Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

11/11/2014

Mùa thu Hà Nội năm 2007: cô giáo dạy Toán nhớ các em lớp Văn

"Cuộc đời cô có nhiều ngả rẽ, nhưng cuối cùng cô vẫn trở về với nghề dạy học, có một lý do là ở nơi những kỷ niệm của các em đó."

Trích từ Tập san kỉ niệm của nhà trường. Người viết là cô giáo dạy Toán của chúng tôi. 
Một món quà đặc biệt đối với chúng tôi, là trong Tập san, cô viết về lớp Văn Nga ngày đó (Nga là chỉ tiếng Nga, tức lớp chuyên về Văn và chuyên tiếng Nga; chúng tôi còn học tiếng Nga lên đại học nữa). Cô thường tâm sự: đó là lớp học trò tôi nhớ mãi, nhớ mãi, từng em, một cách kì lạ. 
Cô chính là người, lúc đó, phê chữ "Đèn cù" vào bài của một ông bạn tôi. Ý cô bảo: giải vòng vo tam quốc, hệt như đèn cù chạy loanh quanh, giống với viết văn hay làm thơ.

Hiện bây giờ mới có bản word (bản viết tay và bản in, thì còn phải đề tìm đã). Từ đây trở xuống là toàn văn bài của cô. Tôi mạo muội sửa chữa thuần kĩ thuật ở một vài chỗ.

---


"
Nguyễn Thị Thảo

Tốt nghiệp Sư phạm Toán, tôi được nhận về dạy tại nơi trường cũ, trường cấp III Lê Quý Đôn. Thường thì giáo viên Toán ngại dạy trò chuyên Văn, vì nghĩ là các em không thích học Toán. Thế nên, khi được phân công vào dạy một trong những lớp này,tôi rất ngần ngại. Nào ngờ đâu, lớp học ấy lại gắn bó sâu sắc với tôi đến thế.
Khác với những định kiến ban đầu, càng tiếp xúc với các em, tôi càng cảm thấy những điều mới lạ. Các em không ghét môn Toán, nếu được hướng dẫn tận tình, các em cũng học hứng khởi lắm. Tuy nhiên, nhiều em mất cơ bản nên học Toán khá chật vật. Nhìn các em lúc làm bài, mặt đỏ bừng, mày nhíu lại, mà kết quả vẫn không cao, tự nhiên tôi thấy thương, cảm giác như người mẹ nhìn đứa con ốm yếu. 

Tôi chưa bao giờ cẩn thận, tỉ mỉ như những ngày đó. Tôi nghĩ mình có thể thay đổi tình trạng này, hơn nữa, tôi tin vào sự nghiêm túc của các em. Nhưng tôi sớm nhận ra mọi việc không dễ dàng như thế.
Một hôm, sau giờ kiểm tra, lớp rất ồn, tôi giảng nhưng cảm thấy các em không tập trung. Khó quá chăng? Tôi dừng lại và ngồi nghĩ xem có thể nói thế nào để các em dễ hiểu. 
Bỗng nhiên, tôi nhìn thấy một mẩu giấy được chuyển đi. Hình như không phải là một. Và còn cả những tiếng cười khúc khích. Tôi bực lắm. Thế ra chuyên Văn cũng chẳng khác gì lớp thường. Đi nhanh xuống lớp, tôi thu được hai mẩu giấy. Có lạ gì, những mẩu giấy của học trò, toàn là những đối thoại nhăng nhít! Tôi mở mẩu thứ nhất:
Hôm nay kiểm tra Đại.
Đề cô ra khó quá.
Chả ai làm trọn bài.
Bàn cãi nhức cả tai !


Tiếp đến mẩu thứ hai: 

Hôm nay làm kiểm tra.
Đầu tiết cười ha hả.
Giữa tiết run cầy sấy.
Cuối tiết bỗng... khóc oà!

Tôi bật cười. Tôi thường ra đề từ dễ đến khó, nên khi hết giờ, các cô cậu có cảm giác như bị lừa. Hoá ra những tiếng cười rúc rích là vì những mẩu giấy đã nói được cảm nghĩ chung của lớp. Đọc lại tôi càng buồn cười. Thế là cả lớp cùng ồ lên cười: Cô hiểu chúng em rồi nhé! Và cô chẳng giận nữa đâu! Hình như con đường để cô trò đến với nhau đã rõ ràng hơn. Vài phút sau,lớp hoàn toàn im lặng. Tôi chữa lại bài. Mắt các em ánh lên vẻ thích thú xen lẫn tiếc rẻ.
Hóa ra các em học Toán trong một thế giới xúc cảm.
Rất cố gắng, nhưng tâm tưởng các em vẫn dành cho một thế giới khác, xa lạ với Toán. Làm sao được, khi sinh ra chẳng phải để học Toán.
Tôi biết các em vẫn làm thơ trong giờ Toán. Nhắc rất nhiều nhưng vẫn không triệt để được. Giáo viên chủ nhiệm dạy Văn, nên khi trao đổi, anh cứ ậm ừ. Có vẻ như chúng định tuyển cả tập thơ. Vừa hết giờ đã thấy trao nhau những mẩu giấy. Có hôm còn khoe với tôi hai bài thơ xướng họa:
Tuyển tập thơ này cũng hay hay.
Nhưng mà thơ”dởm” nghĩ thẹn thay.
Học trò sôi nổi vui là thế.
Tớ đố ai không nhớ chốn này!

(Nguyễn Thanh Bình)


và:

“Tớ đố ai không nhớ chốn này”.
Thơ cười vỡ lớp thật là hay.
Học trò sôi nổi, đời vui thế.
Phòng chật mà thơ vẫn cứ bay!

(Bùi Trung Hiếu)

Tôi bảo:“Thơ hay lắm,nhưng cứ làm thơ trong giờ Toán, cuối năm thi trượt đừng có mà giòn cười tươi khóc”. Nói thế thôi, nhưng tôi cảm thấy, hình như trong giờ Toán các em mới có “hứng” làm thơ. 
Thì đây, các em viết rằng:
Có bao giờ ...
Mình còn được viết thơ
Trong giờ học Toán?
Những câu thơ ngây ngô
Cả cuộc đời không bao giờ chán.
Giữa những dấu căn
Lẫn cả tiếng cười !

(Bùi Trung Hiếu)



Than thở với ai đây, thôi thì mỗi bài, mỗi câu cứ phải giảng đi giảng lại ba, bốn lần! Bởi lẽ các em vừa nghe, còn vừa bận với nàng thơ.
Tôi còn nhớ như in, buổi học mồng Tám tháng Ba năm đó, các em vừa có một bài kiểm tra rất khá, còn ai vui hơn thầy khi thấy trò tiến bộ. Vào lớp tôi càng vui hơn, khi thấy bàn ghế, bảng sạch bong, những vết ố trên bàn giáo viên đã được tẩy sạch, lại thêm một lọ hoa đẹp và rất thơm. Tôi khen: “Ai trực nhật tài thế?”. Cả lớp tranh nhau: “Năm mì chính cánh ạ”. À ra năm cậu con trai hiếm hoi galăng trong ngày Tết Phụ nữ đây. Rất hồn nhiên một trò gái đứng dậy : “Thưa cô, cho em đọc một bài thơ, tặng năm bạn trai nhân dịp này ạ!”
Cường, Anh, Giao, Tuấn, Hiếu
Vẽ chung một bản đồ.
Nai lưng không dám quản.
Bọn nữ ta được nhờ… !

(Nguyễn Thanh Bình)

Lớp trưởng Bùi Trung Hiếu, cũng xin phép cô giáo, đứng dậy đáp ngay:

Tuấn Anh, Tuấn, Giao, Cường
Vẽ bản đồ,chuyện thường.
Miệng nói, tay hăng hái.
Tất cả chỉ vì thương ...

Ngẫu hứng, tôi cũng đọc: 
Tuấn Anh, Tuấn, Giao, Cường
Trực nhật, ấy chuyện thường.
Hiếu phất cờ cổ động.
Bàn sạch, bóng… như gương!


Thôi thì vỡ cả lớp. Có lẽ tiết học đó là một trong những tiết học vui nhất của cô trò chúng tôi. Đứng trên bục giảng,nhìn xuống thấy các trò vừa ghi bài vừa tủm tỉm, tôi cũng phải cố nén để khỏi lại bật cười.

Đến tháng 11 năm 1988, lớp các em rời Lê Quý Đôn, chuyển ra Trường Chuyên của tỉnh. Trò đi, cô ở lại, bao nhiêu là bịn rịn. 

Các em trở lại thăm tôi vào dịp mồng Tám tháng Ba năm sau, tặng cô một cuốn sổ nhỏ, nhưng còn dí dỏm dặn: “Chúng em về rồi cô hãy mở ra xem”. Cuốn sổ là những dòng lưu bút bằng thơ, mà trong đó hầu như em nào cũng có một hai bài. Bài thơ nào cũng khiến tôi cảm động, nhưng vì Tập san có hạn, tôi chỉ xin phép ghi lại một trích đoạn, vì nó tô đậm tất cả những kí ức ngày đó của thầy trò chúng tôi :

Trong giờ học:
Dỏng tai nghe cô giáo nhắc,
Nhanh tay trang giấy vội vàng.
Suy nghĩ miên man.
Ghi : cosin cộng với mì chính cánh...
Khối lập phương tròn như ... cái bánh
A trên B bằng bút hỏng ngòi
Căn bậc hai ... cô giáo ra ngoài.
Cánh cửa khép - đường cao tam giác.
Ka-pi ơi câu là đồ nhát
Cứ viết thơ đi, cô giáo chưa vào.
Cả hội lao xao
Vuông giấy nhỏ chia tiếng cười khắp ngả.
Cô thông cảm với trò vui tuổi trẻ.
Một nét buồn thoáng qua mắt nâu...

(Nguyễn Thúy Hằng)


Sáng, Hằng, Hiếu, Bình,... những cái tên thân thương, những đứa trò tinh nghịch của cô. Các em làm nghề gì ? Ai theo nghề văn chương ? Ai theo nghề khác? Dù thời gian, không gian có nhiều cách trở, không cho phép cô theo sát các em được, nhưng cô tin chắc các em sẽ trưởng thành trong cuộc sống. Bởi vì, những lớp học trò biết theo đuổi những đam mê và niềm hy vọng, đều tìm được chỗ đứng trong đời. 

Còn cô, các em biết không, cuốn sổ - tập thơ các em tặng cô, cô sẽ giữ suốt đời. Cuộc đời cô có nhiều ngả rẽ, nhưng cuối cùng cô vẫn trở về với nghề dạy học, có một lý do là ở nơi những kỷ niệm của các em đó. Lòng cô rưng rưng mỗi khi cô nhẩm đọc:
Cái bài thơ làm trong giờ Toán 
Để cho cô phải nhắc em nhiều
Nhưng cô ơi, vì sao em hiểu
Tấm lòng cô qua một chữ :yêu !
(Hà Minh Sáng)

“Các em ơi, giờ này các em ở những đâu, có còn nhớ đến cô không?”. Và cô muốn xin phép các em, nối bút vào tập thơ, một chút nỗi niềm riêng tư:

Sông sâu, con nước chảy xuôi.
Qua sông, còn nhớ đến người chèo xưa.

Cô mong rằng, đến ngày hội trường, các em sẽ về cùng cô, ôn lại những kỷ niệm xưa, và cùng nhau hát vang bài ca “Dưới mái trường yêu thương”. Lúc đó, cô sẽ đưa các em đến phòng Truyền thống Nhà trường, và cô trò mình cùng báo công với cụ Lê Quý Đôn, các em nhé !

Hà Nội - Mùa Thu 2007


"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.