Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

01/03/2015

Về kiệu bay vào kính ô-tô, nghe các chuyên gia bình luận

Về kiệu bay vào kính xe ô-tô, thì xem lại ở đây.

Còn về các chuyên gia và bình luận ở dưới đây, thì copy về từ VNN. Chính ra cần phải nói thẳng là: các chiên da và bình loạn.

Ví dụ, xem bình loạn sau:
"Theo PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, rước kiệu là một hình thức văn hóa dân gian độc đáo chỉ có duy nhất ở Việt Nam. Các làng xã thường tổ chức rước kiệu trong hội làng vào dịp Tết, nhằm tôn vinh công trạng của Thành hoàng làng. Đông, vui, hân hoan là những trạng thái, cảm xúc có thể thấy ở những nơi tổ chức rước kiệu, nhưng hiện tượng "kiệu quay” và "kiệu bay" cho tới nay vẫn gây tranh cãi nhiều trong cộng đồng.

TS Đức phân tích theo chủ nghĩa duy vật, hiện tượng kiệu bay, kiệu quay là một dạng vô thức tập thể của những người tham gia rước kiệu. Đây cũng có thể là hiện tượng tâm lý đám rước."

Từ đây trở xuống là toàn văn.

---
28/02/2015 08:51 GMT+7

Sự thật việc đoàn rước kiệu phá hoại tài sản của dân

- Theo PGS TS Lê Quý Đức, từ trước tới nay, chưa có sổ sách nào ghi lại việc đoàn rước phá hoại tài sản của người dân
Sáng 27/2/2015, dư luận xã hội xôn xao trước đoạn video clip ghi lại cảnh đoàn rước kiệu tại một lễ hội liên tục đâm vào chiếc ô tô hiệu KIA trắng làm chiếc ô tô tung vỡ kính phía sau.
Sau từng hồi trống và còi, kiệu lao thẳng vào kính sau xe Morning nhiều lần đến mức kính vỡ vụn. Đám đông đứng xung quanh liên tục hò reo, nhiều người “mách” chủ xe phải làm lễ mới được “thánh” tha. Trong clip cũng xuất hiện một người phụ nữ được cho là chủ xe đã quỳ sụp xuống, tay cầm tờ tiền liên tục khấn vái hướng về phía kiệu rước. Sau đó, chiếc kiệu đã chuyển hướng đi đường khác.
Địa điểm xảy ra sự việc được xác định là khu vực gần cổng Trường Trung học phổ thông Xuân Đỉnh (phường Xuân Đỉnh – quận Bắc Từ Liêm – Hà Nội) trong lễ rước kiệu lễ hội Đình Giàn.
Sự việc đoàn rước kiệu đâm vỡ kính xe của một giáo viên khiến dư luận tranh cãi nảy lửa về quy cách thực hành nghi lễ rước kiệu, người thì cho rằng đó là đường của thánh, thánh đi, không cấm được. Người lại cho rằng, đó là hành động nhân danh tâm linh để phá hoại tài sản của công dân.
Kiệu bay, đâm vỡ ô tô, Đình Giàn, Từ Liêm
Đình Giàn, nơi xảy ra sự việc
Theo PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, rước kiệu là một hình thức văn hóa dân gian độc đáo chỉ có duy nhất ở Việt Nam. Các làng xã thường tổ chức rước kiệu trong hội làng vào dịp Tết, nhằm tôn vinh công trạng của Thành hoàng làng. Đông, vui, hân hoan là những trạng thái, cảm xúc có thể thấy ở những nơi tổ chức rước kiệu, nhưng hiện tượng "kiệu quay” và "kiệu bay" cho tới nay vẫn gây tranh cãi nhiều trong cộng đồng.
TS Đức phân tích theo chủ nghĩa duy vật, hiện tượng kiệu bay, kiệu quay là một dạng vô thức tập thể của những người tham gia rước kiệu. Đây cũng có thể là hiện tượng tâm lý đám rước.
“Cũng có thể mấy ông rước kiệu cố tình làm như vậy để cho ông Thành hoàng làng của mình thiêng hơn. Cũng có thể chiếc ô tô kia đỗ ở vị trí làm cản trở đường đi của đoàn rước, cũng có thể đoàn rước thấy chướng mắt với chiếc ô tô này nên làm vậy,..”, TS Đức phân tích.
Tuy nhiên, theo TS Đức, từ trước tới nay, chưa có sổ sách nào ghi lại việc đoàn rước phá hoại tài sản của người dân. “Từ trước tới nay chưa có tiền lệ nào như vậy”, TS Đức nói.
Theo TS Đức, pháp luật Việt Nam cũng có những chiếu cố nho nhỏ cho những trường hợp ma chay cưới hỏi, chẳng hạn như nhà có tang, nhà có đám cưới, với không gian chặt hẹp nơi phố phường, người ta vẫn căng phông dựng bạt lấn chiếm không gian công cộng trong một khoảng thời gian. Rõ ràng điều này pháp luật không cho phép nhưng lại được chiếu cố linh hoạt.
“Tuy nhiên, hiện tượng phá hoại tài sản của người khác dù hữu thức hay vô thức thì vẫn phải bồi thường tài sản cho người bị hại. Và đây là hiện tượng mới xảy ra nên chúng ta phải cảnh tỉnh cả BTC lễ hội. Vai trò của ban tổ chức lễ hội rất quan trọng, họ phải đưa ra được các cảnh giới, sắp xếp không gian rước kiệu phù hợp”, TS Đức nói.
Đồng quan điểm, PGS TS Bùi Quang Thắng, Viện Văn hóa Nghệ thuật VN cho rằng, quan niệm tâm linh của người rước kiệu từ xưa tới nay là ‘Đường thánh thánh đi, đường trần trần đi’, người rước kiệu có thể đi bất cứ đường nào vì thánh muốn. Tuy nhiên, trong xã hội bây giờ, cũng không loại trừ nhiều trường hợp những người thực hiện nghi lễ vô tình hay hữu ý lợi dụng tâm linh để xảy ra những chuyện khiến dư luận bức xúc.
“Xung đột xã hội Việt Nam với người giàu người nghèo, người nông dân thường bức xúc với những khoảng cách giàu nghèo trong xã hội đương đại. Nên việc kiệu đâm hỏng ô tô cần phải được xem xét kỹ lưỡng. Xe đó của ai, có mâu thuẫn gì với đội ngũ rước kiệu hay không, có đậu xe đúng quy định hay không,…Nhưng tôi cần nhấn mạnh rằng phải xem xét kỹ xem xung đột đời thường ở trường hợp này là như thế nào”, TS Thắng bày tỏ.
Chia sẻ trên Đời sống và Pháp luật ông Nguyễn Hữu Khiêm, Chủ tịch UBND phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm) lên tiếng xác nhận sự việc “kiệu bay” đâm vỡ kính ô tô xảy ra tại địa điểm gần trường THPT Xuân Đỉnh.
Ông Khiêm cho biết, sự việc xảy ra từ 3 năm trước: “Ngay khi xảy ra sự việc, chúng tôi đã giao cho cán bộ xử lý và tiến hành tuyên truyền vận động để người dân cùng ban quản lý Đình Giàn tránh để xảy ra sự việc tương tự”.
Vị Chủ tịch phường Xuân Đỉnh thông tin, chủ nhân chiếc ô tô cũng không có phản ánh và đòi bồi thường.
Ông Khiêm cũng cho hay, hiện tượng “kiệu bay” không thể lý giải được và trong một vài năm gần đây thì có biến thể gây ra việc va chạm làm hư hỏng tài sản của nhân dân.
T.Lê
http://vietnamnet.vn/vn/van-hoa/223264/su-that-viec-doan-ruoc-kieu-pha-hoai-tai-san-cua-dan.html
---

5 nhận xét:

  1. Theo PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, rước kiệu là một hình thức văn hóa dân gian độc đáo chỉ có duy nhất ở Việt Nam...

    >>>

    Hoặc ông chưa bao giờ bước chân ra khỏi VN, hoặc ông chưa bao giờ đọc sách hay sử dụng Internet hehe.

    Trả lờiXóa
  2. Đọc trên VietnamNet mà giật mình khi thấy vị PGS. TS Lê Quý Đức khẳng định "rước kiệu là một hình thức văn hóa dân gian độc đáo chỉ có duy nhất ở Việt Nam". Ông lại là "nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển". Chỉ cần ta gõ vào Google "Rước kiệu ở Châu Á" là thấy đầy hình ảnh rước kiệu ở các nơi, Nhật Bản, Trung Quốc, Đại Hàn, Bhutan, Tây Tạng... và các nước Đông Nam Á...

    Kiến thức chuyên ngành của PGS. TS mà còn như thế thì làm sao xã hội không loạn trong hoạt động lễ hội...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tình trạng chung bây giờ là vậy đó bác Hiệp ơi.

      Em đã thấy entry mới của bác để ghi chú về cái này rồi nhé: http://ngochieppham.blogspot.jp/2015/03/ruoc-kieu-la-mot-hinh-thuc-van-hoa-dan.html

      Xóa
    2. Có quá nhiều vị học hàm học vị chức tước đầy mình mà nói năng như thằng say rượu!

      Xóa
    3. Khi đọc trên Vietnamnet, rồi sang bác Giao đọc nữa thì thấy vị PGS. TS này hình như đang mơ ngủ, hoặc như bác hehe nói bên trên "nói năng như thằng say rượu!". Vietnamnet là một trang báo mạng có số người đọc thuộc loại cao nhất trong số báo mạng. Bao nhiêu người không rành rẽ sẽ sai lệch về kiến thức khi đọc ý kiến của vị PGS. TS này?

      Xóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.