Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

27/11/2014

Những người thầy dân gian : cô bán chiếu Dương Liễu


Hôm trước, đã giới thiệu người thầy dân gian Triệu Thị Mai. Một nhà sưu tầm cần mẫn và lặng lẽ. Những tác phẩm của bà luôn làm tôi vui.

Hôm nay, vẫn gắn bó với mảnh đất Cao Bằng, giới thiệu nghệ sĩ Dương Liễu. Các học trò ở dưới làng của cô hiện đã bắt đầu thực hành được kĩ năng nhận từ cô. Vừa hôm nay, họ kể thêm những chuyện dạy nghề của cô cho tôi nghe.




Pù pài nhằng tỉnh cằm có - NSND Dương Liễu


15.251
Xuất bản 08-06-2013
Pù pài nhằng tỉnh cằm có
Sáng tác: Phạm Tịnh
Biểu diễn: NSND Dương Liễu

Nàng ới
L ời Nàng à lấynớ .....ới. ca đăm cáp ca đáng ơi củng lố ca...
Khẩu a le rây a le cáp le khấu le nà củng le khấu ới nàng (à) no...
Lời nàng a lấy nơ.... ới. Pi bấu đảy gạ ca ới nặng lố đăm..
Pù à le vạ à le nhằng le chính le căn ga le cá gạc ới nàng (à) no...
Lời nàng (á a ới....ớ ơ ớ ơ ơi...) quá lô đông ngoạc lồng nặm ơi piên bấu đáy.
Mùa a le xuân a le đạ lý xuân khửn phia, piên le ngoạc ơi nàng à no...
(Lời nàng a lấy nới..... màn sương dày phủ lên ngăn đường đi phía xa, đường đi dấu xa e đâu ngại bởi đã nói lời hẹn cùng anh thắm duyên chỉ hồng..... bên lâu...)2
Ngọn lửa đêm đông ớ ơ...ớ ơ ơi... xốn sang rạo rực giữa đêm đông sương buông, lời yêu thương nhờ gió bay đi xa gửi tới a người mà e thương....







Tạm thời một ít tư liệu (đầu tiên là loại có sẵn đã)


1. Bài trên Tiền phong từ năm 2012.


09:03 ngày 15 tháng 04 năm 2012

Cô bán chiếu thành Nghệ sĩ nhân dân



TP - Nếu Tây Nguyên tự hào có Ymoan, Siublack… thì người vùng cao phía Bắc có thể tự hào với “sơn ca” Dương Liễu.
Ở tuổi ngũ tuần, giọng ca của chị vẫn trong veo, thánh thót như tiếng chim vang ngân giữa ngàn. Dương Liễu là một trong hai ca sỹ của cả nước được vinh dự phong tặng danh hiệu nghệ sỹ nhân dân đợt này.
Tranh của Nguyễn Xuân Hoàng
Tranh của Nguyễn Xuân Hoàng.
"Đồng bào không chán tôi"
Vào nghề năm 1979, Dương Liễu là ca sỹ của đoàn văn công xung kích tỉnh Cao Bằng, khoác ba lô đi biểu diễn khắp nơi trong tỉnh. Cơ sở vật chất của đoàn không có gì, ngoài mười mấy bộ quần áo và cây đàn được nghệ sỹ cải lương Kim Cương tặng nhưng đi đến đâu cũng được chào đón nồng nhiệt.
Chị nhớ, có lần vào huyện Thông Nông, sắp đến giờ biểu diễn, Dương Liễu còn kịp gánh hộ một cụ già năm gánh nước. Cụ cảm động, nấu cơm mời Dương Liễu ăn.
Cơm vừa cạn lại nhận được lệnh rút quân, từ dưới nhà sàn chị chạy vội lên chào cụ bà, vì vội vàng đã ngã lộn xuống bậc thang nhà sàn, đi khập khiễng suốt nửa tháng.
Tình yêu chân thành, mộc mạc của khán giả vùng cao đã giúp chị bước qua mọi khó khăn trong đời sống để trụ vững với nghề. Không chỉ người già mà người trẻ cũng mê giọng hát Dương Liễu.
Đoàn văn công xung kích từng bị anh bộ đội trẻ tuổi chặn xe giữa đường chỉ vì: “Hôm qua tôi lên chốt không được xem chị Dương Liễu hát. Tôi chặn xe lại vì muốn được nhìn thấy chị, nghe chị hát”.
Nghệ sỹ không thể từ chối lời đề nghị đáng yêu như thế. Chị đã ngâm thơ, đã hát “chay” để thỏa lòng chiến sỹ. Lại một lần khác, đến một xã xa xôi, đoàn văn công được đón tiếp rất chu đáo.
Tan buổi biểu diễn, chủ tịch xã nhất định mời Dương Liễu về nhà: “Vợ đòi đi nhưng tôi không cho nó đi, nó phải ở nhà trông con vì hôm nay tôi ở đây đón đoàn. Nếu Dương Liễu nhiệt tình thì phải theo tôi về nhà, cho vợ tôi xem mặt”.
Dương Liễu đã đi bộ theo chủ tịch xã vài cây số để về nhà ông. Vợ của chủ tịch xã hồn hậu nấu cơm mời Dương Liễu. Họ cùng ăn cơm, uống rượu và hát…
Thấm thoắt đã vài chục năm trôi qua, nghệ sỹ thấy mình hạnh phúc, được nhiều hơn mất: “33 năm gắn bó với nghề, tôi không hối hận điều gì. Chưa bao giờ ý nghĩ bỏ nghề thoảng qua trong đầu. Phần thưởng lớn nhất là đồng bào không chán tôi, càng ngày càng yêu tôi hơn”.
Mới rồi về Hà Nội tập huấn, biết tin mình được phong tặng danh hiệu NSND, Dương Liễu đã ôm mặt khóc vì sung sướng, chị nói với đồng nghiệp thủ đô: “Em vui quá anh ơi, danh hiệu này không phải của riêng em nữa, mà của nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng”.
30 năm vẫn “hot”
Dương Liễu sinh ra, lớn lên ở huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng, trong bản nhỏ quy tụ nhiều dân tộc anh em nên dù là người Kinh nhưng Dương Liễu có thể nói thạo tiếng Tày, tiếng Nùng. Mỗi khi nghe chị hát, đồng bào dân tộc lại khen: “Hát đây lố” (Hát rất hay)
Vào nghề khoảng hai năm, Dương Liễu đã nổi lên như “ngôi sao” của đoàn văn công xung kích. Trên 30 năm sau, chị vẫn là giọng ca đinh của đoàn nghệ thuật tỉnh Cao Bằng.
Ít ai biết, Dương Liễu từng là cô giáo mầm non, không được đào tạo bài bản về thanh nhạc. Nhưng từ nhỏ, chị đã say mê ca hát, được ông chú, vốn là người am hiểu âm nhạc, truyền dạy. Đến khi vào nghề, chị không ngừng học hỏi, bồi đắp kiến thức lấp “lỗ hổng”. Nghệ sỹ Trần Chất là một trong những người đã có công giúp tiếng hát Dương Liễu điêu luyện hơn.
Không những hát tròn vành, rõ chữ, giọng hát Dương Liễu còn đặc biệt giàu cảm xúc, như khi chị hát về quê hương: “Lên Cao Bằng chưa thấy phố phường đâu/ Đã thấy chim muông, hoa ngàn khoe sắc/ Và trên non cao, tiếng lượn nàng ới”. Nghệ sỹ tâm sự: “Nhận một bài hát tôi cảm xúc lắm. Có những bài hát khi vỡ lời, khiến lòng tôi rung lên, bật khóc”.
Một thời Dương Liễu – Xuân Ái là cặp đôi đẹp của Đoàn nghệ thuật tỉnh Cao Bằng. Giờ NSUT Xuân Ái đã là Giám đốc Đoàn ca múa dân gian Việt Bắc, còn chị vẫn bám trụ với quê hương và làm công tác chuyên môn là chủ yếu. Hỏi chị có danh hiệu, có tiếng tăm, sao không “bay xa”?
Dương Liễu bình thản: “Nếu ai có chút tài cũng ra đi thì ai đem lời ca tiếng hát phục vụ đồng bào, phục vụ các lực lượng vũ trang bảo vệ biên giới, ai sẽ xây dựng quê hương?”.
Không chạy “sô” như diễn viên miền xuôi, Dương Liễu chuyên tâm phục vụ công việc của đoàn nghệ thuật tỉnh Cao Bằng. Là đoàn phó phụ trách chuyên môn nên công việc của chị khá bận rộn, vừa tham gia biểu diễn, vừa chỉ đạo nghệ thuật… Không nhiều nhạc sỹ nổi tiếng “quan tâm” đến Cao Bằng nên các ca khúc mới rất hiếm, gần đây Dương Liễu đã bắt tay vào sáng tác ca khúc.
Tác phẩm của chị đã được trình diễn ở sân khấu chuyên nghiệp. NSND còn hoạt động tích cực ở nhiều lĩnh vực khác. Chị là hội viên của Hội văn học nghệ thuật tỉnh Cao Bằng, thành viên Hội bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh Cao Bằng…
Nhìn đâu cũng thấy việc nên Dương Liễu không sợ về hưu: “Khi nào thôi đứng trên sân khấu, tôi sẽ trở về nghiên cứu dân ca các dân tộc tỉnh Cao Bằng. Đó là kho tàng vô giá mà hiện nay chúng ta chưa khai thác hết”.
Có gì mà xấu hổ?
Nếu nghề tay trái của nhiều ngôi sao ca nhạc hiện nay là dự tiệc, đóng phim, làm MC… thì nghề tay trái của Dương Liễu trước đây không mảy may dính dáng đến nghệ thuật. Người ta đồn chị từng bán chiếu, bán chăn bông ngoài chợ thị xã Cao Bằng. NSND cười: “Người ta đồn đúng đấy. Còn hơn thế nữa kia…”.
Dương Liễu đẹp, vẻ đẹp đằm thắm, duyên dáng của người phụ nữ vùng cao. Nếu sắc đẹp mang lại cho ai đó sự nhàn hạ thì với Dương Liễu, sắc đẹp của chị chỉ để cống hiến cho khán giả mỗi khi bước lên sân khấu. Nhiều người dân Cao Bằng vẫn còn nhớ hình ảnh người đàn bà đẹp bê từng rổ dưa hấu bán rong trong chợ. Người đàn bà ấy chính là chị.
Dương Liễu thể hiện rất ngọt dân ca Tày, làn điệu Sli, Lượn, Giá hai… khiến nhiều người lầm tưởng chị là phụ nữ Tày. Chị sinh ra, lớn lên ở huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng, trong bản nhỏ quy tụ nhiều dân tộc anh em nên dù là người Kinh nhưng Dương Liễu có thể nói thạo tiếng Tày, tiếng Nùng. Mỗi khi nghe chị hát, đồng bào dân tộc lại khen: “Hát đây lố” (Hát rất hay)
Dương Liễu thể hiện rất ngọt dân ca Tày, làn điệu Sli, Lượn, Giá hai… khiến nhiều người lầm tưởng chị là phụ nữ Tày.
Có những giai đoạn Dương Liễu bán cả… cá mắm. Chị không ngại thổ lộ, từng buôn đầu chợ, bán cuối chợ. Hỏi chị có xấu hổ với quá khứ của mình không, chị cười: “Tôi không ngại. Nếu một nghệ sỹ ham kiếm sống mà bỏ nghề mới đáng tiếc. Tôi vẫn làm việc nhà, làm kinh tế nhưng vẫn đảm bảo chuyên môn tốt”.
Người ta ngạc nhiên khi thấy ban ngày gặp Dương Liễu bán hàng tươi cười niềm nở, ban đêm lại thấy chị say mê cất tiếng hát trên sân khấu. Hiện nay, Dương Liễu đã có nghề tay trái đỡ vất vả hơn. Chị mở cửa hàng cho thuê quần áo biểu diễn tại nhà: “Công việc đó vừa giúp tôi có thêm thu nhập, vừa được gặp gỡ, giao lưu với nhiều người yêu nghệ thuật, đôi khi lại giúp được cho phong trào văn nghệ quần chúng. Thí dụ, không phải cứ gặp khách là tôi cho mượn quần áo, tôi luôn tư vấn cho họ nên mặc thế nào, họ hát cho tôi nghe, tôi thấy chưa ổn thì giúp họ sửa”.
Chồng Dương Liễu đã khuất, con gái đi học xa, chị đang sống một mình, tìm vui trong công việc. Hỏi chị bí quyết để giữ gìn nhan sắc và giọng hát, chị thật thà: “Chẳng có bí quyết gì đâu. Để giữ giọng phải giữ sức và luyện thanh. Còn với nhan sắc, tôi không có điều kiện chăm sóc nhiều. Tôi cũng làm lụng lam lũ như bao phụ nữ bình thường khác, chỉ cố gắng ăn uống khoa học, thế thôi”.
Ngồi hát ca… một mình
Nhà Dương Liễu đông anh em, ai cũng hát hay nhưng chỉ riêng chị đi theo con đường chuyên nghiệp. Thời nhỏ, chị thường được bố mẹ giao nhiệm vụ canh trộm ở vườn mía, vườn ngô.
Suốt thời gian “canh gác”, Dương Liễu hát vang, từ bài này sang bài khác, tiếng hát như tiếng hót của chim sơn ca đã khiến kẻ trộm không dám thực hiện hành vi xấu. Giờ đây, sống một mình, tiếng hát làm nguôi nỗi cô đơn của chị. Chị hát trên sân khấu chưa thỏa, lại hát một mình, khóc một mình.
Ở tuổi này chị vẫn bị ám ảnh bởi hình tượng vầng trăng và sự xa cách trong tình yêu đôi lứa. Nhiều người đàn ông âm thầm yêu mến Dương Liễu. Nhưng đàn ông đa phần yêu nghệ sỹ lại ngại gần nghệ sỹ. Với họ, người nghệ sỹ cũng như vầng trăng, đẹp lắm song vời vợi xa.
Dương Liễu không “đóng cửa trái tim” chị vẫn mong có nhiều bạn bè để san sẻ vui buồn nhưng đi bước nữa, xây cuộc sống mới thì không, chị muốn trọn vẹn thủy chung với người đã khuất và muốn dành thời gian cống hiến nhiều hơn cho âm nhạc dân tộc.



2. Bài của báo Cao Bằng

Thứ sáu 18/05/2012 16:00
Vào những ngày này, công chúng yêu nghệ thuật nói chung và những người mến mộ giọng ca mượt mà của Nghệ sỹ Ưu tú Dương Liễu (Đoàn Nghệ thuật tỉnh) đều vui mừng khi biết tin chị được phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân (NSND). Danh hiệu cao quý đó chính là phần thưởng xứng đáng cho quá trình lao động nghiêm túc, miệt mài và tài năng của chị trên con đường nghệ thuật trong 33 năm qua. Dương Liễu là nghệ sỹ đầu tiên của Cao Bằng được Nhà nước tôn vinh danh hiệu NSND.
    Nghệ sỹ Nhân dân Dương Liễu.
    Tôi đã có buổi trò chuyện cùng chị tại nhà riêng trong con ngõ nhỏ tổ 16, phường Hợp Giang (Thị xã). Đã bước qua tuổi 50, nhưng khuôn mặt của chị vẫn rất đẹp, một vẻ đẹp đằm thắm, mặn mà không dấu ấn của thời gian. Lần nào gặp cũng thấy chị bận rộn, vừa đưa Đoàn Nghệ thuật tỉnh tham dự Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc (đợt I) tại Sơn La về, lại bắt tay ngay vào việc tập luyện của đoàn, lịch diễn và tìm ý tưởng xây dựng kịch bản chương trình nghệ thuật chào mừng Lễ công bố thành lập thành phố Cao Bằng - Chương trình “Du lịch qua những miền di sản Việt Bắc” (do Cao Bằng đăng cai tổ chức vào tháng 10 tới đây) với vai trò đạo diễn. 
    LUÔN HÁT BẰNG CẢ TRÁI TIM
    Khi nói về danh hiệu cao quý được Nhà nước trao tặng, chị tâm sự: Làm xong hồ sơ đề nghị công nhận NSND, mình cuốn vào guồng quay của công việc thường ngày, rồi những chuyến lưu diễn xa nên không có thông tin gì. Cuối tháng 4/2012, trong đợt tập huấn tại Hà Nội, một người bạn đã chúc mừng khiến mình ngỡ ngàng không tin đó là sự thật... Và chị đã khóc! Khóc vì niềm vui, niềm vinh dự và tự hào - NSDN là một danh hiệu cao quý đánh dấu quá trình hoạt động nghệ thuật không mệt mỏi của người nghệ sĩ và sự ghi nhận của tất cả mọi người dành cho mình, nhưng cũng là một trách nhiệm lớn lao để người được trao tặng tiếp tục phấn đấu, xứng đáng với niềm tin yêu đó.
    Sinh ra và lớn lên trong một gia đình không có ai làm nghệ thuật chuyên nghiệp, từ khi còn bé, chị thường xuyên tham gia các hoạt động văn nghệ của nhà trường cũng như thôn, xóm. Lớn lên, theo học ngành sư phạm mẫu giáo nhưng mong ước được hát, được biểu diễn đã thôi thúc chị gia nhập Đoàn Văn công Cao Bằng (cuối năm 1979), bắt đầu con đường nghệ thuật.
    Thời điểm đó, đất nước gặp rất nhiều khó khăn, Cao Bằng gặp nhiều khó khăn hơn cả. Đoàn Văn công thành lập Đội xung kích đi biểu diễn phục vụ đồng bào khắp các nơi trong tỉnh. Mọi người biết và nhớ đến Dương Liễu trẻ trung, xinh đẹp, có giọng ca ngọt ngào, cao vút gắn với những ca khúc: Lên ngàn, Nhịp cầu nối những bờ vui, Bài ca tặng anh pháo thủ... Chị đã đem tiếng hát của mình biểu diễn phục vụ đồng bào, chiến sỹ khắp các vùng miền trong tỉnh, động viên các chiến sỹ giữ chắc tay súng bảo vệ biên giới, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
    Trong cuộc sống thường ngày, ai cũng có những nỗi niềm riêng, nhưng với Dương Liễu khi bước lên sân khấu là gạt bỏ hết sang một bên, hòa nhập vào câu hát, hát bằng sự đam mê, bằng cả trái tim mình để chuyển tải đến người nghe. Chị tự hào cho biết, đã được đi biểu diễn khắp các bản đồng bào vùng cao của 13 huyện, thị, nơi không có điện, nơi leo bộ vài tiếng đồng hồ... Nhưng cứ thấy bà con vui mừng chào đón là quên hết mệt nhọc để biểu diễn, hát không cần nhạc, hát trong tiếng vỗ tay và niềm vui của bà con. Có lần trời mưa to, bà con không chịu về vì lâu lắm rồi mới có đoàn văn công đến biểu diễn, và chị đã cùng khán giả dầm mưa hát cho nhau nghe. Chính tình yêu chân thành, mộc mạc của bà con vùng cao là động lực giúp chị bước qua mọi khó khăn trong cuộc sống để trụ vững với nghề.
    Theo nhạc sỹ Bế Kha, tác giả của nhiều ca khúc mang hơi thở miền núi, đậm đà bản sắc các dân tộc Cao Bằng, Dương Liễu là một nghệ sỹ tài năng, với chất giọng mượt mà vốn có luôn thể hiện thành công các sáng tác về quê hương, đất nước. Mỗi khi cất tiếng hát, Dương Liễu đã truyền tải hết chất lửa và những tinh tuý của ca khúc đến người nghe.
    XỨNG ĐÁNG VỚI DANH HIỆU NSND
    Với năng khiếu và chất giọng tốt, cùng sự ham học hỏi kinh nghiệm từ những thế hệ đi trước, giọng ca Dương Liễu ngày càng trau truốt, đi vào lòng người nghe và dần khẳng định được vị trí của mình. Ngoài các ca khúc ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, Đảng, Bác Hồ, chị còn sưu tầm, tìm hiểu và học hỏi từ những nghệ nhân các làn điệu dân ca mang đậm bản sắc các dân tộc. Chính vì vậy, hơn 30 năm qua, giọng ca mượt mà, trong sáng của chị theo thời gian ngày càng tỏa sáng và rực rỡ hơn bao giờ hết. Tên tuổi của chị đi vào lòng khán giả bao thế hệ. Nhiều năm gắn bó với Đoàn Nghệ thuật tỉnh nhưng mỗi khi Dương Liễu xuất hiện từ những chương trình lớn đến những buổi biểu diễn phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa, mọi người đều cảm nhận được ngọn lửa nhiệt huyết từ chị, người nghệ sỹ luôn gắn bó với nhân dân, với quê hương cách mạng.
    Khi nói về chị, ông Lê Chí Thanh, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin nhận định: Trưởng thành từ phong trào văn nghệ quần chúng, Dương Liễu đã trải qua và hiểu được những vất vả trên con đường lao động nghệ thuật. Không chỉ hát, bằng tình yêu quê hương, yêu nghề, tâm huyết với nền văn hóa thẫm đẫm chất dân ca Cao Bằng, Dương Liễu đã nỗ lực phấn đấu, có nhiều sáng tạo trong chuyên môn, say mê, tìm tòi, nghiên cứu và vận dụng hiệu quả nền văn hóa đặc sắc của các dân tộc vào các chương trình nghệ thuật của Đoàn Nghệ thuật tỉnh nói chung và những ca khúc do chính mình thể hiện. Đây chính là phẩm chất đáng quý của người nghệ sỹ. Trong cuộc sống đời thường, luôn chân thành, cởi mở, gần gũi với mọi người. Danh hiệu NSND hoàn toàn xứng đáng với Dương Liễu.
    Hiện nay, với cương vị là Phó trưởng Đoàn Nghệ thuật tỉnh, phụ trách chuyên môn, công việc bận rộn, vừa tham gia biểu diễn, vừa chỉ đạo nghệ thuật..., song Dương Liễu còn sáng tác nhiều ca khúc cho đoàn biểu diễn, tác phẩm của chị đã trình diễn ở các sân khấu chuyên nghiệp. Ca sỹ Hồ Quý, Trưởng Đoàn Nghệ thuật tỉnh chia sẻ: Nghệ sỹ Dương Liễu luôn tận tình giúp đỡ các ca sỹ trẻ từ cách hát, chọn ca khúc, đi đứng trên sân khấu, trang phục...; chia sẻ, giúp đỡ khi gặp khó khăn trong cuộc sống. Các thế hệ diễn viên trong Đoàn đều yêu quý và cảm phục sự nỗ lực vươn lên của nghệ sỹ Dương Liễu. Nghệ sỹ Dương Liễu là tấm gương sáng để thế hệ diễn viên trẻ của Đoàn học tập, là niềm tự hào của quê hương Cao Bằng.
    Đối với Dương Liễu, niềm hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời của người nghệ sỹ là được nhân dân yêu mến và quan tâm, được sống trong lòng khán giả. Chị nói rằng, thành công ngày hôm nay đều do sự yêu mến, động viên của công chúng, của bà con và quê hương Cao Bằng vun đắp, tạo dựng nên. Chị mong ước tiếp tục cống hiến, đem lời ca tiếng hát phục vụ đồng bào, phục vụ quê hương, đồng thời tiếp tục vun đắp, bồi dưỡng thế hệ trẻ, góp phần đưa bản sắc văn hoá các dân tộc Cao Bằng bay xa, bay cao hơn.
    Bích Ngọc

    (Đang viết)

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét

    Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

    LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

    Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.