Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

14/04/2015

nhà Lợi Quyền trên phố Hàng Ngang

Hôm trước, đã bắn tin cho nhà Quảng Lợi trên phố Hàng Bông, nhân nói về Hà Nội của 90 năm trước (xem lại ở đây).

Hôm nay, thì giới thiệu về nhà Lợi Quyền trên phố Hàng Ngang. Nếu nhà Quảng Lợi chuyên về mũ, thì nhà Lợi Quyền nổi tiếng về lụa. 




Mà có cái hay là, hôm nay, mình chưa kịp viết gì, đã thấy luôn trang của con cháu nhà này. 

Vậy nên, tạm thời đưa tư liệu của con cháu nhà Lợi Quyền viết về chính nhà Lợi Quyền về blog (từ đây trở xuống).

---

Rate This

Đây không phải là hồi ký vì tôi không phải là nhà văn. Nhà văn Nguyễn Quang Lập gọi là “chiếu rượu” của anh em thân hữu, tôi thì cho là một trò chơi trí tuệ.
Blog sẽ là nơi mình ghi lại những ý nghĩ có khi đúng đắn nghiêm túc, nhưng có khi chỉ là một ý nghĩ điên rồ thoáng qua không thực tế. Nghiêm túc hay điên rồ nếu không ghi lại sẽ quên mất, vì vậy mới ghi vào blog để nhớ mà có lúc bốc phét với bạn bè.
Đây cũng là nơi chia sẻ với bạn hữu những kỷ niệm vui buồn, những cuốn phim hay những bản nhạc mà đã làm mình có lúc rung động.
Và đôi khi có những ý nghĩ về y khoa vốn là nghề mà mình đã theo đuổi cả cuộc đời.
Vài hàng để giải thích cái tên blog Lợi Quyền. Đó vốn là tên một cửa hàng tơ lụa vải ở 27 Hàng Ngang Hà Nội của song thân vào những năm 1930 – 1960 của thế kỷ trước. Tôi có nhiều kỷ niệm với nơi đó nên xin được lấy làm tên blog của mình, gọi là “nơi này xin lấy tên này làm ghi !”. Xin cám ơn.
Mai Thế Trạch, người viết blog.
https://loiquyen.wordpress.com/2010/01/18/xin-chao-cac-than-h%E1%BB%AFu-da-ghe-tham/








01.02.201008.03.2011 bởi loiquyen
1935 – 1937
Hiệu Lợi Quyền chuyên bán vải, tơ lụa nằm giữa phố Hàng Ngang tại nhà số 27. Hàng Ngang là một phố cổ của Hà Nội, có từ đời Lê (xem bài Phố Hàng Ngang ngày ấy). Nhà này thuê của một người Hoa kiều.
Nghe nói khi mới mở hiệu, phải quét dọn mấy buổi mới xong vì bụi ngập cao hàng chục cen-ti-mét, do nhà đóng cửa không có người ở đã mấy năm sau thời kỳ khủng hoảng kinh tế đầu thập kỷ 30 của thế kỷ 20.
Lúc mới thành lập cửa hiệu bắt đầu dưới hình thức của một công ty cổ phần gồm các ông Nguyễn Như Mậu, Mai Bá Lân, và Vương Xuân Toạ.
Dự định khai trương tháng 8-1935. Để lôi cuốn sự chú ý của khách hàng, các chủ nhân tương lai cho in những tờ rơi : trong đó nhấn mạnh đến các ưu điểm cần có của một hiệu buôn là “buôn bán lành nghề, chuyên về tơ lụa vải” ; độ tin cậy mà khách hàng chờ đợi là “buôn tận gốc, bán rất hạ (giá) và thật thà” ; “tên hiệu Lợi Quyền được nhắc đi nhắc lại nhiều lần” để in sâu trong óc khách hàng khi đọc (trích thư gửi ông Mai Thiệu Thuật ngày 14/7/1935). Ngày khai trương ông Thuật, bạn người cùng quê với ông Lân giỏi nghề bốc thuốc và chữ Hán, có mừng đôi câu đối như sau :
Cẩm tú sơn hà tư hậu Lợi
Kim tiền thời đại trọng thương Quyền
dịch nghĩa là : non sông gấm vóc giúp cho ta mối lợi to /thời đại kim tiền chú trọng việc buôn bán, cái hay của đôi câu đối là đã lồng được tên của hiệu Lợi Quyền như yêu cầu của chủ nhân.
Đã tích luỹ được kinh nghiệm buôn bán từ khi làm việc cho hiệu Phúc Lợi của cụ Trịnh Phúc Lợi, lại là người khéo ngoại giao ô. Mai Bá Lân nhanh chóng trở thành bạn hàng của các hãng buôn lớn nước ngoài lúc bấy giờ. Hãng châu Âu thì có Denis Frères, Optorg, Diethelm, Ogliastro. Ngoài ra còn giao dịch với các cửa hàng lớn như Đức Nguyên (Tak Yune), Chí Xương (Tzi Cheong) của người Hoa ; như Muthurama (Hàng Đào) hiệu ông Sàm (Hàng Ngang) người Ấn độ.

Hiệu Lợi Quyền 27 Hàng Ngang
1937 – 1940
Sau hai năm hoạt động đến tháng 02-1937 ô.Nguyễn Như Mậu rút khỏi công ty. Ông Mậu ra mở hiệu Phát Đạt, nhưng đó là việc sau này. Còn ông Mai Bá Lân trở thành chủ nhân chính thức của hiệu Lợi Quyền. Lúc này có cụ Lý (Nguyễn thị Trung), và ô. Vương Xuân Toạ cùng trợ lực
Những năm này nền kinh tế thế giới đã phục hồi. Hiệu Lợi Quyền bây giờ đã trở thành một hiệu buôn lớn. Trong nước địa bàn giao dịch xuyên suốt từ Bắc chí Nam. Hàng của Lợi Quyền bán sang tận Vân Nam, Quảng Châu Văn (Trung Quốc) ; Thakkhet, Vientiane, LuangPrabang (Lào), nhưng hình như không giao dịch nhiều với Cao Miên (Campuchia). Khách mua hàng từ các tỉnh trực tiếp về tận nơi mua hàng, hoặc đặt hàng theo thể thức “lĩnh hoá giao ngân” tức là trả tiền bằng phiếu gửi tiền (mandat) sau khi đã nhận hàng.
Mặt hàng bán ra ngày càng đa dạng. Vải thì có vải nhuộm chàm cho khách các tỉnh Hà Giang, Lào Kay, Yên Báy. Có khi các tỉnh Tây Bắc mua nhiều để rồi lại tiếp tục bán đi các tỉnh từ Hoà Bình đến Phong Thổ, Lai Châu để may trang phục dân tộc. Vải kẻ ô (carô) chủ yếu được người vùng Móng Cáy, Tiên Yên và người gốc Hoa tiêu thụ.
Hàng đặc sản thì có vải nhung (nhung thường, nhung the), vải len may quần áo tây   (Dortmeuil ?) chính hiệu nhập từ châu Âu, lụa bombay (Ấn độ hay Pakixtan) lụa tơ tằm Hà Đông may áo dài phụ nữ, lĩnh (lãnh) đen của các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu long, đũi tơ tằm An đông. Nhưng hình như các đặc sản không phải là thế mạnh của Lợi Quyền mà các loại vải chúc bâu trắng (calicot), vải mộc, vải nhuộm nâu, nhuộm chàm, nhuộm đen mới là mặt hàng chính. Các loại vải này có khi bán trực tiếp, có khi đóng bưu kiện nhỏ hay lớn với số lượng hàng vài, ba chục kiện mỗi ngày. Để đóng gói các kiện hàng đó phải sử dụng đến hàng chục người làm cả ngày có khi tới 1-2 giờ khuya mới xong việc. Chuyên chở thì đã có một đội chuyên môn, gọi là đội bát tê (từ chữ porteur có nghĩa là người mang vác ở các nhà ga, bến tàu gọi trại đi) đứng đầu là bác Duyệt, một trong những cai bát tê nổi tiếng ở Hàng Buồm, dùng xe bò do người kéo. Bác Duyệt chuyên chở hàng cho Lợi Quyền từ những ngày đầu của cửa hàng cho đến khi bác ấy mất. Người con trai tên là Chinh tiếp tục sự nghiệp của bố cho mãi đến 1954 mới thôi.
Đội ngũ phục vụ cũng phát triển cùng với sự lớn mạnh của cửa hàng. Tất cả các vị trong Ban Giám đốc đều tham gia các hoạt động của cửa hàng. Sau này còn có bà Vương thị Lai, phu nhân của ông Mai Bá Lân thường gọi là bà Lân, nhận nhiệm vụ thủ quỹ.
Bán hàng có các ông Khuếch, Ngọ, Đảng, Thạch, Hậu đều cùng quê với ông Lân, Thắng ở Quế Dương, bà Nghĩa là em bà Lân (lúc trẻ thường gọi là cô Tẻo). Ông Ngọ sau một cơn đau bụng cấp đi cấp cứu ở nhà thương Phủ Doãn nhưng không qua khỏi có lẽ do bị thủng dạ dày ? ông Đảng là em họ ông Ngọ còn làm mãi cho đến tận năm 1954.
Ban thư ký lúc đầu và có ông Thuật (thường gọi là ông Chánh Thuật) ; sau này có ông Bật, em vợ ông Thuật, các ông Tuân quê ở Trần Đăng, ông Mùi. Các ông Thuật, Bật, Hậu chỉ làm trong một thời gian ngắn rồi nghỉ không rõ vì sao.
Triện của hiệu Lợi Quyền
Trên biểu tượng của Lợi Quyền có hình chiếc thuyền với những cánh buồm. Người bây giờ nhìn biểu tượng đó không thể không liên tưởng đến biểu tượng của thành phố Paris cũng có con tàu buồm với tiêu đề FLUCTUAT NEC MERGITUR bằng tiếng la-tinh có thể tạm dịch là “dù bị sóng vùi dập nhưng không chìm”. Phải chăng số phận của hiệu Lợi Quyền cũng sẽ như thế ? Dù có lúc trồi lên trụt xuống vì sóng gió thời cuộc nhưng tinh thần của những người sáng lập hiệu Lợi Quyền và con cháu sẽ không bao giờ chìm như tiêu đề của TP.Paris vậy !
FLUCTUAT NEC MERGITUR
XƯỞNG SẢN XUẤT Ô LỢI QUYỀN
Lợi Quyền trước làm đại lý độc quyền bán ô (dù) cho hãng Diethelm. Cuối những năm 30 do Đại chiến thế giới II lan rộng ở châu Âu, ô của Diethelm nhập về Việt Nam khó bán vì giá thành quá cao. Lúc này Lợi Quyền nghĩ tới việc phải mở xưởng sản xuất ô  ở ngay Việt Nam thì mới hạ giá thành được.
Xưởng làm ô đặt ngay tại nhà của ông Mai Bá Lân ở Bưởi (Yên thái). Ngôi nhà này rất rộng, mua lại của ông Sáu Tân người làng Bưởi. Ông Sáu Tân đã bán nhà này để chuyển vào Sài gòn. Ngay cổng vào có một lối đi rộng, ở bên trái là một lớp nhà một tầng có gác sân, dùng làm phòng khách có cửa mở ra con đường chính, chạy từ Cầu Giấy qua chợ Bưởi về đến ngã ba Nhật Tân. Bên trái phòng khách còn có một phòng rộng có thể làm phòng ngủ. Qua lớp nhà ngoài này tới một cái sân rộng có một cái giếng nước khá nhiều và trong, giữa sân giếng có một bể xây nối liền với mặt bằng ở trên trong có đặt núi non bộ  ; qua sân giếng, trèo lên một tam cấp thì tới một mặt bằng rộng cao hơn sân giếng khoảng 40-50cm có nhà thờ lợp ngói, có vườn hoa bao quanh bởi các luống cỏ tóc tiên. Trong vườn hoa có trồng một cây doi một cây bưởi và một cây hồng bì. Bên phải của vườn hoa còn có một kiến trúc bằng gạch gọi là “cây hương” để thờ thần. Đi hết vườn hoa thì tới các công trình phụ nối với một khu đất còn để trống rộng khoảng 80-100m2 ở bên phải. Địa hình của ngôi nhà giống như một chữ L lộn ngược.
Nhà này (gọi tắt là nhà Bưởi) là chỗ nghỉ mát khi ở trong phố quá nóng. Khi mở xưởng ô thiết kế cũ của ngôi nhà đã được sửa lại theo yêu cầu của sản xuất. Nhà thờ được sửa lại làm khu văn phòng hành chính, nhà kho. Vườn hoa vẫn được giữ lại. Nhưng các chỗ đất trống được cải tạo và xây dựng thành các phân xưởng để chế tác các bộ phận khác nhau của cái ô. Các chi tiết bằng sắt đều có thể chế được trong xưởng trừ cán ô bằng song, khâu mạ kền phải thuê cơ sở ở ngoài. Phân xưởng cơ khí chiếm toàn bộ khu đất trống đuôi chữ L ngược với hàng chục máy “cóc” đột, dập, mài, đánh bóng để làm các chi tiết của gọng ô. Ngoài ra còn có các phân xưởng khâu may mái ô. Xưởng sử dụng hàng trăm thợ làm việc ; phong cách làm việc đã có dáng dấp của một cơ xưởng chuyên nghiệp. Giờ làm việc được quy định và niêm yết rõ ràng, có báo hiệu bằng đánh kẻng. Nơi cổng vào có một bảng gỗ to có đánh số để người thợ móc tấm thẻ có số hiệu đã quy định cho mình vào đúng số tương ứng để chấm công. Nhớ lúc đó chưa có các hoạt động văn nghệ như các nhà máy bây giờ, nhưng anh em công nhân đã tổ chức một đội bóng đá để đấu giao hữu với các đội khác trong vùng như nhà máy bia Hommel, Sở xe điện Thụy Khuê v…v. Xưởng do ông Tọa, đã học qua Trường Bách nghệ Hà Nội phụ trách .
https://loiquyen.wordpress.com/2011/03/08/hi%E1%BB%87u-l%E1%BB%A3i-quy%E1%BB%81n-27-hang-ngang/





PHỐ HÀNG NGANG NGÀY ẤY


“ Khi ta ở chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn !”.
Chế Lan Viên
Tôi sinh sống ở nhà số 27 Hàng Ngang (tên thời Pháp thuộc là rue des Cantonais) từ năm 1935 đến năm 1960, từ  lúc 5 tuổi cho đến năm 30 tuổi. Sau đó mặc dù không còn ở Hàng Ngang nhưng tôi vẫn  thường xuyên lui tới phố này để thăm gia đình bà dì tôi có cửa hàng buôn bán ở số nhà 59. Tính ra tôi đã gắn bó với phố Hàng Ngang ít ra cũng gần 50 năm trời.
Từ 1985 đến nay gia đình tôi chuyển hẳn vào ở TP.HCM, những dịp ghé thăm phố xưa chỉ thoáng qua trong chốc lát. Ngày nay dù năm tháng đã qua đi, biết bao vật đổi sao rời nhưng những kỷ niệm và ký ức tuổi thơ vẫn sống động không hề phai nhạt trong trí nhớ của tôi.
Nằm ngay giữa trung tâm “khu phố cổ Hà nội”, trên trục đường nối Chợ Đồng Xuân với hồ Hoàn Kiếm nhưng phố Hàng Ngang còn chưa được chú ý. Nói đến các phố cổ Hà Nội người ta chỉ chú ý đến Hàng Đào, Hàng Gai hay “Hàng nảo, Hàng nao” mà hầu như quên mất Hàng Ngang. Thực ra Hàng Ngang đã có vai trò khá quan trọng về nhiều mặt trong lịch sử cận đại của Hà Nội, cũng như của cả nước. (Còn 1 kỳ)
VÀI DÒNG VỀ LỊCH SỬ TÊN PHỐ HÀNG NGANG
Vị trí phố Hàng Ngang ngày nay, xưa vốn là đất thuộc phường Diên Hưng, một trong 36 phường được đặt tên dưới thời Hồng Đức như : Diên Hưng[i], Đồng Lạc, Đồng Xuân, Thái Cực (lúc đầu là Hàng Đào) v…v. Khái niệm Phường lúc đó bao gồm một khu vực rộng có thể có nhiều làng, chứ không chỉ có ý nghĩa là đơn vị hành chính như Phường ngày nay. Như vậy phố Hàng Ngang ngày nay, xưa kia có thể là một làng nằm trong Phường Diên Hưng cổ. Làng này nay vẫn còn dấu tích đình của làng tại nhà số 3 phố Hàng Ngang nhưng đã được dồn lên gác ba[ii]. Thời Pháp thuộc phố Hàng Ngang có tên gọi “rue des Cantonais” nghĩa là phố “người Quảng Đông”. Ý nghĩa của tên gọi này chắc hẳn có từ đời Lê, vì sau khi nhà Minh bên Tàu rơi vào tay nhà Thanh nhiều người Trung Quốc phải rời bỏ đất nước của họ di cư xuống phía Nam, và một bộ phận những người Tàu gọi là “người Minh hương” đã định cư tại Việt Nam.
Từ đời Lê người Trung quốc được phép cư ngụ tại Thăng long ; họ tập trung ở một số phố, quây quần theo tỉnh gốc bên Tàu, phố Hàng Buồm nay vẫn có Hội quán Quảng Đông. Phố Hàng Ngang đa số là người Hoa kiều gốc tỉnh Quảng Đông , mà tỉnh này có tên cổ là tỉnh Việt, do vậy các sách địa chí của ta có khi gọi Hàng Ngang là phố Việt Đông. Sách Dư địa chí do Nguyễn Trãi biên soạn (1380-1442) trong mục Thượng kinh có nói đến phường Đường nhân (Đường nhân cũng là tên gọi khác chỉ người Tàu . Chú thích Mai Thế Trạch) là khu vực Hàng Ngang bán áo diệp y (?) [Nguyễn Vinh Phúc- Tô Hoài. Sách đã dẫn tập 5]. Như vậy phố Hàng Ngang vừa thuộc phường Diên Hưng vừa thuộc phường Đường Nhân, gọi tên theo cư dân ở phố đó là phố Việt Đông, phố “người Quảng Đông” cũng có ý nghĩa thực tế. Tại Hội An cũng có một phố “rue des Cantonais” gọi là Đường Quảng đông, nay là phố Nguyễn Thái Học[iii].
Còn tên gọi phố Hàng Ngang có từ bao giờ ? Tại sao lại gọi là Hàng Ngang ?
Cố đô nước ta về thời Lý, Lê các phường nằm rải ra trên một đđịa bàn khá rộng, tương ứng với khu nội thành các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Hai Bà Trưng và Đống Đa. Thời Lý có 61 phường không có phường nào mang tên “Hàng”. Thời Lê còn 36 phường trong đó chỉ có một phường mang tên Hàng Đào, nhưng đến triều Hồng Đức đổi là phường Thái Cực, từ đó không còn phường nào có tên bằng chữ “Hàng” nữa [Nguyễn Trương Quý. Bài báo đã dẫn]. Các tên phố có tên Hàng đi kèm với một loại hàng hoá thường được mua bán trao đổi ở phố ấy như Hàng Bạc, Hàng Đường v…v chỉ có thể hình thành khi nền giao thương đã khá phát triển, đã có sự chia khu vực buôn bán riêng biệt cho từng loại hàng như nhận xét của một du khách nước ngoài thời đó như sau :  “Trong thành phố này, mỗi thứ hàng chỉ bán tại một dãy phố quy đđịnh riêng mà người ta đã đặt tên, y hệt kiểu các công ty hay hợp tác xã ở các thành phố châu Âu. [Nguyễn Trương Quý. Bài đã dẫn trích theo “A Description of the Kingdom of Tonqueen” tạm dịch là “Tả cảnh Vương quốc Đông kinh” của Samuel Baron, 1658].
Còn tên gọi phố Hàng Ngang thì cho đến nay vẫn chưa có một giải thích nào thoả đáng. Trong tập “Nhớ và ghi” của Nguyễn Công Hoan thì “do phố này nguyên có tên là phố Quảng Đông (do bang hội người Hoa xuất xứ từ tỉnh Quảng Đông bên Trung Quốc định cư  từ thế kỷ 19 [thực ra từ thế kỷ 15 ; ghi chú Mai Thế Trạch] nên chính quyền bảo hộ Pháp đặt như vậy), nhưng do 2 đđầu phố, đđoạn nối với Hàng Ngang [Đào ?] và Hàng Đường có 2 chiếc cổng chắn ngang, một hình thức phân chia phường thợ hồi đó, nên dân ta gọi là Hàng Ngang[iv]. Ta có thể nhìn thấy ảnh và tranh vẽ chiếc cổng ở phố Hàng Ngang này do người Pháp thực hiện” [Nguyễn Trương Quý. Bài đã dẫn, chú thích 1] . Các cổng đó ban ngày mở , ban tối đóng lại cho kín mãi về sau mới phá những cổng ấy đi [Vũ Ngọc Phan[v]Sách đã dẫn, trang 67]. Tô Hoài-Nguyễn Vinh Phúc không tin cách giải thích ấy “ vì phường nào mà chẳng có cổng. Và cổng nào mà chẳng xây ngang đường” và đưa ra một thuyết khác “ngang là trái nghĩa với chính thống : như rượu ngang là rượu không chính thống, rượu lậu ; thợ tay ngang là thợ nghiệp dư, không chuyên; phố này người Tàu có bán nhiều mặt hàng chứ không chuyên một mặt hàng nào và nhiều khi không khai báo để lậu thuế nên gọi là Hàng Ngang. Cách giải thích này cũng chưa có cơ sở chắc chắn nên cái tên Hàng Ngang vẫn là một tồn nghi” (lời của Tô Hoài-Nguyễn Vinh Phúc).
Tóm lại chúng ta có thể nhất trí về vị trí của phố Hàng Ngang ngày nay xưa kia là đất của 2 phường Diên Hưng và Đường nhân. Còn tại sao lại có tên là phố Hàng Ngang thì chưa rõ. Vấn đề này xin nhường lại cho các nhà Hà-Nội-học giải đáp sau này. Tôi cũng như các bậc cao niên, các bạn cùng thời đã từng sinh sống ở Hàng Ngang, hay “rue des Cantonais” theo cách gọi của Toà Đốc lý, “Quảng Đông nhai” theo cách gọi của người Hoa, chúng tôi đều yêu quý những kỷ niệm khó quên của phố Hàng Ngang một thủa.

[i] Nguyễn Trương Quý. Hà Nội, di sản nghìn năm và tốc độ của đời sống hiện đại. Tạp chí điện tử Talawas ngày 23-10-2003
[ii] Nguyễn Vinh Phúc- Tô Hoài. Hỏi đáp 1000 năm THĂNG LONG HÀ NỘI, các tập 1-3-5 NXB Trẻ năm 2000
[iii] Hoàng Kim Đáng. Hội An nhìn qua lăng kính nhiếp ảnh. Báo Người Hà Nội mới số 40, 3-10-2003
[iv] Bình Minh. Phố cổ Hà Nội. Báo Hà Nội điện tử ngày 11-10-2003
[v] Vũ ngọc Phan “Những năm tháng ấy” 1987
https://loiquyen.wordpress.com/2010/01/20/ph%E1%BB%91-hang-ngang-2/






3 Votes

KIẾN TRÚC PHỐ HÀNG NGANG
Phố này dài 152m đầu phố nối với Hàng Đường cuối phố nối với Hàng Đào. Đoạn đầu phố còn có tên là Hàng Lam [Nguyễn Vinh Phúc- Tô Hoài.Sách đã dẫn, tập 3 trang 14-16], nhưng “đoạn đầu” là từ đâu đến đâu không sách nào nói rõ. Lòng đường rộng khoảng 6-8m ở giữa có đường tàu điện, 2 làn đường còn lại vì thế khá hẹp ; khi có tàu điện đi ngang thì xe ôtô lưu thông rất khó khăn. Tuy vậy hai bên phố vẫn có vỉa hè khá rộng cho người đi bộ thoải mái. Tuyệt đối không được “vô tư” lấn chiếm vỉa hè như ngày nay. Mọi hành vi xâm phạm vỉa hè đều bị “cẩm” [đội xếp] phạt rất nặng.
Phố có 2 dãy bên phải số chẵn và bên trái số lẻ theo chiều từ chợ Đồng Xuân xuôi xuống Hồ Hoàn Kiếm. Mỗi dãy có khoảng 50 số nhà. Bên dãy lẻ trước kia có đến số 61 hay 63, nhưng trong chiến tranh chống Mỹ tôi không nhớ vì lý do gì mấy nhà cuối dãy lẻ bị phá đi để xây hầm tránh bom, nên nhà 59 là cuối dãy lẻ rồi. Sau ngày hoà bình hầm trú ẩn được dỡ đi, thay vào đó người ta xây một Quỹ Tiết kiệm. Dãy chẵn có từ số 2 đến số 62 hay 64. Hiệu Bảo Thành cuối dãy chẵn ăn sang phố Hàng Dép lại mang số 92, không biết là đánh số theo Hàng Ngang hay Hàng Dép ?
Nhà cửa những năm 30-40 của thế kỷ trước thường là kiểu nhà ống hẹp và sâu, trung bình mặt tiền rộng 4-6m, nhưng cũng có nhà hẹp chỉ hơn 2m như nhà số 9, hay 21 (hiệu Tam Hoà). Tuyệt đại đa số là nhà 1 tầng hay 2 tầng sàn gỗ lợp ngói, có bao lơn nhỏ và có mái che trước cửa bằng tôn hay gỗ mỏng. Nhà bê-tông đúc rất hiếm. Tôi còn nhớ nhà 48 của ông Trịnh văn Bô là căn nhà 4 tầng bê-tông đúc, đây là ngôi nhà cao tầng đầu tiên của phố tôi. Khi máy bay Nhật ném bom Hà Nội [chợ Hàng Da], Gia Lâm, hay bất cứ khi nào có báo động phòng không bọn trẻ con chúng tôi thường trốn lên tầng 4 nấp trong các mái nhà để nhìn máy bay và những cụm khói do súng phòng không của lính Pháp bắn lên. Đứng trên tầm cao nhà 48 Hàng Ngang lúc đó có thể nhìn sang được tới Gia Lâm, một sự nghịch ngợm thú vị nhưng dại dột mà bọn trẻ con khác không được làm như chúng tôi lại tha hồ ghen tức.
Một số căn nhà lại rất sâu thông sang tận Hàng Buồm, hay Hàng Cân (điển hình là nhà số 48 thông sang 35 Hàng Cân, một ưu thế để các cán bộ Cách mạng chọn làm cơ sở hoạt động sau này). Các nhà đều phải treo màn cửa bằng vải dày móc lên phần mái gỗ hay xây gạch chìa ra tới bờ hè để che nắng dọi vào nhà buổi sáng, và nhất là buổi chiều đối với dãy số lẻ vì là hướng Tây. Màn cửa nào cũng có ghi tên hiệu, số nhà, loại hàng bán để quảng cáo. Vào quãng 4 giờ chiều khi nắng đã dịu, về mùa Hạ các nhà dãy lẻ đều phải dội nước trên vỉa hè trước nhà cho mát. Cửa ra vào các nhà đa số làm bằng gỗ gồm nhiều tấm rời, khi đóng có thể ghép lại cho khít; có khi người ta khoét một ô tròn trên cánh cửa để quan sát trước khi mở cửa. Ban ngày các tấm cánh cửa được tháo rời và mang dựng vào trong nhà để lấy chỗ buôn bán. Việc treo màn cửa vừa dài vừa nặng, và nhất là việc mở cửa đóng cửa buổi sáng và buổi tối là một công việc nặng nhọc cần nhiều sức lực. Cửa sắt kéo ra đóng vào rất hiếm có thời đó, cả phố may ra chỉ 2-3 nhà có. Phố không có một cây xanh nào mà chỉ có 4 “cây cột điện” ở 2 đầu phố 2 bên chỗ liền với hàng Đường và Hàng Đào. Một thú vui của trẻ con trong phố là leo trèo trong lòng khung cột điện, là loại cột hay dùng lúc đó khác với cột chỉ có một dóng như ngày nay, thay cho trò trèo cây. Hoặc cũng có thể áp tai vào các dóng sắt cột điện nghe tiếng rít của bánh xe trên đường “rầy” để đoán xem tàu điện, cũng gọi là xe điện, sắp tới chưa đi lên hay xuống. Đường xe điện Bờ Hồ-Bưởi lúc đó chạy qua Hàng Ngang và đỗ ở đầu phố. Tàu chạy khá đúng giờ, sáng sớm quãng 5 giờ từng đoàn tàu từ Sở xe điện ở Thuỵ Khuê xuống Bờ Hồ, buổi tối quãng 9 giờ các tàu lại “dồn toa” về Sở đi theo hướng ngược lại. Vào những thời điểm đó tàu đi khá nhanh vì đường còn vắng và ít khách lên xuống. Dân phố có thể căn cứ vào thời gian dồn toa đó để đoán chừng giờ giấc. Tàu điện chạy khua chuông leng keng là một nét rất riêng của Hà Nội, nó ăn sâu vào tâm khảm người Hà Nội cũ. Tôi được nghe kể là trong một lần tiếp Đại sứ Việt Nam tại Đan Mạch ; ông Hoàng thân Hăng-ri Đờ Mông-pơ-za, phu quân của Nữ Hoàng Đan Mạch, người đã sống suốt thời thơ ấu ở Hà Nội nói tiếng Việt rất sõi đã hỏi ông Đại sứ Việt Nam rằng “Thế bây giờ phố Hàng Ngang có còn tàu điện chạy leng keng nữa không ?”. Tàu điện không chỉ là một phương tiện giao thông tiện lợi, rẻ tiền, mà còn là kỷ niệm đáng nhớ của người Hà Nội cũ, hay ngay cả với người xa lạ đã từng sống ở Hà Nội như  vị Hoàng thân sống tận mãi trời Âu kia; nó còn có thể làm một điểm du lịch hấp dẫn. Ngày nay ở một số thành phố lớn trên thế giới người ta vẫn còn bảo tồn tàu điện dù chỉ để phục vụ cho du lịch như San Francisco. Thật đáng tiếc cho Hà Nội !
Hạ tầng cơ sở thời đđó rất kém. Tôi còn nhớ dân trong phố lúc đó khổ sở nhất về hai khoản nhà vệ sinh và hệ thống thoát nước. Nhà vệ sinh, thực ra chỉ là nơi để đại tiểu tiện gọi cho sang chứ chẳng vệ sinh tý nào, tất nhiên là dùng hệ thống thùng tôn để chứa phân. Cứ 2-3 ngày công nhân [lúc đó gọi là “phu”] nhà thầu Năm Diệm [tên ông chủ thầu] lại tới để thay thùng cũ đã đầy bằng thùng khác. Phiền một nỗi việc thay thùng thường phải làm vào khoảng từ 10 giờ tối trở đi, có khi đến 1-2 giờ đêm mới xong. Nhà nào đi ngủ sớm, nhất là về mùa Đông, sẽ bị lôi bật dậy khỏi chăn ấm vì tiếng đập cửa thình thình cùng với tiếng gọi gấp gáp “đổi thùng nhé!!!”. Mỗi khi đổi thùng thì nhà nào cũng phải thắp một bó hương cắm từ ngoài cửa vào đến nhà vệ sinh để tiễn chút “hương thừa đâu đây”. Chưa kể cái khổ là nhỡ thùng đầy quá, hoặc khi người công nhân vô ý , hay cố ý vì bực mình với chủ nhà, rải một ít “mìn” trên đường lúc ra về thì nhà chủ lại phải ra công mà quét dọn lúc đêm đã khuya. Hệ thống thoát nước thải cũng là nỗi lo thường trực của dân phố vì luôn luôn bị tắc. Vì thế ngoài phố luôn luôn có những người thợ qua lại rao “cống ơ !” để chờ người thuê thông cống. Khi trời mưa to thì hầu như nhà nào cũng phải trang bị một cây sào dài để thông cống từ trong nhà chảy ra rãnh vỉa hè do nước thoát không kịp. Tôi còn nhớ nhà tôi là một trong những nhà bị ngập nặng nhất, khi mưa to nước ngập tới gần đầu gối người lớn. Những lúc đó thường phải mướn những người gánh nước thuê đến múc nước ngập gánh đi đổ tận ngoài phố bờ sông. Chỉ mãi đến khi nhà tôi thiết kế được một hệ thống cống dẫn nước thải đặc biệt cao tới gần 1m so với nền nhà mới hết cảnh ngập nước mưa. Không ngờ thời buổi 2003 này lại tái diễn cảnh ngập nước trong nhà của 60-70 năm về trước !
NGƯỜI HÀNG NGANG VÀ SỰ BUÔN BÁN Ở PHỐ HÀNG NGANG
Cũng như Hàng Buồm, Mã Mây, ngõ Sầm Công người dân phố Hàng Ngang đa số là người Hoa, chắc là gốc từ Quảng Đông như tên phố do người Pháp đặt. Lúc còn nhỏ tôi còn được thấy vài người đàn bà Tàu già bó chân đi những đôi giày bé tí như giày trẻ con 3-4 tuổi. Vì người thì lớn mà chân bé quá nên dáng đi lật đật rất dễ ngã, nom thực đáng thương. Người Việt cũng đông nhưng kém người Hoa, còn lại là 1-2 nhà người An độ. Vào những năm 30-40 thế kỷ 20 những người con cháu dòng họ Phan, gốc Hoa, rất đông đúc như các hiệu Phan Vạn Thành, Phan Thái Thành, Phan Hoà Thành v…v. Tôi còn nhớ nhà số 26 trên sát nóc còn đắp mấy chữ Hán “Phan Thái Thành” [hay Phan Vạn Thành], nhà số 22-24 cũng thuộc dòng họ Phan nhưng luôn luôn đóng cửa. Còn hiệu Phan Hoà Thành thì nhà số 34. Cụ bà Trịnh Phúc Lợi và em trai là cụ Cự Hưng [trong gia đình gọi là cụ Cả] nếu tôi không lầm hình như cũng là con cháu họ Phan (?) đã Việt hoá. Dân số trong phố lúc đó không đông, dù là Hoa, Việt hay An, dù không thân thiết nhưng nhà nào cũng quen biết nhau; mọi người chung sống hoà thuận không hề xảy ra cãi vã to tiếng.
Phố Hàng Ngang buôn bán mấy mặt hàng chính là vải, lụa; trà Tầu ; hiệu thuốc Đông y. Ngoài ra có một số ít hiệu đồng hồ, tạp hoá. Các hiệu vải tơ lụa : bên số lẻ thì có Trịnh Phúc Lợi số 7, Phát Đạt số 13, Phúc Đồng số 17 sau chuyển sang 18 [nay trên sát mái nhà vẫn còn thấy đề chữ Phúc Đồng], Lợi Quyền số 27, Cự Hưng số 47; số chẵn có Tùng Hiên số 8 [trước ở Hàng Đường] , Kim Long số 12, Phúc Trạch số 16 [trước ở Hàng Đào ?],  ông Sàm số 20 , Đông Quân Hưng [trước ở Nam Định] số 26 sau chuyển sang 17, và một tiệm nhỏ do chủ người An độ số 40 hay 42 (?). Phố Hàng Đào bán vải, tơ lụa nhưng chủ yếu là bán lẻ. Còn Phố Hàng Ngang bán buôn [bán sỉ] là chính đi khắp Trung, Nam, Bắc, Ai Lao, Cao mên. Nhưng sở dĩ người ta nhắc nhiều đến Hàng Đào có lẽ vì có mấy tiệm người An chuyên bán tơ lụa cao cấp [gọi là hàng Bombay] mà các bà các cô ưa thích. Hàng Ngang còn nổi tiếng nhờ trà Tầu của người Hoa. Theo như tôi còn nhớ thì không có phố nào ở Hà Nội lúc đó nhiều hiệu bán trà tàu như thế. Đó là các hiệu Chính Thái, Ninh Thái, Sinh Thái [nhãn hiệu “Chiếc ôtô”], và mãi sau này mới có hiệu Đồng Lương [Phú Xuân] của người Việt. Những hiệu Hoa kiều còn bán các loại chè Ô long, Liên tâm và thứ nhất là chè đầu xuân, đựng trong những bao chè bằng kẽm hoặc đóng gói để trong thùng gỗ (Vũ ngọc Phan Sách đã dẫn, trang 37) ; ngoài ra còn có các loại trà danh tiếng như Long tỉnh, Thiết Quan Am. Nổi tiếng nhất là hiệu trà Chính Thái 25 Hàng Ngang, sát cạnh nhà tôi, một phần vì trà ngon nhưng có lẽ cũng vì còn có chiếc “gương biến hình”, lúc đó là của hiếm để ngay trước cửa ; người qua lại nhìn vào trong gương sẽ thấy người mình bị biến thành cao hay lùn, béo hay gầy tuỳ theo vị trí từ chỗ mình đứng tới gương, nhờ vậy mà người ta nhớ nhiều tới hiệu Chính Thái. Chiếc gương này nhà văn Tô Hoài đã từng nói đến trong một tập sách của mình. Ngoài “chiêu” quảng cáo này trà Chính Thái còn khuyến mãi bằng các tranh màu nhỏ bằng bao diêm có in hình các nhân vật trong các truyện cổ của Tàu như Tam Quốc, Chinh Đông, Chinh Tây v…v để trong bao trà làm trẻ em rất say mê mong có được đủ bộ sưu tập Lưu,Quan, Trương, Tiết Đinh Sơn, Phàn Lê Hoa v…v.
Các hiệu Đông dược đều của người Hoa như Cộng Hoà số  15, Nhị Thiên Đường số 23 [nhãn hiệu Ông Phật mập] sau chuyển sang Hàng Buồm, Đại Quang số 29 [nhãn hiệu Con Bướm] sau chuyển đi Sài gòn, Chí Hưng thế chỗ Đại Quang, Bảo Bình An số 41 hay 43 (?). Hiệu Bảo Bình An luôn luôn có một cụ Lương Y người Hoa rất đạo mạo ngồi bắt mạch kê đơn, sau đó những người phụ việc bốc thuốc cho những vị thuốc cần phải tán nhỏ vào những cái cối đồng để giã nhỏ làm vang lên những tiếng loong coong rất vui tai. Sau khi gói rất nhanh thành những thang thuốc gọn đẹp thế nào khách mua thuốc cũng được khuyến mãi một gói nho khô, hoặc một gói ruốc bông con con. Đông dược do người Việt bán thì tôi chỉ biết có trường hợp cụ Cự Hưng, nhưng cụ chỉ bốc thuốc cho người quen và con cháu trong họ là chính. Còn một trường hợp khác, nếu tôi không lầm, là hiệu thuốc Võ Đình Dần hình như ở nhà số 13 một thời gian ngắn, chuyên về các thuốc chữa bệnh “phong tình” sau chuyển đi đâu không rõ. Đến khoảng năm 50 có thêm  hiệu thuốc Tây của ông Chương Văn Vĩnh số 8 (?) là một hiệu thuốc lớn có nhận cả sinh viên Đại học Dược khoa đến thực tập.
Hàng Ngang chỉ có vài hiệu nhỏ bán đồng hồ mà cái hấp dẫn duy nhất là trong tủ kính bày tượng một chú chim chân cao lông xanh cứ vài phút lại cúi xuống nhúng hẳn cái đầu vào một cái ly thuỷ tinh đầy nước trong đó có để một cái đồng hồ. Chắc là để khoe đồng hồ không ngấm nước ! Chả bù với bây giờ Hàng Ngang, Hàng Đào có biết bao nhiêu cửa hàng đồng hồ lớn. Nhà số 27 ngày xưa chỉ có mình hiệu vải Lợi Quyền, nay đưọc thay thế tới 3 tiệm đồng hồ.
Hiệu tạp hoá, bây giờ gọi là bách hoá, thì có hiệu số 9 hay 11, Chi Lan số 37 hay 39, Quảng Xương hay Quảng Hưng (?)số 32. Các hiệu xuất nhập khẩu, lúc  đó chưa có công ty, cũng đã có mặt ở Hàng Ngang ngay từ thời đó với Tak Yune [Đức Nguyên] số 17  và Chí Xương số 28. Tak Yune buôn bán đủ mặt hàng vải, sợi, đường v…v. Còn Chí Xương tôi chỉ nhớ ông bà chủ hiệu là người Hoa, còn trẻ và phong cách rất lịch sự và có dáng trí thức, không hiểu xuất nhập khẩu hàng gì ?
Trước những năm 30 phố Hàng Ngang về Tết các hiệu Hoa kiều có bán các chậu hoa mẫu đơn có đề chữ mẫu đơn Hàng Châu, mẫu đơn đệ nhất hạng trên giấy đỏ (Vũ Ngọc Phan. Sách đã dẫn).
Suýt nữa tôi quên mất vài cửa hiệu hơi lạc lõng vì hình như vị trí của chúng không phải ở đấy!? Đó là hiệu bán pháo tôi không nhớ tên, ở số 2, lý ra phải ở Hàng Bồ hay Hàng Buồm ; hiệu vàng Tiến Đạt số 57 lại lạc từ Hàng Bạc sang đây, tuy nhiên cũng có lý do vì ông bà chủ hiệu này vốn là con cháu cụ Tiến Mỹ là một tiệm vàng có tiếng ở Hàng Bạc, và hiệu Tùng Hiên lúc đầu bán bánh kẹo, đáng ra phải ở Hàng Đường mới đúng.
Cư dân phố Hàng Ngang cũ thường định cư đã lâu đời và rất gắn bó với Hàng Ngang. Nghe nói hậu duệ của Cụ Nguyễn Quang Oánh [1888-1946] hiện nay vẫn còn sinh sống ở trên gác nhà số 1. Cụ Oánh là nhà giáo dục học cự phách trước đây, là anh ruột cụ Ôn như Nguyễn văn Ngọc [tác giả Cổ Học Tinh Hoa] và là thân phụ BS. Thần kinh học nổi tiếng Nguyễn Quốc Anh. Cháu nội cụ Trịnh Phúc Lợi số 7, con cháu cụ Phát đạt số 13, con cháu cụ Cự Hưng số 47, con cháu cụ Hàn Sóc cụ Tùng Hiên số 8, gia đình cụ Tú Đông thân sinh ông Phan Hiền, tên thật là Lê Thuý Lan cựu Thứ trưởng ngoại giao [nhà số chẵn], đều vẫn còn ở lại trong các nhà đó nhưng phải chấp nhận một diện tích rất “khiêm tốn” do thời thế. Lại cũng có những ngôi nhà do công việc buôn bán nên đã thay đổi chủ nhiều lần. Như nhà số 26, lúc đầu là nhà con cháu cụ Phan Vạn Thành, tiếp sau đó là một hiệu của người Ấn, rồi đến gia đình cụ Đông Quân Hưng, chủ cuối cùng tôi không rõ là ai (?) ; nhà số 23 là hiệu thuốc Nhị Thiên Đường nổi tiếng với “ve dầu” hiệu Ông Phật mập, đến khoảng năm 1942 thì có hiệu bán kem que rất lạ lúc bấy giờ với dân ta và cũng rất ngon do chủ người Nhật dọn đến và đây có lẽ cũng là hiệu kem que đầu tiên ở Hà Nội, sau cùng là hãng dệt Cự Chung. Trường hợp nhà số 30 tôi không còn nhớ bán hàng gì , cụ chủ nhà thường gọi là cụ Sáu hình như có họ hàng với cụ Lương văn Can [một trong những nhà lãnh đạo Đông Kinh Nghĩa Thục]. Cụ Sáu có 2 con trai, người con lớn là ông Tuân hay đi chiếc xe đạp “cuốc” còn người em là tay vỹ cầm nổi tiếng Lương Ngọc Châu, 1 con gái là bà Nghĩa, sau này là Giảng viên Khoa Pianô Trường Nhạc Hà Nội; bà Nghĩa là người con gái đầu tiên bấm lên những tiếng thánh thót của cây đàn pianô quý phái nhưng đáng tiếc lại ở một phố buôn bán ồn ào ầm ỹ như phố Hàng Ngang.
QUẢNG CÁO TẠI PHỐ HÀNG NGANG
Buôn bán dĩ nhiên phải gắn liền với quảng cáo. Trong khi Hàng Đào có những biển quảng cáo mang đầy những biểu tượng các con vật như  Thạch Lam đã viết rất sinh động trong “Hà Nội 36 phố phường”, thì Hàng Ngang lại hay quảng cáo bằng loa phóng thanh mở âm lượng hết cỡ như các hiệu thuốc Đông y Đại Quang, Nhị Thiên Đường v…v. Các truyện cổ Trung Hoa như  Tam Quốc, Chinh Đông Chinh Tây, truyện trinh thám được in thành những tập khổ nhỏ, ra nhiều kỳ phát không hoặc tặng khách mua hàng cũng rất được hoan nghênh. Đến khoảng những năm 40 ở Hàng Ngang còn xuất hiện những người đeo một cái khung chữ nhật bằng sắt cao quá đầu chừng 1m có dây lưng da thắt ngang bụng, trên cái khung đó có bảng quảng cáo. Những người mang bảng quảng cáo đó đầu tiên chỉ thấy trong các phim xinê và được gọi là những “sandwich men” tạm dịch là “người kiểu bánh săng-uých” [bánh mì kẹp thịt]. Kiểu quảng cáo đó không chỉ riêng cho Hàng Ngang mà có lẽ chung cho cả Hà Nội nhưng vì Hàng Ngang, Hàng Đào là nơi đông người qua lại nên dễ gây sự chú ý. Ngày nay với những áo phông mang đủ các loại quảng cáo thì thật tiện lợi, nhẹ nhàng. Ta thử hình dung những “sandwich men” xưa kia phải đeo trên người cái bảng quảng cáo to nặng như thế mà gặp khi mưa to gió lớn thì vất vả biết chừng nào !
Nhưng có những trường hợp đặc biệt, dù là vô tình, mà quảng cáo lại không tốn một đồng xu nhỏ. Đó là trường hợp hiệu vải số 20 của một ông chủ người An tôi không rõ tên là gì, nhưng vì ông có một bộ râu quai nón rất rậm nên có biệt danh là ông Sàm [từ Sồm nói trại đi]. Ông cũng không lấy làm phiền lòng vì điều đó lại còn lấy luôn biệt danh đó làm tên hiệu và cho kẻ chữ “Hiệu Ông Sàm 20 Hàng Ngang” trước cửa và màn cửa. Phải công nhận thương gia này rất thông minh vì cái tên Ông Sàm dễ nhớ hơn nhiều so với tên Ấn Abdullah hay Ibrahim gì đó của ông. Một trường hợp khác là hiệu “ Tak Yune” [Đức Nguyên] ở số 17. Hiệu này có một ông quản lý vóc người rất to béo cỡ trên dưới 100kg, lúc đó còn nhỏ nên tôi cũng không biết tên thật của ông, chỉ thấy người ta đặt biệt danh cho ông là ông Tài “béo” và người ta chỉ nhớ hiệu ông Tài “béo” chứ ít khi nhớ tên hiệu là Đức Nguyên. Tôi phải nói ngay là tôi rất quý trọng các ông đó vì các ông đều là bạn với bố mẹ tôi và lại rất yêu quý trẻ con. Nhắc tới các ông chỉ vì đó là một nét rất dễ nhớ của Hàng Ngang ngày đó mà thôi.
LỊCH SỬ NHÀ HỌ TRỊNH HÀNG NGANG
Ngoài họ Phan người Hoa tôi xin được nhắc tới dòng họ Trịnh cũng là một danh gia vọng tộc ở Hàng Ngang. Khi tôi đến Hàng Ngang ở thì tại nhà số 7 có hiệu Phúc Lợi mà chủ nhân người họ Trịnh, vì thế dân trong phố quen gọi là Cụ Trịnh Phúc Lợi. Chủ trì việc buôn bán do cụ bà và các con, nên người ta chỉ biết đến cụ bà nhiều hơn. Cụ ông lúc đó đã cao tuổi không tham gia công việc giao thương. Họ Trịnh xuất xứ tại Đồng Hoàng, huyện Thanh Oai (Hà Tây). Cụ Trịnh Phúc Lợi có 1 bà con gái, và 2 ông con trai đều là những người nổi tiếng sau này.
Con trai cả là ông Trịnh văn Bính sớm được du học tại Pháp. Ông là một trong những người Việt Nam đầu tiên và hiếm hoi thi đậu vào Trường Cao Đẳng Thương Mại Pháp quốc (Hautes Études Commerciales gọi tắt là HEC), một trường đại học thi vào rất khó vì phải có bằng tú tài toàn phần và học dự bị thêm 2 năm, rồi lại phải qua một kỳ thi tuyển mà số người đậu rất ít. Sau khi về nước ông được bổ nhiệm Phó giám đốc Hải quan Hà Nội, lúc đó gọi là “Nhà Đoan” [Services des Douanes]. Vì thế trong họ cứ gọi ông là ông Cử [Cử nhân], mặc dù học vị tốt nghiệp HEC phải cao hơn mức cử nhân nhiều, hay ông Phó [phó Đoan]. Khi Cách mạng tháng 8 thành công, ông tham gia phái đoàn Phạm văn Đồng đi dự hội nghị Fontainebleau đàm phán với chính phủ Pháp. Trong kháng chiến chống Pháp rồi đến sau tiếp quản Thủ đô ông đảm nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Tài chính cho đến khi nghỉ hưu. Ông là một cán bộ cao cấp mà đức thanh liêm rất đáng nêu gương học tập cho tầng lớp cán bộ bây giờ. Tuy được tiêu chuẩn có xe ôtô riêng đưa đón, nhưng ông chỉ dùng ôtô vào việc công ; còn lúc đi thăm bà con họ hàng ông chỉ đi chiếc xe đạp cũ không lấy gì làm tốt lắm. Ông lấy toàn tên các chúa Trịnh để đặt tên cho các con trai như  Trịnh Cương, Trịnh Doanh, Trịnh Giang, Trịnh Sâm v…v, tên đúng như các chúa Trịnh xưa không có chữ đệm “văn”!. Có người cho đó là một cách chơi ngông ; nhưng theo tôi nghĩ thì đó lại là cách rất riêng của ông để thể hiện lòng yêu nước và tự hào dân tộc từ trước CMT8. Người con thứ cụ Trịnh Phúc Lợi là ông Trịnh văn Bô. Cả hai ông bà Trịnh văn Bô sớm được giác ngộ cách mạng nên đã có nhiều cống hiến và đóng góp công sức, của cải vật chất cho cách mạng. Hai ông bà đã là nòng cốt trong việc vận động các nhà tư sản dân tộc đi theo cách mạng từ thời kỳ Tiền khởi nghĩa cho đến khi Cách Mạng thành công. Sau ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội 1954 ông đã được bầu làm Phó Chủ tịch Uỷ Ban Hành Chính thành phố Hà Nội.
Cụ Trịnh Phúc Lợi là một người có tài kinh doanh, nhân hậu và biết dùng người hay nói như ngày nay “có tầm nhìn chiến lược”. Ngoài việc cho ông con cả theo học Trường Cao Đẳng Thương Mại Pháp Quốc cụ còn đào tạo được một loạt các “học trò” sau này đều rất thành công trong kinh doanh. Đó là các ông Trịnh văn Bô, Nguyễn Đức Mậu (Phát Đạt), Mai Bá Lân (là cha tôi sau mở hiệu Lợi Quyền), Vương Xuân Toạ (Lợi Hoà ở Sài Gòn sau này), Trịnh thị Thục (Phúc Đồng,con gái cụ Trịnh Phúc Lợi). Những học trò của cụ khi ra mở hiệu riêng đều được cụ giúp đỡ ít nhiều về tài chính.
HÀNG NGANG VỚI LỊCH SỬ CẬN ĐẠI
Là người Hàng Ngang ai mà chẳng biết ngôi nhà số 48 của ông bà Trịnh văn Bô, từng là niềm kiêu hãnh về mặt kiến trúc của phố tôi. Nhưng nhà 48 sẽ mãi mãi là một địa điểm đáng ghi nhớ trong lịch sử không riêng của Hà Nội mà còn của cả nước vì ở đó Bác Hồ và các cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà Nước đã từng trú chân và làm việc. Ngày nay trên tường cạnh cửa ra vào ngôi nhà [48 Hàng Ngang] có gắn tấm biển bảng đá trắng nổi bật lên những dòng chữ vàng “ Trong ngôi nhà này, tại một phòng gác nhỏ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà” (Nguyễn Vinh Phúc- Tô Hoài . Sách đã dẫn trang 65-66 tập 1). Chỉ tiếc là mặt tiền ngôi nhà ngày nay hơi kém vẻ trang nghiêm do các nhà hàng phố bày hàng hoá quá nhiều cản trở tầm nhìn của khách tới tham quan di tích lịch sử có một không hai đó. Phố Hàng Ngang còn nổi tiếng vì đã hưởng ứng “Tuần lễ Vàng” theo lời kêu gọi nhân dân cả nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh tháng 9/1945. Ngày 16/9/1945 khai mạc “Tuần lễ Vàng” ở Hà Nội. Đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng. Những nhà tư sản lớn ở Hà Nội như ông bà Trịnh văn Bô, bà Vương thị Lai…là những người đóng góp nhiều nhất, từ trăm lạng trở lên (Nguyễn Vinh Phúc- Tô Hoài . Sách đã dẫn trang 128-129 tập 5). Bà Vương thị Lai tức Lợi Quyền nhà số 27 [mẹ tôi] là người đóng góp 109 lạng, nhiều nhất trong “Tuần lễ Vàng” tại Hà Nội do đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng một huy chương bằng vàng[1] [2].
HÀNG NGANG PHỐ CỦA NHỮNG NGƯỜI ĐẸP NGÀY XƯA
Dưới đây xin được thuật lại những ghi chép của các nhà văn tiền bối đầu thế kỷ 20 ca tụng những người đẹp nức tiếng một thời của phố Hàng Ngang qua hai cuốn tiểu thuyết bán chạy như tôm tươi thời đó là “Mồ cô Phượng” và “Tố Tâm”.
Nhà văn Vũ Ngọc Phan kể …“Năm tôi mười ba mười bốn tuổi (1915-16), ngày ngày đi học qua phố Hàng Ngang, tôi đã được trông thấy cô Phượng. Lúc đó, cô vào khoảng hăm hai hăm ba tuổi. Cô ngồi bán các thứ hàng lụa, xa tanh, gấm, vóc tại nhà chồng, nhà này họ Phan bên số chẵn… Cô Phượng người tầm thước, có đôi mắt bồ câu long lanh, với cặp mi cong, đôi lông mày xanh và dài, môi đỏ mọng đầy dục vọng, mũi dọc dừa thanh tú, và đôi má lúm đồng tiền khi cười. Gò má cô hơi cao, ửng hồng, làm cho khuôn mặt trái xoan của cô có sức quyến rũ, giống như nữ diễn viên điện ảnh Marlen Dietrich thời bấy giờ. Cô Phượng ăn mặc rất nền, khi thì chít khăn nhiễu tam giang, khi thì chít khăn nhung đen, đuôi gà vắt qua mái tóc. Cô hay mặc yếm hoa hiên, quần lĩnh tía cạp điều thắt lưng quan lục; tất cả các màu sắc ấy ánh lên qua chiếc áo dài vải phin trắng, may sát vào thân hình nở nang. Hai con mắt tình tứ tuyệt đẹp của cô hôm nào cũng liếc lên chuyến xe điện chở đầy học trò trường Bưởi, làm cho những anh học lớp trên chúng tôi, cứ hễ xe điện chạy đến phố Hàng Ngang đều hướng cả về số nhà số chẵn. Lối ăn mặc của cô là một lối rất “nền” của phụ nữ Hà nội thời xưa. Người ta nói : cô là con người tài hoa, yêu thích văn thơ…Việc cô bỏ chồng và trốn nhà ra đi, ầm ĩ cả Hà nội vì hồi ấy, thanh niên thủ đô không ai là không biết cô Phượng Hàng Ngang. Nhưng rồi hồng nhan bạc mệnh, cô đã sớm qua đời ! Người thì nói cô bị trúng phong mà chết, người thì nói cô chán đời nên đã quyên sinh. Một tiểu thuyết lãng mạn tiêu cực đã được in có tựa là Mồ cô Phượng [không rõ tên tác giả] bán rất chạy với các nhân vật chính là cô Phượng và Hoàng Hồ. Phượng tức là cô Phượng Hàng Ngang này còn Hoàng Hồ là ám chỉ vào Hoàng Tích Chu, một nhà báo nổi tiếng đầu thế kỷ 20. (Vũ ngọc Phan. Sách đã dẫn trang 117, 243-244). Ở rạp Sán Nhiên Đài phố Hàng Bạc, vào những năm 20 của thế kỷ này , có đào Tửu nổi tiếng một thời. Cô đã đẹp hát lại rất hay. Cùng thời chỉ có cô Phượng Hàng Ngang mới sánh kịp Đào Tửu về nhan sắc (Vũ ngọc Phan. Sách đã dẫn trang 344).
Còn đây là lời kể theo nhà văn Vũ Bằng[3] trong chương “Tại sao thiên hạ lại mê truyện Tố Tâm ? Song An Hoàng Ngọc Phách người của một cuốn sách”.  Song An Hoàng Ngọc Phách là một nhà văn lớp đầu tiên rất nổi tiếng vì cuốn tiểu thuyết kỳ tình lãng mạn Tố Tâm, tên một cô gái đẹp là nhân vật chính trong chuyện có một kết cục bi đát bằng cái chết. Nhưng không hiểu vì sao sau Tố Tâm ông không viết thể loại đó nữa. Vũ Bằng viết ” Nguyên ở Hà nội lúc đó tại số nhà 52 phố Hàng Ngang có hai chị em kia đẹp nõn nà, đẹp cao quí, đẹp rất ư  lịch sự, nổi tiếng là hoa khôi Hà nội…đại đa số quả quyết là nàng Tố Tâm đau khổ chính là hoa khôi chị. Ông [Song An Hoàng Ngọc Phách] cũng bị một hình bóng người đẹp cám dỗ….và “người đẹp lý tưởng ấy” là nguồn gốc cảm hứng để ông sáng tác truyện Tố Tâm. ..người đẹp ấy chính là hoa khôi ở 52 phố Hàng Ngang [trong truyện ông nói chệch là 58 và không đề tên phố].
Một phố Hà Nội mà có tới 2 người đẹp từng là cảm hứng cho 2 cuốn tiểu thuyết đã nổi tiếng một thời thì quả là hiếm có lắm thay !
Trên đây tôi chỉ ghi lại những kỷ niệm đã để lại những ấn tượng khó quên về phố Hàng Ngang và những người cùng phố thân yêu của tôi ngày ấy, như môt tài liệu để người Hàng Ngang bây giờ tham khảo. Ngày nay phố Hàng Ngang đã đổi khác. Nhà cửa khang trang hơn, các cửa hàng lịch sự với nhiều hàng hoá mà thời trước trong mơ cũng không thấy, con người bây giờ cũng năng động hơn. Đó là điều rất đáng mừng. Tôi mong “những người Hàng Ngang cũ”, từ các bậc cao niên đến những người ít tuổi hơn nhưng vẫn nặng lòng với Hàng Ngang, vui lòng chỉ dẫn những gì không đúng hay còn thiếu sót trong bài viết nhỏ này để cùng nhau ôn lại những kỷ niệm xưa và để “người Hàng Ngang mới” hình dung đúng đắn về một phố Hàng Ngang những năm tháng đã quaª                                                             TP. Hồ Chí Minh tháng 11-2003
https://loiquyen.wordpress.com/2010/01/21/ph%E1%BB%91-hang-ngang-ngay-%E1%BA%A5y-ph%E1%BA%A7n-2/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.