Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

21/09/2015

Quan của "Hội đồng chức danh nhà nước" không ngại nặc danh

Trên thực tế, vị quan chức này đã nặc danh (giấu tên thật, dùng bút danh) để đưa ý kiến về việc "trường đại học được quyền tự chủ bổ nhiệm chức vụ GS và PGS" (đã nêu ở đây).

"Hội đồng chức danh nhà nước" ở tiêu đề là viết tắt. Viết đầy đủ thì là "Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước".

Bất ngờ với màn "nặc danh" này.

Từ đây trở xuống là của VNN.

---

21/09/2015 01:05 GMT+7

Phản hồi ẩn danh của Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước

 - VietNamNet nhận được bài viết của một thành viên Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước xung quanh câu chuyệnTrường ĐH Tôn Đức Thắng tự bổ nhiệm chức danh giáo sư. Vì lí do tế nhị, tác giả đã để bút danh. Dưới đây là nội dung bài viết. Các tiêu đề nhỏ do tòa soạn đặt lại.


Đã có ý kiến giao quyền cho trường đại học

Khi tôi làm việc ở Bộ GD-ĐT  được biết khi soạn thảo Quyết định 174/2008/QĐ-TTGngày 21/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS vàQuyết định số 20/2012/QĐ-TTG ngày 17/04/2012 của Thủ tướng về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 174, lúc đó cũng đã có ý kiến trong Ban soạn thảo và các nhà khoa học đề nghị nên giao quyền cho các trường đại học xét đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm GS, PGS trên cơ sở về tiêu chuẩn, quy trình bổ nhiệm do Thủ tướng Chính phủ quy định.
Nhưng do chất lượng đội ngũ nhà giáo và năng lực tự chủ của các trường chưa đồng đều. Mặt khác, GS, PGS là chức danh cao quý của nhà giáo trong các trường đại học đã được nhà nước quan tâm bằng các chính sách đãi ngộ như nhà giáo ở các trường đại học công lập khi được bổ nhiệm GS, PGS được ưu tiên trong việc giao đề tài, đề án khoa học và các điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ được giao (Điều 6, Quyết định 174), được tăng một bậc lương, GS được xếp vào ngạch giảng viên cao cấp (Khoản 2, Điều 6, Quyết định 20).
Hơn nữa, các chính sách đãi ngộ đối với GS, PSG sẽ ngày càng được chú trọng. Thí dụ như Nghị định 141/2013 của Chính phủ đã quy định nhà giáo ở các trường đại học công lập được bổ nhiệm PGS được xếp vào ngạch giảng viên cao cấp, GS được xếp vào ngạch chuyên gia cao cấp.
Về Nghị định này, hiện nay, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ GD-ĐT chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính xây dựng Thông tư hướng dẫn thực hiện và các trường đại học ngoài công lập căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật này để thực hiện các chế độ ưu đãi theo cơ chế tự chủ của nhà trường.
Từ những lý do cơ bản trên, Ban soạn thảo thấy rằng trong điều kiện hiện tại, nếu không có tiêu chuẩn, thủ tục, quy trình và tổ chức thực hiện thống nhất toàn quốc, việc xét, bổ nhiệm GS, PGS giao ngay cho các cơ sở GDĐH sẽ dễ xẩy ra chất lượng không đồng đều, thiếu đi tính công bằng, ảnh hưởng đến uy tín của nhà giáo và đặc biệt làm gia tăng quỹ lương dành cho giáo dục.
Việc phân cấp cần phải có lộ trình phù hợp, cho nên trong Quyết định 20, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho HĐCDGSNN xét công nhận đạt tiêu chuẩn, còn việc bổ nhiệm GS, PGS giao cho Thủ trưởng các cơ sở GDĐH thực hiện trên cơ sở các nhà giáo đã được HĐGSNN công nhận đạt chuẩn (Khoản 3 và 4, Điều 16, Quyết định 20). Việc làm này cũng đã được các trường triển khai từ năm 2013 trên cơ sở Thông tư hướng dẫn số 30 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
Đang rà soát theo hướng phân cấp
Hiện nay, tôi được biết Thường trực HĐCDGSNN cũng đã chỉ đạo Văn phòng HĐCDGSNN phối hợp với các vụ chức năng của Bộ nghiên cứu đề xuất sửa đối bổ sung Quyết định 174 và Quyết định 20của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành theo hướng cần quy định cụ thể về tiêu chuẩn xét và bổ nhiệm GS, PGS cho các ứng viên chủ yếu làm công tác giảng dạy hoặc làm công tác nghiên cứu khoa học. Rà soát, bổ sung, sửa đổi thủ tục, quy trình bổ nhiệm theo hướng phân cấp việc xét và bổ nhiệm giao cho các cơ sở GDĐH tổ chức thực hiện.
Trên cơ sở các tiêu chuẩn, quy trình bổ sung, sửa đổi được phê duyệt, xây dựng lộ trình phân cấp phù hợp với năng lực tự chủ của các cơ sở GDĐH. HĐCDGSNN là cơ quan giúp Thủ tướng chính phủ và Bộ trưởng Bộ GDĐT kiểm tra giám sát việc tổ chức thực hiện.
Như vậy có ý kiến cho rằng Bộ GDĐT và HĐCDGSNN ôm đồm việc này tôi thấy chưa chính xác, mà cần tìm hiểu các văn bản pháp luật liên quan tổ chức thực hiện cho đúng.
Trường ĐH Tôn Đức Thắng không phù hợp
Đối với Trường ĐH Tôn Đức Thắng, theo các quy định pháp luật hiện hành thì Hiệu trưởng trường được giao quyền bổ nhiệm GS, PGS trên cơ sở các nhà giáo của trường đạt tiêu chuẩn được HĐCDGSNN công nhận thì hãy làm tốt việc này, đồng thời có giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo hướng tới đạt tiêu chuẩn GS, PGS và có chính sách thu hút các nhà khoa học để sớm đủ điều kiện thành lập HĐCDGS cấp cơ sở để chủ động xét và bổ nhiệm các nhà giáo của mình vào ngạch GS, PGS khi được phân cấp.
Hiện nay, Trường ĐH Tôn Đức Thắng là cơ sở giáo dục công lập do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam quản lý, nằm trong Hệ thống GDĐH Việt Nam. Nên việc trường tổ chức tự phong GS, PGS cho cán bộ, giảng viên của trường và các nhà giáo ngoài trường có nhu cầu là không phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam về GDĐH tại Khoản 2, Điều 17 (Quyết định 174), Khoản 1 và 2, Điều 16 (Quyết định 20), Điều 11, 12, 13, 14 và 15 (Quyết định 174) về thủ tục bổ nhiệm chức danh GS, PGS. Vì thế, trường nên dừng việc làm đơn phương này khi chưa được các cấp thẩm quyền cho phép.

  • Văn Huy

    http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/262990/phan-hoi-an-danh-cua-hoi-dong-chuc-danh-giao-su-nha-nuoc.html

    • Sẽ thuyết phục hơn nếu tác giả đường hoàng phản biện chính danh bằng những ngôn từ khoa học với những dẫn chứng rõ ràng chặt chẽ, không nên mang những điều luật này, quy định kia để phản biện. Luật sinh ra không phải để kìm hãm sự phát triển của khoa học, khi không còn phù hợp với hiện tại thì luật cần phải thay đổi luật cho phù hợp hơn. Như vậy, mới giúp giải quyết dình trạng loạn GS/PGS nói riêng và cải cách giáo dục nói chung hiện nay. Nếu Hội đồng giáo sư nhà nước làm tốt công việc của mình thì giải thích làm sao với con số trên 60% GS/PGS ở Việt Nam không làm nghiên cứu khoa học? Giải thích ra sao với số bằng sáng chế trên tổng số GS/PGS ở Việt Nam? Đã đến lúc phải trả lại vi trí và vai trò thực của GS/PGS. 
      Pham Tran Phuong 1 giờ trước8Trả lời
      • Vấn đề là tác giả chưa nêu rõ được điều khoản nào trong luật nào, văn bản quy định nào cấm Hiệu trưởng Trường Đại học bổ nhiệm Giáo sư và Phó Giáo sư không qua Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước. Những đơn vị đi đầu phá cáchthường khá đơn độc, nhưng nếu không có những người, những đơn vị đột phá như thế, chỉ dừng lại mức "kiên trì kiến nghị" thì sẽ không có cải cách. Trong lúc chúng ta đang đánh giá lại kết quả 30 năm đổi mới, phải thừa nhận rằng, đổi mới ở VN là từ dưới lên. Nếu không có những "bung ra", "3 lợi ích". "giá lương tiền", "khoán hộ"... của TPHCM. Long An, Hải Phòng... thì không có đổi mới. Đổi mới trong giáo dục cũng thế thôi. 
        Đồ Hiếu 2 giờ trước12Trả lời
        • Hội đồng sợ ông Lê Vinh Danh kiện tiếp hay sao mà ẩn danh vậy trời.
          Quốc Bảo 2 giờ trước12Trả lời
          • Hội đồng CDGSNN làm khoa học hay làm chính trị mà phải tránh chuyện tế nhị. Làm khoa học cần đứng ra phản biện, bảo vệ ý kiến của mình.
            Huy Do 3 giờ trước14Trả lời
            • Trước hết, phải nhìn nhận cho đúng: GS/PGS là chức danh khoa học chứ không phải danh hiệu cá nhân. Do đó, việc bổ nhiệm chức danh khoa học nhất thiết phải do cơ sở sử dụng nhà khoa học tiến hành, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, nhu cầu sử dụng lao động của chính cơ sở đó. Việc giao cho một Hội đồng có quyền sinh sát bổ nhiệm GS trong tất cả các lĩnh vực là lạc hậu, ấu trĩ, thể hiện một lối tư duy cũ mòn, lệch lạc, phản ánh sai vai trò nhiệm vụ của GS/PGS - những người làm công tác nghiên cứu khoa học. Chính Hội đồng này đã phong danh hiệu GS/PGS cho những người không làm công tác nghiên cứu khoa học hay chẳng có công trình khoa học nào đáng kể. Chất lượng GS/PGS như vậy thì thử hỏi duy trì cái Hội đồng đó để làm gì? GS/PGS không phải là danh hiệu cao quý như huân - huy chương. Chức danh GS/PGS phải gắn với vai trò và nhiệm vụ cụ thể và có thời hạn nhất định. Đừng viện cớ văn bản nọ, qui định kia để cố giữ lấy đặc quyền (đặc lợi). 
              Phạm Lễ 4 giờ trước32Trả lời
              • Tôi không hiểu thế nào là phản hồi ẩn danh, đã là thành viên Hội đồng GSNN, là PGS, GS rồi mà còn giấu tên khi nói đăng báo, vị GS này không có chính kiến khoa học hay còn e ngại điều gì chăng? Nhà khoa học khi còn sợ cái nọ cái kia thử hỏi làm sao không như vậy? Phải dám nói, dám làm mới xứng danh PGS, GS 
                Truyendong 4 giờ trước30Trả lời
                • Nên học theo các nước phát triển, để các trường tự phong, gắn với cv của các trường. Các tiêu chuẩn để phong cũng nên theo chuẩn quốc tế chứ theo cái tiêu chuẩn như VN hiện nay thì không ổn. Tôi ủng hộ ĐH Tôn Đức Thắng, giáo dục vn cần sớm cải cách toàn diện nếu không thì tụt hậu quá rồi.
                  Trần Chân 4 giờ trước15Trả lời
                  • Trong dạy học giáo sư hay phó giáo sư cũng như chuyên viên hay chuyên viên chính trong công chức nhà nước có gì phải làm to chuyện, Ở Việt Nam lâu nay có một số người được ban phát chức đó bây giờ có thêm thì tức - Thế thôi .
                    DATHN 5 giờ trước20Trả lời
                    • Có gì đâu. Không đậu GS của nhà nước thì tự phong thôi. Tôi đồng ý với nội dung của bài này. Nếu không quy định chặt chẻ thì sẽ lạm phát chưc " giáo sư, Phó GS". Phạm Thanh Cần
                      Phạm Thanh Cần 5 giờ trước16Trả lời
                      • Quy trình, quy định đều do acsc bác soạn, trình Thủ tướng ký. Nếu không/ chưa phù hợp thông lệ của quốc tế thì cần sửa ngay, đừng lấy văn bản nọ kia để lý sự. Các trường tự phong không đạt chuẩn thì xã hội sẽ bài xích. Dù mang ...
                        Minh Phan 5 giờ trước
                                                  

                    Không có nhận xét nào:

                    Đăng nhận xét

                    Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

                    LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

                    Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.