Tên của tác giả bài báo thì đáng tiếc là được viết tắt (thành T.Lê).
Đại ý là mới có một cuộc tọa đàm “Bàn về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu tại các đền, phủ ở Hà Nội”. Và các vị tham gia tọa đàm ấy đã nói như vậy.
Hồi trước Cách mạng Tháng Tám, nhóm các ông Nhất Linh cũng đã kêu rầm trời về chuyện này rồi mà. Mê muội luôn thắng văn minh mà !
Từ đây trở xuống là bài của VNN.
---
29/11/2014 09:19 GMT+7
Bổ sung vô tội vạ thần thánh vào điện thờ, thương mại hóa tín ngưỡng, buôn thần bán thánh trong các đền, phủ, thanh đồng phán được cả chuyện phòng the…
Đây là những ý kiến bức xúc của các đại biểu tham dự buổi tọa đàm “Bàn về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu tại các đền, phủ ở Hà Nội” hôm 28/11.
Lộn xộn tình trạng hầu đồng
Ông Lưu Ngọc Đức - Thủ nhang Đền Lảnh Giang Vọng Từ (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bức xúc: “Tôi thấy việc hầu đồng bây giờ hỗn độn và sai nhiều quá, Người ta cứ đưa các vị thần mà bản thân thủ nhang trông giữ đền còn không biết là thần gì, là ai”.
Ông Đức cho rằng, có đền chỉ thờ các vị danh nhân thì đưa cả thờ Mẫu như đền thờ Thiên Tiên, Hương Nghĩa, đền Bạch Mã đưa Tứ phủ vào. Nhiều nơi thờ cúng loạn cả lên khiến người đến lễ không nắm rõ là như thế nào, nên khấn vái ai, sắm lễ sao cho phải….
Ông Đức cho rằng, thời xưa các thanh đồng hóa trang thành các vị quan thường mặc áo dài, quần trắng, khăn xếp, còn bây giờ các vị quan thần mặc áo dài, quần âu, đội mũ cánh chuồn, tai ngang, tai dọc. Còn thánh nữ thì áo cánh có đuôi dài 5 mét, cổ áo loe ra như con công, tóc búi như bánh sừng bò giống Dương Quý Phi, Chiêu Quân (Trung Quốc). Nửa ta, nửa Tàu trông rất dị hợm.
Bà Trần An Đức Hạnh - Thủ nhang Ba Nàng Vọng Từ (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng bức xúc về việc hiện nay hầu đồng đã trở thành một phong trào chứ không phải như ngày trước, người có căn số mới hầu. “Đền phủ mọc lên như nấm sau mưa, nhiều người không có căn cốt nhưng lại cứ thích chạy theo loại hình diễn xướng tâm linh này như một sự cuồng tín. Họ sẵn sàng bỏ ra vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng cho một lần hầu đồng”, bà Hạnh nói.
Bà Lê Thị Hạnh - Trưởng ban Quản lý Đền Rừng thẳng thắn: “Không ít thanh đồng buôn thần, bán thánh, vòi người hầu đồng chi những khoản tiền khủng vài trăm triệu để sắm trang phục, vàng mã, hoa quả, những cọc tiền phát lộc mệnh giá lớn. Không khí thiêng liêng của buổi hầu đồng nhuốm mùi tiền bạc”.
Theo bà Hạnh, việc thực hành nghi lễ hầu đồng với lời “Thánh truyền” bị sai lệch đi rất nhiều. Trước kia lời “Thánh truyền” rất ngắn gọn nhưng câu từ đầy triết lý về đạo làm người nhưng hiện nay, các thanh đồng chuyện đời sống trần tục như làm thế nào để kiếm tiền nhanh hay có nhiều lộc, thậm chí hướng dẫn cả chuyện phòng the…
Thiếu cơ chế quản lý thống nhất
Theo GS Ngô Đức Thịnh tín ngưỡng thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian thuần Việt, có lịch sử lâu đời, biến chuyển thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Tín ngưỡng này bao gồm nhiều hệ giá trị độc đáo, gắn liền việc thờ nữ thần, thờ bà mẹ thiên nhiên với các khát vọng về sức khỏe, tài lộc của con người.
Thiếu cơ chế quản lý thống nhất là một trong những nguyên nhân dẫn đến tính trạng lộn xộn trong việc tổ chức hầu đồng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới niềm tin của người dân và một số nơi tổ chức nghiêm chỉnh lại bị đánh đồng là mê tín dị đoan. Thêm vào đó có khoảng 70% thanh đồng thiếu kiến thức về tín ngưỡng Thờ mẫu nên tình trạng này càng trở nên lộn xộn.
“Hiện nay, ở Hà Nội, cơ quan quản lý không có hình thức quản lý cụ thể nào về hầu đồng. Điều đó dẫn đến việc ai muốn làm gì thì làm, thích lên đồng theo cách thức nào thì tùy và muốn xây dựng, sửa chữa các đền, phủ theo hình thức nào thì làm một cách tùy tiện,” GS Ngô Đức Thịnh nhìn nhận.
Cùng quan điểm GS Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam cho rằng: “Việc quản lý các hoạt động liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu tại các các đền, phủ ở Hà Nội là một vấn đề không mới. Nó đã được đặt ra từ hàng chục năm nay nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa thống nhất được mô hình, cách thức quản lý.”
GS Tô Ngọc Thanh cho rằng hiện nay,các nhà quản lý và không ít nhà nghiên cứu đang có sự nhầm lẫn về khái niệm. UNESCO đã phân biệt rất rõ hai cụm vấn đề: bảo tồn-phát huy giá trị di sản và thừa kế-phát triển di sản. Nhưng Việt Nam lại hay dùng cụm từ bảo tồn và phát triển. Chính cách dùng từ lộn xộn này mới dẫn đến nhiều hiểu lầm.
“7 năm về trước Nhà hát Chèo đã đưa lên sân khấu 3 giá đồng khiến cả khách Tây mê mẩn. Tuy nhiên đây không phải là hầu đồng. Đây là nghệ thuật hóa hầu đồng. Nó thuộc phạm trù thừa kế và phát triển”, GS Thanh nói.
GS Tô Ngọc Thanh cho rằng, cơ quan chức năng cần xây dựng bộ khung quản lý thống nhất, dựa trên tinh thần khôi phục, bảo tồn những giá trị gốc, cốt lõi của di sản.
Ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội chốt lại rằng, chính vì những lộn xộn trong thời gian vừa qua nên liên hoan tín ngưỡng thờ Mẫu lần này nhằm kiểm kê loại hình di sản này trên địa bàn Thủ đô. Trên cơ sở đó, sở có phương án quản lý những hoạt động liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu (để các hoạt động trong sáng, lành mạnh, đúng nghi thức); đồng thời, tạo cơ sở để nhận thức của công chúng về hoạt động này đồng nhất hơn.
T.Lê
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.