Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

12/05/2015

"sách ở bên cạnh em đó, hỏi mẹ đi" (về phu nhân của học giả Nguyễn Đổng Chi)


Nhiều cụ thời trước như là những tủ sách sống. Truyện Kiều có thể đọc một mạch hơn 3 ngàn câu. Mãi đến thời tôi, vào những năm 1990, vẫn thi thoảng gặp những bà cụ như vậy ở nơi này nơi kia. Có cụ còn biết chữ Nôm, chỉ vẽ cho tôi chữ này thì đọc thế này mới đúng, vân vân. Cũng có cụ không biết chữ (tức cả quốc ngữ cũng không biết).

Một trong các cụ như vậy là phu nhân của học giả Nguyễn Đổng Chi (cụ này thì chỉ biết qua bài dưới đây của con gái cụ mà thôi).


Từ đây trở xuống là nguyên bài, lấy về từ vv.

---




Kính thưa Ban tổ chức Hội thảo,
Thưa các nhà khoa học, các vị đại biểu có mặt trong cuộc Hội thảo này và đã chịu khó ngồi lại cho đến giờ phút này.
Tôi xin phép được thay mặt gia đình cố GS Nguyễn Đổng Chi lên nói mấy lời tri ân đối với cuộc Hội thảo nhân 100 năm sinh người cha thân yêu của chúng tôi, do ba đơn vị là Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học tại TP HCM, Tập đoàn truyền thông Thanh niên và NXB Trẻ cùng phối hợp tổ chức và được rất nhiều nhà khoa học khắp từ Nam đến Bắc hưởng ứng, viết bài và tham dự đông đảo, mà sự thành công, như ai cũng đều thấy, mỹ mãn vượt quá mong ước của mọi người. Điều đó đã khiến cho anh em chúng tôi, cả con cháu, bà con thân thuộc và bạn bè có mặt trong cuộc họp ở đây đều rất xúc động.
Nếu đứng về nghề nghiệp và tuổi tác thì các anh của tôi, nhất là anh cả Huệ Chi, là người đủ tư cách hơn cả để lên nói với quý vị những thu hoạch chuyên môn sau khi được dự nghe những ý kiến sâu sắc, những trao đổi lý thú trong suốt cả một ngày ròng rã. Nhưng không hiểu sao các anh lại nhường lời cho tôi, có lẽ các anh muốn tôi nói thêm một chút về người mẹ quá cố, vì nói về cha mà không nhắc đến mẹ là chưa đầy đủ. Mà con gái thì bao giờ cũng hiểu rõ mẹ mình hơn. Hơn nữa, tôi luôn luôn linh cảm rằng không chỉ bố tôi mà hương hồn mẹ tôi ở dưới suối vàng cũng đang ở đâu đây trong cuộc họp này để lắng nghe với tất cả niềm bồi hồi trước những lời của các nhà khoa học trên trần thế nói về sự nghiệp của người chồng của mình.
Thưa toàn thể cử tọa,
Là con cháu trong nhà, hết thảy chúng tôi đều đã đọc sách của bố, của ông, từ những ngày còn rất nhỏ, nhất là bộ Kho tàng truyện cổ tích – khi mới chỉ là những tờ fit (fiche) được cắt ra từ những mẩu giấy lề, và giấy thừa trong vở học trò của chúng tôi, miếng to miếng nhỏ, màu đen màu trắng xếp đầy ngăn kéo – thì không một đứa con, đứa cháu nào, thậm chí cả các chắt đang có mặt tại đây, là không kể lại vanh vách. Thế nhưng cuộc họp hôm nay đã khiến chúng tôi vô cùng thích thú, nhiều lúc sửng sốt ngạc nhiên, vì ngoài những gì mình hằng nghĩ và tưởng đã hiểu biết hết, nay hóa ra còn vỡ vạc ra được rất nhiều điều mà ngày thường đọc sách Nguyễn Đổng Chi chưa thấu hiểu hết. Không nói những lý thuyết cao xa như Trường phái Phần Lan trong việc phân loại và kết hợp các môtip truyện cổ tích được ông áp dụng từ sớm, xin dành riêng phần này cho các nhà chuyên môn. Chỉ nói đến những chuyện thông thường, chẳng hạn những chuỗi khảo dị đặt đằng sau mỗi truyện cổ tích, trước đây chúng tôi đọc rất mê say vì tự nhiên mình được biết thêm nhiều cốt truyện lạ của nhiều nước khác nhau, tương đồng hay dị biệt với truyện của Việt Nam, dồn lại thành từng cụm liên hoàn làm cho truyện chính thêm ý vị. Ý nghĩ đơn giản chỉ là thế. Nay qua các bản tham luận thì mới biết, những khảo dị ấy không phải được tác giả đưa vào một cách ngẫu nhiên mà chính là được xâu chuỗi lớp lang và có dụng ý, dẫn dắt người đọc hết từ Đông sang Tây, lại từ Tây sang Đông để theo dõi những biến thái có tính quy luật của mỗi một cốt truyện, có thế mới tạo được sự hứng thú liên tục nơi độc giả, và đọc xong mới càng sáng tỏ tiến trình vận động của truyện cổ tích xưa nay. Đại khái rất nhiều điều mới và hay giúp chúng tôi nhìn ra thêm nhiều tầng nghĩa của bộ sách, càng nhận chân được diện mục của một Kho tàng.
Một nhận thức mới mẻ nữa là về cuốn Mọi Kontum bố chúng tôi viết chung với người bác ruột từ năm 18 tuổi mà người bác là người dàn dựng và khởi đầu. Từ lâu chúng tôi cũng biết quan điểm tiến bộ của hai tác giả trong khi tiếp nhận và trình bày nền văn minh thuần khiết của dân tộc Ba-na, có ý muốn giải tỏa những thành kiến còn nặng nề của người Việt chúng ta về các dân tộc anh em người thượng vào những năm 1930 xa xưa ấy. Nhưng cũng từ lâu rồi, trong câu chuyện vui của gia đình, của chú tôi, bác tôi, chúng tôi cứ hình dung bố tôi lúc đó là một thanh niên trẻ trung, đóng bộ y phục Ba-na vào và đi gặp các cô gái chàng trai Ba-na để vui chơi trò chuyện, qua đó kiếm thêm ít nhiều tài liệu, truyện và tục ngữ, câu đố dân gian bồi đắp cho cuốn sách thêm màu thêm vẻ. Nhưng nghe các bản tham luận trình bày hôm nay, nhất là đọc bài viết đặc sắc của nhà văn Nguyên Ngọc trong tập chuyên san Nghiên cứu và phát triển ra riêng một số kỷ niệm bố chúng tôi mà chúng tôi phải nói lên đây lòng biết ơn đối với Ban Biên tập tờ báo, thì mới hiểu ra rằng, việc bố chúng tôi thâm nhập vào các làng bản Ba-na thuở bấy giờ, trong vai người Ba-na chính hiệu, được các cô gái Ba-na yêu mến, đó chính là một cách “vừa làm vừa chơi” đúng phương pháp khảo sát dân tộc học hiện đại nhất, và nhờ đó mà thu được hiệu quả cao nhất. Nhà văn Nguyên Ngọc nói: “hai nhà dân tộc học nghiệp dư và tài tử mà lại rất chuyên nghiệp và tài năng”, và ông so sánh: “Có thể nói như Cornây (Corneille) nói về Đông Rôđrigơ (Don Rodrigue): “Đường kiếm thử đầu tiên đã là đường kiếm bậc thầy!”. Có lẽ ông đã quá khen. Nhưng những lời động viên của ông, cũng như sự lý giải thấu đáo của ông và của nhiều nhà khoa học khác tại diễn đàn này, không riêng về cuốn Mọi Kontum mà về cả những công trình khó đọc hơn như Việt Nam cổ văn học sử, dày dặn hơn như Địa chí văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh, quả tình đã làm cho chúng tôi được “khai nhãn”, giúp chúng tôi thấm thía hơn sự nỗ lực vượt lên mình của người bố, với học lực chưa đến nơi đến chốn mà vẫn bền bỉ cố gắng để có được tư chất khoa học, có cái nhìn có tầm dự báo, đi trước thời đại, trong các công trình để đời của ông. Chắc chắn từ nay chúng tôi sẽ đọc lại những tác phẩm trên với một tinh thần mới, một nhãn quan mới, một sự thấu cảm sâu sắc hơn hẳn trước đây. Đó là công lao lớn của các nhà khoa học mà gia đình chúng tôi không thể không tri ân.
Tôi còn nhớ ngày xưa bố chúng tôi được tiếng là người hay đi thực tế, đi khảo sát điền dã, nhiều lúc khiến mẹ con chúng tôi phải chờ đợi nhiều tháng nhiều ngày. Đôi khi tôi cứ vớ vẩn tự hỏi: Sao người ta cứ ngồi ở bàn giấy mà viết ra được đủ thứ, còn bố mình thì khổ thế, lặn lội hết làng này sang xóm khác, lại chui lủi rừng sâu núi cao suốt năm này tháng nọ. Đến nay, qua ý kiến của các vị học giả, tôi mới hiểu ra – và có lẽ không chỉ mình tôi mà tất cả anh em con cháu cũng đều hiểu ra – đó là một đòi hỏi rất nghiêm túc trong thao tác của bộ môn phônclo (folklore) học, đối với một người hành nghề không chịu bắt chước các lý thuyết này kia một cách hình thức, cho sang, cho kêu, trái lại phải kiên trì đối chứng lý thuyết với đối tượng của mình từ trong các môi trường khác biệt của thực tiễn, và từ sự kiên trì tìm kiếm ấy mà đúc lại thành những kiến giải độc lập, dù ít dù nhiều đều vắt ra tận trong gan ruột. Nghĩ lại những ngày mẹ con chờ đợi bố đằng đẵng thuở nhỏ, nay càng thấy yêu kính bố mình hơn.
Cũng vậy, trong một số sáng tác của bố tôi, cứ thấy miêu tả những người thật việc thật. Đọc thì thích vì những chuyện chui lỗ đục tường ở Hà Nội để đánh nhau ngày đầu kháng chiến Thủ đô rất xúc động, không thấy sách nào kể rành rẽ được như thế cả. Hay những chuyện bóp nặn sưu thuế trong Túp lều nát toàn là chuyện có thật ở quê tôi, đến nay nhiều người dân vẫn còn nhớ, và họ đọc truyện của bố tôi mà nói ra tên người này người nọ và cười nắc nỏm với nhau. Tuy vậy, chúng tôi lại cũng có chút mặc cảm là sao bố mình chỉ biết kể chuyện thật, không tưởng tượng, hư cấu cho nhiều vào. Mặt khác, như tập phóng sự Túp lều nát thì còn cố tình đem vào nhiều tiếng địa phương Nghệ Tĩnh làm cho giọng văn hình như không nhẹ nhõm êm ái. Giờ đây, nghe phân giải mới cảm nhận ra được, xây dựng những nhân vật người thật việc thật làm cho chúng sinh động được không dễ. Phải có một bản lĩnh nhìn con người đúng vào thời của nó thì nhân vật mới hồn nhiên sống thực chứ không khô và sáo. Và lại phải đặt vào miệng nhân vật những lời ăn tiếng nói địa phương, tiếng lóng nghề nghiệp, tiếng Hà Nội đích thực hay tiếng Nghệ Tĩnh đích thực, tùy văn cảnh, thì mới làm cho nhân vật hiện lên đúng trong bối cảnh vùng miền sinh ra nó. Đó là những thủ pháp nghệ thuật mà bố tôi đã nắm vững, làm cho tác phẩm của ông đạt được giá trị lâu bền. Cuốn Túp lều nát còn được sánh với các tác phẩm phê phán hiện thực của Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố và Nam Cao viết về số phận người nông dân trước cách mạng tháng Tám. Chúng tôi thực chưa hề dám nghĩ đến điều cao sang này.
Trở lại với tư cách con gái của tôi. Nhắc đến bố tôi, thực lòng tôi không thể bỏ qua ở đây công lao của mẹ chúng tôi đối với bố. Bà là một phụ nữ thuộc loại gái mới giai đoạn 1932-1945, đã chủ động trong tình yêu, tìm cách thoái hôn với người mình không yêu để được kết hôn với bố tôi. Từ sau khi về làm dâu trong nhà, bà là một người vợ hiền, biết chăm lo nhà cửa, lại nấu ăn rất giỏi, nên được mẹ chồng yêu quý và bố tôi hoàn toàn rảnh tay để lao vào nghiên cứu. Trong cuộc đời nhiều thăng trầm của gia đình, bà chia sẻ mọi khó khăn hoạn nạn với chồng con, thậm chí có những thời điểm đã gánh hoạn nạn thay cho chồng con. Sinh thời bố tôi thường gọi mẹ tôi bằng cái tên thân mật là “mụ M”. Mụ là tiếng Nghệ Tĩnh có nghĩa là bà. Còn M thì mỗi lần tôi hỏi, bố tôi lại bảo là “bí mật”. Sau này tôi mới biết, M có nghĩa là mình, là mẹ và còn là minh (sáng). Quả thực mẹ tôi có một trí nhớ rất lạ. Khi tôi còn làm biên tập ở NXB Trẻ, một lần được giao biên tập bộ truyện tranh chuyển thể từ truyện Nôm khuyết danh nhưng không có bản gốc. Tôi đã gọi điện ra Hà Nội nhờ anh trai thứ hai Du Chi tìm hộ. Anh nói sách ở bên cạnh em đó, hỏi mẹ đi. Quả nhiên bà đã đọc cho tôi vanh vách từng truyện, nào Nhị độ maiPhan TrầnTrê CócLưu Bình – Dương Lễ… Bà cũng là một người thuộc nhiều dân ca, ca dao, truyện hát, đọc sách nhiều, là độc giả trung thành của chồng và cũng là một kho tư liệu văn học để chồng khai thác. Học lực không cao nhưng bà viết hồi ký giản dị mà rất chân thực và xúc động. Không khó hiểu khi bố tôi đã cùng mẹ chúng tôi soạn chung bộ sách Văn học dân gian sưu tầm ở Ích Hậu mà chúng tôi đang chờ mong một nhà xuất bản nào đó giúp đỡ tạo điều kiện để có thể sớm ra mắt công chúng. Nhân đây, tôi cũng xin trả lời câu hỏi trong bản tham luận của GS Phong Lê: các di cảo của thân phụ chúng tôi, anh trai cả chúng tôi vẫn đang thay mặt các em lo bảo quản giữ gìn kỹ lưỡng, để chờ đợi một ngày đến được với đông đảo mọi người.
Cuối cùng, trước khi kết thúc, tôi xin được thay mặt đại gia đình Nguyễn Chi tỏ lời cảm ơn chân thành tới Ban tổ chức Hội thảo, các GS Trần Hữu Tá, Nguyễn Thành Thi, Đoàn Lê Giang, các ông Nguyễn Công Khế, nhà báo Vĩnh Thắng, ông Nguyễn Minh Nhựt và anh chị em Nhà xuất bản Trẻ, cùng TS Đặng Thị Hảo, đã hết lòng dồn tâm sức cho cuộc Hội thảo đạt được kết quả tốt đẹp. Xin cảm ơn các nhà khoa học đã “đem tâm tìm tâm”, bằng những kiến giải đầy trí tuệ và bằng cả tâm hồn, cấp cho người đọc rộng rãi – trong đó có anh em con cháu trong gia đình chúng tôi – những công cụ tối ưu mở ra nhiều cánh cửa để nhìn sâu vào những nguồn ánh sáng mới trong các công trình nghiên cứu cũng như các sáng tác của Nguyễn Đổng Chi.
Xin cám ơn các vị lãnh đạo ngành văn hóa, khoa học, giáo dục các cấp và toàn thể cử tọa đã nhiệt tình tham dự cho đến phút cuối cuộc hội thảo kỷ niệm 100 năm sinh thân phụ chúng tôi
Tôi tưởng như anh linh bố tôi cũng đang hiện diện tại địa điểm này cho đến giờ phút này. Với bản tính khiêm nhường, ông đang ngồi lặng lẽ một góc đâu đó, bên canh là mẹ chúng tôi, với khuôn mặt thỏa nguyện trước những kết quả có thế nói là đầy ấn tượng của cuộc hội thảo hôm nay.
Một lần nữa xin cám ơn tất cả quý vị ./.
Nguyễn Thị Cúc Hương
http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/hoi-thao-100-nam-hoc-gia-nh-van-nguyen-dong-chi-1915-2015-13-loi-tri-n-cua-gia-dnh/

1 nhận xét:

  1. Nguyễn Đổng Chi (ngày 6 tháng 1 năm 1915-20 tháng 7 năm 1984) là một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam, nguyên Trưởng Ban Hán Nôm, nguyên Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Ông là người viết rất nhiều truyện cổ tích Việt Nam mà tuổi thơ chúng ta hay đọc.

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.