Ở entry trước, đã chỉ ra sự lệch nhau tới 10 năm trong việc cựu nhà báo Trần Đĩnh viết về cụ Cả Khiêm.
Nhưng khi kiểm tra lại ghi chép của nhà văn Sơn Tùng, thì cũng lại thấy tựa như không khớp.
1. Cụ thể như sau, nhà văn Sơn Tùng đã cho biết:
"Cụ từ trần ngày 15-10-1950 (tức ngày 23-8 năm Canh Dần) tại làng Kim Liên, hưởng thọ 62 tuổi. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận được tin anh Cả qua đời trong lúc đang bận công tác xa, không thể về được nên đã điện cho Ủy ban Kháng chiến hành chính Liên khu IV bức điện số 1229, nhờ chuyển cho họ Nguyễn Sinh làng Kim Liên".
2. Năm 1950 là năm Canh Dần, thì không sai.
Nhưng ngày 23 tháng 8 âm năm đó, thì là ngày 4 tháng 10 dương lịch.
Hay ngược lại, ngày 15 tháng 10 dương năm đó, thì sẽ là ngày 5 tháng 9 âm lịch.
Tức là chi tiết "Cụ từ trần ngày 15-10-1950 (tức ngày 23-8 năm Canh Dần) tại làng Kim Liên, hưởng thọ 62 tuổi" tựa như có sai số nào đó.
Thường thì ở quê, người ta hay nhớ ngày giỗ theo âm lịch. Nên có thể là ngày 23 tháng 8 là ghi nhớ của gia đình, còn việc qui đổi có thể nhầm.
---
---
Bổ sung 1 (21/11/2014): Một bài viết trên Hồn Việt, do bác Thiên Lý chỉ dẫn.
Hồi ký: BÁC HỒ gặp người anh ruột
Hồ Quang Chính
Nguyễn Sinh Khiêm (1888-1950), có tên là Nguyễn Tất Đạt, anh ruột Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông tham gia chống thực dân Pháp trong tổ chức của Đội Quyên, Đội Phấn, bị Pháp bắt giam ba năm tù khổ sai, sau tăng lên 9 năm khổ sai ở Ba Ngòi, Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa). Năm 1920, thực dân Pháp chuyển ông về giam lỏng ở Huế. Ở đấy ông vẫn tiếp tục hoạt động yêu nước. Năm 1940 ông về quê, sau đó lại bị bắt giam đến 1941. Ngày 3-11-1946 khoảng 11 giờ, ông ra Hà Nội gặp và trò chuyện thân mật với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông mất năm 1950 tại quê nhà.
Hồi đó anh Nguyễn Sinh Thọ và tôi đang học lớp mật mã đầu tiên của Quân đội (nay gọi là cơ yếu) do Bộ Tổng tham mưu Quân ủy Hội mở tại Hà Nội (đường Ôn Như Hầu, nay là đường Nguyễn Gia Thiều). Khoảng 10g30 ngày 3-11-1946 chúng tôi được bác Cả Khiêm (anh ruột Bác Hồ) đến bảo: “Hôm nay ông đến thăm ông Hồ, bà Thanh dặn ông đến gọi hai cháu, cho hai cháu cùng đi với ông cho vui”.
Thế là một tuần lễ sau khi được bà Thanh - chị ruột Bác Hồ - cho chúng tôi cùng đến gặp Bác Hồ tại Bắc Bộ Phủ, nơi Bác Hồ làm việc, hôm nay chúng tôi lại được bác Khiêm cho cùng đi đến gặp Bác Hồ lần nữa. Bác Cả Khiêm đưa cho anh Thọ xách một tay nải đầy cam Xã Đoài, Bác đưa cho tôi cầm túi xách của Bác và khen tôi chóng lớn. Ba Ông cháu đi bộ lên Bắc Bộ Phủ (nay là nhà khách Chính phủ ở đường Ngô Quyền, Hà Nội). Đến cổng gác ở Bắc Bộ Phủ, vì chúng tôi đã tới đây hai lần, nên anh Thọ đến báo cáo với đồng chí gác: “Đây là ông Cả Khiêm, anh ruột Cụ Hồ, đề nghị đồng chí cho ông cháu tôi được lên gặp Cụ”. Các đồng chí nhìn bác Khiêm hao hao giống Bác Hồ, vội vàng báo cáo lên văn phòng. Sau ít phút, các đồng chí mời và dẫn chúng tôi lên tầng hai ngồi đợi ở phòng bên, kề phòng Bác Hồ làm việc và cũng chính là cái phòng mà cách đây một tuần, Bác đã gặp và trò chuyện với bà Thanh mà chúng tôi đã cùng được dự. Khoảng 10 phút sau, lúc đó gần 11g30, cánh cửa phòng làm việc của Bác từ từ mở, Bác Hồ, vẫn đôi mắt sáng ngời và hiền từ, vẫn trong bộ quần áo ka ki vàng bạc màu, đi thẳng về phía ông cháu chúng tôi. Cũng như khi bà Thanh gặp Bác, bác Cả Khiêm chạy lại ôm chầm lấy Bác Hồ với một giọng cười khoan khoái mà chúng tôi thường gặp, nhưng nét mặt cảm động, khóe mắt rưng rưng cùng những giọt nước mắt sung sướng. Bác Khiêm vừa cười vừa nói: “Chú, chú Cung (Cung - tên của Bác hồi nhỏ)! Chú khỏe không? Anh em mình xa nhau lâu quá!”. Chòm râu của Bác Hồ rung rung chạm vào má bác Khiêm. Nét mặt Bác Hồ cảm động nhưng vui tươi, Bác nói: “Anh mới ra, anh khỏe không, quý hóa quá, chị Thanh về trong quê có khỏe không anh? Hôm chị ra đây có hai cháu đây cũng đến với em, nhưng em quá bận, không tiếp được nhiều, em có mời chị và hai cháu ở chơi đến chiều nhưng chị về”. Bác Khiêm trả lời: “Chị Thanh về có nói chuyện lại, bảo chú gầy lắm, công việc bận suốt ngày, bà con ai cũng đến hỏi thăm và lấy làm vui sướng”. Bác Hồ mời bác Khiêm ngồi và chỉ ghế cho phép chúng tôi cùng ngồi. Bác Hồ cười vui, làm cho không khí trong phòng vui và đầm ấm thân mật thêm. Bác Hồ rút thuốc lá mời bác Khiêm hút. Bác Khiêm huơ tay không nhận: “Tôi hút thuốc lá Cẩm Lệ quen rồi, thuốc đó nhẹ, để chú dùng”. Bác Hồ vừa cười vừa đọc một câu thơ:
“Chốc đà mấy chục năm trời,
Còn non, còn nước, còn người hôm nay”
Còn non, còn nước, còn người hôm nay”
Bác Khiêm đang quấn thuốc lá Cẩm Lệ hút cũng đọc luôn:
“Thỏa lòng mong ước bấy nay,
Nước non rợp bóng cờ bay đón Người”.
“Thỏa lòng mong ước bấy nay,
Nước non rợp bóng cờ bay đón Người”.
Bác Khiêm nói: “Hôm nay ông cháu đến thăm chú, tôi mang biếu chú ít quả cam xã Đoài”. Bác Khiêm bảo anh Thọ xách gói cam lại để trên bàn, Bác Hồ cảm ơn cười vui.
Bác Hồ chớp chớp mắt, yên lặng và hỏi bác Khiêm về tình hình Nghệ An, Hà Tĩnh, tỉnh Thừa Thiên, huyện Nam Đàn về các hoạt động của chính quyền, của đoàn thể địa phương, của một số người thân và bạn bè thời niên thiếu của hai bác. Bác Khiêm lần lượt trả lời và nói: “Chú đi lâu mà chú nhớ tài thế”. Bác Hồ hỏi bác Khiêm: “Anh còn nhớ chuyện ‘Khơm công’ không?”. Bác Hồ lại nói luôn: “Chẳng những mình ‘Khơm công’ mà hàng chục triệu đồng bào thời đó cũng ‘Khơm công’”. (Lúc đó chúng tôi ngồi nghe nhưng chưa hiểu, sau khi về có hỏi bác Khiêm mới biết tên bác Khiêm và Bác Hồ hồi bé nói chệch đi một tí (theo giọng địa phương) là Khơm và Công. “Khơm công” nói lái lại là “không cơm”, ý nói thời niên thiếu của Bác và gia đình cụ Phó Bảng Sắc túng thiếu…
Bác Hồ chớp chớp mắt, yên lặng và hỏi bác Khiêm về tình hình Nghệ An, Hà Tĩnh, tỉnh Thừa Thiên, huyện Nam Đàn về các hoạt động của chính quyền, của đoàn thể địa phương, của một số người thân và bạn bè thời niên thiếu của hai bác. Bác Khiêm lần lượt trả lời và nói: “Chú đi lâu mà chú nhớ tài thế”. Bác Hồ hỏi bác Khiêm: “Anh còn nhớ chuyện ‘Khơm công’ không?”. Bác Hồ lại nói luôn: “Chẳng những mình ‘Khơm công’ mà hàng chục triệu đồng bào thời đó cũng ‘Khơm công’”. (Lúc đó chúng tôi ngồi nghe nhưng chưa hiểu, sau khi về có hỏi bác Khiêm mới biết tên bác Khiêm và Bác Hồ hồi bé nói chệch đi một tí (theo giọng địa phương) là Khơm và Công. “Khơm công” nói lái lại là “không cơm”, ý nói thời niên thiếu của Bác và gia đình cụ Phó Bảng Sắc túng thiếu…
Một lát sau, anh Nguyễn Sinh Thọ có hỏi Bác Hồ về người chú ruột của anh, gọi Bác Hồ và bác Khiêm bằng chú họ là ông Nguyễn Sinh Thản được đoàn thể và Bác Hồ đưa sang nước Nga (Liên Xô cũ) học tập và hoạt động cách mạng nay còn không? Bác Hồ cho biết, đã lâu Bác không được tin tức, Bác nói: “Nếu còn sống thì sẽ về nước, nếu không có tin tức gì thì chắc đã hy sinh vì nhiệm vụ quốc tế”. Đúng như Bác dự đoán, ông Thản (tức Lý Nam Thanh), chú ruột anh Thọ, đã hy sinh trong khi chiến đấu bảo vệ thủ đô Moskva trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của Liên Xô (1941-1945) và sau này (1987), đã được Chính phủ Liên Xô tặng Huân chương vệ quốc hạng nhất cho chiến sĩ quốc tế.
Bác Khiêm hỏi Bác Hồ về tình hình thế giới và trong nước. Bác trả lời là: Tình hình trong nước khá căng thẳng, kẻ thù rất xảo quyệt. Ta cố gắng kìm mình đến mức cao nhất. Vì một ngày hòa bình là một ngày ta lớn mạnh, ta càng có thời gian chuẩn bị mọi mặt. Nhưng khi bọn thực dân Pháp và tay sai buộc mình cầm vũ khí, thì ta sẵn sàng và kiên quyết chống lại chúng và tìm cách giành thắng lợi hoàn toàn. Nhưng chắc chắn là lâu dài và rất gian khổ, nhất là thời gian đầu ta còn gặp nhiều khó khăn gay gắt. Bác nói xong, nhìn qua thấy tôi ghi chép vào sổ tay, Bác bảo: “Cán bộ Bộ Tham mưu phải biết giữ bí mật”. Chúng tôi hiểu ý, đứng dậy xin ra ngoài để hai bác nói chuyện nhưng Bác Hồ đã vẫy tay bảo: “Hai cháu cứ ngồi đây cho vui, ông dặn các cháu như vậy là được rồi”. Nhân đang vui, bác Khiêm có hỏi Bác Hồ: “Tôi muốn hỏi riêng chú, việc gia đình riêng của chú ra sao?”. Bác Hồ thong thả trả lời: “Cảm ơn anh, em chưa bao giờ dám nghĩ đến việc này. Đến nay thì “đã tu, tu trót, qua thì, thì thôi”. Bác cười vui nói tiếp: “Mình không phải người tu hành, nhưng vì việc nước phải quên việc nhà”. Bác Khiêm biết ý, không hỏi thêm nữa, và hỏi tiếp: “Thế chú có ý định đến khi nào về thăm quê được không?”. Bác Hồ thong thả trả lời: “Về đến đây cũng là về đến nhà rồi, tình hình và công việc thế này chưa cho phép nghĩ tới, chắc việc đó còn lâu”. Bác Khiêm im lặng một lát rồi nói: “Tình anh em ruột thịt, tôi ra thăm chú, thấy chú khỏe, tôi rất mừng, luôn tiện có mấy ý nhỏ, tôi đề đạt lên chú. Ông Khiêm nói đại ý như sau: Một là cần mở mang dân trí, mở nhiều trường học, dạy cho dân biết chữ như lâu nay vẫn làm; hai là khai khẩn đất hoang, mộ dân lập ấp, việc này lâu nay chưa làm được mấy; ba là thành lập các công xưởng rèn đúc khí giới phát cho dân; bốn là cử người tài giỏi xuất dương nhiều nước, học tập cái hay sau về giúp nước…
Bác Hồ chú ý lắng nghe và trả lời: “Những ý kiến của anh rất hay, hiện nay Chính phủ và đoàn thể ta cũng đang lo những việc lớn đó, nhưng phải tập trung chuẩn bị cho một cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và bọn tay sai lâu dài và vô cùng gian khổ”. Bác nói thêm rằng: Việc đào tạo cán bộ là rất cần thiết, nhưng phải chú ý đào tạo ngay trong nước và coi trọng bồi dưỡng đạo đức cách mạng, tránh thói quan liêu, hủ hóa. Hai bác đang trò chuyện vui vẻ, bỗng có một cán bộ vào báo cáo Bác Hồ có khách đang đợi Bác Hồ để xin ý kiến. Lúc đó cũng đã trưa, Bác Hồ mời bác Khiêm ở lại ăn trưa với Bác Hồ và cụ Huỳnh Thúc Kháng nhưng bác Khiêm chủ động từ biệt: “Tôi ra gặp và thăm chú, biết chú rất bận việc, anh em gặp gỡ thế này là quý lắm rồi, thỏa lòng mong ước bấy lâu, không có điều gì phải nói, phải hỏi nữa, chỉ cầu chúc chú mạnh khỏe cho dân, cho nước được nhờ, là tôi mừng. Ngày mai tôi về trong quê, hai cháu đây còn ở ngoài này, chắc còn được phép và vinh dự gặp chú, nhờ chú dạy bảo cho hai cháu nên người”. Bác Khiêm đứng dậy lại gần Bác Hồ, quàng tay ra sau lưng Bác Hồ, đọc một bài thơ chữ Hán ý nói sông núi cách trở khó đi lại, nghĩa tình quý trọng nhau nhưng ít được gần nhau. Bác Hồ cũng đọc hai câu thơ chữ Hán: “Lộ viễn kỳ khu nan khứ, tình thâm cốt nhục bất vong” (tạm dịch: “Đường xa hiểm trở khó đi, tình thiêng liêng ruột thịt không bao giờ quên”). Hai bác nắm tay nhau cười vui vẻ, Bác Hồ ân cần tiễn bác Khiêm ra tận cầu thang, chúc bác Khiêm về quê mạnh khỏe, Bác Hồ bắt tay hai chúng tôi và khuyên: “Các cháu cố gắng học tập, công tác tốt, khi nào thong thả hai cháu đến với ông”.
Trên đường về, bác Khiêm hào hứng kể cho chúng tôi nghe một số mẩu chuyện nhỏ của Bác Hồ thời niên thiếu như Bác Hồ rất chăm học, học rất giỏi; Bác Hồ tiết kiệm từng mẩu giấy và từng đồng xu; Bác Hồ có chí lớn từ nhỏ; Bác được cụ Phó Bảng (tức cụ thân sinh) cho ngồi nghe các cụ đàm luận việc nước… Bác Khiêm nói: “Hôm nay ông sung sướng quá, được gặp lại ông Hồ sau bao năm xa cách, chỉ thương ông Hồ suốt đời vất vả vì dân vì nước, quên hết mọi việc riêng tư của mình, ông gặp được ông Hồ, về nhà có nhắm mắt cũng thỏa lòng”.
18g ngày 10-11-1946, anh Thọ và tôi vào nơi làm việc của Bác để chào Bác trước lúc lên đường nhận nhiệm vụ mới, tôi được điều vào công tác ở Ủy ban kháng chiến miền Nam Việt Nam, anh Thọ được điều về công tác ở Quân khu 4, Bác Hồ dặn anh Thọ: “Cháu về trong đó khi có dịp về thăm nhà, cho ông gửi lời thăm sức khỏe bà Thanh, ông Cả Khiêm và bà con nội ngoại, vừa qua vì thời gian quá eo hẹp, ông chưa tiếp chuyện được nhiều khi bà Thanh và ông Cả ra thăm ông”.
Sau đó không lâu, toàn quốc kháng chiến, Bác cùng Trung ương Đảng, Chính phủ lên Việt Bắc lãnh đạo toàn dân kháng chiến. Tháng 11- 1950, bác Cả Khiêm tạ thế. Từ chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ vô cùng thương tiếc, Bác gửi thư về điếu người anh ruột của mình: “Nghe tin anh Cả mất, lòng tôi rất buồn rầu. Vì việc nước nặng nhiều, đường sá xa cách, lúc anh đau yếu, tôi không thể trông nom, lúc anh tạ thế tôi không thể lo liệu. Than ôi! Tôi xin chịu lỗi bất đễ trước linh hồn anh và xin bà con nguyên lượng cho một người con đã hy sinh tình nhà vì phải lo việc nước”(*).
Cả bà Thanh và bác Cả Thanh là những chiến sĩ yêu nước, đã bị tù đày đều hiểu rằng người em trai của mình đang gánh vác nhiệm vụ lớn lao, vận mệnh dân tộc lúc đó như ngàn cân treo sợi tóc. Bác Hồ làm việc suốt ngày đêm, Bác dành thời gian tuy không nhiều để tiếp người chị, người anh ruột của mình tại nơi làm việc, đó là một điều hết sức quý trọng.
_____
(*) Theo tài liệu của Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh.
(*) Theo tài liệu của Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh.
---
Những entry liên quan đã đi trên blog này:
- Về năm mất của cụ Cả Khiêm : tựa như có nhầm lẫn trong bản kể của Sơn Tùng
- Đọc "Đèn cù" dưới ánh sáng của "Đèn LED"
Ở đây có một bài viết liên quan:
Trả lờiXóahttp://honvietquochoc.com.vn/bai-viet/4604-hoi-ky-bac-ho-gap-nguoi-anh-ruot.aspx
Vâng, cảm tạ bác Lý, để tôi bổ sung lên trên chính văn entry này.
Xóa