Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách
▼
30/01/2015
Chém lợn ở Bắc Ninh làm sáng rõ hơn một quan điểm đã phát biểu từ 2011 và 2012
Đọc tâm tư của bà con dân làng Ném Thượng (toàn văn ở dưới), thì thấy sáng rõ hơn về quan điểm mà mình đã đưa ra từ 2011 và 2012. Bản in chính thức bằng tiếng Việt thì được điều chỉnh bởi yêu cầu của tạp chí (cái tiêu đề bị đổi luôn sang một hướng hoàn toàn khác). Còn bản viết tiếng Nhật thì giữ nguyên được ý tưởng, cả tiêu đề (đã in song ngữ Nhật và Trung trong cuốn sách mới ra, ở đây).
Ở dưới là tâm tư của bà con. Chép nguyên từ VnEx về.
Nhiều người cho rằng, tục chém lợn là để giáo dục con cháu về truyền thống anh dũng, bất khuất, tinh thần đoàn kết chống giặc khi xưa của đội quân do Lý thành hoàng làng lãnh đạo. Tục nuôi lợn tế thánh còn khuyến khích người dân chăn nuôi để có những 'ông ỉn' tốt.
Ngồi bên đình làng Thượng (phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh), nơi hàng năm diễn ra lễ hội chém lợn, ông Trần Văn Hân (67 tuổi) mỉm cười nhớ lại nguồn gốc của lễ hội quê mà từ bé được cha mẹ, ông bà kể lại. Ông Hân tự hào bảo, lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng có truyền thống từ mấy trăm năm, gắn liền với truyền thuyết vị tướng nhà Lý tên Đoàn Thượng khi đánh trận đã trốn trên núi Nghè, chém lợn rừng nuôi quân rồi phá vòng vây thoát ra. Những đời vua Trần sau này vẫn tôn vinh, ghi nhận công lao của Đoàn Thượng khi bao lần phò vua Lý chống giặc ngoại xâm.
Để tưởng nhớ người có công khai khẩn vùng đất này, nhân dân lập đền thờ Lý thành hoàng và hàng năm tổ chức lễ hội chém lợn, nhắc nhau về truyền thống xưa. Những năm kháng chiến chống Pháp, đình làng Thượng bị bom đạn tàn phá, lễ hội từ đó cũng mất đi.
Đến năm 1999, ông Hân khi ấy là trưởng thôn, đã cùng nhân dân lập lại đền và khôi phục lễ hội truyền thống vào năm 2000. "Ngày dựng lại được lễ hội truyền thống đã mất của cha ông, dân làng tôi mừng lắm. Con cháu khắp nơi tụ hội về. Đến nay chúng tôi đã tổ chức được 14 mùa lễ hội chém lợn", ông Hân kể.
Ông Trần Văn Hân (67 tuổi) và nhiều cao niên, thanh niên làng Ném Thượng, phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh, có nguyện vọng được giữ tục lệ chém lợn truyền thống của quê hương. Ảnh: Quý Đoàn.
Người đàn ông gần tuổi cổ lai hi cho biết, nhà nào được dân làng chọn cho chăm nuôi "cụ ỉn" đều tự hào lắm. Ngày lễ hội (mồng 5 và mồng 6 tháng Giêng âm lịch hàng năm), gia chủ mặc áo dài, trang phục đỏ, chuẩn bị xôi, cỗ làm lễ rước "cụ ỉn" ra đình. Làng Thượng những ngày lễ hội bừng sáng bởi cờ, lộng, trống rước. "Cụ ỉn" sau khi được rước quanh làng sẽ về giữa sân đình và được khai đao chém tế thánh. Dân làng, khách thập phương hàng nghìn người đứng kín quanh khu vực đình háo hức xem nghi lễ này.
Ông Hân giọng trầm buồn khi kể chuyện người cháu của mình thắc mắc "sao 2 năm nay không chém lợn nữa". Ông bảo không hiểu vì lý do gì từ năm 2012, lãnh đạo tỉnh, Sở Văn hoá Bắc Ninh không cho tổ chức tục lệ này ở sân đình. Thay vì chém "cụ ỉn", nay người làng Thượng chỉ khai đao trước sân đình, rồi lui vào hậu cung 5-7 người sẽ chọc tiết, mổ thịt lấy khoanh cổ "cụ ỉn" tế thánh.
"Các cụ làng tôi bức xúc lắm khi bị yêu cầu thay đổi nét truyền thống của lễ hội. Mong muốn của chúng tôi là được giữ gìn phong tục của cha ông. Đây là dịp để con cháu khắp nơi tụ về, cùng nhau nhắc lại chuyện xưa, để giáo dục truyền thống anh dũng, bất khuất, tinh thần đoàn kết chống giặc của đội quân Lý thành hoàng. Tục nuôi lợn tế thánh còn khuyến khích người dân đua nhau chăn nuôi để mỗi năm có những 'ông ỉn' tốt", ông Hân nói.
Từng nhiều năm là Phó ban tổ chức lễ hội chém lợn, chỉ huy khai đao, ôngNguyễn Đình Lợi (61 tuổi) cho biết, nghi thức này chỉ diễn ra trong vòng 10 phút. "Người xem rất đông, đứng vòng trong, vòng ngoài nên có những ông bạn của tôi 6-7 năm sang xem lễ hội mà chưa một lần chứng kiến được tục chém lợn này", ông Lợi nói.
Để tổ chức nghi lễ chém lợn tế thánh, dân làng đã chuẩn bị với tâm thế cẩn trọng, tôn kính từ một năm trước. Người chăm sóc "cụ ỉn" phải chọn lựa từ các gia đình có cuộc sống đầm ấm, uy tín và thuận hoà với dân làng. Hai "cụ ỉn" phải là giống trắng tuyền không tì vết, được nuôi, tắm sạch sẽ. Hai thanh đao sắc dài gần 2 m để chém lợn được bảo quản cẩn thận, trân trọng đặt trong đình, đến lễ hội mới đưa ra.
Ông Nguyễn Đình Lợi (61 tuổi) có nhiều năm chỉ huy khai đao trong lễ hội chém lợn của làng Ném Thượng. Ảnh: Hoàng Hà.
Theo ông Lợi, chém lợn là phong tục truyền thống gợi về cái đẹp, khí thế hào hùng của Lý thành hoàng xưa nên người dân làng Thượng ai cũng muốn giữ. Cá nhân ông thấy hình ảnh "máu chảy, đầu rơi" diễn ra vào đầu năm chưa hợp lý, nhất là khi tổ chức trước sự chứng kiến của nhiều người, cả trẻ nhỏ. Ông Lợi ủng hộ việc thay đổi chém lợn ở hậu cung, tuy nhiên, lễ hội nhất định phải giữ lại.
"Đề xuất của Tổ chức động vật châu Á về chấm dứt lễ hội chém lợn, tôi không đồng ý. Chúng ta thay đổi những gì chưa phù hợp với xã hội hiện đại nhưng vẫn phải giữ được nét truyền thống, bản sắc của dân tộc, vùng miền", ông Lợi nói.
Bà Nguyễn Thị Định (84 tuổi), bà Trần Thị Lự (76 tuổi), thủ đao Nguyễn Tiến Xuê (55 tuổi)... mong muốn giữ phong tục tập quán quê hương. "Giữ được thì lễ hội vui hơn. 2 năm nay không chém lợn ở sân đình nữa, người dân, du khách đến tham gia lễ hội giảm hẳn", bà Định nói. Những người này kịch liệt phản đối đề xuất chấm dứt lễ hội truyền thống của quê mình.
Trước ý kiến của Tổ chức Động vật châu Á về việc lễ hội chém lợn ảnh hưởng không tốt đến người trẻ, Nguyễn Văn Cường (24 tuổi) cho biết, bạn bè mình đã nhiều lần được xem tục lệ đó nhưng không "có vấn đề gì". Cường cho rằng, so với một số lễ hội khác như chọi trâu (Hải Phòng), đâm trâu (Tây Nguyên) và đặc biệt những gì mình và bạn bè có thể tìm thấy trên Internet, hình ảnh chém lợn trong lễ hội của làng "không thấm tháp gì".
Qua lễ hội này, Cường và các thanh niên trong làng được người lớn giáo dục về truyền thống tốt đẹp của quê hương. "Em nhìn lễ hội theo hướng là nét đẹp truyền thống, khuyến khích chăn nuôi, khơi gợi niềm tự hào, tinh thần đoàn kết, quật cường của dân tộc. Em nghĩ nên giữ phong tục truyền thống này, vẫn cho tổ chức ở sân đình để mọi người được chứng kiến. Nếu các cụ cứ âm thầm tiến hành bên trong hậu cung, lớp trẻ sau em sẽ không hiểu được tục lệ của làng và có lẽ sau thời gian sẽ bị mai một", Cường nói.
Trao đổi với VnExpress, Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh, ông Nguyễn Văn Phong cho biết, sau khi nhận được thư đề xuất của tổ chức Động vật châu Á vào năm 2012, trước đó là một tổ chức của Bỉ, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh đã có công văn phúc đáp vào tháng 10/2013.
Theo đó, sau khi xem xét và nhận thấy, đối với phần lớn người dân, đặc biệt là những người không thuộc phường Khắc Niệm, tục chém lợn là hành vi phản cảm, không phù hợp với nhận thức tiến bộ chung của xã hội.
Từ năm 2013, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có văn bản đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh phối hợp với các đoàn thể, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi nhận thức, hành vi "chém lợn". Qua tuyên truyền, vận động bước đầu, nhân dân thôn Ném Thượng, phường Khắc Niệm đã thay đổi việc tổ chức tục lệ ở giữa sân đình, trước sự chứng kiến của hàng nghìn người dân và du khách thập phương bằng việc sắp xếp một khu vực dành riêng để làm cỗ ngọc tế thánh. Ngoài những người đã được phân công nhiệm vụ giết mổ lợn và làm cỗ, tất cả người dân và du khách đều không được vào khu vực này.
Quỳnh Trang
http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/dan-nem-thuong-muon-giu-tuc-chem-lon-3140995.html --- Bổ sung 9 (5/2/2015): Kiến nghị đổi "chém lợn" thành "rước lợn".
TTO - Sở Văn hóa -Thể thao & Du lịch tỉnh Bắc Ninh vừa kiến nghị đổi tên lễ hội “Chém lợn” ở làng Ném Thượng thành lễ hội “Rước lợn”.
Một số hình ảnh tại lễ hội chém lợn làng Ném Thượng, huyện Tiên Du, Bắc Ninh - Ảnh: Animals Asia cung cấp
Sau những ồn ào của dư luận thời gian vừa qua về lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng, xã Khắc Niệm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, mới đây, ngày 30-1-2015, Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Bắc Ninh đã có văn bản gửi UBND tỉnh Bắc Ninh kiến nghị đổi tên lễ hội “Chém lợn” ở làng Ném Thượng thành lễ hội “Rước lợn”.
Theo đó, văn bản này đề nghị: Lấy ý kiến cộng đồng dân cư về việc đổi tên lễ hội “Chém lợn” thành lễ hội “Rước lợn” từ mùa lễ hội năm 2015. Đồng thời thực hiện tốt việc tế, rước, lễ theo nghi thức truyền thống. Sau phần tế, rước thì làm cỗ ngọc tế thánh (không thực hiện nghi lễ chém lợn). Không để tình trạng người dân sử dụng tiền nhúng vào máu lợn.
Ngoài ra, điều chỉnh tục “Chém lợn” tại giữa sân đình vào một khu vực dành riêng để làm cỗ ngọc tế thánh, và hạn chế cơ bản được tình trạng người dân dùng tiền nhúng vào máu lợn.
Trong cuộc gặp gỡ báo chí sáng ngày 5-2, lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh còn cho biết thêm, trong lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng năm 2015, UBND tỉnh sẽ yêu cầu Sở VH-TT&DL tỉnh Bắc Ninh phải cử người giám sát lễ hội chém lợn, để lễ hội không diễn ra ở giữa sân đình, trước sự chứng kiến của nhiều người mà chỉ diễn ra trong khu vực phía sau sân đình, có ít người được chứng kiến.
Trao đổi thêm với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Ảnh, Phó giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Bắc Ninh, phụ trách về lễ hội cho biết, trước đây, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có công văn về việc điều chỉnh lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng cho phù hợp với xu hướng hiện đại. Nhưng vì mới đây, Tổ chức động vật châu Á (Animals Asia) lại có thông cáo báo chí kêu gọi lấy chữ ký cộng đồng phản đối lễ hội chém lợn này nên Sở VH-TT&DL tỉnh Bắc Ninh lại tiếp tục có công văn gửi UBND tỉnh đề nghị điều chỉnh lễ hội này cho phù hợp với hiện tại.
Ông Ảnh phân tích, sở dĩ có lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng là do người dân địa phương quan niệm tia máu phun ra từ việc chém lợn mang hình ảnh của tia chớp, tượng trưng cho sự no ấm, sung túc trong năm mới. Đồng thời, lễ hội cũng là sự tôn vinh người có công chống giặc ngoại xâm là tướng quân Đoàn Thượng.
Tuy nhiên, Giáo sư Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam cho rằng, cách tốt nhất hiện nay là không nên dùng biện pháp hành chính để can thiệp vào những lễ hội văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh của đồng bào các dân tộc trên mọi miền đất nước.
“Mọi hoạt động văn hóa, tín ngưỡng trong các lễ hội dân gian truyền thống của người Việt đều cónguồn gốc và lý do. Chỉ có điều khác biệt là trước kia, những hoạt động như chém lợn trong lễ hội được diễn ra trong phạm vi cộng đồng của người dân ở địa phương đó thôi...
Tôi đề nghị là nếu những hoạt động như chém lợn ở Bắc Ninh mà chưa bỏ được thì các cơ quan chức năng nên để người dân địa phương tổ chức nghi lễ đó trong phạm vi hẹp của cộng đồng địa phương đó thôi, không cho người ngoài vào để xem.
Đến một lúc nào đó, khi cộng đồng địa phương tự thấy những hình thức sinh hoạt lễ hội đó không phù hợp nữa thì họ sẽ tự chấm dứt” – GS. Ngô Đức Thịnh nêu quan điểm.
Trước đó, ngày 27-1, Animals Asia đã phát đi thông điệp kêu gọi lấy chữ ký của cộng đồng để các cơ quan chức năng Việt Nam sớm ban hành luật chấm dứt lễ hội chém lợn tại Bắc Ninh. Animals Asia đưa ra quan điểm rằng: “Việc chém những con heo còn đang sống khỏe mạnh là một lối đối xử tàn ác đối với động vật, làm trơ lì cảm xúc của người xem khi chứng kiến cách thức động vật bị đối xử dã man, đặc biệt là đối với trẻ em, đối tượng có tâm lý chưa hoàn thiện ổn định và dễ bị ảnh hưởng. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy những người chứng kiến và thực hiện nhiều hành động tàn ác với động vật cũng có xu hướng đối xử tàn ác và thô bạo đối với người khác trong cùng cộng đồng”.
Tổ chức này cũng đưa ra lời khuyến cáo: “Những lễ hội sử dụng động vật như những công cụ, thay vì tôn trọng chúng như những sinh mệnh sống biết cảm nhận sự đau đớn và có khả năng nhận biết sự chịu đựng này, đang làm phai mờ đi truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam”.
VŨ VIẾT TUÂN Bổ sung 8 (3/2/2015): Ông em Nguyễn Công Thảo cũng tham gia bình loạn. 03/02/2015 02:00 GMT+7
Liệu có khôn khéo không nếu cứ khư khư bao biện đây là tục lệ, truyền thống mà bỏ qua ý kiến từ bên ngoài?
Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia) mới đây bày tỏ quan điểm cho rằng nên bỏ lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh cũng như một số nghi lễ có lối đối xử tàn bạo đối với động vật, nhất là khi có sự chứng kiến của nhiều người, trong đó có cả trẻ em. Ý kiến này nhận được nhiều quan điểm khác nhau từ công luận, người ủng hộ có, người phản đối có.
Bài viết này là quan điểm cá nhân của một người làm công tác nghiên cứu trong lĩnh vực văn hóa, phát triển. Mục đích của nó là góp thêm cách nhìn, nhận định về đâu đó những thực hành văn hóa cũ, có thể không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Truyền thống là gì?
Để đưa ra cách hiểu thấu đáo, tường tận thế nào là văn hóa truyền thống là việc làm đòi hỏi nhiều thời gian và công sức mà khuôn khổ một bài báo không làm nổi. Tuy nhiên, cách hiểu mang tính ngầm định chung nhất là khi nói đến truyền thống hay văn hóa truyền thống, người ta nói đến những thực hành, tập quán mang đủ các giá trị “chân, thiện, mĩ”, mang tính phổ quát, đại diện chung cho một cộng đồng cụ thể.
Nói một cách dân dã thì đó là những thực hành mang tính nhân văn, có giá trị giáo dục, hướng người ta đến cái đẹp, cái thiện. Những giá trị này còn nguyên vẹn trong hiện tại và được cộng đồng chấp nhận. Khái niệm cộng đồng ở đây cần được hiểu theo nghĩa rộng, thường là tộc người, dân tộc hay chí ít cũng là một vùng địa lí. Có thể lấy ví dụ như khi ra nói về truyền thống hiếu học, chống ngoại xâm của người Việt Nam.
Đối với những thực hành văn hóa từng phổ biến một thời, giờ cơ bản không còn nữa, khái niệm “tục, phong tục, tập quán” thường được sử dụng hơn. Việc không phổ biến nữa xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bị chi phối bởi các điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội khác nhau. Có thể kể ra nhiều ví dụ về dạng này: tục ăn trầu, tục đa thê hay tập quán du canh du cư…
Trong khá nhiều trường hợp, tục, lệ, hay phong tục có thể phổ biến trong một cộng đồng nhỏ hơn như làng bản, dòng họ, nhóm xã hội, nghề nghiệp. Chính vì thế, khi đề cập đến thực hành văn hóa phổ biến của làng nào đó, người ta thường sử dụng những khái niệm này thay vì truyền thống. Dĩ nhiên, sự phân biệt này chỉ có tính tương đối, trong một số trường hợp, truyền thống và phong tục, tục lệ có thể được dùng với ý nghĩa tương đồng.
Cảnh tượng trong một lễ hội chém lợn. Ảnh: Hoàng Hà/ Ngoisao.net
Tục lệ có luôn luôn đúng?
Xã hội loài người luôn vận động với nhiều sắc màu khác nhau. Mỗi giai đoạn phát triển gắn với những thực hành, giá trị, chuẩn mực cụ thể. Có những tục lệ đã và đang còn nguyên giá trị, được cộng đồng lưu giữ, nhưng cũng không ít đã mai một, thậm chí biến mất bởi không còn phù hợp nữa. Ví dụ điển hình nhất là tục đốt pháo mỗi dịp hiếu, hỉ hay mừng năm mới vốn từng phổ biến nhưng đã chấm dứt gần 2 thập kỉ nay.
Đưa ra đánh giá một tục lệ cụ thể nào đó dĩ nhiên là một việc không dễ, cần cái nhìn từ nhiều chiều kích. Rõ ràng quan điểm của chủ thể hay người thực hành tục lệ đó là vô cùng quan trọng, không thể bỏ qua, bởi họ là người hiểu hơn ai hết ý nghĩa cũng như chịu tác động trực tiếp của tục lệ đó.
Tuy nhiên, trong một thế giới phẳng ngày nay, những chủ thế văn hóa đó cũng cần phải thận trọng xem xét, đánh giá lại một cách khách quan tục lệ của mình, lắng nghe ý kiến từ bên ngoài, xem xét tính chất lan tỏa từ việc thực hành tục lệ ấy đến các cộng đồng xung quanh, nhất là khi họ cũng tham dự vào những thực hành ấy chí ít với tư cách người quan sát. Liệu có khôn khéo không nếu cứ khư khư bao biện đây là tục lệ, truyền thống mà bỏ qua ý kiến từ bên ngoài? Câu chuyện ồn ào về tục ăn thịt chó ở xứ ta thời gian vừa qua là một ví dụ.
Đừng nhân danh truyền thống
Suốt nhiều thập kỉ, vì các lí do khác nhau, khá nhiều sinh hoạt văn hóa, lễ hội dân gian không có điều kiện tổ chức nay “nở rộ” khắp nơi. Tuy nhiên, việc phục dựng các thực hành văn hóa cần cẩn trọng và có những thay đổi nếu cần thiết, bởi lẽ truyền thống không phải được tạo ra sau một đêm và bất biến. Trái lại, nó được hình thành, hun đúc, đổi mới trong suốt chiều dài lịch sử. Chính vì thế, truyền thống cần phải được coi là “tài sản” chung của cả cộng đồng, phải liên tục được tiếp biến, làm mới cho phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của thời đại.
Việc khư khư duy trì máy móc các tục lệ cũ sẽ đem lại hệ quả tiêu cực nhiều hơn là tích cực. Có thể nhìn thấy điều này qua tục lệ của nhiều tộc người ở nước ta: tục kết hôn sớm hay tục “nối dây” ở nhiều dân tộc thiểu số; tục đốt pháo hay “ngăn sông, cấm chợ” trong kết hôn, tục thách cưới… ở nhiều làng Việt. Chính vì lẽ đó, nhiều tục lệ không phù hợp đã được bãi bỏ hoặc cách điệu như tục săn đầu người, hút thuốc phiện, đa thê ở người Việt cũng như nhiều dân tộc thiểu số khác?
Giống như nhiều người, tôi không ủng hộ và không muốn chứng kiến cảnh chém đầu lợn, đâm trâu… trong bất kì lễ hội nào. Thiết nghĩ, nếu luận giải rằng đó là cách truyền tải thông điệp giáo dục thế hệ sau về tinh thần thượng võ hay bất cứ lí do nào khác thì thiếu gì cách? Ý nghĩa của thông điệp này có mất đi không nếu ta biến các thực hành này ở dạng mô phỏng, tượng trưng hoặc đơn giản hơn là thay thế những con vật thật bằng hình nộm với chất liệu phù hợp?
Tôi còn nhớ trước đây, trước mỗi lần thịt vật nuôi trong nhà những dịp lễ tết, bố mẹ tôi thường lẩm nhẩm mấy câu với đại ý “thôi thì kiếp này mày là…; tao hóa kiếp cho mày để kiếp sau lên làm người”…
Rồi gần đây, trong một chương trình truyền hình giới thiệu về kĩ năng sinh tồn trên kênh Discovery, tôi cũng chứng kiến cảnh người ta âu yếm, vuốt ve, bày tỏ lòng biết ơn con vật trước khi kết liễu chúng làm thức ăn. Những người làm chương trình đã vô cùng khôn khéo khi không quay và đưa cảnh này lên truyền hình. Người xem vẫn hiểu, nào cần máu me hay tiếng kêu thảm thiết, ánh mắt bi thương của con vật tội nghiệp.
Đã đến lúc chúng ta nên dừng việc “nhân danh truyền thống” mà bảo thủ trước nhu cầu đổi mới. Sẽ khó lòng “hội nhập” để “hóa Rồng” nếu truyền thống vẫn được khư khư đem ra như con ngáo ộp để biện giải cho cách nhìn thiển cận.
“Nếu người nào muốn tham gia Lễ hội chém lợn phải hiểu văn hóa riêng đó, nếu không hiểu thì đừng có bàn”, Giáo sư Trần Ngọc Thêm bày tỏ.
Ngày 27.1, Tổ chức Động vật Châu Á đề nghị chấm dứt Lễ hội chém lợn ở thôn Ném Thượng, xã Khắc Niệm (Tiên Du, Bắc Ninh). Tổ chức này bày tỏ lo ngại nghi thức “chém lợn” tác động tiêu cực đối với xã hội. Trong đó, ảnh hưởng xấu tới tâm lý của người chứng kiến, tác động xấu tới ngành du lịch cũng như hình ảnh của Việt Nam.
Lễ hội Chém lợn tại Bắc Ninh. Ảnh: Tổ chức Động vật Châu Á
Trước đề nghị trên, phóng viên có cuộc trao đổi với Giáo sư Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học lý luận và ứng dụng, Trường Đại học Khoa học xã hội & nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) - tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Cơ sở văn hóa Việt Nam”.
Thưa Giáo sư, thời gian qua có nhiều ý kiến cho rằng, Lễ hội chém lợn với nghi lễ “chém đứt đôi con lợn” là lễ hội dã man, tàn bạo, cần phải loại bỏ. Ý kiến của ông thế nào?
- Dưới góc độ người nghiên cứu văn hóa, tôi không đồng ý với yêu cầu cấm Lễ hội chém lợn, nhất là khi yêu cầu này dựa trên lý lẽ rằng đây là cách đối xử dã man với động vật.
Khái niệm “dã man” vốn là sản phẩm của phương Tây từ thời thực dân. Họ từng biện bạch khi đi xâm lược các dân tộc Châu Á và Châu Phi rằng đó là họ đi “khai hóa văn minh” cho các dân tộc còn sống trong cảnh man di mọi rợ.
Khái niệm “văn minh” vốn hoàn toàn đúng khi được dùng để chỉ sự phát triển cao về khoa học công nghệ. Nhưng từ chỗ phương Tây là nơi có nền khoa học công nghệ phát triển để suy ra rằng văn hóa của họ cũng cao luôn, rằng mọi cái gì khác biệt với Châu Âu đều là dã man, lạc hậu lại là một sự nhầm lẫn lớn ở lĩnh vực văn hóa.
Ông nhìn nhận Lễ hội chém lợn như thế nào?
- Lễ hội là một hiện tượng mang tính văn hóa đậm đặc. Mà văn hóa thì luôn là sản phẩm của một cộng đồng chủ thể, trong một không gian và một thời gian rất cụ thể.
Nếu chịu khó đặt mình vào vị trí của người làng Ném Thượng thì có thể chúng ta sẽ hiểu được rằng lễ hội này có truyền thống từ rất lâu đời. Nó được tổ chức để tưởng nhớ công lao của một vị tướng cuối đời Lý, khi đến vùng núi này đã chém lợn rừng nuôi quân đánh giặc.
Con lợn trong lễ chém lợn rất được coi trọng và mang tính linh thiêng. Người dân gọi một cách tôn kính là "Ông ỉn", vào ngày lễ được nhốt trong cũi hồng rước với cờ trống, lọng, kèn, đưa đi khắp làng. Đi đến đâu, người dân trong làng bày mâm cúng, góp tiền công đức đến đấy.
Người nuôi lợn được lựa chọn kỹ càng từ những người có gia đình hạnh phúc, con cháu đề huề, nuôi lợn mát tay. Người chém lợn để tế Thánh cũng được chọn từ những người khỏe mạnh, con cháu đề huề, đúng tuổi 50.
Ông lợn trong lễ hội làng Ném Thượng phải được chém một nhát đứt làm đôi trong sự hò reo của người tham gia. Thịt lợn được xem là thiêng liêng, máu lợn được xem là đem lại may mắn, sung túc, khả năng sinh sản, sức sống tràn trề, mùa màng bội thu...
Vì vậy sau mỗi khi chém lợn, người dân tranh nhau sờ vào hoặc nhúng đồ của mình vào tiết lợn để cầu may. Thịt lợn sau khi tế Thánh được chia đều cho mọi người trong làng, để cả làng được phát tài, phát lộc.
Như ông nói, lễ hội này có truyền thống từ lâu đời, vậy tại sao chỉ mới vài năm gần đây dư luận có nhiều ý kiến trái chiều về “nghi lễ chém lợn”?
- Lễ hội là hiện tượng văn hóa làng. Lâu nay lễ hội chỉ diễn ra trong phạm vi nội bộ của làng. Trong phạm vi ấy chẳng hề có vấn đề gì về đạo đức, giáo dục con em, vì thông qua đó họ chỉ nhìn thấy những điều tốt đẹp.
Gần đây do các thông tin về lễ hội bị đưa lên mạng, lên các phương tiện thông tin. Qua lời bình của những người ngoài cuộc, thiếu hiểu biết về văn hóa nên đã khiến cho vấn đề bị bóp méo.
Trước ý kiến lo ngại rằng, nghi lễ chém lợn với hình ảnh con lợn bị chém ra làm đôi trước sự chứng kiến của nhiều người, trong đó có cả trẻ em sẽ tác động không tốt đến tâm lý trẻ, ông thấy sao?
- Từ ngàn đời nay, người dân khắp nơi vẫn mổ lợn, làng Ném Thượng vẫn chém lợn, trẻ em khắp nơi vẫn cứ xem và không có chuyện vì thế mà đứa trẻ trở nên hung ác.
Bây giờ thử thống kê xem trong số những người trộm cướp trên cả nước có bao nhiêu người gốc ở làng Ném Thượng? So sánh với các làng xung quanh xem, làng Ném Thượng có tàn ác hơn không? Tôi cho rằng, chuyện này tuyệt đối không có.
Thậm chí tôi tin rằng, ngược lại, những nơi mà dân làng giữ gìn được văn hóa truyền thống như làng Ném Thượng, con em trong làng sẽ được giáo dục tốt hơn.
Giáo sư Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học lý luận và ứng dụng, Trường Đại học Khoa học xã hội & nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM).
Vậy ông thấy thế nào về việc duy trì lễ hội truyền thống này vào năm 2015 và cách xử lý của UBND tỉnh Bắc Ninh là vận động để người dân Ném Thượng chỉ thực hiện “thịt lợn” thay vì “chém lợn”. Nghi lễ được thực hiện phía “sau đình” và chỉ cho ít người xem, thay vì thực hiện giữa sân đình như trước?
- Trước hết tôi cho rằng, người ngoài làng như chúng ta không có quyền bàn về việc cho phép hay không cho phép dân làng thực hiện những công việc nội bộ của riêng mình mà không vi phạm pháp luật, không ảnh hưởng gì đến những làng xung quanh.
Việc người dân thực hiện nghi lễ “chém lợn” hay “thịt lợn” thế nào là truyền thống của họ, không ai có thể bắt họ thay đổi truyền thống. Đó là lễ hội riêng, chuyện nội bộ của người dân làng Ném Thượng.
Tuy nhiên, nếu việc riêng này lại được chụp ảnh, quay phim đưa lên báo chí thì đúng là có thể có ảnh hưởng đến người khác thật. Nhưng đây đâu phải lỗi của dân làng Ném Thượng? Họ đâu có mời khách đến xem, đâu có bán vé thu tiền người xem? Còn nếu người nào muốn tham dự thì phải tôn trọng phong tục tập quán địa phương, muốn đưa tin và bình luận thì phải hiểu văn hóa riêng đó, nếu không hiểu thì đừng có bàn.
Tôi cho rằng, với thời gian trôi đi, quan niệm về văn hóa và tâm linh của người làng Ném Thượng có thể sẽ khác đi; làng Ném Thượng có thể rồi cũng sẽ bị đô thị hóa - khi đó Lễ hội chém lợn sẽ tự mất đi hoặc có thể sẽ diễn ra theo cách khác. Nhưng đó chỉ có thể là một quá trình tự nhiên do chủ thể văn hóa quyết định, người ngoài không thể ép họ thay đổi dù nhân danh bất cứ thứ gì.
Từ Lễ hội chém lợn có thể thấy, “người ngoài làng” cũng như khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài thì đó là lễ hội dã man, gây tâm lý sợ hãi. Nhưng người “dân trong làng” nghĩ đó là làm việc tâm linh, lấy may mắn. Vậy, làm sao để hài hòa giữa các quan điểm trên?
- Văn hóa là cái đặc thù, nó phụ thuộc vào tập tục, truyền thống xã hội rất khác nhau của mỗi dân tộc. Văn hóa luôn là tốt, là giá trị đối với chính chủ nhân của nó, nhưng có thể sẽ là không thể chấp nhận được với các cộng đồng dân cư khác.
Khi một dân tộc này tự cho mình là văn minh và chê văn hóa của dân tộc kia lạc hậu, dã man, nhiều khi họ quên rằng chính họ cũng có những phong tục tập quán hoàn toàn tương tự.
Ví dụ, nhiều người phương Tây chê bai một số dân tộc Đông Á ăn thịt chó như ăn thịt người bạn của mình. Trong khi đó, người phương Tây gốc du mục, con ngựa cũng từng được xem là bạn, và món thịt ngựa vẫn được họ ăn một cách ngon lành.
Trong Lễ hội chém lợn - người dân chém một loài gia súc nuôi lấy thịt và cố gắng chỉ chém một nhát để “Ông” được “hóa” (hóa kiếp) ngay. Trong khi đó, trong trò chơi đấu bò của Tây Ban Nha, con bò bị lừa bằng tấm vải, bị đâm rất nhiều nhát để mua vui trước khi ngã gục. Trong trò chơi đấm bốc và nhiều trò thể thao mạnh khác của phương Tây - con người đấm vỡ mặt mũi đồng loại, làm cho máu chảy ròng ròng... Trong khi người phương Tây xem những cảnh này một cách hoàn toàn thích thú, thì với nhiều người phương Đông, đó mới thực sự là cảnh dã man, gây sốc.
Do vậy, không thể có mẫu văn hóa nào chung cho tất cả các dân tộc, các vùng miền. Cũng không thể nói văn hóa của dân tộc này, vùng miền này là đúng; dân tộc kia, vùng miền kia là sai. Chỉ khi ta thấu hiểu nó, chính ta cũng có thể sẽ bị nó chinh phục.
Việc nhiều người miền Bắc nay rất thích món sầu riêng có mùi cực nặng của Nam Bộ, nhiều người am hiểu văn hóa Trung Hoa thích món đậu phụ thối của người Hoa, nhiều người phương Đông thích món pho-mát có mùi thum thủm của phương Tây là minh chứng cho việc đó. Văn hóa đòi hỏi sự khoan dung và thấu hiểu, chứ không phải sự đàn áp trên thế đông, thế mạnh, bằng cách nhìn lấy bản thân mình làm trung tâm.
Sau khi Tổ chức Động vật Châu Á tiếp tục kêu gọi xoá bỏ nghi thức chém lợn ở làng Ném Thượng (nay là phố Thượng, phường Khắc Niệm, T.p Bắc Ninh) vì cho rằng đây là việc làm man rợ, bạo lực, một lần nữa khiến dư luận có nhiều ý kiến trái ngược.
Theo người dân phố Thượng, nghi thức chém lợn tế thánh giữa sân đình là để tưởng nhớ đến hành động của vị tướng Lý Đoàn Thượng (thời nhà Lý), khi đánh trận chạy đến vùng này đã chém lợn rừng nuôi quân.
Vì thế, các ý kiến cho rằng cần xóa bỏ nghi thức chém lợn giữa sân đình gây phản cảm tại lễ hội này khiến đa phần người dân không ủng hộ.
Người dân phố Thượng bày tỏ: “Nếu xóa bỏ nghi thức chém lợn giữa sân đình thì sẽ không còn điểm thú vị, đặc trưng bản sắc mà chỉ tại lễ hội chém lợn phố Thượng mới có…”.
Nghi thức chém lợn giữa sân đình (khoành tròn) tại lễ hội chém lợn phố Thượng từ 2013 đến nay không còn nữa.
>>> Clip: Lý giải của ông Nguyễn Đình Lợi – Bí thư Chị bộ, kiêm Chi hội trưởng Hội người cao tuổi phố Thượng:
Để làm rõ hơn về nghi thức chém lợn giữa sân đình, chúng tôi đã tìm đến người đầu tiên được tiến cử chọn làm “thủ đao” tại lễ hội này.
Người dân không còn thấy hào hứng nữa
Ông Nguyễn Đăng Chương (SN 1960) – một trong hai người đầu tiên được chọn làm “ông thủ đao” (năm 1999 và năm 2000) cho biết, lễ hội chém lợn dựa trên tích xưa để lại.
Nghi thức chém lợn giữa sân đình được coi là “màn trình diễn” ấn tượng độc đáo nhất tại lễ hội chém lợn Ném Thượng (phố Thượng ngày nay).
Ông Nguyễn Đăng Chương - người đầu tiên được chọn làm "ông thủ đao" chia sẻ với PV.
“Hai năm nay vì có những quan điểm khác nhau về việc chém lợn giữa sân đình gây phản cảm nên chúng tôi chỉ còn làm theo hình thức, không chém nữa.
Người dân chúng tôi vẫn muốn giữ được truyền thống và cái tích mà các cụ để lại. Từ khi bỏ nghi thức chém lợn đi, người dân không còn thấy hào hứng như những năm trước nữa” – ông Chương cho hay.
Cũng theo ông Chương, sau khi lễ hội được khôi phục, người dân trong làng rất phấn khởi, mong chờ đến hội. Nhưng từ khi nghi thức chém lợn được chuyển vào phía hậu cung, những "ông chủ đao" có vẻ như đã "thất nghiệp".
"Tính từ khi tôi là người đầu tiên được chọn là "thủ đao" đến nay (năm 2012), có trên 20 người được chọn vào vị trí này. Sau đó, anh em còn tổ chức thành nhóm hội "ông thủ đao" vẫn sinh hoạt với nhau thường xuyên.
Nhưng về sau anh em trong nhóm, người bệnh tật mất đi chỉ còn 20 người. Nhất là khi không cho chém giữa sân đình nữa nên anh em chản nản không sinh hoạt nhóm hội gì nữa" - ông Chương tâm sự.
“Ông thủ đao” đầu tiên cũng cho rằng, ông không có cảm giác “run sợ” trước những lần “khai đao” tại lễ hội.
“… Con lợn sinh ra để cho mình thịt, nó là bình thường. Chỉ có cái ở lễ hội rất đông, mình sợ dao dài, người dân hiếu kỳ xô đẩy, nhao vào lấy tiền quyệt máu lợn lấy may đầu năm mà nhỡ va chạm thôi…” – ông Chương nói.
>>> Xem thêm clip ông Nguyễn Đăng Chương nói về việc chém lớn:
"Chúng tôi thấy hơi tiếc"
Còn “ông thủ đao” vào năm 2007 Nguyễn Hữu Lực (SN 1961) cho hay: “Lễ hội truyền thống này là của dân, không của riêng ai cả. Mọi người thấy thế nọ thế kia nhưng tôi thấy nó bình thường.
Nếu bỏ đi phần hấp dẫn nhất của lễ hội thì chúng tôi thấy hơi tiếc. Vì những giá trị truyền thống của lễ hội đã không còn nguyên bản nữa”.
>>> Xem thêm clip “ông thủ đao” Nguyễn Hữu Lực tâm sự về lần chém lợn:
Ngày 30/1, trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Chương – Phó Chủ tịch UBND phường Khắc Niệm bác bỏ thông tin cho rằng, năm 2014, tại lễ hội chém lợn phố Thượng vẫn diễn ra nghi thức chém lợn giữa sân đình.
Ông Chương cũng xác nhận, trong hai năm 2013 - 2014, lễ hội chém lợn phố Thượng không thực hiện nghi thức chém lợn giữa sân đình nữa mà chuyển vào hậu cung cắt tiết làm thịt như mổ lợn bình thường.
Từ năm 2013, nghi thức chém lợn giữa sân đình được chuyển về phía hậu cung (mũi tên).
>>> Xem clip lý giải của ông Nguyễn Văn Chương - Phó Chủ tịch UBND phường Khắc Niệm về việc dừng chém lợn giữa sân đình:
Lễ hội chém lợn phố Thượng được tổ chức vào ngày 6 tháng Giêng hàng năm để tưởng nhớ đến thành hoàng làng.
Theo tín ngưỡng dân gian của vùng quê này, máu lợn trong lễ tế thánh tượng trưng cho sự sung túc, khả năng sinh sản, sức sống tràn trề, mùa màng bội thu.
Nên sau khi 2 “ông ỉn” bị chém phanh ra làm đôi và được kéo lê từng đoạn vòng quanh sân đình thì dân làng tranh nhau mang tờ tiền quệt vào máu lợn lấy may.
http://soha.vn/xa-hoi/ong-thu-dao-dau-tien-trong-le-chem-lon-o-bac-ninh-len-tieng-20150131145402985.htm Bổ sung 5 (1/2/2015): Bài trên BBC.
Lễ hội chém lợn truyền thống của làng Ném Thượng, xã Khắc Niệm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh đang trở thành đề tài bàn luận gây tranh cãi tại Việt Nam trong vài ngày gần đây.
Việc Tổ chức Động vật Châu Á (AA) phát động chiến dịch "gây ảnh hưởng tới cộng đồng cùng ký tên kêu gọi các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh và Bộ Thông tin và Truyền thông chấm dứt Lễ hội Chém lợn" hôm 27/1, đã khiến có rất nhiều ý kiến trái ngược.
Lễ hội này thường diễn ra vào mùng 6 tháng Giêng âm lịch khi hàng ngàn người dân tụ hội về thôn Ném Thượng, Tiên Du, Bắc Ninh để tham dự lễ hội chém lợn mà tại đó những con lợn khỏe mạnh được chọn ra làm vật hiến tế, sẽ bị chém ra làm đôi trước cả đám đông, trong đó có cả trẻ em.
Thông cáo báo chí của AA gửi các cơ quan truyền thông Việt Nam viết: "Việc chém những con lợn còn đang sống khỏe mạnh là một lối đối xử tàn ác đối với động vật, nó làm trơ lì cảm xúc của người xem khi chứng kiến cách thức động vật bị đối xử dã man, đặc biệt là đối với trẻ em, đối tượng có tâm lý chưa hoàn thiện ổn định và dễ bị ảnh hưởng."
Đây không phải lần đầu tiên AA lên tiếng về việc này với lập luận rằng hoạt động giết lợn như vậy là dã man và phản cảm và cũng nói thêm rằng" nhiều lễ hội và hoạt động trên thế giới liên quan tới tàn sát và lối đối xử ngược đãi động vật đều bị lên án và đã phải chấm dứt".
Trả lời BBC Việt Ngữ, Giáo sư Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, cho biết lễ hội bắt nguồn từ truyền thuyết đã có hàng trăm năm nay và rằng ý kiến của Tổ chức Động vật châu Á cũng có cái lý của nó, nhưng là "cái lý của người đứng ngoài, không có cảm nhận văn hóa của người chủ thể văn hóa".
Giáo sư Ngô Đức Thịnh nói thêm: "Có thể với những người không có niềm tin tín ngưỡng như người dân Ném Thượng thì đúng là họ thấy những cái đó là ghê rợn thật. Nhưng quan trọng nhất vẫn là cái lý của chủ thể văn hóa đó, của người dân Ném Thượng."
Ông lập luận rằng "trên nguyên tắc của văn hóa và tín ngưỡng thì không ai có quyền phủ nhận niềm tin tín ngưỡng của người khác, chứ chưa nói đây là của một cộng đồng".
"Và nguyên tắc đó, chính UNESCO cũng nói, phải để chủ thể văn hóa đó quyết định. Họ quyết định là trong điều kiện xã hội ngày nay, cái đó còn phù hợp không, họ tiếp tục hay từ bỏ nó. Và đó là quyền của chủ thể văn hóa chứ không phải quyền của chúng ta".
Văn hóa 'tự điều chỉnh'?
"Nhưng ngay cả văn hóa, truyền thống cũng thay đổi và chuyển hóa theo thời gian, những hủ tục không còn phù hợp nên được sửa đổi. Ngoài ra lễ hội nào cũng phải gắn liền với bản sắc của địa phương và văn hoá của dân tộc để truyền bá tính nhân văn cho thế hệ sau," Thông cáo báo chí của AA viết.
Trả lời các câu hỏi của báo chí về kiến nghị đối với lễ hội chém lợn, AA cho biết họ "kiến nghị xoá bỏ phần nghi lễ chém lợn, hoặc thay thế bằng nghi lễ khác nhân văn hơn ... có ý kiến thay thế bằng lễ cúng hoa quả hoặc làm lợn giả. Đó có thể là thay đổi tốt."
Khi được hỏi tại sao nhiều lễ hội dường như được phục hồi, như lễ hội chém lợn này những năm gần đây mới nổi lên và được nhiều người biết đến, một học giả hàng đầu về văn hóa dân gian không muốn nêu danh nói với BBC Việt Ngữ rằng hơn ba mươi năm trước đây, cái gì cũng chính trị cả và theo chủ nghĩa duy vật nên nhiều lễ hội bị cấm vì cho là mê tín, nhưng nói tránh là do chiến tranh nên không tổ chức được những cuộc vui như thế.
"Nay xã hội dân chủ hơn và đặc biệt sau khi UNESCO công nhận một số là di sản văn hóa thì nhân dân mới tỉnh ra rằng cái mà chúng ta coi thường lại là di sản tốt".
Một ví dụ được học giả về văn hóa dân gian nêu ra là loại hình âm nhạc Chầu văn, vốn từng bị cấm nhưng "mặc dù đánh nó như thế nhưng nó không chết".
Ông lập luận rằng nếu lên án tục chém lợn của Việt Nam thì các tổ chức nước ngoài đó có lẽ cũng nên xem lại môn đấu bò tót tại một số nước phương tây, mà "nó cũng tàn bạo chả kém gì chém con lợn cả", chưa kể môn đấm bốc là giữa con người với con người.
Có lẽ việc kêu gọi chính quyền can thiệp để chấm dứt một tập tục văn hóa, đã khiến một số nhà văn hóa và dân tộc học bất bình vì cho rằng thay đổi một tập tục gắn liền với tín ngưỡng địa phương phải đến từ nhận thức của chính người dân địa phương chứ không thể bằng văn bản hành chính.
Giáo sư Ngô Đức Thịnh nhấn mạnh "nếu chính người dân cho rằng cái đó lỗi thời rồi thì họ sẽ từ bỏ, còn bây giờ họ vẫn tiếp tục mà chúng ta lại ra một cái lệnh là họ phải bỏ thì không được. Họ có thể bỏ nhưng đó phải từ nhận thức của chính họ."
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2015/01/150130_pig_killing_festival_controversy Bổ sung 4 (1/2/2015): Miêu tả của Tiền phong, năm 2013.
Tục chém lợn khao quân để tưởng nhớ vị tướng Đoàn Thượng chống giặc ngoại xâm. Sử sách ghi lại, tướng Đoàn Thượng khi chống giặc đã thua chạy lên tận làng Ném Thượng. Do thiếu thốn lương thực trong khi lợn rừng nhiều vô kể, quân tướng đã chém lợn nuôi quân.
Chẳng thế mà cứ mùng 6 tháng Giêng, người người lại nhắc nhau:“Đi qua Kinh Bắc bến hồ, Về hội đình Thượng lễ chùa Đại Bi. Đi hội Ném Thượng cùng đi, Hội thi xôi nếp chém thi lợn thờ”
Hai ông ỉn được nuôi từ tháng 8 năm trước từ 2 người chủ nuôi hợp tuổi, gia cảnh tốt để giao nhiệm vụ chăn lợn.
Ngay từ chiều ngày mùng 5 tháng giêng, 2 ông ỉn đã được rước ra sân đình làng.
Tại đây 2 ông ỉn sẽ được cân.
Sau đó gia đình gia chủ nuôi lợn sẽ làm một mâm xôi gà để báo cáo lên các thánh thành hoàng làng về ông ỉn của mình.
Sáng ngày mùng 6 tháng giêng, sau tiếng trống khai hội, hai ông ỉn sẽ được rước quanh làng để cho nhân dân chiêm ngưỡng.
Các bà các chị xúng xính áo tứ thân trong lễ rước.
Ông ỉn được rước quanh làng
Dân làng mừng tuổi ông ỉn để lấy may.
Chân dung ông thủ đao.
2 ông thủ đao làm lễ để xin mượn đao của thành hoàng làng.
Ông tướng cờ phất cờ hiệu thông báo bắt đầu lễ chém lợn
Năm nay, đã có sự thay đổi trong tục lệ chém lợn, do sự chỉ đảo của tỉnh ủy và ủy ban văn hóa tỉnh bắc ninh về việc chém ông ỉn như mọi năm là hành động quá dã man. Các ông ỉn sẽ không “được” chém như mọi năm nữa mà chỉ cắt tiết và sau đó làm cỗ ngọc để tế thánh.
Người dân sẽ lấy tiền, nông cụ, để thấm lấy máu của ông ỉn để cầu mong một năm mới vụ mùa bội thu, buôn bán phát đạt.
Thịt ông ỉn sẽ được dâng lên các thánh thành hoàng làng, cầu mong phù hộ cho dân làng một năm mới mùa màng bội thu và gặp nhiều may mắn.
http://www.tienphong.vn/van-nghe/nem-thuong-vao-hoi-chem-lon-613986.tpo Bổ sung 3 (1/2/2015): Tin củaDân trí, năm 2012.
Dân tríHai ông ỉn, được cưng chiều cả năm trời, ông nào ông ấy hồng hào mập mạp, được rước đi trong ánh mắt thán phục của mọi người… Ấy vậy mà chỉ lúc sau, các ông lần lượt bị kéo căng bốn chân, chặt ra làm hai khúc trong tiếng hò reo của dân làng…
Đã từ hơn chục năm nay, lễ hội chém lợn của làng Ném Thượng (Tiên Du, Bắc Ninh) luôn để lại những luồng ý kiến khác nhau về về tục lệ này; đặc sắc, truyền thống nhưng quá dã man, đầy hủ tục…
Nhưng nói gì thì nói, người dân Ném Thượng vẫn coi đây là một nhu cầu, một tục lệ được chấp nhận một cách thành kính tại làng quê này…
Ném Thượng giờ đây đã thay đổi nhiều, người dân ngoài việc trồng lúa, làm bún… giờ đã có thêm những công việc mới trong các khu công nghiệp quanh vùng. Sự thay đổi trong cuộc sống mới những vẫn có những vẫn giữ những nếp cũ được duy trì; nơi hậu điện đình làng, bước chân phụ nữ không được lai vãng, nhưng bù lại, hội chém lợn có một đặc điểm mà không phải lễ hội nào cũng có; dẫn đầu đoàn rước là cờ Tổ quốc và chân dung Bác Hồ…
Người Ném Thượng vẫn phân biệt vị trí ngồi của Nam/Nữ trong đình
Những người tham gia vào lễ rước được chọn lựa khá kỹ; gia đình nền nếp, con cái ngoan ngoãn, trưởng thành...
Ông Ỉn được nuôi cả năm trời nặng hơn một tạ chuẩn bị được đưa rước quanh làng
... Được cưng chiều bởi các cô gái trẻ
... Hay các bậc già lão trong làng
Các ông Ỉn được cung tiến bánh kẹo, tiền lẻ
Được đưa đi khắp làng trong sự trầm trồ tán thưởng của người dân
Tuy là một lễ hội "đẫm máu" nhưng hội chém lợn Ném Thượng vẫn mang đậm những nét văn hóa lúa nước
Vùng đất Ném Thượng ngày hiện đại nhưng vẫn giữ được những nét truyền thống
Hai năm nay, ban tổ chức đã phải trang bị hàng rào thép...
... nhưng vẫn không thể ngăn dòng người vào xem
Ông Ỉn chuẩn bị được hóa kiếp
Ông Tướng cờ - người được chọn phải đủ 55 tuổi, đầy đủ tài, đức
Ông Ỉn sẽ được chuẩn bị kỹ càng
... và được định vị vết chém trên lưng
Cờ hiệu đã nổi...
Hai ông thủ đao cùng đám tùy tùng đã sẵn sàng
Những nhát đao đầu tiên...
Sẽ khiến người xem phấn khích trong tiếng kêu thảm thiết của ông Ỉn
Sự phấn khích của người xem
... khi cả hai ông Ỉn đã được xẻ làm đôi
Và theo tục lệ, người ta lấy tiền lẽ thấm máu của hai ông
... mang về thờ để cầu mong sức khỏe và làm ăn phát đạt
... Một người làng quá phấn khích
Những thế hệ tương lại của Ném Thượng sẽ tiếp nối những truyền thống của cha ông
Việt Hưng
http://dantri.com.vn/xa-hoi/neu-bi-dau-tim-dung-xem-chem-lon-560224.htm Bổ sung 2 (1/2/2015): Tin của Tiền phong, từ năm 2011.
TPO - Lễ chém lợn làng Ném Thượng (xã Khắc Niệm, huyện Tiên Du, Bắc Ninh) đã trở thành một lễ hội đặc sắc của xứ Kinh Bắc. Chẳng thế mà cứ mùng 6 tháng Giêng, người người lại nhắc nhau:“Đi qua Kinh Bắc bến hồ, Về hội đình Thượng lễ chùa Đại Bi. Đi hội Ném Thượng cùng đi, Hội thi xôi nếp chém thi lợn thờ”
Chuyện kể rằng: một vị tướng cuối đời Lý tên là Đoàn Thượng, khi đánh trận chạy đến vùng núi này đồn trú đã chém lợn rừng nuôi quân. Từ đó, hàng năm người dân mở hội chém lợn để tưởng nhớ đến người có công khai khẩn vùng đất hoang vu này. Theo tín ngưỡng dân gian của vùng quê Kinh Bắc, huyết lợn trong lễ tế thánh tượng trưng cho sự sung túc, khả năng sinh sản, sức sống tràn trề, mùa màng bội thu, vật nuôi sinh sản nhiều...
Cho “cụ ỉn” ăn uống trước khi rước .
Hai người được dân làng chọn từ rằm tháng 7 đều là những người khoẻ mạnh, gia cảnh sung túc, tuổi đúng 50 để nuôi 2 “cụ ỉ” làm lễ vật tế thánh. Đến rằm tháng 8, họ bắt đầu chọn lợn để nuôi. Cân nặng ban đầu của hai chú lợn là 25kg, cho đến ngày diễn ra lễ hội là khoảng 150kg. Người nuôi lợn mát tay hơn sẽ được thưởng 100 kg thóc, người còn lại được 50 kg thóc.
Các thiếu nữ trong làng làm nhiệm vụ dâng lễ vật hoa quả .
Lợn được rước từ nhà gia chủ ra sân đình từ chiều ngày mùng 5. Sáng mùng 6, đúng ngày hội chính, toàn thể bà con dân làng tiến hành lễ rước lợn vòng quanh làng. Từ sân đình Thượng, hai chú lợn nằm trong cũi được rước ra từ phía cửa Đông, đi qua đường làng, rồi núi Nghè, núi Ngoan Sơn và vòng về từ phía cửa Tây của đình. Trong suốt thời gian diễn ra lễ rước, những người dân không tham gia vào nghi thức này sẽ đứng dọc hai bên đường, cầm theo một ít tiền gọi là “mừng tuổi cụ ỉ”, hoặc chuẩn bị những mâm bánh kẹo, chè thuốc bày trước cửa nhà để bồi dưỡng những người đưa rước.
Cụ ỉ nằm trong xe sẽ rước một vòng đường làng….
Những người tham gia vào nghi thức chém lợn đểu được chọn lựa kĩ càng, từ tuổi tác, sức khỏe, gia cảnh và đạo đức. Hai thủ đao năm nay đều sinh năm 1965, hai người phất cờ sinh năm 1955, ngay cả người trông xe trong sân đình cũng phải sinh năm 1974 hoặc 1975…
Hai chú lợn thờ bị chém đứt đôi, máu văng đầy sân. Theo phong tục cổ xưa, ý nghĩa sâu kín của lễ chém lợn tế thánh liên quan đến tín ngưỡng phồn thực: máu được đồng nhất với tia sét, với tia nắng... có khả năng làm thụ thai, làm cho sự sống sinh sôi. Tế thần bằng máu có nghĩa là cầu mong sức sống tràn trề cho tất cả mọi người trong làng. Chính vì thế, kết thúc lễ chém lợn, dân làng thường cầm những tờ tiền lẻ chấm vào máu “cụ ỉ” rồi mang về đặt lên ban thờ, cầu cho một năm may mắn và sung túc.
Người dân ven đường mừng tuổi cho cụ ỉn.
Mỗi xe chở cụ ỉ có khoảng 6 người hộ giá
Những mâm chè, thuốc lá, trầu cau… được bày sẵn ven đường để bồi dưỡng đám rước
Toàn cảnh đám rước làng Ném Thượng
Đi trước xe rước là gia đình được dân làng chọn để chăm sóc cụ ỉ
Tướng cờ múa hiệu lệnh chuẩn bị lễ chém lợn
Những người khỏe mạnh sẽ có nhiệm vụ giữ chân cụ ỉ
Thủ đao làm nhiệm vụ chém
Sau khi chém xong, hai thủ đao làm lễ tế trong đình
Dùng tiền lẻ chấm vào máu lợn để cầu may mắn cho gia đình
Một phần cổ của lợn sẽ được luộc bằng nước mắm để tế thánh tại đình
http://www.tienphong.vn/van-nghe/doc-dao-le-hoi-chem-lon-lang-nem-thuong-527444.tpo Bổ sung 1 (1/2/2015): Một thanh niên làng nhớ lại như sau, năm 2015. 30/01/2015 19:05 GMT+7
Lễ hội chém lợn quê tôi (làng Cầu Bây, Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội) được tổ chức hàng năm vào ngày 11/2 Âm lịch.
Trong tiếng trống hội dồn dập, những ông già, bà cả xúng xính trong những bộ đồ truyền thống đứng xem từ xa. Đám trẻ con cũng được bố mẹ cõng trên cổ để chứng kiến thời khắc thiêng liêng của cả dân làng. Còn đám thanh niên cầm đuốc săn đuổi con vật chạy quanh khu đất trống trong ánh lửa bập bùng.
Trong khung cảnh ấy, tôi nhớ về tuổi thơ của mình trên vai bố chứng kiến nghi thức thiêng. Tôi hình dung cả thời trai trẻ của ông, của bố khi đại diện gia đình cầm bó đuốc để thực hành tín ngưỡng cùng dân làng. Tôi nghĩ cả về con tôi, chúng sẽ tiếp tục giữ ngọn lửa cha anh ấy trong những ngày hội Xuân mưa bụi bay.
Những ngọn lửa bập bùng trong đêm hội như sợi chỉ đỏ kết nối cả dân làng, kết nối giữa quá khứ với hiện tại, hiện tại với tương lai, giữa đời thực thô ráp với niềm tin trong veo vào một năm mới an lành, hạnh phúc...
***
Từ câu chuyện làng Cầu Bây khi tôi trực tiếp tham gia thực hành nghi lễ, nghĩ về Thông cáo Báo chí của Tổ chức Động vật Châu Á (Animals Asia) kêu gọi “chấm dứt lễ hội chém lợn tại làng Ném Thượng (Bắc Ninh)” mà buồn. Tôi không buồn lo về việc lễ hội sẽ bị “chấm dứt” như lời kêu gọi vì đó còn đang là vấn đề cần bàn luận. Tôi chỉ buồn vì văn hóa ứng xử khi một tổ chức bên ngoài trực tiếp tác động và gây sức ép vào đời sống văn hóa của một cộng đồng khác (cụ thể ở đây là cộng đồng dân cư làng Ném Thượng, Bắc Ninh).
Phàm đã là văn hóa thì không có cao - thấp. Văn hóa chấp nhận những sự đa dạng, sự khác biệt. Các cộng đồng người với những văn hóa khác nhau cần tôn trọng sự khác biệt thay vì lấy chuẩn của hệ thống này áp đặt vào hệ thống khác.
Và nữa, văn hóa có cơ chế tự cân bằng. Nếu là “hủ tục”, đi ngược với giá trị nhân văn của cộng đồng như lời của tổ chức nọ thì nội hàm cộng đồng làng Ném Thượng sẽ tự điều chỉnh. Mọi sự tác động từ bên ngoài dưới hình thức này, hình thức khác đều là phản văn hóa.
***
Điều Animals Asia nhấn mạnh nhất trong thông cáo báo chí là việc cho trẻ em chứng kiến nghi thức chém lợn sẽ khiến các em ưa bạo lực, trơ lì cảm xúc (?!). Cần nhắc lại, nghi lễ cộng đồng dành cho tất cả mọi người, kể cả trẻ em. Thông qua môi trường sống, các em sẽ hiểu về những giá trị thiêng liêng trao chuyền từ ngàn đời của nghi lễ. Bởi con người tham gia lễ hội với tâm thức khác, tâm thức hướng thượng chứ không phải nhìn hiện tượng trần trụi. Việc tách rời hiện tượng khỏi chuỗi sinh hoạt tín ngưỡng để phán xét là điều không nên.
Viết đến đây, tôi chợt nhớ tới lời thầy tôi, GS.TS Trần Ngọc Vương, căn dặn chúng tôi trước khi ra trường. Thầy nói: Vạn vật đều có lý khi ở trong hệ thống và đều có khả năng vô lý khi đứng ngoài hệ thống. Nên trước khi đưa ra bất cứ nhận định, phán xét sự việc gì, các em cần thử đặt mình trong hệ thống để thấu hiểu thực sự bản chất sự việc. Mọi đánh giá vội vàng, sơ sài đều rất nguy hiểm…
... Nguyễn Văn Cường (24 tuổi) cho biết, bạn bè mình đã nhiều lần được xem tục lệ đó nhưng không "có vấn đề gì". Cường cho rằng, so với một số lễ hội khác..., hình ảnh chém lợn trong lễ hội của làng "không thấm tháp gì".
>>>
Lợi ích nhãn tiền! Xem chém heo riết rồi không có cảm giác gì luôn. Chắc phải nâng lên chém cái gì khác thôi hehe.
Có dậy mà cũng um chi sùm! Chọc tiết hay chém cũng thía thôi, vướn đề là cần dấu cái dã man của con ngừ thì UB đã dăng bản dòi rồi làm sao cho nó kin kín.
Bổ sung 7 (3/2/2015): Đúng là không hiểu thì đừng có bàn.
Lễ hội chém lợn: "Không hiểu thì đừng đến xem"
Công Thọ (thực hiện) (Dân Việt) •00:00 - 02 tháng 2, 2015
“Nếu người nào muốn tham gia Lễ hội chém lợn phải hiểu văn hóa riêng đó, nếu không hiểu thì đừng có bàn”, Giáo sư Trần Ngọc Thêm bày tỏ. Ngày 27.1, Tổ chức Động vật Châu Á đề nghị chấm dứt Lễ hội chém lợn ở thôn Ném Thượng, xã Khắc Niệm (Tiên Du, Bắc Ninh). Tổ chức này bày tỏ lo ngại nghi thức “chém lợn” tác động tiêu cực đối với xã hội. Trong đó, ảnh hưởng xấu tới tâm lý của người chứng kiến, tác động xấu tới ngành du lịch cũng như hình ảnh của Việt Nam.
Đọc hết cái BS 9 mà vẫn không chắc mình hiểu có đúng không. Thấy có mấy điểm mới này:
- Đổi tên lễ hội từ "Chém lợn" sang "Rước lợn". Tên gọi thì không quan trọng mấy, cái chính là làm gì với nó hehe.
- Không cho người dân nhúng tiền vô máu lợn. Như vậy cũng tốt nhưng không phải là cái quan trọng nhất. Nhúng cũng được mà không nhúng cũng không sao. Tín ngưỡng dân gian mà.
- Không thực hành "nghi thức chém lợn" nữa (?). Cái này không rõ ràng. Có thể không có "nghi thức" chém lợn nhưng vẫn chém (mà không có nghi thức) thì sao? Vả, nếu thực sự không chém mà chỉ giết thịt như giết như hàng triệu con lợn mỗi ngày trên khắp các hang cùng ngõ hẻm trên khắp cả nước từ thành thị đến thôn quê thì sao phải chuyển ông Lợn vào khu vức dành riêng? Hay giờ VN văn minh quá không giết mổ gia súc chỗ công cộng nữa?
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.
... Nguyễn Văn Cường (24 tuổi) cho biết, bạn bè mình đã nhiều lần được xem tục lệ đó nhưng không "có vấn đề gì". Cường cho rằng, so với một số lễ hội khác..., hình ảnh chém lợn trong lễ hội của làng "không thấm tháp gì".
Trả lờiXóa>>>
Lợi ích nhãn tiền! Xem chém heo riết rồi không có cảm giác gì luôn. Chắc phải nâng lên chém cái gì khác thôi hehe.
Có dậy mà cũng um chi sùm! Chọc tiết hay chém cũng thía thôi, vướn đề là cần dấu cái dã man của con ngừ thì UB đã dăng bản dòi rồi làm sao cho nó kin kín.
Trả lờiXóaBổ sung 7 (3/2/2015): Đúng là không hiểu thì đừng có bàn.
Trả lờiXóaLễ hội chém lợn: "Không hiểu thì đừng đến xem"
Công Thọ (thực hiện) (Dân Việt) •00:00 - 02 tháng 2, 2015
“Nếu người nào muốn tham gia Lễ hội chém lợn phải hiểu văn hóa riêng đó, nếu không hiểu thì đừng có bàn”, Giáo sư Trần Ngọc Thêm bày tỏ.
Ngày 27.1, Tổ chức Động vật Châu Á đề nghị chấm dứt Lễ hội chém lợn ở thôn Ném Thượng, xã Khắc Niệm (Tiên Du, Bắc Ninh). Tổ chức này bày tỏ lo ngại nghi thức “chém lợn” tác động tiêu cực đối với xã hội. Trong đó, ảnh hưởng xấu tới tâm lý của người chứng kiến, tác động xấu tới ngành du lịch cũng như hình ảnh của Việt Nam.
Bổ sung 9 (5/2/2015): Kiến nghị đổi "chém lợn" thành "rước lợn".
Trả lờiXóaKiến nghị đổi “Chém lợn” thành “Rước lợn”
05/02/2015 17:16 GMT+7
TTO - Sở Văn hóa -Thể thao & Du lịch tỉnh Bắc Ninh vừa kiến nghị đổi tên lễ hội “Chém lợn” ở làng Ném Thượng thành lễ hội “Rước lợn”.
Đọc hết cái BS 9 mà vẫn không chắc mình hiểu có đúng không. Thấy có mấy điểm mới này:
Xóa- Đổi tên lễ hội từ "Chém lợn" sang "Rước lợn". Tên gọi thì không quan trọng mấy, cái chính là làm gì với nó hehe.
- Không cho người dân nhúng tiền vô máu lợn. Như vậy cũng tốt nhưng không phải là cái quan trọng nhất. Nhúng cũng được mà không nhúng cũng không sao. Tín ngưỡng dân gian mà.
- Không thực hành "nghi thức chém lợn" nữa (?). Cái này không rõ ràng. Có thể không có "nghi thức" chém lợn nhưng vẫn chém (mà không có nghi thức) thì sao? Vả, nếu thực sự không chém mà chỉ giết thịt như giết như hàng triệu con lợn mỗi ngày trên khắp các hang cùng ngõ hẻm trên khắp cả nước từ thành thị đến thôn quê thì sao phải chuyển ông Lợn vào khu vức dành riêng? Hay giờ VN văn minh quá không giết mổ gia súc chỗ công cộng nữa?
- Ông GS cựu viện trưởng nói khó nghe quá hehe.
ok ! Riêng chữ "Rước Lợn" đã là khó chấp nhận được rồi. Là cơ quan văn hóa mà đưa ra chữ "Rước lợn" là phải xem xét lại rồi !
XóaBản thân lễ đó cũng đâu phải là "Chém lợn". Cái hành động đấy chỉ là một hành động trong toàn bộ lễ hội thôi.
Không nên có những phong tục thế này, cũng chả có ý nghĩa gì
Trả lờiXóaM88
Mình nghĩ mỗi nơi có một phong tục riêng và nên gìn giữ những phong tục như thế này
Trả lờiXóagiat tham