---
Thứ hai 18/02/2013 08:00
Đinh Ngọc Hải
Nùng Trí Cao một nhân vật lịch sử, biểu tượng Văn hoá thế kỷ XI tại Cao Bằng đã được lịch sử Việt Nam ghi chép, được nhân dân các dân tộc Cao Bằng ngưỡng mộ, tôn vinh, nhiều địa phương trong tỉnh, như: Hoà An, Hà Quảng, Thông Nông, Bảo Lạc, Quảng Uyên, Phục Hoà, Thạch An lập đền thờ Nùng Trí Cao.
Việc tìm hiểu, nghiên cứu về nhân vật lịch sử - văn hoá Nùng Trí Cao từ lâu đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học trong nước và nước ngoài. Bởi lẽ ông là một thủ thủ lĩnh người dân tộc miền núi, với tài thao lược về quân sự - ngoại giao, ông đã có công lớn trong việc gìn giữ bảo vệ biên cương phía Bắc của Tổ quốc Việt Nam. Đẩy lùi nhiều cuộc xâm lăng đánh chiếm nước ta của các triều đại phong kiến phương Bắc thế kỷ XI. Trong các giới học giả nước ngoài, người mang tính tiêu biểu hiện nay nghiên cứu về Lịch sử Nùng Trí Cao tại Cao Bằng phải kể đến PGS. TS James A.Anderson, hiện là giảng viên Khoa Lịch sử Trường Đại học Bắc Carolina Hoa Kỳ. Tôi may mắn được tiếp đón và đưa Phó Giáo sư đi nghiên cứu khảo sát các di tích lịch sử Nùng Trí Cao ở một số địa phương trong tỉnh vào những năm 1997 và 2001. Vào thời điểm ấy, ông lên nghiên cứu tại Cao Bằng với tư cách là một nghiên cứu sinh để gặp gỡ nhân chứng - khảo sát địa điểm lịch sử hoàn thiện đề tài tiến sỹ của mình. Năm 2001, ông James lại quay trở lại Cao Bằng lần thứ 2 để nghiên cứu sâu thêm một số địa phương trong tỉnh mà ông chưa có dịp đến.
Sau những lần chỉnh lý của tác giả và biên tập của Hội đồng nhà xuất bản Singapo, năm 2007 sách được xuất bản tại Singapo. Năm 2008, Tiến sỹ James đã gửi tặng cho chúng tôi một quyển và đề tặng với tình cảm thân thiện. Sách dày 280 trang, khổ 18 cm x 22 cm bằng tiếng Anh, chúng tôi đã cho dịch sơ bộ để có thể hiểu được nội dung cơ bản. Tên của cuốn sách là "Sào huyệt nổi dậy của Nùng Trí Cao. Lòng trung nghĩa và bản sắc dân tộc dọc vùng biên giới Việt - Trung". Sách gồm 8 chương:
Chương I: Ông vua vĩ đại Nùng Trí Cao, vai trò của một người nổi dậy trong việc hình thành bản sắc khu vực dọc vùng biên giới Việt - Trung. Chương II: Sự kế thừa của chế độ cống nạp đế chế Trung hoa ở phía Nam, cân bằng sự hài hoà về lễ nghi với sự ổn định vùng biên giới. Chương III: Các ví dụ về khu tự trị theo thoả thuận. Các mối quan hệ Việt - Trung trước thời kỳ XI. Chương IV: Giành được tính hợp pháp trong thời kỳ lao đao của đế chế. Các cộng đồng nói tiếng Tày bản địa dọc biên giới Việt - Trung. Chương V: Nỗi ám ảnh của thế lực phía Nam. Cuộc nổi dậy của Nùng Trí Cao, phản đối triều đình và kế thừa Nam Việt. Chương VI: Lôi kéo “các bè phái bất trung”. Vận động các liên minh vùng biên giới trong thời gian trước chiến tranh biên giới Việt - Trung 1075. Chương VII: Niềm tự hào to lớn: Những lễ kỷ niệm dọc biên giới Việt - Trung về Nùng Trí Cao; Chương VIII: Kết luận
Trong lời nói đầu và lời cảm ơn của tác giả đã thể hiện mối quan tâm của ông về Nùng Trí Cao có ba lý do. Thứ nhất, ban đầu tôi tìm thấy câu chuyện về cuộc đời của ông như là một câu chuyện kể đầy hấp dẫn. Trong quá trình nghiên cứu của tôi về sự tiến triển của các mối quan hệ cống nạp Việt - Trung hậu thời Tạng, đó là các nỗ lực táo bạo và có lẽ “bất chấp tất cả” của Nùng Trí Cao và thị tộc của mình đã tạo nên một địa phương chính trị giữa hai lãnh chúa đầy quyền lực nổi bật, tuyệt đối trong hàng loạt các tài liệu mà tôi đã dầy công nghiên cứu trong công trình nghiên cứu của mình. Tôi đã luôn luôn bị cuốn hút bởi những câu chuyện kể về các nhân vật và các cộng đồng ở tất cả các tầng lớp xã hội và Nùng Trí Cao đã xuất hiện như là một nhân vật kiên cường, nhưng mô vọng đấu tranh để tìm ra một chỗ đứng của mình trong các thời kỳ lao đao của lịch sử đã được ghi chép lại. Tôi càng đọc càng bị hấp dẫn bởi những thành tích ngắn ngủi của ông. Lòng tin hạn chế ban đầu của Trí Cao về các mối quan hệ thân tộc và dòng họ đã cho thấy ước mơ về tù trưởng, về việc thiết lập một vương quốc vùng rộng lớn bao gồm một vùng đa dân tộc dọc toàn bộ vùng biển Nam Trung Quốc. Tính hiếu kỳ của tôi đã bị khơi dậy không chỉ vì thất bại của ông về việc thiết lập một vương quốc như vậy mà bởi niềm tin của Trí Cao về một vương quốc thực sự có thể đánh bại tất cả những điều xấu xa.
Du khách trẩy Hội Đền Kỳ Sầm, nơi thờ danh nhân Nùng Trí Cao. |
Thứ hai là: Sau một vài điều tra, tôi đã khám phá ra rằng những cuộc nổi dậy của Nùng Trí Cao phù hợp với kiểu hành động chính trị nổi lên mà người ta thường gọi là “Thời kỳ kinh điển” của lịch sử Đông Nam Á. Thời kỳ này, sự xuất hiện của một nhóm các quốc gia truyền thống, vừa đóng vai trò lãnh thổ hoặc biểu tượng trong việc hình thành các quốc gia - nhà nước hiện đại ở Đông Nam Á bao gồm Pagan (Miến Điện/Myanmar) Sukhothai (Thai Lan), Angkor (Campuchia), Đại Việt (Việt Nam) SriVijaya (Malaysia) và Majapahit (Inđônêsia). Thời kỳ hoá thực tế và tầm quan trọng lịch sử của thời đại này không phải là không có những tranh cãi giữa các học giả khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, thời kỳ kinh điển chứng minh cho nhiều học giả thấy được một giai đoạn chuyển giao quan trọng giữa thời đại của các vương quốc khá nhỏ và độc lập đã tồn tại trước thời gian này và thời đại của các kiểu đế quốc lớn hơn, theo định hướng thương mại và đa dân tộc mà đã xuất hiện sau đó.
Cuối cùng, đó là tôi đã bắt đầu nhìn thấy những điểm giống nhau giữa các sự kiện “nền tảng” dọc vùng biên giới thế kỷ XX và những thay đổi nhất định về xã hội và văn hóa xảy ra cùng thời hiện tại của toàn cầu hoá khi mà tôi đã hoàn thành công trình nghiên cứu nguyên bản ban đầu về các cuộc nổi dậy của Trí Cao và đã có cơ hội thăm vùng biên giới Việt - Trung. Trong thời của mình, Trí Cao không những đã kêu gọi các triều đình Việt Nam và Trung Quốc để bảo trợ mà còn tìm kiếm sự hỗ trợ của địa phương bằng việc khơi gợi các biểu trưng bản địa của bản sắc chính trị. Những năm gần đây, nhiều sự kiện văn hoá cũng đã được tổ chức ở vùng biên giới Việt - Trung này nhằm bày tỏ lòng yêu mến của địa phương đối với di sản của Nùng Trí Cao. Nhiều nghiên cứu khoa học và văn hoá dân gian mới đã được xuất bản và nhiều hội thảo đã tổ chức ở cả Trung Quốc và Việt Nam để thảo luận và tuyên truyền tới độc giả rộng hớn hơn về các nỗ lực của nhân vật lịch sử này.
Để có thể hiểu sâu thêm về di sản văn hoá Nùng Trí Cao qua nghiên cứu của của các học giả nước ngoài ở Cao Bằng tôi đã có những thông tin trao đổi với Giáo sư James đề nghị cho dịch cuốn sách về Nùng Trí Cao mà ông đã xuất bản bằng tiếng Anh ra tiếng Việt, nếu có thể sẽ xuất bản để phục vụ nhân dân hiểu và tự hào về một nhân vật lịch sử tại Cao Bằng. Tôi nhận được ngay tin trả lời của Giáo sư, đồng ý cho phép một người nào đó dịch dưới dạng phô tô mười bản sao của cuốn Nùng Trí Cao sang tiếng Việt nếu bản dịch không phải là để bán. Qua gmail trao đổi, tôi hiểu được vấn đề bản quyền ở Mỹ được thực thi nghiêm túc. Trong năm 2012, lãnh đạo tỉnh đã đồng ý chúng tôi dịch sách Nùng Trí Cao ra tiếng Việt để những người có trách nhiệm nghiên cứu tham khảo, nếu thuận lợi sẽ xuất bản rộng rãi để mọi người cùng biết.
http://baocaobang.vn/Van-hoc-Nghe-thuat/Pho-Giao-su-nguoi-My-va-tac-pham-viet-ve-Nung-Tri-Cao/12972.bcb
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.