Dưới là tư liệu tạm thời.
1. Tờ Thanh Niên:
Rạng danh đất Việt: Được lưu tên trên bức tường Viện Ung thư Anderson
24/04/2014 09:00
Tiến sĩ Phan Minh Liêm, đến từ Khánh Hòa, đã có đóng góp quan trọng trong nghiên cứu về giải pháp chống ung thư tại viện nghiên cứu ung thư hàng đầu thế giới. Tên của tiến sĩ đã được lưu trên bức tường danh dự của Viện Ung thư MD Anderson.
Theo tiến sĩ Liêm, để thành công cần 3 yếu tố: đạo đức, sức khỏe và tài năng - Ảnh: N.V |
MD Anderson (trụ sở tại Houston, Texas, Mỹ) là trung tâm ung thư số 1 của Mỹ do tạp chí US News của Mỹ xếp hạng trong suốt 12 năm qua. Được nghiên cứu ở trung tâm này là mơ ước của hàng ngàn bác sĩ, nhà khoa học nghiên cứu chống ung thư trên toàn thế giới.
Năm 1998, Phan Minh Liêm nhận được học bổng của tổ chức Soleil Francophone để sang Pháp học một năm chương trình lớp 10 nhờ thành tích đoạt giải nhì môn tiếng Pháp trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm lớp 9. “Khi học ở Pháp, mình bị thu hút bởi các thí nghiệm rất hay của môn sinh học và phát hiện niềm đam mê của mình đối với ngành này. Nhờ sự hướng dẫn của gia đình và các thầy cô, mình nhận ra được giá trị to lớn của những kết quả nghiên cứu y sinh, như việc tìm ra vắc xin có thể giúp hàng triệu người ngăn ngừa bệnh tật. Từ đó, mình quyết định theo đuổi con đường nghiên cứu trong lĩnh vực này, với ước mơ phát triển các liệu pháp mới để giúp được đông đảo người bệnh”, Liêm nhớ lại.
15 công trình nghiên cứu cùng với các cộng sự
Thi đỗ vào ngành công nghệ sinh học, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM năm 2001, Liêm sớm tham gia các hoạt động phong trào và nghiên cứu khoa học. Với sự cố gắng liên tục và các đóng góp cho cộng đồng, Liêm đã vinh dự nhận được học bổng nghiên cứu sinh tiến sĩ của Quỹ giáo dục VN (VEF) vào năm thứ 3 của chương trình đại học. Liêm đến Mỹ năm 2005.
|
Được nghiên cứu trong môi trường chuyên nghiệp tại trung tâm ung thư hàng đầu thế giới MD Anderson ở Texas, tiến sĩ Liêm như cá gặp nước. Hiện tiến sĩ Liêm có 15 công trình nghiên cứu xuất bản cùng với các cộng sự trên các tạp chí khoa học quốc tế về công nghệ sinh học và ung thư, như tạp chí của Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ (Proceedings of The National Academy of Sciences), tạp chí của Viện Ung thư quốc gia Mỹ (Journal of National Cancer Institute)...
Năm 2010, tiến sĩ Liêm được vinh dự bầu làm Chủ tịch Hội Sinh viên sau đại học của Đại học Texas - Viện Anderson. Trong lịch sử 73 năm từ khi viện thành lập, đây là lần đầu tiên và duy nhất một sinh viên quốc tế được bầu vào vị trí chủ tịch. Tiến sĩ Liêm làm rạng danh cộng đồng du học sinh Việt khi tên anh được vinh danh trên bức tường danh dự của trường này bởi các thành tích nghiên cứu và đóng góp cho cộng đồng.
Gien tiêu diệt tế bào ung thư
Một tin vui với những người bị ung thư là trong một nghiên cứu gần đây, nhóm của tiến sĩ Liêm đã phát hiện một gien có khả năng ức chế hữu hiệu quá trình tạo năng lượng của khối u. Khi gien này được kích hoạt, các tế bào ung thư nhanh chóng bị tiêu diệt, hoặc ngừng tăng trưởng cũng như mất khả năng di căn. “Chúng tôi hy vọng rằng các kết quả nghiên cứu này sẽ góp phần giúp phát triển các liệu pháp mới tấn công các tế bào ung thư một cách hiệu quả, chính xác mà không làm ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh”, tiến sĩ Liêm nói.
Bên cạnh các nghiên cứu cơ bản, tiến sĩ Liêm còn tập trung vào các nghiên cứu ứng dụng. Hiện nay, anh và các cộng sự đang phát triển các thiết bị mới kết hợp công nghệ nano và vi mao dẫn để phát hiện bệnh ung thư, bệnh truyền nhiễm và các bệnh khác.
“Vậy hướng phát triển tiếp theo của anh là gì?”, tôi hỏi. “Mình sẽ tiếp tục nghiên cứu các phương pháp điều trị, phòng ngừa và chẩn đoán bệnh ung thư. Mình cũng đang làm việc với một số đối tác để phát triển các kết quả nghiên cứu khoa học thành các sản phẩm hữu ích để phục vụ bệnh nhân”, tiến sĩ Liêm cho biết.
Phan Minh Liêm là một con người hành động, anh không chờ đến khi học xong mới trở về đóng góp cho quê hương. Trong năm 2013, tiến sĩ Liêm đã góp phần để bắc nhịp cầu đưa các giáo sư hàng đầu về lĩnh vực nghiên cứu và điều trị ung thư của Trung tâm ung thư MD Anderson sang VN. Với sự hỗ trợ tích cực của Quỹ giáo dục VN, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, các giáo sư đã tổ chức thành công khóa học về các con đường truyền tín hiệu trong tế bào ung thư, nhằm cung cấp các kiến thức mới về ung thư cho các nhà khoa học, bác sĩ, dược sĩ và sinh viên tại VN.
Khi được hỏi về bí quyết thành công, tiến sĩ Phan Minh Liêm chia sẻ một cách thật giản dị: “Quá trình dẫn đến thành công cần có sự nỗ lực liên tục trên cả 3 phương diện: đạo đức, sức khỏe và tài năng; bao gồm cả khả năng chuyên môn và các kỹ năng cần thiết để sống chan hòa và đóng góp cho cộng đồng”.
Dự định trước mắt của tiến sĩ Liêm là hợp tác cùng một số nhà nghiên cứu và các cộng sự xúc tiến thành lập tạp chí khoa học Vietnam Journal of Science để đóng góp cho sự phát triển của khoa học và công nghệ VN và thế giới.
“Sau 6 năm làm việc với Liêm, tôi đặc biệt ấn tượng ở Liêm bởi năng lực lãnh đạo và tinh thần vì cộng đồng. Liêm là sinh viên quốc tế đầu tiên và duy nhất cho tới thời điểm này vinh dự làm Chủ tịch Hội Sinh viên sau đại học tại Đại học Texas - Viện Anderson, đây là điều rất đặc biệt trong suốt 73 năm lịch sử của Viện Anderson. Điều này tự nó đã nói lên sự đánh giá cao của cộng đồng ở viện đối với tài năng và đạo đức của Liêm. Từ sự kết nối của Liêm, tôi đã tới VN và có cơ hội làm việc với các chuyên gia về phòng chống ung thư ở Bộ Khoa học - Công nghệ VN, lãnh đạo các viện lớn và tôi lấy làm hạnh phúc vì đã góp phần vào nỗ lực chống lại bệnh ung thư ở đất nước các bạn”.
Giáo sư Mong - Hong Lee, Tổng biên tập và là người sáng lập tạp chí khoa học Cancer Hallmarks, công tác tại Khoa Phân tử và tế bào ung thư, Viện Ung thư MD Anderson
|
Tiến sĩ Phan Minh Liêm từng được các giải thưởng danh giá: Giải thưởng của quốc hội Mỹ và chương trình nghiên cứu y học của Bộ Quốc phòng Mỹ về nghiên cứu ung thư (2010 - 2013); giải thưởng Phục vụ cộng đồng của Hiệp hội Sinh viên Đại học Texas tại Houston (2010); danh hiệu Học giả của Tổ chức Sylvan Rodriguez/Cancer Answers, Đại học Texas - Viện Ung thư MD Anderson dành cho các nhà khoa học nghiên cứu ung thư xuất sắc và có đóng góp hiệu quả cho cộng đồng...
|
Káp Thành Long
2. VNN:
Người được lưu danh trên bức tường danh dự của Viện Ung thư Anderson
25/02/2015 01:04 GMT+7
Phan Minh Liêm năm nay mới 32 tuổi nhưng đã có hàng chục công trình nghiên cứu khoa học liên quan đến căn bệnh ung thư, bệnh truyền nhiễm và các bệnh khác. Thành tích của anh đã được Viện Ung thư MD Anderson, viện ung thư hàng đầu của Mỹ, lưu danh trên bức tường danh dự của Viện này…
TS Phan Minh Liêm |
1. Từ Mỹ, Phan Minh Liêm gọi về trò chuyện, anh bảo thật tiếc khi Tết này không được về Nha Trang ăn Tết vì vướng nhiều kế hoạch. Cách xa nửa vòng trái đất nhưng câu chuyện của chúng tôi cứ liền mạch và bất ngờ khi chợt nhận ra Tiến sĩ Phan Minh Liêm - người Việt Nam được ghi danh trên bức tường của Viện Ung thư MD Anderson nổi tiếng của Mỹ bây giờ, lại là cậu bé Liêm 15 năm trước tôi đã từng gặp và viết bài.
Lúc đó, Liêm mới học lớp 11, là một trong số những học sinh xuất sắc vừa du học Pháp trở về. Từng “rinh” nhiều giải thưởng quốc gia môn tiếng Pháp về cho Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (Nha Trang), thậm chí được học bổng du học Pháp năm lớp 10, nhưng Liêm lại quyết định rẽ sang một hướng đi khác không liên quan gì đến tiếng Pháp.
Ngã rẽ ấy là khi Liêm quyết định thi vào chuyên ngành Công nghệ sinh học ứng dụng vào y học của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh.
Đến năm 2005, khi mới học năm thứ 3 đại học, Liêm nhận được học bổng học thẳng tiến sĩ (bỏ qua thạc sĩ), tại Trường Đại học Texas, Trung tâm Ung thư MD Anderson tại Mỹ do Quỹ Giáo dục Việt Nam - VEF (Quốc hội Mỹ) cấp.
Từ tiếng Pháp chuyển sang học tiếng Anh đã khó, mà tiếng Anh phải siêu đẳng lắm mới giành được học bổng toàn phần. Hỏi sao hay vậy, Liêm cười: “Hồi đó, sang Pháp học lớp 10, dù các môn khác, em ở trong tốp đầu của lớp, riêng môn tiếng Anh do không được học ở Việt Nam từ nhỏ nên điểm môn này rất thấp. Mấy bạn Pháp trong lớp thấy vậy bèn thách đố. Thế là em gọi điện về nhờ cha em gửi qua mấy cuốn sách tự học Anh văn. Ngoài ra, ở trường cũng cử các giáo viên rất tâm huyết để dạy phụ đạo thêm cho tụi em. Em cứ cố gắng chăm chỉ học như vậy, vài tháng sau thì em theo kịp các bạn trong lớp, xếp thứ nhì về điểm số. Trong các năm học đại học, em cũng luôn chú trọng cải thiện tiếng Anh chuyên ngành. Chắc nhờ vậy mà vốn liếng tiếng Anh ngày càng nhiều, chị ạ!”.
Cũng vì tính tự ái ấy mà Liêm làm được khối chuyện lớn.
Khi mới bước chân vào giảng đường của Trường Đại học Texas, hai tiến sĩ người Nhật học cùng lớp thấy Liêm nhỏ tuổi quá, hỏi Liêm từ đâu đến, trình độ thế nào, nghe trả lời là người Việt Nam, mới học xong đại học, hai anh chàng này nguýt dài:
“Thế thì cậu nên về nước nghiên cứu được nhiều công trình nổi tiếng rồi hãy qua đây học”. Liêm không nói gì nhưng cậu biết mình phải làm gì để chứng minh cho họ thấy vì sao mình được bước chân vào ngôi trường này, vào Trung tâm Ung thư nổi tiếng - nơi mà mỗi năm chỉ nhận 80 người, đa số là tiến sĩ chuyên ngành của các nước trên thế giới…
2. Và điều Liêm - một du học sinh trẻ tuổi nhất khóa làm các bạn cùng lớp tại Đại học Texas phải nể phục là năm nào anh cũng dẫn đầu lớp về điểm số.
Không chỉ thế, anh còn là một người đam mê nghiên cứu khoa học. Liêm kể, được học tập trong một môi trường nghiên cứu về ung thư hiện đại bậc nhất của Mỹ, được làm việc với các cộng sự giỏi, và trên hết là mong muốn giúp đỡ bệnh nhân ung thư, là những động lực giúp anh vượt qua mọi trở ngại, dành hết tâm huyết cho việc học và nghiên cứu của mình.
Tính đến nay, anh đã có 18 công trình nghiên cứu xuất bản cùng với các cộng sự trên các tạp chí khoa học quốc tế về công nghệ sinh học và ung thư, như tạp chí của Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ (Proceedings of The National Academy of Sciences), tạp chí của Viện Ung thư quốc gia Mỹ (Journal of National Cancer Institute)...
Ít ai biết, lý do mà Liêm quyết định đi theo con đường này bắt nguồn từ một câu chuyện hồi còn nhỏ, khi anh chứng kiến một người thân chết vì ung thư. Lúc ấy, Liêm đã có ước mơ sau này trở thành bác sĩ, tìm ra phương thuốc chữa trị ung thư - căn bệnh mà nhiều người cho rằng dính vào nó là “trời kêu ai nấy dạ”.
Và rồi, từ những công trình nghiên cứu ấy, Liêm và các cộng sự của mình đã phát hiện một gien có khả năng ức chế hữu hiệu quá trình tạo năng lượng của khối u.
Khi gien này được kích hoạt, các tế bào ung thư nhanh chóng bị tiêu diệt, hoặc ngừng tăng trưởng, cũng như mất khả năng di căn.
Liêm chia sẻ, khi bị ung thư, người bệnh thường được xạ trị, hóa trị, phẫu thuật. Trong nhiều trường hợp, xạ trị và hóa trị có thể diệt tế bào ung thư nhưng đồng thời cũng ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh khác. Vì vậy, anh hy vọng nghiên cứu này sẽ góp phần giúp phát triển các liệu pháp mới tấn công các tế bào ung thư một cách hiệu quả, chính xác mà không gây hại đến các tế bào bình thường khác.
Hiện Tiến sĩ Liêm tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu để góp phần cùng với khoa học hiện đại bào chế ra những phương thuốc chữa ung thư mới. “Quá trình đó có thể kéo dài 10 hoặc 15 năm nữa, nhưng mình tin rồi đây các bệnh nhân ung thư sẽ có cơ hội được cứu chữa kịp thời, không còn phải chịu nhiều đau đớn…” - Liêm chia sẻ.
3. Một điều nữa đưa Liêm trở thành “hiện tượng Việt Nam” ở Trung tâm MD Anderson, không chỉ vì anh có nhiều thành tích trong học tập và nghiên cứu mà Liêm còn là một người năng nổ, nhiệt tình, có nhiều đóng góp cho cộng đồng.
Năm 2010, Liêm được vinh dự bầu làm Chủ tịch Hội Sinh viên sau đại học của Đại học Texas - Viện MD Anderson.
Đây thực sự là điều khiến nhiều du học sinh Việt Nam tự hào, bởi trong lịch sử 73 năm từ khi Viện thành lập, đây là lần đầu tiên và duy nhất một sinh viên nước ngoài, lại là sinh viên Việt Nam, được bầu vào vị trí chủ tịch.
Ai cũng nghĩ một người đam mê nghiên cứu khoa học như Liêm chắc lúc nào cũng vò võ trong phòng thí nghiệm, nhưng không phải vậy. Ngoài giờ học, nghiên cứu, anh sôi nổi tham gia các hoạt động cộng đồng, có nhiều đóng góp cho Viện. Không chỉ thế, Liêm còn là cầu nối, đưa các giáo sư của Viện tới Việt Nam, làm việc với các chuyên gia về phòng, chống ung thư ở Việt Nam.
Anh cũng tích cực đi đi về về giữa Mỹ và Việt Nam, truyền giảng những phương pháp mới trong việc chữa trị ung thư, từ đó giới thiệu những nhân tố tiềm năng để giới thiệu với Viện Ung thư Anderson, tạo cơ hội cho họ có học bổng sang Mỹ học tập giống như Liêm trước đây…
Tất cả những đóng góp ấy của Liêm đã được Trường Đại học Texas và Viện MD Anderson ghi nhận. Anh là người Việt Nam được 4 lần vinh danh trên bức tường danh dự của trường này.
Tuy nhiên, với Liêm, điều anh mong mỏi hơn cả là được cống hiến nhiều hơn cho đất nước Việt Nam. “Tuy sống và làm việc ở Mỹ nhưng tôi lúc nào cũng nghĩ về quê hương. Tôi mong muốn đem những kiến thức mình đã học được chia sẻ với các bạn đồng nghiệp ở Việt Nam, với chung mục đích là sẽ góp phần hạn chế căn bệnh ung thư, sẽ cứu chữa được nhiều người thoát khỏi bản án tử hình mang tên “ung thư”” - Liêm nói.
Tuy chưa gặp lại Liêm nhưng tôi tin, những gì anh chia sẻ thật sự là cái tâm của một người đam mê nghiên cứu khoa học. Bất chợt, tôi nghĩ đến mươi, mười lăm năm nữa, phương thuốc chữa trị căn bệnh ung thư mà Liêm và các cộng sự đang ngày đêm nghiên cứu sẽ thành công.
Lúc ấy, chắc chắn Việt Nam sẽ là nơi đầu tiên Tiến sĩ Liêm nghĩ đến khi muốn chia sẻ niềm vui này đến với những bệnh nhân ung thư. Hy vọng được thắp lên khi người ta có đủ niềm tin, năng lực và những kiến thức vững chãi…
Tiến sĩ Phan Minh Liêm còn cùng các bạn được học bổng VEF thành lập Tạp chí Khoa học Việt Nam online (Vietnam Journal of Science VJS) đầu tiên của Việt Nam, nhằm cung cấp những nguồn thông tin khoa học cho người Việt Nam và nâng tầm nền khoa học nước nhà bằng các bài báo của các nhà khoa học Việt Nam công bố trên các tạp chí quốc tế.
Năm 2014, anh nhận được giải thưởng và học bổng nghiên cứu khoa học của Quốc hội và Bộ Quốc phòng Mỹ trao tặng cho các nhà khoa học xuất sắc trong lĩnh vực ung thư; giải thưởng và học bổng nghiên cứu khoa học của một số tổ chức dành cho các nhà nghiên cứu ung thư xuất sắc và nhiều giải thưởng khoa học do Viện MD Anderson, Trường Đại học Texas, VEF, Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ… trao tặng.
|
Theo Hải Nguyệt(Báo Khánh Hòa)
''Tư liệu tạm thời'' nghĩa là sao bác Giao? Câu view tí hả bác?
Trả lờiXóaViu viếc gì đâu bác Lua. Chỉ đơn giản là "tạm", "tạm thời". Có thể bổ sung thêm.
Xóa