Dưới là các chương mới lên.
---
7.
Gia đình chí sỹ Hồ Học Lãm. Từ Phải sang, hàng ngồi: Hồ Học lãm, Hồ Mộ La, Ngô Khôn Duy. Hàng sau: Lê Thiết Hùng, Hồ Diệc Lan, Bùi Hải Thiệu
CHƯƠNG VII
HINH SƠN HỒ HỌC LÃM
Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn
Xin kính dâng bài ca dao đẹp đẽ vô ngần này lên vong linh người cha kính yêu của tôi - Chí sĩ Hồ Học Lãm.
Với tôi, viết về cha thật là khó, bởi vì rất nhiều sự kiện xảy ra khi tôi chưa ra đời hoặc khi tôi còn quá nhỏ, chưa đủ trí khôn và ý thức tìm hiểu và ghi nhớ mọi việc làm của cha mình. Cha tôi hay kể chuyện quê hương, đất nước để bồi dưỡng ý thức về quê cha đất tổ, nhưng chưa một lần kể về cống hiến của mình đối với cách mạng. Ông chưa bao giờ có biểu hiện tư tưởng "công thần, địa vị". Về sau, cho dù tôi được nghe kể nhiều chuyện về công đức của cha mình, trong tâm tưởng của hai chị em tôi, đó chỉ là những hành vi giản dị, bình thường của một người yêu nước mà thôi.
Năm 1946, (sau khi ba mẹ con chúng tôi về nước) có một số cán bộ nói với chúng tôi: "Nếu cụ Hồ Học Lãm không mất, cụ sẽ làm Chủ tịch nước, còn Bác Hồ lãnh đạo từ trong hậu trường. Đó là dự kiến của Bác Hồ...". Chị em chúng tôi thực sự sửng sốt trước ý kiến đó và cho rằng mình chưa đánh giá đúng về cha mình.
Sau đó anh Hồ Tùng Mậu - người anh họ có nói với chị tôi: "May mà chú mất, nếu chú còn sống, chắc không làm nổi Chủ tịch nước đâu...". Chị em chúng tôi cũng lại sửng sốt, một lần nữa cho rằng mình vẫn chưa đánh giá đúng con người, trình độ, năng lực của cha mình. Năm đó chị tôi hai sáu tuổi, tôi mười sáu tuổi tây, hai chị em chúng tôi sùng bái những người cộng sản, thấy họ nói thế nào cũng đúng.(1)
Năm nay 2007, tôi tròn 77 tuổi, cầm bút viết về cha mình, người đã được "đóng quan" từ lâu, tôi vô cùng tự hào về cuộc đời, và những cống hiến nhỏ nhưng thật sự không đơn giản của cha mình, đặc biệt nhân cách lớn của ông, trí tuệ minh mẫn, sáng suốt của ông. Dù ông luôn kêu gọi "đại đoàn kết", song ông phân biệt rõ trắng đen, phải trái, đã từng có sáng kiến về vấn đề chuyển địa bàn hoạt động của những người cách mạng Việt Nam từ Vân Nam về Quảng Tây vào năm 1940...
Vấn đề Bác Hồ dự kiến cha tôi làm Chủ tịch nước đó chỉ là một nước cờ của Bác Hồ khi Người nghĩ đến nếu năm 1945 cướp được chính quyền, tình thế đất nước sẽ ngàn cân treo sợi tóc. Cha tôi là chí sĩ yêu nước không đảng phái, nhưng ông biết chính nghĩa ở đâu, biết vì đại cục và sự nghiệp lớn của cách mạng giải phóng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Để đảm bảo mức độ chính xác nhất định, tôi đã tìm đọc "Sử Việt Nam" của Trần Trọng Kim, "Lịch sử Quốc dân đảng Trung Quốc ", "Lịch sử Đảng cộng sản Trung Quốc", hồi ký của Lê Thiết Hùng: "Tôi được làm người học trò nhỏ của Bác Hồ", "Giọt nước biển cả" của Hoàng Văn Hoan...
Nếu như tôi còn trẻ, sẽ phải tìm đọc lịch sử thế giới, Nhật Bản và Trung Quốc... thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX; phải sưu tầm đầy đủ các bài luận văn đăng trong "Binh sự tạp chí" Hàng Châu từ 1916 đến 1927, hai kỳ báo Việt Thanh tháng 1 và tháng 2 năm 1936... Để tìm hiểu đầy đủ con người cha tôi, thật ra không phải dễ, nhưng nay tuổi đã quá "cổ lai hy" và với đôi mắt bắt đầu lòa, các việc đó đã vượt tầm tay của tôi...
*
* *
Khoảng cuối năm 1937 cha tôi và anh Văn đi qua Vu Hồ. Sau khi ăn bữa cơm chia tay ở khách sạn tầm tầm ở thị trấn này, cả nhà chụp ảnh kỷ niệm, đây là tấm ảnh kỷ niệm thứ hai của cả nhà. Cha và mẹ ngồi, tôi đứng ở giữa, đằng sau từ trái sang phải là Lê Tân Dân, Hồ Diệc Lan, Lê Quốc Trụ và anh Văn. Trong ảnh cha tôi trông gầy gò với đôi mắt mệt mỏi. Khi đó cha đã mắc bệnh tim to. Mẹ tôi cho rằng cha bị tim to vì một lần từ mặt trận về phép, trong túi không có tiền, ông đã phải đi lậu vé xe lửa. Đến khi người soát vé xuất hiện, ông liền chuồn ra cửa toa, đang lúc tầu chạy, ông nhảy xuống và bị ngã đau. Nay nghĩ lại, nguyên nhân tim to chắc là do cha tôi bị hen suyễn lâu năm. Thời gian làm "Lưu thủ chủ nhiệm" phần vì thu dọn cơ quan Tổng Hành dinh Quốc dân Đảng lên Trùng Khánh, công việc hết sức bề bộn và bận rộn, phần vì Nhật đêm ngày bắn phá thành phố Nam Kinh, tinh thần bị mệt mỏi ức chế, phần vì suy nghĩ về cách đối xử của Quốc dân đảng Trung Quốc đã lộ ra điều gì đó không bình thường...
1- Cha tôi hẳn đã chủ yếu tư duy về mặt quân sự khi viết "Bức thư hiến kế". Bức thư đã bộc lộ tư tưởng “đồng sàng dị mộng” với bọn Tưởng. Tôi cho rằng những năm 1930 - 1933, khi Quốc dân đảng Trung Quốc nghi Lê Quốc Vọng làm gián điệp cho cộng sản, anh lại là người thân thích với cha tôi, tất nhiên họ cũng đặt dấu hỏi về cha tôi. Nhưng vì không tìm được chứng cớ, họ đành để yên.
2- Nhiều lần Quốc dân đảng Trung Quốc tình nghi những hoạt động của cha tôi và những người Việt Nam được ông bảo trợ có liên quan đến cộng sản, cho nên năm 1936, tuy họ cho thành lập Mặt trận Việt Minh song không trợ cấp một khoản kinh phí nào để ông hoạt động. Hơn nữa, bọn Nghiêm Kế Tổ chắc có báo cáo gì đó với Quốc dân đảng Trung Quốc (tham khảo hồi ký Lê Tân Dân, đoạn gặp Nghiêm Kế Tổ) và bọn Quốc dân đảng Việt Nam tìm cách phá sự hoạt động của Việt Minh (Cao Hồng Lĩnh kể với tôi). Do đó cuối cùng tổ chức Việt Minh không hoạt động gì đáng kể, còn báo Việt Thanh ra được hai kỳ thì đình bản.
3- Hiến kế thư của ông kêu gọi đoàn kết mọi đảng phái yêu nước chống Nhật, hàm ý đoàn kết với Đảng Cộng sản Trung Quốc (tất không hợp với quan điểm của Tưởng). Qua đó, hẳn Tưởng nhận thấy xu hướng tư tưởng của cha tôi khác với họ.
4- Khi một số đồng liêu khuyên cha tôi vào Quốc dân đảng Trung Quốc, thấy cha tôi từ chối khéo, chắc họ đặt dấu hỏi về độ tin cậy của cha tôi.
Bốn điều trên dẫn đến khi Tổng hành dinh của Quốc dân đảng Trung Quốc dời về Trùng Khánh, họ loại cha tôi ra.
Cha tôi về quân khu Trường Sa do Trương Trị Trung làm Tư lệnh. Ở đó, họ để cha tôi ngồi lĩnh lương, không giao công việc gì quan trọng. Sức khỏe của ông ngày càng kém, cho nên ông cũng buông xuôi. Ông nghĩ những gì đáng làm - tham gia cách mạng phản phong phản đế ở Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Tôn Trung Sơn thì ông đã làm; Viết những luận văn quân sự, tham mưu một số công việc tác chiến ở Bộ Tổng tham mưu Nam Kinh mà không gây hại cho việc chống quân phiệt, ông cũng đã làm. Ngoài ra những việc vận chuyển, cung cấp khí tài quân sự do trên chỉ đạo, ông buộc phải làm (nhưng chắc ông cũng có phần an tâm vì đã kịp chuyển những tin mật này cho Đảng cộng sản Trung Quốc); những việc làm cho cách mạng Việt Nam, Đảng cộng sản Việt Nam, ông cũng làm đầy đủ. Tự xét mình không xu thời, không hám danh lợi nịnh bợ bọn đồng liêu, cấp trên... ông thấy mình không có điều gì phải hổ thẹn với mình, với anh em đồng chí. Tuy ngoài Đảng, lòng ông khi nào cũng nghĩ về các đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Phùng Chí Kiên... nghĩ đến cuộc cách mạng giải phóng dân tộc phải do Đảng cộng sản Đông Dương lãnh đạo mới thành công. Ông nhấn mạnh đại đoàn kết, phát huy mọi lực lượng trong nước... Cho nên có thể nói "Bản hiến kế thư" của ông viết cho Tưởng Giới Thạch là suy nghĩ, là tâm tư, nguyện vọng của ông đối với đất nước mình. Ông nói với gia đình:
"Giờ mình cũng già yếu, sự nghiệp cứu nước chỉ trông chờ các anh em cộng sản trẻ. Nay bọn Tưởng đối xử mình như vậy cũng được, cái gì đáng làm thì cũng đã làm rồi...".
Nay đọc hồi ký của Lê Thiết Hùng, tôi sực hiểu ra câu nói "Cái gì đáng làm thì cũng đã làm rồi". Chúng tôi vẫn nghĩ ông ngụ ý sự cưu mang và nuôi dưỡng anh em cách mạng, nay mới hiểu điều ông muốn nói sâu xa nhiều.
Cả gia đình tôi lại gặp nhau vào cuối tháng 10, đầu tháng 11 năm 1938. Sau đó mẹ tôi ở lại Trường Sa, tôi theo chị về Ích Dương, nơi đóng quân của Lê Tân Dân. Từ Trường Sa về Ích Dương chỉ khoảng 100 cây số, cho nên tiện xe quân sự, hai chị em vài tuần lại về Trường Sa thăm cha một lần. Bây giờ nhớ lại, Tôi mới hiểu rằng chị Lan hay qua lại Trường Sa không chỉ thăm cha, mà còn đến liên hệ với cơ sở Đảng cộng sản Trung Quốc ở Trường Sa, để chuẩn bị đi học ở khu xô viết Thiểm Bắc.
Có một câu chuyện vui:
Hôm đó, sau khi ăn cơm trưa ở Trường Sa với cha mẹ tôi, anh Lê Thiết Hùng lái chiếc xe con đưa hai chị em về Ích Dương ngay giữa trưa. Có lẽ vì anh uống một chén rượu, lái xe lâu buồn ngủ, cuối cùng cái xe bốn vó chổng lên trời giữa ruộng. Khi đó chị và tôi ngồi đằng sau, tôi ôm hộp ruốc trứng tôm đang gà gật ngủ, bỗng thấy uỳnh một cái, không hiểu chuyện gì, một lúc sau mới định thần thấy hai chị em nằm lộn ngược trong xe. Anh Tân Dân mở cửa xe, chị và tôi lồm cồm bò ra mới biết xe bị lộn ngược... Nhưng ba người không việc gì, tôi chỉ mất một chiếc răng.
Người đời, những người yêu cách mạng họ quý trọng cha tôi. Họ đánh giá cao nghĩa cử của cha tôi, họ tôn cha tôi là tướng Quốc dân đảng, bất chấp việc tôi thanh minh cha tôi chỉ là trung tá (họ không tin điều đó). Tôi không thích bất cứ một loại hào quang nào khoác lên gia đình tôi và ngay cả bản thân tôi, vì đó là loại hào quang hữu danh vô thực. Tôi tự hào sinh trưởng trong một gia đình nhiều thế hệ hoạt động cách mạng: bà nội, cụ Lụa, can trường vì nước, được cụ Phan Bội Châu tôn vinh danh hiệu "Tiểu Trưng", cha nuôi hàng chục người cách mạng, chủ yếu là những đảng viên cộng sản; hơn nữa cha từng cứu một số người (cộng sản) bị Quốc dân đảng tình nghi là cộng sản.
Hồ Tùng Mậu, Lê Tản Anh là hai thanh niên cách mạng đến với gia đình tôi sớm nhất. Năm 1921, Lê Tản Anh theo hoàng thân Nguyễn Cường Để xử tử tên mật thám Pháp Phan Bá Ngọc. Hai anh từng giác ngộ cha tôi tham gia tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội. Sau khi cha tôi làm tình báo ba năm với Lê Thiết Hùng (1930 - 1933), Lê Tân Dân - Lê Thiết Hùng, hồi đó lấy tên là Lê Quốc Vọng, từng giác ngộ cha tôi tham gia Đảng cộng sản Đông Dương, cha tôi từ chối: "Tôi đã tuổi già sức yếu, vào Đảng nhỡ có khi vì sức khỏe không đáp ứng được với yêu cầu của Đảng thì hóa ra có lỗi. Mặc dù tôi không phải đảng viên, Đảng cần gì, tôi sẽ làm hết lòng thì có sao đâu chứ. Diệc Lan sẽ noi gương Hoa Mộc Lan đời nhà Tống thay cha đi đánh giặc, nó sẽ thay tôi. Tôi giao Diệc Lan cho các anh đó...".
Riêng trong tâm hồn tôi đánh giá rất cao nhân cách, phẩm chất và đức độ của cha tôi. Thái độ khiêm nhường, lời lẽ ôn tồn, cử chỉ, đi đứng khoan hoà là phong độ của cha tôi. Mẹ tôi tính thẳng, nóng nảy, suy cho cùng cũng không tránh khỏi hẹp hòi do phải lo toan việc nội trợ của gia đình lớn. Do đó cha tôi có căn dặn các chú:
"Vợ tôi nóng tính, hay nói linh tinh, lèm bèm, dù sao cũng là đàn bà, các anh đừng có chấp. Cứ hãy nhìn vào tôi ... Chuyện này về sau Hoàng Văn Hoan kể lại với tôi.
Có một đảng viên cộng sản từng xúc phạm sau lưng cha tôi, ông vẫn bỏ qua, hết lòng cộng tác công việc cách mạng với anh ta, không mảy may tỏ một thái độ gì với anh. Ông vẫn nói, thanh niên tính khí cương cường hăng hái, bồng bột … nhưng được việc, nóng nảy là nhược điểm không tránh khỏi, đừng chấp họ, mà hãy vì việc lớn.
Ông chủ trương đoàn kết rộng rãi để tranh thủ mọi khả năng cứu nước. Tuy nhiên ông chẳng hề hồ đồ chút nào. Ví dụ ông nói: "Nguyễn Hải Thần có tinh thần yêu nước, cũng là thế hệ Đông Du. Sau này cụ Phan mất, bầy tôi như rắn mất đầu, nên Thần cũng đành lấy vợ Trung Quốc, và vì sinh kế phải đi làm thầy bói. Nhưng nếu có dịp hoạt động, ông ta cũng sốt sắng, chỉ có mỗi tính tham lợi nhỏ, ngại cộng sản. Tôi mời ông ta tham gia "Việt Minh" chỉ có lợi cho chúng ta, không nên ngại. Đã gọi là "Việt Nam độc lập vận động đồng minh hội", càng nhiều phe, đảng, càng là lá chắn tốt cho chúng ta, bọn Tưởng sẽ bớt nghi ngờ sự hoạt động của chúng ta".
Như trên đã kể, cha tôi đau yếu, nhưng ông vẫn làm việc tích cực ngày đêm, luôn theo dõi thời cuộc thế giới cũng như Trung Quốc. Tình hình cứu nước ông nắm được chủ yếu dựa vào các đảng viên cộng sản. Cha tôi rất khâm phục Nguyễn Ái Quốc có tầm nhìn xa và sâu sắc, rất mến phục những thanh niên như Lê Tản Anh, Thái Lai (Hà Huy Tập), Mạnh Văn Liễu (Phùng Chí Kiên), Lê Hồng Phong, chị Duy (Nguyễn Thị Minh Khai) ... Ông đánh giá cao tài năng và nghị lực của họ.
Tôi vẫn suy nghĩ và thắc mắc, từng hỏi chị Lan và mẹ tôi, tại sao ông không chịu vào Đảng. Chị Lan vẫn nghĩ là vì cha tôi sức khỏe yếu, còn mẹ tôi nói: "Cha con theo chủ nghĩa Quốc gia của Phan Bội Châu (tức chủ nghĩa dân tộc)". Tân Tam dân chủ nghĩa của Tôn Trung Sơn được cha tôi tin tưởng. Vậy tư tưởng của cha tôi là gì? Phải chăng là dân tộc dân chủ? Các đảng viên cộng sản vẫn cho Tam Dân chủ nghĩa của Tôn rất hạn chế, không có tầm tư tưởng cao như chủ nghĩa Mác - Lênin. Đây là khoảng cách về quan điểm giữa ông với các đảng viên cộng sản.
Cha tôi hoàn toàn không ủng hộ đường lối tư tưởng phản động tàn bạo của Tưởng. Cho nên khi xảy ra "Sự biến Tây An" (Trương Học Lương, Dương Hổ Thành mời Tưởng lên Tây An bàn kế chống Nhật hay hòa đàm với Nhật. Tưởng lên Tây An, vùng căn cứ quân sự của Trương và Hổ, nơi giáp ranh với vùng của Đảng cộng sản Trung Quốc, Tưởng bị Trương cầm giữ vì lý do: nếu Tưởng không hợp tác với Đảng Cộng sản cùng nhau chống Nhật sẽ không thả Tưởng về Nam Kinh). Cha tôi kể lại câu chuyện đó với thái độ rất thú vị. Và trong "thư hiến kế" ông không nói rõ nên đoàn kết với cộng sản. Nhưng ông đề nghị đoàn kết các đảng phái tiến bộ, đồng lòng kháng Nhật...
Không hiểu đây có phải là sự gặp nhau về tư tưởng giữa Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với Hồ Học Lãm hay không. Bác Hồ có chỗ đứng là chủ nghĩa cộng sản, chỗ dựa là Đảng Cộng sản và quần chúng cách mạng. Còn Hồ Học Lãm chỉ có chỗ đứng là chủ nghĩa Dân tộc. Chỗ dựa của ông là sự giúp đỡ và sự tin tưởng ở lực lượng cộng sản là những người thực sự yêu nước, làm cách mạng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Đối với người cộng sản, họ chưa thể hài lòng với cha tôi vì họ cho ông không có quan điểm giai cấp, lập trường giai cấp. Điều này ở thời điểm đó là một mất một còn.
Có những tài liệu nói Trùng Khánh là nơi Bác Hồ gặp Hồ Học Lãm năm 1939. E rằng không chính xác về địa điểm.
Hồ Học Lãm đến Trùng Khánh cuối tháng 10 năm 1937 (từ Nam Kinh đến Trùng Khánh chờ lệnh nhận công tác khoảng gần một tháng). Theo các nguồn, thời kỳ đó Bác Hồ không ở Trung Quốc.
Chắc hai người gặp nhau năm 1939 ở Quý Dương. Đây là lúc chú Quốc Trụ đưa mẹ tôi, và tôi đi Côn Minh tìm gặp chị Diệc Lan.
Trước đó, cuối năm 1939, Phùng Chí Kiên hai lần từ Côn Minh về Quý Dương, thủ phủ tỉnh Quý Châu để đón Bác Hồ nhưng đều không gặp. Lần thứ hai, Phùng Chí Kiên và Đặng Văn Cáp (hồi đó gọi là Thược) gặp cha mẹ tôi. Tôi phỏng đoán: Phùng Chí Kiên có lấy địa chỉ của gia đình chúng tôi ở nhà ông Đỗ và để lại địa chỉ ở "Biện sự xứ Bát lộ quân" hoặc "Tân Hoa thư điếm" là trụ sở bí mật của Đảng Cộng sản Trung Quốc (thành phố nào cũng có Tân Hoa thư điếm, nghĩa là đều có trụ sở bí mật của Đảng Cộng sản Trung Quốc), đồng thời để lại chỗ hai ông bà địa chỉ của Trịnh Đông Hải (Vũ Anh) ...
Qua chuyện hoạt động tình báo, chứng tỏ tinh thần giữ bí mật của cha tôi cũng rất cao. Ông rất hiểu tính bép xép của vợ. Những gì ông nói với mẹ tôi đều thuộc loại không đáng bảo mật.
Sau khi Phùng Chí Kiên nhận được thư cha tôi, một thời gian sau (chắc cũng khoảng nửa tháng hay một tháng), Bác Hồ với các anh Phùng Chí Kiên mới gặp mặt ở Côn Minh và anh Kiên có đưa bức thư của ông Lãm cho Bác xem.
Trở về chủ đề chính, cha tôi theo chủ nghĩa dân tộc, dân chủ, nó là đúng hay sai, hậu thế sẽ phán xét.
Cha tôi chủ trương đại đoàn kết. Ông nói đã gọi là làm cách mạng giải phóng đất nước, phải tranh thủ mọi thời cơ, mọi lực lượng, mọi khả năng. Cha tôi có khả năng đoàn kết rộng rãi nên bọn Vũ Hồng Khanh hết sức nể ông cụ. Nguyễn Hải Thần tuy cùng lứa tuổi với cha tôi, ông cũng rất quý cha tôi. Về thái độ quan điểm cha tôi khác họ, nhưng họ không có chứng cớ gì kết luận ông là theo cộng sản. Bởi như ông đã nói với Nguyễn Hải Thần: "Bọn mình xuất dương Đông Du vì mục đích cứu nước. Kết cục bọn mình chẳng làm được gì và bây giờ chúng mình đều già rồi. Bọn thanh niên chúng nó hăng hái, xông xáo, làm được việc, hãy để họ làm thay chúng ta. Đừng gây khó khăn cho họ...".
http://vanhoanghean.vn/dat-va-nguoi-xu-nghe6/nguoi-xu-nghe43/tuong-niem-ve-cha-toi-chi-sy-ho-hoc-lam-vii
8.
Chương VIII
Con gái Thần Sơn
Mẹ tôi tên là Ngô Khôn Duy, là con gái cả của Thần Sơn Ngô Quảng - phó lãnh binh của Phan Đình Phùng. Ông ngoại tôi là người mưu trí, gan dạ, tôi nghĩ ông cụ là người nhỏ nhắn và cực kỳ nhanh nhẹn. Ông đã nhiều lần trốn thoát sự vây lùng của giặc Pháp ở các vùng núi cũng như trên sông, do đó nhân dân phong ông là Thần Sơn Thánh Thủy.
Sau thất bại của nghĩa quân Phan Đình Phùng ở Vụ Quang, ông ngoại tôi trốn tránh sự truy lùng của giặc Pháp và tập hợp các bạn chiến đấu, các nghĩa sỹ gây dựng cơ sở nhưng sự nghiệp dở dang.
Ông quê ở làng Tam Đa, xã Thần Lĩnh, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) - nay là xã Nghi Hưng. Thần Lĩnh là tên xã sau Cách mạng tháng Tám 1945 lấy tên hai nhà cách mạng ở địa phương: Thần là Thần Sơn Ngô Quảng; Lĩnh là Trương Vân Lĩnh người làng Tuy Anh, nay thuộc xã Nghi Phương. Trương Văn Lĩnh vốn là thanh niên công giáo yêu nước xuất dương sang Tàu, đã tốt nghiệp Trường Quân sự Hoàng Phố, là đảng viên cộng sản Trung Quốc, tham gia Quảng Châu công xã. Ông Lĩnh là người có nhiều công lao với cách mạng Trung Quốc và Việt Nam. Ông về nước năm 1940, bị Pháp bắt và cầm tù. Xã Thần Lĩnh nay gồm các xã: Nghi Phương, Nghi Hưng, Nghi Đông.
Nhìn ảnh lúc trẻ, mẹ tôi là một người phụ nữ xinh xắn, nhỏ nhắn. Bà tính rất nhanh nhẹn, hoạt bát, hay đọc Truyện Kiều và thơ Đường. Bà kém cha tôi chín tuổi, nghĩa là sinh năm 1893. Mẹ tôi có đôi mắt nhanh, rất sắc sảo, đồng tử màu hơi xanh lục. Mẹ tôi là người có khả năng ngoại cảm và tôi liên tưởng bà rất giống ông ngoại tôi. Cậu tôi là Ngô Chính Học có gương mặt rất giống mẹ tôi - nghĩa là ba cha con cụ Ngô Quảng rất giống nhau.
Theo mẹ kể, ông ngoại nay đây, mai đó, do đó phải gửi bà ở nhà cậu ruột - anh bà ngoại tôi ở một làng ven sông La. Cuối tháng 8-1946, sau khi từ Trung Hoa về Việt Nam, mẹ có đưa tôi về quê ngoại ở Hà Tĩnh, những ông bà bằng tuổi gọi mẹ tôi là o Quảng. Người nhà con cháu ông cậu hầu như không còn ai... Mẹ về thăm vài tiếng rồi đi khỏi làng luôn. (Hồi đó tôi còn ngô nghê quá, cho nên không ghi nhớ tên làng xã gì cả).
Bà nói, quê ông ngoại tôi ở làng Tam Đa, Nghi Lộc, Nghệ An, ở quê cưới vợ chưa kịp có con ông đã bỏ nhà theo cụ Phan Đình Phùng. Bà ngoại đẻ ra mẹ tôi là vợ thứ hai, người Hà Tĩnh. Sinh mẹ tôi được vài ba tuổi thì bà sinh thêm một em gái. Mẹ tôi từ nhỏ không được ở gần cha mẹ. Về sau bà ngoại tôi bị Pháp bắt vì là vợ "giặc" và ốm chết trong tù. Người em gái thất lạc đâu không biết.
Bà kể: Vì thương em gái mình lặn lội theo chồng đây đó, cho nên ông cậu rất thương và cưng mẹ tôi. Bà khó tính đủ đường, mợ rất ghét bà, nhưng cậu rất mực cưng chiều, do đó tính tình mẹ càng canh cải hơn. Sau khi cụ Phan Đình Phùng ốm mất, nghĩa quân tan rã, ông ngoại vẫn tiếp tục hoạt động, thường hay tập kích vào doanh trại Pháp, chúng căm tức lắm, lùng sục khắp nơi, ông ngoại suýt bị bắt nhiều lần. Ông lấy tên con gái làm tên mình. Về sau lấy tên là Ngô Chính hoạt động ở các vùng làng đạo một thời gian.
Mẹ kể tiếp: “Lần cuối cùng ông con bị săn đuổi ráo riết, ông trốn lên núi Ngàn Hống (Hồng Lĩnh), chúng đổ xăng đốt rừng, ông trốn khỏi núi, bơi từ bờ bên này sang bờ tây, cải trang thành người đốn củi (tiều phu) và chạy trốn sang Lào, rồi sang Xiêm. Năm mẹ hơn mười tuổi, từng làm giao thông liên lạc cho các nhóm hoạt động bí mật. Năm 16, 17 tuổi mẹ sang Xiêm, học chữ Nho với cụ Đặng Thúc Hứa. Mẹ học giỏi, luôn đứng đầu lớp, được cụ Đặng Thúc Hứa rất quý. Mẹ là niềm tự hào của ông ngoại con. Năm 19 tuổi, mẹ được cụ Đặng Thúc Hứa đưa sang Trung Quốc học cùng một số thanh niên yêu nước khác. Khi ở Xiêm, mọi người gọi ông ngoại tôi là cố Khôn.
Nhờ liên hệ giữa cụ Đặng Thúc Hứa và cụ Phan Bội Châu, mẹ tôi được gửi vào học trường Đức Hoa nữ tử cao đẳng tiểu học tại Khúc Giang, Quảng Đông. Học 6 năm, bà tốt nghiệp năm 25 tuổi, qua mối lái của cụ Phan Bội Châu, cha mẹ tôi lấy nhau ở Hàng Châu. Hai năm sau thì sinh chị tôi - Hồ Diệc Lan năm 1920 (khi đó bà 27 tuổi, cha tôi 36 tuổi). Thế nghĩa là hai ông bà lấy nhau năm 1918.
Vì sinh nở nhiều lần, con chết yểu, bà bị chấn thương tinh thần, nhưng cha tôi không biết một tý gì. Bà kể, có lần đẻ xong con chết, bà không ngủ 3 tháng 10 ngày liền, cứ thấy một con ngựa trắng chạy qua trước mặt. Sau uống nhiều thuốc bắc mới khỏi chứng mất ngủ và ảo giác. Sau này tôi kể cho bạn bè là bác sĩ, họ cho rằng bà bị tâm thần từ đó, nhưng vì trong nhà không ai biết, không chữa dứt điểm, cho nên bệnh tâm thần hoang tưởng nặng dần lên.
Bệnh tâm thần của mẹ tôi cũng quái ác lắm. Không ai biết bà có bệnh, bà không đập phá. Bà hay cáu và nói linh tinh, mọi người (các đồng chí cộng sản trong nhà) cho là bà khó tính, khắt khe và hay mắng mỏ người này người nọ. Các đồng chí ở trong nhà bằng mặt không bằng lòng, nghĩ là bà tiếc miếng ăn với anh em. Ngay cha tôi cũng không biết nguồn cơn sâu xa về mẹ tôi. Bây giờ nghĩ lại tôi mới thấy bệnh của mẹ mình là tâm thần hoang tưởng.
Mẹ tôi luôn nghi ngờ người xung quanh ghét mình, nói xấu về mình, do đó cứ tự nhiên vô cớ sinh sự trong nhà. Về sau, bà luôn nghi kỵ có đặc vụ Quốc dân đảng, lưu manh đang theo dõi, muốn hãm hại bà. Trong tai bà luôn nghe văng vẳng tiếng người ta nói xấu mình (bà hay tâm sự với tôi như vậy, và bắt tôi theo dõi người ta - một người hàng xóm Trung Quốc đang nói xấu gì bà. Nhưng tôi chẳng hề nghe thấy ai nói gì về bà cả, chỉ thấy họ kể cho nhau những chuyện vu vơ như, "rồng từ trên trời thả vòi rồng xuống hút nước như thế nào". Còn bé, tôi rất thú vị những câu chuyện như thế.
ở mẹ tôi pha trộn lẫn lộn cái thông minh, sắc sảo, trượng nghĩa, trọng người tài, yêu nước, thích làm việc nghĩa, việc thiện. Nhưng vì tính nghi kỵ, sinh ra khó tính, canh cải, tự cao tự đại, coi thường người khác, mạt sát người khác thẳng cánh khi trái ý mình, sống không mềm dẻo, khéo léo lấy lòng người khác...
Những đồng chí như Thái Lai (Hà Huy Tập), Lê Hồng Phong, chị Duy (Nguyễn Thị Minh Khai), anh Liễu (Mạnh Văn Liễu - Phùng Chí Kiên), mẹ tôi hết lời ca ngợi: Họ là những người tài giỏi, không tẹp nhẹp hay nói xấu đồng chí của mình, biết tôn trọng người khác... Bà chê một số đồng chí ở trong nhà là trình độ văn hóa thấp nhưng lười đọc sách báo, không có chí tiến thủ, vô công rồi nghề, chuyên nói xấu nhau...
Thực ra không ít trong số những người ở nhà tôi, do trình độ văn hóa thấp, nhận thức còn nhiều hạn chế, nhưng lại chờ thời cơ đi Liên Xô học chính trị. Thời kỳ sau 1934 - 1935, Đảng Cộng sản Trung Quốc gặp rất nhiều khó khăn, không tạo được điều kiện cho các đồng chí Việt Nam sang Liên Xô học. Số người này cũng không về nước hoạt động. ở lại Trung Quốc, họ không có trình độ gì, cho nên cha tôi cũng không kiếm được việc làm cho họ. Mặt khác, họ cũng sống theo kiểu buông xuôi và chờ đợi... Tôi nhớ có anh Văn người Lào, anh hiền lành, văn hóa thấp, tiếp thu chậm, Lý Quang Hoa giúp anh học quốc ngữ (đa số những người ở nhà tôi không đọc được sách báo Trung Quốc), học một số kiến thức chính trị... Anh Văn cùng anh Giai, Đức, Thược (Đặng Văn Cáp sau này) giúp mẹ tôi làm việc nhà, cùng mẹ tôi đi chợ búa, nấu nướng hàng ngày. Một số khác như Lý Quang Hoa, Đỗ Đăng Trình, Hải (Phi Vân, Nguyễn Hữu Căn), Đông A (Trần Quốc Tuấn) v.v... lau dọn nhà cửa. Chú Quốc Trụ cũng thuộc loại văn hóa thấp, chú đi làm nghề cắt tóc kiếm tiền. Lê Tân Dân lúc đầu là Ban trưởng (trung đội trưởng) về sau lên Liên trưởng (Đại đội trưởng) ở Binh đoàn cơ giới (Trung Quốc gọi là Khí xa binh đoàn). Khi lấy chị tôi hè 1937, anh là Liên phó (đại đội phó). Thời kỳ ở Lão Hà Khẩu là Dinh phó (Tiểu đoàn phó, có lẽ vì là người ngoại quốc, họ chỉ cho giữ chức phó). Lý Quang Hoa viết chữ đẹp đến năm 1938 là chuẩn úy văn thư trong quân đội Quốc dân đảng Trung Quốc. Sau này tôi phỏng đoán (trẻ con đâu có biết việc và mối quan hệ giữa người lớn) mẹ tôi đắc tội với nhiều đồng chí cộng sản. Họ ở nhờ cũng là điều bất đắc dĩ, ngoài mặt họ tỏ ra vui vẻ, trong bụng hết sức không bằng lòng mẹ tôi.
Khi hai mẹ con tôi tới Liễu Châu tìm gặp Cụ Hồ, cậu tôi là Trần Báo cũng ở đó. Mọi người có ý nghi Trần Báo phản bội, vì thấy cậu tôi thời kỳ này giao du với Nguyễn Hải Thần, Trương Bội Công. Mẹ tôi hay mắng cậu tôi là làm ô danh gia đình. Cậu tôi trả lời: “Khổ quá, chị chẳng hiểu gì cả (?). Dù sao, cậu tôi đã không để cho Nguyễn Hải Thần, Trương Bội Công xác định được Hồ Chí Minh chính là Nguyễn ái Quốc. Trước đó, năm 1938, cậu tôi đã chắp nối với đại diện Đảng Cộng sản Trung quốc cho chị tôi và ông Cao Hồng Lãnh đi học ở khu căn cứ xô viết Thiểm Bắc.
Căn bệnh mẹ tôi mắc phải là chứng tâm thần phân lập ngày một tiến triển. Căn bệnh này, nghĩ lại thật đáng sợ. Người bệnh không hề biết mình có bệnh, bên tai họ luôn có những tiếng nói văng vẳng về sự thù ghét, hãm hại. Người ngoài không thể biết, và không thể tin mẹ tôi mắc bệnh, vì bà không đập phá gì, nói năng, suy nghĩ rất tỉnh táo, tinh tường. Cha, chị và tôi không hề biết mẹ có bệnh, chỉ riêng anh Lê Tân Dân biết, nhưng có lẽ anh cũng phỏng đoán vậy thôi.
Sau khi thầy tôi mất (1943), cuối năm 1945, Chính phủ ta cho người đón ba mẹ con tôi về nước. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, mẹ tôi sống ở làng Quỳnh Đôi. Bà có tham gia một số công tác ở làng và được kết nạp vào Đảng cộng sản, được bầu làm Chủ tịch Hội Liên Việt của làng Quỳnh Đôi. Sau năm 1954, mẹ tôi chuyển ra Hà Nội, làm việc tại báo Nhân Dân và sống với gia đình nhỏ của tôi.
ở Hà Nội, khoảng những năm 1960, 1970, có lần tôi nói chuyện với anh Lê Thiết Hùng:
"Anh nhỉ, khi ở Trung Quốc, các chú ở trong mình nhà ghét mẹ, có lẽ họ cho rằng mẹ tiếc miếng ăn, hay mẹ có như vậy thật?".
Anh nói:
"Không phải đâu, mẹ tính nóng và thẳng, hơi "điên điên", em và Sinh, (chồng tôi, họa sĩ Đặng Đức Sinh) đừng chấp mẹ, vì mẹ có bệnh. Do anh em không hiểu chứ mẹ không có tính nhỏ mọn như vậy đâu... Mẹ sinh nở nhiều lần mà không nuôi dưỡng được, cho nên mẹ buồn sinh ra chứng yếu thần kinh...".
Năm 1977, mẹ tôi mắng chửi suốt đêm, nghi một cậu thiếu niên hàng xóm tuổi bêu xấu hình mình dán ở Bạch Mai, nghi con gái mình ăn cắp tiền của mình... Có lúc bà cụ dằn vặt, chửi bới, làm sôi xương nổi thịt đến mức tôi muốn tự tử. Mẹ tôi ghét anh Sinh lắm, tôi cũng không hiểu vì lý do gì. Vì thương cháu trai là Hiền, mới 8, 9 tuổi, tôi mới nguôi được ý nghĩ đó. Anh Lê Thiết Hùng đưa xe đón mẹ tôi đi bệnh viện Tâm thần Thường Tín. Đến bệnh viện, toàn người điên, cơ sở vật chất rất tồi tàn. Tôi thương mẹ quá, khóc nức nở. Ba hôm sau, tôi yêu cầu anh Hùng cho xe đón mẹ tôi về. Cuộc sống lại điên đảo. Cho mẹ đi nhà thương điên thì thật không nỡ, không thể yên tâm được, đón mẹ về, cuộc sống gia đình lại như địa ngục.
Một hôm, bà Thanh (Nguyễn Thị Thanh – vốn là vợ ông Lê Đình Thiệp), cán bộ chính sách ở Văn phòng Trung ương Đảng, đến nói rằng sẽ cho mẹ tôi về trại "dưỡng lão" dành cho những người có công với cách mạng ở An Dương. ở đó toàn các bà mẹ cô đơn có con hy sinh trong chiến tranh. Cơ sở và điều kiện mọi mặt với thời bấy giờ là ổn. Mẹ tôi được ở riêng một buồng. Do đó tôi cũng tạm yên tâm. Nửa năm sau, bà Thanh nói với tôi:
"Chồng em đến khóc với chị, kêu là bà cụ làm cho cả nhà sống không yên, hỏi chị có thể gửi bà về đâu được không? Một thằng đàn ông mà phải khóc thì khổ quá, cho nên chị mới xin cho cụ về đấy...". Khi đó tôi mới vỡ lẽ, có lẽ nghĩ cái nghĩa đối với ông Hồ Học Lãm, cho nên Văn phòng Trung ương đã xử lý như vậy... Nhưng đúng hơn là nhờ bà Thanh, bà thương hai vợ chồng tôi nên mới giúp đỡ tận tình như vậy, đó là khoảng tháng 10 năm 1977. Trước đó, bà Thanh còn gửi mẹ tôi vào chữa bệnh ở bệnh viện E một tháng. Bác sĩ, y tá, bệnh nhân luôn kêu trời vì sự khó tính "điên điên" của mẹ tôi.
Đến đầu năm 1980 thì mẹ tôi mất.
http://vanhoanghean.vn/dat-va-nguoi-xu-nghe6/nguoi-xu-nghe43/hoi-tuong-ve-cha-toi-chi-sy-ho-hoc-lam-viii
---
Những entry liên quan đã đi trên blog này:
- Chí sĩ Hồ Học Lãm - Cụ Hồ đầu tiên - qua hồi tưởng của một người con (tiếp theo, 3)
- Chí sĩ Hồ Học Lãm - Cụ Hồ đầu tiên - qua hồi tưởng của một người con (tiếp theo)
- Chí sĩ Hồ Học Lãm - Cụ Hồ đầu tiên - qua hồi tưởng của một người con
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.