Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

19/12/2014

An Nam thời 1627, qua một "công thư" của Trịnh Tráng

Về lá thư của Trịnh Tráng gửi cho phía nhà thờ công giáo phương Tây đã được một số nghiên cứu nhắc tới và bàn luận từ lâu (sớm nhất là từ thời Đắc Lộ, rồi là phát hiện lại vào cuối thế kỉ 19, và trước 1975 đã có Võ Long Tê và Đỗ Quang Chính cùng nhiều người khác ở Sài Gòn). 

Văn bản đang được xem là có niên đại 1627, và nhóm nghiên cứu ở Đức thì đặt giả thiết: có thể là văn bản ngoại giao cổ nhất của Viêt Nam mà hiện còn giữ được nguyên vật. Nhưng, thật ra, theo quan điểm của tôi, thì năm 1627 đã khá muộn rồi. Có một số văn thư cổ hơn nữa (tôi đã giới thiệu vắn tắt kèm ảnh chụp trong một bài in năm 2013). Và có hẳn một sê-ri liền mạch cổ hơn năm 1627, nhưng muộn hơn văn thư mà tôi đã đề cập, thì có những nghiên cứu của Lê Dư (trước năm 1945), gần đây là Phạm Hoàng Quân, Phan Thanh Hải,...

Thật ra, cổ hơn hết thảy những nhóm văn thư trên (đã là những năm cuối thế kỉ 16, và sang đầu thế kỉ 17), gần đây, tôi đang tiếp cận với nhóm có niên đại từ đầu thế kỉ 16, và rõ ràng là văn thư của nhà Mạc ở Thăng Long gửi phương Tây. Tựa như nhà Mạc mới chính là triều đại đầu tiên trong lịch sử Việt Nam đã viết thư cho phương Tây. Năm 1592, khi nhà Mạc mất Thăng Long, phải tiến lên chiếm cứ vùng Cao Lạng, thì chú bé Đắc Lộ mới vừa được sinh ra ở Pháp. Sau này, đến thập niên 1620 thì "chú bé" ấy mới đến An Nam đã là giang sơn của Lê Trịnh ở vùng miền xuôi.



Ở entry này, thuần túy lưu tư liệu là chép nguyên xi hai mẩu lấy về từ trang cá nhân của Trương Hồng Quang (một người Việt đang ở Đức, và có tham gia vào công việc nghiên cứu của một người Đức về hoạt động của cha Đắc Lộ ở An Nam hồi thế kỉ 17).

Đại khái, về "công thư" này thì như sau:

"

Lịch sử văn học Công giáo: Chương II – Sự hình thành ngôn ngữ Công Giáo

IV. QUỐC THƯ CỦA CHÚA TRỊNH TRÁNG (1627)
Năm 1627, các giáo sĩ Alexandre de Rhodes và Pedro Marquez được chúa Trịnh Tráng (1722-1657) cho phép lưu trú ở Kẻ Chợ (Hà Nội) để truyền giáo.
Nhân dịp thương thuyền Bồ Đào Nha trở về Áo Môn, chúa Trịnh Tráng có gởi cho cha Phụ tỉnh Dòng Tên một quốc thư khắc trên miếng đồng lá. Văn kiện ngoại giao này gảy mất mấy hàng đầu, hiện lưu trữ tại Thư viện Vatican, Fonds Barberini, Orient 158[11].
Nguyên văn chữ Hán, phiên âm và dịch ra Việt ngữ như sau:
… Tiểu nghi đồ bình cống thượng, tỷ nhị giáo sĩ lai cứu giáo. Kim phục tuyển nhị giáo sĩ tinh thức thiên văn địa lý chi học nghệ bổn quốc xiển minh thánh giáo, nghiêm thập giới tổng tập tại tam, tinh kỳ bồi thục kiều ngụ nhị giáo sĩ đẳng, tỷ đắc thông hảo, mậu dịch, hỗ thị, cập cống phỉ nghi số đoan đẳng. Nhân ký đắc dị vật thái ánh vân hà, kiêm đắc giáo sĩ thông thiên địa, bất thăng cảm hạ. Cặp văn nghiệm giới tại tam, thường thường phỉ ngoạn đệ nhiễm ễiểm mộ. Kỳ bồi thực nhị giáo sĩ, dĩ định lữ thứ cư trú trữ liên quan càn tượng, sát khôn trục chi giai âm. Nhược thông hảo hỗ thị nãi thuận nhân tình, tiện dân dụng chi sự hề đãi ư ngôn.
Tư phục thư.
Kê: Trầm hương nhị cân,
Bạch tế bố bát thất
Cát nhạn nhất lâu trọng thập cân.
Bổn nhật khắc cụ.
Bản dịch Việt ngữ:
…những lễ vật nhỏ dâng cống như những bức đồ và bình phong, để hai giáo sĩ đến xem xét về tôn giáo. Nay ngài lại chọn hai giáo sĩ tinh thông thiên văn địa lý đến bản quốc để mở mang thánh giáo, dạy mười điều răn tóm vào ba mối, lại yêu cầu giúp đỡ và cho phép hai vị giáo sĩ ấy trú ngụ để được giao hảo, trao đổi hàng hóa, buôn bán với nhau. Ngài lại cống hiến mấy thứ lễ vật. Tôi đã nhận được mấy thứ lễ vật lạ đẹp đẽ và đã tiếp hai giáo sĩ thông thiên văn địa lý ấy, thật là cảm kích vô cùng. Tôi cũng đã nghe giảng những điều răn cấm tóm vào ba mối, lấy làm tốt đẹp và mến chuộng lắm.
Việc giúp đỡ hai vị giáo sĩ, tôi đã định xong, cho cư trú ở nơi dành cho khách ở phương xa, ở đó có thể xem hiện tượng của trời đất và xét nghiệm điềm lành. Việc giao hảo buôn bán là thuận lòng người và tiện cho sự cần dùng của dân, hà tất phải nói.
Nay phúc thư
Kê: Trầm hương hai cân
Vải trắng nhuyễn tám tấm
Cát nhạn một xâu nặng 10 cân
Ngày này khắc đủ.
Hai giáo sĩ đến “cứu giáo” chính là Julien Baldinotti và Jules Piani đã đến Đàng Ngoài năm 1626. Còn hai giáo sĩ “tinh thức thiên văn địa lý” chính là Alexandre de Rhodes và Pedro Marquez. Giáo sĩ Alexandre de Rhodes có thuật lại rằng đã dâng tặng chúa Trịnh Tráng “cuốn chữ Hán có vẽ hình trái đất tròn của Euclide, do các cha Dòng Tên soạn, có vẽ nhiều hình địa lý và chú thích bằng chữ Hán”. Đó là bản đồ thế giới do cha Ricci vẽ và chú thích bằng chữ Hán theo những tài liệu đã khám phá được trước thế kỷ XVII. Cha đã giải thích cho Chúa và triều thần nghe; từ vấn đề địa lý sang vấn đề tôn giáo, cha đề cập đến Thiên Chúa, “vua của vũ trụ, người sẽ thưởng phạt cho các bầy tôi trung thành của người hạnh phúc bất diệt trên Thiên quốc”[12].
Danh từ Công giáo trong bức quốc thư này có phần điêu luyện và chính xác. Phải chăng đó là kết quả giảng đạo của giáo sĩ Alexandre de Rhodes và ảnh hưởng của các sách giáo lý Hán văn do các cha Dòng Tên soạn thảo ở Trung hoa?
Đạo Công giáo được chỉ tính là Thánh giáo đúng như đã ghi nhận trong kinh Tin Kính. Danh từ giáo sĩ đã được đặc dụng để chỉ thị các linh mục Công giáo. Từ ngữ thập giới nghiêm tổng tại tam hàm súc một sự thông hiểu giáo lý thể hiện trong một công thức gọn gàng đầy đủ có nghĩa là: mười điều răn của Thiên Chúa tóm vào ba mối tức là ba nhân đức đối thần: Đức Tin, Đức Mến, Đức Cậy.
Với sự đóng góp của văn chương chữ Hán, ngôn từ đã bắt đầu có khả năng diễn đạt thực chất của Đạo Công giáo.
"

Từ đây trở xuống là tài sản của blog Trương Hồng Quang.


1. Ngày 27/11/2014




AlexandreRhodes-SG

Alexandre de Rhodes (1591-1660)
Klaus Schatz, Giáo sư Thần học Cơ đốc giáo và là một trong những nhà sử học nhà thờ Đức hàng đầu, hiện đang trong giai đoạn hoàn tất bản thảo công trình chuyên khảo của ông về nhà truyền giáo và là một trong những người sáng lập chữ Quốc ngữ Việt Nam ALEXANDRE DE RHODES (1591-1660). Liên quan đến công việc này ông có nhờ chúng tôi dịch sang tiếng Đức một Quốc thư của Chúa Trịnh Tráng gửi cho cha Phụ tỉnh Dòng Tên ở Macao vào năm 1627. Quốc thư này đương nhiên được viết bằng tiếng Hán và bản gốc đang được lưu trữ tại Thư viện của Vatican, đây có thể là văn kiện ngoại giao cổ nhất của Việt Nam hiện vẫn đang còn được lưu giữ. Trước đây GS. Klaus Schatz đã sử dụng một bản dịch tiếng tiếng Việt theo nguồn tác phẩm „Sống trong xã hội con rồng cháu tiên“ của tác giả Đỗ Quang Chính. Tuy nhiên gần đây chúng tôi đã tìm thấy ở một nguồn khác (Võ Long-Tê, Lịch-sử Văn-học Công-giáo Việt-Nam, Cuốn I, Sài Gòn, 1965, tr. 112-114) một bản dịch tiếng Việt có lẽ gần với nguyên tác hơn, đặc biệt trong đó có cả phần phiên âm bản gốc chữ Hán ra chữ quốc ngữ. Tôi xin sao lại phần phiên âm (bản gốc bị mất một số hàng đầu) và phần dịch như sau (một trong hai giáo sỹ „tinh thức thiên văn địa lý” được nói đến trong Quốc thư chính là Alexandre de Rhodes):
Bản phiên âm:
Tiểu nghi đồ bình cống thượng, tỷ nhị giáo sĩ lai cứu giáo. Kim phục tuyển nhị giáo sĩ tinh thức thiên văn địa lý chi học nghệ bổn quốc xiển minh thánh giáo, nghiêm thập giới tổng tập tại tam, tinh kỳ bồi thục kiều ngụ nhị giáo sĩ đẳng, tỷ đắc thông hảo, mậu dịch, hỗ thị, cập cống phỉ nghi số đoan đẳng. Nhân ký đắc dị vật thái ánh vân hà, kiêm đắc giáo sĩ thông thiên địa, bất thăng cảm hạ. Cặp văn nghiệm giới tại tam, thường thường phỉ ngoạn đệ nhiễm ễiểm mộ. Kỳ bồi thực nhị giáo sĩ, dĩ định lữ thứ cư trú trữ liên quan càn tượng, sát khôn trục chi giai âm. Nhược thông hảo hỗ thị nãi thuận nhân tình, tiện dân dụng chi sự hề đãi ư ngôn.
Tư phục thư.
Kê: Trầm hương nhị cân,
Bạch tế bố bát thất
Cát nhạn nhất lâu trọng thập cân.
Bổn nhật khắc cụ.
Bản dịch Việt ngữ:
…những lễ vật nhỏ dâng cống như những bức đồ và bình phong, để hai giáo sĩ đến xem xét về tôn giáo. Nay ngài lại chọn hai giáo sĩ tinh thông thiên văn địa lý đến bản quốc để mở mang thánh giáo, dạy mười điều răn tóm vào ba mối, lại yêu cầu giúp đỡ và cho phép hai vị giáo sĩ ấy trú ngụ để được giao hảo, trao đổi hàng hóa, buôn bán với nhau. Ngài lại cống hiến mấy thứ lễ vật. Tôi đã nhận được mấy thứ lễ vật lạ đẹp đẽ và đã tiếp hai giáo sĩ thông thiên văn địa lý ấy, thật là cảm kích vô cùng. Tôi cũng đã nghe giảng những điều răn cấm tóm vào ba mối, lấy làm tốt đẹp và mến chuộng lắm.
Việc giúp đỡ hai vị giáo sĩ, tôi đã định xong, cho cư trú ở nơi dành cho khách ở phương xa, ở đó có thể xem hiện tượng của trời đất và xét nghiệm điềm lành. Việc giao hảo buôn bán là thuận lòng người và tiện cho sự cần dùng của dân, hà tất phải nói.
Nay phúc thư
Kê: Trầm hương hai cân
Vải trắng nhuyễn tám tấm
Cát nhạn một xâu nặng 10 cân
Ngày này khắc đủ.
Rất mong được các chuyên gia Hán Nôm, các bậc thức giả và các quý vị có quan tâm khác nhận xét về mức độ chính xác của bản Việt ngữ ở trên mà chúng tôi sẽ sử dụng để dịch sang tiếng Đức. Và ngay từ bây giờ cũng xin được các quý vị giúp giảng nghĩa từ „cát nhạn“ được nói đến ở cuối thư mà với khả năng vô cùng hạn chế của mình chúng tôi chưa thể tra ra được nghĩa, kể cả nghĩa từ điển và nghĩa dùng trong văn cảnh cụ thể ở trên.
Xin muôn phần đa tạ!
Phụ lục: Trích từ nguồn công trình “Sống trong xã hội con rồng cháu tiên” của tác giả Đỗ Quang Chính:
FullSizeRender-1


FullSizeRender













Ghi thêm một thông tin Bonus cho các bạn quan tâm: Vấn đề phức tạp nhất trong bức quốc thư này của chúa Trịnh Tráng chính là chuyện “nghiêm thập giới tổng tập tại tam”. Theo linh mục Stefan Taeubner JS đây chính là một đóng góp rất độc đáo của Alexandre de Rhodes trong việc dùng Nho giáo để chuyển tải thông điệp của Thiên Chúa giáo (thuyết Tam Phụ: Thượng Phụ, Trung Phụ và Hạ Phụ). Trong ngôn ngữ Cơ đốc giáo thông dụng ngày nay thuyết này được thể hiện ở “Kinh Phúc thật tám mối” hay “Kinh cải tội bảy mối”. Tuy là một người “không có nhạc cảm tôn giáo” tôi rất cảm phục trước nỗ lực tiếp biến văn hoá – ngôn ngữ này của các cha Dòng Tên. Và cuốn sách sắp ra của GS. Klaus Schatz mà tôi mới được đọc một phần, ngoài phạm vi thần học, cũng chứa đựng không ít các nhận định rất bất ngờ và thú vị về lịch sử và văn hoá Việt Nam…




2. Ngày 18/12/2014


Barb.or.158.pt.B_0003_fa_0001r

Sáng hôm nay qua GS. Klaus Schatz, tác giả công trình chuyên khảo về nhà truyền giáo Alexandre de Rhodes dự kiến sẽ ra mắt trong năm tới, tôi đã nhận được bản chụp bản gốc bức Quốc thư bằng chữ Hán của Chúa Trịnh Tráng gửi cha Phụ tỉnh Dòng Tên ở Macao năm 1627, hiện đang được lưu trữ tại Thư viện Toà thánh Vatican. Tôi rất vui mừng được chia sẻ với các nhà nghiên cứu và các bạn quan tâm bản gốc – có lẽ lần đầu tiên được phổ biến – của một trong những văn kiện ngoại giao cổ nhất của Việt Nam này.
Như đã có dịp thông báo trên bài viết đăng ngày 27/11/2014 của mình, tôi đã được GS. Klaus Schatz nhờ giúp đỡ trong việc dịch sang tiếng Đức bức Quốc thư này, bản dịch giữa chừng đã được hoàn thành trên cơ sở bản tiếng Việt của tác giả Đỗ Quang Chính. Bên cạnh bản tiếng Việt của Đỗ Quang Chính, với sự giúp đỡ của TS. Nguyễn Đức Mậu (Viện Văn học, Hà Nội) chúng tôi đã tìm thêm được một bản phiên âm Hán-Việt và một bản dịch tiếng Việt kèm theo của tác giả Võ Long-Tê (xem bài đã dẫn). Tuy nhiên do có một số điểm còn hồ nghi về bản phiên âm cũng như bản dịch ở nguồn này, chúng tôi đã chỉ sử dụng nguồn của tác giả Đỗ Quang Chính để làm cơ sở cho bản dịch ra tiếng Đức.
Nay với sự xuất hiện của bản gốc chữ Hán, qua con đường này, tôi lại thêm một lần nữa mạo muội thỉnh cầu các chuyên gia Hán Nôm, các bậc thức giả và các bạn quan tâm giúp đỡ trong hai việc sau đây:
  • Kiểm tra bản phiên âm Hán-Việt ở nguồn của tác giả Võ Long Tê liệu có điểm nào chưa khớp so với bản gốc
  • Kiểm tra hai bản dịch tiếng Việt ở nguồn của tác giả Võ Long Tê và tác giả Đỗ Quang Chính liệu có điểm nào bị sai ý so với bản gốc
Để tiết kiệm thời gian của các quý vị, tôi xin được nêu 3 nội dung hồ nghi chính của mình như sau:
  • Về chữ „đồ bình“: Bản của Võ Long-Tê dịch thành „những bức đồ và bình phong“, bản của Đỗ Quang Chính lại dịch thành „máy nhỏ, bản đồ, hình vẽ“
  • Về chữ „dị vật thái ánh vân hà“: Bản của Võ Long-Tê dịch thành „mấy thứ lễ vật lạ đẹp đẽ”, bản của Đỗ Quang Chính lại dịch thành „những vật lạ lùng có mây đỏ và nhiều màu sắc óng ánh“
  • Về chữ „cát nhạn nhất lâu trọng thập cân“: Cả hai bản của Võ Long-Tê và Đỗ Quang Chính đều dịch thành „Cát nhạn một xâu nặng mười cân“. Vấn đề ở đây là chữ „cát nhạn“ liệu có được phiên âm chính xác từ bản tiếng Hán hay không và ý nghĩa của nó trong tương quan của cả cụm từ „cát nhạn nhất lâu“ là gì.
Xin chân thành cám ơn sự giúp đỡ của các quý vị và các bạn!
Bổ sung (18/12/2014, 23:35 h):
Tôi vừa nhận được bản phiên âm Hán-Việt mới sau đây của nhà nghiên cứu Trần Quang Đức, xin trân trọng cám ơn anh và giới thiệu để các quý vị và các bạn cùng biết:
小 儀圖屏貢上,俾二教士來究教。今復選二教士精識天文地理之學,詣本國闡明聖教,嚴十戒總習在三,并祈培植僑寓二教士等,俾得通好,貿易互市及貢菲儀數端
等。因既得異物彩映雲霞兼得教士學通天地,不勝感荷。及聞嚴戒在三,常常披翫,第染?艷慕。其培植二教士已定旅次居住,紵聯觀乾象,察坤軸之佳音。若通好
互市乃順人情、便民用之事,奚待於言。玆復書。
沉香貳斤
白細布捌疋
葛鴈一婁重拾斤
本日刻具
Tiểu nghi đồ bình cống thượng, tỷ nhị giáo sĩ lai cứu giáo. Kim phục
tuyển nhị giáo sĩ tinh thức thiên văn địa lý chi học nghệ bản quốc xiển
minh thánh giáo, nghiêm thập giới tổng tập tại tam, tịnh kỳ bồi thực
kiều ngụ nhị giáo sĩ đẳng, tỷ đắc thông hiếu, mậu dịch hỗ thị, cập cống
phỉ nghi số đoan đẳng. Nhân ký đắc dị vật thái ánh vân hà, kiêm đắc giáo
sĩ thông thiên địa, bất thăng cảm hạ. Cập văn nghiệm giới tại tam,
thường thường phi ngoạn đệ nhiễm diễm mộ. Kỳ bồi thực nhị giáo sĩ, dĩ
định lữ thứ cư trú, trữ liên quan càn tượng, sát khôn trục chi giai âm.
Nhược thông hiếu hỗ thị nãi thuận nhân tình, tiện dân dụng chi sự, hề
đãi ư ngôn. Tư phục thư.
Kê:
Trầm hương nhị cân,
Bạch tế bố bát thất
Cát nhàn nhất lâu trọng thập cân.
Bản nhật khắc cụ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.