Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

27/12/2014

Văn nghệ Thứ Bảy : một nhà văn thuộc Hội Nhà văn Tp.Hồ Chí Minh khiếu nại Hội Nhà văn Việt Nam

Thuần túy lưu tư liệu, để có thể mường tượng cụ thể về văn học Việt Nam đương đại

Mường tượng đơn giản thì Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay có những gương mặt như: nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà thơ Trần Mạnh Hảo (những người kì cựu hiện tại), tác giả của bộ Đại gia là Thiên Sơn và nhà thơ Hoàng Quang Thuận (hai người này cùng vào hội một năm, năm 2011, đọc lại ở đây).

Còn Hội Nhà văn Tp. Hồ Chí Minh thì có những tác giả thấy trên tuần báo Văn Nghệ Tp. Hồ Chí Minh (xem lại ở đây).

Một nhà văn của Hội Nhà văn Tp. Hồ Chí Minh vừa khiếu nại Hội Nhà văn Việt Nam. Lá đơn khiếu nại này bao hàm nhiều ý nghĩa đương đại, nên lưu về đây.

Từ đây trở xuống là chép nguyên xi từ blog Đông La (người vừa gửi đơn).

---
THỨ BẢY, NGÀY 27 THÁNG 12 NĂM 2014


ĐƠN KHIẾU NẠI (Về việc xét đơn xin vào Hội Nhà Văn Việt Nam)


     Tôi đã viết và gởi lá đơn này theo luật khiếu nại tố cáo. Luật tố cáo cũng có quy định sự giám sát để luật được thực thi nghiêm minh. Nên tôi đăng lên để cho dư luận biết, mọi người cùng theo dõi cũng như là một sự giám sát.

         ĐÔNG LA


CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
ĐỘC LẬP - TỰ DO - HẠNH PHÚC
-- 0 --

ĐƠN KHIẾU NẠI
(Về việc xét đơn xin vào Hội Nhà Văn Việt Nam)

Kính gởi:    
-Nhà thơ HỮU THỈNH, Chủ tịch LIÊN HIỆP CÁC HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT VIỆT NAM.
                   -ĐOÀN CHỦ TỊCH LIÊN HIỆP CÁC HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT VIỆT NAM.
Đồng kính gởi các vị có trọng trách về lĩnh vực Chính trị, Tư tưởng, Văn hóa, Nghệ thuật:
                   -Ông ĐINH THẾ HUYNH, Ủy viên Bộ Chính trị BCH Trung ương ĐCSVN, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
                   -Ông VŨ ĐỨC ĐAM, Ủy viên BCH Trung ương ĐCSVN, Phó Thủ tướng phụ trách khối văn hóa xã hội, khoa học, giáo dục.

Tôi tên là Nguyễn Văn Hùng, bút danh Đông La, sinh sống tại TP HCM, là nhà văn thuộc Hội Nhà Văn TPHCM.
Tôi làm đơn này khiếu nại một việc rất nhỏ là việc Ban Chấp hành Hội Nhà Văn Việt Nam quá bán bỏ phiếu phủ quyết đơn xin vào Hội Nhà Văn Việt Nam của tôi nhưng nó lại là một dấu hiệu chỉ ra một thực trạng rất lớn, rất nguy hiểm liên quan đến vấn đề Chính trị Tư tưởng và Văn chương Nghệ thuật ở nước ta.
Vừa rồi tôi được một nhà văn trong Ban Chấp hành Hội Nhà Văn VN khuyên làm đơn xin vào Hội Nhà Văn Việt Nam. Tự thấy mình đủ tiêu chuẩn nên tôi đã đồng ý.
Cụ thể từ một người lính, sau khi tham gia Chiến dịch HCM 1975, hòa bình về tôi đi học rồi trở thành một cán bộ nghiên cứu hóa dược. Năng khiếu văn chương của tôi đã được Nhà thơ Anh Thơ phát hiện, rồi bà giới thiệu tôi với Nhà thơ lớn Chế Lan Viên. Khi đọc chùm thơ đầu tay của tôi, Chế Lan Viên đã đề nghị trao giải thơ cho tôi trong cuộc thi năm 1986 của Hội Nhà Văn TPHCM, rồi ông còn trực tiếp đứng tên giới thiệu tôi vào Hội Nhà Văn TPHCM. Sau đó tôi viết nhiều, cả văn, thơ và phê bình, tác phẩm được đăng hầu hết trên các báo, tạp chí văn nghệ lớn trong cả nước. Hai năm liên tiếp, 1997, 1998, tôi đã tặng thưởng hàng năm về phê bình và thơ của Tạp chí Văn Nghệ Quân đội. Tôi đã xuất bản 5 cuốn sách và nhiều bản thảo chưa in. Cụ thể về phê bình, năm 2001, tôi đã xuất bản cuốn Biên độ của trí tưởng tượng tại NXB Văn Học, được báo Nhân Dân giới thiệu qua bài viết của PGS.TS. NGUYỄN HỮU SƠN, hiện là Viện phó, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Văn học: “Biên độ của trí tưởng tượng... đã tạo được sự quan tâm của dư luận và thật sự có đóng góp cho đời sống văn học đương đại  (BáoNhân Dânsố 17030, 6-3-2002). Gần đây trước thực trạng giới tri thức trong đó có nhiều nhà văn có sự phân hóa mạnh về chính trị tư tưởng, họ nhân danh phản biện, đấu tranh cho dân chủ tiến bộ, nhưng họ lại thể hiện bằng những quan điểm lộn ngược cả hệ giá trị, kể cả lịch sử, đòi thay đổi chế độ, thay đổi hiến pháp, tước bỏ quyền lãnh đạo của ĐCS. Hành động của họ thực chất là sự cơ hội, trở cờ. Tôi đã viết nhiều, phản bác tất cả những sự sai trái đó, năm 2013, một phần các bài viết đã được in thành cuốn Bóng tối của ánh sáng. Từ khi còn là bản thảo, do bạn bè thấy có giá trị liên quan đến những vấn đề lớn về lý luận nên họ đã chuyển đến các cá nhân và cơ quan có trọng trách. Bản thảo đã được các chuyên gia xem xét kỹ lưỡng rồi được cơ quan nhà nước xuất bản. Ông Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình VHNT Trung ương đánh giá cao cuốn sách, ông nói ông thích nhất bài Các Mác-một tình yêu bao la. Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng gọi điện cho tôi: “Những bài viết của em có sức mạnh như những sư đoàn”. Bà Thân Thị Thư, Trưởng Ban Tuyên Giáo Thành ủy TPHCM một lần gặp tôi cũng nói: “Em cảm ơn anh vì các bài viết của anh trên Báo VN TPHCM mà em được cấp trên khen đấy!” Năm 2013, cuốn Bóng tối của ánh sáng đã được LIÊN HIỆP CÁC HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT VIỆT NAM trao giải thưởng.
Về nhân thân tôi cũng chưa có bất kỳ sự vi phạm pháp luật nào. Theo quy định việc xin vào Hội Nhà văn VN phải có hai người giới thiệu, người thứ nhất, GS Mai Quốc Liên đã viết lời giới thiệu tôi là “một nhà phê bình hiếm có”. Còn người thứ hai là GS Trần Thanh Đạm. Khi tôi cảm ơn ông thì ông nói: “Tôi cũng phải cảm ơn anh vì tôi rất vinh dự được giới thiệu người như anh vào Hội”.
Như vậy, về tài đức, về thành quả văn chương, tôi hoàn toàn xứng đáng được vào Hội Nhà Văn VN.
Vì vậy việc BCH Hội Nhà Văn VN quá bán loại tôi là không công minh, cần phải được xem xét lại. Nghe nói những người loại tôi đã lấy cớ tôi là cực đoan, có thái độ không tốt khi phê phán người khác. Tôi hoàn toàn phản đối điều này, vì cực đoan là một sự sai trái, trong khi tất cả các bài tôi phê phán người khác đều nêu đích danh, họ sai về cái gì và sai như thế nào, tôi còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nên không thể tùy tiện vu khống, xúc phạm danh dự người khác. Ngoài những ý kiến lẻ tẻ và sự “ném đá” của những kẻ xấu, chưa có một bài viết và văn bản chính thức nào chứng minh được tôi là người cực đoan. Còn việc tôi tỏ thái độ trước những hành động và thái độ sai trái thì không thể là thái độ sai trái, cũng như tòa tuyên án một người phạm tội không thể là xấu vậy! Trên blog, tôi đã để câu nói của Einstein như là tấm gương để noi theo: “The world will not be destroyed by those who do evil, but by those who watch them without doing anything” (Thế giới sẽ không bị phá hủy bởi những kẻ làm điều ác, nhưng bởi những người thấy chúng mà không hành động gì cả). Vì vậy, chính thái độ dĩ hòa vi quý, mười rằm cũng ừ, mười tư cũng gật, vô cảm, tránh né những hành động và thái độ sai trái để lấy lòng nhau, dẫn đến tình trạng trắng đen lẫn lộn, thiện ác bất minh, mới chính là thái độ sai trái. Chính Hội Nhà Văn VN có tình trạng như vậy, bởi hiện có rất nhiều Hội viên Hội Nhà văn VN có thái độ và bài viết sai trái, có người đã bị bắt, nhưng hầu như trong Hội Nhà văn không ai lên tiếng phê phán, ngược lại, lại có nhiều người đồng tình với sự sai trái ấy. Như ông Trung Trung Đỉnh, một đương kim Ủy viên BCH Hội Nhà văn VN, luôn ca ngợi Nguyên Ngọc, người đang trên tuyến đầu chống đối, còn định thành lập “Văn đàn độc lập”. Văn Công Hùng, một Ủy viên BCH khác của Hội Nhà Văn VN cũng ca ngợi Nguyễn Quang Lập, một nhà văn mới bị bắt và đã nhận tội, là: “Ở nước Nam này, nếu hỏi ai viết nhiều, làm việc nhiều, lao động nghiêm túc, tôi không ngần ngại trả lời: Nguyễn Quang Lập”.
Vì vậy, những cá nhân trong BCH Hội Nhà văn như ông Trung Trung Đỉnh, Văn Công Hùng lấy cớ tôi cực đoan để loại tôi là một hành động sai trái, bất minh, hoàn toàn chỉ vì nhận thức cảm tính chủ quan và cảm tình cá nhân.
Việc bỏ phiếu thể hiện sự dân chủ, nhưng nếu hiểu triết học, sự bỏ phiếu của BCH Hội Nhà Văn như trên là không tuân theo Nguyên lý “Tập trung dân chủ” của Chủ nghĩa Mác-Lê nin. Theo tiếng Nga, Nguyên lý Tập trung dân chủ viết là Демократический централизм. Vậy Dân chủ là tính từ bổ nghĩa cho Tập trung, nếu dịch cho chính xác phải là: Nguyên lý tập trung có tính dân chủ. Vì vậy cái chính là tập trung, là mục đích, dân chủ là phương thức để hướng đến cái chung ấy một cách tốt nhất, đúng đắn nhất, tránh sự độc đoán sai trái. Bỏ phiếu dân chủ là để bầu ra người xứng đáng chứ không phải là sự cấu kết để loại người xứng đáng như việc bỏ phiếu loại tôi của nhóm đa số trong BCH Hội Nhà Văn VN!
Ngược lại, Hội Nhà Văn Hà Nội từng bỏ phiếu bầu Phạm Xuân Nguyên làm chủ tịch lại là việc bầu ra người không xứng đáng. Hội Nhà Văn Hà Nội là một tổ chức thuộc nhà nước nhưngPhạm Xuân Nguyên là người luôn phản đối nhà nước thực thi pháp luật, như từng lên tiếng ủng hộ những người phạm pháp và sai trái, từ lê Công Định, Phương Uyên đến Nhã Thuyên và hôm nay là Nguyễn Quang Lập; Phạm Xuân Nguyên cũng từng cho trong cuộc kháng chiến của ta là “những người lính là những con người bị vất vào cuộc chiến, buộc phải bắn giết nhau”. Vậy việc bỏ phiếu của Hội Nhà Văn Hà Nội bầu Phạm Xuân Nguyên là thứ dân chủ chống đối, dân chủ lộn ngược, không phải là dân chủ theo đúng Nguyên lý Tập trung Dân chủ của Chủ nghĩa Mác- Lê Nin. Cũng theo Nguyên lý Tập trung Dân chủ, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, cấp trên phải giám sát những việc làm quan trọng của cấp dưới, những người không đủ tiêu chuẩn như Phạm Xuân Nguyên lẽ ra phải bị loại ngay trong danh sách ứng cử, như vậy thì làm sao có được cái kết quả dân chủ lộn ngược trên?
Tiếc là không chỉ có ở Hội Nhà Văn Hà Nội mà nhiều lĩnh vực trong xã hội cũng đã có những vụ bầu bán sai Nguyên lý Tập trung Dân chủ. Ngay ở Hội Nhà Văn VN cũng đã có những dấu hiệu lớp kế cận Nhà thơ Hữu Thỉnh đang ráo riết xây dựng lực lượng để giành quyền theo hình mẫu bầu bán của Hội Nhà Văn Hà Nội. Việc bỏ phiếu loại tôi như là một sự tập dượt của họ. Nếu họ thành công, lúc đó văn chương sẽ không “dĩ tải đạo” như lời dạy của cha ông nữa mà là tải tà đạo, Hội Nhà Văn sẽ là tập đoàn cứ điểm làm nguy cơ tồn vong của chế độ, theo lời TBT Nguyễn Phú Trọng, thêm nguy cơ hơn. Mà khi quyền lực tối cao rơi vào tay kẻ tham, kẻ dốt, kẻ ác, kẻ xấu thì đích đến của nước ta sẽ là Irắc, Lybi, Pakistan, Apganixtan chứ không phải là Bắc Âu, là Anh Pháp Mỹ, là Đức Ý Nhật đâu! Nên trong tình trạng bất ổn này, Hội Nhà Văn VN cũng cần ổn định như xã hội cần ổn định vậy, vẫn cần đến thế hệ Nhà thơ Hữu Thỉnh nắm trọng trách, có những sai trái yếu kém thì phải sửa, nếu không Hội Nhà Văn sẽ là mảnh đất gieo mầm và nuôi dưỡng sự phản loạn. Dương Thu Hương, Nguyên Ngọc, Trần Mạnh Hảo, Phạm Viết Đào, Nguyễn Quang Lập, v.v… đã là như thế. Vì sai trái, chỉ bằng chữ nghĩa, họ đã không làm gì được, nhưng khi quyền lực rơi vào tay những người tiếp bước họ, như những kẻ xấu hiện có trong BCH Hội Nhà Văn VN thì sẽ rất nguy hiểm! Nên theo đúng Nguyên lý Tập trung Dân chủ, Hội Nhà Văn VN là hội của nhà nước thì phải vì dân vì nước, nhà nước phải giám sát việc ứng cử, bầu cử kỳ tới, cần loại ngay những kẻ cơ hội, kẻ xấu ứng cử.
Tóm lại, việc Ban Chấp hành Hội Nhà Văn Việt Nam vừa quá bán bỏ phiếu phủ quyết đơn xin vào Hội Nhà Văn Việt Nam của tôi, không căn cứ vào tài, đức, thành quả văn chương của tôi, chỉ dựa vào thành kiến sai trái, cảm tính chủ quan, cảm tình cá nhân, đã vi phạm Nguyên lý Tập trung Dân chủ, là kết quả sai trái, không công minh và công tâm!
Cũng theo Nguyên lý Tập trung Dân chủ, cấp dưới phải phục tùng cấp trên và theo luật Khiếu nại Tố cáo, tôi làm đơn này gởi đến cấp trên trực tiếp của Hội Nhà Văn VN là LIÊN HIỆP CÁC HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT VIỆT NAM và các vị có trọng trách trong cơ quan Đảng và Chính phủ liên quan đến lĩnh vực Chính trị Tư tưởng và Văn học Nghệ thuậtđề nghị xem xét và thay đổi kết quả việc bỏ phiếu sai trái trên. Cần ngăn chặn khuynh hướng kết bè kéo cánh, vì danh lợi cá nhân, lợi dụng dân chủ lái các cuộc bầu bán đến những kết quả lộn ngược. Nếu các giá trị bị lộn ngược thì đất nước sẽ loạn.
Rất mong được quan tâm xem xét, tôi xin cảm ơn!

TPHCM ngày 27 tháng 12 năm 2014
NGƯỜI LÀM ĐƠN
ĐÔNG LA
NGUYỄN VĂN HÙNG
           (Đã ký)

          Đơn này cũng được gở đến những người liên quan:
          -Nguyễn Trí Huân, Phó Chủ tịch HNVVN
          -Lê Quang Trang, PCT HNVVN.

          -Nguyễn Quang Thiều, PCT HNVVN.







Bổ sung 6 (31/12/2014): Trả lời của nhà văn Khuất Quang Thụy.

Về một vài dư luận xung quanh việc xét kết nạp Hội viên mới (2014) của Hội Nhà văn Việt Nam

PV - 31-12-2014 05:35:29 PM
VanVN.Net - Vừa qua trên báo Đại Đoàn Kết và một số trang báo mạng xuất hiện vài ý kiến về việc xét kết nạp Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2014. Nhìn chung, dư luận rộng rãi đều cho rằng những năm trước đây chất lượng kết nạp Hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam đều rất tốt, cũng có những trường hợp đáng tiếc xảy ra với một vài trường hợp do không đủ số phiếu bầu, hay những trường hợp chỉ thiếu một phiếu mới đủ tỉ lệ quá bán cũng chưa được xem xét lại. Quy trình xét kết nạp Hội viên từ khâu tiếp nhận hồ sơ đến việc xem xét bỏ phiếu ở các Hội đồng chuyên môn đều được tuân thủ nghiêm ngặt. Để làm rõ hơn những ý kiến này, phóng viên VanVN.Net có cuộc phỏng vấn trực tiếp với ông Nguyễn Hoa, Ủy viên BCH, Trưởng Ban công tác Hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam.
 PV: Trên báo Đại Đoàn Kết số ra ngày 24.12.2014, có đăng bài “Cửa rộng – cửa hẹp và cái danh hội viên” của tác giả Vi Cầm (sau đó được một vài trang báo mạng trích dẫn) có nêu một vài ý kiến về việc rộng – hẹp trong việc kết nạp Hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam, là Trưởng Ban công tác Hội viên, ông bình luận gì về điều này?
Nhà thơ Nguyễn Hoa: Tiêu chí và quy trình kết nạp Hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam là rõ ràng, được ghi rõ trong điều lệ của Hội. Hội luôn đánh giá cao việc có rất đông những người viết văn làm thơ, nghiên cứu phê bình và dịch thuật văn học là người Việt Nam tán thành tôn chỉ mục đích của Hội, chấp nhận điều lệ Hội, luôn phấn đấu để có nhiều sáng tác, nhiều công trình nghiên cứu có chất lượng tốt để được trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Vì thế, danh sách những người có đầy đủ điều kiện tối thiểu (có hai tác phẩm được xuất bản thành sách), làm đầy đủ hồ sơ gửi về xin được kết nạp Hội luôn kéo dài. Năm 2014 có tới 616 hồ sơ. Việc hằng năm BCH Hội Nhà văn Việt Nam thường chỉ xét kết nạp được vài chục trường hợp là rất bình thường. Rộng hay hẹp là do yêu cầu về chất lượng của đội ngũ những người xin tham gia vào Hội ở thời điểm đó. Hội Nhà văn là một Hội chuyên ngành sâu về văn học, nên có những yêu cầu cao về chất lượng là điều tất yếu.
PVCũng trong bài báo trên, tác giả có chỉ đích danh một trường hợp, đó là nhà thơ Tân Linh, từng tuyên bố với phóng viên rằng: ông chưa làm đơn xin vào Hội Nhà văn Việt Nam, vậy nên khi nghe tin mình có tên trong số những người đã đủ số phiếu cần thiết để được kết nạp năm nay, ông rất ngạc nhiên. Điều này có mâu thuẫn với điều mà ông nói về quy trình rất chặt chẽ trong việc kết nạp Hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam hay không?
Nhà thơ Nguyễn Hoa: Trước hết, đến thời điểm này, danh sách chính thức những nhà văn nhà thơ được kết nạp Hội năm 2014 vẫn chưa được chủ tịch Hội phê duyệt. Ông Tân Linh đúng là người đã có đủ số phiếu cần thiết để được xét công nhận là Hội viên. Việc xuất hiện thông tin về những phát ngôn của ông Tân Linh lập tức đã được Thường trực BCH Hội Nhà văn Việt Nam xem xét. Chúng tôi đã trực tiếp liên lạc với ông Tân Linh để hỏi thực hư về những phát ngôn của ông. Cũng rất nhanh chóng, ngày 26.12.2014 ông Tân Linh đã có bản tưởng trình gửi về Hội, giải thích về sự hiểu lầm của phóng viên báo Đại Đoàn Kết và xin lỗi BCH Hội về sự sơ xuất của ông. Là người trực tiếp phụ trách việc thụ lý hồ sơ xin vào Hội của các ứng cử viên, tôi xin bảo đảm rằng không có chuyện ông Tân Linh không có đủ hồ sơ theo yêu cầu mà đã được xem xét kết nạp. Ông Tân Linh sẽ phải chịu trách nhiệm trước những phát ngôn của mình với các cơ quan báo chí. Vụ việc này cũng đang được Thường trực BCH Hội Nhà văn Việt Nam xem xét.
PVVâng. Xin cảm ơn ông!
Đơn xin vào Hội Nhà văn Việt Nam của ông Tân Linh
Bản tường trình của ông Tân Linh, Hội Nhà văn Việt Nam nhận ngày 29/12/2014
Phần cuối bản tường trình của ông Tân Linh
Cùng thời điểm diễn ra việc báo chí đăng phát những thông tin chưa được kiểm chứng về việc kết nạp Hội viên năm 2014 của Hội Nhà văn Việt Nam còn có việc ông Đông La (tên thật là Nguyễn Văn Hùng) gửi đơn khiếu nại tới Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và một số các đồng chí lãnh đạo có thẩm quyền về việc ông đã bị đối xử không công bằng trong cuộc bỏ phiếu bầu chọn hội viên mới kỳ này. Để làm rõ điều này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn nhà văn Khuất Quang Thụy, Ủy viên BCH, Trưởng Ban kiểm tra của Hội.
PVĐược biết ông Đông La đã có đơn khiếu nại gửi cho chủ tịch Hội, (ông Đông La cũng đã gửi thư và những lời phản ánh đến hộp thư của VanVN.Net), với tư cách là Trưởng Ban kiểm tra của Hội, ông có ý kiến như thế nào về trường hợp này?
Nhà văn Khuất Quang Thụy: Tôi cũng đã được thông báo chuyện này, ông Đông La không gửi đơn trực tiếp cho Ban Kiểm tra của Hội, nên chúng tôi chưa thực hiện quy trình kiểm tra. Nhưng với trách nhiệm của mình, tôi cũng đã tự tìm hiểu vấn đề, hỏi ý kiến các đồng chí có trách nhiệm, nên có thể nêu ý kiến sau: Ông Đông La thuộc nhóm những tác giả hoàn thiện hồ thơ xin vào Hội muộn so với thời điểm đã công bố trên các phương tiện truyền thông. Cụ thể, ngày 3/12/2014, hồ sơ của ông Đông La mới được chuyển đầy đủ về Ban công tác Hội viên. Vì chậm so với thời điểm quy định, nên Ban công tác Hội viên đã phải xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực BCH. Trực tiếp Chủ tịch Hội, sau khi cân nhắc, đã quyết định đưa toàn bộ nhóm hoàn thiện hồ sơ chậm, trong đó có ông Đông La vào diện được các Hội đồng xem xét. Tại Hội đồng Lý luận Phê bình, ông Đông La đã đủ số phiếu để chuyển lên BCH xem xét. Trong phiên họp bầu chọn Hội viên mới, BCH đã thực hiện đúng quy trình bỏ phiếu kín. Khi kiểm phiếu, ông Đông La là một trong số những người chưa hội đủ số phiếu quá bán để lọt vào danh sách những người được công nhận kết nạp kỳ này. Đây là chuyện bình thường, không chỉ riêng ông Đông La, mà còn có rất nhiều trường hợp không hội đủ số phiếu một cách đáng tiếc.
PVTrong đơn khiếu nại, cũng như trong thư gửi VanVN.Net ông Đông La có kêu ca rằng: Tại hội nghị BCH, một vài ủy viên đã có những phát biểu bất lợi cho ông, là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc ông không đủ phiếu. Ông bình luận như thế nào về điều này?
Nhà văn Khuất Quang Thụy: Tôi đã đọc kỹ đơn khiếu nại của ông Đông La, trong đó, ông không chỉ chỉ trích một vài người trong BCH, mà còn nêu tên nhiều người khác đã phát ngôn không có lợi cho ông ở chỗ này chỗ khác. Điều đó tôi không bình luận. Nhưng tôi có thể bảo đảm rằng tại cuộc họp xét kết nạp Hội viên, ngoài những phát biểu đánh giá tình hình chung, xem xét lại đội ngũ ở một vài địa phương đặc biệt, để các Ủy viên BCH cân nhắc trước khi bỏ phiếu sao cho lực lượng các Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam không có mặt quá tập trung ở những thành phố, đô thị lớn. Hội nghị cũng có bàn đến những trường hợp vì những lý do khác nhau mà những năm trước đã bị thiếu phiếu một cách đáng tiếc (như trường hợp các tác giả đã được giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam, và của các địa phương, đoàn thể khác.) Không có chuyện trường hợp của ông Đông La được đưa ra bình luận trong hội nghị.
PV: Vậy theo ông, việc ông Đông La nêu trong đơn khiếu nại rằng: Do BCH Hội Nhà văn Việt Nam bỏ phiếu chọn Hội viên mới chưa tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ là đúng hay sai?
Nhà văn Khuất Quang Thụy: Nguyên tắc hàng đầu trong việc điều hành mọi hoạt động của BCH Hội Nhà văn Việt Nam là nguyên tắc tập trung dân chủ. Nếu BCH vi phạm nguyên tắc này thì không phải đợi đến ông Đông La mà hàng trăm Hội viên sẽ lên tiếng. Trong những nhiệm vụ lớn hằng năm của Hội, như xét tặng giải thưởng và kết nạp Hội viên thì nguyên tắc này càng được đề cao. Trong đơn ông Đông La cũng đề nghị các cơ quan cấp trên của Hội Nhà văn Việt Nam dùng nguyên tắc “tập trung” để xem xét và thay đổi kết quả việc bỏ phiếu của BCH Hội Nhà văn Việt Nam. Đó là ý kiến riêng của ông, tôi tin rằng các cơ quan cấp trên, nếu có đưa trường hơp của ông ra xem xét thì sẽ không chỉ sử dụng nguyên tắc tập trung mà còn đề cao một cách đầy đủ biện chứng nguyên tắc tập trung dân chủ để tìm hiểu sự việc.
PV: Xin cảm ơn ông!

http://vanvn.net/news/1/5262-ve-mot-vai-du-luan-xung-quanh-viec-xet-ket-nap-hoi-vien-moi-2014-cua-hoi-nha-van-viet-nam.html




Bổ sung 5 (30/12/2014): Bài tiếp trên trang Đông La.

THỨ BA, NGÀY 30 THÁNG 12 NĂM 2014
PHẠM XUÂN NGUYÊN:“Nếu ai hiểu được tiếng hú thì sẽ hiểu được thơ Thiều”

Tôi đã gởi Đơn khiếu nại theo chuyển phát nhanh đến Ban Tuyên Giáo TW, Văn phòng Chính phủ, Liện Hiệp Các HVHNTVN, Hội Nhà Văn VN. Khi cho lên mạng không ngờ người ta vào đọc khủng khiếp, ba ngày qua hơn 20.000 lượt truy cập. Như vậy trong hơn 2 năm viết cái blog này, lượt truy cập Đơn khiếu nại đã vượt kỷ lục lượng truy cập bài Lịch sử nhìn qua lỗ đồng xu viết về thằng Đức “San hô”. Nghe nói trang Ba Sàm, Quê choa có ngày hàng trăm lượt truy cập nhưng người ta vào đọc là đọc tin tức của nhiều người đưa tin, còn vào trang của tôi, người ta đọc là đọc những bài tôi viết. Cả đồng tình lẫn không đồng tình, người ta đều “phóng điện” về tôi, vì vậy đã tạo nên hiệu ứng thần giao cách cảm ghê ghớm. Mí mắt, môi trên, môi dưới của tôi nhiều khi giật tùm lum, tôi phải lấy salonpat dán vào. Nổi tiếng quá kể cũng khổ!
Được dư luận quan tâm cũng thích nhưng cũng buồn ở chỗ người ta thường quan tâm đến những chuyện nóng, chuyện giật gân hơn là những điều tinh tế, cao sâu của của văn chương, nghệ thuật, khoa học và triết học. Cũng là tất nhiên vì những người có trình độ cao và tâm hồn nhạy cảm tinh tế luôn là số ít, tôi đã từng gọi họ là “Độc giả quý hiếm” mà. Thành ra chuyện ít người đọc cũng có cái vui riêng là bài viết của mình có quý hiếm thì mới ít người đọc!
            Hôm nay tôi sẽ đăng lại một bài dạng “quý hiếm” như thế. Tôi viết bài này khi thấy Phạm Xuân Nguyên ca ngợi Nguyên Ngọc là nhà tư tưởng. Nguyên Ngọc thuộc lớp đàn anh cả cỡ Nguyễn Khoa Điềm, từng được nhà nước giao trọng trách lãnh đạo Hội Nhà Văn, chuẩn bị vào “trung ương”, nhưng vì sai trái đã bị thất sủng. Từ đó Nguyên Ngọc trở thành trung tâm, thành đầu não chống phá nhà nước trong lĩnh vực văn chương nghệ thuật. Phạm Xuân Nguyên thuộc thế hệ sau như tay chân, đã dựa hơi Nguyên Ngọc khá hiệu quả để trở thành một tên tuổi mà với dư luận cho là có tinh thần cấp tiến. Vì thế mà đã được bầu làm Chủ tịch Hội Nhà Văn Hà Nội. Còn với Nguyễn Quang Thiều, vì tình bạn, tôi đã cố bảo vệ và vun vào cho Thiều rất nhiều. Dù biết rất khó thay đổi quan điểm của Thiều mà Thiều thường thể hiện trong việc khen chê người này người khác. Khi viết về văn chương của Thiều, tôi đã cố gạn đục khơi trong, cố lái Thiều đi theo chính đạo, về phía chính nghĩa, ánh sáng. Tôi luôn mong Thiều được là người kế cận anh Hữu Thỉnh làm Chủ tịch Hội Nhà Văn VN, vì dù anh Thỉnh có làm vài khóa nữa thì cũng không thể làm mãi được. Có lần tôi đã nói thẳng với Thiều là mấy ông “trung ương” có quan tâm đến chữ nghĩa của tôi đấy, có dịp tôi sẽ nói tốt cho ông, như dạng tin nhắn cho Thiều tôi còn lưu đây:
Vậy mà hôm nay Thiều lại “chơi” tôi! Tôi biết Thiều, vợ Thiều rất quý tôi, nhưng vì tham vọng, dù không cụ thể, chính Thiều đã một lần nói với tôi cái ý muốn theo hình mẫu của Phạm Xuân Nguyên ở Hội nhà Văn Hà Nội. Nghĩa là giữa Nguyên và tôi, Thiều đã chọn Nguyên. Việc Nguyên được bầu làm chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội đã gây bất bình rất lớn trong dư luận chính thống, những người có trọng trách cũng coi là một lỗi lớn trong việc bầu bán, vậy không biết Thiều chọn như vậy là đúng hay sai? Có thể người ta nghĩ xu hướng theo Mỹ sẽ thắng chăng? Còn tôi thì nghĩ ta cần trân trọng mối quan hệ với Mỹ nhưng cũng như với tất cả các nước khác, còn theo riêng Mỹ thì sẽ lại đi vào vết bánh xe đổ của lịch sử. Vì chơi với Nguyễn Quang Thiều nên tôi đã gặp Nguyên không chỉ một lần, kể cả Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Quang Lập. Với Thiều thì Thiều chơi tất, bất kể “ta” “địch”, nên Thiều rất được lòng mọi người. Giữa Thiều với Nguyên, tôi đã viết có những thời điểm Thiều bị “uýnh như chó” thì ngược lại, Thiều cũng từng được Phạm Xuân Nguyên “khen như chó”. Số là nước Mỹ có nhóm thơ “Hú gào”, chắc Nguyên nghĩ Thiều đi Mỹ nhiều đã bị ảnh hưởng nên mới viết về thơ Thiều: “Nếu ai hiểu được tiếng hú thì sẽ hiểu được thơ Thiều”. Tôi bảo Thiều: “Nó khen ông thế thì khác gì bảo thơ ông như tiếng hú loài thú”. Thiều cáu: “Đéo hiểu con cặc gì về thơ!” (Xin lỗi độc giả vì phải viết cho chính xác).
Sau đây là bài tôi viết khá kỳ công để chứng minh ông Nguyên Ngọc dốt và có tư tưởng phản động, nếu tôi sai sẵn sàng ra tòa khi ông Nguyên Ngọc kiện. Còn tôi đúng thì phải tặng huân chương cho tôi chứ không phải như những “thằng” như Trung Trung Đỉnh cho tôi là cực đoan và có thái độ sai trái khi phê phán người khác. Chính những kẻ thấy sai mà không phê phán mới đáng bị phê phán vì chúng là loại người “ngậm miệng ăn tiền”!
3012-2014

             ĐÔNG LA






Bổ sung 4 (30/12/2014): Bài tiếp trên trang Đông La.

THỨ HAI, NGÀY 29 THÁNG 12 NĂM 2014
DỰ THẢO KIẾN NGHỊ GỞI ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Tôi vốn không phải là người vô cảm trước sự bất công và nỗi oan khiên của người khác. Như trường hợp một ông PGS Triết học viết phê bình sách giáo khoa bị Bộ giáo dục đề nghị Trường đại học nơi ông dậy kỷ luật. Tôi không chuyên học triết nhưng vẫn có khả năng giúp ông PGS cãi thắng, buộc trường phải hủy kỷ luật ông. Hoặc như trường hợp cô Vũ Thị Hòa ở Yên Bái, ông Cấn Văn Hành ở Bình Phước, từ chỗ hoàn toàn không quen, tôi cũng đã giúp họ chống lại việc Thu Uyên vu khống họ. Vì vậy khi sự bất công xảy ra với chính tôi tất nhiên tôi không thể im lặng chịu trận. Tôi sẽ đấu tranh không phải vì hiếu thắng mà vì công lý và cao xa hơn vì sự ổn định của đất nước. Vũ khí đấu tranh của tôi chính là luật pháp và tri thức. Nước ta vừa thông qua Hiến pháp mới đề cao nhân quyền, các nhà lãnh đạo cũng thường xuyên kêu gọi người dân thực hiện quyền dân chủ trong một nhà nước pháp quyền. Theo Luật Tổ chức QH, đại biểu Quốc hội là đại diện của dân, giúp đỡ người dân thực hiện quyền dân chủ ấy. Vì vậy, sau khi tìm hiểu, tôi đã viết Kiến nghị gởi Đoàn ĐBQH TPHCM và xin gặp một vị ĐBQH phù hợp để trình bầy chuyện tôi làm đơn khiếu nại BCH HNV VN và đơn tố cáo của cô Vũ Thị Hòa tố cáo Cục Chính trị QK7 và Trần Bình Minh, Thu Uyên của VTV. Nếu pháp luật nghiêm minh thì chắc chắn tôi sẽ thắng. Tiếc là việc thực thi pháp luật của ta còn nhiều chuyện chưa tốt, như có lần ông Huỳnh Phong Tranh nói trên tivi là có vụ kiện kéo dài đến 40 năm chưa xong! Còn dư luận, tôi là người có khả năng định hướng cho cả dư luận thì đâu cần quan tâm đến dư luận của bọn xấu, chúng viết bậy về tôi thì tự chúng đọc với nhau, tôi không đọc. Tôi chỉ sợ chính tôi sai thôi, vì nếu sai, bị người ta kiện là mệt!

29-12-2014

ĐÔNG LA

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
ĐỘC LẬP - TỰ DO - HẠNH PHÚC
-- 0 --
DỰ THẢO
KIẾN NGHỊ GỞI ĐOÀN ĐẠI BIỂU 
QUỐC HỘI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Kính gởi:     ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
                     THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
          Tôi tên là Nguyễn Văn Hùng, bút danh Đông La, sinh sống tại TP HCM, là nhà văn thuộc Hội Nhà Văn TPHCM.
Sau khi tìm hiểu LUẬT TỔ CHỨC QUỐC HỘI, tôi được biếtĐại biểu Quốc hội là người không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước; Đại biểu Quốc hội phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, phản ánh trung thực kiến nghị của cử tri với Quốc hội và cơ quan nhà nước hữu quan. Khi nhận được khiếu nại, tố cáo của công dân, đại biểu Quốc hội có trách nhiệm kịp thời chuyển đến người có thẩm quyền giải quyết và đôn đốc và theo dõi việc giải quyết. Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của công dân, đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu cá nhân, cơ quan, hữu quan thi hành những biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt hành vi trái pháp luật đó.
Vì vậy tôi làm kiến nghị này gởi đến ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH trình bấy những đơn khiếu nại, tố cáo sau đây:
1- ĐƠN KHIẾU NẠI về việc xét đơn xin vào Hội Nhà Văn Việt Nam của tôi.
2- ĐƠN TỐ CÁO của cô VŨ THỊ HÒA tố cáo ÔNG TRẦN BÌNH MINH, TGĐ VTV, ÔNG LÂM VĂN TƯ và BÀ THU UYÊN thuộc VTV.
3- ĐƠN TỐ CÁO của cô VŨ THỊ HÒA tố cáo THANH TRA QUỐC PHÒNG VÀ CỤC CHÍNH TRỊ THUỘC QK7.
Tôi xin bầy cụ thể như sau:
1- ĐƠN KHIẾU NẠI về việc xét đơn xin vào Hội Nhà Văn Việt Nam.
Tôi làm đơn khiếu nại việc việc Ban Chấp hành Hội Nhà Văn Việt Nam vừa qua đã quá bán bỏ phiếu phủ quyết đơn xin vào Hội Nhà Văn Việt Nam của tôi. Ban Chấp hành Hội Nhà Văn Việt Nam đã không căn cứ vào tài, đức, thành quả văn chương của tôi, chỉ dựa vào thành kiến sai trái, cảm tính chủ quan, cảm tình cá nhân, đã vi phạm Nguyên lý Tập trung Dân chủ, đưa ra kết quả sai trái, không công minh và công tâm! Tôi đã làm đơn gởi đến cấp trên trực tiếp của Hội Nhà Văn VN là LIÊN HIỆP CÁC HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT VIỆT NAM và các vị có trọng trách trong cơ quan Đảng và Chính phủ liên quan đến lĩnh vực Chính trị Tư tưởng và Văn học Nghệ thuậtđề nghị xem xét và thay đổi kết quả việc bỏ phiếu sai trái trên. Cần ngăn chặn khuynh hướng kết bè kéo cánh, vì danh lợi cá nhân, lợi dụng dân chủ lái các cuộc bầu bán đến những kết quả lộn ngược. (Có văn bản ĐƠN KHIẾU NẠI kèm theo).
2-ĐƠN TỐ CÁO của cô VŨ THỊ HÒA.
Cô Vũ Thị Hòa là người thường trú tại tổ 14, phường Đồng Tâm, TP. Yên Bái; là cán bộ thuộc Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Tiềm năng Con người. Mấy năm vừa qua, cô Vũ Thị Hòa thấy mình có những khả năng đặc biệt, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Tiềm năng Con người đã theo dõi, giám sát, xác nhận đúng nên đã công nhận cô là cán bộ thuộc viện. Cô đã giúp đỡ rất nhiều gia đình và các cơ quan tìm được hài cốt liệt sĩ thất lạc. Cô luôn giúp với tấm lòng thiện nguyện, không lấy tiền công. Những người tổ chức việc tìm kiếm đã chứng kiến đều xác nhận cô tìm đúng và công nhận cô đúng là có khả năng siêu phàm, đều coi cô là đại ân nhân.
Vậy mà Cục Chính trị QK7 đã đánh công văn cho cô là lừa đảo; rồi VTV1 đã liên tiếp phát các Chương trình Trở về từ ký ức của cô Thu Uyên, kết án cô Vũ Thị Hòa là lừa đảo, trục lợi trên xương máu các liệt sĩ.
Vì vậy, cô Vũ Thị Hòa đã làm đơn tố cáo sự vu khống của Cục Chính trị QK7 và VTV. (Có văn bản kèm theo).
Nước ta vừa thông qua Hiến pháp mới đề cao nhân quyền, các nhà lãnh đạo thường xuyên kêu gọi người dân thực hiện quyền làm chủ trong một nhà nước pháp quyền. Theo Luật Tổ chức QH, đại biểu Quốc hội là đại diện của dân, giúp đỡ người dân thực hiện quyền dân chủ ấy. Vì vậy, tôi viết bản kiến nghị này, gởi kèm theo văn bản các đơn khiếu nại và đơn tố cáo, rất mong Đoàn ĐBQH TPHCM xem xét và giúp đỡ trong tinh thần thượng tôn pháp luật. Tôi xin cam đoan những điều tôi viết là đúng sự thật, nếu sai xin chịu trách nhiệm trước pháp luật.
                                                        
                                                          TPHCM ngày …
                                                          NGƯỜI VIẾT
                                                           ĐÔNG LA

                                                  NGUYỄN VĂN HÙNG




Bổ sung 3 (30/12/2014): Điểm tin của trang Nguyễn Trọng Tạo.


TẠI SAO ĐÔNG LA BỊ CƯ DÂN MẠNG “NÉM ĐÁ”?

Được đăng bởi  vào lúc: 12:29 sáng ngày 30/12/2014


NTT: Mấy hôm nay, sau khi Đông La công bố trên blog của mình việc bị BCH Hội Nhà Văn VN không kết nạp vào Hội, và Đơn khiếu nại gửi các tổ chức và các nhà lãnh đạo VHNT, chính trị, tư tưởng… lập tức bị cư dân mạng “ném đá” tơi bời. Có người gọi Đông La là “thằng đa lông”, có người gọi là “thằng điên”, có người gọi là “dư lợn viên”, có người gọi là “con lừa”… Nhà thơ Lệ Bình viết: Tôi có cảm giác lý trí con người không còn tồn tại trong Đông  La, khi ông tự  khoe mình là “đại tài”, … và gọi các ông Nguyên Ngọc, Lê Hiếu Đằng … đáng tuổi bố mình bằngthằng, chửi bới Trần Mạnh Hảo, Phạm Xuân Nguyên , Thu Uyên…là chó…
Tò mò, tôi vào blog Đông La và đọc mộ lát. Xin trích một số đoạn từ các bài viết của Đông La để ai chưa biết thì đọc xem có đáng “ném đá” hắn không:

“Đông La ngày đêm trằn trọc viết bảo vệ chế độ thế mà một khúc xương cũng không được gặm”.

(Trích lời Đông La sau khi không được kết nạp vào Hội Nhà Văn VN, tháng 12.2014)
1. Nói về mình:
- Khi đọc chùm thơ đầu tay của tôi, Chế Lan Viên đã đề nghị trao giải thơ cho tôi trong cuộc thi năm 1986 của Hội Nhà Văn TPHCM, rồi ông còn trực tiếp đứng tên giới thiệu tôi vào Hội Nhà Văn TPHCM.
- Bà Thân Thị Thư, Trưởng Ban Tuyên Giáo Thành ủy TPHCM một lần gặp tôi cũng nói: “Em cảm ơn anh vì các bài viết của anh trên Báo VN TPHCM mà em được cấp trên khen đấy!”
- (Nguyễn Quang) Thiều chưa viết một chữ nào khen tôi nhưng khen miệng thì chính Thiều khen tôi ghê gớm nhất. Như khi đăng cho tôi bài “Những cái xác” có 4 câu, Thiều bảo ông hay hơn Chế Lan Viên rồi, còn bình tán trên điện thoại cả nửa tiếng.
- “Tôi bất ngờ nhận được điện thoại của anh (Hữu Thỉnh – PV), anh bảo hỏi mãi mới biết được số của tôi, anh bảo anh đọc từng chữ của tôi viết, “sao mày tài thế, giỏi thế, những bài viết của em có sức mạnh như những sư đoàn”. Từ đó, thấy lãnh đạo người ta cũng quý trọng mình thế…”
- Theo quy định việc xin vào Hội Nhà văn VN phải có hai người giới thiệu, người thứ nhất, GS Mai Quốc Liên đã viết lời giới thiệu tôi là “một nhà phê bình hiếm có”. Còn người thứ hai là GS Trần Thanh Đạm. Khi tôi cảm ơn ông thì ông nói: “Tôi cũng phải cảm ơn anh vì tôi rất vinh dự được giới thiệu người như anh vào Hội”.
Như vậy, về tài đức, về thành quả văn chương, tôi hoàn toàn xứng đáng được vào Hội Nhà Văn VN.
- Nhà thơ Hải Như, tác giả lời ca khúc bất hủ Thành phố hoa phượng đỏ, đã đi hỏi số điện thoại của tôi gọi: “Đông La biết tôi là ai không? Tôi từng giới thiệu Vũ Tú Nam (từng giữ chức như Chủ tịch Hội Nhà văn bây giờ) vào Hội đấy. Nếu tôi có quyền sẽ cho chùm thơ của Đông La giải nhất. Thơ Đông La hiện đại nhưng đã đạt đến sự giản dị, không như thơ Nguyễn Quang Thiều hiện đại, nhưng rối rắm, bắt chước nước ngoài”.
- “Trong chuyện viết lách thấy người ta sai thì viết, mong góp phần giúp cho độc giả hiểu đúng vấn đề, nhất là những vấn đề rất phức tạp về chính trị, tư tưởng, triết học và khoa học. Chỉ vậy thôi không cầu mong gì hết. Vậy mà vừa rồi tôi lại đồng ý làm đơn xin vào Hội Nhà Văn VN , và hôm nay tôi được người trong cuộc báo tin là tôi đã bị loại”.
Tôi nói tôi “đồng ý” làm đơn vì ý định làm đơn không phải do tôi mà vừa rồi một nhà văn trong Ban Chấp hành HNVVN đã gặp tôi khuyên tôi nên vào Hội, rồi anh đã chuyển cho tôi một bộ hồ sơ để tôi chuẩn bị cho đúng thủ tục.
- (Nguyễn Quang) Thiều hiện là Phó Chủ tịch HNVVN, cũng đã khuyên tôi vào hội: “Cái gì chứ, giúp ông vào Hội tôi sẽ làm được. Ông nên vào Hội để còn giúp tôi một tay”. Tôi nói vui: “Cung Thân lá số tử vi của tôi có Hóa Khoa, Hóa Lộc, Hóa Quyền. Khoa, Lộc ít nhiều gì tôi cũng đã có, còn quyền thì chưa. Biết đâu sau này ông nắm Hội Nhà Văn cho tôi cái quyền gì đó thì sao”. Thiều cười: “Có thể như thế”.
- Còn danh xưng “Nhà Văn” thì tôi cũng đã có, dù chỉ là Hội viên của Hội Nhà Văn TPHCM, nhưng tôi rất tự hào vì người giới thiệu tôi chính là Nhà thơ tài danh hàng đầu Việt Nam – Chế Lan Viên! Còn nói chung người bất tài mới cần cái danh “hội viên hội nhà văn VN” để chứng tỏ, còn tôi những nhà văn hàng đầu VN cũng nể phục rồi thì còn cần gì cái danh “hội viên hội nhà văn VN”?
2.     Nói về người khác:
- Chính Hội Nhà Văn VN có tình trạng như vậy, bởi hiện có rất nhiều Hội viên Hội Nhà văn VN có thái độ và bài viết sai trái, có người đã bị bắt, nhưng hầu như trong Hội Nhà văn không ai lên tiếng phê phán, ngược lại, lại có nhiều người đồng tình với sự sai trái ấy. Như ông Trung Trung Đỉnh, một đương kim Ủy viên BCH Hội Nhà văn VN, luôn ca ngợi Nguyên Ngọc, người đang trên tuyến đầu chống đối, còn định thành lập “Văn đàn độc lập”. Văn Công Hùng, một Ủy viên BCH khác của Hội Nhà Văn VN cũng ca ngợi Nguyễn Quang Lập, một nhà văn mới bị bắt và đã nhận tội, là: “Ở nước Nam này, nếu hỏi ai viết nhiều, làm việc nhiều, lao động nghiêm túc, tôi không ngần ngại trả lời: Nguyễn Quang Lập”.
Vì vậy, những cá nhân trong BCH Hội Nhà văn như ông Trung Trung Đỉnh, Văn Công Hùng lấy cớ tôi cực đoan để loại tôi là một hành động sai trái, bất minh, hoàn toàn chỉ vì nhận thức cảm tính chủ quan và cảm tình cá nhân.
- Nguyên Ngọc cũng cần phải có đại tài đức và đại ý chí. Nhưng thực tế xem chừng Nguyên Ngọc chỉ có số 0 tròn như cái trán dồ bướng bỉnh của ông, y như một chú bé học sinh cá biệt bất trị vậy.
- Tôi được “mật báo”, trong cuộc bỏ phiếu xét đơn xin vào Hội của tôi của BCH Hội nhà Văn VN, trong số người loại tôi có Nguyễn Quang Thiều. Không chỉ thế, Thiều còn là người vận động để tôi bị loại. Tôi vừa buồn vừa buồn cười. Buồn vì nhân tình thế thái. Buồn cười vì với cái đầu của tôi, nói theo kiểu các cụ “con ruồi bay qua cũng biết con đực con cái”, sao tôi lại từng ưu ái Thiều đến thế… Tôi có một mối quan hệ đặc biệt với Nguyễn Quang Thiều, rồi tôi sẽ viết thành nhiều “tập”. Thực ra thì cũng là có đi có lại. Thiều có quý tôi, có đăng thơ cho tôi thì tôi mới đáp trả lại.
-Ngô Bảo Châu viết về Nguyễn Quang Lập: “nhà văn này đã sớm tỏ rõ ông  chính là một trí thức thứ thiệt, có cái nhìn sắt bén về thế thái nhân tình, về hiện tình xã hội – chính trị Việt Nam. Ông không ngần ngại đăng tải những bài khá nhạy cảm, những lập trường phản biện khá dứt khoát có thể làm cho cơ quan chức năng khó chịu.Thái độ của ông chính là thái độ của một nhà văn chân chính, một kẻ sỹ có tinh thần trách nhiệm với xã hội mình đang sống”.
Một lần nữa Châu lại chứng tỏ mình chỉ biết cộng trừ nhân chia nên đã hoàn toàn sai trái khi thể hiện chính kiến và thái độ về những vấn đề và vụ việc thuộc lĩnh vực chính trị xã hội.
Hội Nhà Văn Hà Nội từng bỏ phiếu bầu Phạm Xuân Nguyên làm chủ tịch lại là việc bầu ra người không xứng đáng. Hội Nhà Văn Hà Nội là một tổ chức thuộc nhà nước nhưng Phạm Xuân Nguyên là người luôn phản đối nhà nước thực thi pháp luật, như từng lên tiếng ủng hộ những người phạm pháp và sai trái, từ Lê Công Định, Phương Uyên đến Nhã Thuyên và hôm nay là Nguyễn Quang Lập…
- Ngay ở Hội Nhà Văn VN cũng đã có những dấu hiệu lớp kế cận Nhà thơ Hữu Thỉnh đang ráo riết xây dựng lực lượng để giành quyền theo hình mẫu bầu bán của Hội Nhà Văn Hà Nội. Việc bỏ phiếu loại tôi như là một sự tập dượt của họ. Nếu họ thành công, lúc đó văn chương sẽ không “dĩ tải đạo” như lời dạy của cha ông nữa mà là tải tà đạo, Hội Nhà Văn sẽ là tập đoàn cứ điểm làm nguy cơ tồn vong của chế độ, theo lời TBT Nguyễn Phú Trọng, thêm nguy cơ hơn. Mà khi quyền lực tối cao rơi vào tay kẻ tham, kẻ dốt, kẻ ác, kẻ xấu thì đích đến của nước ta sẽ là Irắc, Lybi, Pakistan, Apganixtan chứ không phải là Bắc Âu, là Anh Pháp Mỹ, là Đức Ý Nhật đâu! Nên trong tình trạng bất ổn này, Hội Nhà Văn VN cũng cần ổn định như xã hội cần ổn định vậy, vẫn cần đến thế hệ Nhà thơ Hữu Thỉnh nắm trọng trách, có những sai trái yếu kém thì phải sửa, nếu không Hội Nhà Văn sẽ là mảnh đất gieo mầm và nuôi dưỡng sự phản loạn.
- …Đông La ngày đêm trằn trọc viết bảo vệ chế độ thế mà một khúc xương cũng không được gặm…
Nguồn: http://donglasg.blogspot.com/




Bổ sung 2 (28/12/2014): Một bài phản biện trên blog Bùi Văn Bồng.


THỨ NĂM, NGÀY 25 THÁNG 12 NĂM 2014


ĐÔNG LA LẠI LA LỐI, HẰN HỌC !


             * LỆ BÌNH
           Sáng nay đọc trang Blog của Đông La, thấy ông viết một bài  về việc ông bị loại trong cuộc xét kết nạp làm hội viên Hội nhà văn Việt Nam 
           Ông Đông La viết: “Từ lâu, khi xin nghỉ làm ở cơ quan nhà nước, tôi đã quyết từ bỏ mọi cuộc tranh đua. Trong chuyện viết lách thấy người ta sai thì viết, mong góp phần giúp cho độc giả hiểu đúng vấn đề, nhất là những vấn đề rất phức tạp về chính trị, tư tưởng, triết học và khoa học. Chỉ vậy thôi không cầu mong gì hết. Vậy mà vừa rồi tôi lại đồng ý làm đơn xin vào Hội Nhà Văn VN , và hôm nay tôi được người trong cuộc báo tin là tôi đã bị loại”.
           Mấy dòng chữ   vừa ngây thơ , vừa  cao đạo  vừa cay cú.  Đâu phải cứ làm trong  cơ quan nhà nước mới tranh đua ? Mà tranh đua thì có gì xấu? Chính tranh đua theo đúng nghĩa là một động lực để phát triển. Một người từng  khoe là bậc đại tài, muốn   “ giúp độc giả hiểu đúng vấn đề , nhất là những  vấn đề rất phức tạp  về chính trị, tư tưởng, triết học và khoa học…”  mà không hiểu được điều đó ư ?
>> Nhà văn Triệu Xuân nói về Đông La  

>> Đông La bỏ đi thói vu cáo chính trị hèn hạ  
            Ai cũng biết ở  đời  có cần  mới xin, có muốn  mới cầu .  Đông La cần vào Hội nhà văn ViệtNam , muốn có  cái danh Hội viên Hội nhà văn Việt Nam ,  nên mới  làm đơn xin vào hội. Đó là sự thật.   Nhưng ông lại  ngạo mạn viết:  “ Vừa rồi  tôi  đồng ý làm đơn xin vào Hội nhà văn”.  Thế có nghĩa là Đông La không muốn, không cần , mà có những người cần ông , đề nghị ông vào Hội nhà văn Việt Nam.  Những người đó là ai ?  Đông la viết : “Tôi bất ngờ nhận được điện thoại của anh, anh bảo hỏi mãi mới biết được số của tôi, anh bảo anh đọc từng chữ của tôi viết, “sao mày tài thế, giỏi thế, những bài viết của em có sức mạnh như những sư đoàn”. Từ đó, thấy lãnh đạo người ta cũng quý trọng mình thế...”
            Đông  La  chỉ đích danh  nhà thơ Nguyễn Quang Thiều  đã nói với ông : Cái gì chứ, giúp ông vào Hội tôi sẽ làm được. Ông nên vào Hội để còn giúp tôi một tay”. Và   giáo sư  Trần Thanh Đạm :  “Tôi cũng phải cảm ơn anh vì tôi rất vinh dự được giới thiệu người như anh vào Hội”.
             Các vị  như: Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều, Mai Quốc Liên, Trần Thanh Đạm … không thể giúp Đông La vào Hội nhà văn Việt Nam. Số đông trong Ban chấp hành đã không chấp nhận ông.
      Có lẽ một trong số đó là đại tá nhà văn Trung Trung Đỉnh, nên ngay lập tức bị Đông La la lối : “Tôi thấy ông Trung Trung Đỉnh, một đương kim Ủy viên BCH Hội Nhà văn VN,  luôn ca ngợi Nguyên Ngọc”.
   Nguyên Ngọc là một nhà văn đã có  những tác phẩm nổi tiếng “ Đất nước đứng lên”, “Rừng Xà Nu”, là một  người lính từng lăn lộn ở các chiến trường ác liệt suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, một người đã và đang cất tiếng nói dân chủ, đâu chỉ một nhà văn Trung Trung Đỉnh ca ngợi ông .  Vì không được Trung Trung Đỉnh  cho lá phiếu , mà ông Đông La  đã kết tội Trung Trung Đình , và một  lần nữa, ông ta  lại làm thay công việc của mật thám  để moi móc xỉa xói những nhà văn muốn cất lên tiếng nói dân chủ  đã được Hiến pháp quy định,  nhằm góp phần  làm cho chế độ tốt đẹp hơn . Ông  Đông La viết : “ Hội Nhà Văn là hội hoạt động với kinh phí của nhà nước nhưng mật độ chống phá nhà nước trong giới nhà văn lại rất cao. Ông Nguyên Ngọc hiện đang trên tuyến đầu chống đối, còn định thành lập “Văn đoàn độc lập… Năm ngoái một Hội viên HNV VN là Phạm Viết Đào bị bắt thì năm nay Nguyễn Quang Lập cũng mới bị bắt. Văn Công Hùng, một Ủy viên BCH khác của Hội Nhà Văn VN lại đi ca ngợi Lập.”
             Dù luôn khoe rằng mình không cần đãi ngộ, nhưng Đông La kể công : “  Đông La ngày đêm trằn trọc viết bảo vệ chế độ thế mà một khúc xương cũng không được gặm”.  Và ông ta đe dọa : “Tôi sẽ viết một đơn thư ngỏ gởi các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước và những cá nhân, cơ quan có trọng trách về Văn chương, nghệ thuật để chứng minh sự bất công này.”
               Tôi đã nghe nhiều người nói về ông Đông La, một dư luận viên xuất sắc, từng được các ông Đào Huy Quát, Hữu Thỉnh nâng đỡ, và cũng đã đọc nhiều bài viết của Đông La. Tôi không phản đối Đông La cũng như các dư luận viên, bởi đó là quyền của họ, chỉ  mong họ phản biện trung thực và  có văn hóa. Đông La thiếu hai điều đó. Ông là một con người quá thừa tự tin đến lỗ mãng, quá  thiếu  khiêm tốn đến kiêu ngạo, quá hằn học đến bệnh hoạn.  Ông tự vỗ ngực cho rằng mình hiều biết tất cả các lĩnh vực  văn học,  triết học,  duy vật,  duy tâm,  chính trị , luật pháp,  xã hội…nhưng  những trang viết của ông mà tôi đã đọc rất nông cạn. Trong khi  Đông La  tự  huyền hoặc về mình,  và về  nhà ngoại cảm Vũ Thị Hòa,  thì lại hạ thấp phẩm giá những người khác.  Tôi có cảm giác lý trí con người không còn tồn tại trong Đông  La , khi ông tự  khoe mình là “đại tài”, ca ngợi nhà ngoại cảm Vũ Thị Hòa là “ thánh” , và gọi các ông Nguyên Ngọc, Lê Hiếu Đằng … đáng tuổi bố mình bằng thằng, chửi bới Trần Mạnh Hảo, Phạm Xuân Nguyên , Thu Uyên…là chó.
              Số đông trong Ban chấp hành Hội nhà văn   không cho  Đông La vào Hội nhà văn Việt Nam.  Điều đó khiến tôi tin Hội nhà văn Việt Nam còn nhiều người tử tế.
                    L.B (Tác giả gửi BVB)




Bổ sung 1 (28/12/2014): Vẫn lấy từ blog Đông La, entry mới lên trong ngày 28/12/2014.

CHỦ NHẬT, NGÀY 28 THÁNG 12 NĂM 2014

NHÀ THƠ HẢI NHƯ: "NẾU TÔI CÓ QUYỀN, TÔI SẼ CHO THƠ ĐÔNG LA GIẢI NHẤT"


Người ta vào đọc “Đơn khiếu nại” quá trời, hôm qua 5000 lượt, sáng nay, còn đang ngái ngủ mà đã thấy 1000 rồi!
Tôi được “mật báo”, trong cuộc bỏ phiếu xét đơn xin vào Hội của tôi của BCH Hội nhà Văn VN, trong số người loại tôi có Nguyễn Quang Thiều. Không chỉ thế, Thiều còn là người vận động để tôi bị loại. Tôi vừa buồn vừa buồn cười. Buồn vì nhân tình thế thái. Buồn cười vì với cái đầu của tôi, nói theo kiểu các cụ “con ruồi bay qua cũng biết con đực con cái”, sao tôi lại từng ưu ái Thiều đến thế. Tất nhiên tôi không bất ngờ, vì quyền lực, anh em con vua còn giết nhau nữa kia mà, bạn bè thì là cái đinh gì. Nguyễn Quang Thiều có những thời kỳ từng bị thiên hạ (như Trần Mạh Hảo, Đỗ Hoàng, kể cả Trần Đăng Khoa) “uýnh như chó” (xin lưu ý tôi không chửi gì đâu vì Thiều từng viết kiếp sau xin làm con chó nhỏ mà), tôi đã nai lưng ra viết để chống đỡ, bảo vệ Thiều. Tôi biết Thiều không thể tự bảo vệ được vì chuyên môn của Thiều thực chất chỉ là tiếng Anh, bình tán chung chung thì Thiều rất khéo viết, nhưng cãi lý thì không thể. Tôi có một mối quan hệ đặc biệt với Nguyễn Quang Thiều, rồi tôi sẽ viết thành nhiều “tập”. Thực ra thì cũng là có đi có lại. Thiều có quý tôi, có đăng thơ cho tôi thì tôi mới đáp trả lại.  Một trong những chuyện mà tôi phải nhớ ơn Thiều là hồi Thiều làm biên tập ở Báo Văn Nghệ của Hội nhà Văn VN, Thiều thỉnh thoảng gọi cho tôi: “Ông gởi một chùm thơ đi”. Tính tôi lười sáng tác, chính do đốc thúc của Thiều thành ra tôi lại làm được những bài thơ quan trọng nhất của mình. Thiều chưa viết một chữ nào khen tôi nhưng khen miệng thì chính Thiều khen tôi ghê gớm nhất. Như khi đăng cho tôi bài “Những cái xác” có 4 câu, Thiều bảo “ông hay hơn Chế Lan Viên rồi”, còn bình tán trên điện thoại cả nửa tiếng. Còn bài “Những nhịp cầu” Thiều bảo “Ông Hữu Thỉnh khen bài Những nhịp cầu của ông đấy. Ông ấy bảo cuộc thi lần này bảo Đông La dự thi đi”. Thời điểm đó là trước Giao thừa Thiên niên kỷ, tôi đã được mùa sáng tác. Tôi đã viết truyện ngắn Bài toánmà dư luận trên Báo Văn nghệ cho là hay nhất trong nhiều tháng, còn được dựa vào dựng phim; tôi cũng viết bài phê bình về cuốn của Đỗ Minh Tuấn và bài thơ dài Tổ quốc-nửa bàn chân dính bùn và máu, cả hai đều được VNQĐ tặng thưởng; còn bài Cánh đồng quê tôi sẽ đăng sau đây, tôi đã viết sau cuộc nói chuyện với Nguyễn Quang Thiều để dự thi trên Báo Văn nghệ. Đăng lên, Nhà thơ Hải Như, tác giả lời ca khúc bất hủ Thành phố hoa phượng đỏ, đã đi hỏi số điện thoại của tôi gọi: “Đông La biết tôi là ai không? Tôi từng giới thiệu Vũ Tú Nam (từng giữ chức như Chủ tịch Hội Nhà văn bây giờ) vào Hội đấy. Nếu tôi có quyền sẽ cho chùm thơ của Đông La giải nhất. Thơ Đông La hiện đại nhưng đã đạt đến sự giản dị, không như thơ Nguyễn Quang Thiều hiện đại, nhưng rối rắm, bắt chước nước ngoài”. Ông Lê Huy Mậu, tác giả lời bài hát Khúc hát sông quê của Nguyễn Trọng Tạo, còn làm hẳn bài thơ về bài Cánh đồng quê của tôi để tặng tôi. Cuối cùng giải nhất cuộc thi đó lại trao cho những bài rất buồn cười mà tôi đã viết một bài phê phán, tác giả là anh em kết nghĩa với Thiều, chỉ bạn bè với nhau biết, giờ nói tên ra người lạ chắc chắn không biết là ai. 
Hôm nay chủ nhật đăng lại bài Cánh đồng quê chơi.
28-12-2014
ĐÔNG LA

7 nhận xét:

  1. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Phải thừa nhận là tay này có cái gì đó kỳ dị, khác người? Nếu vào thời đang thịnh của CNCS thì có lẽ tình thế đã khác.
      Ngày nay, thì ngay cả những người thuộc phái bảo hoàng của ''hội đồng lý luận TW" cũng ngại ngần "công khai" ủng hộ con người này.
      Dẫu sao cũng thừa nhận xh đang được ''tự do hóa'' và chúng ta cũng nên làm quen dần với sự khác biệt!!!

      Xóa
  2. Đông La cùng quê HD với tôi, tôi chỉ biết qua bài viết trên VN TP song bài viết nhạt nhẽo sai kiến thức, còn hỗn láo ới mọt SÓ người như Nguyên ngực, Chu Hảo, Ng Quảng A...không vào Hội Nhà Văn VN chẳng có gì lạ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tựa như bác viết bằng Ipad hay sao, mà thấy lỗi chính tả nhiều ?

      Xóa
  3. Bổ sung 2 (28/12/2014): Một bài phản biện trên blog Bùi Văn Bồng.


    THỨ NĂM, NGÀY 25 THÁNG 12 NĂM 2014

    ĐÔNG LA LẠI LA LỐI, HẰN HỌC !

    Trả lờiXóa
  4. Bổ sung 4 (30/12/2014): Bài tiếp trên trang Đông La.

    THỨ HAI, NGÀY 29 THÁNG 12 NĂM 2014
    DỰ THẢO KIẾN NGHỊ GỞI ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

    Trả lờiXóa
  5. Bổ sung 6 (31/12/2014): Trả lời của nhà văn Khuất Quang Thụy.

    Về một vài dư luận xung quanh việc xét kết nạp Hội viên mới (2014) của Hội Nhà văn Việt Nam

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.