Nhờ văn bản này mới biết có một vị tên là Nguyễn Côn từng giữ chức Phó Thủ tướng năm 1969.
---
http://www.na.gov.vn/sach_qh/chinhsachpl/phan2/p2_b_iv_6.html
Để các dân tộc Tày - Nùng, Thái và Mèo phát huy đầy đủ tác dụng của chữ viết trong đời sống, ngày 27 tháng 11 năm 1961, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 206/CP chính thức phê chuẩn các phương án chữ Tày - Nùng, chữ Mèo, chữ Thái cải tiến, đồng thời quy định phạm vi, mức độ sử dụng ba thứ chữ đó.
Các bộ, các ngành và các Uỷ ban hành chính tỉnh có liên quan đã cố gắng thực hiện nghị định đó, và đã thu được những kết quả như sau:
- Chữ Tày - Nùng đã được dạy trong các lớp vỡ lòng, dạy xen kẽ với chữ phổ thông ở các lớp cấp I phổ thông, đã được dùng để viết báo, viết sách, và dịch một số tác phẩm quan trọng viết bằng chữ phổ thông. Một cuốn từ điển phổ thông Tày - Nùng - Việt đã được biên soạn;
- Chữ Mèo đã được dùng để xoá nạn mù chữ cho đồng bào Mèo ở nhiều địa phương; đã được dạy xen kẽ với chữ phổ thông trong các lớp vỡ lòng và cấp I phổ thông; nhân dân Mèo ở nhiều nơi đã dùng chữ Mèo để ghi sổ sách, viết báo, viết sách, ghi lại các truyện dân gian, làm thơ ca v.v... đã biên soạn được cuốn ngữ pháp tiếng Mèo và cuốn từ điển phổ thông Mèo - Việt.
- Chữ Thái cải tiến, trong một thời gian, đã được đưa vào dạy trong các lớp bổ túc văn hóa và cấp I phổ thông ở một số tỉnh. Nhưng phong trào học và dùng chữ Thái cải tiến vấp nhiều khó khăn, trước hết là do bản thân chữ Thái cải tiến có những điểm chưa hợp lý; vì vậy gần đây phong trào đó có phần chững lại.
Những việc làm trên đây bước đầu đã phát huy tác dụng tích cực của các chữ viết dân tộc và đã góp phần làm cho nhân dân các dân tộc thêm tin tưởng vào chính sách dân tộc của Trung ương Đảng và Chính phủ.
Tuy nhiên, việc phổ biến, sử dụng các chữ viết dân tộc còn có những thiếu sót sau đây:
- Nhiều cán bộ các cấp, các ngành ở những vùng dân tộc thiếu tích cực khắc phục khó khăn để đẩy mạnh công tác phổ biến và sử dụng chữ dân tộc đã được ban hành;
- Một số bộ và ngành có trách nhiệm ở Trung ương chưa quan tâm đầy đủ đến việc phổ biến và sử dụng chữ dân tộc trên các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, thông tin, hành chính, v.v... chưa tích cực hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và kịp thời giúp đỡ các địa phương giải quyết khó khăn, trở ngại.
Nhằm mục đích đẩy mạnh hơn nữa phong trào học và dùng chữ dân tộc, tạo thêm điều kiện cho các dân tộc thiểu số tiến mau hơn nữa trong việc xây dựng cuộc sống mới, Hội đồng Chính phủ, trong phiên họp thường vụ ngày 21 tháng 5 năm 1969, đã quyết định những phương hướng, chủ trương và biện pháp sau đây đối với công tác xây dựng và sử dụng các chữ dân tộc nói chung, và đối với ba thứ chữ dân tộc Tày - Nùng, Mèo, Thái đã được ban hành.
I. PHƯƠNG HƯỚNG VÀ CHỦ TRƯƠNG CHUNG
VỀ XÂY DỰNG VÀ SỬ DỤNG CHỮ DÂN TỘC
1. Tất cả các dân tộc sống trên lãnh thổ Việt Nam đều cần học và dùng tiếng, chữ phổ thông là ngôn ngữ chung của cả nước. Nhà nước cần ra sức giúp đỡ nhân dân các dân tộc thiểu số học để biết nhanh tiếng, chữ phổ thông.
2. Dân tộc thiểu số nào chưa có chữ viết riêng, nếu có đủ những điều kiện cần thiết sau đây thì được xây dựng và sử dụng chữ viết của dân tộc mình:
a. Dân số tương đối đông, so với các dân tộc anh em khác;
b. Cư trú tương đối tập trung;
c. Có nhiều khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức trực tiếp bằng tiếng, chữ phổ thông và có yêu cầu xây dựng chữ viết riêng để phát triển sự nghiệp giáo dục, văn hoá trong dân tộc mình;
d. Có vốn từ ngữ tương đối phong phú.
3. Dân tộc thiểu số nào đã có chữ viết riêng, nhưng nếu xét thứ chữ viết đó không thuận lợi cho sự tiến bộ của mình, thì có thể cải tiến chữ viết cũ, hoặc xây dựng chữ viết mới thích hợp hơn.
4. Dân tộc thiểu số nào không có đủ điều kiện xây dựng chữ viết riêng, nhưng thấy cần có chữ để ghi tiếng nói của mình, thì có thể dùng chữ phổ thông để phiên âm.
5. Yêu cầu cụ thể của việc xây dựng và sử dụng chữ dân tộc là:
a. Tạo điều kiện cho người dân tộc mau chóng xoá nạn mù chữ và tiếp thu thuận lợi những kiến thức văn hoá, khoa học và kỹ thuât;
b. Giúp đỡ người dân tộc có thể học được nhanh tiếng, chữ phổ thông;
c. Thúc đẩy sự nghiệp phát triển văn hoá, văn nghệ của dân tộc mình.
6. Chữ dân tộc cần được sử dụng trong phạm vi và với mức độ như sau:
a. Trong việc xoá nạn mù chữ và bổ túc văn hoá ở vùng người dân tộc đã có chữ riêng: Trong bổ túc văn hoá, nơi nào không biết hoặc ít biết tiếng phổ thông thì cho học xen kẽ chữ dân tộc với tiếng và chữ phổ thông ở các lớp cấp I; từ cấp II trở lên thì học hoàn toàn bằng tiếng và chữ phổ thông. Nơi nào quần chúng muốn và có thể học thẳng tiếng và chữ phổ thông thì trong xoá nạn mù chữ cũng như trong bổ túc văn hoá, nên dạy tiếng và chữ phổ thông, nhưng chú ý giảng bằng tiếng dân tộc để người học hiểu mau và chắc, đồng thời cần cho họ học thêm bộ vần chữ dân tộc để họ đọc được sách, báo viết bằng chữ dân tộc;
b. Ở các trường phổ thông trong vùng dân tộc có chữ viết riêng, cần cho học sinh lớp vỡ lòng và cấp I học xen kẽ chữ dân tộc với tiếng và chữ phổ thông, và chú ý làm cho học sinh làm quen với tiếng và chữ phổ thông càng sớm càng tốt. Ở II và cấp III, chủ yếu là dạy tiếng và và chữ phổ thông, đồng thời có dạy môn ngữ văn dân tộc;
c. Ở các trường chuyên nghiệp vùng dân tộc, nói chung không học chữ dân tộc, mà cần học bằng tiếng và chữ phổ thông. Riêng đối với một số ngành văn hóa, sư phạm v.v... có thể học một số môn cần thiết bằng tiếng và chữ dân tộc;
d. Trên các lĩnh vực văn hoá, văn nghệ, thông tin, báo chí v.v.... nên sử dụng rộng rãi tiếng và chữ dân tộc ở những nơi có đông đảo đồng bào dân tộc;
e. Nhân dân các dân tộc thiểu số đã có chữ viết riêng thì có quyền dùng chữ dân tộc trong việc ghi sổ sách, viết thư, và làm đơn từ gửi cho các có quan Nhà nước. Ở những nơi mà hầu hết đồng bào thuộc một dân tộc và cán bộ, nhân dân đã biết chữ dân tộc, thì công văn, giấy tờ từ huyện xuống xã nên dùng chữ dân tộc.
II. CHỦ TRƯƠNG ĐỐI VỚI CHỮ TÀY - NÙNG, CHỮ MÈO
VÀ CHỮ THÁI CẢI TIẾN
1. Đối với chữ Tày - Nùng
a. Tiếp tục phát triển ở những nơi cần thiết việc học xen kẽ chữ Tày - Nùng với tiếng và chữ phổ thông trong các lớp cấp I bổ túc văn hoá, các lớp vỡ lòng và cấp I phổ thông, cần tích cực chuẩn bị tài liệu và giáo viên để thực hiện việc dạy môn ngữ văn Tày - Nùng trong các trường phổ thông cấp II, cấp III.
b. Sử dụng rộng rãi tiếng và chữ Tày - Nùng trên các lĩnh vực văn hóa, văn nghệ , thông tin, báo chí ở những vùng có đông đủ đồng bào Tày - Nùng.
c. Biên soạn và xuất bản các loại sách chữ Tày - Nùng (sách phổ thông, ngữ pháp, từ điển, v.v....)
d. Xác định âm tiêu chuẩn cho tiếng Tày - Nùng và tiếp tục cải tiến bộ vần Tày - Nùng cho hợp lý hơn.
2. Đối với chữ Mèo
a. Mở rộng việc dùng chữ Mèo để xóa nạn mù chữ ở các địa phương có nhiều đồng bào Mèo. Phát triển việc học xen kẽ chữ Mèo với tiếng và chữ phổ thông ở các lớp cấp I bổ túc văn hóa, các lớp vỡ lòng và cấp I phổ thông ở những vùng người Mèo. Biên soạn các sách giáo khoa chữ Mèo theo nội dung thống nhất.
b. Phát triển việc dùng tiếng và chữ Mèo trên các họat động văn hóa, văn nghệ, thông tin, báo chí. Nâng cao chất lượng của các buổi phát thanh tiếng Mèo ở các đài phát thanh khu Tây Bắc và khu Việt Bắc, về mặt nội dung cũng như về mặt kỹ thuật.
c. Biên soạn và xuất bản các loại sách chữ Mèo (sách phổ thông, ngữ pháp, từ điển, v.v....).
d. Ở những huyện hầu hết đồng bào là người Mèo, có nhiều cán bộ và quần chúng đã biết chữ Mèo, thì cần dùng chữ Mèo trong các công văn, giấy tờ giữa huyện và xã.
e. Xúc tiến việc cải tiến bộ vần chữ Mèo cho giản dị hơn.
g. Đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên chữ Mèo và cán bộ làm công tác nghiên cứu chữ Mèo.
3. Đối với chữ Thái cải tiến
a. Cần xúc tiến việc xây dựng chữ Thái mới dựa trên cơ sở hệ thống chữ cái la-tinh, thuận lợi cho việc phát triển văn hóa mới ở vùng dân tộc Thái.
b. Trong lúc chưa xây dựng được chữ cái Thái mới, cần chuyển việc học theo hướng dạy thẳng tiếng và chữ phổ thông, nhưng chú ý giảng bằng tiếng Thái địa phương cho người học hiểu mau và chắc chữ phổ thông. Khi cần, có thể dùng chữ phổ thông để phiên âm chữ Thái.
Trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ nên tạm thời dùng chữ phổ thông phiên âm tiếng Thái, hoặc dùng chữ Thái cũ. Tiếp tục sưu tầm những tài liệu, tác phẩm bằng chữ Thái cũ do các thế hệ trước để lại.
Công văn, giấy tờ của các cơ quan Nhà nước thì dùng chữ phổ thông.
III. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC NGÀNH, CÁC ĐỊA PHƯƠNG
TRONG VIỆC XÂY DỰNG VÀ PHỔ BIẾN CHỮ DÂN TỘC
Để thực hiện tốt những phương hướng và chủ trương trên đây về chữ dân tộc:
1. Bộ Giáo dục cần rút kinh nghiệm và tăng cường hướng dẫn việc dạy xen kẽ chữ dân tộc với chữ phổ thông, cải tiến phương pháp giảng dạy; chỉ đạo thống nhất việc biên soạn các sách giáo khoa chữ dân tộc, nhất là chữ Mèo; tăng cường việc đào tạo và bồi dưỡng giáo viên dân tộc thiểu số; phối hợp với Bộ Văn hóa, Hội liên hiệp văn học nghệ thuật và Uỷ ban khoa học xã hội trong việc sưu tầm, phân tích, đánh giá, chọn lọc các tác phẩm văn học dân tộc thiểu số để giảng dạy trong nhà trường.
2. Uỷ ban khoa học xã hội cần xúc tiến việc xây dựng chữ Thái mới dựa trên cơ sở hệ thống chữ cái la-tinh; cùng các khu tự trị có liên quan xác định âm tiêu chuẩn cho tiếng Tày - Nùng và cải tiến bộ vần chữ Tày - Nùng và chữ Mèo cho hợp lý hơn; hướng dẫn việc dùng chữ phổ thông phiên âm tiếng của các dân tộc chưa có chữ viết riêng; chuẩn bị điều kiện để tiến tới thành lập Viện nghiên cứu văn học và ngôn ngữ các dân tộc thiểu số.
3. Bộ Văn hóa cần rút kinh nghiệm về việc sử dụng chữ dân tộc trên các hoạt động văn hóa, văn nghệ; tích cực đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ văn hóa, văn nghệ thuộc các dân tộc thiểu số; xúc tiến việc thành lập Nhà xuất bản văn hóa dân tộc.
4. Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp, Uỷ ban khoa học xã hội và Bộ Giáo dục cần hướng dẫn và giúp đỡ trường đại học Tổng hợp, trường đại học Sư phạm Việt Bắc lập các tổ văn và tổ sử các dân tộc thiểu số, và hướng hoạt động của tổ ngôn ngữ đi sâu nghiên cứu, góp phần giải quyết những vấn đề tồn tại của các chữ viết dân tộc hiện nay.
5. Bộ Nội vụ cần hướng dẫn các địa phương có nhiều đồng bào Mèo thực hiện việc dùng chữ Mèo trong công văn, giấy tờ của các cơ quan Nhà nước từ cấp huyện xuống cấp xã.
6. Uỷ ban dân tộc Trung ương cần theo dõi, kiểm tra, phối hợp các bộ, các ngành và các địa phương trong việc thực hiện những phương hướng và chủ trương trên đây về xây dựng, cải tiến và sử dụng các chữ dân tộc, và kịp thời đề nghị với Chính phủ những vấn đề cần giải quyết có liên quan đến các chữ dân tộc.
7. Các Uỷ ban hành chính các tỉnh vùng dân tộc thiểu số phải trực tiếp chỉ đạo các ngành, các cấp trong địa phương thực hiện việc phổ biến và sử dụng các chữ dân tộc; có biện pháp tích cực đào tạo và bồi dưỡng giáo viên dân tộc thiểu số; thành lập và kiện toàn các tổ chức chuyên trách công tác văn học và ngôn ngữ dân tộc ở những tỉnh cần thiết.
Các Bộ, các ngành ở Trung ương và các Uỷ ban hành chính các tỉnh vùng dân tộc có trách nhiệm thi hành và hướng dẫn đôn đốc, kiểm tra cấp dưới nghiêm chỉnh thi hành Quyết định này.
T/M HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
K/T THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Phó Thủ tướng
Đã ký
NGUYỄN CÔN
Nguyễn Côn (sinh năm 1915) tại thôn Liễu Nha, xã Thanh Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An trong một gia đình có truyền thống Nho học.
Trả lờiXóaNăm 1937, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương tại nhà máy xe lửa Dĩ An, Sài Gòn. Sau đó ông được bầu làm Bí thư chi bộ nhà máy. Tiếp đến ông lại hoạt động trong nhà máy Ba Son, đồn điền cao su Quang Lợi,...
Lo sợ trước ảnh hưởng của ông với phong trào công nhân lúc bấy giờ, thực dân Pháp đã bắt ông tù đày, tra tấn dã man trong các nhà lao khám lớn Sài Gòn, Côn Đảo, Lê Hi, Đắc Tô và nhà lao Vinh (1940-1945).
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Đông Dương và Bác Hồ, nhân dân cả nước đã vùng lên khởi nghĩa dành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám, ông và nhiều chiến sỹ cách mạng khác đã thoát khỏi nhà tù đế quốc để trở về địa phương tiếp tục hoạt động cách mạng.
Tháng 8 năm 1945, ông đã trực tiếp lãnh đạo khởi nghĩa dành chính quyền ở Thanh Chương và được cử làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cách mạng của huyện. Sau đó ông được bầu là Đại biểu quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và liên tục là đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VI.
Năm 1946 ông được Trung ương Đảng phân công vào công tác ở Nam Trung bộ. Từ 1946 - 1950 là Xứ ủy viên, Bí thư Ban cán sự Cục Nam Trung Bộ kiêm Bí thư tỉnh ủy Bình Thuận.
Năm 1951-1954, ông là Ủy viên thường trực Khu ủy Liên khu V, Bí thư Ban cán sự Cực Nam Trung bộ Liên khu VI cho đến hết kháng chiến chống Pháp.
Cuối năm 1954, ông tập kết ra miền Bắc.
Năm 1956-1958, ông được bổ nhiệm làm Phó tổng thanh tra Chính phủ.
Năm 1958-1959, ông là Thứ trưởng Bộ Kiến trúc.
Năm 1960, ông được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa III.
Năm 1965 - 1973, ông giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước [2].
Năm 1967, ông được phê chuẩn giữ chức Phó Thủ tướng chính phủ, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng Nhà nước.
Năm 1974, ông tiếp tục giữ chức Phó Thủ tướng chính phủ, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng Nhà nước, kiêm Bộ trưởng Bộ Cơ khí luyện kim, Trưởng ban Cơ khí Trung ương.
Năm 1976, ông chuyển sang làm Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Năm 1979, ông được phân công làm Trưởng đoàn chuyên gia kinh tế - văn hóa Việt Nam tại Campuchia. Tại Đại hội Đảng lần thứ V (1982) ông vẫn được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương.
Năm 1986 ông nghỉ hưu.