 tầng gọi là "Đại thắng Tư Thiên Bảo tháp". Lý Thánh Tông đã phát 12.000 cân đồng để đúc chuông chùa. Sau khi dựng xong chùa và tháp, mỗi lần thỉnh (đánh) chuông, tiếng chuông ngân vang bay xa. Chùa Sùng Khánh được lưu danh lại đến đời sau, vì có ngọn tháp cao, trở thành biểu tượng cho thành Thăng Long và đạo Phật phồn thịnh thời Lý-Trần. Nhà văn Phạm Sư Mạnh đời Trần có bài thơ hay về tháp Báo Thiên: "Trấn áp đông tây giữ vững kinh kỳ/ Ngọn tháp sừng sững trời vượt hẳn lên/ Chiếc cột chống trời đứng đó làm non sông yên ổn/ Như mũi dùi trên đất xưa chẳng hề mòn". Người đời sau quen gọi tháp Báo Thiên và chùa Sùng Khánh thành chùa Báo Thiên.
Thời kỳ quân Minh chiếm đóng thành Đông Quan, tướng giặc Vương Thông bị nghĩa quân Lam Sơn vây hãm chặt trong thành, chúng đã phá chùa chiền trong thành, vơ vét chuông khánh đồng để đúc binh khí chống lại quân ta. Tháp và chùa Báo Thiên bị phá hủy, chuông bị mất (theo "Hà Nội đầu thế kỷ XX", trang 543, tác giả: Nguyễn Công Uẩn).
 Đến năm 1427, cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Minh do Lê Lợi và Nguyễn Trãi lãnh đạo thắng lợi, tướng Vương Thông nhà Minh phải đầu hàng, xin làm Hội thề Đông Quan để rút quân về nước. Ngày 10-12-1427 (tức ngày 22 tháng 11, Đinh Mùi), tại một địa điểm ở phía Nam thành Đông Quan, bên bờ sông Nhị (nhiều giả thuyết cho rằng địa điểm hội thề diễn ra tại chùa Chân Tiên, thôn Phú Khánh, thành Đông Quan). Lê Lợi cùng Tổng binh quan nước Minh là Vương Thông, cùng nhiều tướng giặc tham dự hội thề. Vương Thông cam kết rút hết quân về nước, không dám chờ đợi viện binh, trên đường rút quân không cướp bóc nhân dân. Về phía ta, Lê Lợi bảo đảm tha cho quân địch được an toàn tính mạng về nước, đối với triều Minh sẽ có biểu cầu phong... (Đại Việt sử ký toàn thư, trang 63).
Sau ngày chiến thắng quân Minh, vua Lê Thái Tổ đã tự tay viết 4 chữ vàng "Nam phu Nguyên Khánh" để tặng chùa. Năm Giáp Dần 1434, vua Lê Thái Tông mở mang khu vực hồ Lục Thủy, sai thợ khéo tay dựng lại chùa Báo Thiên, nơi tháp đổ không xây dựng lại. Đến cuối đời nhà Lê, chùa cũng bị đổ nát vì không được tu sửa, nền tháp cũ trở thành nơi họp chợ của dân phường Báo Thiên. Đến thời kỳ đầu Pháp thuộc (vào khoảng năm 1884), khu vực chùa Báo Thiên bị phá đi để xây dựng Nhà thờ Lớn, nên chùa di chuyển về khu vực Hỏa Lò. Dưới thời nhà Nguyễn (năm 1888), chùa lại di chuyển để lấy đất xây dựng nhà tù Hỏa Lò, vì thế chùa Chân Tiên chuyển về làng Thể Giao, nay là địa chỉ số 151, phố Bà Triệu, Hà Nội.
 Chùa hiện còn lưu giữ câu đối: "Chân Phật xuất linh quang, pháp gia tùng lâm giai lạc mới" và "Tiên nhân tăng phu Khánh, gia danh triệu tích tụ hoàng ân", một bộ ván kinh quán lăng gia tâm ấn, một quả chuông đồng đúc thời nhà Mạc. Cụm di tích chùa Chân Tiên và đình Phú Khánh (cùng ở trong khuôn viên chùa) được nhà nước công nhận là di tích lịch sử-văn hóa năm 1990. Chùa tồn tại một giả thuyết về sự kiện lịch sử liên quan đến di tích Hội thề Đông Quan năm 1427! Trong khi chờ đợi các nhà sử học khẳng định chính xác địa điểm nơi diễn ra Hội thề, nhân dân các nơi vẫn tìm về chùa Chân Tiên, dâng hương tưởng nhớ chiến thắng hào hùng, chống quân xâm lược và giải phóng thành Đông Quan.
Anh Nam
http://ct.qdnd.vn/cuoituan/vi-vn/91/68/74/74/74/111854/default.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.