Đang vừa cắn quản bút vừa kì cạch xử lí đống tư liệu liên quan đến phát triển du lịch cộng đồng, liếc thấy nghị Phước vừa đăng bài bàn về cùng chủ đề, nên vớt về đây.
Nhìn chung là nghị Phước quen viết theo lối khoa trương và luôn rỗng ruột. Tức là, nói một cách nghiêm túc, thì về mặt nội dung là hoàn toàn vô giá trị. Nên phải đặt vào mục vui vui.
Dưới đây là chép nguyên xi.
---
(Bài đăng trên emotino.com ngày 07-02-2011)
Hoàng Hữu Phước, MIB
Sau khi tôi đăng lại bài tư vấn về phát triển ngành thực phẩm chức năng trên blog này vào tháng 9 vừa qua, một số bạn đọc nhắc tôi lập lại những bài tư vấn khác trước đây tôi đăng trên emotino.com như về phát triển công nghệ thông tin đặc thù, phát triển thực phẩm ngành gạo, phát triển thực phẩm ngành khô và sấy khô, v.v., và trong khi lục tìm chưa ra những bài ấy, tôi đăng lại bài tư vấn sau về phát triển du lịch Việt Nam để xin chia sẻ cùng bạn đọc.
Tư Vấn Phát Triển Du Lịch Việt Nam
Hoàng Hữu Phước, MIB
A- Dẫn nhập vài dòng dài dòng: Slogan Du Lịch các anh hào Châu Á
Có thể nói Thái Lan hay quá vì đã chọn “Amazing Thailand” (đẹp đến ngất ngây), Ấn Độ khôn quá khi chiếm hữu từ tiếng Anh “Incredible India” (đẹp vô vàn ngây ngất), khiến Mã Lai xuất chiêu cao thủ ngạo nghễ ôm hết Châu Á vào mình với “Malaysia Truly Asia” (như thể vỗ mặt khẳng định chính bổn quốc chứ không nơi nào khác có được nét đẹp Á Châu thứ thiệt) thay thế ngay danh xưng “Fascinating Malaysia” (đẹp quyến rũ và lôi cuốn) đã dùng trước đó, để làm thương hiệu du lịch của nước mình. Cuộc đua vẫn tiếp diễn với Singapore tuy biết thân biết phận nhỏ bé vẫn chọn uy danh “Uniquely Singapore” (đẹp …“không đụng hàng”) còn Hàn Quốc sau khi tạo cơn đại cuồng phong Làn Sóng Hàn cuốn phăng tất cả các châu lục thu phục nhân tâm toàn nhân loại đã chứng tỏ vì sao công nghiệp ngày nay đè bẹp cả Nhật Bản và Âu Mỹ khi trong điều kiện ngặt nghèo về từ tiếng Anh thượng hạng không còn sót lại bao nhiêu vẫn tấn công tổng lực tuyệt vời trong cuộc chiến du lịch với thương hiệu quốc gia “Sparkling Korea” (đẹp rực rỡ yêu kiều) và thương hiệu địa phương đảo Jeju “Mystic Island, Jeju” (xinh đẹp diệu huyền), chiếm hữu cùng lúc hai từ tiếng Anh xuất sắc, làm kẻ đến sau ắt không còn nhiều sự lựa chọn khả dĩ sánh bằng. Đất nước nào cũng “đẹp”cụ thể, đẹp đến nhạn đang bay trên trời cũng phải đắm đuối say mê mà quên cả vỗ cánh để rơi vào nồi súp. Indonesia cũng nhanh tay có “Wonderful Indonesia” (đẹp tuyệt trần), trong khi Việt Nam ta thì không rõ vì sao lại chọn “Welcome to Vietnam” không dính dáng gì đến cuộc thi sắc đẹp, để rồi thay vì là “Charming Vietnam” (đẹp yêu kiều diễm lệ) lại cho ra cụm từ “Vietnam the Hidden Charm” vốn là cấu tạo từ cực kỳ yếu đuối vì phải cần thêm danh từ “đẹp” với tính từ “tiềm ẩn” (các từ của các nước đã dẫn ở trên đều chỉ cần một tính từ để nói lên tính cách đẹp) tự trói mình vì đã tiềm ẩn thì không ai thấy và hoàn toàn không đủ tiêu chuẩn xuất hiện trong bất kỳ cuộc thi sắc đẹp nào (phải có số đo cụ thể các vòng 1, vòng 2, vòng 3, chiều cao, trọng lượng, sức khỏe, … số lượng răng, không “xâm mình” trên bất kỳ xen-ti-mét vuông nào ở bất cứ vùng địa hình nào trên cơ thể, và trình độ văn hóa, nghề nghiệp, đối đáp, v.v.). “Tiềm ẩn” nghĩa là đánh đố thiên hạ, làm như thiên hạ tiền vào Việt Nam để đốt đuốc lao lung tự kiếm tìm xem cái đẹp đang núp ở đâu, trong khi du khách là những người khó tính, đòi hỏi phải biết hết đủ đầy trên brochure trước khi lựa chọn “mua” một tour (“Truly Asia” tuy cùng công thức cấu tạo nhóm từ với “Hidden Charm” nhưng Truly Asia nêu bật một ý rằng du khách đương nhiên là những đấng đã đi nhiều nơi nên đã biết thế nào là Asia, đã yêu tố chất Asia, và do đó bổn quốc đảm bảo quý vị sẽ cực kỳ hài lòng vì tại Malaysia quý vị sẽ nhận thấy các tinh túy Á Châu thứ thiệt mà than ôi tiếc thay mấy nước Châu Á khác đã vì lao theo Âu hóa và hiện đại hóa mà biến dạng méo mó hết rồi; còn “Hidden Charm” không nói lên gì cả, hoặc nếu có sẽ là tiêu cực chẳng hạn người ăn xin tuy đeo bám quấy rầy xin đểu du khách nhưng biết đâu trong thâm tâm thầm kín luôn tiềm ẩn lòng mến yêu du khách mà không đôi mắt trần tục nào thấy được). Gần đây có sự đề xuất “Impressive Vietnam” (ý ám chỉ đẹp một cách đầy ấn tượng) nhưng bản thân từ impressive lại là từ … trung tính, nghĩa là một cô gái có thân hình người mẫu thời trang loại bình thường như thường thấy, hay loại người mẫu thời trang bất thường nhịn ăn giữ eo chỉ còn da bọc xương, hay người mẫu thời trang phi thường hộ pháp phì nhiêu gấp đôi võ sĩ Sumo đều cũng có thể là …impressive. Nói tóm lại, hidden thì du khách chúng tôi xin chào nhé và đi chỗ khác chơi, còn impressive thì du khách chúng tôi kinh ngạc sao lại có đất nước liều lĩnh dám chọn chữ impressive tối nghĩa và vô vị làm thương hiệu du lịch quốc gia và chúng tôi không dám bước chân đến Việt Nam do không chắc các bạn impressivetheo chiều hướng nào: tiếp đón ân cần khách hay cóc cần khách.
B- Vấn đề muôn thủa: Công thức cũ hiệu quả vẫn chưa được áp dụng
Thật ra thì nếu đã là siêu cường “đi trước” như Mỹ hay Nga, hoặc đã có kỳ quan thiên cổ chẳng cần đến sự công nhận của cơ quan Di Sản Thế Giới của UNESCO, chẳng ai phí thời gian kiếm tìm một chữ tiếng Anh để làm thương hiệu quốc gia về du lịch, trừ anh Trung Quốc năm 2002 tuy có Vạn Lý Trường Thành thiên cổ kỳ quan vẫn còn mặc cảm tự ti nên tổ chức cuộc thi slogan mà giải nhất thuộc về cô Linda Jones của Canada với sáng tác “Discover China: 5000 Years Young” (Khám Phá Trung Quốc: Đất Nước Trẻ Măng Mới Có 5000 Năm Tuổi). Chỉ có những con rồng con và tiểu hổ “đến sau” mới phải làm công việc kiếm tìm, và sự khác biệt là trong khi các rồng và các cọp ngấm ngầm lựa chọn rồi tung ra các kết quả chấn động lấn lướt thì Việt Nam, đất nước của một dân tộc nói tiếng Anh hay hơn tất cả các giống dân Châu Á khác cứ mãi công khai bàn luận, công khai kiến nghị, công khai phân tích, công khai thi tuyển, để rồi cứ cho ra sự lựa chọn không thuộc đẳng cấp cao, kém hiệu quả, cực kỳ vulnerable, tức dễ bị tổn thương trước các công kích và nhạo báng. Mọi việc lẽ ra đã có thể tốt hơn nếu các công thức sau đây luôn được tuân thủ:
1) Bài bản của công thức hàn lâm
Theo công thức bất di bất dịch của hoạt động biên khảo hàn lâm, người ta luôn soạn trước phần mục lục để vạch đường, giống như khẳng định gần đây của một Bộ trưởng nói nhất quyết sẽ làm đường sắt cao tốc và phải quy hoạch để giữ quỹ đất. Tất nhiên, mọi chi tiết của mục lục đều có thể được điều chỉnh trong quá trình soạn thảo. Nhưng có một điều chắc chắn là: đã không vạch trước đường lối, không thể có đích để hướng đến và đạt được. Đã không có “mục lục” cho các phần của một kế sách quốc gia về thương hiệu du lịch thì không thể có kế sách chi tiết, mà đã không có kế sách chi tiết thì không thể có được kết quả như ý về một thương hiệu.
Để khai thác ưu thế của hòn đảo Jeju vốn đã được Ủy Ban Di Sản UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên của nhân loại, Hàn Quốc đã nêu bật các đặc điểm của Jeju như (a) cả hòn đảo là một viện bảo tàng về hoạt động ngàn xưa của hỏa sơn với bao cảnh quang kỳ thú do thiên nhiên tạo nên, (b) hòn đảo lớn nhất và xinh đẹp nhất Hàn Quốc, (c) có nền văn hóa độc đáo hình thành từ hàng bao thế kỷ, và (d)khí hậu ôn hòa, để rồi lựa chọn từ “Mystic” cho hòn đảo đã trở nên danh tiếng hoàn vũ như nơi lý thú để đến phối hợp kinh doanh cùng nghỉ dưỡng “to rest both body and soul” trong khung cảnh hùng quan kỳ vĩ của thiên nhiên và không khí thoải mái an lành.
Việt Nam đã không làm điều tương tự. Việt Nam không nêu bật được những điểm chi tiết và cụ thể có tính hấp dẫn du lịch của đất nước hoặc của một hay các địa phương. Việc Việt Nam làm là đơn giản tự động gán cho Phú Quốc danh từ hoa mỹ “đảo ngọc” và đơn giản gọi cả đất nước có vẻ đẹp “tiềm ẩn” thay cho các công trình nghiên cứu công phu và nghiêm túc để bóc tách phơi bày ra các nét đẹp – nếu có.
2) Bài bản của tục ngữ bình dân
a) “Biết người, biết ta: trăm trận trăm thắng”: Có thể đây là câu cực đoan vì không phải lúc nào cũng chiến thắng khi đã biết người, biết ta; song, vẫn có thể áp dụng vế đầu của “biết người, biết ta” như hành động luôn cần thiết trong hoạch định chính sách. Trong lĩnh vực phát triển du lịch, Việt Nam có thể biết chưa nhiều về thiên hạ, và có thể chưa biết nhiều về những gì mình có, những gì mình cần có, những gì mình phải làm để có, những nguồn lực – kể cả con người – mình phải sử dụng để tạo nên cái có.
b) “Penny wise and pound foolish” (khôn từng xu, ngu vạn bạc): Khi Ông đầu bếp “Yan Can Cook” đến Việt Nam ngỏ ý làm phim giới thiệu ẩm thực Việt Nam, và sau đó thậm chí có hữu hảo chịu bớt giá, thì ở Việt Nam các cơ quan làm lơ, ngó lãng, xem như không nghe gì, không biết gì, không hiểu gì, đơn giản vì không ai muốn cơ quan mình phải bỏ tiền ra cho một việc mà người ta cho là vớ vẩn. Sự “tiết kiệm” này trở thành sự phí phạm khủng khiếp nếu người ta chịu hiểu rằng mỗi chương trình phát hình và băng dĩa DVD của Yan Can Cook có bao tỷ người trên thế giới này theo dõi và mua về, đặc biệt có giá trị quảng bá du lịch khi Yan Can Cook trong tất cả các phim của Ông đều có những đoạn quay Ông đi dạo phố, mua sắm này, ăn nọ, uống kia, miệng mồm liếng thoắng khen cảnh, khen người, khen vật, trước khi bắt tay hướng dẫn làm những món ăn của xứ sở đó. Phim của Yan Can Cook nếu đã được hình thành ắt hẳn đã đưa đến Việt Nam thật nhiều du khách. Gần đây, Hàng Không Việt Nam bỏ ra số tiền không nhỏ để thỉnh thoảng có được mười giây quảng cáo trên đài Bloomberg mà chưa chắc đã giúp gia tăng số khách sử dụng máy bay của mình, và nếu có gia tăng cũng chỉ là do khách dùng máy bay Vietnam Airlines để đi từ Mỹ đến Úc du lịch chẳng hạn, chứ không phải để đến Việt Nam, xem như số tiền Vietnam Airlines bỏ ra chẳng có lợi gì cho du lịch nước nhà, quảng bá thương hiệu du lịch quốc gia, chưa kể giá vé Việt Nam ắt phải thấp để lôi cuốn khách, dẫn đến tổng thu chưa chắc đủ bù chi trong hoàn cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu.
Chỉ cần hiểu thấu đáo, áp dụng nghiêm túc vài bài bản bình dân mà không cần phải đi học lấy cái bằng thạc sĩ kinh doanh quốc tế MIB thời đại mới hay thạc sĩ quản trị kinh doanh MBA thời đại cũ cũng đã có thể phát triển kinh doanh ngành du lịch nước nhà.
3) Bài bản của thời hội nhập
Thời hội nhập đem lại cho ta nhiều bài bản, nhiều công thức, trong đó có cả chiêu vô chiêu như công thức kiểu “Điều 2: Hãy Làm Theo Điều 1”. Các nước Đông Nam Á thi nhau chọn slogan thật hoa mỹ để phát triển du lịch. Việt Nam ta có thể tham khảo để bắt chước họ – và trên thực tế thì Việt Nam đích thị đã, đang và sẽ bắt chước họ.
Các đại siêu cường quốc như Mỹ chẳng hạn thì để mạnh tiểu bang nào phát triển slogan cho tiểu bang đó, chứ chẳng phí thời giờ vàng ngọc để tạo một slogan cho quốc gia mà dồn công sức vào việc lấn chiếm – theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng – để trở thành đại siêu cường quốc mà thiên hạ ai cũng ước mơ được đặt chân đến, nhờ vậy một mình Hoa Kỳ có 50 tiểu bang đang sở hữu đến 132 slogan quảng bá du lịch theo thống kê tính đến 22 giờ 09 phút ngày 18-01-2011 (Texas và Wisconsin mối tiểu bang sở hữu 5 slogans, và khoảng hai tá tiểu bang chọn cho mình 4 slogan cho mỗi tiểu bang). Hoa Kỳ hấp dẫn du khách bằng chính sức mạnh cơ bắp và thân hình cường tráng của mình. Việt Nam ta có thể tham khảo để bắt chước Mỹ – dù trên thực tế thì Việt Nam chưa có các cơ bắp cường tráng để tạo uy danh tương tự cho phát triển du lịch nước nhà.
Hàn Quốc vùng Đông Bắc Á khôn ngoan vừa theo chân các con rồng con và các chú cọp con Đông Nam Á thuê tư vấn quốc tế chọn cho quốc gia một slogan thật đẹp (dù bị chê là trùng nghĩa với thứ nước trái cây lên men rẻ tiền) và đồng thời bắt chước đại siêu cường Hoa Kỳ để Đảo Jeju tham gia đánh bóng thương hiệu du lịch của riêng địa phương, khiến Hàn Quốc chí ít cũng đang sở hữu hơn thiên hạ một slogan. Việt Nam ta có thể tham khảo để bắt chước Hàn Quốc – và trên thực tế thì Việt Nam bắt đầu có động thái quan tâm tương tự.
C- Vấn đề muôn thủa: Công thức cũ ít hiệu quả vẫn được ưa chuộng
1) Huyễn hoặc nỏ thần:
Việt Nam ta có truyền thuyết nỏ thần nhờ lẫy nỏ làm từ móng vuốt của Thần Rùa Vàng (mà từ Hán Việt gọi là Kim Quy) ban cho vua An Dương Vương giữ nước Âu Lạc không ngờ vua có đứa con gái tên Mỵ Châu vì si mê tên chồng là Trọng Thủy vốn là con của Triệu Đà nhà Tần sai đến làm gián điệp nên tiết lộ điều cơ mật, giúp hắn lẻn phá tan lẫy nỏ rồi quất ngựa truy phong, đem quân quay lại xóa tên đất nước của trượng nhân (bố vợ). Không cần nói đến thực tế là chuyện này rất hoang đường vì theo chân lý của khoa nhân chủng học thì Trọng Thủy không thể nào có ngoại hình mê hoặc Mỵ Châu do xuất thân Tàu rặt, còn Mỵ Châu tất nhiên đẹp khuynh nước khuynh thành vì gốc người Việt ta, nên làm gì có chuyện si mê quái gở như sách sử đã nêu, mà ắt là Trọng Thủy dùng khổ nhục kế được vua cha Triệu Đà bắt làm hoạn quan cho qua hầu hạ rửa chân cho Mỵ Châu như cam kết “Ngộ sẽ không còn xâm lấn Âu Lạc của nị”, rồi thừa cơ đào tường khoét vách vào kho phá nỏ thần, mà tiếc vì sử sách Âu Lạc không còn nên thiên hạ nhà Tần vô tư bày chuyện “si mê” để hạ nhục tổ tiên Âu Lạc ta. Ngoài ra, chỉ với lời kể việc nỏ bắn một phát bung ra hàng trăm mũi tên cũng đủ biến truyện thành truyền thuyết hay dã sử vì vô bằng vô chứng. Trong khi đó, Hàn Quốc lại có nỏ thần thật mang tên Singijeon, đang được lưu giữ tại Cung Điện Deoksu và vài viện bảo tàng khác ở Hàn Quốc. Nỏ “Thần” này do con người chế tạo ra, đó là nguyên soái Choi Mu-seon vào năm 1377, làm khiếp sợ quân Tàu xâm lược, và được không ngừng cải tiến cho đến thế kỷ XV trở thành thứ vũ khí đáng gờm, thậm chí chỉ trong một trận đánh thảm khốc Haengju trong Chiến Tranh Imjin vào thế kỷ XX (1952-1958), 30.000 quân xâm lược Nhật Bản hiện đại đã bị tiêu diệt bởi 2.800 dân quân Đại Hàn sử dụng “nỏ thần” Singijeon cổ điển.
Nỏ Thần Hàn Quốc là một bệ phóng gỗ trên xe đẩy, với hàng trăm lỗ có đường kính mỗi lỗ từ 4 cm đến 6 cm để chứa hàng trăm mũi tên có cột gói thuốc nổ, được đốt đồng loạt để bắn ra gần như cùng lúc hàng trăm mũi tên lao đi vun vút xa đến 150 mét. Người ta còn cho rằng mô hình Nỏ Thần này đã được Liên Xô mô phỏng chế tác thành vũ khí Katyusha đè bẹp hùng binh Đức Quốc Xã trong Đệ Nhị Thế Chiến.
Nỏ Thần (dàn bắn tên pháo) là niềm tự hào của dân Đại Hàn, và được thể hiện trong bộ phim nhựa hoành tráng mang tên Vũ Khí Thần Thông (The Divine Weapon) quay trong 6 năm với phí tổn gần 10 triệu USD.
Như vậy, ngay cả một chi tiết truyền thuyết của Việt Nam ta cũng bị tước mất giá trị thực tiễn trong quảng bá văn hóa, lịch sử và du lịch, chỉ vì ta chẳng có gì cả từ dã sử truyền thuyết (nỏ thần hình dáng ra sao, đảo hoang nơi cư trú của Hoàng Tử An Tiêm ở đâu, nơi nào Bà Tiên Dong tắm làm trôi cát lộ ra Ông Chữ Đồng Tử đang nằm sấp trần truồng), chẳng còn gì cụ thể từ lịch sử (cọc Bạch Đằng Giang, Loa Thành, Ải Chi Lăng), và do đó gần như chúng ta chỉ có những điều huyễn hoặc để khai thác đem ra kể cho du khách thời hiện đại, những người cực kỳ duy lý, thích tìm hiểu đến chân tơ kẻ tóc các sự việc, chuộng thực tế, ưa sưu tầm các kiến thức từ internet để hiểu biết trước và hiểu biết nhiều hơn hướng dẫn viên du lịch bản xứ, và khoái chi tiền hợp lý, tức những gì mà Việt ta khó thể đáp ứng từ các chi tiết lịch sử thuần túy sách vở không thể kiểm chứng.
2) Râu cắm khác cằm:
Sưu tầm truyện xưa tích cũ để kể cho du khách nghe lúc ngồi trên xe hay trên ghe mà nơi đến chẳng dính dáng cụ thể gì đến truyện kể tức chỉ là nơi nghỉ ngơi, mua sắm, và ăn uống, là cách vẫn cứ được áp dụng triền miên bởi một số hướng dẫn viên du lịch tại Việt Nam.
3) Tống cựu nghinh tân:
Tìm kiếm các địa điểm mới tinh để tổ chức các tour du lịch mới tinh với các truyện ly kỳ mới tinh mà người Việt chưa chắc biết, để kể cho du khách nghe lúc ngồi trên xe hay trên ghe mà nơi đến chẳng dính dáng cụ thể gì đến truyện kể tức chỉ là nơi nghỉ ngơi, mua sắm, và ăn uống, là cách vẫn cứ được áp dụng triền miên bởi một số hướng dẫn viên du lịch tại Việt Nam.
D- Vấn đề mới: Bài học từ công thức cũ
Cách làm có thể suy ra từ ba công thức cũ đã nêu ở trên là Việt Nam nhất thiết phải khẩn trương tìm ra cho bằng được tất cả những gì cụ thể còn sót lại của lịch sử để đưa vào tài liệu chính quy cấp nhà nước về du lịch chứ không phải núp sau dòng chữ “hidden charm” – đẹp lắm, hoành tráng lắm, hào hùng lắm, nhưng còntiềm ẩn đâu đó mà dân chúng tôi chưa có thời gian kiếm tìm đưa ra ánh sáng.
Phải tìm ra cho bằng được khúc sông nào của Bạch Đằng Giang đã có trận thủy chiến kinh thiên động địa để khoanh vùng bảo vệ, bảo quản, tái tạo chiến thuyền tôn tạo cảnh quang lịch sử, hàng năm tổ chức tái hiện trận chiến Bạch Đằng Giang. Châu Âu hàng năm tái dựng trận chiến Waterloo lôi cuốn hàng trăm ngàn du khách nước ngoài và thậm chí đã thành lập xong ủy ban lo tổ chức đại lễ vào ngày 18-6-2015 kỷ niệm 200 năm trận Waterloo (1815-2015) lịch sử tại địa điểm nay gần Vương Quốc Bỉ, nơi Quận Công Xứ Wellington của Vương Quốc Anh đánh bại Hoàng Đế Đại Pháp Napoleon Bonarparte; hay như Bang North Carolina Hoa Kỳ vào tháng 10 hàng năm (năm 2011 là kỷ niệm 231 năm) tổ chức lễ tái dựng trận đánh tại Vương Sơn (Kings Mountain) với hàng ngàn dân và du khách trong vai “chiến binh” vận trang phục quân Anh, quân Pháp, và quân các bộ lạc da đỏ, sử dụng súng trường hỏa mai, gươm, cung tên, gậy gộc, đại bác, đánh nhau như đã ghi trong lịch sử chiến tranh cách mạng Hoa Kỳ, cho nhiều chục ngàn du khách chiêm ngưỡng, để rồi sau đó cắm trại, quây quần ăn uống, khiêu vũ, vui chơi, thi đấu rôm rả trong hai ngày đêm.
Phải tìm ra cho bằng được địa thế hiểm trở núi đồi nào ở Chi Lăng mà Ông Cha ta đã chém bay đầu Minh Triều Đại Tổng Binh Liễu Thăng để khoanh vùng bảo vệ, bảo quản, tái tạo cảnh quang lịch sử, hàng năm tổ chức tái hiện trận chiến Chi Lăng để quảng bá du lịch.
Phải tìm ra cho bằng được con đường nào Trấn Nam Vương Thoát Hoan đã chui vào trong ống đồng hân hoan thoát chạy về Tàu làm điếm nhục phụ vương Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt, để khoanh vùng bảo vệ, bảo quản, tái tạo cảnh quang lịch sử, hàng năm tổ chức tái hiện trận chiến truy sát Thoát Hoan để quảng bá du lịch.
Phải tìm ra cho bằng được khúc sông nào đã nhấn chìm đại tướng Ô Mã Nhi để khoanh vùng bảo vệ, bảo quản, tái tạo chiến thuyền tôn tạo cảnh quang lịch sử, hàng năm tổ chức tái hiện trận thủy chiến bắt sống Ô Mã Nhi rồi cho thủy binh tinh nhuệ đục đắm tàu dìm Ô Mã Nhi nơi đáy nước để quảng bá du lịch.
Phải tìm.
Phải tìm.
Và phải tìm.
Phải tái tạo cảnh quang lịch sử để phát triển du lịch cùng lúc với phát triển trí hóa và niềm tự hào dân tộc của người Việt, thay vì chỉ tập trung phục hồi và phục dựng các trò vui chơi giải trí dân gian như đấu trâu này bò nọ, các lễ hội địa phương như vía đó vía kia, phát triển “chợ tình”, hay trông chờ vào các công nhận của UNESCO cho các loại di sản vật thể hay phi vật thể, rồi cho rằng đây mới là những cái Việt Nam cần để phát triển du lịch nước nhà.
E- Kết luận: Việt Nam, Tin mừng kèm câu hỏi
1) Tin mừng:
Gần đây trên internet có thông tin Thành phố Hồ Chí Minh đã thuê công ty Cowen của Úc sáng tạo một slogan cho du lịch Việt Nam và có thể tất cả sẽ hoàn thành trong Quý I năm nay, theo đó sẽ có một gói gồm hai chục đề xuất để Việt Nam lựa chọn cùng với các tư vấn chiến lược quảng bá kèm theo các slogan. Đây là một tin mừng vì ngành du lịch Việt Nam đã bắt đầu hành sử chuyên nghiệp và mỗi tỉnh thành sẽ noi gương để có slogan quảng bá riêng cho một phát triển chung của ngành. Tất nhiên, sẽ có lời khen chê từ dư luận xã hội và đây cũng là phản ứng mà những người chuyên nghiệp sẽ không quan tâm. Singapore vẫn cứ là Uniquely Singapore theo đề xuất của một công ty nước ngoài mà Singapore đã chi trả một số tiền khổng lồ, mặc cho thiên hạ ở Anh Quốc bĩu môi chê bai là … sai văn phạm tiếng Anh. Một người giàu có, mang trọng bịnh, luôn chọn một bác sĩ tài ba để chữa trị với giá cực cao, không bao giờ mở cuộc thi tuyển hay đấu thầu công khai để các bác sĩ nộp đơn với phác đồ điều trị nhằm đoạt các giải hạng nhất, hạng nhì, hạng ba, và hạng khuyến khích. Còn kết quả có chữa được bịnh không lại không dính dáng gì đến bổn phận của bác sĩ ấy – không có chuyện bác sĩ phải trả lại tiền, vì bịnh có qua được hay không còn dựa vào nhiều yếu tố khác của cơ địa và sức chịu đựng của bịnh nhân. Việt Nam thuê công ty Úc tư vấn slogan, và Việt Nam sẽ không đòi lại tiền nếu sau này slogan bị công kích hay du lịch không phát triển được. Đó là tư cách chuyên nghiệp của Việt Nam. Mọi slogan đều bị công kích, từ Uniquely của Singapore đến Incredible của Ấn Độ hay Sparkling của Hàn Quốc, v.v., nên slogan sắp tới của Việt Nam cũng sẽ không là ngoại lệ, nhưng Việt Nam đã chuyên nghiệp, chấm dứt chuyện thích hà tiện chỉ tổ chức các cuộc thi cho công chúng với giải thưởng chục triệu đồng thay vì hợp đồng với công ty tư vấn với chi phí cao hơn.
2) Câu hỏi:
Câu hỏi rất lớn hiện nay là vì sao vẫn còn kiểu hễ muốn tiết kiệm từng xu một thì tổ chức cuộc thi trong nước không chút chuyên nghiệp, còn khi muốn xài vạn bạc thì lại rất chuyên nghiệp khi lựa chọn công ty tư vấn nước ngoài để ký hợp đồng tiếng Anh với biết bao điều ràng buộc cực kỳ chặt chẽ. Bảo Việt Nhân Thọ hoàn toàn đúng khi mua phần mềm của Bravura Solutions vì toàn bộ hệ thống công nghệ thông tin của Việt Nam ngoài một tiếng tăm trong lĩnh vực diệt virus và vài tin tức nội địa về sáng tạo phần mềm quản lý chưa có gì nổi bật trên trường quốc tế, kỳ dư chủ yếu gia công phần mềm cho nước ngoài, không thấy có tin tức bất kỳ về một công ty nào đó đang hoạt động về IT có sản phẩm chương trình và lập hệ thống quản lý kinh doanh phức tạp của ngành bảo hiểm nhân thọ và được một công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài quan tâm mua sắm sử dụng. Song, tư vấn thương hiệu slogan song ngữ Anh-Việt lại là chuyện khác, không thể nói các công ty tư vấn Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu của Việt Nam, đặc biệt là các tư vấn nước ngoài vừa chưa chắc cho ra các slogan phù hợp do dị biệt tư duy, văn hóa, và phong hóa, chẳng hạn các slogan sau đây của vài địa phương Hoa kỳ được người Mỹ đánh giá là “thành công vượt bậc về du lịch của mọi thời đại” nhưng người Á Châu sẽ cho là tầm thường: I love New York (tôi yêu New York),Virginia Is for Lovers (Virginia: Nơi Của Các Tình Nhân), hay What Happens Here, Stay Here của Las Vegas (Những Gì Xảy Ra Tại Đây, Ở Lại Đây); vừa dứt khoát không thể cho ra câu chữ tiếng Việt đủ sâu sắc để tương hợp với câu chữ slogan tiếng Anh nếu không ký hợp đồng với sub-contractor (nhà thầu phụ – công ty tư vấn tại chỗ) Việt Nam.
Và khi vẫn còn phát sinh những câu hỏi thì ngành du lịch Việt Nam vẫn phải tiếp tục ngóng chờ ngày phát triển thực thụ, thực sự, thực tế, thực chất cho chính mình.
3) Hoàng Hữu Phước nhận diện thế mạnh độc đáo của Việt Nam:
Nét độc đáo bản sắc của Việt Nam không chỉ là những kỳ quan, những cảnh đẹp, những phế tích vì quốc gia nào cũng có, thậm chí có nhiều hơn, toàn vẹn hơn, và đẹp hơn, mà là khí phách, hào khí, nhất là khi khí phách ấy, hào khí ấy đã và đang được chứng minh thật hào hùng, thật ngập tràn kỳ tích trong lịch sử suốt hơn 4000 năm lập quốc, vệ quốc, và kiến quốc. Phải nhận diện nét độc đáo này mới biến Việt Nam đích thị là uniquely, là amazing, là incredible, là sparkling, là wonderful, làfascinating, và do đó, là truly Asia, nét tiêu biểu nhất của toàn Châu Á: luôn vươn lên trong khí thế và ngạo nghễ tồn tại vững mạnh trước sự lấn lướt triền miên của thế lực Phương Tây.
Việt Nam: Đất Nước Phụng Hoàng [1]
Vietnam, Where Phoenix Uprises [2]
Vietnam: The Phoenix Reborn Anew [3]
Vietnam, The Phoenix Rising Renewed [4]
Các bạn hãy đến Việt Nam để nhìn thấy và cảm nhận được sự vút bay cao của cánh phượng hoàng từ nghịch cảnh.
Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế
Ghi chú:
[1], [2], [3], & [4] : vài Slogan thuộc nhóm “Việt Nam: Đất Nước Của Những Chiến Công Lịch Sử Vì Nhân Loại” của Hoàng Hữu Phước sáng tác. Ngụ ý: Việt Nam luôn vươn lên vĩ đại hơn, hoành tráng hơn, từ nghịch cảnh tro tàn (tương tự ý của câu khẩu hiệu motto tiếng La Tinh “per aspera ad astra” tức “từ trắc trở ta đi tới vinh quang” của tiểu bang Kansas, Hoa Kỳ)
Tài liệu tham khảo:
Hoàng Hữu Phước. 2009. Aitee (IT) Việt Nam: Tìm Một Lối Đi Đúng Tầm Nội Lực: Nhân Sự Kiện Bảo Việt Nhân Thọ & Bravura Solutions. Bài đăng trên emotino.comnhưng trang này đã ngưng hoạt động từ Quý II năm 2014. Chưa đăng lại.
Hoàng Hữu Phước. 2010. Nền Cũ Lâu Đài Bóng Tịch Dương – Luận Về Bảo Tồn & Bảo Tàng. Bài đăng trên emotino.com nhưng trang này đã ngưng hoạt động từ Quý II năm 2014. Đăng lại tạihttp://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2014/03/02/nen-cu-lau-dai-bong-tich-duong-luan-ve-bao-ton-bao-tang/
Hoàng Hữu Phước. 2010. Lý Giải Mới Cho Một Tích Cũ. Bài đăng trênemotino.com nhưng trang này đã ngưng hoạt động từ Quý II năm 2014. Đăng lại tại http://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2014/10/29/tram-trung/
Thế là bác Giao đặt bài của tôi vào cùng một mục với bài của nghị Phước, ông ấy mà biết rồi dỗi thì bác Giao thì mệt đấy nhé.
Trả lờiXóaÀ, mục "vui vui" nhỉ ! Mình hiểu ý của Nỡm rồi. Có lẽ phải mở nhỏ hơn nữa, là "vui vui a" và "vui vui b", để phân biệt cho rõ chăng.
Xóa