Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

10/12/2014

Dừng lại và giải thủy bạc : Những mẩu chuyện của Trần Độ về Cụ Hồ

Chữ "dừng lại" là nguyên trong khẩu lệnh. Còn chữ "giải thủy bạc" là mượn của Nguyên Hồng (trong những chuyện về Hải Phòng thời ông mới gần hai mươi đã viết những nàng Bỉ vỏ, những hiệu sách Tàu, cớm và a phiến).


Toàn văn ở dưới là chép nguyên xi về từ trang của người con trai tướng Trần Độ.

---


Thứ Tư, ngày 10 tháng 12 năm 2014



Chương 9
Vài kỷ niệm về Cụ Hồ

Tôi vào bộ đội ngày 19 tháng 8 năm 1945 với cái chức chính trị viên khu và đã gặp ngay những chuyện oái oăm trở thành kỷ niệm vui của một thời làm cán bộ quân sự. Là chính trị viên thì công việc hàng đầu là hoạt động của chi bộ. Công tác chi bộ ở đơn vị làm gì và làm như thế nào, khác nhau và chỗ giống với chi bộ bên ngoài ra sao? Tình hình lại hết sức khẩn trương, nóng bỏng, không chần chừ được. Để gỡ sự lúng túng đó tôi vời đến ông Trường Chinh. 

Mời được Tổng Bí thư đến dự hội nghị chi bộ là vinh hạnh lớn nhất đối với anh chị em đảng viên. Còn tôi thì kín đáo học cách ông cụ khai hội cùng những điều cần đưa ra thảo luận và lấy nghị quyết. Cụ cũng không câu nệ gì cả mà vui vẻ tham dự. Là quân đội cách mạng của nhân dân, là Tổng Bí thư của Đảng lãnh đạo, suy cho cùng thì việc có mặt đồng chí Trường Chinh ở cuộc họp rất có ý nghĩa cho cả hai phía, là một sự cần thiết nữa. Còn đối với anh phụ trách công tác chính trị ở đơn vị là tôi thì nhờ Tổng Bí thư mà thu được “bài học vỡ lòng” quan trọng để làm cẩm nang. Cũng cùng thời gian này, chính trị viên Trần Độ được Bác Hồ nhận xét góp ý về vấn đề làm người cán bộ trong quân đội cách mạng.
Phim tài liệu trên VTV: Cụ Hồ bắt tay ông Trần Độ khi sang Pháp 1946

Thời kỳ còn đóng ở trại Bảo An binh cũ, trước cửa rạp Tháng Tám, anh Vương Thừa Vũ là khu trưởng và tôi là chính trị viên, khi là hai thủ trưởng của một đơn vị quân sự lớn mà vẫn cái bát, đôi đũa liền tay. Với thủ trưởng thì nhà bếp có bày riêng cho một rổ, bên là cơm, bên rau muống luộc, thêm tí thịt kho hay cá kho tuỳ bữa. Bát đũa thì mỗi người đều tự lo. Ăn xong, có người thu dọn rổ, còn bàn ăn thì thực khách tự lau dọn. Chén đũa tự rửa và của ai người nấy mang về chỗ ở của mình mà cất. Chỗ ngủ qua đêm của mỗi anh là cái bàn làm việc, không màn không mền, không gối. Cứ co ro trên mặt bàn suốt đêm. Đời sống tư lệnh cũng y như các chiến sĩ. Tôi thấy cứ điệu này thì tạm bợ quá, lấy đâu ra sức lực mà trụ lâu dài, làm ăn gì được. Trăn trở mãi, rồi tôi nhớ tới truyện tàu, họ có nói tới công việc hỏa đầu quân, lo cơm nước cho bộ đội. Điều đó khác với tình cảnh chúng tôi lúc đó. Hàng ngày cứ một dàn bốn năm cô gái má phấn môi son, áo dài màu tha thướt đến làm bếp cho bộ đội. Phải thừa nhận, chị em rất chí tình lo toan công việc ăn uống, ríu rít hồn nhiên, mang tới một không khí thanh bình cho đơn vị. Nhưng cơm thì khi sống khi khê, bữa no bữa đói nhiều hôm đến hai giờ chiều vẫn chưa có ăn. Còn chị em thì đầu tắt mặt tối. Các chị em vốn thành thạo trong khuôn gia đình thì cái bếp “đại táo” này đâu có đất, có điều kiện cho anh chị em đua tài. Xem ra người nấu như kẻ ăn đã đến lúc mệt nhoài mà bữa cơm ngày càng tồi tệ. Chúng tôi thấy phải có lính biết bếp núc tử tế mà chuyên trách. Tôi cho đăng tuyển hỏa đầu quân với điều kiện là biết làm bếp, sức khỏe tốt. Sau kỳ báo đầu tiên đã đông người kéo đến. Mấy chục đầu bếp của các nhà hàng rất nổi tiếng ở Hà Nội lúc đó như Mỹ Kinh cũng xin đầu quân. Họ được tuyển vào đơn vị. Từ khi có hỏa đầu quân thì việc ăn uống của đơn vị thay đổi cơ bản: cơm ngon, canh ngọt, thức ăn thay đổi. Ăn đúng giờ quy định, theo đúng quy chế phục vụ. Một hôm, chúng tôi nhận được thông báo là Hồ Chủ tịch sẽ tới thăm đơn vị. Tin đó làm cả ban chỉ huy bấn lên vì không ai biết đón tiếp Chủ tịch nước thì phải như thế nào. Quân đội chưa có điều lệnh, Nhà nước chưa có quy định nghi thức nào cả. Vậy nghi lễ đón Chủ tịch Nước thì phải như thế nào? Hẳn là không thể xuềnh xoàng được. Tôi lại là chính trị viên, phải làm sao thể hiện đúng yêu cầu ý nghĩa chính trị khi nghênh tiếp. Quân phục lúc bấy giờ chưa có, nhảy vào kho quân nhu lính khố xanh vớ được thứ gì bận thứ đó. Cả đơn vị muốn đồng phục thì chỉ mặc quần soóc và đi dép da trâu. Không đẹp, không lịch sự, nhưng cũng là trang phục nghiêm chỉnh trong điều kiện có thể. “Còn mình đứng ra trực tiếp đón Bác mà lại quần soóc có nên không?”. Tôi lo lắng thật sự, đưa ra ban tham mưu bàn. Các đồng chí đều nghĩ đến điều tôi đang quan tâm, bàn rằng phải đi mượn một bộ com-plê và phải kiếm cả cà vạt thắt cho ra vẻ lễ phục, vì cụ là Chủ tịch nước cơ mà. Tôi nghe bùi tai, yên trí như thế mới phải phép với Chủ tịch nước. Khi Bác từ trên xe bước xuống, khoan thai đi vào. Tôi với tư cách là chủ nhà đón khách quý hăm hở ra chào Bác. Tôi bỗng lúng ta lúng túng không biết nên chào thế nào. Chẳng lẽ trang phục như tôi lúc đó mà lại chào kiểu nhà binh? Tôi nhanh trí đứng nghiêm cung kính chào Bác. Bác đưa tay ra bắt tay tôi và nắm lấy luôn. Tay kia Bác nắm lấy cà vạt tôi đang mang. Bác hỏi: “Chú làm gì ở đây?”. Tôi lễ phép thưa: “Báo cáo Bác, cháu là chính trị viên”. Bác bèn bảo:

- Là chính trị viên mà ăn mặc thế này ư? Đi đâu mà phô-côn (cổ sơ-mi giả), cà-vạt thế này?

Bác chỉ anh em trong đơn vị đứng trong hàng ngũ, nói tiếp:

- Quân đội thì phải đồng cam cộng khổ, mà chú là chính trị viên, chú lại muốn làm giai cấp khác với anh em sao?

Tôi sa vào cảnh “trời trồng”, vừa muốn thưa với lòng cung kính nhất: “Bác ơi! Hôm nay đoàn Bác đến. Cháu chạy đi mượn bộ quần áo làm lễ phục đón Bác cho phải phép”. Vừa cảm thấy vô duyên không dám nói vì Bác đang đề cập đến một nội dung đáng phải chú ý hơn, làm việc thanh minh của tôi trở thành khó nói. Thế là đành chết cay chết đắng chịu “trời trồng”, đất không nứt ra để chui xuống.

Chào hỏi xong, Bác hỏi:

- Bếp đâu?

Tôi dẫn Bác đi thăm nhà bếp. May mà chúng tôi đã có hỏa đầu quân. Bác quan sát xong hỏi tiếp: “Chuồng xí đâu?”. Tôi đưa Bác đi. Bác lại hỏi: “Thế còn vườn rau?”. Tôi thưa: “Dạ, chưa có vườn”. Bác chỉ đám đất cỏ kế đó nói: “Thế đất này để làm gì? Phải tăng gia chứ”. Bác đi vào phòng khách rồi nói “năm điều” bộ đội cần thực hiện cho tốt.

Một lần khác, Bác cho gọi Đàm Quang Trung và tôi lên chỗ làm việc của Bác ở Bắc Bộ phủ. Lúc này anh Vương Thừa Vũ không làm khu trưởng nữa mà là anh Quang Trung. Thời đó, cán bộ bận bộ đại cán (loại áo bốn túi, cổ bẻ). Nhìn sang Quang Trung, tôi thấy anh mang cà vát đàng hoàng. Bụng hư hư thực thực, tôi không nói gì với Quang Trung. Song đến khi hai thằng sắp hàng trước chiếc bàn. Bác đang ngồi làm việc, tôi liếc sang thì cổ áo anh Quang Trung đã không mang cà vạt nữa. Thì ra khi bước lên cầu thang, cậu ta đã rút ra đút túi và gài kín cổ áo thật chỉnh tề. Tôi lại cứ để cổ bẻ. Ông cụ nhìn, chỉ tôi hỏi:

- Chú là bộ đội sao ăn mặc thế này? Chú không hiểu là quân phục của quân đội là phải gài kín cổ cho đứng đắn. Đừng có chuyện ăn chơi như thế!

Nói xong, Bác cho mỗi thằng điếu thuốc châm lửa hút. Tôi vội vàng đưa hai tay lên cổ cài cúc áo. Lúng túng thế nào đầu lửa châm một phát vào ngay cổ. Càng đau hơn! Trên đường về, tôi trách Quang Trung:

- Cậu đếch phổ biến kinh nghiệm cho anh em. Chỉ biết lo cho thân cậu, để mình bị thuốc châm rát cổ.

Đúng như các cụ ngày xưa thường nói: chẳng có cái dại nào giống cái dại nào! Tuy thế càng về sau, những chuyện này lại thành những kỷ niệm thật êm đềm. Rõ ràng ông cụ rất nghiêm, không bỏ qua bất cứ thiếu sót nào, đồng thời rất mực thân ái, rất tình cảm. Do vậy cái nghiêm khắc cùng lòng nhân ái làm ta nhớ khắc sâu trong lòng thành những kỷ niệm khó quên. Nó làm ta gần Bác thêm, yêu Bác hơn. Sức cảm hóa của Bác thật kỳ diệu.

Tôi còn được tiếp xúc nhiều lần với Bác. Mỗi lần Bác gọi lên, tâm trạng đều không yên, biết là có chuyện Bác mới cho gọi. Nhưng cái e dè ấy lại mau chóng bị một nỗi vui được gặp Bác lấn át. Rút cuộc là một cảm xúc lâng lâng sâu lắng dần, đó là nỗi vui sướng, là hạnh phúc được hưởng điều mình mong ước ngày đêm là được gặp Bác. Quá trình làm việc tôi cũng có dịp tiếp xúc, được làm việc với nhiều đồng chí lãnh đạo cấp trên. Nhưng không một ai gieo cho tôi thứ tình cảm lạ lùng này: nó nâng tôi lên, làm tôi tự tin hơn, hưng phấn lao tới những gì tốt đẹp hơn, nhân văn hơn.
Ông Trần Độ trong lễ tiễn Cụ Hồ đi Pháp năm 1946

Tôi hoạt động quân sự. Nhưng ngày lịch sử 19 tháng 12 năm 1946, ngày kháng chiến toàn quốc lại chẳng có gì để nói. Công việc ngày đó hoàn toàn là do ông Vũ bày mưu tính kế, đề ra kế hoạch. Tôi chỉ làm việc phóng môtô đi hô hào tự vệ đắp ụ chặn đường. Ông Vũ cũng có ý đưa ra bàn bạc, nhưng hễ ông ấy nói gì, thì tôi đồng ý luôn. Sau này khi tôi đã kiếm được ít kiến thức quân sự thì tất nhiên có khác. Thế mới nên tướng chứ.

Ra khỏi Hà Nội thì tôi được chỉ định làm phó chính ủy Liên khu II, tức từ vùng Hà Đông, Sơn Tây xuống tới Hà Nam, Ninh Bình. Ông Hoàng Sâm là khu trưởng, ông Lê Hiến Mai là chính ủy. Tôi đươc bổ nhiệm làm phó chính ủy, nhưng đồng thời là quyền chính ủy. Ông Vương Thừa Vũ vẫn chỉ huy ở Hà Nội làm khu trưởng khu 11. Ông Hoàng Sâm và ông Lê Hiến Mai chỉ huy bộ đội tiến về miền Tây, gọi tắt Tây tiến. Anh em đùa nói là mình rút đến đâu Tây theo tới đó, đúng là “Tây tiến” thật.

Hồi này, nhận chức vụ, tôi đã biết sơ sơ công việc của anh chính trị viên phải làm rồi. Lúc này có bà tên gọi là Ba Hoán là cán bộ cách mạng thoát ly làm kinh tế rất tháo vát, giỏi giang đang làm nhiệm vụ như một chủ nhiệm hậu cần của liên khu. Về hôm trước thì hôm sau tôi tìm đến gặp bà. Ý định của tôi là nắm tình hình theo kiểu chị em trò chuyện với nhau. Tôi hỏi:

- Chị à, gạo nước ra sao? Bộ đội có đủ gạo ăn không? Dự trữ được bao nhiêu?

- Khắp chỗ có kho hết, chỗ nào cũng có.

Bà trả lời kiểu chung chung như thế, không nói có bao nhiêu tấn, bao nhiên tạ.

Tôi lại hỏi:

- Thế còn quần áo cho anh em?

Bà đi lại chỗ mấy cô đang ngồi may ở ba chiếc máy khâu, nói:

- Đấy, thợ và máy! Liên khu có đủ hết.

Tôi hỏi thêm:

- Thế còn tiền tiêu vặt cho anh em, có không chị?

Đến đây bà ta lộ vẻ cáu kỉnh:

- Anh kiểm tra tôi đấy à?

Một sự phản ứng bất ngờ. Tôi thanh minh để xoa dịu:

- Xin chị! Chả là tôi mới về đây, chưa biết tình hình các mặt ra sao cả. Chị là chủ nhiệm hậu cần của liên khu, là người nắm đầy đủ các vấn đề này, tất nhiên có thể giúp tôi biết tình hình chính xác nhất. Tôi không dám kiểm tra kiểm triếc gì đâu!

Dù vậy bà ta cũng không cho biết gì thêm. Hôm sau có người báo lại cho tôi hay: Bà ta đã hỏi anh ta về tôi: “Cái tay ấy đã là đảng viên chưa?”. Đó cũng là điều biểu hiện sự hiểu biết của bà ấy về tổ chức quân đội cách mạng. Được bổ nhiệm là phó chính ủy liên khu mà bà ấy vẫn cho là có thể chưa phải đảng viên! Người ấy đã trả lời bà: “Tôi nghĩ phải là đảng viên rồi, mà còn là đảng viên lâu năm nữa mới được bổ nhiệm là phó chính ủy chứ!”. Bà ấy còn đe:

- Gớm thật. Muốn kiểm tra tôi. Là đảng viên thì tôi chịu, nếu không thì sẽ biết tay tôi!

Nghe anh em kể chuyện về tính nết của bà này tôi mới hay: Trương Công Cẩn lúc ấy là chính ủy trung đoàn, được bà ta “ưa” đặc biệt. Mỗi lần gặp bà là Cẩn “chị chị em em” ngọt như mía lùi, không quên biếu chị một gói thuốc lá. Vốn là người nghiện thuốc nặng, bà còn mong quà nào hơn nữa. Đáp lại nghĩa của em biếu chị thì chị hào hiệp với em khi cân gạo. Cần bao nhiên có bấy nhiêu, thậm chí chị còn rộng rãi hơn cả em mong đợi. Còn ai đó làm việc với bà mà theo nguyên tắc thì sẽ được bà nguyên tắc hơn, gây khó dễ thậm chí còn bị mắng té tát. Bà tự nhận mình là người nắm “tay hòm chìa khóa” trong liên khu, không một chi tiêu nhỏ nào không do bà quyết định. Sau này, tôi không còn biết bà ta làm ở đâu nhưng bộ dạng cái “bà cách mạng” ấy chẳng làm sao quên được. Một người đàn bà trắng trẻo béo tốt, trong ngoài năm mươi luôn luôn lên mặt bà chị cả, xem tất cả là em út trong nhà. Đến tư lệnh cũng phải xin ý kiến của bà. Về quân nhu lương thực thì bà tự cho mình được toàn quyền, còn kế hoạch tác chiến thì bà lại tự cho mình không cần biết tới. Thế là cứ vừa ý bà, khéo xin khéo nịnh thì xong mọi việc. Còn với ai bà cho là láo xược (với bà) thì cứ đợi đấy! Trước anh Hoàng Sâm là anh Văn Tiến Dũng làm khu trưởng và chính anh đã xếp chị này vào nhiệm vụ đó. Để công việc trôi chảy tôi cũng tới cuộn thuốc lá cho bà, chuyện trò. Rồi quan hệ dần dần được cải thiện. Sau đó ít lâu, “bộ đội Tây tiến” cũng rút về và có lẽ vai trò của tôi ở đó cũng không cần thiết nữa, cấp trên điều tôi lên Việt Bắc.

Trước khi chuyển, tôi được dự hội nghị chính trị viên toàn quốc. Cuộc họp khá long trọng, tuy chưa có nề nếp quy củ như ngày nay. Các ông Lê Hiến Mai, Hoàng Sâm, Vương Thừa Vũ đều tới dự. Thành viên có đến năm sáu chục chính trị viên ở các đơn vị từ trung đoàn trở lên. Khai mạc cuộc họp có cử quân nhạc hẳn hoi. Lẽ dĩ nhiên, nội dung cuộc họp là bàn công tác chính trị mà mỗi người đang nhận thức theo cách nghĩ của mình. Sự lớ ngớ của các đại biểu đến là buồn cười. Hôm tập hợp để làm lễ khai mạc, chưa đến giờ quy định nhưng không khí rời rạc, trầm lắng. Đội kèn nổi lên giật giọng “toét toe, toét toe” giữa không gian tĩnh mịch, im ắng. Thế là cả hội trường cũng giật nảy người đứng lên... chào cờ. Chỉ huy quân nhạc phải lên xin lỗi: “Chưa phải nhạc chào cờ. Chúng tôi xin phục vụ hội nghị và dạo kèn cho sôi nổi. Khi nào đến nhạc chào cờ, các đồng chí mới phải đứng lên”. Chính tôi cũng bật dậy đứng nghiêm trang, nhưng rồi biết ngay là mình đã lầm. Ông Lê Hiến Mai ngồi bên cũng đã hích tôi thúc dục: “Đứng dậy chào cờ”. Rồi quay sang hỏi “Kèn chào cờ đổi rồi à cậu?”. Cái ấu trĩ của buổi ban đầu là như vậy và khá phổ biến ở nhiều nơi, nhiều việc.

Tôi lên Việt Bắc được giao trách nhiệm ở Cục Chính trị, lúc ấy gọi là Cục Chính trị chứ chưa phải là Tổng cục. Năm 1947 ông Văn Tiến Dũng là Cục trưởng Cục Chính trị. Tôi được nghỉ phép một thời gian để thu xếp việc nhà vì gia đình tôi đã lên đó. Chính là lúc vợ tôi sinh đứa con đầu lòng. Cứ vài hôm tôi lại đến Cục Chính trị để xem được bố trí công tác thế nào. Sau đó tôi được làm Phó Phòng tuyên truyền, Trưởng phòng là ông Lê Tất Đắc. Trước đó đã có một Phó Phòng là anh Phan Phúc Tường. Tôi về đó, thêm một Phó Phòng nữa. Ít lâu sau, các ông ấy phân công tôi phụ trách báo, làm chủ nhiệm tờ “Vệ Quốc quân” vốn thuộc Phòng quản lý. Ông Phan Phúc Tường phụ trách công tác huấn luyện và ông Lê Tất Đắc phụ trách chung. Chức vụ chính thức của tôi là Phó Phòng tuyên truyền vừa là chủ nhiệm báo Vệ Quốc quân, Chủ nhiệm cũ là anh Ngô Điền đi nhận công tác khác. Khi giao thiệp với các cơ quan thì cái chức Chủ nhiệm tờ báo xem ra oai hơn. Vì rằng Chủ nhiệm là thủ trưởng một đơn vị đàng hoàng, lại là một tờ báo, là cơ quan ngôn luận, hơn đứt các cơ quan hành chính. Bộ Quốc phòng thời đó có Bộ Tổng tham mưu. Các cơ quan nhỏ hơn gọi là Cục như Cục Tác chiến, Cục Quân huấn, Cục Quân lực. Thế là Cục Chính trị bên này cũng chỉ là đơn vị ngang hàng. Mình là Phó Phòng tức là dưới hai bậc. Mỗi lần họp hành, bên chính trị không ai được ngồi ngang hàng với tham mưu cả. Mình thuộc loại cán bộ phục vụ điếu đóm chỉ ngồi “ghế xếp”, nghĩ cũng tủi thân lắm! Khổ nỗi họ vốn là bạn bè quen biết thân thiết. Như Vũ Văn Cẩn - Cục trưởng Quân y, Đỗ Đức Kiên - Cục trưởng Cục Tác chiến đều là bạn cũ quen thân. Đến ngày tôi đưa danh thiếp Chủ nhiệm báo Vệ Quốc quân thì được xếp ngồi cùng hàng các Cục trưởng. Điều oái oăm này không khỏi gây nên so sánh suy nghĩ.

Những cuộc hội nghị đều có nghị quyết về tình hình và nhiệm vụ đã từng bước thúc đẩy sự nghiệp kháng chiến thu thắng lợi mới lớn hơn nhưng cũng còn những chuyện bên lề rất đáng ghi nhớ. Như hội nghị tổng kết chiến dịch Đông Bắc thì nổi tiếng là mục mác xung kích. Đại đoàn 308 ngày đó đánh các đồn đều dùng mác. Và hội nghị có trưng bày “mác xung kích”.

Các hội nghị thường có mời các bà ở Trung ương hội phụ nữ tới lo bếp núc. Bác Hồ đến thì việc đầu tiên là Bác vào bếp ngó ngó xem xem rồi hỏi: “Lần này có thứ gì “văn hoá” cao?”. Vậy là Bác quan niệm bếp là văn hoá. Bữa ăn hội nghị có gì kha khá, Bác gọi là văn hoá cao, sút kém tức là văn hoá thấp.

Bác thường đi thăm bộ đội, thăm cả các tù binh. Phong cách bình dị của Bác lưu lại ở mọi nơi Bác tới ấn tượng đặc biệt ưu ái. Mỗi lần được gặp Bác, lòng mỗi người lại cảm thấy phấn chấn hơn, ấp áp tình nghĩa hơn bởi những lời dặn dò rất đời thường nhưng lại rất Hồ Chí Minh.

Một lần sau chiến dịch biên giới, Bác tới thăm một đơn vị. Giữa khoảng trống lớn, cả đơn vị tập kết hàng ngũ chỉnh tề đón Bác. Lòng ai cũng xốn xang được đón Bác tới thăm. Sau khi hỏi han tình hình chuẩn bị, Bác hướng tới các chiến sĩ:

- Các chú có vui không?

Cả đơn vị đồng thanh đáp:

- Vui lắm ạ!

- Các chú được ăn no không?

- Thưa Bác no lắm ạ.

Bác lại hỏi tiếp:

- Các chú... có... ỉa bậy... không?

Đến câu hỏi quá bất ngờ này cả hàng quân im ắng. Như đụng phải tim đen, lác đác có cậu kín đáo cấu véo người đứng bên cạnh và rúc rích cười. Rồi có tiếng trả lời dè dặt:

- Thưa... thưa... thưa... có ạ!

Bác lướt nhìn bao dung, nhẹ nhàng nhắc nhủ:

- Các chú nên nhớ rằng đi ỉa cũng phải có chính sách, nghĩa là giữ vệ sinh cho địa phương, làm vừa lòng nhân dân sở tại. Nhớ đào hố tiêu. Có vội đến đâu thì các chú nào cũng luôn luôn có xẻng quân dụng bên người làm cái hố mèo vậy. Đi xong lấp đất kín đáo sạch sẽ. Được vậy thì dân mới quý, mới thương. Các chú ỉa bậy thì ở đâu dân cũng ngại các chú đến lắm!

Lại một lần Bác đến thăm sư đoàn tôi ở rừng Phú Thọ. Đơn vị dựng lán tạm bợ. Ban chỉ huy sư đoàn có được mấy căn nhà nhỏ, cũng là tranh tre cả. Ở một căn có thêm được chiếc giường con. Lúc tôi đang có mặt tại đó thì anh quản trị dọn cơm lên mời Bác giữa lúc Bác đang hút thuốc. Điếu thuốc mới cháy hết 1/3, Bác đưa anh điếu thuốc hút dở nói:

- Này chú, cho chú điếu thuốc. Chú biết không, gái đẹp một con, thuốc ngon nửa điếu. Đừng coi thường thuốc hút dở!

Anh quản trị mừng rỡ đón điếu thuốc Bác đưa, tắt lửa để dành và xin lui ra. Ai cũng rất trân trọng sự chân tình của Bác.

Đến tối, ban chỉ huy sư đoàn đưa Bác ra chỗ tập hợp. Anh Tấn dẫn đầu, đi liền sau là Bác và cán bộ văn phòng rồi đến số cán bộ địa phương và các cán bộ trung đoàn và sư đoàn. Quãng đường cũng đến hai mươi phút, đường rừng phải đi hàng một kéo dài. Sắp đến nơi tập trung thì nghe tiếng Bác hô: “Đứng lại” kéo dài. Cả đoàn dừng lại chưa hiểu vì sao thì lại nghe Bác hô tiếp: “Đái!”.

Đi đường đông người lại đi hàng một dài thành đoàn như hôm đó, với sự kích thích buồn đái thường xảy ra thì việc giải quyết đi giải như vậy cũng là tổ chức cần thiết và rất hợp với điều mong muốn của đông người lúc đó. Lại có tiếng hô:

- Đái xong. Đi.

Cả đoàn người chuyển động tiếp, thảnh thơi, trật tự không ùn tắc giữa đêm rừng tối như bưng hôm đó... Lát sau đến bãi cỏ nơi cả đơn vị tập trung chờ. Đặc điểm tuổi tác thời đó cán bộ thì trẻ, còn lính đa số là nông dân còn lớn tuổi. Bác nói ngắn gọn và thiết thực :

- Bác đến thăm các chú. Bác chúc các chú sức khỏe, chúc chiến thắng. Bác không có quà gì. Bắc muốn hôn các chú. Nhưng đơn vị đông, vậy cử đại diện lên với Bác.

Cả đoàn quân náo động trước lời đề nghị. Được Bác ôm và ôm hôn Bác thì còn phần thưởng nào bằng. Nhưng lời đề nghị Bác nêu ra bất ngờ quá làm mọi người lúng túng. Đang như vậy thì một cán bộ trẻ đứng gần Bác đã bước lên xung phong nhận vinh hạnh Bác giành cho giữa tiếng reo cười nồng nhiệt của cả đơn vị.
Kỷ niệm về Bác thì còn nhiều, tôi chỉ ghi lại đây một vài kỷ niệmnhỏ của đời thường, giản dị mà có ý nghĩa sâu sắc.
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập II, Nxb Hội Nhà văn, 2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.