Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

11/10/2015

Nguyễn Hiến Lê với độc giả hôm nay (1) : Những ý kiến phê phán

Phê bình Nguyễn Hiến Lê, theo tôi là hoàn toàn bình thường. Bởi đơn giản ông là một tác giả, một học giả để lại nhiều tác phẩm có ảnh hưởng trong giới học thuật và bạn đọc phổ thông từ khoảng thập niên 1960 đến nay, mà thế, góc nhìn khác nhau về ông cùng tồn tại là bình thường.

Bản thân ông, trong hồi kí và các tác phẩm từng mong ước: khoảng 50 năm sau khi Nguyễn Hiến Lê mất đi, mà sách ông viết vẫn chưa lạc hậu.

Bản thân tôi có hai bài viết về Nguyễn Hiến Lê từ trước năm 2000, đều ở dạng viết tay dài và chưa kết thúc, bởi vậy cũng chưa từng công bố.

Hôm nay, là đi bài của những người khác. Đầu tiên là các bài phê phán.
---



TƯ LIỆU




Trần Thế Kỷ (VNTB) Nguyễn Hiến Lê là một học giả. Những bộ sách phong phú do ông biên soạn là một đóng góp đáng kể cho văn hóa nước nhà. Không ai phủ nhận công lao của ông. Nhiều người xem Nguyễn Hiến Lê là một học giả có tư cách. Thế thì tư cách đó có đáng ngờ hay không?

Chúng ta hãy đến với bộ Lịch sử Thế giới của Nguyễn Hiến Lê. Ông kể rằng:

“Một chuyện đáng ghi là vì bộ đó mà năm 1956 chúng tôi bị một độc giả mạt sát là đầu óc đầy “rác rưởi” chỉ vì chúng tôi có nhắc qua đến thuyết của Darwin về nguồn gốc loài người. Chằng cần nói ai cũng biết độc giả đó là tín đồ nào.

Nhà văn Nguyễn Hiến Lê (bên trái).
Sau một linh mục ở Trung yêu cầu Bộ Giáo dục cấm bán và tịch thu hết bộ sử đó vì trong cuốn II về thời Trung cổ, chúng tôi có nói đến sự bê bối của một vài Giáo hoàng. Bộ phái một viên bí thư có bằng cấp cử nhân lại tiếp xúc với tôi. Ông này nhã nhặn, khen tôi viết sử có nhiệt tâm cho nên đọc hấp dẫn như đọc bộ sử Pháp của Michelet ; rồi nhận rằng sách tôi được Bộ Thông tin cho phép in, lại nạp bản rồi thì không có lý do gì tịch thu, cấm bán được, chỉ có thể ra thông báo cho các trường học đừng dùng thôi, cho nên ông ta chỉ yêu cầu tôi bôi đen vài hàng trên 2 bản để ông ta đem về nộp Bộ. Bộ sẽ trả lời nhân vật Công giáo nào đó, còn bán thì cứ bán, không ngại gì cả. Tôi không muốn gây chuyện, chiều lòng ông ta.

Hồi đó bộ Lịch sử Thế giới của chúng tôi chỉ còn một số ít. Tôi hỏi các nhà phát hành, được biết có lệnh cấm các trường học ngoài Trung dùng nó, ở trong Nam thì không. Chỉ ít tháng sau bộ đó bán hết tôi không tái bản. Mãi đến sau khi chính quyền họ Ngô bị lật đổ, nhà Khai Trí mới xin phép tôi để in lại. Hơn một chục năm sau một giáo sư ở Huế vô thăm tôi, hỏi: “Tại sao hồi đó ông không làm đơn trình bày rằng ông đã dùng sách nào để viết về các Giáo hoàng thời Trung cổ đó rồi xin cho bộ sử của ông được dùng trong các trường. Tôi đáp: “Tôi xin làm gì? Không khi nào tôi làm công việc đó”. 

Sau ngày Giải phóng năm 1975, giáo sư đó lại thăm tôi lần nữa, bảo:”Tôi phục phương pháp biên soạn và tư cách của ông (NHL) từ hồi đó”. (Hồi Kí Nguyễn Hiến Lê trang 354-355, NXB Văn học, 1993).

Với những lời lẽ như trên, Nguyễn Hiến Lê đã gián tiếp cho mọi người nghĩ ông là người có tư cách trong việc viết sách cũng như ở ngoài đời. Chưa nói tới từ Giải phóng thiếu khách quan mà Nguyễn Hiến Lê dùng, căn cứ vào những gì ông vừa kể, nhiều người lại cho rằng ít ra thì ông cũng phải liệt kê sách của các tác giả mà ông tham khảo để viết ra chương về các Giáo Hoàng thời Trung cổ cũng như toàn bộ quyển Lịch sử Thế giới. Nhưng Nguyễn Hiến Lê lại không liệt kê gì cả thể như quyển sử này là do ông ta sáng tác. Lịch sử đâu phải là tiểu thuyết để mà sáng tác.

Cũng trong bộ Lịch sử Thế giới của Nguyễn Hiến Lê, người đọc không ít lần có thể nhận thấy tư cách thực của ông ta. Xin đơn cử phần viết về cuộc Nội chiến Tây Ban Nha. Trong cuộc tuyển cử tháng Hai năm 1936, Mặt trận Bình dân giành được đa số ghế trong Quốc hội. Đây là một liên minh gồm đảng Xã hội và các đảng Cộng Hòa, đảng Liên minh Cộng Hòa, đảng Cộng sản Tây Ban Nha... Mặt trận Quốc gia về thứ hai. Thủ lĩnh của đảng Xã hội, Largo Caballero, được báo Sự Thật của Liên Xô gọi là “Stalin của Tây Ban Nha”. Ông ta tuyên bố cách mạng là điều không tránh khỏi. Cái mà ông ta gọi là cách mạng chính là biến Tây Ban Nha thành một “Cộng Hòa Nhân Dân” kiểu Liên Xô. Nổi bật trong thời kỳ này là Calvo Sotelo, thủ lĩnh của nhóm đối lập trong Nghị viện. Ông cực lực chống lại sự khủng bố tôn giáo, sự xung công tài sản và những cải cách ruộng đất vội vã mà ông cho là sặc mùi Bolshevik. Việc ông bị ám sát vào tháng Bảy năm 1936 đã châm ngòi cho Nội chiến. Bao hằn thù dân tộc giờ chỉ có thể giải quyết bằng súng đạn, một mất một còn...

Khởi đầu từ năm 1936 và kết thúc vào năm 1939 với thắng lợi của phe Quốc Gia do tướng Franco đứng đầu, Nội chiến Tây Ban Nha là một cuộc chiến vô cùng đẫm máu. Sự thảm bại của phe Cộng Hòa đã khiến Tây Ban Nha không trở thành một nước Cộng Hòa Nhân Dân. Bối cảnh tiểu thuyết “Chuông Nguyện Hồn Ai” của E.Hemingway chính là cuộc chiến này.

Thế thì Nguyễn Hiến Lê đã viết gì về cuộc Nội chiến Tây Ban Nha? Xin thưa, chỉ là những dòng rất sơ sài, không xứng với tầm vóc cuộc chiến này. Điều nực cười là nhẽ ra phải gọi đúng tên hai phe là Cộng Hòa và Quốc Gia, thì Nguyễn Hiến Lê lại gọi là phe Phát xít và phe Cộng sản! Sử sách không phải là nơi muốn viết gì thì viết. Ông ta gọi phe Quốc Gia do tướng Franco đứng đầu là phát xít nhưng lại không có bất kỳ dẫn chứng nào để chứng tỏ điều đó. Không thể vì phe này được Đức, Ý ủng hộ mà Nguyễn Hiến Lê có quyền gọi nó là phát xít (phe Cộng Hòa thì được Liên Xô trợ lực). Cũng vậy, trong khi gọi tướng Franco là nhà độc tài thì Nguyễn Hiến Lê lại không hề đưa ra bất kỳ dẫn chứng nào để chứng minh Franco là nhà độc tài. Viết sử như thế là ấu trĩ, khiến nhiều độc giả có cảm tưởng đó là một đứa trẻ tập viết sử. Nhưng Nguyễn Hiến Lê không phải là đứa con nít. Viết như vậy, Nguyễn Hiến Lê đã tõ ra là kẻ có ác ý. 

Trong quyển “Chuông Nguyện Hồn Ai”, Ernest Hemingway dù xem phe Cộng Hòa là chính nghĩa vẫn có những dòng viết về một nhóm Cộng Hòa đã đánh tất cả các thành viên nam giới của phe Quốc Gia bằng những chiếc đập lúa rồi vất xác họ qua vách núi. Tất nhiên Nguyễn Hiến Lê cũng biết rằng chỉ những kẻ thù ghét Franco mới gọi Franco là độc tài, phát xít. Còn những ai yêu mến Franco thì xem ông ta là anh hùng dân tộc của Tây Ban Nha. Nhưng phàm đã viết sử thì phải khách quan, không được ngả về bên nào. Nguyễn Hiến Lê lại cố tình (không thể nói là vô tình) quên điều sơ đẳng này và trở thành một kẻ viết sử không đàng hoàng, không chân chính. Viết như thế có thể lừa được những kẻ ngu ngơ nhưng không lừa được những người tỉnh táo. Nếu có ai bỗng dưng gọi Nguyễn Hiến Lê là tên độc tài, phát xít thì thế nào ông ta cũng la toáng lên : “Bằng chứng đâu? Quân vu khống!”

Theo tôi, hai chữ vu khống là rất thích hợp để gọi chính Nguyễn Hiến Lê. Những ai còn xem Nguyễn Hiến Lê là học giả có tư cách thì có lẽ nên nghĩ lại. 

Tư cách Nguyễn Hiến Lê là rất đáng ngờ. 

Đời luôn có những chuyện tưởng vậy mà không phải vậy.

http://www.ijavn.org/2015/09/vntb-tu-cach-ang-ngo-cua-nguyen-hien-le.html



2. Bài 2

Trần Đức Lâm (VNTB) Tuần trước người bạn thân của tôi là Trần Thế Kỷ đã có đăng bài “Tư Cách Đáng Ngờ của Nguyễn Hiến Lê  trên Việt Nam Thời Báo . Hôm nay để góp phần làm sáng tỏ hơn con người thật của Nguyễn Hiến Lê, tôi xin có bài viết này hầu giúp bạn đọc thấy được sự cẩu thả của ông ta trong việc viết lách.

Nguyễn Hiến Lê có phải là một dịch giả hay học giả nghiêm túc như nhiều người lầm tưởng.?

Tính ra cho tới khi qua đời, Nguyễn Hiến Lê đã dịch hoặc biên soạn hơn một trăm đầu sách. Đa số là dịch, trong đó có quyển “Lịch sử văn minh Trung Hoa” của Will Durant, một học giả Mỹ rất am hiểu Trung Hoa. Tôi không có nguyên tác tiếng Anh nên không rõ nó có được Nguyễn Hiến Lê dịch nghiêm túc hay không. Nhưng chỉ qua kiểu dịch thơ chiếu lệ của Nguyễn Hiến Lê trong quyển này, có thể thấy ông ta không mấy tôn trọng độc giả. Ngạn ngữ phương Tây có câu: “Dịch là phản”. Câu này không hẳn đúng với tất cả các dịch giả nhưng chắc chắn là đúng với Nguyễn Hiến Lê !


Xin đơn cử 3 bài thơ xuất hiện trong “Lịch sử văn minh Trung Hoa”. Cả ba đều là những danh tác của văn chương Trung Hoa. Không ai đòi hỏi Nguyễn Hiến Lê phải có tài dịch thơ nếu như ông ta không có khả năng đó. Nhưng người đọc có quyền đòi hỏi dịch giả phải cống hiến cho họ bản dịch tốt nhất như có thể. Trường hợp này nếu nhắm chừng không thể dịch nổi thì Nguyễn Hiến Lê có thể nhờ đến các bản dịch hay sẵn có của các dịch giả Đường Thi uy tín như Trần Trọng Kim, Tản Đà, Ngô Tất Tố …

Đáng tiếc là Nguyễn Hiến Lê lại không có suy nghĩ như thế. Ông ta không hề tôn trọng tác giả lẫn độc giả. Hậu quả là độc giả chỉ nhận được những bản dịch kém cỏi tựa như củ khoai sùng. Chúng ta hãy xem Nguyễn Hiến Lê đã cho người đọc ăn món khoai sùng của ông ta như thế nào .

Bài thứ nhất: Sơn Trung Vấn Đáp (Hỏi đáp trong núi) của Lý Bạch

Vấn dư hà ý thê bích sơn

Tiếu nhi bất đáp tâm tự nhàn 

Đào hoa lưu thủy diểu nhiên khứ 

Biệt hữu thiên địa phi nhân gian

Bản dịch của Nguyễn Hiến Lê :

Hỏi ta sao ở chốn thanh san 

Cười mà chẳng đáp, lòng tự nhàn

Hoa đào dòng nước mông lung chảy 

Riêng một càn khôn, khác thế gian


“Thiên địa” dịch là “Càn khôn”, thà để nguyên còn dễ hiểu hơn. “Tâm tự nhàn” thì dịch là “lòng tự nhàn”, sao mà ngớ ngẩn, ngô nghê. Tiếng Việt có ai nói thế bao giờ, tưởng chừng Nguễn Hiến Lê không phải là người Việt. Dịch thế mà không biết ngượng. Nếu không phải là dốt nát thì cũng là ẩu tả. Chẳng ai bảo Nguyễn Hiến Lê là dốt nát, vậy chỉ có thể nói là ông ta ẩu tả. Xin gởi đến bạn đọc hai bản dịch hay cho thi phẩm trên của Lý Bạch :

Bản dịch của Trần Thế Kỷ :

Hỏi sao ta đến non này

Chỉ cười chẳng đáp, lòng đầy thảnh thơi

Hoa đào theo mãi nước trôi

Nhân gian tách biệt, một trời riêng ta

Bản dịch của Trần Trọng San:

Hỏi sao núi biếc nương thân

Cười mà không đáp, thư nhàn lòng ta

Đào trôi nước chảy đi xa

Có riêng trời đất chẳng là nhân gian


2. Bài thứ hai: Tĩnh dạ tứ (Nỗi nhớ trong đêm vắng) cũng của Lý Bạch 

Sàng tiền minh nhật quang

Nghi thị địa thượng sương

Cử đầu vọng minh nguyệt

Đê đầu tư cố hương

Bản dịch của Nguyễn Hiến Lê :

Bóng trăng rọi trước giường

Ngỡ là đất có sương

Ngẩng đầu trông trăng sáng

Cúi đầu nhớ cố hương

Thiển nghĩ, thế này không phải là dịch thơ mà chỉ là dịch nghĩa, chỉ là dịch cho xong. Dịch thơ như thế này thì thiếu cái tâm. Sau đây là hai bản dịch rất đẹp cho “Tĩnh dạ tứ”:

Bản dịch của Trần Trọng Kim:

Đầu giường chợt thấy bóng trăng

Mập mờ trên đất, ngỡ rằng sương sa

Ngẩng đầu trông vẻ gương nga

Cuối đầu luống những nhớ nhà bâng khuâng

Bản dịch của Trần Thế Kỷ :

Đầu giường rọi ánh trăng thanh

Ngỡ như mặt đất đắm mình trong sương

Ngẩng đầu trăng sáng muôn phương

Cúi đầu chạnh nhớ cố hương ngàn trùng

3. Bài thứ ba : Ẩm Tửu (Uống rượu) của Đào Tiềm 

Kết lư tại nhân cảnh 

Nhi vô xa mã huyên

Vấn quân hà năng nhĩ 

Tâm viễn địa tự thiên 

Thái cúc đông ly hạ

Du nhiên kiến nam sơn

Sơn khí nhập tịch giai

Phi điểu tương dữ hoàn

Thử hoàn hữu chân ý

Dục biện dĩ vong ngôn

Bản dịch của Nguyễn Hiến Lê :

…………………….

Hái cúc dưới giậu đông 

Thăm thẳm nhìn núi Nam

Khí núi về chiều đẹp

Đàn chim cùng về tổ 

Trong cảnh có chân ý

Muốn diễn tả quên lời

Nguyên tác của Đào Tiềm là thế. Không rõ bản tiếng Anh của Will Durant có bị cắt phần đầu hay không nhưng bản dịch của Nguyễn Hiến Lê thì rõ ràng là thiếu. Một lần nữa chúng ta lại thấy sự qua loa chiếu lệ trong dịch thuật của Nguyễn Hiến Lê. Có nhiều bản dịch hay cho bài “Ẩm Tửu”. Xin gửi đến bạn đọc bản dịch mà tôi cho là hay nhất :

Bản dịch của Trần Trọng Dương:

Kết lều cỏ giữa nhân gian

Mà không xe ngựa râm ran đi về

Sao anh giữ được nếp quê

Tấm lòng cao khiết đất lìa tự xa

Giậu đông hái đóa cúc nhà 

Nam Sơn thanh thản cho ta ngóng về

Khí chiều ngờm ngợp sơn khê

Đôi chim tung cánh bay về nẻo vui

Cảnh kia chân ý bỗng ngời

Muốn đem bày tỏ thoắt lời lại quên

Không rõ Will Durant khi dịch những bài thơ trên sang tiếng Anh thì có dịch dụng công hay không. Nhưng ngay cả khi Will Durant chỉ dịch sơ sài thì Nguyễn Hiến Lê cũng không có quyền cho phép mình được mang đến bạn đọc những bản dịch tầm thường vì, khác với Will Durant, Nguyễn Hiến Lê vẫn có thể nhờ cậy đến các bản dịch xuất sắc sẵn có của những Tản Đà , Trần Trọng Kim… Hay là ông ta chê các vị này dịch tồi quá?!

Trên đây là ba trong số các bài thơ xuất hiện trong quyển “Lịch sử văn minh Trung Hoa” của Will Durant. Những bài còn lại, theo ý tôi, được (bị) được Nguyễn Hiến Lê dịch còn tệ hơn nhiều. Tóm laị, chỉ qua cách dịch thơ của Nguyễn Hiến Lê, có thể thấy ông ta không mấy nghiêm túc trong dịch thuật như đã từng không nghiêm túc trong việc biên soạn quyển “Lịch sử Thế giới” và có thể cả nhiều quyển khác nữa. Có cảm tưởng ông ta làm sách chỉ chạy theo số lượng, số đầu sách ra càng nhiều càng tốt. Tiếc là chúng tôi không có nguyên bản tiếng Anh của Will Durant để đối chiếu vì biết đâu lại chẳng nhặt thêm được ít nhiều lỗi từ bản dịch của Nguyễn Hiến Lê. Thậm chí lỗi không chỉ có ở dịch phẩm này mà có thể còn có ở nhiều dịch phẩm khác của ông ta .

Nguyễn Hiến Lê không hề là một dịch giả hay học giả nghiêm túc như nhiều người lầm tưởng.

http://www.ijavn.org/2015/10/vntb-su-cau-tha-cua-dich-gia-nguyen.html

12 nhận xét:

  1. Dùng chi tiết tác phầm để giải mã tư cách và con người thật, hai ông chưa đáng xách dép cho của Nguyễn Hiến Lê.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác Cạo chờ phần tiếp (các độc giả khác phản luận lại ý kiến của hai ông này).

      Xóa
  2. Giới sinh viên SG xưa coi học giả Nguyễn Hiến Lê là "bậc thầy của những bậc thầy" gần được như cụ Đào Duy Anh vậy. Học giả xịn đấy. ( Nhân đây xịn phê bác Giao dùng hai chữ học giả hơi tùy tiện trong trường hợp bác NV Khoan).

    Nhưng "kính nhi viễn chi", riêng tôi, đọc cụ Nguyễn không "vào", vì lý do gì, xin để tà tà viết thành một entry sau.

    Trở lại bài 1, ông kia chê "tư cách đáng ngờ" của cụ Nguyễn, dẫn chứng duy nhất là "cụ Nguyễn "vu khống" Franco là độc tài, là phát xít" (?).
    Cá nhân tôi nghe người ta gắn hai chữ phát xít vào Franco từ hồi chưa biết đến sách của cụ NHL. Và hôm nay, nhân đọc bài này, tra trên Wiki cũng thấy ghi: "Franco là một nhà hoạt động chính trị, quân sự và một trùm phát xít của Tây Ban Nha. Chế độ phát xít của ông được xem là một trong những giai đoạn đen tối nhất trong lịch sử Tây Ban Nha thời hiện đại". Vậy nếu Fran co không phải là phát xít, thì cả thiên hạ phạm tội "vu khống" chứ đâu chỉ mình cụ NHL.

    Ông sau chê NHL "không phải là một dịch giả, học giả nghiêm túc", chứng cớ là 3 bài thơ dịch, mà thiếu "chất thơ".
    Thì phải rồi, cụ Nguyễn có phải nhà thơ đâu, cụ là nhà biên khảo, biên dịch kia mà. Cho nên cụ dịch ba bài trên rất sát nghĩa, cốt truyền đạt cái phần nghĩa đến người đọc, mà không lạm truyền cái phần "thơ", việc đó dành cho người giỏi hơn, kể cả học trò. Chính vì thế nên đánh giá cụ là một dịch giả, học giả nghiêm túc mới chính xác.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cụ Nguyễn cùng lắm chỉ được coi là học giả có kiến thức rộng, viết nhiều, bao quát nhiều lĩnh vực thôi chứ chưa bao giờ được coi là "bậc thầy của những bậc thầy", ngay cả trong giới sinh viên SG trước 75 cô Lí ạ.

      Cô Lí khi viết cái gì về MN trước 75 nên cẩn thận chút. Thật lòng.

      Xóa
    2. Bác Lý phê em trong chữ "học giả" dành cho bác Nguyễn Văn Khoan đúng không ?

      Em bảo lưu cách dùng của mình.

      Hiện chưa rõ lí do bác Lý phê em ?

      Xóa
    3. Thân ái thôi mà, bác Giao. Mà hình như blog Pham Tôn cũng dùng danh hiệu ấy.

      Còn lý do,chủ quan tôi thấy là cái áo ấy nó rộng quá, so với tầm vóc cụ K. Hầu hết các sách của cụ K, tôi đều được tặng và đọc, thấy chất lượng không đều. Có những bài đọc xong có cảm giác cụ khoán cho ai đó (con cháu?) viết, để lấy số lượng. Xin thông cảm vì không thể nói chi li ở đây. Hơn nữa, bản thân cụ K chắc cũng không dám nhận hai chữ "học giả" đâu.

      Xóa
    4. Lí do thực sự là ông Khoan xới lại chuyện Phạm Quỳnh phải không cô Lí?

      Xóa
    5. Chầu rìa thì biết phận "dựa cột" đi hehe.

      Xóa
    6. Anh hùng gớm ! Hết kiểm soát rất tốt blog của mình, nay tròm trèm kiểm soát blog của người !
      Lấy cái chủ quan của mình để phê phán người, là thế nào đấy, Ngàn dặm ?

      Xóa
  3. Cũng như khi nói về âm nhạc MN trước 75 người ta nghĩ ngay đến cặp bài trùng Trịnh Công Sơn / Khánh Ly, cứ như âm nhạc MN lúc đó chỉ cặp đôi này vậy.

    Trật lất. Không phải vậy. TCS (cùng với KL) chỉ là một góc nhỏ trong khu vườn âm nhạc đủ thứ thượng vàng hạ cám của MN lúc đó thôi. Còn rất rất nhiều tác giả / ca sĩ khác nữa, mà nếu có ai đó xứng là "bậc thầy của những bậc thầy" thì người đó phải là Phạm Duy (cùng với Thái Thanh).

    Thực ra trước 75 ở MN, TCS / KL chỉ là một cặp bình bình thôi.

    Khoảng đầu 1990s, tôi có tình cờ nghe một bài trên BBC (hay RFI gì đó) phỏng vấn PD, trong đó PD kể lại chuyện một lần TCS đến Paris (hình như là lần đầu ra nước ngoài tính từ 1975) và có điện thoại cho PD lúc đó cũng đang ở Paris và có í muốn gặp PD. PD nói rõ rằng ông không xem TCS là bạn, bạn theo nghĩa TCS ở cùng đẳng cấp âm nhạc với ông. Chuyện này tôi không thấy ai nhắc lại sau này nữa.

    PS - Trường hợp Nguyễn Ánh Chín cũng gần giống như vậy. Trước 75 NAC chỉ là nhạc công đệm đàn cho ca sĩ hát ở một số phòng trà thôi chứ không phải nhạc sĩ nổi tiếng gì (như trong vụ lình xình với cậu ĐVH ấy).

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có thực tế lão biết ngay trong giới học sinh trung học, hầu như đều có đọc sách của NHL, còn những ông khác có người đọc người không, chính vì vậy tầm ảnh hưởng... thông qua NHL rất lớn đối với giới trẻ Miền Nam. Sách cụ dễ hiểu không hàn lâm nên phổ cập, Cạo rất thích, đọc đâu chừng chục cuốn đến giờ chạy tuột đi đâu chẳng biết!

      Xóa
    2. Cạo nói đúng, sách NHL rất phổ biến trong giới HSHSV thời đó, vì ông viết nhiều lại hay viết về những thứ sắp nhỏ quan tâm, nên chắc chắn sách ông có ảnh hưởng ít nhiều.

      Vậy thôi, chứ trong giới học thuật NHL chưa bao giờ là tên tuổi lớn, lại càng không phải "bậc thầy của những bậc thầy" như cô Lí ở trên ủn cho ông ấy.

      Nhưng cũng phải nói, 2 bài phê phán NHL của 2 ông TTK và TĐL rất nhảm.

      Xóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.