Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

18/06/2015

Càng cố gỡ gạc thì sẽ càng rối thêm ra, là tại bởi ở cái gốc cái rễ

Để thấy rằng: thành phố thủ đô đang được quản lí ra sao. Năng lực quản lí đã thấy. Tư cách người được trao cho quyền quản lí cũng đã thấy. 

Cây tốt quả là bởi cái gốc cái rễ. Không phải bởi cái ngọn. 

Đây là loạt sưu tầm mới, bổ sung cho các loạt trước về chủ đề "treo vàng tâm trồng mỡ".

---

2.

Cây xanh mới trồng đổ la liệt: Không thể dối trời


Cập nhật lúc: 05:52 18/06/2015 (GMT+7)

(Kiến Thức) - Vụ hàng loạt cây xanh mới trồng đổ la liệt sau giông lốc bất ngờ đã làm lộ ra sự “gian dối” của con người khiến dư luận bức xúc.

Giông lốc kinh hoàng tàn phá Hà Nội chiều 13/6 đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của. Tuy nhiên, thiên tai bất ngờ cũng đã làm “lộ” ra sự “gian dối” của con người khiến dư luận té ngửa.
Hàng loạt cây xanh mới được trồng trên các tuyến phố bị đổ la liệt. Điều khiến người dân hết sức ngạc nhiên là ở những cây bị đổ ấy, bầu đất gốc cây vẫn còn bọc nguyên lưới và dây chằng. Có những cây tuy không bị đổ nhưng nước mưa cuốn trôi lớp đất phủ để lộ ra những lớp bọc bằng lưới quanh mỗi gốc cây. Thế có nghĩa là khi trồng, người ta cứ để nguyên bọc lưới mà hạ xuống, không thèm cắt bỏ để cây tiếp xúc với đất. Một “kĩ thuật” trồng cây có lẽ chỉ có ở xứ ta?
Cay xanh moi trong do la liet: Khong the doi troi
 Hàng loạt cây đổ sau giông lốc bất ngờ tại Hà Nội, ngày 13/6.
Không chỉ cây xanh mới trồng bị bật gốc ngã đổ mà nhiều cột đèn trên các tuyến phố cũng bị ông trời “hạ gục” một cách khó tin. Những trụ đèn bằng bê tông cốt thép bị gió lốc quật gãy một cách dễ dàng, vết gãy tựa như vết cắt rất ngọt, lộ ra thân trụ chỉ có bê tông, không có cốt thép hoặc nếu có thì cũng chỉ lèo tèo vài sợi thép. Mục sở thị chất lượng trụ đèn như thế, người dân không khỏi lo lắng bởi hiểm họa lơ lửng trên đầu, bất cứ lúc nào cũng có thể ập xuống gây tai nạn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Trước đây, dư luận cũng đã từng chứng kiến cảnh tương một số công trình xây dựng đổ vỡ, hư hỏng chỉ sau một trận mưa, bão. Tháng 8/2012, hố tử thần bẻ đôi đường Lê Văn Lương sau trận mưa ảnh hưởng của cơn bão số 5. Tương tự, tháng 10/2014, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai vừa mới đưa vào sử dụng đã bị nứt ngang lún dọc sau mấy trận mưa liên tiếp!
Cả hai sự cố hỏng đường nói trên, người ta đều đổ tội cho ông trời để lấp liếm những khiếm khuyết trong quá trình thiết kế, thi công, giám sát, nghiệm thu… Còn việc đổ cây, gãy trụ điện hàng loạt chiều 13/6 vừa qua ở Hà Nội, có lẽ rồi cũng tại ông trời? Có điều, nếu không nhờ ông trời, làm sao có thể đánh bật gốc cây, bẻ đôi trụ điện mà phơi bày tất cả cái sự gian dối của người đời trước bàn dân thiên hạ?
Thế mới hay, người ta có thể “dối trên lừa dưới” nhưng không thể dối… trời!
Nguyễn Duy Xuân


http://kienthuc.net.vn/soi-xet/cay-xanh-moi-trong-do-la-liet-khong-the-doi-troi-512738.html



1.

Hà Nội sẽ quyết tìm ra người trồng cây để nguyên bọc bầu


17/06/15 07:34


(GDVN) - Sau trận giông lốc chập tối 13/6, nhiều cây mới trồng bị bật gốc lộ ra nguyên vỏ bọc gốc bằng nilon. Sở Xây dựng Hà Nội đang kiểm tra và sẽ xử lý nghiêm.

Chiều qua (16/6), tại buổi giao ban báo chí do Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, ông Võ Nguyên Phong – Phó Giám đốc Sở Xây dựng đã báo cáo chi tiết những vấn đề liên quan đến vụ giông lốc xảy ra chập tối ngày 13/6 khiến hơn một nghìn cây xanh gãy, đổ, khiến 2 người thiệt mạng, 7 người bị thương.
Theo ông Phong, trận giông này có gió giật từ cấp 8 đến cấp 9, gây thiệt hại nặng cho hệ thống cây xanh và lưới điện trên toàn thành phố, gây thiệt hại cả về tính mạng và tài sản của người dân.
Tính đến chiều 16/6, các đơn vị chức năng phối hợp đã giải quyết cơ bản toàn bộ số cây gãy, đổ ở các địa bàn khác nhau.
Giải thích việc khắc phục hậu quả chậm hơn dự kiến, ông Võ Nguyên Phong cho biết, vì dự kiến ban đầu chỉ có khoảng 300 cây, nhưng thực tế sau trận giông quá mạnh thì có tới 1.300 cây bị gãy, đổ.
Ông Võ Nguyên Phong - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội thông tin về vụ giông lốc chiều ngày 13/6. ảnh: Ngọc Quang.
Việc trồng thay thế cây đổ cũng sẽ được thực hiện và phải đảm bảo sống và sinh trưởng tốt. Riêng trên phố Nguyễn Chí Thanh, thành phố Hà Nội đang tổ chức xin ý kiến các nhà khoa học, và lấy ý kiến nhân dân để lựa chọn loại cây phù hợp, thay thế cho cây mỡ.
Đáng chú ý, sau trận giông lớn, nhiều cây trồng mới bị bật gốc đã lộ ra gốc cây còn bọc nilon. Việc bọc nilon như vậy có ảnh hưởng gì đến chất lượng và quá trình sinh trưởng hay không? Có đảm bảo thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật trồng cây hay không?
Ông Phong cho biết, sau khi nhận được chỉ đạo từ thành phố, Sở Xây dựng đã giao cho các đơn vị kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm về quy trình trồng cây sẽ xử lý nghiêm theo quy định. Đồng thời, Sở Xây dựng cũng đang tiến hành rà soát, kiểm tra cụ thể doanh nghiệp nào trồng các loại cây để nguyên bọc nilon và sẽ thông tin rộng rãi đến các cơ quan báo chí.
“Chúng tôi không biết sự việc từ đầu mà biết qua phản ánh của báo chí”, ông Phong cho hay.
Theo đại diện Sở Xây dựng thì những đơn vị trồng cây đều phải tuân thủ cam kết, nếu cây trồng sống thì mới được thanh toán tiền, nếu cây chết thì phải trồng bù, cho tới khi nào cây ở vị trí đó sống được.
Ngoài ra, dư luận cũng băn khoăn vì hàng năm đơn vị chức năng đều có kinh phí tổ chức kiểm tra cây, cắt tỉa cành hoặc chặt hạ những cây nguy hiểm, sâu mục. Vậy thì việc kiểm tra ấy phải tiến hành thế nào để vừa khách quan lại nhận biết được cây bị sâu bệnh, cần phải loại bỏ?
Ông Võ Nguyên Phong Phong cho biết: “Việc kiểm tra các loại cây sâu mục hiện nay đang được tiến hành bằng mắt thường. Đối với những cây sâu mục có biểu hiện ra ngoài thì dễ phát hiện, còn cây sâu bên trong tương đối khó và vẫn phải thực hiện theo trực quan của chuyên gia”.
Tháng 7 tới đây, Sở Xây dựng sẽ phân loại xong và báo cáo thành phố những loại cây nguy hiểm không nên trồng tại đô thị.
Cũng tại buổi giao ban báo chí chiều nay, đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, UBND thành phố Hà Nội đang tổ chức tiến hành kiểm điểm nghiêm túc cá nhân và tổ chức liên quan tới vụ chặt hạ, thay thế hàng loạt cây xanh thời gian vừa qua.
Ngọc Quang

http://giaoduc.net.vn/gdvn-post159256.gd

1 nhận xét:

  1. Không biết công ty công viên cây xanh Hà Nội dùng boc ni lon và loại bao bì nào để bọc gốc cây . Chứ Salam biết có một loại nilon và bao tự huỷ sau mấy tháng . Đó là phát minh của PGS TS Phạm thế Trinh - Viện phó viện hoá học công nghiệp Việt Nam . Salam mua cây kiểng về trồng cũng không bỏ bao nilon ra , chỉ chọc mấy lỗ là được , cây vẫn sống khoẻ mạnh có sao đâu

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.