Lần đầu tiên nghe thấy tên của vị "thần y" này qua một cuộc chuyện phiếm trên đường đi từ tuyến huyện về thành phố Rạch Giá. Bẵng cái, không nhớ đến nữa.
Hôm nay, một người dân thường ở trong ngôi làng nhỏ nhắc, mới nhớ ra. Thì ra, thần y đã ra trụ ở Hà Tĩnh.
Đầu tiên là một video:
Và dưới là tư liệu lấy từ trang chủ của thần y.
LƯƠNG Y VÕ HOÀNG YẾN
Ông hiện là Giám đốc Trung Tâm Phục Hồi Chức Năng và Dưỡng Sinh Võ Hoàng Yên ở Hà Tĩnh.
Tấm lòng lương y Võ Hoàng Yên
Có một chuỗi ngày tuổi thơ đầy vất vả, nghèo khó, lương y Võ Hoàng Yên (SN 1975, quê thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) cũng từng bán máu của mình để trang trải cho cuộc sống mưu sinh. Sau khi phát tâm cái nghiệp thầy thuốc của mình, ông cũng vượt qua không ít ngang trái cuộc đời để hướng tấm lòng mình đến với bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nghèo mắc phải những chứng bệnh không may mắn: Câm điếc, bại liệt, thoái hóa cuộc sống…
LY Võ Hoàng Yên (thứ hai từ phải qua) và Nhà báo Hồ Văn (bìa trái), kế tiếp là Nhà báo Phong, Nhà báo Bùi Liêm (bìa phải). |
Tuổi thơ nghèo khó và cái nghiệp tình cờ
Ngồi bên tách trà tại căn nhà do chính lương y Yên thuê đã nhiều năm nay tại Q.8, TP.HCM, ông đã từ từ kể về cuộc đời mình. “Hồi đó, nhà tôi nghèo lắm, nhà dột cột xiêu, nhiều bữa phải nhìn mẹ mình chèo ghe mượn từng lon gạo mà lòng tôi rưng rưng nước mắt. Thời đó, gia đình đông anh em nên cảnh thiếu ăn thường xuyên diễn ra. Có lúc anh em tôi phải ăn độn chuối chác, trái bình bát, cọng bông súng, củ co cho đỡ đói”.
Không chỉ thiếu cái ăn, ông còn kể về những ngày tháng thiếu cả cái mặc. “Anh em đông nhưng chỉ có vài cái quần đùi, đứa mặc buổi sáng, đứa mặc buổi chiều. Sau đó, đến tối, lại giặt sáng lại thay vòng”-ông nhớ lại. Cũng do thiếu cái ăn, cái mặc nên cha mẹ đã gửi ông vào chùa Hưng Nghĩa Tự (thị trấn Cái Nước, huyện Cái nước, tỉnh Cà Mau) để nhờ các nhà sư cưu mang. Đến năm 16 tuổi, lúc đó ông đang học lớp 9 thì ở luôn trong chùa và tập ăn chay trường.
Trong thời gian này, ông Yên thường xuyên bị đau ở vai và cột sống rất khó chịu, một người quen quê ở An Giang đến thăm chùa đã chữa trị bằng cách bấm huyệt và căn bệnh của ông khỏi hoàn toàn. Thấy hiệu quả của đông y, ông trăn trở tại sao không học cách bấm huyệt để chữa bệnh cho người nghèo? Từ suy nghĩ đó, ông quyết tâm xin các sư trong chùa chỉ dạy cách day ấn huyệt, bốc thuốc Nam… Trong thời gian này, ông đã học về cách bắt mạch. Được sự dạy dỗ của các thầy, cộng với sự dày công tự học, ông đã tự xây dựng cho mình phương pháp chữa bệnh kỳ diệu.
LY Võ Hoàng Yên bấm huyệt đạo, phục hồi chức năng cho bệnh nhân ở Bình Dương.
Hiệu quả nhìn thấy rõ nhất là năm 2006, ông đã chữa trị khỏi bệnh cho bạn bè, người thân. Sau đó, ông cảm thấy vui sướng hơn bao giờ hết. Để nâng cao cách trị bệnh hiệu quả của mình, ông đã tự trau dồi thêm kinh nghiệm, kiến thức y học cổ truyền và đã chữa thành công nhiều căn bệnh được liệt vào hạng “nan y” như liệt nữa người, liệt toàn thân nhưng còn khả năng cứu chữa, thoái hóa cột sống và câm điếc (dạng có khả năng điều trị được) và các bệnh khác về hệ xương khớp.
Vượt qua nhiều ngang trái
Vượt qua nhiều ngang trái
Cái nghiệp cứu người của mình là thế nhưng ông vẫn gặp không ít ngang trái cuộc đời. Ngay cái thời còn là sinh viên Trường Đại học Luật TP.HCM, ông cũng từng bán máu mình để trang trải cho cuộc sống mưu sinh. Ông kể: “Cái thời đó, tôi nghèo lắm, có lúc tìm 500 đồng để gửi xe cũng khó. Có lúc tôi đã từng đứng tại một ngã tư ở Q.1, TP.HCM ăn xin 21 người nhưng chẳng ai cho đồng nào. Sau đó, tôi biết số phận mình không phải kiếp ăn mày".
Sau khi biết hoàn cảnh của ông, các nhà sư ở TP.HCM lại tiếp tục cưu mang ông. Trong thời gian này, ngoài việc đèn sách, ông học thêm và tự hoàn thiện phương pháp trị bệnh của mình. Ông kể: “Nhiều khi tôi muốn bỏ hẳn cái nghiệp này cho khỏe cái thân nhưng thấy người nghèo khổ đến van xin, nhờ giúp đỡ nên lòng cầm không đặng. Tôi nghĩ cứu người như cứu hỏa, biết mà không làm, không giúp là có tội, là bất nhân, bất nghĩa, còn làm thì bất hợp pháp vì không có giấy phép hành nghề, do vậy tôi bị phát nhiều lần. Có lần biết tôi về thăm nhà, một số bà con đã nhờ bấm huyệt. Một vài trường hợp bại liệt được tôi giúp đỡ hồi phục đã đồn đoán thế nào đó mà cả trăm người kéo đến nhà tôi. Sau đó, tôi bị phạt vì tội chữa bệnh không xin phép. Mẹ phải chạy đôn chạy đáo bán đôi bông tai để đóng phạt cho tôi”.
LY Võ Hoàng Yên từng bị phạt nhiều lần tại Cái Nước, Cà Mau. Ảnh Internet. |
Sau nhiều “cú sốc” tại quê nhà Cái Nước, Cà Mau, ông đành tìm kiếm vùng đất mới Gia An, Tánh Linh, Bình Thuận. Những ngày sống trong rừng rú hoang vu, ông cũng đã mài mò học thêm những bài thuốc đông y và hoàn thiện phương pháp day ấn huyệt của mình. Sau đó, ông đã được một số chùa mời về khám chữa bệnh từ thiện, giúp đỡ hàng ngàn bệnh nhân câm điếc, bại liệt, thoái hóa cột sống phục hồi chức năng trở lại nên tiếng vang của ông ngày càng lan tỏa.
LY Võ Hoàng Yên (thứ hai từ trái sang) dẫn Đoàn Trung ương Tịnh độ Cư sĩ Việt Nam về thăm vườn thuốc Nam tại Bình Thuận. |
Đỉnh điểm nhất là đến đầu năm 2011, sau khi giúp hàng trăm người điều trị bệnh thành công tại Bình Dương, Bình Phước, một số báo địa phương như Báo Bình Dương, BTV, BPV... đã tuyên dương phương pháp điều trị “độc nhất vô nhị” của ông nên đã tạo ra luồng tư tưởng trái ngược nhau. Đứng trước tình thế đó, một lần nữa ông lại muốn bỏ nghề vì nghĩ mình chỉ chữa bệnh cứu người nghèo sao gặp nhiều ngang trái. Tuy nhiên, bạn bè, đồng nghiệp biết được khả năng của ông nên động viên ông hãy vượt qua ngang trái cuộc đời.
Hiểu được những ngang trái ông gặp phải, ngày 29-7-2011, UBND tỉnh Bình Phước đã giao cho Liên hiệp các hội KH & KT, Hội Đông y Bình Phước đã chức hội thảo nghiêm túc về cách trị bệnh của ông với sự tham gia đông đảo của các nhà chuyên môn đông y, tây y đến từ Trung ương, TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam. Trong đó có GS Hoàng Bảo Châu, Nguyên Viện trưởng Viện Y học Cổ truyền Việt Nam.
LY Võ Hoàng Yên trị thực nghiệm tại Bình Phước trước sự chứng kiến đông đảo của các nhà chuyên môn và nhân dân. |
Tại hội thảo này, các trường hợp được ông day ấn huyệt đã vơi giảm bệnh tức thời, được các nhà chuyên môn và nhân dân đánh giá cao về khả năng giúp những người không may mắn mắc phải các chứng bệnh câm điếc, bại liệt, thoái hóa cột sống… phục hồi chức năng. GS Hoàng Bảo Châu nhận định: “Qua các bệnh nhân bị di chứng tai biến mạch máu não và câm điếc mà ông Yên chữa cho thấy có hiệu quả tức thời. Là người đi trước, tôi rất kính trọng ông Yên, một tài năng hiếm có. Bằng tấm lòng thương người được tu dưỡng trong nhà chùa, hy vọng với khả năng bẩm sinh, ông Yên sẽ giúp cho nhiều người bệnh có cơ hội được sống vui, sống khỏe”.
GS Hoàng Bảo Châu phát biểu tại hội thảo ở Bình Phước. |
Tài năng đặc biệt
Sau thành công tại hội thảo do tỉnh Bình Phước, ngày 2-11-2011, lương y Võ Hoàng Yên tiếp tục chữa thực nghiệm và báo cáo lý thuyết theo đề nghị của Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng (LIGHT) thuộc Liên hiệp Hội KH & KT Việt Nam. Các nhà khoa học đầu ngành như GS.VS.TSKH Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các hội KH & KT Việt Nam, GS Hoàng Bảo Châu, Thầy thuốc nhân dân Trần Trọng Hải, Phó Chủ tịch Hội phục hồi chức năng Việt Nam, bác sỹ Nguyễn Xuân Hướng, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam đã đánh giá cao và cho rằng, những gì lương y Võ Hoàng Yên biểu diễn là “khoa học, hợp lý và tuyệt diệu” theo phương pháp y học dân tộc cổ truyền Việt Nam. Và ông cũng đã truyền dạy lại cho nhiều người. Điều đó chứng tỏ, phương pháp của ông hoàn toàn có thể nhân rộng để giúp đời.
Sau thành công tại hội thảo do tỉnh Bình Phước, ngày 2-11-2011, lương y Võ Hoàng Yên tiếp tục chữa thực nghiệm và báo cáo lý thuyết theo đề nghị của Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng (LIGHT) thuộc Liên hiệp Hội KH & KT Việt Nam. Các nhà khoa học đầu ngành như GS.VS.TSKH Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các hội KH & KT Việt Nam, GS Hoàng Bảo Châu, Thầy thuốc nhân dân Trần Trọng Hải, Phó Chủ tịch Hội phục hồi chức năng Việt Nam, bác sỹ Nguyễn Xuân Hướng, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam đã đánh giá cao và cho rằng, những gì lương y Võ Hoàng Yên biểu diễn là “khoa học, hợp lý và tuyệt diệu” theo phương pháp y học dân tộc cổ truyền Việt Nam. Và ông cũng đã truyền dạy lại cho nhiều người. Điều đó chứng tỏ, phương pháp của ông hoàn toàn có thể nhân rộng để giúp đời.
Sau khi điều trị bệnh bại liệt, một bệnh nhân đã đi lại được tập tễnh và GS.VS.TSKH Đặng Vũ Minh đã bắt tay chúc mừng bệnh nhân này tại Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng (LIGHT). |
Trước những bằng chứng có cơ sở khoa học rõ ràng, chiều 20-12-2011, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, Sở Y tế Hà Tĩnh đã trao quyết định cho phép lương y Võ Hoàng Yên được hành nghề khám chữa bệnh trên địa bàn Hà Tĩnh. Hội Đông y tỉnh Hà Tĩnh cũng đã làm lễ kết nạp và trao giấy kết nạp cho lương y Võ Hoàng Yên tham gia Hội viên Hội Đông y Việt Nam.
Ngày 12-7-2012, Trung tâm phục hồi chức năng và dưỡng sinh Võ Hoàng Yên đã chính thức làm lễ ra mắt tại Hà Tĩnh. Ông Võ Hoàng Yên được bổ nhiệm làm giám đốc trung tâm. Rõ ràng, quyết định ra mắt trung tâm là một quyết định dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo Hà Tĩnh. Ở đó, người dân cả nước thấy được một Đảng bộ đồng tâm hiệp lực hành động vì nhân dân. Một quyết định đúng đắn vì nhân dân của tầm nhìn lãnh đạo. Đặc biệt là ông Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Nguyễn Thanh Bình đã mạnh dạn “Chiêu hiền đãi sĩ”, đánh giá cao tài năng của lương y Võ Hoàng Yên và tinh thần phục vụ tận tụy, hết lòng vì bệnh nhân.
Lương y Võ Hoàng Yên: Lãnh đạo Hà Tĩnh rất cấp tiến và đột phá. Việc ra mắt Trung tâm phục hồi chức năng và dưỡng sinh Võ Hoàng Yên đã đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân, phụng sự nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Đây là niềm vinh dự lớn nhất đối với đời một lương y như tôi mà lãnh đạo và nhân dân Hà Tĩnh đã dành cho. Tôi cảm ơn tất cả mọi người đã giúp đỡ, tạo điều kiện cho tôi được đến với Hà Tĩnh và cả nước. Với tư cách là một công dân Việt Nam, tôi hứa sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa tiềm năng và sức lực để tiếp tục phục vụ người dân. Ông Võ Hoàng Yên cho biết thêm, từ tháng 9-2012 trở đi, trung tâm thực hiện việc khám, phục hồi chức năng cho các bệnh nhân, mỗi tháng một đợt, bắt đầu từ ngày 20 hàng tháng. Trung tâm chúng tôi thông báo để các bệnh nhân được biết và đến làm thủ tục đăng ký vào các ngày thứ 2, thứ 4, thứ 6 trong tuần tại số 155 đường Nguyễn Công Trứ, TP Hà Tĩnh. Ngoài ra, sắp tới, tôi cũng sẽ khánh thành phòng thuốc Nam tại Gia An, Tánh Linh, Bình Thuận để phục vụ bệnh nhân nghèo. Đây là 1/10 phòng thuốc Nam tôi phát tâm xây dựng để hiến tặng cho đời.
HỒ VĂN
Bổ sung 1 (4/12/2014): Bài ở góc nhìn khác, năm 2011.
Sự thật về thần y Võ Hoàng Yên
Tôi sẽ không đặt cụm từ thần y trong dấu ngoặc kép, bởi đơn giản, người ta có thể tin hoặc không tin về khả năng của người được giới truyền thông tấn phong là Thần y Võ Hoàng Yên. Tôi chỉ ghi chép theo những gì mình đã thấy, đã nghe và đã cảm nhận, trong buổi biểu diễn cuối tuần rồi của ông Võ Hoàng Yên ngay tại trụ sở của Hội Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (HLH các Hội KH&KT) tỉnh Bình Phước.
Buổi biểu diễn mà nói theo như diễn văn của ông Chủ tịch Hội thì, hoặc là ông Võ Hoàng Yên xác tín được tài năng và được cấp giấy phép hành nghề. Ngược lại, nếu tài năng ông chỉ là trò bịp bợm, ông sẽ không có pháp nhân hành nghề chữa bệnh. Và đây, có thể coi là canh bạc lớn nhất của ông Võ Hoàng Yên, tính từ khi ông xuất hiện một cách dồn dập với những luồng ý kiến trái chiều trên truyền thông.
Thần y xuất chiêu...
Ông Võ Hoàng Yên bảo rằng, tuổi thơ ông cơ cực, được cha mẹ gửi vào chùa nương nhờ cửa Phật. Tại đây, ông học được những phương pháp chữa bệnh bằng phương pháp day ấn huyệt cổ truyền. Sau khi học xong, ông đã phát tâm sẽ chữa bệnh cho những người khốn khó.
Bà Lê Thị Toản được người thân dìu đến khu vực chữa bệnh. |
Ông đã tổ chức khám chữa bệnh ở nhiều nơi và cũng từng bị phạt nhiều lần vì hành nghề y trái phép. ông được nhiều nhà báo ưu ái gọi là “thần y” và ca tụng bằng những câu chữ không thể hoa mỹ hơn. Thông qua những bài báo ấy, bạn đọc có thể hình dung ông là kỳ nhân chỉ với việc xoa tay hay day ấn huyệt đã có thể khiến người liệt đi đứng được, người câm nói năng được, người điếc nghe ngóng được…
Và cũng có những bài báo, được viết với đại ý ông chỉ là kẻ bịp bợm. Thế nên, khi có tin ông Võ Hoàng Yên sẽ tổ chức buổi biểu diễn khả năng chữa bệnh tại Bình Phước vào sáng ngày vừa qua, thì 22h đêm hôm 28/7, tôi có mặt ở Bến xe Miền Đông. Gần 1 giờ sáng hôm sau thì đến thị xã Đồng Xoài, Bình Phước để không bỏ lỡ dịp tận mắt nhìn thần y "xuất chiêu".
Sáng đấy, Bình Phước có mưa lất phất, đường sá nhầy nhụa. Nhưng nhẩm tính có cả trăm người dân kéo nhau đến sân của HLH các Hội KH&KT tỉnh Bình Phước để trực tiếp khảo chứng tài năng của ông Yên. Ngoài họ, là đối tượng trực tiếp mà ông Yên nhắm đến, còn có cả Giáo sư Hoàng Bảo Châu, Nguyên Viện trưởng Viện Y học Cổ truyền Việt Nam; bác sĩ Nguyễn Hoàng Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Y học Cổ truyền Bộ Y tế; bác sĩ Nguyễn Thanh Hương, Giám đốc Sở Y tế Quảng Bình… và nhiều lãnh đạo trong ngành y tế của tỉnh Bình Phước.
Ngay khi buổi biểu diễn chưa bắt đầu, không khí đã nóng lên khi ông Nguyễn Văn Thỏa, Chủ tịch HLH các Hội KH&KT Bình Phước công bố thông tin, đêm qua, ông Yên đã chữa thành công căn bệnh do di chứng bại liệt của người nhà một vị lãnh đạo tỉnh.
Sau khi đọc phát biểu, ông Võ Hoàng Yên bắt tay vào chữa trị cho bệnh nhân đầu tiên. Đó là bà Lê Thị Toản, mẹ ruột của một tỉnh ủy viên, hiện đang giữ chức Phó ban Tổ chức tỉnh Bình Phước. Bà Toản bị tai biến từ năm 2007, đã tập vật lý trị liệu nhưng do di chứng của chứng tai biến, nên bà đi lại rất khó khăn.
Để có thể đưa bà Toản đến khu vực trị bệnh của ông Yên, người thân phải dìu bà. Sau vài phút xoa bóp day ấn của ông Yên, rất bất ngờ, bà có thể đứng dậy và đi lại một cách yếu ớt vài bước chân, dưới sự cổ vũ của ông Yên và đám đông.
Trước khi buổi biểu diễn bắt đầu, tôi được xem đoạn phim phóng sự dài 10 phút của Đài Truyền hình Bình Phước. Nội dung cũng ca ngợi khả năng chữa bệnh kỳ tài của ông Yên. Tôi đặc biệt lưu tâm đến bà Lê Thị Khiết, ngụ ở Đồng Xoài, người từng được ông Yên chữa bệnh, là nhân vật xuất hiện trong phóng sự trên đồng thời cũng có mặt tại buổi biểu diễn này.
Bà Khiết nói bà đang bán trái cây thì bất thần bị tai biến. Di chứng của lần tai biến này khiến bà liệt nửa người, không thể đi lại được hoặc không tự vệ sinh cá nhân.
Nhờ ông Yên day ấn huyệt 2 lần, bà đã có thể đi lại được, dẫu chưa thể ra chợ buôn bán lại. Hôm nay, bà đến đây để hy vọng được ông Yên chữa cho lần thứ ba. Tuy nhiên, theo lời bà Khiết thì trước khi gặp ông Yên, bà đã có đi điều trị vật lý trị liệu. Và sau khi được ông Yên chữa bệnh, bà vẫn duy trì luyện tập vật lý trị liệu dưới sự hướng dẫn của một bác sĩ tại Bình Phước.
Bệnh nhân khác là Lê Quý Anh, SN 1963, người được đoạn phóng sự giới thiệu là nhờ sự bấm huyệt của ông Yên, từ bại liệt đã đi lại được một đoạn đường ngắn. Trong buổi biểu diễn hôm ấy, ông Yên day ấn huyệt lại cho bệnh nhân này. Sau đó, ông yêu cầu bệnh nhân cố gắng đưa cánh bàn tay chạm mũi để minh chứng cho khả năng day ấn huyệt của ông. Nhưng, lần này, ông Yên đã thất bại mặc dù ông nói rất khẩn thiết: "Nếu như ông không đưa tay chạm mũi được, thì tôi không thành công".
Di chứng tai biến không cho phép ông Anh làm theo yêu cầu của ông Yên. Người nhà ông Anh nói rằng, sau khi được ông Yên điều trị, người nhà vẫn duy trì việc tập vật lý trị liệu cho ông Anh mỗi ngày.
Có hai trường hợp ông Yên thất bại hoàn toàn: Vũ Thiện, SN 1994, bị điếc bẩm sinh và phát âm khó khăn. Khi ông Yên day ấn yết hầu, kéo lưỡi, ấn mạnh vào hai bên tai cho Thiện, có thể thấy Thiện rất đau đớn. Thậm chí, người viết còn ghi lại được cảnh Thiện nhăn mặt vì đau, mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt.
Sau vài pha day ấn, ông Yên nhìn thẳng vào mặt Thiện, và nói để Thiện lặp lại những từ đơn giản. Sau đó đưa ra kết luận, Thiện đã… nghe được.
Ngay lập tức, một vị bác sĩ tham gia buổi biểu diễn đứng lên phản đối. Ông cho rằng, Thiện nói được do nhìn vào khẩu hình của ông Yên rồi nói theo, chứ bản thân Thiện không thể nghe. Sau khi đưa ra lập luận của mình, vị bác sĩ che miệng, quay sang chỗ khác gọi Thiện thì y như rằng, Thiện không nghe được.
Trên bàn chủ tọa, có nhiều tiếng xì xào tỏ ý không bằng lòng với sự phản biện của vị bác sĩ trên. Có lẽ cảm nhận được điều đó, nên khi tôi xin trao đổi riêng, vị bác sĩ này đã khoát tay nói: "Anh đang bận lắm, hẹn em sau".
Lần thất bại thứ hai của ông Yên là đối với bệnh nhân Nguyễn Thị Kiều Trinh, 13 tuổi, bị câm điếc bẩm sinh.
Trinh vẫn y như lúc chưa được chữa bệnh sau khi ông Yên đã day bóp, ấn đủ chiều. Các thành viên của Ban tổ chức lý giải cho sự thất bại này của ông Yên là do Kiều Trinh còn nhỏ, nên không chịu hợp tác với ông Yên khiến việc điều trị không có tác dụng tích cực.
Tuy nhiên, theo quan sát của tôi, thì Kiều Trinh hoàn toàn không có thái độ gì khiến mọi người cho rằng, Trinh không hợp tác trong việc điều trị với ông Yên.
Thêm vài trường hợp khác, kết quả cũng không rõ ràng.
… hay chỉ là võ sư chữa bệnh(?!)
Kéo dài suốt từ sáng đến trưa, bất chấp những cơn mưa dai dẳng, ngắt quãng, ông Võ Hoàng Yên vẫn cố gắng dùng hết khả năng của mình để minh chứng cho khả năng về chữa bệnh của ông là "đúng thật vàng mười". Nhưng, cảm giác là mọi thứ chỉ dừng lại ở mức độ ngờ ngợ về tài năng.
Cận cảnh cách chữa bệnh của ông Võ Hoàng Yên cho bệnh nhân Vũ Thiện. |
Một vài cuộc tranh luận nhỏ nổ ra dưới hàng ghế của những người đi xem ông Yên biểu diễn. Thậm chí, một nữ bác sĩ là Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bình Phước, nói: "Những gì ông Yên làm, đối với người am hiểu y khoa là chuyện rất bình thường". Tôi để ý khuôn mặt ông Yên sau lời của nữ bác sĩ kia, thấy ông có vẻ dửng dưng. Mà mãi từ khi ông đọc diễn văn phát biểu cho đến khi ông kết thúc buổi biểu diễn để đến phần "nghị luận" vẫn thấy ông giữ nguyên khuôn mặt dửng dưng, không biểu lộ cảm xúc.
Cần phải lưu ý thêm rằng, trong Biên bản của Hội Đông y tỉnh Bình Phước, nhan đề "Báo cáo Kết quả Thẩm tra về hiệu quả bấm huyệt chữa chứng liệt và câm điếc của lương y Võ Hoàng Yên". Một văn bản để xác tín lại tính nghiêm túc của buổi biểu diễn, cho thấy, trong đợt khảo sát 10 người bị tai biến từng được ông Yên bấm huyệt từ 1-3 lần, đa phần đều thuyên giảm bệnh. Nhưng, đánh giá về tình trạng bệnh nhân của bản thẩm tra này rất chung chung, theo kiểu "mức độ liệt có giảm, nhưng chưa được nhiều", hoặc: "Hiện tại, bệnh nhân thể lực bình thường, tay chân còn mềm và yếu"(?!). Thú thật, tôi không hình dung được cụm từ này, đã thể lực bình thường mà tay chân còn mềm và yếu thì… nghĩa là làm sao(?!)…
Trong lúc, việc đơn giản nhất là hầu như ai cũng biết, người bị di chứng tai biến mạch máu não dẫn đến việc liệt nửa người hay chi trên, chi dưới… thì phương pháp để hồi phục tốt nhất vẫn là duy trì việc tập vật lý trị liệu dưới sự hướng dẫn của các bác sĩ. Và hầu như trong tất cả những bệnh nhân tôi tiếp xúc hôm ấy, người nhà của họ đều khẳng định việc tập vật lý trị liệu cho bệnh nhân một cách đều đặn trước và cả sau khi được ông Yên chữa trị.
Nhưng, trong bản thẩm tra của Hội Đông y tỉnh Bình Phước, chỉ nhắc đến việc "chữa trị nhiều nơi không khỏi và được lương y Võ Hoàng Yên bấm huyệt… đã đứng dậy, đi lại được khoảng 2-3m". Có sự nhầm lẫn gì ở đây chăng(?!).
Trở lại ý kiến của các nhà chuyên môn tham dự buổi biểu diễn của ông Võ Hoàng Yên.
Bác sĩ Quách Ái Đức, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước, tỏ ra rất thận trọng khi đưa ra nhận xét của mình. Bác sĩ Đức cho rằng, việc ông Yên điều trị có tác dụng tạm thời không cho phép đưa ra những nhận định nhanh chóng về phương pháp chữa bệnh của ông Yên. Cần phải có thêm thời gian để đánh giá phương pháp chữa bệnh này, trên cơ sở được kiểm định bởi Hội đồng Y khoa, Hội đồng Đạo đức Y khoa… theo đúng trình tự được Bộ Y tế lẫn luật pháp quy định.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Hương, Giám đốc Sở Y tế Quảng Bình, người lặn lội vào Bình Phước với hy vọng kiểm chứng được tài năng của ông Yên, để mời ông Yên ra Quảng Bình chữa trị cho nhiều nạn nhân chất độc da cam, nói: "Kết quả tất thời không có giá trị. Tất cả đều phải chờ kết luận của một Hội đồng Y khoa có uy tín. Không phải bệnh nào cũng có thể chữa cấp kỳ được".
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Sơn, Vụ phó Vụ Y học Cổ truyền, Bộ Y tế không đánh giá trực tiếp khả năng của ông Yên, mà chỉ cho rằng "Hội Liên hiệp các Hội KH&KT Bình Phước nên xây dựng đề tài khoa học về phương pháp chữa bệnh của ông Yên, với sự tham gia của các chuyên gia y khoa có uy tín để đánh giá về tính hiệu quả và độ an toàn trong phương pháp chữa bệnh này. Đề tài phải tuân thủ theo đúng quy định của Bộ Y tế. Đồng thời, đề tài phải bám sát được việc theo dõi phác đồ của bệnh nhân trước, trong và sau khi điều trị để Hội đồng Khoa học đánh giá. Lấy cơ sở đó, trình cho Bộ Y tế xem xét, để Bộ có thể đưa ra kết luận cuối cùng".
Đáng chú ý trong tất cả những lời nhận xét là ý kiến của Giáo sư Hoàng Bảo Châu. Giáo sư Châu đưa ra nhận định của mình và ông Yên cũng đồng tình với nhận định này, chính là phương pháp chữa bệnh của ông Châu có yếu tố võ đạo được áp dụng vào y học. Trong chuyên khoa day ấn huyệt đạo, thì đây không phải là một phương pháp quá lạ lẫm.
Thông thường, người trị bệnh sẽ tác động bằng nội lực vào phần cơ hoặc huyệt đạo, vốn dĩ đã cứng do lâu ngày không vận động của bệnh nhân. Sau khi tác động giúp mềm cơ, người điều trị sẽ dùng sức, bóp co duỗi xoay một cách dứt khoát, nhanh chóng để phần nào phục hồi cơ chế làm việc của nhóm cơ.
Điều này lý giải vì sao, đối với một số bệnh nhân bị tai biến đi lại có người dìu, sau khi được ông Yên day ấn xoa bóp, đã có thể đi lại lẫm chẫm vài bước chân. Nhưng, như đã nói, đây chỉ là kết quả tạm thời. Về lâu dài, bệnh nhân phải được tập vật lý trị liệu một cách kiên trì.
Đối với bệnh nhân câm điếc, ông Yên cũng dùng cách này. Với một vài trường hợp câm điếc nhẹ do di chứng bệnh, có khả năng sẽ có tác dụng tạm thời. Với trường hợp bị lâu năm hoặc bẩm sinh, thì gần như ông Yên chỉ còn cách "tung cờ trắng".
Sau khi nghe nhận xét của các chuyên gia y khoa, thấy ông Yên có cảm giác như buồn.
Nhưng biết làm sao được, khi có những thứ phải chấp nhận trả về nguyên giá trị của nó. Cơn bão truyền thông có thể thần thánh hóa người bình thường bằng chữ nghĩa, tuy nhiên, sự thật không thể bị lấp liếm mãi bằng những bài báo khiến người khác ngộ nhận về chính mình(?!).
Chuyện thần y hay chỉ là võ sư chữa bệnh, có lẽ, đã không cần phải chờ vào kết luận cuối cùng của một đề tài khoa học. Mà nó, đã hiện ra rõ ràng sau buổi khảo chứng hôm ấy.
Có điều, niềm tin là chuyện riêng của mỗi người. Ai tin thì cứ tin, có vậy thôi. Tôi không hề có ý định bài xích niềm tin của bất kỳ ai gọi ông Võ Hoàng Yên là thần y (!)
Ngô Nguyệt Hữu (cand)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.