Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

14/06/2015

Đọc bà Thiếu Mai viết về Hà Nội, trong hồi kí xuất bản năm 1972

Trước mình có đọc những đoạn rời của bà Thiếu Mai viết về Hà Nội. Rất thích lối viết, lối cảm của bà. Dần dần rồi sẽ nói về những đoạn rời ấy.



Gần đây, qua một entry của Nhị Linh, mới biết là có nguyên cả quyển hồi kí của bà đã xuất bản năm 1972. Các ảnh dưới đây trích chụp từ cuốn Ngược gió là của Nhị Linh. 

Sau các ảnh là bài viết của Nhị Linh.

Về khu Hàng Ngang, có thể đọc thêm ở đây.

---











---

Jun 13, 2015

Phụ nữ Việt Nam viết hồi ký

Tại sao người ta lại nghĩ Khánh Ly có một câu chuyện để kể nhỉ?


Tất nhiên Khánh Ly chẳng có câu chuyện nào hết, thế nên cuốn sáchĐằng sau những nụ cười là một mớ lổn nhổn thật là hết sức vô vị.


Khánh Ly có phải là người rất bất hạnh không? Không. Khánh Ly có phải là một người đặc biệt hạnh phúc không? Không. Khánh Ly có sở hữu một ký ức lung linh huyền ảo hay rất nhiều ngóc ngách bí ẩn không? Không. Khánh Ly có dằn vặt nội tâm khủng khiếp không? Cũng không nốt.



Và nhất là Khánh Ly không hề biết viết. Cuốn sách Đằng sau những nụ cười là một đóng góp của Khánh Ly: đóng góp cho một mảng sách hổ lốn những du ký, hồi ký, tản văn đang ê hề hiện nay, phần lớn của những người không hề biết viết. Một người như Hà Quang Minh mà cũng trở thành tác giả được thì tôi thấy mọi thứ đã bắt đầu quá nực cười rồi.



Khánh Ly không hề biết viết nhưng lại nghĩ và được nhiều người làm cho nghĩ rằng có biết viết, thậm chí còn viết hay. Là một ca sĩ nổi tiếng, nếu muốn có hồi ký, Khánh Ly hoàn toàn có thể nhờ một ai đó viết cho. Cuốn hồi ký hay nhất của phụ nữ Việt Nam trong mười lăm năm vừa qua là một cuốn sách được viết như vậy: hồi ký của Lê Vân. Nhưng Lê Vân thì đích xác là có câu chuyện để kể, chứ Khánh Ly thì không. Đó là một nhầm lẫn lớn: không phải ai cũng có chuyện để kể. Tôn Nữ Thị Ninh cũng đâu có câu chuyện nào. Kết quả là Khánh Ly tạo ra một cái gì đó hỗn loạn giữa tản văn và hồi ký có chất lượng viết cực thấp, đi kèm những bức ảnh chất lượng cũng cực thấp nốt.



Ta hãy đề phòng với những tác giả chưa gì đã tuyên xưng cho "sự thật". "Sự thật" từng có một ý nghĩa đảo chiều dần trong lịch sử, như thế này: ở các tác phẩm văn chương cổ điển, ta thường thấy tác giả cam đoan ở đầu sách là mọi điều được kể trong sách là thật, còn ở các tác phẩm văn chương hiện nay, ở đầu sách thường có dòng chữ "mọi nhân vật và sự kiện trong sách là hư cấu". "Sự thật" bốc hơi dần theo cách ấy. Cho nên, cuốn sách Bên thắng cuộc của Huy Đức fail ngay từ đầu, vì nó cứ cả quyết là chỉ nói sự thật. Một người lõi đời như Huy Đức mà cũng có thể phạm một điều sơ đẳng như vậy, thật là kỳ cục. Mà nguyên nhân cũng chính vì Huy Đức quá lõi đời thôi. Đọc cuốn sách ấy, tôi thực sự tiếc, Huy Đức đã có một cơ hội cực kỳ lớn để đi vào lịch sử một cách đàng hoàng. Nhưng cuối cùng, chỉ một thời gian ngắn sau, Trần Mai Hạnh đã nhẹ nhàng gạt Huy Đức sang một bên, với một bản lĩnh kinh người, dẫu là xuất phát từ một cái nhìn của "bên thua cuộc".



Ta càng phải đề phòng những cuốn sách thỉnh thoảng lại bỗng nhiên có những từ, những dòng chữ in hoa hết cả lên (như trong cuốn sách của Khánh Ly). Trên đời có cái gì xứng đáng được viết hoa ư?



Nhất là đàn ông, văn nhân, mà cứ suốt ngày viết hoa, cả câu, thậm chí cả đoạn, thì có thể biết đích thị đó chính là phường đốn mạt, đê tiện. Dấu hiệu nhận biết quá đơn giản.



Tất nhiên, xưa nay tôi vẫn ác cảm với âm nhạc của Trịnh Công Sơn, điều này có thể gây ảnh hưởng đến cái nhìn của tôi đối với cuốn sách Đằng sau những nụ cười.



Nhưng không hẳn: mối ác cảm của tôi với Trịnh Công Sơn phức tạp hơn rất nhiều. Tôi ác cảm với nó chính vì nó từng rất máu thịt với tôi, suốt một thời, và không chỉ là Sơn ca 7 hay Ca khúc da vàng. Nó từng là thứ âm nhạc chạm rất mạnh vào tôi, và ngay cả bây giờ, tôi vẫn thấy có những câu của Trịnh Công Sơn hết sức tuyệt đối: 1) Đường phượng bay mù không lối vào 2) Chiều Chủ nhật buồn nằm trong căn gác đìu hiu 3) Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ. Tất nhiên là âm nhạc ấy cách rất xa thứ âm nhạc rặt một mùi giả dối của Dương Thụ.



Quay trở lại với chủ đề "Phụ nữ Việt Nam viết hồi ký": có gì xuất sắc không? Có chứ? Như hồi ký Lê Vân trên đây tôi đã nhắc đến, hay khi Đặng Thị Hạnh viết hồi ký, tôi đã ngay lập tức viết một bài review (xem thêm ở đây).



Trước đó còn có nữa. Dưới đây là hai cuốn sách rất ít được biết đến, nhưng với tôi là tuyệt vời. Cả hai đều được xuất bản vào năm 1972:



Thứ nhất là cuốn sách của bà Nguyễn Thị Thế, em gái của Nhất Linh, Hoàng Đạo, chị gái của Thạch Lam, Nguyễn Tường Bách, và là thân mẫu của Duy Lam, Thế Uyên:


(đây là bản 1992)

Người phụ nữ gần như thất học ấy (khi gia cảnh đã khá hơn, Nhất Linh định cho em gái đi học nhưng khi ấy bà Thế đã khá lớn, xin đi học thêu thay vì đi học chữ) lại viết được những dòng hay nhất về các nhân vật trụ cột của Tự Lực văn đoàn. Có một ai đó nói rằng hóa ra trong gia đình Nguyễn Tường lẽ ra đã phải có một nữ sĩ. Đây là một lời tán tụng thuần túy, nhưng không hoàn toàn sai. Cuốn sách này được viết cực kỳ gọn gàng, văn phong mẫu mực. Và nhất là nếu không đọc cuốn sách này thì ta vô phương trong việc nắm bắt con người Thạch Lam (trong gia đình, bà Thế thân thiết với Thạch Lam nhất, đặc biệt hồi bé ở Cẩm Giàng và khi Thạch Lam sắp qua đời tại cái nhà ven Hồ Tây, và chính là nguyên mẫu người chị trong truyện ngắn "Hai đứa trẻ" của Thạch Lam).


Thứ hai là quyển này:


Ngược gió của bà Thiếu Mai, mở đầu là sự miêu tả vô cùng đậm hương vị hoài nhớ khu Hà Nội quanh Bờ Hồ hồi đầu thế kỷ XX: bọn trẻ con ở Bảo Khánh đi học như thế nào, nơi này có những cái làng đặc biệt ra sao vân vân và vân vân. Cuốn sách này theo tôi về nhiều phương diện còn vượt xaTuấn chàng trai nước Việt của Nguyễn Vỹ.

http://nhilinhblog.blogspot.jp/2015/06/phu-nu-viet-nam-viet-hoi-ky.html#comment-form

4 nhận xét:

  1. Không facts, không arguments, có ai biết vì sao ông Cao Việt Dũng mạt sát [?] bà Khánh Ly đến vậy không?

    Trả lờiXóa
  2. He He ơi !
    Con gà tức nhau tiếng gáy ! Salam không biết ( Ân oán ) của họ ra sao ? . Theo cảm nhận của Salam thì nhạc Trịnh nếu không có Khánh Iy thì cũng bị chìm trong quên lãng mà thôi . Khánh Ly và Trịnh Công Sơn là một cặp mà thượng đế đã cho nước Việt mình . Salam mê nhạc Trịnh cũng qua tiếng hát Khánh Ly . Hồi trước năm 1975 còn nhỏ , mỗi đêm muốn nghe nhạc Sài Gòn phải lén lút , mà Salam đã nghiền Khánh Ly , Lệ Thu , Thái Thanh , Thanh Thuý vvv
    Khỏi phải tranh luận nhiều , cứ nghĩ coi , một bà già ngoài 70 giọng hát không còn như hồi ở đỉnh cao , mà ở Hà Nội cháy vé , Đà nẵng cũng vậy ... Thì mới biết tình cảm người hâm mộ dành cho Bà rất nhiều . Salam cũng đã đọc mấy đoạn hồi ký của Bà , nhất là khi Bà mới lên Đà Lạt hat ở phòng trà . Rất nhân văn , nhất là đoạn những người lính ( Dù ) lặng lẽ đến , lặng lẽ đi khi nghe Bà hát bài ( Cho một người nằm xuống )! Nghe xong họ biến vào màn đêm . Điều Salam muốn nói ở đây là một cuốn hồi ký dù có còn vụng dại ngây ngô vẫn hấp dẫn hơn trăm lần những cuốn hồi ký được trau chuôt , gọt tỉa đẹp đẽ theo ý tưởng của một ai đó . Hồi ký , nhật ký cứ để cho nó sống đời sống thật như đời sống của nó vốn dĩ như vậy... Thân !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có lẽ bởi Nhị Linh ông em ấy không khoái Trịnh Công Sơn đâm ra này nọ với ca sĩ hát Trịnh.

      Bác Salam có nhiều kỉ niệm hay thật. Bọn em là lớp sau, lớn lớn một chút thì đã Đổi Mới rồi. Mà ngày đó, vẫn nghe radio, theo dõi tay Bạch Minh đọc các truyện như Thủy Hử, vân vân. Đồng thời, nhạc vàng rất nở rộ. Thời của Tuấn Vũ, Chế Linh,... Trịnh thì nghe thoải mái.

      Xóa
  3. Bác Giao có biết không ? Điều đó rất đơn giản , là vì người nhạc sĩ , ca sĩ thời đó sống trong lòng người hâm mộ bằng tài năng thực sự của mình , không cần phải PR gì cả . Salam vẫn thích nghe người ca sĩ hát chỉ với một người đêm bằng một chiếc gita thùng . Khi đó người ca sĩ mới bộc lộ được tài năng của mình . Bà Khánh Ly đã làm được điều đó . Hiện tại bây giờ chỉ có mỗi Hồng Nhung và Ánh Tuyết làm được , nhưng không bao giờ qua được Khánh Ly
    Còn Salam mến He He vì tính trung thực , dám nói ra những chính kiến của mình , nhiều lúc ý kiến ấy sẽ có ít nhiều ( Đụng chạm ) . Cũng như mến bác Giao và Lão Cạo vì cho đọc nhiều bài viết hay

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.