Út Huệ mất năm 1981. Năm 1982 thì Búp sen xanh của Sơn Tùng ra đời. Đó là theo thuật lại của ông Kiều Mai Sơn nào đó. Vừa xong.
Còn 9 năm trước, thì Thiên Sơn lại viết: Út Huệ mất năm 1980. Năm 1981 thì Sơn Tùng bắt tay vào viết Búp sen xanh.
Có nghĩa là: ngay bản thân việc viết của cụ Sơn Tùng giờ đây cũng đã trở thành huyền thoại mất rồi ! Huyền thoại về việc viết huyền thoại.
Tháng 6 năm 2015,
Giao Blog
---
1. Bài cũ của Thiên Sơn
09:59 ngày 22 tháng 04 năm 2006
Cuộc gặp gỡ với người suốt đời chờ đợi thần tượng Nguyễn Tất Thành
Vợ chồng nhà văn Sơn Tùng trước mộ cụ phó bảng Nguyễn Sinh Huy (tức cụ Nguyễn Sinh Sắc) tháng 6/1975 |
TPCN - Nhà văn Sơn Tùng cho biết, những gì viết trong “Búp sen xanh” chỉ là sự hé mở một phần về mối tình của bà Lê Thị Huệ, một người đã nguyện dành cả cuộc đời mình chờ đợi một thần tượng đã có sức toả sáng, lay động đến tận cùng tâm hồn mình.
Vợ chồng nhà văn Sơn Tùng trước mộ cụ phó bảng Nguyễn Sinh Huy (tức cụ Nguyễn Sinh Sắc) tháng 6/1975 |
Hôm ấy, nhà văn Sơn Tùng bị vết thương hành hạ, những mảnh đạn trong đầu cựa quậy, các vết thương lại rỉ máu.
Ông phải nằm dưỡng sức ngay trên tấm phản, cạnh những giá sách có hàng ngàn cuốn sách về văn hoá đông tây, kim cổ.
Tôi ngồi bên, cầm lấy bàn tay mà các ngón đã co quắp lại vì mảnh đạn kẻ thù, lắng từng tiếng ông đều đều, thủ thỉ:
- Bác đã chuẩn bị đầy đủ tư liệu… Cố gắng để chống lại vết thương hoành hành và viết cho bằng được tiểu thuyết “ Bông Huệ trắng”…
Giọng ông như từ xa vắng dội về. Đôi mắt ông hướng vào trong, mạch hồi tưởng thức dậy cái chuỗi ngày ngót 60 năm về trước: Hồi ấy ông công tác tại Tỉnh đoàn Nghệ An, thường đến gặp bà Nguyễn Thị Thanh và ông Nguyễn Sinh Khiêm (chị gái và anh trai Bác Hồ) để tìm hiểu tư liệu.
Lúc đầu còn chưa biết gì về hoàn cảnh gia đình của Bác, nên hỏi mon men từ ông nội bà nội, sang ông bà ngoại và những bước thăng trầm của gia đình Bác Hồ trong tuổi ấu thơ cũng như những mối quan hệ để từ đó hình dung về mạch nguồn đã tạo nên nhân cách và thiên tư của Người.
* * *
Có một điều băn khoăn từ rất lâu, khi đã trở nên gần gũi và được tin cậy, chọn một thời điểm thích hợp, nhà văn Sơn Tùng hỏi bà Nguyễn Thị Thanh:
- O ơi, cháu có điều này xin được hỏi O, mong o hiểu … cháu muốn được thấu rõ những điều…
Bà Thanh tiếp lời:
- Cháu cứ hỏi, không phải e ngại, miễn là điều đó có thể nói được với cháu thì O sẽ nói .
Sau phút do dự, nhà văn thổ lộ điều tâm sự của mình:
- Cháu biết điều này không dễ gì… Nhất là lại hỏi với người bề trên… Nhưng mong O xá lỗi và cho cháu biết... Tại sao ba chị em O lại đều không xây dựng gia đình? Có gì ẩn khuất sau chuyện này không hả O?
Bà Thanh quay nhìn ra khu vườn xanh. Ngọn gió chiều lao xao trên tàu lá. Đôi mắt bà trở nên hoang vắng. Bà im lặng. Một niềm im lặng thẳm sâu mà như nói lên biết bao điều. Lúc sau bà cất giọng trầm, nén bên trong những rung cảm mãnh liệt:
- Hoàn cảnh nhà O… - Bà Thanh kìm một tiếng thở dài – Biết bao gian khó hiểm nghèo… Có nói ra cháu chưa chắc đã hình dung hết được… Cậu Thành thì đi xuất dương tìm con đường cứu nước. O và cậu Khiêm bị đi đày. Cậu Khiêm bị thực dân Pháp tra tấn dã man và tìm cách triệt nòi giống bằng cách tiêm thuốc… Khi ra tù thì tuổi đã cao, có những nỗi niềm u uẩn…
Bà Thanh như nghẹn lại, mắt ứa lệ:
- O đã già, không dễ gì ngồi nói lại những chuyện này với một người trẻ tuổi như cháu. Nhưng biết cháu là một người có thể thấu hiểu thì o mới nói- Cũng như cậu Khiêm, O cũng bị kẻ thù tra tấn dã man. Cháu có tưởng tượng được không? Chúng nung đỏ chiếc mâm đồng… Một chiếc mâm đồng nung đỏ mà chúng bắt O ngồi lên đó… Một nỗi đau đớn đến tận cùng xuyên sâu từ da thịt vào xương tủy… Nhiều ngày sau đó O không đi lại được… Vết bỏng đã làm biến dạng cả cơ thể, xoắn vặn cả tâm hồn O. Vậy thì, làm sao O có thể có gia đình được nữa...
Nhà văn Sơn Tùng lặng lẽ nhìn người chị gái của Bác Hồ. Dường như O Thanh vừa trải qua một cơn rùng mình. Chẳng biết nói gì hơn, ông kiên nhẫn đợi cho đến lúc bà Thanh bình tâm trở lại, giọng bà vẫn trầm trầm nhưng đã qua cơn ức nghẹn dần trở nên man mác:
- Tuổi xuân của O suy nghĩ về công việc cứu nước. Noi gương cụ Phan Bội Châu bỏ gia đình mà đi bôn ba hải ngoại… Hồi ấy O cũng có những đám hỏi. Cha O cũng đánh tiếng… Có một đám bên Hà Tĩnh… Người ta đã mang lễ vật đến… Nhưng O đội mâm đi trả. Một thời gian sau, cha O bị huyền chức đi luôn vào xứ Nam kỳ. Cậu Khiêm sau một thời gian hoạt động thì bị bắt…
Cậu Thành gác việc riêng lại để lo cứu nước. Khi cậu đi xuất dương O không biết. Chỉ biết trước đó cậu đã vào Phan Thiết, dạy ở Trường Dục Thanh, chỗ ông Hồ Tá Bang- người thân thiết của cha O hồi ở Huế.
Hồ Tá Bang làm ký lục tại Phan Thiết, đồng thời là sáng lập viên công ty nước mắm Liên Thành và Trường Dục Thanh. Trường Dục Thanh có nhiều thầy giáo là người khoa bảng có tư tưởng tiến bộ.
Cậu Khiêm ra tù năm 1920, và O đến năm 1922 cũng mới được ra, nhưng cả hai chị em đều bị quản thúc. Tin tức về những người thân trong gia đình đều bặt hết.
Mãi đến năm Kỷ Tỵ 1929, O đang bị quản thúc ở Kim Luông thì nhận được giây thép (bức điện) của gia đình cụ Hồ Tá Bang từ Sài Gòn ra, báo cho biết cha O đã qua đời tại xã Hoà An, Huyện Cao Lãnh, Sa Đéc. Và thế là O lo liệu vượt mọi khó khăn để vào hộ tang cha.
Hồi ấy vào Nam cũng giống như đi sang một nước khác. Không biết bao nhiêu là khó khăn chồng chất. Khi O vào đến nhà số 3, đường Ông Đốc Phương, có người của cụ Hồ Tá Bang dẫn O lên Gò Vấp.
Đó là một vùng mênh mông và hoang vu, trại cày của cụ Diệp Văn Cương (cha của nhà báo Diệp Văn Kỳ). Người ở đây nói hãy đợi Lê Thị Huệ lên dẫn O xuống Cao Lãnh. O muốn tự đi nhưng mọi người không đồng ý. O hỏi:
- Huệ nào?
Thì được trả lời: Đó là học trò của cụ phó bảng Sắc từ thời ở Huế.
Sau đó thì Lê Thị Huệ lên đưa O xuống mộ cha. Huệ kém cậu Thành vài tuổi. Gặp O, Huệ khóc. Lúc đó Huệ để tang cho cha O. O ở lại đó cho đến 49 ngày, tạ ơn những người lo tang cho cha O (phần nhiều trong số họ là học trò của cha O).
Trong thời gian đó, trò chuyện với Huệ, chị em hiểu nhau, và O mới biết Huệ là người thương của cậu Thành. Hai người đã có một tuổi thơ gắn bó từ hồi ở Huế. Cha Huệ làm bên bộ Công. Huệ mất mẹ. Thành cũng mồ côi mẹ. Cha O thì không tục huyền. Cha Huệ sau tục huyền với một người phụ nữ Huế, bà ta đanh đá, cảnh nhà không vui.
Khi vua Thành Thái bị đi đày, các quan dưới triều Thành Thái đều bị thuyên chuyển. Cha O vào Bình Khê, rồi vào lục tỉnh. Cha Huệ cũng bị thuyên chuyển, thế là Huệ với cậu Thành xa nhau...
Khi từ Phan Thiết vào Sài Gòn cậu Thành có gặp lại Huệ…
Huệ cũng cho biết, một lần cậu Thành có thư về. Thầy (cha O) gọi Huệ đến và cho biết. Khi đó cha O đang ở chùa, cắt thuốc giúp dân, một thời gian sau mới xuống hẳn Cao Lãnh.
Sau những lần trò chuyện, cuối cùng O dò hỏi xem Huệ sẽ tính liệu thế nào khi cậu Thành thì biền biệt bên trời Tây. Huệ nói với O, không giấu được xúc động: “ Có khi em đợi… Không đợi được thì em sẽ vào chùa…” .
O nắm lấy bàn tay Huệ không nói được gì. Sau đó thì O trở ra Bắc. Từ đó, O không còn gặp lại Huệ nữa. Mọi chuyện sau này ra sao O không được rõ…
Bà Thanh nhấn từng tiếng:
- Sau này yên hàn, nam bắc thông thương, cháu còn trẻ, nếu có dịp vào đàng trong, vào chỗ mộ cha O thì có thể lần ra được…
* * *
Chiến tranh liên miên. Cuộc sống bộn bề công việc trên các nẻo đường công tác. Năm 1967, đang làm phóng viên mặt trận dẫn đầu một tổ phóng viên cắm từ Thanh Hoá, Nghệ An đến Quảng Bình, Vĩnh Linh… ông (Sơn Tùng) được điều động lên Hà Giang để tổ chức mạng thông tín viên cho báo Tiền Phong và vận động bà con ở đây bỏ hút thuốc phiện.
Công việc đang tiến triển tốt thì ông lại được gọi về Hà Nội giao nhiệm vụ vào Nam lập báo Thanh niên giải phóng. Giữa lúc ấy ông nhận được tin bom Mỹ đánh vào cầu Giát, nơi vợ con ông đang sinh sống cả gia đình phải sơ tán, nhà cửa xóm làng tan hoang và tin em trai ruột của ông là Bùi Sơn Thanh hy sinh ở chiến trường Do Hải, Quảng Trị.
Vậy mà không một chút lưỡng lự, ông nhận nhiệm vụ và gấp rút chuẩn bị lên đường đi B.
Ngoài việc thực hiện những nhiệm vụ được giao, trong ông còn có một dự định không hé hở với một ai: Vào Nam, khi có cơ hội, sẽ tìm cho được Lê Thị Huệ và tìm hiểu thêm về những ẩn tích thời tuổi trẻ của Bác Hồ.
Đi bộ gần sáu tháng vượt Trường Sơn ông vào đến Nam Bộ. Báo Thanh niên giải phóng đóng ở Tây Ninh. Chiến tranh ác liệt, chưa có điều kiện xuống được Cao Lãnh. Một hôm có anh Lâm Văn Tẩy phụ trách Đoàn TNND Cách mạng từ Cao Lãnh lên, ông hỏi chuyện…
Anh Tẩy cho biết: Mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc trước đây ở miếu Trời Sanh. Lính Sài Gòn định phá, nhưng hàng trăm người vây xung quanh mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc, ngăn chặn hành động độc ác vô tri của chúng.
Một cuộc xô xát lớn xảy ra, 71 người đã bị thương nhưng tinh thần đấu tranh của người dân mỗi lúc một cao, cuối cùng chúng đành phải rút lui.
Năm 1971 nhà văn Sơn Tùng bị thương nặng, phải cáng ra miền Bắc. Ngoài nỗi buồn vì mang thương tật, mất 81% sức khoẻ, 3 mảnh đạn còn nằm trong hộp sọ, mắt chỉ còn 1 phần 10, hai bàn tay chỉ còn 3 ngón không co quắp và nhiều vết thương khác, trong lòng nhà văn Sơn Tùng có một nỗi buồn khác là việc tìm kiếm Lê Thị Huệ và những khát vọng sáng tác từ lâu ôm ấp càng trở nên xa vời hơn.
Nhưng ý chí đã giúp ông vượt qua thử thách ngặt nghèo nhất. Năm 1972, sau khi xin rút ngắn thời gian chữa bệnh từ Trung Quốc trở về, ông rèn luyện kiên trì và dần dần khắc phục tàn phế, dấn thân vào sáng tác.
Tháng chạp năm ấy, B52 đánh vào Khâm Thiên ông vẫn xông xáo, không quản nguy nan, là một trong những người đầu tiên đến tận hiện trường viết bài như lúc còn ở ngoài mặt trận.
* * *
Giải phóng Sài Gòn, giữa lúc mọi việc đang bề bộn, đầy bất trắc, ông xin giấy giới thiệu của Bộ Văn hoá, bán cả đồ dùng riêng tư để có tiền trở lại miền Nam tìm tư liệu về Bác Hồ, về cụ Nguyễn Sinh Sắc và bà Lê Thị Huệ.
Vào đến Cao Lãnh, nhà văn Sơn Tùng trú tại nhà ông Nguyễn Thành Mậu, Chủ tịch UBMT Giải phóng Tỉnh Sa Đéc, em ruột ông Nguyễn Thành Tây- một học trò của Nguyễn Tất Thành hồi còn ở Phan Thiết. Biết nhà văn vào tìm tư liệu về cụ Sắc, mọi người ai cũng hết sức vui mừng và yêu quý.
Từ những đầu mối mà ông Nguyễn Thành Mậu cho biết, nhà văn Sơn Tùng quay về Sài Gòn, tìm đến số 58C phố Cao Thắng, nhà của dược sư Hồ Tường Vân- Tổng thư ký Hội chữ thập đỏ của miền Nam, con gái cụ Hồ Tá Bang.
Sau đó tìm đến nhà 52 phố Bàn Cờ, nhà của bà Hồ Thị Liệt, chị gái của bà Hồ Tường Vân. Dược sư Hồ Tường Vân và bà Hồ Thị Liệt cho nhà văn biết thêm nhiều điều về bà Lê Thị Huệ.
Sau đó nhà văn Sơn Tùng tìm được nhà người cháu của bà Huệ và được đưa đến gặp bà Lê Thị Huệ trong một ngôi chùa cách Sài Gòn khá xa, trên đường đi Vũng Tàu.
Lúc đầu bà Huệ từ chối. Bà nói:
- Tôi làm sao có quan hệ với gia đình cụ Hồ được... Khéo người ta lại bảo tôi thấy sang bắt quàng làm họ...
Nhưng nhà văn Sơn Tùng vẫn rất kiên nhẫn thuyết phục. Ông tặng bà Huệ cuốn sách của mình viết về Bác Hồ có tên Nhớ nguồn do NXB phụ nữ vừa ấn hành và ảnh nhà văn được chụp cùng với Bác Hồ cũng như trình bày niềm mong ước gặp bà từ khi được O Nguyễn Thị Thanh kể hồi năm 1948.
Sau một khoảng lặng, nét mặt bà Huệ thay đổi. Bà trở nên thân tình hơn:
- Ông đã nói vậy và qua những gì tôi biết và cảm nhận về ông, tôi tin ông nói thật. Chắc ông cũng hiểu, có những kẻ xưng là người này người nọ nhưng sự thật thì không phải… Bây giờ tôi hỏi ông, xin ông cho tôi biết… Cụ Hồ đã qua đời thật hay chưa? Hay có chuyện gì …?
Bà Huệ lặng lại giây lát, gương mặt không giấu sự xúc động. Nhà văn Sơn Tùng không hiểu điều gì đang diễn ra trong tâm cảm của Bà Lê Thị Huệ. Chắc phải có một chuyện gì… một chuyện gì đây… khiến bà nghi ngờ…
Không phải đợi lâu, bên tai nhà văn giọng bà Huệ lại rành rọt:
- Khi anh Diệp Văn Kỳ nhận được thư cụ Hồ mời qua anh Hồ Tá Khanh (con cụ Hồ Tá Bang), anh Kỳ lại là bạn thân của Nguyễn Tất Thành… Vậy mà, anh Kỳ ra đến Lái Thiêu thì bị bắn chết. Từ đó, mất luôn mọi liên lạc với cụ Hồ.
Bà Huệ nhấn từng tiếng:
- Nói thật, tôi rất sợ liên quan đến chính trị. Tôi sợ ông đi thử nhân tâm. Với lại, có những điều đáng suy nghĩ lắm, sao có nhiều người tự xưng là người cách mạng, giải phóng mới có mấy tháng mà đã tranh nhau nơi ở… đã đối xử với nhau thiếu tình nghĩa con người…
Nhà văn Sơn Tùng thưa với bà Huệ:
- Cụ là một người tu hành, chắc cụ thấu hiểu rằng người đi tu rất nhiều, nhưng không phải ai cũng có thể thành Phật… Trong đội ngũ những người của cụ Hồ cũng có người thế này, thế khác…
Bà Huệ cười. Một nụ cười khô héo:
- Ông nói vậy, tôi cũng biết vậy. Qua những gì ông nói, tôi nhận thấy ông gần gũi với nhiều người trong gia đình cụ Hồ. Ông thực lòng muốn biết thì tôi nói để ông hiểu được cụ Hồ thời đó… - Giọng bà Huệ trở nên âm trầm, ẩn tàng bên trong niềm rung động thiêng liêng, nỗi xao xuyến mênh mông - Nguyễn Tất Thành là một thần tượng của tôi thời trẻ.
Cũng như Lục Vân Tiên với Kiều Nguyệt Nga… Cảnh ngộ chúng tôi đều mất mẹ… Qua những năm tháng sống gần nhau từ hồi ở Huế… có những kỷ niệm vô cùng đẹp đẽ… Chắc ông cũng hiểu rằng, Nguyễn Tất Thành phải có một cái gì đó thì tôi mới có thể chờ đợi và tôn thờ suốt cả cuộc đời mình…
Đôi mắt bà Lê Thị Huệ gợn lên một ánh buồn da diết.
- Sau này, khi anh Thành đi rồi… Tuổi trẻ của tôi u ám buồn và ngập chìm thương nhớ. Tôi mong ngóng chờ đợi một con người ở tận bên kia trái đất. Không gì có thể tả được cái nỗi lòng ngày ấy… Thỉnh thoảng anh Diệp Văn Kỳ gặp tôi có nói cậu Thành vẫn hoạt động bên Paris…
Bà Huệ lại lặng đi. Đợi lúc bà bình tâm trở lại, trước lúc chia tay, nhà văn Sơn Tùng thưa với bà:
- Từ những gì cụ nói hôm nay, cháu xin cụ được viết thành bài báo…
Bà Lê Thị Huệ nhìn thẳng vào nhà văn, vẫn giọng nhỏ nhẹ nhưng rành rọt:
- Không nên! Sau này tôi qua đời, ông có viết gì thì viết, nhưng đừng để người thời nay và cả sau này hiểu sai về chúng tôi ngày đó… Còn bây giờ thì không nên...
- Nhưng thưa cụ, cháu nghĩ, tình cảm của cụ với Nguyễn Tất Thành là một câu chuyện đẹp đẽ. Nguyễn Tất Thành vì việc Nước mà phải gác lại tình riêng, bôn ba khắp năm châu bốn biển tìm cho bằng được con đường giải phóng dân tộc.
Khi giành được Nước rồi, vẫn không xây dựng gia đình… Đến tận phút cuối cùng của cuộc đời cao cả ấy vẫn luôn nghĩ về miền Nam ruột thịt… Còn cụ, cụ vẫn giữ trọn vẹn mối tình trong trắng của mình qua bao thăng trầm của đời người, bao biến thiên của thời thế… Đó là một tấm gương lớn để giáo dục thanh niên, giáo dục con cháu ta cho mãi về sau…
Bà Huệ lắng nghe rồi lại từ tốn cất lời:
- Ông nói cũng phải, nhưng ông mới nói những điều thuận. Mà đời thì đâu chỉ có những cái thuận… Nếu ông viết, người ta sẽ nói là tôi điên. Một bà già sắp chết, đã đi tu để quên hết chuyện đời… Vậy mà bây giờ thấy người của Giải phóng đến lại còn kể về mối tình đầu để kiếm chác…
Sau buổi chia tay ấy với bà Huệ nhà văn Sơn Tùng giữ mãi lời nguyền: Sẽ không viết gì về mối tình này khi cụ đang còn sống.
***
Năm 1980 cụ Lê Thị Huệ qua đời. Năm 1981 Nhà văn Sơn Tùng bắt tay vào viết tiểu thuyết “Búp sen xanh” về thời tuổi trẻ của Bác Hồ. Trong tiểu thuyết này có nhân vật út Huệ và mối tình trong trắng không cất nên lời.
Cuốn sách này đến nay trở thành một trong những tiểu thuyết có lượng ấn hành lớn nhất ở nước ta với hơn nửa triệu bản. Tuy nhiên thời kỳ đó, có những quan điểm khác nhau về nhân vật út Huệ…
Thủ tướng Phạm Văn Đồng sau khi đọc xong “Búp sen xanh” đã mời nhà văn Sơn Tùng lên trò chuyện thân mật. Thủ tướng có hỏi về nhân vật út Huệ…
Và chính Thủ tướng đích thân viết lời tựa cho “Búp sen xanh” khi tái bản lần thứ nhất. Tuy nhiên, vì những lý do tế nhị, đầu năm 2005 lời tựa này mới được công bố. Trong lời tựa có đoạn: “Cuốn sách “Búp sen xanh” nêu lên một vấn đề: ở đây tiểu thuyết và lịch sử có thể gặp nhau không? Vấn đề này các đồng chí hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật và nói chung tất cả chúng ta cần suy nghĩ để có thái độ. Song ở đây cũng vậy, lời nói có trọng lượng rất lớn thuộc về người đọc, nghĩa là nhân dân”.
Nhà văn Sơn Tùng cho biết, những gì trong “Búp sen xanh” chỉ là sự hé mở một phần... Đó là lý do tại sao ông còn phải viết cuốn “Bông Huệ trắng”. Cuốn sách sẽ là một bản tình ca vô cùng trong trắng và thiêng liêng về mối tình của một con người đã nguyện dành suốt cả cuộc đời mình chờ đợi một thần tượng đã có sức toả sáng, lay động đến tận cùng tâm hồn mình. Người đó là Lê Thị Huệ…
http://www.tienphong.vn/van-nghe/cuoc-gap-go-voi-nguoi-suot-doi-cho-doi-than-tuong-nguyen-tat-thanh-44746.tpoChú thích của Giao: Sơn Tùng, Thiên Sơn, Daniel. |
2. Bài vừa xuất hiện
Bài trên báo NNVN.
http://nongnghiep.vn/nguoi-con-gai-suot-doi-cho-doi-nguyen-tat-thanh-post143916.html
05/06/2015, 06:20 (GMT+7)
Đúng dịp kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, NXB Kim Đồng lại trở thành “bà đỡ mát tay” đưa kịch bản phim “Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng” của nhà văn Sơn Tùng đến với bạn đọc.
Bìa sách “Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng”
Từ “Búp sen xanh”...
“Búp sen xanh” ra đời năm 1982, đến nay (2015), đã qua hơn 30 lần tái bản và nối bản, với tổng lượng phát hành lên đến gần 1 triệu bản in.
Năm 1990, tác phẩm được chuyển thể thành kịch bản phim “Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng”. Sau khi dựng thành phim, đạo diễn Long Vân đã đổi tên thành “Hẹn gặp lại Sài Gòn” và nhân vật Út Huệ đổi tên thành Út Vân.
Út Huệ, người cuối cùng đưa tiễn Nguyễn Tất Thành lên tàu rời bến cảng Nhà Rồng, rời Việt Nam, sang Pháp. Khi con tàu chở Nguyễn Tất Thành với tên gọi mới là Văn Ba mờ mờ phía chân trời. Lê Thị Huệ chắp tay trên ngực nhìn theo, khấn trước đất trời:
“Sông ơi!
Đừng mọc đá ngầm
Biển ơi!
Đừng dựng sóng dữ...
Anh đi thuận gió xuôi buồm...
Hỡi những phương trời xa lạ...
Hãy đón lấy Anh...
Một chàng trai nước Việt...
Anh là của Nước của Dân...
Tất cả đợi Anh về...”
Út Huệ tên thật là Lê Thị Huệ, con gái của Lê Quang Hưng, giữ chức Kế quan - một chức vụ nhỏ ở Bộ Công. Bà vốn là học trò thầy Cử Nghệ Nguyễn Sinh Sắc khi còn ở Huế. Hai đứa trẻ, Nguyễn Tất Thành lên 10 và Lê Thị Huệ lên 8, vốn gắn bó với nhau vì tình đồng môn và càng gắn bó hơn khi cả hai đều sớm mồ côi mẹ.
Cha tục huyền, người mẹ kế của Lê Thị Huệ cay nghiệt, gia cảnh không mấy vui vẻ. Cho tới năm 1907, vua Thành Thái bị lưu đày, các quan trong triều nhiều người bị “huyền chức” phải thuyên chuyển.
Nguyễn Sinh Sắc, quan Thừa biện ở Bộ Lễ vào Bình Khê (Bình Định) nhậm chức “Tri phủ lĩnh Tri huyện”. Nguyễn Tất Thành sau sự việc cùng học trò trường Quốc học tham gia giúp những người biểu tình chống thuế ở Trung Kỳ (1908) cũng phải rời Huế. Họ rời xa nhau từ đó.
... đến “Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng”
Vẫn giữ những chi tiết nội dung “Búp sen xanh” về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở tuổi hai mươi, tuy nhiên, trong “Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng” nhà văn Sơn Tùng chủ ý khắc họa rõ hơn tình cảm cao thượng và đẹp đẽ của cô thanh nữ Lê Thị Huệ với chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành.
Sau khi Nguyễn Tất Thành từ Phan Thiết vào Sài Gòn, hai người gặp nhau. Đến khi Nguyễn Tất Thành lên tàu tìm phương cứu nước, ở lại Sài Gòn, Lê Thị Huệ vẫn dõi theo, đợi chờ tưởng như bóng chim, tăm cá.
Trong lần gặp gỡ nhà văn Sơn Tùng ở ngôi chùa tu hành ngoài cửa ngõ Sài Gòn, bà Lê Thị Huệ chia sẻ: “Tuổi trẻ của tôi u ám buồn và ngập chìm trong thương nhớ. Tôi mong ngóng, chờ đợi một con người ở tận bên kia trái đất. Không gì có thể tả được cái nỗi lòng ngày ấy... Thỉnh thoảng anh Diệp Văn Kỳ gặp tôi có nói: Cậu Thành vẫn hoạt động bên Paris...”.
Khi cụ Nguyễn Sinh Sắc tạ thế tại Cao Lãnh (1929), hai người con là Nguyễn Thị Thanh và Nguyễn Sinh Khiêm không vào kịp, Lê Thị Huệ đã cùng những người học trò cũ tổ chức lễ tang chu đáo và để tang cụ...
“Tôi viết kịch bản này bằng cả trái tim yêu Bác. Người Việt Nam ai cũng yêu Bác. Nhưng chẳng ai dám tự cho mình là người yêu Bác hơn ai... Tôi yêu Bác mà đã nhớ được, ghi chép được dăm ba mẩu chuyện nho nhỏ về cuộc đời vĩ đại của Người. Tôi viết lại thành những mẩu nho nhỏ ấy với lòng thành: Góp phần kể lại đời hoạt động của Vị Cha Già Dân Tộc”. (Nhà văn Sơn Tùng)
|
Sau này, có những lần Bác đã hỏi hai ông Bùi Công Trừng và Ung Văn Khiêm về cô Huệ nhưng cả hai ông đều nói chỉ biết rằng cô Huệ còn sống và đã đi tu, còn không biết thêm một thông tin nào nữa cả. Bác nghe xong rồi thở dài...
Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhà văn Sơn Tùng với thương tật trên mình mất sức khỏe 81% cùng vợ, bà Phan Hồng Mai, lặn lội vào Sài Gòn. Từ lời kể của bà Nguyễn Thị Thanh, chị gái Bác Hồ, những năm 1948-1950, Sơn Tùng đã tìm gặp những gia đình từng có quan hệ với gia đình cụ Nguyễn Sinh Sắc. Ông đã gặp cô Út Huệ năm xưa, nay đã là một cụ già hơn 80 tuổi đang tu hành. Ký ức của người già, lại là người tu hành, không dễ gì mở ra.
Bà Phan Hồng Mai kể lại, nhà văn phải lui tới 18 lần, vợ cũng không được theo cùng, mà chỉ có một người cháu của bà Lê Thị Huệ là học giả Lê Hương dẫn tới. Đến khi thực sự tin cẩn, bà mới hé mở dần.
Bà Lê Thị Huệ hỏi Sơn Tùng: “Ông ở cạnh Cụ Hồ nhiều năm, có khi nào thấy cụ nhắc tới hai chữ tình yêu không?”. Sơn Tùng kể lại câu chuyện, năm 1960, khi Viện Văn học dịch xong tập thơ “Nhật ký trong tù” do Nam Trân dịch. Riêng bài “Mới ra tù, tập leo núi”, Bác có dịch lại trên Báo Nhân Dân, ký bút danh T.Lan: “Mây ấp núi, núi ôm mây/ Lòng sông sạch, chẳng mảy may bụi hồng/ Bùi ngùi dạo đỉnh Tây Phong/ Trông về cố quốc, chạnh lòng nhớ ai”.
Sơn Tùng vừa đọc hết bài thơ, bà Lê Thị Huệ xúc động thật sự: “À, tôi nhớ ra rồi”, bà đọc tiếp luôn: “Nhớ ai, ai nhớ, nhớ ai/ Biển Đông còn đó, non Đoài còn đây/ Gìn vàng giữ ngọc cho hay/ Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời”. Đúng cậu Thành rồi! Cậu Thành vẫn không quên tôi!”.
Và bà dặn thêm: “Khi nào tôi qua đời, ông có viết gì thì viết... Còn bây giờ thì không nên. Có người sẽ cho rằng tôi thấy sang bắt quàng làm họ”.
Năm 1981, bà Lê Thị Huệ qua đời. Năm 1982, “Búp sen xanh” ra đời. Đến nay, năm 2015, “Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng” đến tay bạn đọc. Chúng ta hiểu rõ hơn về gia thế của người con gái suốt đời chờ đợi Nguyễn Tất Thành.
KIỀU MAI SƠN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.