Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

25/04/2015

Văn nghệ Thứ Bảy : Một bài thơ, và hành động bóc hành của G.G

Có một lần Phạm Xuân Nguyên khen Phạm Thị Hoài đại khái là tử tế khi viết ẩn hai chữ "G.G" vào một truyện, với ý: truyện đó được viết dưới ảnh hưởng của ông G.G. Ý muốn nói là: Phạm Thị Hoài không phải là thuổng ý tưởng, mà chỉ là chịu ơn, vay mượn có văn tự đàng hoàng.

Cái ông G.G ấy đã về trời (1927-2015).

Văn nghệ Thứ Bảy tuần này, đi hai mẩu về ông G.G. Đầu tiên là một bài thơ của G.G. Và sau đó là kêu gọi bóc hành của Phạm Thị Hoài, cũng được gợi ý từ việc G.G bóc hành.


1. Bài thơ



Bản dịch của Đinh Phương
GÜNTER GRASS
(1927~)
[photo: Graeme Robertson - The Guardian]

Lời người dịch:
Nếu xét về góc cạnh nghệ thuật, bài thơ „was gesagt werden muss“ (tạm dịch là “Điều phải được nói ra”) của Günter Grass không phải là một bài thơ hay  theo quan điểm của riêng tôi  nhưng với giá trị nào nó đã làm cho dư luận phương tây, ít nhất là năm tờ báo tầm cỡ của các nước Đức, Mỹ, Anh, Pháp, Ý... phải đăng tải, và những cuộc meeting trong những ngày lễ mừng Chúa phục sinh vào cuối tuần vừa qua đa số chuyển hướng về phía nó, để hiệp thông, và cũng để thoá mạ?
Xin được tạm dịch:



ĐIỀU PHẢI ĐƯỢC NÓI RA

Vì sao tôi im, nín đã từ lâu
về một điều rất rõ, và nó được thực hiện trong những cuộc chơi
mà ở hồi kết, chúng ta, những người còn sót lại
luôn là những dấu ghi tạp.

Một thế lực được tuyên ngôn từ phát súng đầu tiên
được lèo lái từ một thầy đời
hướng đến một lễ hội
để có thể thiêu rụi bộ tộc Iran
vì trong vùng quyền lực của bộ tộc này
có một quả bom hạt nhân, được phỏng thấy.

Thật, tại sao tôi lại cấm cản tôi
nói với thế giới rằng nơi ấy tên gì
ở đấy từ nhiều năm qua — dẫu cho là bí mật —
có một lò hạt nhân đã rõ
nhưng nằm ở ngoài tầm kiểm soát
vì chẳng ai có thể đặt chân đến đó? để xem xét.

Chung qui sự câm nín về hiện tình này
mà sự im lặng của tôi ẩn nấp ở trong đó
tôi thấy nặng lòng dối trá
nó buộc tôi phải đưa nó ra trước vành móng ngựa
khi nó bị lạm dụng
bản án “kỳ thị người Do Thái” thì quá phổ biến.

Lúc này, vì từ quê hương tôi
những gì phi nhân từ tiền thời
không gì có thể so sánh nổi
đôi lúc được soi rọi và đặt thành tiền đề để nói
lòng vòng, và sệt mùi kiếm chác
cũng ngay cả với mồm mép mang phù hiệu sửa sai
thêm một tầu ngầm sẽ được chuyển về Do Thái
đặc thù của nó phải là có thể điều khiển những đầu đạn tàn phá tất cả
đến nơi mà sự hiện hữu còn chưa được xác minh
của chỉ một quả bom hạt nhân
vâng, cho nỗi lo toan về những chứng cứ
tôi nói thẳng, điều phải được nói ra.

Nhưng tại sao tôi lại im lặng đến lúc này?
Ấy là vì tôi đã cho rằng gốc gác của tôi
luôn dính liền với một vết nhơ không bao giờ được yên tịch
giam hãm, không chấp nhận sự việc này như một sự thật phải được nói ra
với đất nước Do Thái, nơi mà tôi gắn bó
luôn muốn gắn bó.

Tại sao bây giờ tôi mới ngỏ
lúc già cỗi, và với giọt mực cuối cùng:
Quyền lực nguyên tử Do Thái nguy hại
cho hoà bình, trước sau đang rạn sẵn, của nhân loại?
phải được nói ra, bởi
những gì mà ngày mai có khả năng sẽ là quá trễ
cũng bởi chúng ta — là dân người Đức đã phải chấp nhận —
có khả năng lại là những kẻ buôn bán sự phi nhân
điều được nhìn ra, lý do nào sự a tòng của chúng ta
là không thể quanh co biện bạch.

Và hơn thế: tôi không im lặng được nữa
vì tôi đang ngập ngụa dưới xảo chước của phương tây;
với hy vọng từ đây
mộng nhiều người sẽ được giải thoát khỏi sự im lặng này
đòi tác nhân nhận ra thảm họa
để từ bỏ bạo lực
và cùng như thế
một sự kiểm soát liên tục không hề khoan nhượng
đối với nguồn lực nguyên tử Do Thái
và nhà lò nguyên tử Iran
thông qua tác nghiệp quốc tế
được cả hai chính quyền chấp thuận.

Chỉ có thế là cứu giúp tất cả, người Do Thái và người Palestine
thêm nữa, tất cả những người đang ở trong lãnh địa
bị điên rồ điều khiển
sống chen chúc hận thù
và sau cùng, cũng là cứu giúp, chính chúng ta.

Günter Grass

[Chuyển dịch: Đinh Phương]

---------------
Nguyên tác:
WAS GESAGT WERDEN MUSS
Warum schweige ich, verschweige zu lange,
was offensichtlich ist und in Planspielen
geübt wurde, an deren Ende als Überlebende
wir allenfalls Fußnoten sind.
Es ist das behauptete Recht auf den Erstschlag,
der das von einem Maulhelden unterjochte
und zum organisierten Jubel gelenkte
iranische Volk auslöschen könnte,
weil in dessen Machtbereich der Bau
einer Atombombe vermutet wird.
Doch warum untersage ich mir,
jenes andere Land beim Namen zu nennen,
in dem seit Jahren — wenn auch geheimgehalten —
ein wachsend nukleares Potential verfügbar
aber außer Kontrolle, weil keiner Prüfung
zugänglich ist?
Das allgemeine Verschweigen dieses Tatbestandes,
dem sich mein Schweigen untergeordnet hat,
empfinde ich als belastende Lüge
und Zwang, der Strafe in Aussicht stellt,
sobald er mißachtet wird;
das Verdikt "Antisemitismus" ist geläufig.
Jetzt aber, weil aus meinem Land,
das von ureigenen Verbrechen,
die ohne Vergleich sind,
Mal um Mal eingeholt und zur Rede gestellt wird,
wiederum und rein geschäftsmäßig, wenn auch
mit flinker Lippe als Wiedergutmachung deklariert,
ein weiteres U-Boot nach Israel
geliefert werden soll, dessen Spezialität
darin besteht, allesvernichtende Sprengköpfe
dorthin lenken zu können, wo die Existenz
einer einzigen Atombombe unbewiesen ist,
doch als Befürchtung von Beweiskraft sein will,
sage ich, was gesagt werden muß.
Warum aber schwieg ich bislang?
Weil ich meinte, meine Herkunft,
die von nie zu tilgendem Makel behaftet ist,
verbiete, diese Tatsache als ausgesprochene Wahrheit
dem Land Israel, dem ich verbunden bin
und bleiben will, zuzumuten.
Warum sage ich jetzt erst,
gealtert und mit letzter Tinte:
Die Atommacht Israel gefährdet
den ohnehin brüchigen Weltfrieden?
Weil gesagt werden muß,
was schon morgen zu spät sein könnte;
auch weil wir — als Deutsche belastet genug —
Zulieferer eines Verbrechens werden könnten,
das voraussehbar ist, weshalb unsere Mitschuld
durch keine der üblichen Ausreden
zu tilgen wäre.
Und zugegeben: ich schweige nicht mehr,
weil ich der Heuchelei des Westens
überdrüssig bin; zudem ist zu hoffen,
es mögen sich viele vom Schweigen befreien,
den Verursacher der erkennbaren Gefahr
zum Verzicht auf Gewalt auffordern und
gleichfalls darauf bestehen,
daß eine unbehinderte und permanente Kontrolle
des israelischen atomaren Potentials
und der iranischen Atomanlagen
durch eine internationale Instanz
von den Regierungen beider Länder zugelassen wird.
Nur so ist allen, den Israelis und Palästinensern,
mehr noch, allen Menschen, die in dieser
vom Wahn okkupierten Region
dicht bei dicht verfeindet leben
und letztlich auch uns zu helfen.
Günter Grass
[Đón đọc phần nhận định về ảnh hưởng của bài thơ với bối cảnh thế giới, liên quan đến những thử thách đang tồn tại trong xã hội Việt Nam.]

 http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=14602



2. Phạm Thị Hoài bóc hành về "Bóc hành"

Bóc hành


Friday, 24 April 2015 12:31
Tác Giả 



Phạm Thị Hoài


Tiểu thuyết đầu tay của tôi, Thiên sứ, chịu ơn tác phẩm đầu tay Cái trống sắt của Günter Grass, xuất bản trước khi tôi ra đời. Ở tuổi 30, tôi đã mê Günter Grass cũng của tuổi 30 hơn tất cả các nhà văn viết tiếng Đức khác, kể cả Kafka. Khối ngôn ngữ cuồn cuộn, thô bạo, trữ tình, trào lộng của ông; rừng hình ảnh trùng trùng điệp điệp của ông; núi cảm xúc hừng hực, hoang dại, nhảy nhót của ông; những câu chuyện nhả ra những câu chuyện rồi lại nhả ra những câu chuyện bất tận khác của ông; những ý tưởng lạ lùng, hoạt kê, phạm thượng của ông; những thủ pháp độc đáo, điên rồ, thách đố của ông là một trận đại phong không thổi một lần thứ hai trong văn học. Ông, một nhà văn Đức, đã phá vỡ tất cả những hình dung mà người ta thường có về văn học Đức cho đến khi ấy, không có gì chung với cái sau này được gọi là trường phái hiện thực huyền ảo, để trở thành cha đỡ đầu cho cả Trăm năm cô đơn lẫnNhững đứa trẻ sinh đúng nửa đêm, những tác phẩm sẽ in đậm dấu ấn lên diện mạo của văn học thế giới hiện đại. Song trước hết và quan trọng hơn, thành tựu của Günter Grass trong Cái trống sắt và phần nào trong cuốn tiểu thuyết tiếp theo, Những năm chó, cho tôi một niềm tin vào khả năng vô hạn của văn chương, lớn đến mức khi nó đã mất đi gần hết trong ba mươi năm cầm bút thì phần còn lại vẫn đủ để tôi hạnh phúc. 

alt
Nhà văn Đức Günter Grass (1927-2015)



Vậy mà càng ngày tôi càng ít đọc ông. Có đọc, cũng đọc dở. Sau vài chục trang là bỏ. Nghệ thuật hư cấu và sức tưởng tượng phi thường của ông mà tôi từng ngưỡng mộ vô điều kiện bỗng mất dần vẻ mê hoặc. Thậm chí khiến tôi khó chịu. Quá nhiều phúng dụ và ẩn dụ. Quá nhiều ngụ ngôn, trong đó các loài vật: chó, mèo, chuột, cá bơn, cua, ốc sên, cóc tía... phải miệt mài gánh những biểu tượng nặng trĩu. Toàn những biểu tượng áp đảo, chiếm chỗ trung tâm, cưỡng chế mọi thứ khác. Quá nhiều hình ảnh. Quá nhiều cành lá sum sê. Quá baroque. Cả cái ngôn ngữ trước sau vẫn nhiều chất thơ và giầu nhạc tính, trước sau vẫn tiết lộ một bút lực khác thường của ông, một lúc nào đó cũng không còn thực sự hấp dẫn tôi nữa. Có thể vì tôi là một độc giả thừa cơ hội để thiếu trung thành. Có thể vì tôi đã thôi đọc văn chương hư cấu, trừ khi để giải trí. Hay vì có những sơn hào hải vị mà người ta chỉ nên xơi cho đã một hai lần trong đời, nếu muốn giữ trọn tình cảm dành cho chúng, hoặc để bảo trọng sức khỏe. Những bữa tiệc của Günter Grass ngồn ngộn chất đạm, dầu mỡ, gia vị, mầu sắc, chồng chất các tảng và tầng ẩm thực, hiển nhiên là một đẳng cấp khác hẳn loại thực đơn của người ăn độn hay người ăn kiêng, và có lẽ phần lớn các nhà văn khác chỉ mong cả đời bày được một góc bàn ăn của ông, song nhu cầu nhồicalorie của tôi không còn như cũ. 



Cũng có thể vì cái vai trò Thái sư Quốc gia của ông. Tây Đức hậu chiến đủ sức trỗi dậy làm nên một phép mầu kinh tế, nhưng ngột ngạt trong di sản của Đế chế Quốc xã và đậm đặc mùi khuynh hữu thủ cựu, tìm thấy trong những trí thức cánh tả của thế hệ Günter Grass một đối trọng cần thiết để thực sự chuyển mình. Trong các bài tưởng niệm tràn ngập báo chí Đức những ngày này, sau khi ông qua đời, cả những người ghen hoặc ghét hoặc cả ghen lẫn ghét mọi thứ ở ông, từ bộ râu cố hữu, chiếc tẩu bất ly thân và Giải Nobel may mắn trở đi, cũng phải thừa nhận rằng nước Đức rất có thể đã không trở thành một trong những nền dân chủ vững vàng nhất trên thế giới như ngày hôm nay nếu nó không được tháp tùng bền bỉ, thiết tha và thường xuyên gây tranh cãi đến thế bởi nhà văn dấn thân Günter Grass, người "không cho quá khứ yên nghỉ", người "rạch toang những vết thương liền sẹo quá nhanh" và "khui ra những xác chết trong các tầng hầm niêm phong kín", người "xâm nhập những căn phòng cấm" và "ăn thịt những con bò thờ", người "không coi bất kể điều gì là thiêng liêng", như quan niệm của ông về nghề văn, phát biểu trong Diễn từ NobelỞ thời đại nào, một nhà văn lớn cũng đồng thời là một ăng-ten của dân tộc, có thể đến giọt mực cuối cùng, song những cái job đặc biệt hơn, là lương tri thức tỉnh, là thanh tra đạo đức của dân tộc, thì ngay cả một nhà văn lỗi lạc cũng không nên đảm nhiệm suốt đời. Günter Grass có phần gây ấn tượng là người tự phong cho mình vai thái sư, vai quản giáo tinh thần muôn thuở, Praeceptor Germaniae. Nước Đức bây giờ đã khác xa thời hậu chiến. Những chấn thương tinh thần từ một quá khứ tội lỗi nhường chỗ dần cho những hội chứng khác của quá trình thống nhất Đông Tây mà Günter Grass quyết liệt phản đối, ông gọi đó là sự sáp nhập Đông Đức vào Tây Đức, như Đế chế Quốc xã đã từng sáp nhập các khu vực láng giềng. Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) mà ông từng là đảng viên, từng dốc trọn nhiệt huyết để cổ xúy, xây đắp và thậm chí uốn nắn theo hình dung của mình cũng không còn là đáp án tốt hơn cho nhiệm vụ xây dựng một xã hội đáng sống hơn. Một lúc nào đó, tôi đã tắt TV khi ông xuất hiện. 


Chín năm trước, cuốn tự truyện Bóc hành (Beim Häuten der Zwiebel) của ông tiết lộ một chi tiết tiểu sử khiến dư luận bùng lên phẫn nộ. Ở tuổi 16 ông đã tự nguyện đầu quân vào Wehrmacht, quân đội Đức Quốc xã, rồi tự hào được nhận vào Waffen-SS, lực lượng tinh nhuệ do Thống chế SS khét tiếng Himmler chỉ huy, và tin tưởng Quốc trưởng đến phút cuối cùng, khi nước Đức ngã gục trên đống tan hoang do chính nó gây ra. Ít ai kết tội chàng trai Günter Grass, một đoàn viên Hitler, một thiếu niên Nazi, về lỗi lầm đó của tuổi trẻ. Chàng cũng không hoặc chưa kịp tham dự vào những tội ác của SS, chỉ kịp bị thương ngay vài tháng sau, rồi trở thành tù binh trong tay người Mỹ. Đó là năm cuối cùng của Thế chiến II ở châu Âu. Song người ta không tha thứ cho nhà văn Günter Grass ở việc đã giữ kín điều bí mật ấy suốt sáu mươi năm. Ông, người thường xuyên khuấy động lương tâm của dân tộc Đức lại cho phép lương tâm mình đi nghỉ dài hạn những sáu thập niên; người liên tục đòi hỏiVergangenheitsbewältigung, đấu tranh với quá khứ, lại thoái thác trước quá khứ của chính mình; người chọc tay phanh phui những vết thương tập thể lại dán cao che kín vết chàm của bản thân; người rung chuông đạo đức rất to lại ngậm miệng trước khoảng chân không đạo đức của tội lỗi ở chính mình. Ông đã ngậm miệng về sự đồng lõa với tội ác của mình, đã che giấu nỗi hổ thẹn bị Nazi quyến rũ như tất cả những người bị ông lên án. Ông, lương tri thức tỉnh của nước Đức, bỗng bị coi là kẻ to mồm đạo đức giả, thậm chí là kẻ lừa đảo trục lợi: trong tiểu sử chính thức gửi cho Viện Hàn lâm Thụy Điển, ông chỉ cho biết khá mơ hồ là đã "phục vụ trong quân đội", giấu hẳn việc mình từng là lính xe tăng của Sư đoàn Thiết giáp số 10 mang tên "Frundsberg" thuộc Waffen SS. Người ta đòi ông trả lại Giải Nobel. Có trường đại học muốn đòi lại bằng Tiến sĩ Danh dự, có thành phố muốn đòi lại danh hiệu Công dân Danh dự đã trao cho ông. Trao nhầm. Có người ác miệng bảo đó là trao huân chương ăn chay cho một tay đồ tể.

Ẩn dụ bóc hành đã một lần được Günter Grass sử dụng ngoạn mục trong một chương gần cuối cuốnCái trống sắt. Ông cho giới khá giả ở thành phố Düsseldorf đêm đêm đến một tiệm ở tầng hầm, nơi họ được phát dao, thớt và một củ hành để bóc, để thái, để tràn nước mắt, những giọt nước mắt mà tự họ không biết khóc nếu thiếu chất kích thích. Bóc hành, họ được khóc thả cửa, được xả hết những lời sám hối và thú nhận, những ẩn ức, mặc cảm tội lỗi và những nhát cắn của lương tâm. Nửa thế kỷ xen vào giữa hai lần bóc hành. Lần đầu là nước mắt của các nhân vật tiểu thuyết. Lần sau là nước mắt của chính nhà văn. 

Nhà văn Việt Nam, ai sẽ phải bóc hành để trả lời biết bao nhiêu câu hỏi từ di sản của những cuộc chiến tranh cũng đầy tội lỗi?


PTH

http://baotreonline.com/Chuyen-muc-tre/Le-Cheo/boc-hanh.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.