Bài thấy trên NNVN. Nhưng bây giờ thì thấy không còn nữa. Có thể có trục trặc kĩ thuật. Mà cũng có thể đã xóa bỏ.
Đành phải lấy về từ Báo mới.
---
Phá hỏng công trình kinh điển về Dân tộc học
Việc tái bản cuốn sách “Người Mường ở Hòa Bình” đã phá nát một công trình đỉnh cao của nghiên cứu Dân tộc học.
“Người Mường ở Hòa Bình” bản in 1996 và bản in của NXB Thời Đại
Việc tái bản cuốn sách “Người Mường ở Hòa Bình” của tác giả Trần Từ - bút danh của nhà dân tộc học Từ Chi, do NXB Thời Đại thực hiện năm 2012, thuộc Dự án Công bố, phổ biến tài sản Văn hóa, Văn nghệ Dân gian Việt Nam (Dự án) đã phá nát một công trình đỉnh cao của nghiên cứu Dân tộc học.
Tác giả và tác phẩm đỉnh cao
Từ Chi trước nhất có tư cách một nhà bác học lớn. Đây là nhận định của GS Condominas (1920-2011), nguyên Giám đốc Viện Cao học Nhân văn Pháp, nhà dân tộc học quốc tế, đã có nhiều công trình nghiên cứu Dân tộc học ở Tây Nguyên. Đánh giá như vậy bởi tri thức rộng rãi và sâu sắc mà Từ Chi thể hiện trong các công trình của mình.
Sự nghiệp dân tộc học của Từ Chi đứng ở hai chân: Thứ nhất, dân tộc học nghiên cứu về người Việt tập trung ở công trình “Cơ cấu làng Việt cổ truyền”; thứ hai, nghiên cứu dân tộc học về Mường, tập trung ở công trình đỉnh cao “Người Mường ở Hòa Bình”. Trong đó, tư các Mường học của Từ Chi là có tầm cỡ quốc tế.
Một tác giả nghiên cứu dân tộc học cho biết: “Mường học là một khu vực đặc biệt sôi động với nhiều thành tựu, mà Cuisinier với công trình dân tộc chí (ethnnographie) về Mường là một tượng đài lớn, là thách thức khó vượt. Từ Chi bằng tài năng đặc biệt của mình, đã tiếp cận Mường từ dân tộc học (ethnologie) và đã thành công đặc biệt”.
Sự nghiệp Mường của Từ Chi được tổng kết cả đời vào “Người Mường ở Hòa Bình”. Công trình này, ông trở đi trở lại, cân nhắc từng câu chữ, sắp xếp lại các công bố của mình trong công trình cuối cùng, nhưng cho đến khi Từ Chi nhắm mắt, ông vẫn chưa được thấy hình dạng của nó.
Sự ra đời của “Người Mường ở Hòa Bình” được Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam ấn hành năm 1996 là một sự kiện đặc biệt của dân tộc học Việt Nam. Có thể nói công trình về “Hát đối đáp của nam nữ thanh niên ở Việt Nam” của Nguyễn Văn Huyên và công trình “Người Mường ở Hòa Bình” của Từ Chi là hai tác phẩm đỉnh cao nhất của Dân tộc học Việt Nam thế kỷ 20.
Trong bối cảnh nghèo nàn những công trình đỉnh cao của các công bố Dân tộc học trong thế kỷ 20, “Người Mường ở Hòa Bình” như một đỉnh núi chói lọi.
Đáng tiếc là, với cách nhìn đổ đồng, đổ đống các tác giả và tác phẩm với nhau, khi tái bản cuốn sách này (số lượng 2.000 bản in) trong Dự án, những người tổ chức bản thảo, thẩm định bản thảo và nhà xuất bản đã phá nát cuốn sách. Trước đó, năm 2000, cuốn sách này là một trong 4 công trình của Từ Chi được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Nhiều sai sót
“Người Mường ở Hòa Bình”, một trong những thành quả của 30 năm ròng Từ Chi nghiên cứu về người Mường, đây không phải sản phẩm giải trí cho đông đảo bạn đọc bình dân, đây là cuốn sách cần cho những người nghiên cứu.
Tuy nhiên, ai dám lấy cuốn sách này làm gối đầu giường khi nó bị cắt xén nham nhở, tùy tiện, câu cú què cụt, các luận điểm của tác giả đang sắc bén bỗng trở nên ngô ngọng.
Trong bài viết này, không bàn đến quá nhiều lỗi mo-rat, chỉ bàn tới những phần bị cắt xén trong nội dung và các chú thích bị cắt xén tùy tiện, mọi lúc, mọi nơi. Xuyên suốt hơn 500 trang sách tái bản, phần nào cũng bị cắt xén. Để bạn đọc tiện theo dõi, dưới đây chúng tôi xin trích dẫn những đoạn bị NXB Thời Đại và Dự án cắt xén. Những đoạn để trong ngoặc vuông [...] là bị cắt, những đoạn trong ngoặc đơn (...) là nguyên bản:
Trang 279, bài “Vũ trụ luận Mường qua đám tang”: “Bài viết [không] mong vươn đến những kết luận rõ ràng (luôn luôn hai năm rõ mười). Trong nhiều trường hợp, nó chỉ làm nảy sinh những câu hỏi mới [qua đó mà, góp phần đề xuất những hướng tìm hiểu mới], những câu hỏi mới”.
Bài “Ruộng lang”, trang 18 chú thích đánh số 2 bị cắt mất một nửa; trang 20 cắt mất chú thích về người Thái; trang 22 cắt mất một nửa chú thích. Bài “Đặc điểm của loại ruộng lang”; trang 36 chú thích về từ “CON” bị cắt mất một nửa; trang 38 thiếu hẳn 1 chú thích; trang 40, trang 42 và trang 49 đều thiếu một nửa chú thích...
Từ Chi có phong cách phụ chú rất công phu, thể hiện cho sự uyên bác và nghiêm cẩn của ông. Đọc Từ Chi còn là đọc kỹ phần chú thích (phần vượt ra Mường, để đến các quan điểm lớn về văn hóa Việt Nam và Đông Nam Á).
Cắt bỏ phụ chú của Từ Chi một cách vô tội vạ và dày đặc, đã làm hỏng đi tác phẩm kinh điển này của dân tộc Việt Nam thế kỷ 20. Nguy hại hơn, khiến người ta hiểu lầm di sản của Từ Chi ở những câu viết không đầu đuôi, ở những ý đầy dang dở… Hình ảnh của Từ Chi đã bị phá hoại khá nghiêm trọng.
http://www.baomoi.com/Pha-hong-cong-trinh-kinh-dien-ve-Dan-toc-hoc/148/16438707.epi
Sách tiền tỉ... giá đồng nátThứ 2, 11:20, 20/04/2015 http://vov.vn/van-hoa/sach-tien-ti-gia-dong-nat-396072.vov
Dự án Công bố phổ biến tài sản văn hóa văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam được đầu tư 240 tỉ đồng, sách mới phát hành đã đến ngay hàng đồng nát.
Mua cân, bán mớ
Cả GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, Trưởng ban chỉ đạo Dự án, lẫn ông Đoàn Thanh Nô, Giám đốc Văn phòng Dự án, đều khẳng định: Không thể mua được sách của Dự án ở bên ngoài. Nếu bạn đọc quan tâm đến nội dung, chỉ còn một cách là đến thư viện. Nhưng, PV đã rất bất ngờ khi thấy hàng trăm cuốn sách thuộc Dự án “có mặt” tại nhiều cửa hàng đồng nát ở Hà Nội, với giá mua vào là 2.000 đồng/kg.
Ban đầu, PV nghĩ rằng đây là những cuốn sách thuộc giai đoạn 1 của Dự án được một nơi nào đó thanh lý. Song lật trang xi-nhê ra, tất cả là sách thuộc giai đoạn 2 của dự án (2013-2017). Đa số những cuốn sách này đều được in và phát hành vào quý 3/2014, nghĩa là hãy còn nóng hôi hổi.
Đơn cử một ví dụ, bộ “Sử thi Ê Đê” do Đỗ Hồng Kỳ (chủ biên), Đỗ Hồng Kỳ - Y’Kô Niê (biên soạn), gồm 6 tập: quyển 1: 544 trang - sử thi Dăm Săn - bản phiên âm tiếng Ê Đê; quyển 2: 542 trang - sử thi Dăm Săn - bản phiên âm tiếng Ê Đê; quyển 3: 374 trang - sử thi Dăm Săn - bản dịch tiếng Việt; quyển 4: 404 trang sử thi Dăm Săn - bản dịch tiếng Việt; quyển 5: 702 trang - Mdrong Dăm - văn bản tiếng Ê Đê; quyển 6: 688 trang - Mdrong Dăm - văn bản tiếng Việt, tổng số 3.000 trang, cân nặng 4,5kg, được mua vào với giá 9.000 đồng.
Trước đó, tại “Đại hội sách cũ Hà thành” lần thứ nhất (tháng 11/2014), nhiều cuốn sách thuộc Dự án này được bày bán. Đó là bộ “Văn hóa dân gian xứ Nghệ” (gồm nhiều tập) của Ninh Viết Giao; cuốn “Chương Han” của Vương Trung, “Hải Phòng - thành hoàng và lễ phẩm” của Ngô Đăng Lợi, “Mo trong đám tang dân tộc Giáy Lào Cai” của Sần Cháng, “Văn học dân gian Châu Đốc” của Nguyễn Ngọc Quang, “Văn hóa sông nước Phú Yên” của Trần Sĩ Huệ…
Giá bìa tùy từng cuốn, dao động từ 20.000 đến 50.000 đồng.
Khó... nhưng vẫn xảy ra
Trả lời câu hỏi của PV, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh và ông Đoàn Thanh Nô đều khẳng định: Không thể mua được sách của Dự án ở bên ngoài. Về thông tin các cuốn sách trong Dự án này ra hàng đồng nát, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh cũng thừa nhận, ông từng biết thông tin tại Đăk Nông, có một số độc giả “thuổng” một vài cuốn bán ra ngoài. Bản thân ông Thanh đã gọi điện vào Đăk Nông đề nghị có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn.
Tuy nhiên, việc hàng trăm cuốn sách được bán ra, thì theo GS.TSKH Tô Ngọc Thanh là điều khó xảy ra. Vậy mà nó đã xảy ra thật. Hiện nay, tại Hà Nội, thật dễ dàng bắt gặp hàng trăm cuốn sách thuộc Dự án tiền tỉ này đang được bày bán đúng với giá... đồng nát.
Đắt chỗ buôn, buồn chỗ bán
Trao đổi với PV về hàng trăm đầu sách mới in cuối năm 2014 đã ra hàng đồng nát, một chủ cửa hàng trên phố Trần Quốc Hoàn (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Có thư viện người ta không còn chỗ chứa, thì họ gọi tôi đến mua”.
PV hỏi mua một số sách này, chủ cửa hàng nói: “Mua cân thì 25.000 đồng/kg, mua mớ thì cứ 15.000 đồng/cuốn dày, 5.000 đồng/cuốn mỏng, cứ thế mà nhặt”.
Theo đó, các cuốn sách của Nguyễn Xuân Kính: “Một nhận thức về Văn học Dân gian Việt Nam”, NXB ĐHQG Hà Nội - quý 4/2012, dày hơn 800 trang, có giá 15.000 đồng; “Truyện thơ các dân tộc thiểu số Việt Nam”, 6 tập, NXB Khoa học Xã hội - quý 3/2014, giá 90.000 đồng; “Truyện ngụ ngôn các dân tộc thiểu số Việt Nam”, NXB Khoa học Xã hội - quý 3/2014 và “Truyện cười các dân tộc thiểu số Việt Nam”, NXB Khoa học Xã hội - quý 3/2014, đồng giá 10.000 đồng.
Ngoài ra, có thể kể thêm bộ “Luật tục các dân tộc thiểu số Việt Nam”, 3 tập, Phan Đăng Nhật chủ biên, NXB Khoa học Xã hội, giá 20.000 đồng...
Còn một chủ cửa hàng khác trên đường Láng (quận Đống Đa, Hà Nội) phàn nàn rằng sách này rất ế: “Trước đây tôi còn mua vào nhưng nay thì có chào mời đến mấy tôi cũng không nhập”.
Như vậy, một Dự án được Nhà nước đầu tư tiền tỉ để làm sách đã được sử dụng một cách lãng phí. Chợt nhớ rằng, dịch giả Đoàn Tử Huyến, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây từng mong muốn: “Hãy cho tôi 1km đường để làm sách”.
Trong đó, ông thẳng thắn nói, hậu duệ của cụ Cao Xuân Dục phải chạy vạy, hợp tác nhiều nơi mới in được vài đầu sách của cụ thì... cạn vốn. Lại soi vào các nhà nghiên cứu trẻ hiện nay, nhiều công trình của họ có giá trị sẽ không thể xuất bản nổi nếu như không tự bỏ tiền túi ra in sách./.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.