Ý tưởng ngày đã được Đoàn Lê Giang trình bày trên tờ Tuổi trẻ từ năm 2010.
Dưới đây là nguyên văn trình bày ấy, và dư luận xung quanh (các lời bình đi theo bài báo lúc đó).
1. Đề nghị của Đoàn Lê Giang
Cần khôi phục việc dạy chữ Hán trong nhà trường
TTCT - LTS: Cần có chủ trương đối với chữ Hán là một trong các kiến nghị được Hội thảo khoa học toàn quốc “Phát triển và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay” đưa ra cuối tuần qua. Chúng tôi giới thiệu bài viết của PGS.TS Đoàn Lê Giang cho TTCT về kiến nghị này.
Hiện nay trên các phương tiện thông tin đại chúng, tiếng Việt đang bị dùng sai một cách khủng khiếp. Chỉ có mấy từ dùng sai mà sửa mãi vẫn không hết: yếu điểm được dùng như điểm yếu, cứu cánh được dùng như cứu giúp, thậm chí có nhà văn nọ còn dùng từ khiếm nhã như là trang nhã...
Sinh viên ngay cả ngành khoa học xã hội và nhân văn mà vốn từ hết sức nghèo nàn, nhiều người trong số họ không có khả năng hiểu được những từ gắn với nhà trường như: học phong, môn phong, đồng song, đồng môn...
Những sai lầm yếu kém trên sẽ không có nếu học sinh được học chữ Hán, có thói quen tra từ điển Hán - Việt và tiếng Việt. Nếu như 50 năm trước Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là do lo ngại tình trạng lạm dụng từ gốc Hán, như thay vì sân bay thì nói phi trường, núi lửa thì nói hỏa diệm sơn, tàu ngầm thì nói tiềm thủy đĩnh..., nhưng với tình hình giáo dục như hiện nay thì lấy đâu ra người hiểu được chữ diệm là cái sáng, cái nóng trên ngọn lửa, tiềm thủy là ẩn dưới nước...
Vì vậy bây giờ nói đến việc gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt chính lại là phải học chữ Hán.
100 năm - một chủ trương bỏ dở
Trong luận văn nổi tiếng Luận về chính học cùng tà thuyết của Ngô Đức Kế, nhà chí sĩ đã phê phán một cách mạnh mẽ tình trạng học thuật đương thời: “Âu học vẫn chưa vin được ngọn ngành mà Hán học đã đứt cả cội rễ”.
Ông vẫn mơ ước dân tộc ta có một nền quốc học sâu sắc để làm cơ sở tiếp thu nền văn minh hiện đại từ phương Tây. Thế nên Trường Đông Kinh Nghĩa Thục của các chí sĩ duy tân thành lập năm 1907, bên cạnh đề cao thực học, đề cao tự do trình bày tư tưởng, cổ động việc học chữ quốc ngữ Latin để thay cho chữ Nôm, trường vẫn tổ chức học một cách nghiêm túc hai ngoại ngữ bắt buộc: tiếng Pháp và tiếng Hán.
Trước năm 1945 ở nước ta, sau khi thực dân Pháp bỏ các kỳ thi chữ Hán thì chữ Hán vẫn được giảng dạy trong nhà trường, mỗi tuần 1-2 tiết. Tuy số tiết học rất ít ỏi nhưng cũng đủ cho người học hiểu được chữ Hán, không dùng sai, viết sai tiếng Việt và để tinh thần truyền thống qua thứ chữ ấy góp phần tạo nên cốt cách con người.
Ở miền Nam trước năm 1975 từng tổ chức một chương trình dạy tiếng Hán cho học sinh từ trung học đệ nhất cấp với bộ sách giáo khoa khá tốt: Hán văn khóa bản, học 1 giờ/tuần bên cạnh hai ngoại ngữ bắt buộc: tiếng Anh và tiếng Pháp.
Dạy chữ Hán trong nhà trường như thế nào?
Nhìn ra các nước Đông Á, không có nước nào dám đoạn tuyệt với chữ Hán. Người Trung Quốc trước kia trong cơn sùng bái phương Tây và đổ lỗi sự lạc hậu của dân tộc mình cho chữ Hán, từng mơ Latin hóa chữ viết của mình, nhưng rồi họ đành bằng lòng quay về với việc dùng chữ Hán giản thể và dạy cho học sinh phổ thông biết tối thiểu khoảng 3.000 chữ Hán.
Người Nhật Bản cũng từng thử nghiệm dùng chữ Romaji (chữ Latin) nhưng không thành, thế là quay lại sử dụng chữ Kana mà dân tộc họ đã sáng tạo từ hơn 10 thế kỷ trước, bên cạnh đó vẫn bắt buộc học sinh tốt nghiệp trung học phải biết thuần thục 1.945 chữ Hán. Người Hàn Quốc chính thức sử dụng chữ Hangul được tạo ra từ thế kỷ 15.
Trong văn bản tiếng Hàn thông thường hiện nay hầu như không còn chữ Hán nữa, nhưng những văn bản cổ hơn hay tài liệu khoa học thì dùng khá nhiều. Vì vậy chương trình giáo dục của Hàn Quốc vẫn dạy chữ Hán cho học sinh: cấp II dạy 900 chữ, cấp III dạy 900 chữ, tổng cộng là 1.800 chữ.
Ở Việt Nam, nếu đưa chữ Hán vào dạy trong trường phổ thông chắc chắn sẽ gây phản ứng từ nhiều phía. Nhưng chừng nào chúng ta còn dùng tiếng Việt, chừng nào chúng ta còn coi trọng bản sắc văn hóa dân tộc, chừng nào chúng ta còn nhìn các nước Đông Á như những cái mốc cần phải đuổi kịp thì chừng ấy chúng ta còn cần phải dạy chữ Hán.
Hiện nay vẫn có nhiều giảng viên các khoa ngữ văn, lịch sử ở những đại học lớn biết chữ Hán. Chúng ta bắt đầu từ việc dạy đại trà cho sinh viên ngữ văn ở các đại học, từ đó đưa họ ra dạy thí điểm ở một số trường phổ thông. Sau đó rút kinh nghiệm, dạy chữ Hán cho học sinh trung học cơ sở, dần dần mở rộng ra học sinh chuyên ban khoa học xã hội ở trung học phổ thông. Cuối cùng mới tính đến việc dạy cho tất cả học sinh ở các ban khác.
Chỉ cần dạy cho học sinh khoảng 1.000 chữ Hán để biết chữ nghĩa căn bản, biết cách tra từ điển, biết cách tự học. Sau này khi có điều kiện tốt hơn, có thể dạy khoảng 2.000 chữ Hán như người Nhật, người Hàn Quốc.
Nếu chúng ta kiên quyết, kiên trì đưa chữ Hán vào chương trình phổ thông, tiếng Việt của chúng ta sẽ giàu có hơn, trong sáng hơn, ít bị sai hơn. Chúng ta sẽ có được thế hệ người Việt Nam mới: hiện đại, giàu có, mạnh mẽ, nhưng cũng uyên thâm cổ học, biết cắm rễ tri thức của mình vào nguồn mạch phương Đông và dân tộc, biết sống thung dung theo đạo học phương Đông và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
http://tuoitre.vn/tin/tuoi-tre-cuoi-tuan/20100626/can-khoi-phuc-viec-day-chu-han-trong-nha-truong/386515.html
2. Dư luận
-
- Tôi không thấy ông đưa ra một lí lẽ cụ thể hay suy luận nào để chứng minh nếu biết tiếng Hán nước mình sẽ giàu có bằng việc so sánh nước này nước kia. Tôi xin hỏi ông có phải tiến sĩ kinh tế không mà nói như vậy? Ông có cơ sở nào để nói việc biết chữ Hán nước mình sẽ giàu có ngoài sự so sánh? Nếu ôngg nói là việc học chữ Hán để hiểu tiếng Việt thì tôi đồng ý nhưng không phải là chương trình phổ thông. Nếu ông tha thiết muốn học sinh để hiếu tiếng Việt thì ông nên làm cái luận án nào để giúp học sinh hứng thú tìm hiểu ngôn ngữ mẹ đẻ của chúng chứ không phải nhờ chữ Hán ông nhé. Ông nói các nước Nhật, Trung, Hà thất bại la tinh hóa mà ông không thấy nước mình đang dùng bảng chữ cái la tinh hay sao? Hà cớ gì Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn bảng chữ cái hiện nay là Quốc ngữ, không phải vì nó phù hợp, dễ học, dễ viết hơn hay sao. Họ không thể la tinh hóa bởi vì họ dùng chữ tượng hình ông ạ. Hơn nữa, ông có thể liệt kê những tác dụng của việc học chữ Hán áp dụng, ứng dụng vào thực tiễn kinh tế không? Học sinh là cần những cái thực tiễn hiện tại chứ không phải cái viển vông xa vời và không quan trọng với cái mục đích học của học sinh. Chúng ta là nên Tây học chứ không phải Hán học, Nho học ông ạ. Tôi muốn nói thêm nhưng đang bức xúc với đề xuất của ông nên không đủ bình tĩnh để viết một cách tốt nhất mong thông cảm.
-
- Gửi bạn, tôi đã từng có thời gian bài xích chữ Hán trong một số năm, nhưng sau khi lưu lạc ở các nước đồng văn châu Á vài năm, và về thăm lại nguồn cội gần đây. Tôi thấy việc học thêm chữ Hán-Nôm trong nhà trường là bổ ích, vì những lí do sau: đó là ngôn ngữ của cha ông ta thời xưa, và ta không thể chối bỏ quá khứ bằng cách bỏ luôn các tiết học từ sau năm 75, con cháu có thể về quê cha đất tổ quan sát từ đường mà sự vô minh không lấn chiếm. Thứ hai, việc học chữ Hán-Nôm, ngôn ngữ tượng hình, rất thú vị kích thích trí não phát triển. Chữ Hán-Nôm nội hàm cao sâu, không phải đơn giản mà ngày một ngày hai hiểu hết. Thứ ba, tôi gặp 2 người Nhật và Trung Quốc giao tiếp với nhau, vì nói với nhau không hiểu nên dùng chữ viết để trao đổi.THÍCH 38
-
- Gửi Nguyễn Lộc: nói có sách, mách có chứng. Khoa học làm việc đều dựa trên cơ sở cả, anh đừng nói vu vơ vớ vẩn như thế! Xin hỏi anh đã đến Nhật lần nào chưa mà dám khẳng định điều đó? Singapore đã coi ngôn ngữ tiếng Anh là first language, tiếng mẹ đẻ chỉ là số 2, và người ta phát triển lên tầm cao nào rồi anh hiểu chứ!THÍCH 4
-
- Em hỏi xíu ạ: bài này được đăng trên báo Tuổi Trẻ Cười phải không?
-
- Ông thích học thì học một mình và qua Tầu mà ở. OK!
-
- Tiếng kêu lạc lõng của những người lỡ học chữ Hán làm nghề kiếm cơm? Chuyện này không thể cá nhân, cơ quan nào đơn phương quyết định, vì tác động lớn đến thế hệ tương lai của cả nước.
-
- Tôi thấy các bạn quá khích khi nghe học chữ Hán Việt. Chữ Hán trong văn hóa Việt đã tồn tại lâu đời, nên các bạn không thể vì ghét Trung Quốc mà bài xích luôn cả Hán văn. Thử hỏi bạn nói 3 câu mà không dùng đến chứ Hán Việt xem. Vì không thể loại bỏ chữ Hán trong chữ Việt nên việc dạy để hiểu rõ mà dùng cho đúng. Tôi thấy nhan nhản gười dùng sai vì học không được học chữ Hán Việt.Tôi ao ước điều này rất lâu. Nay có người lên tiếng, cảm ơn Phó Giáo Sư.
-
- Tôi đồng ý với ý kiến này, người việt mà không hiểu đầu hiểu đuôi, mói nghe đến Hán cái là la oai oải. 100 người thì có đên 99 người đặt tên có âm Hán Việt, chính vì cái lý tưởng bài xích loại trừ nguồn gốc ngôn ngữ này nên giờ mới xài âm tiếng Việt tùm lum tùm la, ba chữ thì kẹp vô 1 chữ tiếng Anh. Học cái nào nói ra cái đó, mắc gì mà cứ ém vào. Bộ VN không có chữ để xài hay sao mà cứ ém tiếng Anh vào. Còn Nghĩa Tiếng Việt thì xài bậy xài bạ, không đúng chữ đúng nghĩa gì cả.THÍCH 30
-
- Ông không hiểu âm Hán Việt và chữ Hán nó khác nhau thế nào à?THÍCH 15
-
- Chẳng lẽ ngữ pháp của tiếng Việt lại kém đến mức không thể dạy được người ta dùng đúng từ mà buộc phải dùng chữ Hán để chuẩn hoá cho tiếng Việt? Chắc chắn không phải thế. Nếu hiện nay dùng sai cấu trúc nhiều thì ngành giáo dục hãy xem lại chất lượng đào tạo chứ đừng đổ lỗi cho tiếng Việt.
-
- Những ai phản bác lại GS này là không hiểu biết 1 tí gì về tiếng Việt. Tổ tiên người Việt di cư từ phương Bắc xuống đã mấy ngàn năm. Tiếng Việt và tiếng Hán cùng một nhóm ngôn ngữ đơn âm và rất gần nhau cả về cách phát âm. Tiếng Trung phổ thông có 5 âm sắc, tiếng Việt có 6: ngang, huyền, sắc, nặng, hỏi, ngã.Hơn 60% từ vựng của tiếng Việt có nguồn gốc từ tiếng Hán, và trong thực tế hiện nay trong tiếng Việt tồn tại 2 ngôn ngữ: tiếng Việt và tiếng Hán Việt, ví dụ: Phong Thủy, Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long, Thái Bình, Văn Miếu... Không cần học tiếng Hán để giao tiếp thành thạo, chỉ cần học để hiểu hết được nguồn gốc và sự phong phú của tiếng Việt.
-
- Đây là chuyện trọng đại quốc gia, nếu để chọn ngoại ngữ nên đầu tư vào tiếng Anh đó là xu thế thời đại.THÍCH 5
-
- 1 bên là chữ tượng thanh, 1 bên là chữ tượng hình. Nhật hay Hàn có chữ Hán gì chữ của nó là tượng hình, còn VN mình dùng chữ tượng thanh, chữ la tinh kia mà. Học sinh ngày nay phải học biết bao nhiêu thứ nhồi nhét, giờ lại muốn nhồi thêm. Cái gì cũng muốn ôm rồi kết quả chẳng giỏi cái gì. Tiếng anh dạy ở nhà trường bao nhiêu năm đều thất bại. Vậy thôi đề xuất dạy chính tả đến hết lớp 12 luôn nhé PGs.
-
- Bạn sai rồi nha, Nhật chữ tượng thanh, Hàn chữ tượng thanh nha bạn, tiếng Hàn ghép lại đọc như tiếng Việt ấy ạ. Đừng thấy vẽ hình vuông vuông nói nó tượng hình là bậy lắm.THÍCH 22
-
- Em thưa các giáo sư, các tiến sĩ, hãy học Singapore kia kìa. Thế kỷ bao nhiêu rồi còn quay lại thời kỳ trung cổ?
-
- Mai Tam: Gốc gì hả bạn, khi dân Việt ta tiếng Anh còn chưa xong mà đòi học thêm tiếng Hán? Tập trung tập cho các học sinh đọc nhiều sách và tạo hứng thú với môn Ngữ văn sẽ tốt hơn là lại nhồi [xem thêm]THÍCH 14
-
- Đến gốc còn không vững mà cứ đòi leo ngọn. Singapore người ta giàu vì người ta biết chăm từ cái gốc lên đó bạn ạTHÍCH 13
-
- Hoan nghênh ý tưởng của GS Đoàn Lê Giang. Học chữ Hán để hiểu thêm tiếng Việt, sử dụng tiếng Việt cho đúng.
-
- Học tiếng Tàu mà sử dụng tiếng Việt cho đúng. Xin lỗi bạn là người ở hành tinh nào vậy? Mai kia bạn lại nói đi học ngành cầu đường để hành nghề bác sĩ khám bệnh cho dân tốt hơn.THÍCH 137
-
- Tiếng Việt có thể dịch ra nghĩa tất cả các từ Hán, còn chữ Hán chưa chắc dịch ra hết nghĩa tiếng Việt nha.THÍCH 23
-
- Đúng đó, phải biết dùng đúng nghĩa âm Hán Việt thì mới thì mới xài tiếng Việt đúng. Tôi không hiểu sao cứ nghe tới chữ Hán là la oai oải Tàu. Tàu chẳng liên quan gì tới chuyện này. Tự mình chửi lại ông cha thì lấy đâu ra khôn ở đây mà chửi không biết. Các bạn hãy tự đọc lại lên của mình là gì, nó có xài âm Hán Việt hay không, rồi tự giải thích nghĩa cái tên của mình coi giải thích được không.THÍCH 22
- http://tuoitre.vn/tin/tuoi-tre-cuoi-tuan/20100626/can-khoi-phuc-viec-day-chu-han-trong-nha-truong/386515.html
Chữ Hán ai thích thì học, không thích thì thôi. Nhưng tiếng Việt phải dạy và học cho đàng hoàng, ít ra cũng phải hiểu và dùng từ ngữ cho đúng, câu cú đừng lủng củng.
Trả lờiXóa