Ở tỉnh Cầu Đơ cũ, hồi những năm giữa thập niên 1990, mình thấy có một số làng có tục này. Thường là vào dịp trong họ làm lễ tế tổ đầu năm ở từ đường, hay hoạt động gì đó liên quan đến họ mạc, xong là về nhà trưởng họ (hay ai đó đăng cai luân phiên theo năm), và xơi cầy tơ. Có nhiều món, trong đó, hình như người ta thích ăn xáo với bún.
Phong tục này đã được thu thập và giới thiệu vắn tắt trong một ấn phẩm xuất bản bằng tiếng nước ngoài trước năm 2000.
Sau này, du lãng miền ngược (Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Giang,...), thì thấy nhiều làng cũng có tục tương tự, nhưng là trước tết. Tùy từng họ. Nhưng ngày xưa thì làm rất sớm, cỡ trung tuần tháng chạp. Ngày nay, con cháu đi làm ăn xa về muộn, nên cỡ khoảng sau ông công ông táo mới tiến hành.
Sau này, du lãng miền ngược (Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Giang,...), thì thấy nhiều làng cũng có tục tương tự, nhưng là trước tết. Tùy từng họ. Nhưng ngày xưa thì làm rất sớm, cỡ trung tuần tháng chạp. Ngày nay, con cháu đi làm ăn xa về muộn, nên cỡ khoảng sau ông công ông táo mới tiến hành.
Dưới là chép về từ Soha.
---
Chuyện cả làng ăn thịt chó ngày Tết ở Hà Nội
21/02/2015 16:59
Cứ đến mùng 4 tết người dân thôn Yên Trường, xã Trường Yên huyện Chương Mỹ lại có tục ăn thịt chó, họ nào ít thì 30 cân nhiều có khi lên đến vài tạ.
Nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội hơn 30km, thôn Yên Trường không chỉ được biết đến là một làng nghề cổ xưa với nhiều nghề thủ công truyền thống như mây tre đan, dệt may, nghề mộc... nơi đây còn nổi tiếng bởi phong tục lạ lùng là cứ vào ngày mồng 4 tết cả thôn đều tổ chức bữa cơm thân mật đầu năm hoàn toàn bằng thịt chó.
Chỉ trừ một vài trường hợp ăn kiêng, còn lại các món ăn trong mâm cỗ đều được chế biến từ thịt chó.
Đối với người dân thôn Yên Trường trong bữa cơm ngày mồng 4 tết nhà nào cũng phải có thịt chó, ít thì vài chục cân nhiều có khi lên đến vài tạ
Ông Nguyễn Gia Công (trưởng họ Nguyễn Gia, thôn Yên Trường) cho biết: “Tục ăn thịt chó ngày Tết ở đây đã có từ lâu, tuy nhiên không một ai biết chính xác nó có từ khi nào.
Chỉ biết rằng ngay từ khi chúng tôi sinh ra đã thấy tục lệ này tồn tại. Nhiều người cho rằng, do ba ngày tết ăn thịt gà, thịt lợn nhiều nên ngày này họ muốn đổi món mới".
Hiện nay, riêng dòng họ Nguyễn Gia có 108 bếp (đại gia đình – PV), mỗi bếp có từ 2 đến 3 khẩu, cá biệt có nhà lên đến 7 khẩu. Con cháu đông, hàng năm chúng tôi phải bày 25 đến 30 mâm cỗ sử dụng hết 75 đến 80kg thịt chó móc hàm”.
Không chỉ người dân hiện đang sinh sống trong thôn Yên Trường có tục ăn thịt chó đầu năm. Ngay cả những người đi làm ăn xa, những người về làm dâu làm rể trong làng cũng theo tục lệ này.
Đặc biệt, thấy người dân thôn Yên Trường kinh tế vẫn khá giả, nhà nhà có của ăn của để từ năm 2006, người dân thôn Nhật Tiến và một phần người dân thôn Phù Yên, xã Yên Trường cũng "bắt chước" tục ăn thịt chó này.
Hằng năm, cứ vào mồng 4 tết, con cháu trong thôn dù ở xa cũng đều thu xếp thời gian trở về quê đi tảo mộ. Tảo mộ xong, con cháu lại tập trung tại nhà trưởng họ ăn bữa cơm thân mật.
Nhà nào cũng phải có thịt chó, ít thì vài chục cân nhiều có khi lên đến vài tạ. Để tránh tình trạng khan hiếm nhiều dòng họ phải đặt mua thịt chó từ trước tết, đến mồng 4 chỉ việc đến lấy đem về chế biến.
Do nhu cầu tiêu thụ thịt chó trong ngày này tăng cao, các chủ cửa hàng bán thịt chó phải “ém hàng” ngay từ ngày 24, 25 tết. Tuy nhiên, vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ.
Theo ông Ngô Bá Đồng, chủ một cửa hàng chuyên về thịt chó tại chợ Giường cho biết: “Mồng 4 tết hàng năm nhà nào cũng tổ chức ăn thịt chó. Vào dịp này cửa hàng của tôi tiêu thụ được khoảng 5 tạ chó.
Để có đủ số lượng thịt chó cung ứng ra thị trường, tôi phải thu mua từ 24, 25 tết. Cá biệt có những năm “cháy hàng”, người dân phải sang các xã bên cạnh để tìm mua”.
Vào ngày này, cửa hàng của ông Đồng phải thuê thêm 3, 4 người làm luôn tay từ 1 giờ sáng mới kịp hàng bán cho khách.
Hơn 20 năm kinh doanh thịt chó, khách hàng của nhà ông Đồng đông đến nỗi mỗi lần có điện thoại ông chỉ kịp hỏi xem khách đặt bao nhiêu, khi nào đến lấy hàng là vội dập máy để tiếp tục công việc.
Cũng theo ông Đồng, mâm cỗ ngày xưa chỉ có ba món chó chủ yếu là luộc, riềng mẻ và xáo. Tuy nhiên, hiện nay người làng thôn Yên Trường có thể chế biến rất nhiều món ăn ngon như nướng, xào lăn, rựa mận, xả ớt...
Trong đó, món xáo dăm hành là một trong những món ăn ngon nổi tiếng mà mỗi khi nhắc đến nó người ta nghĩ ngay đến người dân xã Trường Yên.
Theo ông Tứ, chỉ riêng ngày mồng 4 tết toàn xã tiêu thụ khoảng 3 tấn chó móc hàm
Ông Nguyễn Gia Tứ - trưởng thôn Yên Trường cho biết: Hiện toàn xã có gần 12 nghìn dân, riêng thôn Yên Trường có đến 7 nghìn.
Trung bình mỗi mâm cơm sử dụng khoảng 3 – 3,5 cân chó móc hàm. Như vậy, toàn xã tiêu thụ hết khoảng 3 tấn chó chỉ trong ngày mồng 4 tết.
Có phong tục lạ là ăn thịt chó đầu năm, nhưng hiện nay xã Trường Yên được xếp vào một trong những xã có nền kinh tế tương đối phát triển của huyện Chương Mỹ.
Tính đến hết năm 2014, toàn xã có 68 doanh nghiệp đang hoạt động chủ yếu là các làng nghề truyền thống không chỉ góp phần giải quyết việc làm cho lao động trong xã mà còn giải quyết lao động cho các xã, huyện lân cận.
Kinh tế phát triển, tục ăn thịt chó đầu năm của xã Trường Yên càng được nhiều người biết đến.
Những người con hiện đang sinh sống ở thành phố, dù ở cương vị nào nhưng mỗi lần về quê họ vẫn nói giọng quê và vẫn ăn thịt chó như nhắc nhở mình là người sinh ra ở mảnh đất Trường Yên này.
Lại Hà - theo Infonet
http://soha.vn/xa-hoi/chuyen-ca-lang-an-thit-cho-ngay-tet-o-ha-noi-20150221164506914.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.